Tác giả

Chuyên mục

Trang

Sự thật và cơ chế đặc biệt

Th7 16, 2020

Phạm Thị Hoài

Án oan không chỉ có ở Việt Nam. Tôi nhớ là mình đã sốc, như thấy trăng nước Mỹ không tròn hơn trăng Trung Quốc, khi lần đầu tiên đọc những số liệu về oan và sai trong tố tụng hình sự ở Hoa Kỳ. Trái với hình dung mơ hồ và xác tín chắc nịch của phần lớn chúng ta, những công cụ nhạy bén nhất, những thiết chế tiến bộ nhất và những chuẩn mực được cân nhắc kỹ lưỡng nhất của một nền tư pháp độc lập trong các nhà nước dân chủ tuy đã rút ngắn khoảng cách đến thiên đường công lý, song cánh cửa mở vào chốn ấy vẫn khép chặt. Hoa Kỳ chiếm vị trí nổi bật trong các nước tự do về sai phạm tư pháp ở khu vực hình sự, như thể để khẳng định vị trí ngoại lệ (American exceptionalism) ở mọi phương diện, song cũng dẫn đầu trong những nỗ lực phi thường của xã hội dân sự để khắc phục án oan. Mọi quốc gia với nhà nước pháp quyền khác đều có những khoảng tối tư pháp đáng sợ của mình, và trắng trợn im lìm là trong những hộp đen tại các nước chuyên chế.

Án oan có vô vàn lý do. Hãy bắt đầu với vấn đề mấu chốt: sự thật. Một thời, duy nhất Chúa Trời và những Đấng Tối cao tương đương sở hữu sự thật. Nguyên tắc của các vị này là không xuất hiện trước công chúng và chỉ tiết lộ sự thật cho giới thân tín như giáo chủ, thiên tử, các nhà tiên tri và hiền triết, nên tư pháp rất đơn giản gọn nhẹ. Salomon xử vụ hai phụ nữ giành con bằng một thanh gươm và sự thông tuệ, ân huệ của Thượng đế. Nguyễn Thị Lộ qua đêm với vua, vua chết, vậy Thị Lộ giết vua, vậy tru di tam tộc Nguyễn Trãi. Quan văn Tư Mã Thiên bênh một quan võ thất trận, tức dèm pha anh vợ vua, một quan võ thất trận khác, vậy đem Tư Mã Thiên ra thiến. Rồi đến thời sự thật không cần phải tìm kiếm vì đã nằm gọn trong tay các nhà độc tài, tuy thế tục, vô thần, song nghiễm nhiên thế thiên hành đạo. Nhà văn Thụy An: gián điệp, đạo diễn Vsevolod Meyerhold: gián điệp, học giả Lưu Hiểu Ba: kích động lật đổ, nhà báo Nguyễn Hữu Đang: kích động lật đổ, nhà vật lý Sakharov: chống phá chính quyền, nhà biên kịch Václav Havel: chống phá chính quyền. Người lãnh cùm, người ăn đạn ngay tức khắc. Sự thật đồng nhất với ý chí của kẻ cầm quyền.  

Tư pháp Việt Nam hiện tại về cơ bản vẫn sử dụng nguyên tắc này để kết án giới bất đồng chính kiến và cả những thành phần cần loại khỏi guồng máy vì những lý do nhất định ở những thời điểm nhất định mà công luận hoặc không hề biết hoặc chỉ được thông tin nhỏ giọt và vào phút chót. Nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa về cơ bản vẫn dựa trên chế độ công an trị. Song trong hai thập niên vừa rồi, muốn hay không, chính quyền đã buộc phải thúc đẩy cải cách tư pháp trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, đồng thời độc quyền thông tin của nhà nước buộc phải lùi nhiều bước trước các phương tiện truyền thông và mạng xã hội tự do. Thời chỉ đạo sự thật trượt thẳng vào kỷ nguyên sự thật hỗn mang. “Hội những người bảo vệ sự thật” bị “Hội những người yêu mến sự thật” đông hơn gấp bội trên Facebook lườm nguýt, trong khi phe “Phát minh sự thật” muốn liên kết với phe “Phát ngôn sự thật”, trang “Sự thật nóng hổi” troll đến cùng trang “Sự thật lạnh lùng”, nhóm “Sự thật trắng đen” bị nhóm “50 sắc xám của sự thật” khinh bỉ phỉ nhổ, và tất cả đều thành thực chia sẻ tin giả.

Tôi vào nghề phiên dịch tại các tòa án ở Đức với vốn tri thức từ cố hương xã hội chủ nghĩa vừa lò dò ra khỏi một tồn tại trung cổ cuối thế kỷ trước, tức không có một ý niệm nào về tố tụng ở một xã hội hiện đại, nhưng lại đầy ắp những khái niệm mờ nội hàm mà tiếng Việt luôn hào phóng cống hiến. Phải sau một thời gian khá lâu tôi mới hiểu, cách tệ nhất để phụng sự sự thật là đặt tiên đề rằng nó tuyệt đối, khách quan và luôn chiến thắng. Luật pháp ở Đức thừa nhận một sự thật thỏa hiệp, nếu các phương tiện áp dụng để xác định sự thật ấy là công khai, hợp pháp, tức hình thành từ một quy trình lập pháp dân chủ. Trong tố tụng dân sự, sự thật xuất phát từ thương lượng giữa các bên liên quan, tức sự thật quy ước, sự thật hình thức, chiếm thế thượng phong. Tố tụng hình sự tất nhiên đi theo nguyên tắc khác, nó nỗ lực hướng đến những sự thật bản chất, sự thật nội dung, song không phải vô cớ mà ở đó người bị buộc tội được giải phóng khỏi trách nhiệm làm sáng tỏ sự thật bằng quyền im lặng, thậm chí không hề bị trừng phạt khi nhầm lẫn hay khai man. Lời nhận tội của nghi can không thuộc nhóm các chứng cứ quyết định dung mạo của sự thật. Nhiều luật gia cho rằng sự thật là phạm trù triết học, không phải phạm trù luật học, cũng như công lý là phạm trù đạo đức, không phải phạm trù luật pháp. Ai muốn phức tạp hơn, xin mời đọc Kant. Dù quan niệm sự thật đơn giản thế nào, xác định sự thật luôn là một sứ mệnh không hẳn bất khả, nhưng kết quả là tái hiện được một nửa sự thật vẫn tốt hơn một phần ba. Trong trường hợp may mắn nhất, sự thật tư pháp chỉ có thể phản ánh sự thật khách quan như những giọt mưa có thể định nghĩa đám mây sau quá trình ngưng tụ.

Ít nhất cả nửa kho công cụ phụng sự sự thật của một nhà nước pháp quyền là để chống chính các thủ kho lạm dụng, trong đó vũ khí sáng chói nhất là sự độc lập của tư pháp. Viên kim cương đính trên đó là sự độc lập của thẩm phán, tuyệt đẹp nhưng không dễ thưởng ngoạn. Thẩm phán ở Đức là những công chức duy nhất trong bộ máy nhà nước không chịu sự chỉ đạo của bất kỳ ai hay bất kỳ thẩm quyền nào ngoài luật pháp, trên đầu chỉ có trời xanh, sau lưng là một biên chế suốt đời và phía trước là sổ lương hưu đầy đặn hơn chín phần mười dân chúng. Cơ quan chủ quản có thể yêu cầu một thẩm phán không lấy buồng ngủ làm phòng xử, không diện quần xà lỏn ra tòa, hay không nhai xúc xích phết mù-tạt trong lúc xét hỏi, nhưng chỉ đến đó là hết giới hạn quản lý. Còn lại, thẩm phán toàn quyền định đoạt từ năng suất, thời khóa biểu – có thẩm phán nhất định xử vào ngày 11 tháng 11 lúc 11 giờ 11 phút -, đến mọi chi tiết nhân sự, kỹ thuật, nội dung, thủ tục, trình tự tiến hành các phiên tòa, thậm chí cả hình thức và phong cách tuyên án – có thẩm phán viết bản án như một bài tường thuật bóng đá mà kết quả là đôi bên cùng hòa; có thẩm phán trình bày quyết định của mình bằng thơ hay văn vần; thỉnh thoảng dư luận lại được cười lăn vì thất bại nghệ thuật của các quan tòa đã cố gắng trữ tình trong khuôn khổ duy lý của luật pháp. Không sao hết, miễn là các yêu cầu của tố tụng được thỏa mãn, các bên liên quan không cảm thấy bị giễu cợt và sự hài hước không biến tòa án thành trò cười.

Tôi từng đem băn khoăn của kẻ ngoại đạo hỏi một thẩm phán: ông tự tung hoành, một mình một cõi không ai giám sát, vậy nếu ông làm bậy thì ai chịu? Người được hỏi kêu oai oái, bà không đùa đấy chứ? Trên đầu chúng tôi đúng là chỉ có Thượng đế mà ngài lại thường đi vắng, nhưng ngay sát nách là 165.000 ngàn luật sư, 5.500 công tố viên và 150.000 nhà báo, xử láo thế nào được. Chúng tôi không phải thánh mà con người thì khó tránh cám dỗ, nhưng hệ thống đã trù liệu sẵn sự yếu đuối của con người. Luật pháp đủ rắn để không dễ gì bẻ cong. Cơ hội lạm quyền của chúng tôi có chăng chỉ bằng của trọng tài trên sân cỏ. Phương tiện giám sát thì nằm trong chính hệ thống, đó là thủ tục kháng án, không hơn không kém. Sau quyết định chung thẩm, nếu không có sai phạm trong thủ tục tố tụng để xử lại hay đủ cơ sở để mở vụ xét xử mới thì bản án có hiệu lực và chấm hết ở đó.

Tôi nhăn nhó, chấm hết mà vẫn oan sai thì làm thế nào? Trả lời, trong tiếng Đức có khái niệm Rechtsfrieden, điểm dừng sau khi đã sử dụng mọi công cụ luật pháp cho phép để giải quyết xung đột. Chấp nhận điểm dừng đó là xác quyết một niềm tin. Cuối cùng, cốt lõi của mọi hoạt động tư pháp là gây dựng sự tin cậy và tôn trọng luật pháp. Nếu nước Đức là một cộng hòa chuối thì không còn gì để nói nữa, có đem tất cả thiên thần, ác quỷ và các liên minh huyền bí tròng vào cổ thẩm phán chúng tôi để giám sát, vẫn vô ích.

Trở lại với cố hương, Việt Nam rất khó có đáp án cho bài toán tư pháp độc lập. Một mặt, đó là xu hướng không thể đảo ngược của tiến trình chuyển hóa xã hội, là điều kiện bắt buộc để khắc phục hiện trạng vừa đá bóng vừa thổi còi và bán cá độ với những chánh án vòi tiền bị can, những tướng công an bảo kê các đường dây tội phạm, những kiểm sát viên chạy án, những chấp hành viên chiếm đoạt tài sản và hàng loạt các cơ chế đặc biệt để giằng co, chồng chéo, bao biện và bảo hiểm lẫn nhau. Mặt khác, bản chất độc quyền và tập quyền của chế độ chính trị hiển nhiên xung khắc với mọi nguyên tắc phân chia quyền lực. Trước sau như một, chế độ ấy vẫn kiên định lập trường toàn tu từ mù mịt “quyền lực thống nhất thuộc về nhân dân” để bác bỏ một mô hình như tam quyền phân lập, thậm chí coi đó là “lá bài cổ xúy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực”. Tiến không được, lùi không xong, cải cách tư pháp Việt Nam đành dùng dằng trong những mâu thuẫn nền tảng giữa một bên là nhu cầu chuyên môn và yêu cầu của thời đại và bên kia là đòi hỏi của chế độ chính trị. Một số tiến bộ đạt được hoặc dừng trên mặt giấy, hoặc chỉ cho thấy những cố gắng vá víu một manh chiếu đã nát như lâu đài cát của ý thức hệ đương quyền. Vụ án Hồ Duy Hải cho thấy tất cả sự trì trệ bất lực ấy.

Thẩm quyền xét xử cao nhất ở Việt Nam thuộc về Tòa án Nhân dân Tối cao. Song đó chưa phải là điểm dừng cuối cùng cho những “án đụng trần” trong nền tư pháp trống vắng mọi niềm tin này, nên Điều 404 Luật TTHS hiện hành phát minh thêm một tối cao hơn cho tối cao, lại một thiết chế đặc biệt, để Quốc hội, cơ quan lập pháp, điềm nhiên can thiệp vào tư pháp. Nhưng Quốc hội rõ ràng không cao nhất theo Điều 4 Hiến pháp, tức cuộc đua tối cao của các tối cao có thể vô tận. Rồi những Ban Nội chính, những Ban Thanh tra của những nhánh quyền lực không thể định nghĩa nào đó cũng điềm nhiên vào cuộc, chưa kể vị trí kỳ quặc của Viện Kiểm sát, một thiết chế siêu đặc biệt, chỉ có ở Việt Nam. Việc chia thủ tục kháng án thành kháng cáokháng nghị với những hệ lụy độc nhất vô nhị cũng chỉ có ở Việt Nam. Hàng loạt cơ chế đặc biệt xúm vào truy đuổi sự thật, khiến nó bỏ chạy thục mạng để chỉ có thể tìm trên Facebook chốn nương thân. Và toàn dân, trui rèn trong địa ngục của những cơ quan điều tra bất nhân và những tòa án bù nhìn, hôm trước khao khát cháy bỏng một nền tư pháp độc lập, hôm sau gửi tất cả hi vọng vào hành động kết liễu sự độc lập đó. Công lý nếu có cho Hồ Duy Hải phải đi kèm nghịch lý ấy, với cái giá không biết bao giờ mới trả hết là sẽ còn nhiều cơ chế đặc biệt nữa được phát minh và kiện toàn để giám sát chồng lên giám sát của giám sát, vô tận, vô nghĩa và vô ích, bởi cốt lõi của mọi hoạt động tư pháp ở một cộng hòa chuối là phá hủy sự tin cậy và tôn trọng luật pháp.

Tuần báo Trẻ, 16.7.2020