Ngày thứ 100
Th9 2, 2020
Phạm Thị Hoài
Khi Việt Nam có ca Covid-19 đầu tiên tử vong, bạn gửi một dòng ngắn gọn: “Thôi thế là xong!” Tôi biết bạn vừa kiện toàn tâm trạng ngây ngất khi cả nước tiễn ông phi công người Anh lên máy bay, nhưng không thuộc trường phái hăng hái hiến phổi cho bệnh nhân này để thành tích đánh giặc virus của đất nước được trọn vẹn, nên tôi nhắn lại: Trời ơi, thế giới cứ hắt hơi là rơi vài mạng, bên Mỹ mỗi phút nhả ra hai chục ca nhiễm. Việt Nam bây giờ phải nhường huy chương vàng cho Lào, huy chương bạc cho Campuchia, nhưng khả năng ẵm huy chương đồng vẫn cao lắm. Bạn tỏ ý không hài lòng, cho rằng tôi ghét chính trị Ba Đình nên chuyện gì cũng quàng vào giễu, trong khi cả thế giới đánh giá cao mô hình chống dịch của Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào lắm chứ.
Thực ra trong cơn đại khủng hoảng này nước nào cũng tự hào, như đang trẩy hội khoe tài ở Olympic dịch tễ. Mỗi nước một vẻ kiêu hãnh. Thế giới tưởng như ngày càng phẳng bỗng rất lồi lõm với những bản sắc thể chế, xã hội, con người khác xa nhau.
Trung Quốc kiêu hãnh đã quật ngã cả thành phố Vũ Hán để chặn đứng thảm họa cho toàn nhân loại; đã hủy diệt mọi mầm mống tự do gieo rắc bệnh tật bằng sức mạnh của hệ thống toàn trị ưu việt; đã đè bẹp mọi thông tin bi quan xuyên tạc để xã hội bình an; đã đập tan cá nhân bằng búa tạ tập thể để quốc gia đông dân nhất thế giới này ít ca bệnh và tử vong hơn Thụy Điển với một nhúm mươi triệu tâm hồn vô kỉ luật trong mươi triệu thân xác ham hưởng thụ phương Tây.
Hoa Kỳ kiêu hãnh đi từ kỉ lục này đến kỉ lục khác trong chớp mắt, phong cách chỉ xảy ra ở một siêu cường chân chính; thống kê nào cũng dẫn đầu, đỉnh cao nào cũng mang tầm lịch sử; xét nghiệm phi thường, lây nhiễm vô song, tử vong vô đối; ngoại lệ, đột phá, gầm lên khúc ca tự do giữa vòng phong tỏa; vài ngày lại tìm ra một phép màu, và nhân tiện vạch trần chân tướng bè lũ WHO tay sai Bắc Kinh.
Iran cũng lột trần mặt nạ WHO là quân Do Thái và phường vô đạo, ngoài ra còn kiêu hãnh đã đứng vững trước âm mưu xâm lăng sinh học của Mỹ. Cuba kiêu hãnh đã xuất khẩu bác sĩ đi khắp năm châu chống dịch, đem về cho tổ quốc những đồng ngoại tệ thấm đẫm nhân văn. Maroc kiêu hãnh đã đem xe tăng ra chặn virus. Tanzania kiêu hãnh đã hết dịch chính xác từ ngày 08/5/2020 nhờ tụng kinh cầu nguyện. Nga kiêu hãnh là nước đầu tiên phóng vaccine không người vào vũ trụ. Ấn Độ kiêu hãnh sắp đạt miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ở các khu ổ chuột, trước cả cựu mẫu quốc, chỉ vì Anh đột ngột đổi chiến lược. Pháp kiêu hãnh có tổng thống trẻ trung hô xung phong như Napoléon và de Gaulle cộng lại chia ba, phe ta chết như rạ, nhưng chết tẩm rượu vang và gan ngỗng chứ không chết cuộn trong mấy lượt giấy toilet như ở những nơi khác. Brazil kiêu hãnh được chọn mặt gửi vàng cho các tập đoàn dược nước ngoài thử vaccine. Hàn quốc kiêu hãnh với song kiếm hợp bích là công nghệ và K-Pop, cứ xét nghiệm và BTS là dịch trôi qua như trong mơ. Singapore tuy vỡ trận, đứng nhất bảng lây nhiễm ở Đông Nam Á, nhưng kiêu hãnh đã quản thúc tốt virus trong ghetto lao động nhập cư. Nhật kiêu hãnh vẫn bình thản như bao giờ, vẫn luôn tự kiềm chế, ninja bịt mặt, vệ sinh sạch sẽ, đi khẽ nói nhỏ, giãn cách xã hội từ trong nôi, bình thường muôn đời của Nhật là bình thường mới của thế giới. Đức kiêu hãnh vì một lần nữa những phẩm chất dân tộc nổi tiếng lại tỏa sáng. Người Đức đúng kế hoạch, họ mắc bệnh từ thứ Hai đến thứ Sáu, cuối tuần nghỉ, đồ thị dịch cuối tuần đều đặn trũng xuống rất đẹp mắt. Người Đức trọng kỷ luật. Tuổi thọ trung bình của họ là 81, nên tính đến ngày 23/8/2020, tuổi trung bình của 9.269 bệnh nhân Covid-19 tử vong ở Đức, có thể nào khác, cũng chính xác là 81.
Song con virus thủ phạm lại hoàn toàn lãnh đạm trước mọi tự hào quốc gia và kiêu hãnh dân tộc. Nó đến, như sứ giả từ phía tối của một thế giới đại đồng. Nó đỏng đảnh, vô tâm, hiền lành, độc ác. Nó nhè chỗ này và tha chỗ khác. Nó biến hóa nhiều bộ mặt, thoắt ẩn thoắt hiện, thật giả bất phân, âm dương lẫn lộn. Nó trôi nổi như một tin vịt và ập xuống với tất cả trọng lượng của một hiện thực không thể chối cãi. Nó cho phép phủ định, khẳng định và giả định trong cùng một thông điệp. Nó khác hẳn mọi kẻ thù mà ta từng biết. Nó đi qua và chẳng để lại gì trong cuộc đời ta ngoài một kết quả xét nghiệm, một đụn thịt nát, một cảm giác vô thường. Nó nhắc lại khi chúng ta đã quên. Nó báo thù cho tự nhiên và ban ơn cho những sinh thể còn ít nhiều trong trắng. Nó lang thang vô định và hạ sát bất kì. Nó là quyền năng và hư vô. Nó không báo hiệu ngày tận thế, nhưng kết thúc kỷ nguyên phồn thịnh và bình an dài lâu cuối cùng của một nhân loại vô độ. Trên bia mộ của cả triệu người đã và sẽ chết trước số từ tám tháng qua, các thế hệ sau thậm chí không tìm ra một chỉ dẫn. Song một sử gia cần mẫn có thể sẽ chép rằng, thời ấy, trước một kẻ thù vô hình, nhân loại thức canh sự sống của mình như đun sữa, dưới độ sôi, vặn lửa thật nhỏ, không để kết tủa, không để trào miệng vung. Trước một vi sinh vật lạ lùng như vậy, thực ra chúng ta chỉ có thể khiêm nhẫn.
Người Việt rất đỗi tự hào, song không phát minh một mô hình chống dịch độc sáng nào để có thể đăng ký bản quyền quốc tế, chỉ sử dụng, một lần nữa, như trong suốt lịch sử hiện đại, mô hình bình định hiệu quả của nước láng giềng phương Bắc mà họ gắn bó và căm ghét, với nhà nước tập quyền và các công cụ của hệ thống toàn trị: tuyên giáo, quân đội, cảnh sát, dân quân, dân phố, dân phòng, các đoàn thể xã hội và mạng lưới tai mắt nhân dân. Tuy nghèo hơn nhiều, xét nghiệm từ đầu mùa dịch không bằng Trung Quốc một ngày; lạc hậu hơn nhiều, thiếu toàn bộ nguồn lực công nghệ khổng lồ biến mỗi con người thành một tập hợp thuật toán để bấm nút điều khiển và kiểm soát, song Việt Nam đã kích hoạt thành công một chương trình gài sẵn trong bộ gen của người Việt: chương trình chiến tranh nhân dân, từng bao lần thử thách và bách chiến bách thắng. Trong vòng một nghị quyết, mỗi người Việt thành một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch và cả nước thành một pháo đài. Sau bốn thập niên hòa bình, ngôn ngữ chiến tranh lại vang lên hùng hồn với những “chống dịch như chống giặc”, “tổng hành dinh chống dịch”, “tuyến đầu anh dũng”, “kiên cường bám chốt”, “ăn lán, ngủ rừng, bám địa bàn”, “chiến binh áo trắng”, “giai điệu niềm tin chiến thắng”, “toàn dân ra trận”, “cả nước ra quân”, “trực chiến”, “khống chế”, “sát cánh”, “xung trận”, “đáp lời Tổ quốc”, “toàn Đảng toàn quân toàn dân quyết tâm”, rất nhiều “chiến công thần kì”, “chiến dịch thần tốc”, rất nhiều anh hùng và niềm lạc quan phơi phới.
Mỗi dân tộc có một sở trường. Mỹ không thể đem kinh nghiệm xét nghiệm sàng lọc virus Dân chủ và virus Cộng hòa ra chia sẻ với thế giới. Không nước nào học được từ Lào bí quyết hãm dịch trong vòng 22 ca hay từ Bắc Triều Tiên biện pháp cảnh cáo virus bằng vũ khí nguyên tử. Sở trường lùng và diệt, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, của người Việt thiện chiến không thể áp dụng ở một nước toàn thua trận như Đức. Cách nhà nghèo chống dịch khó đem giới thiệu cho nhà giàu. Châu Âu, có mỗi việc đeo khẩu trang không xong, còn phải đặt vấn đề hiến pháp và câu hỏi bản thể, làm sao tiếp thu nổi ý chí sắt đá của một Việt Nam thà hy sinh tất cả, dù có phải đốt cháy Đà Nẵng…
Một tháng sau ngày thứ 100, Việt Nam tuy mất thêm huy chương đồng vào tay Miến Điện nhưng vẫn thắng rất oanh liệt. Tổn thất rất ít. Phía virus đã nướng vài sư đoàn. Bên ngoài, thế giới tiếp tục “toang”. Còn lại câu hỏi, hệ thống nào thành công hơn trong đại dịch, tự do hay toàn trị? Không phụ thuộc vào lời đáp, di sản của Covid-19 là một thế giới chấn thương, trong đó sự an toàn của riêng một quốc gia là vô nghĩa.
Tuần báo Trẻ, 03/9/2020
Categories: Bài viết từ 2015 trên các báo khác, Chính trị Việt Nam, Văn hóa-Xã hội
Tags: Covid-19