Tác giả

Chuyên mục

Trang

Thanh điệu

Th2 15, 2021

Thanh điệu

Phạm Thị Hoài

Chị ngồi ở mép giường, như một đụn dấu hỏi tuột khỏi nguyên âm. Từ phút đầu, căn hộ một phòng chèn hoa nhựa và che bằng họa báo của chị đã báo hiệu một thanh điệu lạc. Tôi quan niệm nghề viết cuối cùng là biến mọi thứ thành những ký hiệu văn bản, nên hay ứng định dạng vào loại hình. Dấu chấm câu, thường cho đàn ông. Có những ông toàn là dấu ngoặc đơn; không điều gì ở họ tự nó là một thông điệp đầy đủ, họ phải chua, phải phân bua, phải mở ngoặc và quên đóng lại. Có những ông là một chuỗi dấu ngoặc kép; họ báo hiệu rằng mình trình bày một trích dẫn, nhớ nhé: cần hiểu đúng văn cảnh. Có những ông là dấu chấm than to tướng, đóng khung, tô đậm, thậm chí mở đầu một câu, họ là và chỉ là những mệnh lệnh tuyệt đối. Có những ông chọn một tồn tại của dấu gạch nối vì không biết nó dùng vào việc gì. Dấu thanh điệu, thường cho đàn bà mà đa phần là những dấu huyền bình lặng. Có người thuần túy là những dấu sắc, ru con cũng nhọn hoắt và ngủ trong chiều thẳng đứng. Lại có người cười cũng bằng dấu nặng, mặt trời toàn lặn trong cuộc đời họ để mọc ở nơi khác; mỗi lần gặp tôi đều thầm mong họ đừng bao giờ đi bơi.

Phụ nữ tuổi chị, ở hoàn cảnh khác, thường là tập hợp của những dấu móc. Cái đầu chữ O và cái cổ chữ U của họ ngoắc đầy phụ kiện. Họ gắn chiếc râu của Ơ lên hai bên O và chồng chiếc mũ của Ô lên đó, họ là những chữ cái khó phát âm. Ở chị, những dấu hỏi lộn ngược thành từng chùm lưỡi câu nhuộm nâu treo hờ quanh gương mặt cũng hờ hững. Bám lệch quanh bờ vai cũng xộc xệch. Nằm úp thìa trong lòng bàn tay lúc nào cũng khum. Tạo dáng từ cổ khom xuống lưng, rồi quành sang phía trước nặn tiếp ba khoanh bụng, rồi bỏ dở tác phẩm ở đó. Hình hài ấy trong không gian này tiết lộ vì sao một bác sĩ giám định do tòa án triệu tập và tôi, người phiên dịch, có mặt ở đây.

Chị khóa trái cửa, rút chìa, thêm một ổ khóa nữa và một vòng xích, khi chúng tôi vừa lọt vào khoảnh hành lang bé xíu mà một chậu hoa nhựa, một chiếc xe đẩy đi chợ màu hồng còn mới và một chiếc nữa màu cam gãy càng đã chiếm hơn nửa. Hàng xóm ở đây rất tệ, chị thì thào. Tệ thế nào, bà bác sĩ hỏi. À à, tệ, tệ lắm. Cụ thể? À à, không tốt. Sau cả tiếng đồng hồ chúng tôi mới ráp được những mẩu thông tin rời rạc thành một tổng thể lạ lẫm. Hàng xóm chứa chấp tội phạm. Chúng khoét rỗng tường nhà chị, gài máy phát sóng; chúng lắp camera ở bốn góc nhà và trên đèn trần; chúng chui vào ống thông gió ở nhà bếp, luồn vào ống nước ở nhà vệ sinh, rình đúng lúc chị tắt TV đi ngủ thì chúng hành. Đôi khi chúng bò hẳn vào tai chị. Chúng gắn một con chip rệp vào đầu chị, đây, chỗ này, ngứa lắm, cứ giở giời là đau. Nhiều năm nay rồi. Cảnh sát Đức quan liêu không đi sâu đi sát, đến vài lần chỉ đứng ngoài cửa, chả làm được gì. Chúng có CIA hỗ trợ. Công an Việt Nam giỏi thế cũng chịu. Chị lên sứ quán tố giác toàn bị đuổi về. Chúng thừa tiền mua hết sứ quán. Chị không có bằng chứng, nhưng biết chắc bọn này là phản động chống cộng cấu kết với đám tị nạn sống chui. Chị không tị nạn. Chị là lao động hợp tác đê-đê-e [1]. Chúng muốn cướp trắng mấy chục năm của chị.

Bà bác sĩ nhìn quanh. Không một bức tranh, không một cuốn sách. Chị có gì mà lo cướp?

Chị cũng nhìn quanh, e ngại, thậm chí hơi sợ sệt, do dự, rồi mỉm cười tự hào. Đây này, chị lật lớp áo nỉ in họa tiết da báo, âu yếm vỗ lên chiếc túi đeo hông an toàn ôm sát lớp da tiêu điều của ba khoanh bụng trễ nải. Toàn bộ cuộc đời chị ở trong đó. Đi ngủ chị cũng không rời nó. Bát [2] là một, AOK [3] là hai. Hai thứ đảm bảo chị là người của nước Đức rồi, nước Đức phải lo hết mọi chế độ cho chị. Nên bọn kia thèm khát lắm.      

Thế hàng ngày chị làm gì?

Thì có gì đâu mà làm. Ăn rồi xem TV, dọp dẹp loanh quanh, tối ngủ.

Chị không ra ngoài sao?

Có chứ, hôm nào trời đẹp đi siêu thị xem hàng hạ giá, nhưng chả mua gì, ngó một lúc cũng chán.

Còn gia đình?

À, gia đình… Hồi lao động ở đê-đê-e, tiền gửi về chồng nẫng đi với vợ khác. Sau đổ tường chị đi quét dọn, có lúc làm hãng gà vịt xa tít ở Tây Đức, có lúc bán thuốc thuê, rồi đứng bếp, rồi có tiệm bán báo, làm ăn lúc được lúc mất, bị cướp mấy lần thì bỏ, hai đứa con cần gì mới nhớ tới mẹ. Bây giờ chị là gánh nặng, lâu lắm rồi chẳng đứa nào gọi điện.

Thế bạn bè?

Ôi dào bạn bè gì, bây giờ thân ai người nấy lo.

Chị có định về nước dưỡng già không?

Không, bệnh tật thế này, ở Việt Nam thì chết.

Bệnh gì?

Chả biết, nhưng cứ thấy có bác sĩ. Bác sĩ gì nhiều lắm, đây này. Chị lục đầu giường ra một đống thư từ để dọc ngang trong một chiếc bọc của H&M. Thuốc cũng nhiều lắm, đây này, uống thay cơm luôn. Một bọc H&M khác đựng nhiều hộp, lọ và vỉ thuốc rời hiện ra.    

Sống thế này, chị không thấy buồn à?

Có chứ, buồn thì chịu chứ biết sao.

Chị hình dung tương lai sẽ thế nào?

Thì cứ thế này thôi.  

Xin lỗi, hỏi chị câu này, bổn phận của tôi là phải hỏi như thế, mong chị thông cảm, bà bác sĩ thận trọng ướm. Có bao giờ chị nghĩ dại, chán đời quá chẳng hạn, không muốn sống nữa?

Ơ cái bà này! Thế mà cũng hỏi! Sao lại không muốn sống? Cuộc sống là cái quý giá nhất nhé! Chị yêu cuộc sống lắm. Trong một thoáng, tất cả các dấu hỏi ở chị duỗi thành những dấu sắc, nhảy phốc lên đúng những nguyên âm của chúng, cổ và lưng chị thẳng tắp, hai bàn tay chém ra phía trước, và một vệt ánh sáng bỗng lọt qua lỗ thủng trên tờ họa báo dán cửa sổ, quệt sắc sảo xuống sàn. Những cành hoa nhựa trong phòng thậm chí rung rinh.

Tôi không nhớ đã gặp bao nhiêu đồng bào như chị. Sau mấy chục năm tha phương, nơi họ dừng lại là một chốn hoang đường sinh ra từ cô đơn, cô lập và cô độc. Song họ đều không muốn trở về cố quốc. Quê hương vẫn ngọt ngào trong tâm thức, nhưng trong đời thực thì sự giám hộ của nhà nước ở đây dễ chịu hơn. Có lẽ chị không thật sự hiểu nhưng đồng ý hết, khi bà bác sĩ cho biết sẽ trình bày để tòa án ra chỉ thị giám hộ. Chị không còn đầy đủ năng lực làm chủ bản thân, cần sự hỗ trợ chuyên nghiệp của hệ thống.

Nhưng mọi chế độ của nước Đức chị vẫn được hưởng, đúng không? Chị hỏi.

Đúng như vậy, chị cứ yên tâm, nhân viên giám hộ do tòa chỉ định sẽ giúp chị mọi việc, nếu chị muốn.

Thế thì điều đầu tiên chị muốn là bắt hết, giết hết hàng xóm nhà chị, bọn phản động chống cộng cấu kết với đám tị nạn sống chui, nhưng phải nhờ mũ nồi xanh Liên Hiệp quốc, chứ cảnh sát Đức quan liêu không đi sâu đi sát, công an Việt Nam giỏi thế cũng chịu…

Một lần nữa, trong một thoáng, đụn dấu hỏi tuột khỏi nguyên âm ở mép giường vùng lên định làm cách mạng dấu sắc. Nhưng vệt sáng trên sàn đã tắt. Những cành hoa nhựa cứng đờ, lặng phắc.

Sao mà tôi ao ước chị là một dấu huyền.

(Bài đăng trên tuần san Trẻ số Xuân Tân Sửu 2021)


[1] Phát âm của DDR, viết tắt từ Deutsche Demokratische Republik, tức Cộng hòa Dân chủ Đức

[2] Phát âm kiểu Việt của Pass, hộ chiếu

[3] Bảo hiểm y tế công lớn nhất ở Đức và nổi tiếng nhất với người Việt