Tác giả

Chuyên mục

Trang

Bài học thứ 22

Th8 22, 2019

Phạm Thị Hoài

Hai cuốn sách của học giả Yuval Noah Harari, Sapiens: Lược sử loài ngườiHomo Deus: Lược sử tương lai, đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, tuy không gây hiệu ứng bom tấn như ở các thị trường khác trên thế giới, song cũng có một tiếng vang nhất định trong cộng đồng thiểu số của những người đọc loại sách này. Trong hai tác phẩm ấy, hai hành trình hiện đại xuyên thời gian và ôm cả thế gian, một ngược quá khứ, một hướng tương lai, chủ nghĩa cộng sản không thuộc những bước ngoặt trọng đại nhất trên đường đi của nhân loại khiến tác giả phải đặc biệt dừng chân quan sát, song mỗi lần nhắc đến nó, thái độ của ông, như dễ hiểu ở phần lớn các học giả phương Tây, không thể gọi là ưu ái. Cũng dễ hiểu là ông không thể còn nguyên vẹn trong bản dịch tiếng Việt.

Cuốn đầu, Sapiens: Lược sử loài người – NXB Tri thức 2017, Nguyễn Thủy Chung dịch từ bản tiếng Anh, Võ Minh Tuấn hiệu đính – có ít nhất ba sửa đổi điển hình cho kiểu kiểm duyệt cố hữu ở Việt Nam: né tránh, xiên xẹo và cắt xén.

Ở phần 3, chương 9, đoạn nói về mâu thuẫn giữa bình đẳng và tự do cá nhân, câu “Anyone who has read a novel by Alexander Solzhenitsyn knows how Communism’s egalitarian ideal produced brutal tyrannies that tried to control every aspect of daily life” được phóng tác thành “Bất cứ ai từng đọc tiểu thuyết của Alexander Solzhenitsyn đều hiểu rằng lý tưởng bình đẳng cực đoan đã tạo ra những sự chuyên chế tàn bạo cố gắng kiểm soát mọi mặt của cuộc sống thường ngày“. Vậy là lý tưởng bình đẳngbị chỉ đích danh là”của chủ nghĩa cộng sản” hóa thành một lý tưởng bình đẳng”cực đoan” chung chung. Tự nó thì dịch lý tưởng bình đẳng của chủ nghĩa cộng sản thành lý tưởng bình đẳng cực đoan là một hành vi vừa né tránh vừa diễn giải khá thú vị và thậm chí có phần phản loạn, song trong bối cảnh Việt Nam, nơi Alexander Solzhenitsyn cho đến nay là một tác giả chưa bao giờ tồn tại, người đọc phiên bản Hà Nội sẽ đơn giản nghĩ ông là một nhà văn nào đó phê phán một lý tưởng bình đẳng cực đoan nào đó. Chủ nghĩa cộng sản vậy là vô can.

Ở phần 4, chương 18, đoạn nói về sự tan rã của khối Đông Âu, câu “When its members realised that Communism was bankrupt…” được dịch là “Khi các thành viên nhận thức được tiến trình giải thể…”. Vậy là sự phá sản của chủ nghĩa cộng sản đã xiên xẹo thành một “tiến trình giải thể” nào đó.

Sửa đổi thứ ba ngoạn mục hơn cả. Ở phần 3, chương 12, tác giả dành cả một đoạn dài gần một trang so sánh chủ nghĩa cộng sản với các tôn giáo khác. Rằng với các bậc thánh của nó là Marx, Engels và Lenin, với các lễ hội của nó như ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, với kinh thánh và sách tiên tri như bộ Tư bản, với các nhà thần học tinh thông biện chứng mác-xít, với các giáo sĩ như các chính ủy trong quân đội, với các vị tử đạo, các cuộc thánh chiến hay cả các phần tử dị giáo như nhóm Trotskist, chủ nghĩa cộng sản thực sự là một tôn giáo cuồng tín và đậm màu truyền giáo. Người cộng sản sùng đạo không thể đồng thời là Phật tử hay con chiên của Thiên chúa, và chấp nhận tử đạo để truyền bá phúc âm của Marx và Lenin. Toàn bộ đoạn này bị cắt phăng. Cuối cùng, độc giả bản tiếng Việt sẽ ghi nhớ nhận định ưa thích của sử gia đang lừng danh này, rằng các ý thức hệ thời hiện đại như chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa Quốc xã đều là những hệ tín điều không kém gì các tôn giáo hữu thần. Chỉ chủ nghĩa cộng sản là vô can. Nó vẫn chính thức được mệnh danh là một khoa học.    

Tôi không có bản tiếng Việt của cuốn thứ hai, Homo Deus: Lược sử tương lai – NXB Thế giới 2018, Dương Ngọc Trà dịch – để đối chiếu, song tần số những đoạn có thể báng bổ từ phúc âm đến thực tiễn truyền giáo của đạo cộng sản ở cuốn này cao hơn ở cuốn trước, vậy nhiều khả năng là bản dịch khó có thể ít méo mó hơn.

Nhưng câu chuyện này thực ra chẳng có gì khác thường so với tất cả những gì chúng ta đã biết và chưa được biết về kiểm duyệt tại Việt Nam, và lại càng ít hệ lụy so với một câu chuyện khác.

Từ phát hiện của một nhà báo Ukraine, vụ lùm xùm xung quanh chuyện kiểm duyệt bản tiếng Nga cuốn bom tấn thứ ba của Harari – 21 bài học cho thế kỷ 21bung ra. Song bản thân sự kiểm duyệt chỉ là chuyện nhỏ ở nước Nga mafia Sa hoàng và hậu sô-viết. Đáng chú ý hơn là chính tác giả, ngôi sao hàn lâm thời danh đang một mình làm cả một think tank đối diện những câu hỏi khổng lồ của toàn thế giới, đã cộng tác với kiểm duyệt và không thấy điều đó có gì đáng trách. Như thể điều đó chưa đủ mỉa mai, đóng góp chính của ông cho tuyên giáo Kremlin nằm ngay trong phần 4, chương 17 với tiêu đề “Hậu sự thật” (Post-Truth), nơi ông cho độc giả những lời khuyên dí dỏm, rằng làm thế nào để biết sự thật về thế giới và không trở thành nạn nhân của tuyên truyền và bịa đặt.

Trong nguyên bản, Putin và guồng máy tuyên truyền của ông ta trong vụ Nga thôn tính bán đảo Krym năm 2014 được dẫn ra làm ví dụ về nạn thông tin sai lệch và dối trá đang thống lĩnh thế giới. Trong bản tiếng Nga, đoạn này bị cắt, nhưng được thay bằng một ví dụ khác: bằng thành tích nói dối ngoạn mục của Trump. Ở một đoạn khác, nguyên bản viết rằng việc Nga xâm lược và chiếm đóng Krym khiến phong trào bài Nga ở Ukraine dâng cao và mưu toan bành trướng của Nga ở miền Đông Ukraine bị ngăn chặn. Bản tiếng Nga, ngược lại, viết rằng Nga không coi việc sáp nhập Krym là xâm lược một nước khác, đơn giản là quân đội Nga đã không vấp phải sự kháng cự nào đáng kể, cả dân sự lẫn quân sự, và qua đó Nga đã thu được nhiều lợi thế quan trọng tại miền Đông Ukraine và nâng cao uy tín quốc tế. Trong nguyên bản, Nga là quốc gia đang thử nghiệm những hình thức mới của hỗn hợp giữa chế độ dân chủ phi tự do và chế độ độc tài; trong bản tiếng Nga, quốc gia đó là Hungary. Và rất nhiều chỗ khác, khi không tiện đem Trump hay Hungary ra thế chân thì những nhận định về Nga – chẳng hạn, một quốc gia phá sản về ý thức hệ, bị một nhóm đầu sỏ thao túng cả tài nguyên lẫn quyền lực – hay Putin – chẳng hạn, một nhà lãnh đạo thiếu viễn kiến toàn cầu – đều bị cắt. Tất cả những kiểm duyệt đó được tác giả chấp nhận. 

Giáo sư Harari thanh minh rằng đứng trước bức tường kiểm duyệt, người ta có ba lựa chọn. Thứ nhất là phá sập bức tường ấy, nhưng đó là việc cần nhiều sức mạnh mà loại sức mạnh đó tiếc thay ông không có. Hai là từ bỏ, như thế thì tốt cho bản thân vì lương tâm được thanh thản, nhưng chẳng có lợi gì cho những người đang mắc kẹt phía sau bức tường. Thứ ba là tìm cách đi vòng. Vấn đề chính của lựa chọn này là cái giá phải trả cao đến đâu. Theo ông, chỉ thay đổi vài đoạn tương đối nhỏ mà sách của ông đến được với công chúng Nga thì cũng xứng đáng. Hơn nữa, dù không trực tiếp chỉ mặt chính quyền Putin, cuốn sách của ông vẫn phê phán các chế độ độc tài, tham nhũng và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Ông đã không hy sinh các ý tưởng chính, mà chỉ nhượng bộ ở các ví dụ. Vả lại, mọi bản dịch đều nên có những thay đổi để thích nghi với bối cảnh văn hóa, tôn giáo và chính trị của đất nước liên quan. Ngay trong tiếng Anh, bản dịch phát hành ở Anh cũng khác với bản dịch phát hành ở Mỹ. Bản ở Anh thì dùng ví dụ bóng đá. Bản ở Mỹ phải chuyển từ bóng đá sang bóng rổ. 

Những người đang sống và viết giữa vòng vây của bức tường kiểm duyệt biết quá rõ về lựa chọn đi vòng như thế. Phần lớn họ cũng không có lựa chọn nào khác, dù họ còn biết rõ hơn rằng đi vòng chưa làm bức tường nào rạn nứt. Có thể họ sẽ được trường hợp Harari an ủi. Thỏa hiệp với cái Ác không là đặc quyền của riêng ai. Khi vặn nhỏ ngọn đèn tự do của mình để được phép bước qua cánh cổng kiểm duyệt của độc tài, phương Tây hi vọng rằng một chút ánh sáng vẫn tốt hơn bóng tối. Song thực tế có lẽ ngược lại. Bóng đen của kiểm duyệt đang lan dần sang chính phương Tây. Trong xếp hạng tự do báo chí năm nay của tổ chức Phóng viên không biên giới, trừ Đức còn ở nhóm 15 đầu bảng, tất cả các nước lớn phương Tây đầy quá khứ tự do dân chủ đều đứng sau nhiều quốc gia châu Phi và Mỹ Latin như Jamaica, Uruguay, Ghana, Namibia, Nam Phi… Và Hoa Kỳ, ngọn đuốc tự do từng sáng nhất, đang đứng ở hạng 48, sau  những Burkina Faso, Botswana châu Phi và sau cả Hàn Quốc, Đài Loan, hai nền dân chủ non trẻ châu Á.

Các “thích nghi” trong bản dịch tiếng Việt có được ông Harari chấp nhận để phù hợp bối cảnh và để đến được với độc giả Việt Nam hay không, tôi không biết. Tôi cũng không biết sự thật và hậu sự thật đã đổi chỗ cho nhau như thế nào trong bản tiếng Trung, khi học giả này mấy năm trước loan tin là hai cuốn đầu của ông được dịch và in 2,5 triệu bản tại Trung Quốc. Tôi không có khả năng kiểm tra các bản tiếng Trung, song căn cứ vào sự tương đồng tuyệt đối giữa hai guồng máy tuyên giáo ở Việt Nam và Trung Quốc hiện tại, dễ hình dung bản tiếng Trung ít nhất cũng méo mó như bản tiếng Việt.

Rồi 21 bài học cũng sẽ sớm được dịch sang tiếng Việt. Sau khi lĩnh hội ở đó những minh triết dễ thương được trình bày bằng giọng văn dễ mến, đại loại rằng thế chiến thứ ba khó xảy ra nhưng cũng khó loại trừ, rằng thế giới đang bị hàng loạt vấn nạn nghiêm trọng đe dọa, mọi nguyên tắc đạo đức đều tuột khỏi tầm nhận thức của mỗi cá nhân, mọi chuẩn mực đều đã hết hạn sử dụng, nhưng bạn đừng quá lo, tất cả vẫn nằm trong tầm tay của chúng ta, nếu chúng ta thông minh hơn chút xíu, sau khi học hết 21 bài học, bạn có muốn học tiếp bài học thứ 22 không? Đó là bài học về nghệ thuật thay bóng đá bằng bóng rổ.

Berlin, 16/8/2019

(Báo Trẻ, 22/8/2019)