Tác giả

Chuyên mục

Trang

Lưu Hiểu Ba – Lẽ nào chúng ta không là kẻ đồng lõa?

Th7 13, 2021

Hôm nay là tròn 4 năm ngày mất của Lưu Hiểu Ba. Ở Việt Nam sự nghiệp tư tưởng, văn hóa và chính trị của ông chưa bao giờ được đề cập. Tên ông chỉ được nhắc đến, khi truyền thông chính thống vạch trần âm mưu của phương Tây với Giải Nobel Hòa bình cho ông năm 2010, khi Việt Nam chia sẻ niềm tự hào của Trung Quốc trước một Nobel thực sự xứng đáng cho một người Trung Quốc khác – nhà văn Mạc Ngôn – năm 2012, khi Bắc Kinh nổi giận về đề nghị lấy tên ông đặt cho con đường trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ năm 2016, và khi ông qua đời năm 2017– vài dòng không một lời thương tiếc.

Song độc giả Việt Nam có thể đọc ông qua một tác phẩm do NXB Văn hóa Dân tộc xuất bản năm 2002, Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê, bản dịch của Vũ Công Hoan, hơn 400 trang đối thoại văn học giữa Lão Hiệp – bút danh của Lưu Hiểu Ba mà các nhà kiểm duyệt Việt Nam chắc chắn không biết – và Vương Sóc, hai văn nhân cùng thế hệ, cùng nổi lên như hai hiện tượng đặc biệt của văn đàn Trung Quốc từ giữa những năm tám mươi. Đoạn trích sau đây là ý kiến của Lưu Hiểu Ba về văn học Trung Quốc sau Cách mạng Văn hóa.

Phạm Thị Hoài

___________

Từ khi Cách mạng Văn hoá chấm dứt đến nay, văn nhân Trung Quốc vẫn tựa lưng vào một vòng sáng hư ảo. Lúc mới đầu, vòng sáng hư ảo này chiếu vào sự phản kháng và chống đối của các nhà phê bình, nhà văn, ca sĩ và đạo diễn tiên phong. Bối cảnh lớn của hình thái ý thức Cách mạng Văn hoá đã làm nổi bật hoặc thổi phồng tính chất sâu sắc và gay gắt của sự phản kháng ấy. Dần dần các nhà tiên phong đã mất đi cái nền cho họ nổi bật, sự phản kháng đã mất đi bối cảnh. Té ra chúng ta chỉ nói những lời người khác đã nói. Chúng ta chẳng qua là “văn học tan băng” của Liên Sô, chẳng qua là nói những điều mà các bậc tiền bối của thời Ngũ Tứ đã nói từ đời nào. Thế là chẳng ai tìm được chỗ đứng, người thì đi tìm cội nguồn, kẻ thì lao vào văn hoá đại chúng, người nữa thì chạy theo thời thượng mới nhất của phương Tây. Các đạo diễn tiên phong, những nhà lý luận tinh anh cũng bắt đầu cải tà quy chính. Còn các nhà viết tiểu thuyết thì cơ bản không có việc làm, liền quay sang viết các cảm thán cũ. Ví dụ, lửa của Tô Ðồng[1] giống lửa của Dư Thu Vũ[2].  Tô Ðồng là phiên bản tồi của Trương Ái Linh[3]. Dư Thu Vũ là văn học tìm về cội nguồn, là thông tục hoá thuyết văn hoá Trung Quốc cứu vớt loài người của Lý Trạch Hậu[4]. Còn có cả luồng tư tưởng “bản địa hoá” rất ầm ĩ hung hăng, đem chủ nghĩa phương Ðông[5] và việc phê phán chủ nghĩa thực dân phương Tây ra nói. Cách mạng Văn hoá vừa chấm dứt là thời kỳ động đực của người Trung Quốc. Nếu một ngày nào đó thật sự có tự do, có thể viết một cách không bị hạn chế, thì chúng ta còn viết được gì nữa? Lúc đó mới thật sự mất ngôn ngữ, ngay đến đại giả dối cũng không có.

Trí thức, nhà văn Trung Quốc đứng trước một vấn đề: khi đại nạn của dân tộc kéo dài nửa thế kỷ xảy ra mà tàn dư vẫn còn thì phải đối mặt với nó bằng phương thức và tư thế dáng vẻ nào? Tôi cảm thấy sự giả dối lớn nhất là thể hiện mình trước tiên, đặt mình vào vị trí của người lên án và phán xét. Xưa nay chưa có ai hoặc rất hiếm có ai tự hỏi bản thân rằng ta có dự phần vào việc gây ra đại nạn này không. Ta có phải là kẻ đồng lõa không? Ta có phải chịu một phần trách nhiệm, dù chỉ từ khía cạnh đạo nghĩa không? Không có sự xét hỏi tâm khảm mình này thì không có cái gì thật. Gột rửa sạch bản thân thì coi như gột rửa sạch cho tất cả bọn đao phủ. Cho nên văn chương Trung Quốc đều mang tính tô vẽ giả dối. Tô hồng bản thân cũng là tô hồng nỗi đau khổ, tô hồng nỗi đau khổ có nghĩa là gỡ tội cho những kẻ gây nên đau khổ.

Thứ văn chương ấy cho một cảm giác rằng chính nghĩa cuối cùng sẽ chiến thắng gian tà độc ác. Ta đã là người kiên trì cho đến giây phút chó sủa trong bóng tối. Thứ này có hiệu quả lạ lùng lắm. Khi đau khổ không được công khai thì người ta im lặng, chấp nhận, lạnh lùng tới mức tê dại, tới mức thành người thực vật. Nhưng khi được công khai thì đau khổ trở thành một thứ vốn liếng để chộp lấy quyền lực, địa vị xã hội và vinh quang, thậm chí là viên gạch gõ cửa khoa cử. Ta là phái hữu từng chịu khổ nạn; ta là thanh niên trí thức từng lên núi xuống làng; ta là ngưu ma quỷ thần từng bị đấu tố, đã nằm chuồng bò… Vậy thì xã hội phải tôn kính ta, bù đắp cho ta, bồi thường cho ta, ta có quyền đòi hỏi xã hội tất cả. Dựa vào cái gì cơ chứ? Dựa vào việc ta đã từng chịu khổ, đã từng bị bức hại. Những người đã băng qua đồng cỏ núi tuyết thì có huân chương trường chinh. Những người từng đào địa đạo, giật nổ lô cốt giặc thì có huân chương kháng chiến. Những người đã đánh qua Nam Kinh thì có huân chương giải phóng. Những người từng đánh giặc Mỹ thì có huân chương “chống Mỹ viện Triều”. Vậy thì, ta từng chống “Bè lũ 4 tên”, từng gửi kiến nghị cho Đảng, đã trở thành phái hữu, thì ta phải được huân chương phái hữu, huân chương ngưu ma quỷ thần. Ðể treo nó lên ngực nỗi đau khổ của ta, để ai ai cũng biết ta đã từng chịu khổ, ta có quyền yêu cầu mọi thứ và càng có quyền lên án người khác và tô hồng bản thân.

Sau 70 năm Bức màn Sắt của Liên Sô, dù thế nào thì vẫn còn một quyển Quần đảo Gulag, vẫn còn có người sờ lên ngực tự hỏi, ta phải chịu trách nhiệm gì bởi sự tồn tại của bức màn sắt đó. Vì sao ta đã không làm gì khi có cơ hội chống lại, thậm chí một câu chất vấn đơn giản, một động tác ôm cột điện hét to cũng không làm. Chúng ta là nạn nhân, điều ấy là cái chắc. Lẽ nào chúng ta không là kẻ đồng lõa? Tối thiểu nên tự hỏi bản thân như vậy.

Lúc Cách mạng Văn hoá mới bắt đầu, tôi còn nhỏ, không có thứ cử chỉ mạnh mẽ của Hồng Vệ binh. Nhưng hồi tưởng lại thì cảnh tàn nhẫn của cả xã hội cũng là từ trẻ con gây nên. Còn nhớ một việc rõ nhất, tôi đã từng có lần tàn nhẫn với một ông già bằng tuổi bà nội tôi khi ấy, lúc tôi mười một mười hai tuổi. Ông tên là Doãn Hải, đã đi lính Quốc dân Đảng mấy ngày sau đó đào ngũ về nhà. Ông ở gác dưới nhà tôi, làm nghề cắt tóc nuôi thân, tức là cầm một chiếc tăng-đơ sắt bóp bóp trong tay, phát ra tiếng kim loại va vào nhau, ngân rất lâu mới dứt. Ông Doãn Hải và bà nội tôi có quan hệ với nhau rất tốt. Cách mạng Văn hoá bùng nổ, ông trở thành phần tử có lịch sử phản cách mạng. Bị con trai từ bỏ, ông không được cắt tóc nữa, bị buộc dọn khỏi nhà, đến ở trong một gian nhà nhỏ mấy mét vuông của phòng nồi hơi khu tập thể chúng tôi, vừa tối vừa ẩm, ngoài cái giường ra không còn chỗ nào nữa. Ông phải đi bới rác kiếm sống. Trong khu nhà chúng tôi còn có một người đàn bà Nhật bị gọi là “Ðông Phương”. Bà và ông Hải cùng bị chỉnh. Hàng ngày khi chúng tôi, sáng xin chỉ thị, tối báo cáo bày tỏ lòng trung thành, nhảy điệu múa chữ Trung, thì bà Ðông Phương và ông Doãn Hải phải đứng trước mặt cúi đầu nhận tội. Ông Doãn Hải đầu cắt trọc, cạo bóng loáng. Một hôm tôi và mấy bạn nhỏ vừa đi vừa tìm trò nô đùa, chợt nhìn thấy cái đầu trọc long lóc của ông Doãn Hải đang lục bới trong đống rác, dưới nắng trời cái đầu trọc càng bóng loáng. Mắt tôi bừng sáng lên, tìm được trò chơi rồi. Chúng tôi đi đến chỗ ông nói to: “Lão Doãn Hải kia ngẩng đầu lên, thò cái đầu trọc ra, để ta búng vào trán mấy cái”. Ông Doãn Hải nhìn tôi, đần mặt ra có vẻ cầu cứu. Ông bảo: “Cậu Ba ơi, tôi và bà nội cậu ngang tuổi nhau, lại là hàng xóm láng giềng quen biết cũ, trước đây thường hay cắt tóc cạo đầu cho mấy anh em cậu, xin cậu tha cho tôi lần này”. Tôi đáp: “Không được, dứt khoát phải búng”. Ông Doãn Hải lại van xin mấy câu, thấy không ăn thua, ông liền lùi một bước thoả thuận: “Vậy thì nếu cậu định búng thật thì tôi quay đi, cậu búng vào gáy có được không? Tôi bảo: “Cái lão già này khôn ranh láu lỉnh lắm, thảo nào quy lão là có lịch sử phản cách mạng. Không được, hôm nay ta dứt khoát phải búng vào cái trán bóng kia mới được”. Mấy bọn trẻ khác cùng vào hùa với tôi, đá tung cái sọt đựng rác của ông, sấn sổ nói: “Không cho búng thì từ nay về sau đừng hòng bới rác nữa”.

Ông Doãn Hải không biết làm gì hơn, đành cố thò cái đầu ra giữa trời nắng gay nắng gắt, trán ông đọng những giọt mồ hôi li ti. Tôi hoàn toàn không biết đó là một thứ làm nhục nhân cách hết sức ghê gớm. Ông Doãn Hải ở độ tuổi có thể làm ông nội tôi, sống lương thiện, lại dí dỏm, trước đây thường kể chuyện pha trò khi cắt tóc cho tôi. Nhưng lúc này, tôi không cảm thấy gì, chỉ cảm thấy háu chơi. Tôi búng mạnh vào cái trán bóng lọng lấm tấm mồ hôi của ông, mấy cậu bạn kia cũng búng theo. Cuối cùng ông Doãn Hải cúi xuống, quay người đi, lưng quay về phía chúng tôi, vơ nhặt những thứ đồng nát vương vãi ra đất. Bây giờ nghĩ lại, chắc chắn là ông khóc, khóc vì nỗi sỉ nhục chảy vào tim. Trái tim con người, nếu biết chảy máu, thì nhất định chảy vào lúc móng tay tôi búng lên trán ông Doãn Hải. Từ đó trở đi, hễ nhìn thấy chúng tôi thì từ mãi đằng xa, ông Doãn Hải đã giơ cánh tay lên hô to: “Học tập Hồng Tiểu binh! Kính chào Hồng Tiểu binh!”. Ông hô tới mức chúng tôi cười phá lên. Lúc còn bé tôi đã làm khá nhiều việc tàn nhẫn như vậy. Hành vi này không khác gì về thực chất với Hồng Vệ binh chuyên đi đánh đập cướp giật, túm đầu người khác. Bọn chúng tôi có một thứ tàn bạo hung dữ không coi ai ra người, vốn có ngay từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. Ở thời đại con người như rau cỏ, thì không ai trong chúng ta thoát được trách nhiệm, rửa sạch được mình đâu.

(Trích từ Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê của Vương Sóc và Lão Hiệp, bản dịch của Vũ Công Hoan, NXB Văn hóa Dân tộc, 2002)


[1] Tô Đồng (Su Tong), tác giả tiểu thuyết Năm thê bảy thiếp (Thê thiếp thành quần, 1990) được Trương Nghệ Mưu chuyển thể điện ảnh thành bộ phim Đèn lồng đỏ treo cao (1991) nổi tiếng. Tiểu thuyết Con thuyền không bến đỗ đoạt giải Văn học châu Á của ông được dịch và xuất bản tại Việt Nam năm 2011. Năm 2015, ông đoạt Giải Mao Thuẫn, giải thưởng văn học danh giá hàng đầu Trung Quốc.

[2] Dư Thu Vũ (Yu Qiuyu) là một nhà văn và học giả văn hóa Trung Quốc hết sức thành đạt. Hai tác phẩm Ngàn năm một tiếng thở dàiHành trình vô tận của ông được dịch và xuất bản tại Việt Nam năm 2018.

[3] Trương Ái Linh (Eileen Chang, 1920-1995), nhà văn nữ xuất sắc với những tác phẩm về Thượng Hải và Hong Kong những năm 1940, sống phần lớn cuộc đời và mất tại Hoa Kỳ. Tác phẩm Sắc, Giới của bà được dịch và xuất bản tại Việt Nam năm 2009.

[4] Lý Trạch Hậu (Li Zehou), học giả và nhà tư tưởng, ảnh hưởng mạnh đến trào lưu thoát giáo điều cộng sản ở Trung Quốc từ những năm tám mươi, từng bị quản thúc sau Sự kiện Thiên An Môn, từ năm 1991 sống và giảng dạy tại Hoa Kỳ. Danh tiếng của học giả trẻ tuổi Lưu Hiểu Ba hình thành với tác phẩm Phê phán sự lựa chọn – Đối thoại với Lý Trạch Hậu năm 1987. Một số công trình của Lý Trạch Hậu như Bốn bài giảng mỹ học, Trung Quốc tư tưởng sử luận đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam.

[5] Trào lưu xuất phát từ Orientalism (1978), tác phẩm nổi tiếng của Edward Said, học giả Hoa Kỳ gốc Palestine