Tác giả

Chuyên mục

Trang

Lưu Hiểu Ba – Khác biệt giữa nhân và phi nhân

Th7 24, 2021

Phạm Thị Hoài lược dịch

Trước Sự kiện Thiên An Môn, Lưu Hiểu Ba là một học giả trẻ, vừa nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nổi tiếng là tự tin, đầy tinh thần phê phán, thẳng thắn và không hiếm khi cực đoan, được mệnh danh là một “hắc mã” trên văn đàn Trung Quốc và được nhiều cơ quan nghiên cứu ở nước ngoài chào đón. Cuộc phỏng vấn với tạp chí Khai Phóng ngày 27.11.1988, khi ông vừa thỉnh giảng tại Na Uy trở về và ghé qua Hong Kong vài ngày để sau đó sang Mỹ theo lời mời của Đại học Hawaii, đã trở thành nguồn tham khảo và trích dẫn quan trọng cho cả giới nghiên cứu về Lưu Hiểu Ba lẫn phía lên án và kết án ông. Sau đây là tóm lược từ một số câu trả lời của ông.

________________

Về hệ thống giáo dục ở Trung Quốc

Tôi không nhìn vào mảnh bằng mà nhìn vào con người cụ thể, vì học vị không nói lên điều gì; 95% người tốt nghiệp đại học, 97% thạc sĩ và 98-99% tiến sĩ là đồ bỏ. Nhưng điều tôi quan tâm không phải là chuyện học vị, mà là hệ thống giáo dục ở Trung Quốc, cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Kỹ năng và quy trình biến con người thành nô lệ của hệ thống đó đã đạt tới đỉnh cao và thuần thục nhất thế giới. Bản thân tôi từ tiểu học lên đến đại học như bị ép chặt vào một thanh nẹp, lớn lên như một thân cây, tuy có dài ra thật nhưng cành lá bị tuốt sạch.

Về giới nghiên cứu Trung Quốc ở nước ngoài

Quỹ nghiên cứu thuộc Đại học Oslo đã mời 5 vị khách Trung Quốc thỉnh giảng, lần lượt là tôi, nhà thơ Bắc Đảo, đạo diễn Trần Khải Ca, nhà văn Vạn Chi và nghệ sĩ Mễ Khâu. Tôi thấy 98% giới Hán học ở Bắc Âu cũng là đồ bỏ, chất lượng nghiên cứu cực kỳ kém, nhiều người nịnh bợ Bắc Kinh và tâng bốc những thần tượng được Trung Quốc đề cao. Quan hệ của họ với Bắc Kinh rất thực dụng, họ không phải là những học giả thực sự. Tôi chỉ coi trọng Pierre Ryckmans (Simon Leys) ở Úc và John K. Fairbank ở Mỹ, đó là những người thực sự quan tâm tới các vấn đề Trung Quốc mà vẫn giữ được khoảng cách và sự tỉnh táo với chính quyền. Nhiều nhà Hán học ở Đức, Thụy Điển và Bắc Âu không hiểu cả văn hóa của chính họ lẫn văn hóa Trung Quốc. Cả trình độ tiếng Trung lẫn năng lực của các giáo sư Khoa Đông Á ở Đại học Oslo đều lệch lạc. Tôi đã bảo họ rằng các vị ở đây nghiên cứu văn học Trung Quốc đương đại cũng ở mức như chúng tôi ở Trung Quốc nghiên cứu văn học Việt Nam hay văn học Triều Tiên mà thôi, và họ không vui vì tôi là người Trung Quốc đầu tiên được họ mời mà lại phát ngôn thiếu lịch sự như vậy.

Về nền văn minh Trung Hoa nhân tranh cãi xung quanh bộ phim truyền hình Hà Thương

Theo tôi, đối kháng chỉ có thể hình thành giữa hai thứ tương đồng về sức mạnh nhưng bất đồng về phương hướng, trong khi nền văn minh Trung Hoa đã lỗi thời, không có gì để đối đầu với phương Tây, cho nên quan niệm về đối kháng với phương Tây chỉ cho thấy lòng tự phụ thâm căn cố đế của dân tộc Trung Quốc. Điều cần thiết bây giờ là thừa nhận sự lạc hậu và thất bại của mình, học lại từ đầu và chân thành học hỏi người khác. Nhưng ý thức tiềm ẩn trong cả bộ phim Hà Thương là đề xuất việc Tây phương hóa Trung Quốc, song trong tương lai lại muốn Trung Quốc Hán hóa thế giới. Quan niệm của người Trung Quốc là khi phương Tây mạnh thì Trung Quốc làm nô lệ, và đến lượt mình, khi mạnh lên thì Trung Quốc sẽ muốn đè đầu phương Tây làm nô lệ, theo phương châm học sức mạnh của bọn man di để chế ngự bọn man di. Trung Quốc chửi kẻ khác là đế quốc, nhưng chính mình mới thực là đế quốc nhất. Người Trung Quốc có thể thừa nhận rằng về vật chất thì mình lạc hậu, máy móc không bằng người, quần áo không bằng người, nhưng về tinh thần thì chẳng thua kém ai hết, còn đạo đức thì đứng đầu thế giới luôn. Tôi cũng không thích lời bình và giọng điệu trong phim này, vì đó là ngôn ngữ cứu thế, sở trường của Mao Trạch Đông, thứ ngôn ngữ đã ảnh hưởng mạnh đến lý luận và tiểu thuyết Trung Quốc đương đại.

Về trí thức Trung Quốc

Tính hai mặt ở trí thức Trung Quốc rất mạnh, vì học thuật cũng có giá trị thực dụng, trở thành học giả là có thể gặt hái nhiều lợi ích thiết thực. Kẻ sĩ có được chỗ đứng trong xã hội bằng hai cách. Cách thứ nhất là nhập thế, trở thành thành viên của bộ máy quan liêu và hưởng thụ những lợi ích thực tế. Cách thứ hai là danh hậu đắc lợi, kiếm danh trước để thu lời sau. Chư Cát Lượng bày trò “tam cố mao lư” với kẻ cầm quyền để lưu danh tiếng, ẩn là để hiện, thoái là để tiến, xuất thế là để nhập thế. Tôi tuyệt đối không tin rằng sự lạc hậu của Trung Quốc là do một số vị hôn quân nào đó gây nên, mà trước hết do tất cả mọi người, vì hệ thống do con người tạo ra. Mọi tấn bi kịch Trung Quốc đều do chính người Trung Quốc tự biên, tự diễn, tự dàn dựng và tự hân hoan thưởng thức. Vì vậy đừng đổ lỗi cho ai khác. Trí thức không nên đóng vai nạn nhân, một mình Mao Trạch Đông thì không thể làm nên cả cuộc Cách mạng Văn hóa. Người Trung Quốc rất thiếu sáng tạo. Phương Tây có những triết gia duy nghiệm, triết gia tư biện, triết gia tôn giáo, triết gia phi lý và học giả luận lý kiệt xuất. Trung Quốc chẳng có gì ngoài một đống hổ lốn lừa chẳng ra lừa, ngựa chẳng ra ngựa.

Về Khổng tử và phương Tây

Khổng tử tầm thường, Mạnh tử trí tuệ hơn, chỉ có Trang tử là thiên tài. Từ quan điểm triết học, Khổng tử chẳng là gì cả, Khổng giáo là một học thuyết nhập thế, lấy phục vụ chính trị làm mục đích. Nhà Hán đã biến nó thành công cụ thống trị và lẽ ra sinh mệnh của nó phải kết thúc ở nhà Hán, nhưng thật kỳ quái, bao nhiêu năm rồi mà nó vẫn tồn tại. Nhưng đối diện với thế giới hiện đại thì nó thực sự đã chết. Một số người ở phương Tây thích Khổng tử. Không có gì lạ cả, vì đó là một xã hội đa nguyên. Nhưng trong một xã hội nhất nguyên thì cả những thứ tốt đẹp nhất cũng thành vô dụng. Nếu Trung Quốc là một chính thể đa nguyên, ai muốn tin vào Marx, vào đạo Cơ-đốc hay vào Khổng tử xin cứ việc, tôi chẳng có gì phản đối. Nhưng ở Trung Quốc hiện nay, tin vào Marx là đồng nghĩa với tin vào một hình thái tư tưởng độc tài, vì chủ nghĩa Marx ở Trung Quốc là công cụ của giai cấp thống trị; nó là một cái gậy, không có chút ý nghĩa lý luận nào.

Có những người đem thành tựu kinh tế của bốn con rồng châu Á để chứng minh giá trị của Nho giáo. Thật vớ vẩn và thậm chí vong ân bội nghĩa! Đài Loan, Hàn quốc và Singapore đều được Hoa Kỳ hỗ trợ, Nhật Bản cũng vậy. Không có sự ràng buộc về nhân quyền theo quan điểm của Mỹ thì có lẽ những nước đó chẳng có gì hết. Sự xấu xí của phương Đông là ở đó, phương Đông đang đứng trước vấn đề giải phóng con người. Trung Quốc là một cỗ máy chính trị, Nhật Bản là một cỗ máy kinh tế, trong đó mỗi cá nhân chỉ là một con ốc vít. Các vấn đề nhân quyền ở Đài Loan và Nhật Bản vẫn chưa được giải quyết. Hương Cảng đã giải quyết các vấn đề nhân quyền ở cấp độ của phương Tây hiện đại, nhưng chưa giải quyết các vấn đề của tự do ở cấp độ hiện đại.

Không có gì phải bàn cãi, hiện đại hóa là chân lý tối cao, nó bao hàm: sở hữu tư nhân, chính trị dân chủ, tự do ngôn luận và thượng tôn pháp luật. Tây phương hóa triệt để là nhân bản hóa và hiện đại hóa. Lựa chọn Tây phương hóa là để sống một cuộc sống của con người. Khác biệt giữa Tây phương hóa và duy trì hệ thống của Trung Quốc là sự khác biệt giữa nhân và phi nhân. Nói cách khác, nếu muốn sống một cuộc sống nhân bản thì phải triệt để Tây phương hóa, không có nhân nhượng và điều hòa gì hết.  

Về văn học Trung Quốc Đại lục

Văn học Đại lục hiện nay không có gì hay cả. Không viết được, chứ không phải không được phép viết. Ảnh hưởng của văn học phương Tây chỉ hữu ích khi khơi dậy được sức sống nội tâm của các tác giả Trung Quốc. Như Lỗ Tấn, chịu nhiều ảnh hưởng ngoại quốc, song AQ chính truyện của ông tuyệt đối là của Trung Quốc. Hiện nay có một số tác giả sao chép cả quan niệm lẫn cấu trúc của văn học phương Tây, như Trạm xe điện của Cao Hành Kiện đã bệ nguyên kết cấu của Trong khi chờ Godot và được coi là “cách tân”. Kiểu thô tục cao cấp đó còn đáng sợ hơn bắt chước câu chữ. Văn học tìm về cội nguồn cũng sao chép những quái sự li kỳ của Trăm năm cô đơn, Trần Khải Ca và những người khác cũng lâm vào tình trạng này.

Về phần mình, tôi cũng phải nhặt nhạnh sự thông tuệ của người khác, nhưng học một cách thiết thực, vì tôi lớn lên trong một sa mạc văn hóa. Tôi phải cảm ơn Marx, vì Tuyển tập Karl Marx là cuốn sách duy nhất tôi được đọc thời Cách mạng Văn hóa. Marx đã cấp cho tôi rất nhiều chỉ dẫn về lịch sử triết học phương Tây và là cầu nối duy nhất với “thế giới” thời đó. Tôi đã đọc Toàn tập Karl Marx hơn 40 quyển và có thể trích dẫn thuộc lòng khá nhiều đoạn. Các tác phẩm thời kỳ đầu của Marx rất được.

Về chủ nghĩa Marx

Với tôi, chấn động duy nhất từ Marx là thái độ phê phán không thỏa hiệp. Phương pháp luận lịch sử của Marx cũng chứa đựng một đạo lý nhất định, nhưng nhiều thứ khác thì vớ vẩn, chẳng hạn sự phân tích cấu trúc xã hội phương Tây: kẻ bóc lột và người bị bóc lột, giai cấp tư sản và giai cấp công nhân, quá đơn giản để thấy được quan hệ tương hỗ, kiềm chế lẫn nhau giữa các giai tầng. Nói chính xác thì khái niệm giai cấp hiện không thể áp dụng ở phương Tây được nữa. Cách phân loại của Marx chỉ đúng với xã hội chuyên chế. Chủ nghĩa cộng sản của Marx thực ra chỉ là một nhánh trong truyền thống của phương Tây, từ nhà nước lý tưởng của Plato qua thiên đường trong Kinh thánh, Utopia của More, Thái dương thành (Civitas Solis) của Campanella đến chủ nghĩa xã hội không tưởng của Pháp. Nhưng lý tưởng mác-xít khốn khiếp là ở chỗ nó thuyết giảng rằng ngay ngày mai nó sẽ thành hiện thực: chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị sẵn điều kiện vật chất tối hảo cho cuộc cách mạng dẫn đến chủ nghĩa cộng sản. Các lý tưởng của Marx xem ra thật rẻ mạt.

Về điều kiện cải tạo Trung Quốc

Trung Quốc hiện chưa thoát khỏi nền văn minh nông nghiệp và vẫn còn phải tu bổ khóa học về chủ nghĩa tư bản. Ngay cả khi một vài nhà cầm quyền có hạ quyết tâm thì Trung Quốc vẫn không có khả năng cải tạo về căn bản, vì đơn giản là thiếu nền móng. Điều kiện duy nhất để Trung Quốc thực sự đạt tới một chuyển đổi lịch sử là phải trải qua ba trăm năm chấp nhận làm thuộc địa. Hương Cảng được như ngày nay là nhờ cả trăm năm thuộc địa. Trung Quốc rộng lớn hơn nhiều, đương nhiên phải cần đến ba trăm năm. Nhưng liệu ba thế kỷ có đủ không? Tôi vẫn hoài nghi lắm. Song đáng tiếc là lịch sử không còn cho Trung Quốc một cơ hội như Hương Cảng nữa. Thời thuộc địa thực dân đã thuộc về quá khứ. Chẳng còn ai sẵn sàng nhận lấy cái gánh nặng là Trung Quốc.

Về Tổ quốc

Marx viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Công nhân không có Tổ quốc. Người ta không thể cướp của họ cái mà họ không có.” Tôi không quan tâm đến những lời gió bay ái quốc hay phản quốc. Ai thích gọi tôi là đồ phản quốc thì tôi là đồ phản quốc, đồ bất hiếu quật mộ tổ tiên, và tôi lấy đó làm tự hào.

Nguồn: Tạp chí Khai Phóng (Hong Kong) ngày 27.11.1988. Nhan đề đoạn trích do người dịch đặt.

Tuần báo Trẻ, 22/7/2021