Tác giả

Chuyên mục

Trang

Vòng ma trận đỏ

Th9 20, 2016

Phạm Thị Hoài

Nếu không có câu chuyện ngôn ngữ, suýt nữa tôi đã bỏ sót show diễn “Trịnh-Nguyễn phân tranh”. Một ông Trịnh Xuân Thanh nào đó ném thẻ Đảng – bảo bối vô giá của cuộc đời ông cho đến khi nó thành vô giá trị – vào mặt một ông Nguyễn Phú Trọng nào đó, người cai quản tối cao 4,5 triệu bảo bối như thế. Vụ so găng này được coi là chưa có tiền lệ. Giật gân như vậy thì trước hết nó là một quả bom giải trí trong thời đại sống để giải trí và chết vì giải trí của chúng ta. Từ nhiều năm nay, nguồn giải trí dồi dào nhất cho công chúng Việt Nam là hậu cung của giới quý tộc đỏ. Sau đó, nó hứa hẹn một sức công phá chính trị nhất định. Nhiều người cho rằng nó phơi bày những tử huyệt của hệ thống. Nhiều hơn nữa tin rằng nếu không làm thành lũy Ba Đình rung chuyển thì nó cũng là quân cờ domino đầu tiên kéo theo sinh mệnh chính trị của một số nhân vật ở thượng tầng quyền lực và sắp xếp lại bàn cờ quốc gia. Như thể những hứa hẹn của Quan Làm Báo hay Chân Dung Quyền Lực chưa đủ hão. 

Tôi chưa bao giờ mê chuyện đồng chí nào đeo đuổi đi đêm đâm đinh đấu đá đỡ đít đánh đĩ đạp đổ đồng chí nào. Họ nhiều quá và giống nhau quá, mà tính tôi thì chóng chán. Nếu họ lại đi xe Lexus nữa thì không còn gì chán hơn. Vì sao tôi phải chú ý đến ông Thanh-gì-nhỉ?

Vì chuyện biển xanh biển trắng ư? Đủ lấy được ở tôi một cái ngáp ngắn. Tất nhiên là nó tởm lợm và lời biện bạch của đương sự thì đáng buồn nôn ở cả hai khía cạnh: ngu dốt và trơ trẽn, song trong môi trường mà ông ta chỉ là một sản phẩm tất yếu, nơi đen trắng đổi kiếp xoành xoạch và hợp pháp thì trắng thành xanh rồi xanh lại thành trong trắng chẳng qua là áp dụng linh động sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “cần kiệm liêm chính chí công vô tư”.

Vì chuyện 3000 tỉ ở PVC ư? Hai cái ngáp ngắn: thua lỗ, thất thoát, sai phạm là tên cúng cơm của khối doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn xã hội đen tư bản đỏ. Hơn bốn năm trước, báo chí Việt Nam rộ lên vài ngày tin 18.000 tỉ sai phạm tài chính ở PVN, công ty mẹ của PVC, dưới thời ông Đinh La Thăng. Ừ, thì sao?

Vì chuyện trốn thoát ra nước ngoài ư? Ngáp dài. Chuyện anh em nhà họ Dương hay hơn hẳn. Tôi thường ghé trang của Interpol thăm người Việt. Từ nhiều năm nay, chưa bao giờ Việt Nam không chiếm trọn suất cao nhất được hiển thị, thường xuyên là 160 nhân vật bị truy nã đỏ, cùng đẳng cấp với những quốc gia khổng lồ như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Brazil, vài nước Đông Âu như Bạch Nga, Rumani, Ukraine và vài nước Nam Mỹ như Argentina, Honduras. Để so sánh: hiện Nhật truy nã 2, Thái Lan 0, Đài Loan 0, Lào 0, Campuchia 42, Đức 6, Nam Phi 53, Úc 3. Đào tẩu là chương trình cài sẵn trong cuộc đời của quan chức và đại gia Việt Nam ở thời tranh chấp giữa “mọi thứ đều được phép vì chẳng có gì là đúng” và “chẳng có gì được phép vì mọi thứ đều sai”. Lính cũ của ông Thanh, một cựu giám đốc cũng họ Trịnh, đã tháo chạy sang quốc gia cựu thù. Hơn 4 năm nay, nhân vật bị cáo buộc là từng chỉ đạo rút tiền công chi nửa tỉ mừng sinh nhật bố sếp Thanh này vẫn an toàn. Trên trang của Interpol, tên Trịnh Văn Thảo không và chưa bao giờ xuất hiện ở tất cả các thời điểm khác nhau từ giữa năm 2012 mà tôi ghé thăm.

Vì chuyện công khai tố cáo vì bị oan sai gì đó ư? Hai cái ngáp dài. Dương Chí Dũng cũng kêu oan, cũng gửi đơn tố cáo. Đại án Nguyễn Đức Kiên: kêu oan. Đại án Huyền Như: kêu oan. Đại án Vifon: kêu oan. Đại án ALCII: kêu oan. Đại án VDB Đắk Nông: kêu oan. Đại án Agribank CN 6: kêu oan. Gần đây nhất, đại án Phạm Công Danh: kêu oan. Và “bố sếp Thanh”, qua ngòi bút biết bày tỏ cảm thông pha chút ái ngại với giới quyền lực của nhà báo kỳ cựu Xuân Ba, dường như cũng bắt đầu ngỏ lời kêu oan cho vụ nửa tỉ mừng sinh nhật vừa nhắc. Tiếng oan dậy đất Việt, chỉ có điều chúng ta không còn hoảng hốt ngẩn ngơ. Hệ thống ấy đẻ ra nền tư pháp ấy, và những quan oan ấy đều đã thủ lợi không tài nào tả xiết từ chính hệ thống ấy. Bồi dưỡng ông Trịnh-quan-oan thành hạt giống chống hệ thống, theo tôi, là chuyện nhảm nhí. Kẻ cắp cũng có quyền đòi công lý, song không thể là cái công lý mà kẻ cướp đang nhân danh. Ông Thanh vẫn lẫn lộn giữa pháp trị và đảng trị.

Vì chuyện bổ nhiệm ư? Bây giờ thì tôi ngáp sái quai hàm. Vẫn quá nhạt so với Dương Chí Dũng hay thậm chí với Nguyễn Xuân Sơn, người thì chờ thi hành án tử, người thì triển vọng một án tù 30 năm đang đợi, cả hai đều được bổ nhiệm “đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục“, “đúng quy trình, quy định của pháp luật“, “chặt chẽ, công khai minh bạch, dân chủ“. Hay tốt nhất, hãy nhìn vào vòng chuyển động của ngôi sao Đinh La Thăng trên bầu trời chính trị Việt Nam: mỗi lần để lại một vùng đen, nó chỉ thêm phần sáng.

Song nhờ chuyện bổ nhiệm này tôi mới biết một chi tiết tuy nhỏ nhưng thú vị về ngôn ngữ. Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết “ông Thanh không nằm trong danh sách cán bộ luân chuyển“, còn đường từ Bộ Công Thương đến Hậu Giang của ông Thanh được lót bằng quyết định thuyên chuyển công tác. Luân chuyểnthuyên chuyển khác nhau thế nào?

Phần lớn người Việt hiểu thuyên chuyển như chuyển, được dùng chủ yếu trong kết hợp thuyên chuyển công tác, cùng nghĩa với thuyên chuyển cán bộ từ công tác hay địa điểm A sang công tác hay địa điểm B. Thuyên chuyển không phải là một sự bổ nhiệm mang tính tuyển chọn tích cực. Nó chỉ mang tính trung lập hoặc thậm chí tiêu cực, người ta bị thuyên chuyển ngoài ý muốn. Song nếu được học (hay phải học?) chữ Hán – tức Hán tự cổ chứ không phải tiếng Trung hiện đại -, chúng ta sẽ khá bối rối: nghĩa của chữ thuyên (銓) trong thuyên chuyển (銓 轉) là tuyển chọn kẻ hiền bổ vào làm quan. Trong ngôn ngữ của bộ máy hành chính-chính trị hiện nay, thuyên chuyển đã đánh mất vai trò “chọn mặt gửi vàng” này, nhường nó cho một khái niệm khác đảm nhiệm: luân chuyển.

Luật Cán bộ, Công chức (2008), chương 1, điều 7, mục 11, định nghĩa: “Luân chuyển là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được cử hoặc bổ nhiệm giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ.” Với Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị năm 2002, luân chuyển cán bộ trở thành “một trong những kênh quan trọng để tạo nguồn cho cán bộ cấp chiến lược”. Nói cách khác, luân chuyển đi liền với quy hoạch, cơ cấu nhân sự lãnh đạo. Đến đây, sự khác biệt tinh tế giữa việc ông Thanh chỉ được thuyên chuyển chứ không được luân chuyển về Hậu Giang đã từ từ hiện ra trong mắt thịt của chúng ta, ông đã nằm ngoài quy hoạch, dù chúng ta vẫn không biết trước đó, từ PVC sang Bộ Công Thương ông đã được cơ cấu hay hư cấu (viết riêng cho các tín đồ thanh giáo Hán tự: chữ ở đây là một kết hợp 51% Việt và 49% Hán).

Chữ luân (輪) trong luân chuyển (輪轉) là cái bánh xe, cái vòng tròn. Chính sách vòng tròn của Đảng sau 14 năm thực hiện đã cống hiến cho tiếng Việt một từ thú vị: chạy luân chuyển (chạy là một trong những động từ đặc trưng nhất cho sự tồn tại của người Việt) và tạo ra một ma trận chằng chịt những bài binh bố trận mù mịt, những mưu toan tiến thoái, những nhập nhằng đổi chác, những bước đệm và những cú chui háng, những cam kết trước khi trời sáng và những vụ thanh trừng nửa đêm, những chiếc ghế cần sang tên,  những sự nghiệp cần tráng men và trước hết: những vết nhơ cần xóa, những bê bối cần hóa giải. Trong ngân hàng nhân sự của Đảng, các đồng chí nợ xấu sau vài vòng luân chuyển lại sạch sẽ như người cộng sản vừa bước ra từ giáo trình Mác-Lê. Hệ thống tự xây cho mình cung mê, để rốt cuộc không tìm ra cửa thoát. Luân chuyển thành luân vong, lại một chữ luân () định mệnh.

Ông Trịnh-gì-nhỉ có thể lấy cảm hứng hậu duệ, rủ tất cả các quan Trịnh đang trốn nã ở nước ngoài (Đàng Ngoài) lập chính phủ lưu vong chống các quan Nguyễn đang ngồi lên pháp luật ở trong nước (Đàng Trong). Song cá nhân tôi tin rằng show Trịnh-Nguyễn đang diễn này chỉ đủ bi hài nhí nhố cho một vụ chém gió (chém cũng là một động từ đặc trưng) không đáng một ghi chú của lịch sử. Lịch sử đã dành một chương lớn cho nhà Tây Sơn, những lãnh tụ của dân, đứng ra dẹp cả Nguyễn lẫn Trịnh.

Báo Trẻ 20/9/2016