Tác giả

Chuyên mục

Trang

Hai giấc mộng

Th3 26, 2021

Phạm Thị Hoài

Lòng tự ái dân tộc đầy thịnh nộ của Trung Quốc không mới, chuyện kiểm duyệt ở Trung Quốc cũng không mới, song lần này là một tai nạn mà các nhà chức trách đại lục thực ra rất muốn lờ đi.

Sau khi đã được trao vô số giải thưởng điện ảnh quốc tế danh giá, trong đó có Giải Sư tử vàng, nữ đạo diễn Trung Quốc Triệu Đình (Chloé Zhao) lại thành công rực rỡ ở giải Quả Cầu vàng với bộ phim Nomadland (Xứ du cư). Tân Hoa xã lập tức đưa tin và Hoàn cầu Thời báo, pháo đài ngôn luận chuyên khạc lửa ái quốc, kịp thời tán dương ngôi sao vụt sáng ấy là vầng hào quang lộng lẫy đến từ Trung Quốc. Kích thước kiêu hãnh của quốc gia này đo bằng ít nhất chín chữ số. Mạng Sina Weibo ghi nhận hàng trăm triệu lượt đọc tin về một bộ phim hoàn toàn xa lạ với xã hội đại lục.

Không tự hào sao được: Triệu Đình rõ ràng là một công dân Trung Quốc. Khác với Lý An (Ang Lee), đạo diễn châu Á duy nhất từng nhiều lần ẵm cả Quả Cầu vàng lẫn Oscar, nhưng ở Trung Quốc thì được coi là người Mỹ, ở Mỹ thì được coi là người Đài Loan và ở Đài Loan thì được coi là người Trung Quốc. Triệu Đình sinh ra và lớn lên tại Bắc Kinh, du học ở Anh từ năm 15 tuổi rồi qua Mỹ. Mẹ đẻ là Hoàng Đào, nhân viên y tế và văn công quân đội, con gái của Hoàng Nghị Thành, cựu Bộ trưởng Năng lượng và Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Cha là đại gia và tỉ phú Triệu Ngọc Cát, từng giữ những trọng trách như Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn Gang thép Thủ Đô, một tập đoàn nhà nước, thuộc nhóm 10 tập đoàn gang thép lớn nhất thế giới; rồi Tổng Giám đốc Tập đoàn Vật liệu Quốc phòng Quốc gia; hiện là chủ tịch một công ty quản lý đầu tư bất động sản lớn ở Bắc Kinh. Mẹ kế là nữ diễn viên nổi tiếng Tống Đan Đan mà khán giả Việt Nam cũng rất hâm mộ. Quyền lực, thành đạt, tiền bạc, danh tiếng, tài năng và nghệ thuật ở tầm vóc quốc tế: một kịch bản Trung Hoa hoàn mỹ mà Tập Chủ tịch cũng không thể sáng tác hay hơn.

Áp-phích phim Nomadland của Triệu Đình

Tuy chẳng biết phải làm gì với một bộ phim Mỹ không MCU và Hollywood, không siêu anh hùng đùng đùng đi cứu thế giới, không siêu mỹ nữ phơi phới, không siêu yêu quái và siêu người máy, không siêu thảm họa và siêu tận thế, không cả siêu tốc độ và siêu kỹ xảo, một chút zombie lảo đảo hay vài pha dí dỏm để cả rạp cùng ôm bụng cười cũng không, nhưng khán giả đại lục vẫn hoan nghênh Nomadland, nghe nói nó phơi bày bộ mặt tàn nhẫn của xã hội Mỹ, nơi những người dân khốn khổ bị đẩy tới bước đường cùng, không chốn nương thân, lang thang trên những nẻo đường vô vọng. Một đạo diễn Trung Quốc đã chỉ ra cho nước Mỹ thấy hiện thực đen tối của nó, vậy là tự sự về tính ưu việt của mô hình Trung Quốc không thể được quảng bá tế nhị mà hiệu quả hơn. Cho nên dù doanh thu phòng vé của Nomadland ở đại lục sẽ chỉ mang tính tượng trưng, nhưng hệ thống quảng cáo đã rầm rộ vào cuộc, lịch công chiếu đã chốt vào ngày 23/4 sắp tới. Vả lại đó chỉ là màn mở đầu. Cuối năm nay, bộ phim bom tấn The Eternals (Tộc Vĩnh hằng) với dàn siêu sao Angelina Jolie, Kit Harington, Richard Madden, Salma Hayek sẽ ra mắt. Đạo diễn được chọn mặt gửi vàng – dự đoán hàng trăm triệu dollar chỉ riêng ở thị trường Trung Quốc – cũng chính là Triệu Đình.

Song hào quang Trung Quốc không được phép có tì vết. Lực lượng lão phấn hồng và tiểu phấn hồng khét tiếng đã nhanh chóng tìm thấy hai phát ngôn rất có vấn đề. Thứ nhất, trả lời phỏng vấn năm 2013 của Filmmaker, một tạp chí nhỏ ở New York chuyên về điện ảnh độc lập, Triệu Đình cho biết đã sống thời thiếu niên ở Trung Quốc, nơi chỉ toàn dối trá mà người ta có cảm giác không bao giờ thoát ra nổi; khi đó cô được dạy những điều hoàn toàn sai sự thật, khiến cô nổi loạn, chống lại gia đình và môi trường. Sang học ở Anh, cô mới được trang bị để đi tìm sự thật. Thứ hai, trả lời phỏng vấn năm 2020 của trang tin News.com.au tháng 12/2020, Triệu Đình cho biết Hoa Kỳ bây giờ là đất nước của cô.

Cơn bão gạch đá của đại lục cũng đạt tốc độ và kích thước phi thường. Ngay hôm sau, niềm kiêu hãnh bị đổi phắt thành nỗi nhục. Mọi quảng cáo cho bộ phim biến mất; không thể tìm thấy hashtag #Nomadland#NomadlandReleaseDate trên các mạng xã hội nữa; các chuyên gia quạt gió thổi lửa đặt nghi vấn: Vậy Triệu Đình là người Trung Quốc hay người Mỹ gốc Hoa? Cô ta bôi nhọ Trung Quốc mà lại muốn Trung Quốc mở trái tim và túi tiền ra hậu đãi ư? Quên đi nhé, gieo nhân nào thì gặt quả ấy, cô ta phải trả giá.

Phương Tây quá biết thế nào là trả giá và đã làm chủ nghệ thuật tự kiểm duyệt trước khi tuyên giáo Trung Quốc giơ kéo. Song thận trọng mấy cũng chưa đủ, tâm hồn của dân tộc đang khao khát bá chủ thế giới ấy chỉ chờ dịp để bị tổn thương. Gần đây nhất, bộ phim Thợ săn quái vật (Monster Hunter) bị tống cổ khỏi đại lục sau một ngày chiếu, lỗ trắng 50 triệu chỉ vì một câu pha trò ngớ ngẩn về cái đầu gối Trung Quốc bẩn thỉu. Nên trang News.com.au vội cung cấp một đính chính: Triệu Đình không nói Mỹ “bây giờ là đất nước của tôi” (now my country), mà Mỹ “không phải đất nước của tôi” (not my country). Thực ra rất hợp lý trong văn cảnh liên quan, nữ đạo diễn giải thích rằng mình là người ngoại cuộc, không phải chịu gánh nặng lịch sử của một đất nước không phải là đất nước cô. Sơ suất ấy của cậu đánh máy có thể tha thứ, nhưng phát ngôn về Trung Quốc toàn những điều dối trá thì không. Tuy trang Filmmaker đã xóa sạch đoạn nhạy cảm nêu trên, nhưng internet không cho phép quên, nguyên bản vẫn còn lưu ở một trang khác.

Rồi Nomadland lại vừa được đề cử tranh giải Oscar ở 6 hạng mục quan trọng, một cơ hội vàng để đại lục ăn mừng Giấc mộng Trung Hoa đang thay thế Giấc mơ Mỹ ngay trên chính nước Mỹ. Thậm chí Tổng Biên tập Hoàn cầu Thời báo Hồ Tích Tiến, chiến binh tư tưởng tuân theo từng nhịp chân của Đảng, cách đây không lâu có bài “Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam” dậy sóng, cũng lựa lời mềm mỏng mong cứu vãn tình thế. Ông ta gợi ý rằng Triệu Đình tuy có nói gì đó xúc phạm đất nước, nhưng là chuyện nhiều năm về trước, khi cô còn trẻ, vả lại cô không phải là người bất đồng chính kiến, biến xác tín thành lập trường chính trị để khai thác, vậy không nên loại bỏ phim của cô khỏi thị trường Trung Quốc. Và khuyên: vụ này ta cứ để thị trường tự giải quyết.

Song thị trường chưa kịp trả lời thì Bắc Kinh đã ra lệnh: cấm truyền hình trực tiếp lễ trao giải Oscar năm nay. Tuy bộ phim Trung Quốc/Hồng Kông Em của thời niên thiếu khiến đại lục ngây ngất cũng được đề cử ở hạng mục phim nước ngoài hay nhất, nhưng còn có một tác phẩm khác đứng trong danh sách đề cử: bộ phim tài liệu Do Not Split của đạo diễn Na Uy Anders Hammer về phong trào phản đối dự thảo Luật Dẫn độ, kéo theo làn sóng biểu tình lịch sử ở Hồng Kong 2019/2020.

Một cảnh trong phim Do Not Split của Anders Hammer

Phim của Triệu Đình, cả The Rider mấy năm trước và bây giờ Nomadland, đều cho tôi một cảm giác biết ơn. Biết ơn vì sự chân thực chấn động trong những câu chuyện về các số phận bên rìa hay dưới đáy xã hội, đều là những tồn tại da trắng bấp bênh, thua thiệt, bị tước đoạt, song không cần ai rỏ nước mắt mà can đảm, thậm chí bướng bỉnh đương đầu số phận, thách thức hoàn cảnh, thất bại, chấp nhận thất bại, và đôi khi vươn lên những tầm nhân tính đẹp xót xa. Biết ơn vì sự tinh tế và thấu cảm không kể xiết của tác giả, một phụ nữ da màu xuất thân từ giới thượng lưu và là hiện thân của Giấc mộng Trung Hoa, hoàn toàn ngoại cuộc với môi trường Mỹ da trắng bị bần cùng hóa, nằm ngoài hay khước từ Giấc mơ Mỹ. Không thương vay khóc mướn và cũng không thi vị hóa, không vạch trần lên án và cũng không yêu cầu giải pháp, phim của Triệu Đình vừa là khúc ai ca dịu dàng của những nỗi đau và mất mát trong xã hội Mỹ hiện đại, vừa là bản hoan ca về tính cách và truyền thống Mỹ. Rất khẽ, rất nhẹ, nhưng với một liều lượng tuyệt đối chính xác vì chỉ chệch một tông là những bộ phim như Nomadland đổ sụp, nó trân trọng ngả mũ trước hành trình về hướng chân trời của những con người không có gì để mất ngoài ý chí tự do, tự lập và sự cô đơn kiêu hãnh của mình. Hành trình ấy khác hẳn hành trình của những nhân vật chạy trốn số phận và chỉ mong một lần trong đời thấy chú voi khổng lồ của gánh xiếc ở Mãn Châu, chú voi ngồi im, mặc xác cuộc đời ghê tởm, trong bộ phim 4 tiếng đồng hồ Chú voi ngồi im trên đất (An Elephant Still Sitting) của Hồ Ba, cũng một đạo diễn Trung Quốc.

Tôi cho rằng Triệu Đình sẽ không sớm trở về Trung Quốc. Ở đó Hồ Ba đã tự vẫn ngay sau bộ phim đầu tay và duy nhất của mình, ở tuổi 29.

(Tuần san Trẻ, 25/3/2021)