Tác giả

Chuyên mục

Trang

Thư gửi một nhà báo trẻ (5)

Th12 26, 2014

Samuel G. Freedman

Lưu Quang dịch và giới thiệu

Xem kì 1kì 2kì 3, kì 4

NGHỀ NGHIỆP

Tôi đã nói với các bạn về khí chất, về đưa tin và về viết lách, tôi cũng đã xây dựng một hình ảnh lý tưởng về báo giới. Đó là thế giới không có hồ sơ xin việc, không thư từ chối, không nhiệm vụ buồn chán, không cắt giảm ngân sách tòa soạn, không bị đồng nghiệp nói xấu sau lưng, không biên tập viên chuyên quyền. Đó là một thế giới không tồn tại. Để thành nhà báo, bạn không chỉ cần có những kỹ năng nhất định, phát triển óc thẩm mỹ và tuân thủ một loạt quy tắc. Bạn còn đang quản lý một sự nghiệp, sự nghiệp của chính bạn. Bạn đang phải nỗ lực gò ép những ước vọng và hoài bão của mình cho hợp với thị trường và cuộc mưu sinh. Quá trình này vốn dĩ không hề nhàm chán. Nhà báo làm việc vì bản thân và cũng vì độc giả. Cái chúng ta kinh doanh là điều gì đó tốt đẹp và giá trị, là sự tái hiện đời sống con người một cách sâu sắc và nghệ thuật nhất mà chúng ta có thể đạt tới. Nếu không nghĩ như vậy, bạn có thể bỏ cuộc và chuyển sang học luật.

Một trong những câu hỏi tôi thường được nghe nhất từ những người ở tuổi bạn là liệu có cần học báo chí để xin việc không. Theo một nghĩa nào đó thì thắc mắc này là khởi đầu mà mọi nhà báo có tham vọng đều gặp khi đối mặt với thế giới thật. Câu trả lời của tôi là điều này phụ thuộc vào ngôi trường và ý của bạn khi nói tới trường.

Tôi có thể truy nguyên nghề viết báo của mình về một buổi chiều khi tôi còn học lớp tám. Thành phố quê tôi vừa xây một trường trung học mới và thầy giáo tiếng Anh của tôi, thầy Powell, đã quyết định rằng ngôi trường này cần phải có một tờ báo. Thầy thông báo tuyển tình nguyện viên qua hệ thống loa nội bộ và chúng tôi tập trung ở phòng thầy.

Ngược lại vẻ bề ngoài với cặp kính gọng sừng, chiếc quần nhung, áo len chui cổ giống như trang phục thường thấy ở Ivy League, thầy Powell có thể là người rất đáng sợ. Thầy cho khách  xem phim thầy quay các trận thắng của con trai thầy ở đội vật của trường cấp ba, và một lần thầy đã yêu cầu tôi phát âm từ “brusquely” trước lớp. “Bruss Kelly?” thầy quát, bắt chước cách phát âm của tôi khi gặp âm lạ. “Em phát âm như tên một người Ireland ấy.” Tiếng khúc khích của cả lớp vẫn vang trong đầu tôi nhiều tháng sau, cho đến khi thầy Powell hỏi thẳng đám tình nguyện viên chúng tôi về vị trí mà mỗi đứa muốn đảm nhiệm. Chẳng hiểu sao tôi đã buột miệng nói, “Tổng biên tập.” Vì sự trơ trẽn ngây thơ ấy chẳng được ai hưởng ứng nên tôi ngước lên nhìn dòng chữ Middle School Message.

Kinh nghiệm học bằng phương pháp thử và sai đã bắt đầu như thế. Điều này tiếp tục với tờ báo Highland Fling tại trường cấp ba của tôi (Mãi ba mươi năm sau khi tốt nghiệp tôi mới biết tên tờ báo chỉ một điệu nhảy của người Scotland.) Khi ấy, tôi chỉ là một gã lính mới chết nhát viết bài thể thao và hoàn toàn khuất sau các đàn anh cực kỳ tài giỏi, những người lãnh đạo tờ báo. Chúng tôi không được hướng dẫn, không được chỉ dạy; đó là năm 1969 và 1970, các học sinh khóa trên hoàn toàn áp đảo giáo viên tư vấn thiếu kinh nghiệm. Họ đã làm được một số việc khá thú vị – một bài châm biếm các hoạt động của trường bằng cách mô tả chúng như trong thần thoại Hy Lạp và La Mã – và phần lớn những việc ấy đều điên rồ và phá phách. Chúng tôi có một cuộc thi viết tít báo xem ai lặp lại một vần nhiều nhất. Tôi vẫn nhớ một tiêu đề về ban nhạc rock sinh viên: “Moonshine’s Grapewine Music Fine with Swine’s Pagan Pink Ripple Wine”. Toàn bộ công việc ở tờ báo trường là một sự thiển cận và tự mãn. Chúng tôi chưa bao giờ viết nhiều về tình hình của trường – nội dung chủ yếu chia thành vấn đề phân biệt chủng tộc và chiến tranh Việt Nam, và thường có tính quá khích.

Vị tân hiệu trưởng tới nhậm chức vào mùa thu năm sau đó, năm thứ hai của tôi, và bổ nhiệm thầy Stevens làm cố vấn. Thầy Stevens đòi hỏi chất lượng cao và nóng tính. Chúng tôi biết về thầy trên cương vị đạo diễn các vở kịch của trường. Thỉnh thoảng tôi đến xem tập kịch chỉ để nghe thầy đánh giá các diễn viên nghiệp dư. Có một cậu nói ngọng đóng vai phụ trong vở Summer and Smoke của Tennessee William. Rồi một tối, âm xuýt của cậu ta khiến thầy Stevens không bình tĩnh được nữa. “Em… em… em,” thầy Stevens quát lên và cả khán phòng lặng yên, chờ đợi lời quở trách. “Đồ non nớt.” Và rõ ràng là cậu ta hết nói ngọng trước đêm công diễn. Thầy Stevens cũng có thể bùng nổ như vậy với tư cách cố vấn của tờ báo. Thầy thường giám sát các buổi họp sau mỗi số phát hành ở tờ Fling, và đến năm cuối, khi là biên tập viên, tôi đã từ chối nhiều cuộc họp như thế. “Sam,” thầy Stevens nói cộc lốc, “cậu là đồ phá hoại.”

Dù vậy, như tôi đã nói trong chương trước, thầy Stevens đã cho chúng tôi thấy được niềm vui tột cùng của báo chí thời ấy. Chúng tôi học cách các nhà báo thực thụ đưa tin và xuyên tạc chuyện có thật. Chúng tôi đến các cuộc thi và hội thảo về báo chí trong nhà trường. Thầy khiến chúng tôi có cảm giác mình có thể viết về bất kỳ vấn đề người lớn nào. Tôi viết phê bình kịch Broadway. Tôi đưa tin Gloria Steinem diễn thuyết tại Đại học Rutgers. Tôi cũng tìm hiểu tác động của việc bang New Jersey giảm tuổi thành niên từ hai mươi mốt xuống còn mười tám. Thầy Stevens tin tôi đến mức cho phép tôi giả mạo các chữ cái đầu tiên trong tên thầy – RWS – trong thư xin phép khi tôi phải mang bản in thử tới nhà in vào giờ học. Tôi nghĩ thầy còn biết cả chuyện tôi đưa cho các thợ in một két bia sáu chai vào dịp Giáng sinh.

Tựu trung, những gì mà thầy Stevens đem đến cho chúng tôi chính là khái niệm mà tôi đã nói đến trước đây trong một phần khác: tự do trong khuôn khổ. Thầy đã để chúng tôi tự do mắc lỗi vì hoài bão chứ không phải vì tính tự cao tự đại. Nếu người phê bình sách của chúng tôi (sau này trở thành nhà thơ có tuyển tập được xuất bản) quyết định dành một bài nói về cuốn Naked Lunch của William S. Bourroghs, thì thầy Stevens cũng không nghi ngờ lựa chọn cá nhân như thế. Nếu chúng tôi mạo hiểm chống lại thầy hiệu trưởng bằng các bài về mẫu trang phục chưa chính thức của trường – bức ảnh một cô gái hở bụng với chú thích “Thao diễn rốn” – thầy Stevens sẽ chấp nhận rằng một phần cơn giận của lãnh đạo sẽ đổ lên đầu mình. Thầy không giúp chúng tôi tự cứu mình nhưng khiến chúng tôi khao khát đáp ứng được kỳ vọng của thầy. Thậm chí tôi còn không nhớ liệu thầy có phải là người dạy tôi về cấu trúc kim tự tháp ngược của một bản tin hay không. Đó là phần dễ dàng. Điều tôi nhớ là thầy đã dạy chúng tôi nghiêm túc với bản thân, cũng nghiêm túc như các diễn viên học sinh mà thầy đã giao cho diễn vở Hamlet.

Dù có nguy cơ biến thành một gã trung niên hoài cổ, tôi vẫn muốn kể với bạn về thầy Stevens và tờ Fling bởi tôi tin rằng những trải nghiệm của tôi thời ấy sẽ đưa ra một ví dụ về cách bắt đầu học làm báo, mà ở đây là học bằng cách làm việc. Nếu bạn có thể thực tập dưới dự giám sát của một người thầy nhiệt tình thì còn tốt hơn. Những điều tôi học ở trường cấp ba khiến cho các môn học về báo chí ở trường đại học trở nên dư thừa, mặc dù theo thời gian, tôi nhận ra rằng chẳng có lý do gì để bỏ qua môn chuyên ngành. Bạn không cần phải học một lớp dạy phỏng vấn hay tường thuật hay tổ chức một bài báo đơn giản nếu đã có cơ hội làm việc cho một tờ báo trường cấp ba hay đại học (hoặc đài phát thanh, truyền hành hay trang web). Những năm đại học nên là thời gian để bạn khám phá tri thức. Tôi thấy thấy vọng với tất cả các lớp báo chí mà tôi đã chọn vì đáng ra chúng phải dạy về khoa học chính trị hay văn học Anh hoặc bất kỳ cái gì khác cũng được.

May thay, báo chí không phải là chuyên ngành duy nhất của tôi. Tôi còn học chuyên ngành lịch sử, tham gia đủ các chứng chỉ bổ túc của môn văn học so sánh (tuy Wisconsin không có học bổng chính thức dành cho các lớp học bổ túc). Mặc dù tôi học được không nhiều, nếu có, từ các môn chuyên ngành báo chí, ngoại trừ môn học về Tu chính án Hiến pháp thứ Nhất[1], tôi vẫn áp dụng những kiến thức lịch sử và văn học so sánh vào các đề tài khác nhau như Trung Quốc thế kỷ hai mươi, làn sóng nhập cư vào Mỹ, Thời kỳ Man rợ ở Châu Âu, văn học thế giới thứ ba, văn chương về cái chết và sự chết. Tôi đã quên tên hầu hết các thầy cô dạy báo chí; tôi nhớ gần như tất cả mọi người ở bộ môn lịch sử và văn học so sánh – Schultz, Cloivis, Boardman, Archdeacon, Bjornson, Beck – dù nhiều buổi học được tổ chức tại giảng đường và có hơn một trăm sinh viên. Tôi nhớ họ vì họ đã mở mang đầu óc tôi, mở ra cho tôi một thế giới rộng lớn hơn, và đó là cách bạn nên sử dụng những năm tháng đại học của mình.

Tôi không ở địa vị có thể đánh giá được chất lượng từng chương trình đào tạo báo chí bậc đại học và tôi vô cùng ngưỡng mộ các giảng viên tận tụy biết đưa thực tiễn báo chí vào giảng dạy. Tuy vậy, thật là vô nghĩa nếu mất 120 hay 130 tín chỉ để lấy bằng cử nhân. Khi bạn chọn một môn thì cũng có nghĩa là bạn không chọn hàng trăm môn khác; khi bạn quyết định học chuyên ngành này thì đồng thời quyết định không học các chuyên ngành khác. Chương trình đào tạo báo chí có thể sẽ biến bạn thành chuyên gia công nghệ giỏi, một người thông thạo các quy tắc đưa tin, viết lách và tường thuật, một người có thể làm việc rập khuôn theo các công thức. Hầu hết các chương trình ở bậc đại học bao gồm, thậm chí bắt buộc, các khóa học về quảng cáo và quan hệ công chúng – những lĩnh vực trái ngược với báo chí. Quá ít chương trình báo chí, nhất là ở bậc đại học, nỗ lực truyền cho bạn kiến thức văn hóa và lịch sử cũng như tính ham hiểu biết. Mà những kiến thức cùng với lòng ham hiểu biết lại là nền tảng cho tài năng báo chí.

Nếu bạn vẫn quyết theo học báo chí ở bậc đại học thì hãy dùng các kỹ năng đưa tin của mình để chọn lấy chương trình tốt nhất. Bạn cần cẩn thận với các cơ sở đào tạo báo chí gồm toàn những lý thuyết gia truyền thông thiếu kinh nghiệm thực tiễn hay các phóng viên và biên tập viên về hưu, những người coi việc dạy học đơn giản là kể chuyện chiến tranh. Hãy tìm chương trình mà đội ngũ giảng dạy là những người vừa giỏi trong giảng dạy vừa có uy tín trong nghề. Nhớ kỹ rằng bạn sẽ cần tiếp xúc riêng với họ rất nhiều, bao gồm cả kiểm tra nội dung và biên tập ngôn ngữ, thay vì để họ giao bạn cho các phụ tá là sinh viên đã tốt nghiệp.

Ngay cả khi bạn tìm được một chương trình báo chí với đầy đủ những yếu tố đó thì cũng vẫn nên học thêm một chuyên ngành khác. Lịch sử nghệ thuật, sinh học, giáo dục – bất kỳ thứ gì cho bạn kiến thức để bổ sung cho bài tập ở trường báo chí. Nhiều năm sau quãng thời gian tại Wisconsin, tôi phải lục lọi tài liệu của môn lịch sử đô thị để viết về thành phố New York và xem lại các tiểu thuyết tôi từng đọc về cái chết và sự chết khi còn học môn văn học so sánh để viết sách về người mẹ quá cố của mình. Mấy chương trước, tôi có nói với bạn về tiểu thuyết Kiss of Spider Woman của Manuel Puig. Tôi cũng đã được giới thiệu về ông, qua một cuốn sách khác, trong một lớp văn học khác. Tôi chưa bao giờ chăm chỉ để giành được điểm C+.

Trải nghiệm ở Wiscosin khiến tôi cực kỳ nghi ngờ về vị trí của chuyên ngành báo chí trong trường đại học, cho tận đến năm 1990, khi tôi dạy lớp đầu tiên tại Trường Báo chí Columbia. Trong trường hợp này, các bạn hẳn sẽ băn khoăn tại sao tôi lại đồng ý giảng dạy, và đó là một câu hỏi hợp lý. Một mặt, tôi làm vậy vì tôi từng giảng chuyên đề[2] cho sinh viên báo chí trong nhiều năm. Mặt khác, tôi đi dạy vì tôi vừa dành cả một năm ở lỳ một mình trong nhà để viết cuốn sách đầu tay và tôi cần thuốc chữa bệnh thích ngồi nhà. Và, mặt khác, như tôi đã nói với sinh viên trong buổi đầu tiên ấy, họ có trách nhiệm chứng minh với tôi rằng báo chí có thể được dạy và được học trong môi trường hàn lâm. Họ có thể biến tôi, một kẻ theo bất khả tri luận, thành một người vô thần hay một tín đồ[3].

Câu trả lời của tôi đã khá rõ ràng bởi sau mười lăm năm, tôi vẫn ở đây, mà chính tôi cũng rất bất ngờ khi được vào biên chế[4]. Vậy, điều gì đã khiến tôi đổi ý? Chuyện này có liên quan rất chặt chẽ với nền giáo dục sau đại học nói chung và trường Columbia, với tư cách một cơ sở đào tạo, nói riêng, và có thể những câu trả lời này sẽ giúp bạn hình thành một hướng đi riêng. Tôi ủng hộ Columbia trong việc đưa các nhà báo sinh viên của mình ra thế giới. Họ đã đưa tin về các khu dân cư của New York, đặc biệt là các khu thế giới ngầm bên ngoài Manhattan. (Trong lớp nhập môn báo chí, tôi áp dụng cái mà tôi gọi là Quy tắc Bữa ăn: bạn không thể đưa tin về nơi mà bạn có nhiều khả năng sẽ dùng bữa.) Vậy, tối thiểu thì bạn cũng phải tìm cho mình một chương trình báo chí buộc bạn phải ra khỏi phòng học và phòng máy tính. Columbia còn được lợi từ hệ thống đỗ-trượt, vì ngành báo chí không thể được đánh giá theo hệ thống cho điểm bằng chữ. Điểm bằng chữ chống lại nguy cơ, thách thức và kinh nghiệm mới, mà tất cả những điều đó lại là thiết yếu để phát triển bản thân thành nhà báo. Nếu bạn có lựa chọn, nếu mọi yếu tố khác tương đồng, hãy chọn chương trình nào không cho điểm bằng chữ hoặc số.

Đại đa số sinh viên của tôi ở Columbia không học báo chí ở bậc đại học; họ theo học nghệ thuật, kế toán hay địa chất; họ khởi nghiệp đa dạng, là quân nhân, kỹ sư phần mềm, vũ công, kinh doanh bất động sản, thư ký tòa án, nhân viên an ninh nội địa và cả người pha rượu. Nền tảng phong phú đó làm giàu cho họ trên cương vị những nhà báo tương lai và làm giàu cho tôi trên cương vị giảng viên / biên tập viên của họ. Mới vào nghề, họ làm việc hăng hái và sẵn sàng chấp nhận thất bại, bởi họ hiểu rằng thất bại là tiền đề cần thiết của thành công.

Thất bại giải phóng bạn; nó giải phóng bạn khỏi nỗi sợ thất bại; nó giải phóng bạn khỏi ảo tưởng rằng bạn hoàn hảo. Nhận ra điều này là vô cùng quan trọng đối với bạn. Thế hệ bạn chịu áp lực cần phải hoàn thiện bản thân. Bạn bị nhồi nhét quan niệm sai lầm rằng cơ hội ở nước Mỹ là một thứ tài nguyên có hạn, một mặt hàng hiếm, rằng nếu như không học hết các lớp A.P ở trường cấp ba, không đạt trên 750 điểm cho mỗi phần thi SAT, hay nếu bạn không tình nguyện giúp đỡ người vô gia cư, ít nhất là đến khi thư báo trúng tuyển tới, thì bạn sẽ chẳng bao giờ vào được Ivy League và tương lai của bạn coi như đi tong. Khi đã vào được các trường danh tiếng đó, bạn sẽ lại chịu áp lực phải đăng ký vào trường luật, trường kinh doanh hoặc trường y (bất kỳ trường nào cha mẹ bạn muốn) rồi vùi đầu vào danh mục các môn học để tìm những môn chắc chắn sẽ được điểm A thay vì tìm những ý tưởng và thách thức mới. Tôi còn nhớ một kỳ học khi tôi làm giảng viên thỉnh giảng ở Princeton, một sinh viên đã bỏ học giữa chừng khi thấy mình chắc chắn sẽ chỉ được điểm B.

Báo chí cần phải tránh xa phiên bản lợi nhuận cao mà không rủi ro của giới trẻ vốn đang lan tràn trên khắp nước ta. Thế nhưng vẫn có quá nhiều nhà báo chìm đắm trong sự chấp nhận, sự chấp nhận của các biên tập viên, độc giả hay các đồng nghiệp, cho phép họ cứ mãi mãi lặp lại những công thức mà họ đã thành thạo từ lâu. Suốt thời gian dạy ở Columbia, tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là khi làm việc với những sinh viên đã từng làm việc cho các tờ báo, tạp chí và tiếp thu phong cách đã được thừa nhận. Họ có thể làm được cái mà tôi gọi một cách chế giễu là “bài hoàn toàn dùng được”. Nhưng để làm được hơn thế, họ phải quên những thói quen cũ trước khi học những phương pháp mới, và hiếm người thấy quá trình này dễ dàng và thú vị. Tôi thường kể với các sinh viên ấy về cách lực sĩ cử tạ luyện tập và tự làm rách tế bào cơ để những tế bào ấy khi hồi phục lại sẽ khỏe hơn. Tôi cũng có thể kể về Neil Young và Miles David, hai trong số những nhạc sĩ tôi yêu thích, không phải vì mọi tác phẩm của họ đều xuất sắc mà vì họ không bao giờ lặp lại chính mình và sẵn sàng chấp nhận thất bại. Những sinh viên mà tôi quý mến nhất ở Columbia, không phải là những người tài năng nhất mà là những người tiến bộ nhiều nhất trong suốt khóa học.

Giữ vững lập trường[5]

Điều mà tôi học được về báo chí tại Wiscosin cũng chính là những gì mà tôi học được từ tờ báo trường, tờ Daily Cardinal. Và điều mà tôi tiếp thu ít liên quan nhiều đến kỹ năng hay kỹ thuật hơn là tới một điều khác giá trị hơn nhiều – tuân thủ các nguyên tắc đầy đủ các nguyên tắc của bản thân, giữ vững lập trường! Mọi tòa soạn đều có những quy tắc bất thành văn, những chuẩn mực được trân trọng, những quản lý cấp trung hèn nhát. Bạn sẽ phải tìm cách duy trì cái tôi thiết yếu ở đó. Khi bạn đã uốn tài năng cá nhân cho phù hợp với một quan điểm – bất kỳ quan điểm nào, dù là của một phong trào chính trị hay của một nhà tư vấn quản lý – thì bạn sẽ đánh mất giá trị của mình với tư cách nhà báo. Bạn không còn là một nhà môi giới thông tin công bằng nữa mà đã chấp nhận làm một kẻ nịnh hót.

Ở trường Madison, nơi tôi nhập học năm 1973, đặc biệt là ở tòa soạn kín mít không cửa sổ của tờ Cardinal, phần lớn chúng tôi coi làm việc độc lập đồng nghĩa với theo cánh Tả. Chúng tôi giữ một chiếc mũ của cảnh sát chống bạo động và đưa tin phe cộng sản tấn công miền Nam Việt Nam với hàng tít lớn ở trang nhất, “Chiến thắng !!!” Phóng viên ảnh của chúng tôi chia sẻ thời gian không làm báo của mình cho việc thăm viếng các nhà cách mạng Sandinista trong rừng nhiệt đới Nicaragua và việc giao marijuana trong thành phố bằng xe đạp. Tôi dành nhiều thời gian cho các cuộc tranh luận sôi nổi quanh việc trang xã luận có nên đưa tin Quân đội Giải phóng Symbiosis bắt cóc Patty Hearst hay không. Trên thực tế, tờ Cardinal có ít ý tưởng độc đáo. Hệ tư tưởng của chúng tôi có thể được gói gọn bằng các vị trí trong đội bóng rổ: hậu vệ trái và hậu vệ trái từ xa.[6]

Tôi khao khát hòa nhập, vì hòa nhập có nghĩa là được chấp nhận, và tôi là một anh chàng mười bảy tuổi, giản dị và nhớ nhà, hăm hở tìm chỗ đứng trong khuôn viên trường Wisconsin rộng lớn. Lẽ ra tôi đã hòa nhập rất tốt với chuẩn mực ở đó nếu không gặp một trong số ít những người bất đồng quan điểm chính cống của Cardinal, một sinh viên năm thứ năm tên là Jim Podgers. Chúng tôi đụng nhau ngay tuần đầu tiên năm tôi nhập học khi tôi viết bài về vụ một chiếc xuồng kim loại bị chìm ở hồ nước trong khuôn viên trường. Bằng giọng hoa mỹ khoa trương và mang âm hưởng Sly Stone, tôi bắt đầu bài viết với dòng nói về “niềm vui lớn trong hè”. Trong lần đầu tiên giúp tôi bằng tài biên tập ngôn ngữ ấy, anh đã chữa câu đó thành “niềm vui ngày hè”[7].

Không chỉ quan tâm đến chính trị, nhạc rock và pot, những thú vui được xã hội chấp nhận, tôi còn là một người hâm mộ bóng bầu dục. Thể thao nói chung, đặc biệt là bóng bầu dục, là đặc sản của Cardinal. Nghĩa là bạn là người đối lập[8] còn Podgers yêu bóng bầu dục cuồng nhiệt. Anh dường như thích thể hiện rằng mình là ẩn sĩ trong ban biên tập. Cardinal có giải bowling – ở Wisconsin, cả người đối lập cũng chơi bowling – và Podgers đặt tên cho đội của mình là Westbook Keglers để ngầm mỉa mai bình luận viên cánh Hữu Westbook Pegler. Thần tượng báo chí của anh, người anh khuyên tôi nên đọc, là Mike Royko, được coi là lương tâm của thành phố công nhân Chicago. Podgers cũng có thế giới quan không ủy mị, tương tự như Royko. Trong một tòa soạn toàn những người theo Chủ nghĩa Xã hội Không tưởng, anh hạ bệ những viễn cảnh hào nhoáng bằng khẩu hiệu “mềm yếu thì chết”. Podgers nghe Bix Beiderbecke, Count Basie, và, rất khó tin trong môi trường tờ Cardinal, cả Frank Sinatra[9]. Một buổi chiều, Podgers nhờ tôi đi lấy đĩa nhạc Sinatra mà anh đặt mua từ trước ở một quầy băng đĩa cách văn phòng chúng tôi mấy dãy nhà. Tôi lo ai đó thấy mình sở hữu một thứ lạc mốt như thế đến mức phải mua đĩa nhạc mới nhất của Jethro Tull để che ra bên ngoài. Tất nhiên, khi nhìn lại, tôi thấy mình giống như Afred E. Newman ở tạp chí MAD, người đã phải giấu cuốn tổng tập Shakespeare sau bìa truyện tranh.

Mấy năm trước khi tôi đến Madison, tổ chức cực đoan địa phương đã đánh bom một tòa nhà của một trường đại học, nơi đang tiến hành nghiên cứu quân sự. Vụ nổ cuối cùng đã giết chết một nhà vật lý vốn là người phản chiến. Bốn nghi phạm đánh bom trốn thoát. Đến khi tôi vào năm thứ nhất thì một trong bốn người là Karl Armstrong bị bắt và bị đưa ra tòa. Vụ xét xử anh ta trở thành điểm nóng của tờ Cardinal. Chúng tôi thường xuyên chạy tít xã luận “Trả tự do cho Karl” và kêu gọi độc giả biểu tình ủng hộ anh ta. Chúng tôi vui mừng với chiến thuật “đưa chiến tranh ra xét xử” của luật sư bào chữa, tức là công bố bằng chứng về tội ác của nước Mỹ, chẳng hạn như cuộc tàn sát ở Mỹ Lai, để biện hộ cho hành động của Amstrong. Đến khi được yêu cầu khai báo, chính Amstrong lại nói điều mà những người ủng hộ anh ta chưa bao giờ nói. Anh ta bảy tỏ sự ăn năn và hối hận vì đã giết một người vô tội. Anh ta không trông chờ hay đòi hỏi sự khoan hồng.

Trong khi các đồng nghiệp ở Cardinal ba hoa về đấu tranh giai cấp thì tôi đang học việc trong xưởng in cùng Orv Lasen, con trai một thợ mộc, một người lao động thực thụ. Phải nói thật rằng tôi là một trợ lý tồi. Chỉ sau vài ca, Orv không cho tôi sờ tới máy in nữa mà chuyển tôi xuống làm nhiệm vụ thu thập và sắp xếp báo đã in xong thành từng tập hai mươi lăm tờ. Tôi cũng thường được giao việc cầm vài đôla của ông, lẻn tới một cửa hàng rượu gần đó mua vài chai vodka nhỏ và một két bia sáu chai, rồi mang về giấu trong căn phòng tối có khóa mà chúng tôi dùng để cất kẽm in nhạy sáng. Vodka thì Orv uống một mình. Còn bia thì ông chia cả cho tôi và John Burton, một sinh viên học việc khác khá hơn tôi. Thế là lúc hai giờ sáng, chúng tôi sẽ nằm trên sàn xi măng của phòng lưu trữ, trong ánh đèn không quang hóa màu đỏ thẫm, và Orv sẽ kể chuyện. Ông nói về tuổi thơ trong cuộc Đại Suy thoái ở vùng rừng phía Bắc Wisconsin, khi mà công nghiệp gỗ đã chuyển về phía Tây, khi ông đi với mẹ vào trụ sở hạt, mang theo chiếc xe kéo của trẻ con màu đỏ để nhận khoai tây thay cho tiền trợ cấp. Ông nói về hiệp hội in bị phá sản trong cuộc đình công ở Dakotas, sự kiện làm cho ông từ đó ghét đình công. Mặc dù điều khiển máy in rất kém nhưng tôi rõ ràng là vẫn qua được cuộc sát hạch của Orv. Còn với những người khác ở Cardinal, Orv nói rất nhiều lần câu “Hãy cắt tóc và trở thành một ai đó”.

Mớ cảm xúc hỗn độn của tôi về Podgers, Orv, Karl Armstrong và Cardinal lên tới đỉnh điểm vào năm học cuối, khi em trai Armstrong và một người lẩn trốn nữa là Dwight bị bắt và bị đưa ra xét xử. Vào thời điểm đó, tôi đã được bầu vào ban điều hành tờ báo, nơi có trách nhiệm quan trọng nhất là quyết định về tài chính. Các luật sư của Dwight Armstrong đề nghị tờ Cardinal ủng hộ năm ngàn đôla cho quỹ bảo vệ anh ta, và đề nghị này được đưa ra trước ban điều hành. Vào đêm biểu quyết, phòng họp chật kín với bảy mươi hay tám mươi thành viên. Mọi phiếu thuận đều được hoan nghênh, mỗi phiếu chống đều bị la ó.

Trong khi đợi đến lượt mình, tôi chỉ có thể nghĩ về cái cách mà những người ủng hộ Karl Armstrong không hề biểu lộ chút ăn năn dù là nhỏ nhất về việc giết hại nhà vật lý học. Tôi bỏ phiếu chống và hóa ra đó là lá phiếu quyết định. Hôm sau, lúc tôi đến tòa soạn tờ Cardinal, biên tập viên gọi tôi là  Shitman[10] Freedman. Cái tên đó làm tôi lúng túng một lúc. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng đó là một kiểu ngợi khen lạ lùng.

Ca ngợi phương pháp tiệm tiến

Mùa thu năm 1982, vở kịch True West của Sam Shepard được dựng lại và trình diễn tại một rạp hát nhỏ ở làng Greenwich và gây chấn động cả ở phòng vé cũng như trong giới phê bình. Vở kịch có hai diễn viên ít tên tuổi tại New York là Gary Sinise và John Malkovich tham gia. Nhà sản xuất là một đoàn kịch phi lợi nhuận đóng tại Chicago, trong một nhà để xe được sửa chữa lại, đoàn kịch Steppenwolf. Trong một hay hai năm tiếp theo, có thêm nhiều vở diễn của Steppenwolf được chuyển đến Manhattan – các vở như Balm in Gilead, Orphans, And a Nightingale sang – và họ đã giới thiệu đến công chúng nhiều diễn viên khác như Laurie Metcalf, Terry Kinney, Joan Allen, và John Mahoney. Sự bùng nổ tài năng này đã dẫn đến câu hỏi: Steppenwolf có gì đặc biệt và khác lạ?

Chẳng có gì khác lạ, ngoại trừ điều này. Khi Sinise và Malkovich cùng những người khác tốt nghiệp ngành sân khấu ở Đại học Bang Illinois, và không phải ở trường Juilliard, họ không khăn gói đến Broadway. Họ thuê tầng hầm của một nhà thờ ở ngoại ô Chicago, đi làm ban ngày để trả tiền thuê và tận dụng cơ hội để liên tục tự biên tự diễn. Trong khi các đồng nghiệp ham danh vọng ở New York còn đang phải chờ phân vai và diễn thử trong các đoạn quảng cáo trên truyền hình thì các thành viên của Steppenwolf vẫn mải miết với tác phẩm của mình và tiến bộ nhiều hơn. Họ không lãng phí tuổi hai mươi của mình bằng cách chờ được phát hiện mà ngược lại, họ sẽ được phát hiện khi tài năng đạt độ chín.

Tôi đã kể chuyện của Stepphenwolf với nhiều khóa sinh viên báo chí trong nhiều năm, đặc biệt là khi gần đến lễ tốt nghiệp vào mùa xuân, bởi vì nó cho thấy một bài học rõ ràng về việc tạo dựng nghiệp báo. Điều quan trọng nhất là khả năng viết (hoặc đưa tin[11]) mỗi ngày. Ở tuổi hai mươi, điều quan trọng không phải là làm việc tại New York nếu việc đó có nghĩa là bạn sẽ làm trợ lý biên tập hay thẩm tra viên, cho dù cơ quan báo chí của bạn có danh tiếng và hiện đại đến mức nào đi chăng nữa. Qua thời gian, nếu bạn phát triển các kỹ năng của mình, bạn sẽ có thể đến New York, Los Angeles, Washington hay Chicago, bằng chính sức mạnh của các kỹ năng đó. Bạn sẽ không phải vật lộn để đăng những bài cộng tác lặt vặt mà sẽ là phóng viên cơ hữu, cộng tác viên[12] hay nhà sản xuất.

Trường hợp tương tự như Stepphenwolf mà tôi chứng kiến tại trường đại học báo chí Columbia là Craig Laban. Craig bước vào trường báo chí năm 1993, khi đã là một nghệ sĩ nhạc Jazz đồng thời là một đầu bếp có hạng, và từng viết một số bài báo tự do về ẩm thực. Tôi hướng dẫn anh viết luận văn thạc sĩ – thực ra là một bài đăng tạp chí rất dài hoặc là một chương sách – và anh đã cho ra đời luận văn tuyệt vời nhất mà tôi đã từng đọc – một biên niên ký về cuộc chiến giữa các nghệ sĩ Jazz xoay quanh chuyện điều gì đã làm nên chuẩn mực của dòng nhạc này. Bản thảo cuối cùng luận văn của Craig được sao chép và lưu truyền trong giới nghệ sĩ nhạc Jazz như sách cấm được truyền bá ở Liên Xô cũ. Một ký giả của tờ Village Voice đã lấy tư liệu viết từ chính bản luận văn đó của Craig – đó là một lời khen nếu như đạo văn có thể được coi là một dạng xấu xa của việc ca ngợi.

Khi Craig tốt nghiệp, anh chỉ nhận được một lời mời làm việc và thậm chí không phải ở một tờ nhật báo. Thế là Craig tới tờ Packet, ra mỗi tuần hai số, tại Princeton, bang New Jersey, làm phóng viên địa phương, giống như tôi đã làm tại tờ Courier-News mấy thập kỷ trước. Sau khoảng một năm, bài của Craig được tờ Philadephia Inquirer chú ý và họ cho anh tập sự hai năm ở một văn phòng ngoại ô, vẫn đưa tin chính quyền địa phương, giáo dục và tội phạm. Từ đó, Craig đến làm việc cho tờ New Orleans Times Picayune và sau một thời gian ở ban đô thị, anh được ký hợp đồng làm phê bình ẩm thực. Cuối cùng, tờ New Orleans Inquirer mời anh trở lại phụ trách phê bình ẩm thực cho họ và anh còn đoạt giải thưởng James Beard để trở thành phóng viên giỏi nhất nước trong lĩnh vực này.

Nếu ngay khi rời Columbia Craig đã quyết tâm làm việc ở một thành phố lớn và tập trung vào ẩm thực thì tôi hoàn toàn không nghi ngờ rằng anh sẽ thất nghiệp cho đến khi phải bỏ nghề. Nhưng anh tin vào phương pháp tiệm tiến. Anh tin tài năng của mình sẽ được phát hiện. Dù có vẻ lạc quan tếu[13], tôi vẫn có thể nói rằng tôi chưa từng thấy một nhà báo trẻ thực sự tài năng nào không được phát hiện. Có chăng thì chỉ trong thời gian ngắn chứ không phải mãi mãi. Đơn giản là thế giới không có nhiều tài năng nhàn rỗi đến mức các cơ quan truyền thông có thể làm ngơ. Còn về phần mình, bạn cần kiên nhẫn. Công việc đầu tiên sẽ không phải là nơi bạn dành cả đời; đó chỉ là nơi có thể bạn sẽ làm việc trong khoảng mười tám tháng. Vì vậy, nếu công việc có ở Pasadena, bang Texas hay Watertown, New York hay Anniston, bang Alabama, tất cả những nơi mà sinh viên của tôi từng làm việc, thì vấn đề vẫn là bạn phải có cơ hội làm việc. Ở những chốn ao tù nước đọng ấy, bạn sẽ có những người đồng hành rất đáng kính. J. Anthony Lukas khởi nghiệp tại một tờ báo ở Hurrisbury, bang Pennsylvania còn Robert A. Caro thì tại New Brunswick, bang New Jersey.

Người ta thường mơ được làm phóng viên tự do hơn là làm nhà báo trẻ. Có ai lại không muốn sống như Susan Orlean hay Robert Kaplan – với những chủ đề thú vị, được đi xa, có nhiều thời gian nghiên cứu, có thể viết dài nhiều nghìn từ và được đăng bài trên những tạp chí lớn? Tôi đã thôi không đếm số hợp tuyển và hội thảo về “báo chí có tính văn chương”. Vấn đề mà tôi nhận ra là mình phải giải thích cho ít nhất vài sinh viên mỗi năm là khi bạn cố gắng biến ảo tưởng của mình thành hiện thực thì bạn phát hiện ra rằng mình còn khá thiếu kinh nghiệm, là những người vô danh chưa được kiểm chứng và để giành được một khoảng trống rất hạn hẹp trên tạp chí thì bạn phải ganh đua với những Susan Orlean và Robert Kaplan của thế giới. Họ là ngôi sao, và trong thế giới tạp chí, cũng như ở Hollywood vậy, ngôi sao làm việc theo những quy tắc khác hẳn với những người còn lại.

Ngành công nghiệp tạp chí có nhiều phương thức cụ thể để khai thác sự ngây thơ của những người trẻ tuổi giàu tham vọng như bạn. Trước tiên, các tạp chí cũng phải tuân theo quy luật cung cầu của kinh tế học một cách nghiêm khắc. Mỗi tạp chí tốn hai trăm năm mươi hoặc năm trăm đôla để trả phí loại bỏ[14] cho một bài vốn có thể mang về cho tác giả năm nghìn đôla hoặc hơn khi nó được xuất bản. Chính vì lý do tài chính mà các tạp chí đặt nhiều bài, để cứ mỗi mười hay hai mươi bài bị loại thì có một bài được chọn. Ngay cả khi bài được chấp nhận thì nó cũng phải qua tay nhiều biên tập viên, mà tất cả những người này đều muốn để lại dấu ấn của mình trong bài, đôi khi bằng cả cách yêu cầu tác giả sửa chữa ngược với yêu cầu của biên tập viên trước đó. Chuỗi sửa chữa gần như vô tận đó là phiên bản báo chí của cái mà công nghiệp điện ảnh gọi là “địa ngục xoay vòng”.

Nếu bạn mơ làm phóng viên tự do, hãy theo đuổi ước mơ ấy bằng mọi cách. Nhưng hãy theo đuổi một cách thông minh. Hãy chấp nhận sự thật mà như một nữ diễn viên từng nói với tôi là “một nửa công việc của tôi là đi tìm việc”. Hãy tìm cách có được một khoản thu nhập đủ tin cậy để tiền mua thức ăn và thuê nhà của bạn không phải phụ thuộc vào tính thất thường của các biên tập viên. Thường thì điều này có nghĩa là hãy đặt mình vào một thị trường báo chí ít dư thừa bài hơn New York và tìm kiếm thu nhập ổn định từ những khách hàng ít thất thường. (Tôi cũng khuyên bạn nên đọc Hướng dẫn làm báo tự do của ASJA, một cuốn sách tổng hợp chi tiết, thiết thực và khách quan những lời khuyên của các phóng viên đã từng thành công trong việc tạo dựng và kiểm soát nghề nghiệp.)

Một trong những phóng viên tạp chí xuất sắc nhất mà tôi từng dạy tại trường báo chí Columbia, Ed Leibowitz, đã đến Los Angeles ngay sau khi tốt nghiệp để tập sự tại tờ LA Weekly. Đó là một canh bạc có tính toán bởi biên tập viên ở đó là một nhà báo thành đạt tên là Kit Rachlis, còn Ed thì hạn chế rủi ro bằng cách duy trì mối quan hệ với một tờ tạp chí chuyên về công nghệ điện thoại. Khi Ed viết vài phóng sự dài cho Kit vào mùa hè năm ấy, anh đã có điều quan trọng nhất trong nghề báo: một người thầy[15]. Kit chuyển sang biên tập tờ tạp chí chủ nhật của tờ Los Angeles Times, Ed đi cùng với tư cách cộng tác viên thường xuyên. Cuối cùng, anh bỏ tờ tạp chí điện thoại và bắt đầu có bài trên AtlanticThe New York Times.

Mike Sager, người mà tôi đã nói tới từ trước trong cuốn sách này, lại là một mẫu người nhạy cảm khác. Mike đã từng làm việc cho tờ Washington Post trong 5 năm – làm chân chạy việc vặt, đưa tin cảnh sát, làm rewriteman trực đêm, rồi làm phóng viên phóng sự ở Virginia – khi anh nghỉ phép không lương vào cuối năm 1983 để theo đuổi đề tài mới được giao tại một tờ tạp chí lớn (viết về chân dung các cựu binh Chiến tranh Việt Nam định cư ở Thái Lan như tôi đã đề cập ở một vài chương trước). Là một người được biết đến nhiều tại Washington, Mike cũng ký hợp đồng với hai tạp chí có trụ sở tại thành phố này là Regardies Washingtonian. Vì thù lao của các hợp đồng này gần bằng mức lương 28.000 đôla một năm tại Post nên anh bỏ tờ báo. Đầu năm 1987, anh cũng thôi việc tại Washington, vay thế chấp[16] và chuyển hướng sang các tạp chí phát hành toàn quốc đóng tại New York. Chỉ trong một năm, thu nhập của Mike giảm thê thảm đến mức IRS phải điều tra anh[17]. Do đã tiết kiệm và vay mượn để chuẩn bị cho một năm thất bát nên Mike dành được toàn bộ thời gian cần thiết để tìm hiểu, viết lách và bán được hai phóng sự tiếp theo cho Rolling Stone. Hai bài này đã giúp anh có một chân cộng tác viên, vị trí sẽ thành bệ phóng cho sự nghiệp về sau của anh ở đó, ở GQ và gần đây nhất ở Esquire.

Ý nghĩa đằng sau tất cả những trường hợp kể trên – Craig Laban, Ed Leibowitz, Mike Sager và Steppenwolf – chính là giá trị, hay nói cho cùng sự cần thiết, của việc đưa tin và viết về những gì diễn ra hàng ngày. Tôi không thể hứa chắc chắn rằng bạn sẽ thích tất cả những việc bạn làm tại tờ báo địa phương. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác chán chường trong mùa hè đầu tiên tại báo Courier-News khi tôi phát hiện ra rằng Cameron Crowe mà tôi vẫn đọc trên Rolling Stone còn trẻ hơn mình. Tôi vẫn nhớ những tối thứ Hai tại báo Suburban Trib, khi tôi cuống cuồng đi đưa tin năm cuộc họp ban giám hiệu khác nhau và tự hỏi liệu đó có phải là nơi cầu vồng của mình kết thúc[18]. Tờ báo mẹ Tribune thậm chí còn không cho chúng tôi sử dụng phòng lưu trữ tư liệu tại tháp Michigan Avenue, cứ như thể muốn chấm dứt giấc mơ vươn xa của chúng tôi.

Nhưng tôi cũng nhớ cả những bù đắp trong những năm tôi làm việc tại các địa phương. Đầu tiên là quan hệ xã hội. Tôi chưa bao giờ có được những người bạn thân như tôi từng có tại tòa soạn báo Courier-NewsSuburban Trib. Những nơi đó cũng giống nơi mà có thể bạn sẽ khởi nghiệp – báo địa phương, đài phát thanh, đài truyền hình hay, trang tin trực tuyến. Sự thỏa mãn và thanh thế mà tôi cảm nhận được ở Times chưa bao giờ giống như cảm giác gia đình ở những tờ báo nhỏ. Hầu hết chúng tôi đang ở độ tuổi hai mươi, chưa lập gia đình hoặc đã kết hôn nhưng chưa có con nhỏ. Chúng tôi không buộc phải trở về căn hộ mà chúng tôi thuê sau giờ làm việc, và vì thế, ngày dài và sôi nổi, và thời gian hòa vào những tiệc tùng, ăn uống say sưa, đấu bóng và chất vấn.

Một trong những đồng nghiệp của tôi tại báo Suburban Trib, Bruce Dold, nổi tiếng là một tay DJ có hạng tại trường Đại học ở Northwestern. Nhiều đêm, chúng tôi mệt mỏi rã rời và quay cuồng trong căn hộ của anh khi anh quay các đĩa nhạc và bình phẩm về cái mà về sau chúng tôi gọi là “show diễn của Dold”. Nếu chúng tôi được giao nhiệm vụ làm việc tại các huyện ngoại ô, chúng tôi sẽ dành thời gian rảnh rỗi vào việc khám phá giáp ranh và nội thành – một quán rượu chơi nhạc blues ở Khu Nam; một quán bar dành cho người lùn do những người từng đóng vai Munchkin trong phim Pháp sư xứ Oz sở hữu; một quán ăn Mexico có một món mà chúng tôi chưa từng nghe tên, món cá tươi nấu trong nước ép chanh gọi là Ceviche. Món đó ngon đến mức chúng tôi trả mỗi người tới mười ba đôla để ăn hết sạch hai suất cùng với Tecate đóng lon ướp lạnh, một khám phá khác.

Chúng tôi cũng lãng mạn, mê mẩn với nghề báo và bị ám ảnh với mọi cơ hội chứng minh bản thân và phá vỡ nhịp sống thường nhật ở địa phương. Một mùa đông khi tôi còn làm cho Courier-News, một trận bão tuyết đã đổ bộ vào miền trung bang Jersey, phủ kín đường xá. Vì lo nếu các phóng viên về nhà vào đêm đó thì chắc chắn họ không thể trở lại toà soạn vào sáng hôm sau để kịp hạn nộp bài nên biên tập viên Dave Mazzella đã sắp xếp cho chúng tôi ở lại nhà nghỉ Holiday gần đó. Trên đầu tờ báo ra chiều hôm sau, Mazzella cho in thêm dòng chữ “Số báo tuyết”, đó là thứ gần nhất với từ “Phụ san!!!” của thời xưa mà chúng tôi từng biết. Hôm đó, chúng tôi thấy mình như đã là phóng viên thực thụ.

Chúng tôi cũng có cảm giác giống như thế khi được giao viết bài về một người di cư từ Syria, sống tại một thị trấn mà chúng tôi phụ trách. Anh ta chặn cửa, dọa tự thiêu nếu như cô vợ người Mỹ không để anh ta đưa các con của họ trở lại Trung Đông. Cuộc giằng co với một đội SWAT kéo dài suốt mười tới mười hai giờ đồng hồ và vào năm 1979 thì chúng tôi là cơ quan báo chí tiến sát CNN nhất trong việc phủ tin[19] khi Mazzarella cử phóng viên đi điều tra mọi khía cạnh tình hình. Tôi viết một sidebar[20] về hai giảng viên đại học, thầy của anh chồng quẫn tính kia, những người đến thuyết phục anh ta đầu hàng. Sau khi viết xong, tôi cùng một người bạn thân trong tòa soạn là Michael Shapirs đến một quán bar làm món cocktail Gimlet bằng bình lắc đầy. Michael vừa viết xong chân dung người chồng cho chùm bài của chúng tôi. Đó là hương vị của thứ có thể trở thành tương lai báo chí[21]. (Chúng tôi nâng ly chắc chắn là vì Dave Mazzella, người về sau trở thành biên tập viên của báo USA Today và đã đưa tờ McPaper[22] từ chỗ mất uy tín trở thành một ấn phẩm uy tín và có ảnh hưởng.)

Với 25 năm kinh nghiệm, tôi chỉ có thể nói với bạn rằng việc tập trung vào địa phương hẹp của các tờ báo nhỏ có giá trị bền vững. Thời ấy, tôi khiếp sợ khi nghe cụm từ “góc độ địa phương” từ các biên tập viên của mình. Bây giờ tôi đã hiểu rằng dù có kém hấp dẫn đến đâu thì đó là lời yêu cầu cánh phóng viên trẻ chúng tôi tìm cách làm cho bài độc đáo và hoàn toàn là của mình chứ không bắt chước những điều mà các tờ báo lớn với nguồn lực dồi dào sẽ làm tốt hơn. Biên tập viên của báo Suburban Trib, Chuck Hayes, đã học được điều này từ những ngày đầu làm báo ở Illinois, nơi mà anh viết chùm bài điều tra nạn bóc lột lao động nhập cư. Cũng với tinh thần đó, anh cho tôi nhiều tháng để tìm hiểu, viết và viết các bài mở rộng cho một chùm bài mà chúng tôi gọi là “Cái nghèo vô hình”, nói về những khu vực nghèo trong vùng ngoại ô giàu có của Chicago. Sau đó, tôi thực hiện chùm bài điều tra về bộ máy chính trị của Đảng Cộng hòa tại khu vực này – một hình ảnh phản chiếu ít được nhận thấy về vật hy sinh theo phe Dân chủ của ông thị trưởng Daley ở Chicago. Chính những chùm bài này là cơ sở để tôi được tuyển vào Times.

Tuy nhiên, giờ đây tôi nghĩ nhiều về những câu chuyện mình đã bỏ lỡ khi đi ngược lại góc độ địa phương. Khi tôi phụ trách giáo dục ở ngoại ô Chicago, tôi phát hiện ra rằng một trường cấp ba địa phương lên kế hoạch tổ chức hòa nhạc với Muddy Waters để gây quỹ. Hóa ra Waters sống ở vùng ngoại ô Westmont và có con trai học trường ấy. Thế là tôi chớp cơ hội để viết một bài chân dung Waters, về sự nghiệp của ông. Khi tôi nộp bài, một trong hai cấp trên trực tiếp của tôi, John Schmeltzer, muốn loại nó. Ông nói với tôi rằng ông không hiểu bài đó liên quan gì tới độc giả của chúng tôi. Tôi nổi đóa lên.

Tôi kính trọng và đã học được rất nhiều từ Schmeltzer về viết bài điều tra; từng chơi môn đấu vật trong trường đại học, ông lúc ấy điều tra các chính trị gia tham nhũng, đưa ít nhất là một trong số họ vào nhà đá. Nhưng tôi cũng nhận ra John là người nhà quê nhờ những bộ đồ nhiều túi và thói quen cho cả chiếc Twinkie vào miệng. Bằng cách cam kết và than vãn, cuối cùng tôi đã thuyết phục được ông cho đăng bài về Muddy Waters.

Mãi nhiều năm sau tôi mới nhận ra rằng, theo ngôn ngữ báo chí, John là người sâu sắc còn tôi chỉ là gã nai tơ. Đáng lẽ tôi phải tập trung mô tả Muddy Waters không phải như một nghệ sĩ blues mà như một người dân tỉnh lẻ – thật vậy, liệu có còn điều gì bất ngờ được hơn thế? Ông có tổ chức thanh lý đồ cũ[23] không? Vợ ông có tham gia hội phụ huynh không? – Đáng lẽ tôi đã có một bài thật mới mẻ. Thế mà tôi lại tạo ra một thứ hàng nhái Rolling Stone hạng bét. Waters thậm chí còn chẳng cho tôi phỏng vấn.

Ý tôi không phải mà một tờ báo nhỏ có thể đáp ứng mọi nhu cầu và khát vọng. Nó không sinh ra để phù hợp với mục đích của bạn, và nếu cứ nhất định muốn thế thì bạn sẽ chịu nhiều cay đắng. Trong những năm làm ở Suburban Trib, tôi cũng nhìn ra ngoài, tìm kiếm cơ hội. Tôi viết đánh giá đĩa nhạc và chân dung cho tờ tạp chí về nhạc jazz tên là downbeat. Tôi cũng bán được vài phóng sự dài cho tuần báo Chicago Reader. Tôi cũng viết cho The New York Times và phụ trách một chuyện mục hàng tháng về Chicago cho một tạp chí dành cho người nghe đài ở Madison, Wisconsin. Tôi muốn được biết đến và cũng muốn có thêm thu nhập, tất nhiên, nhưng chủ yếu, tôi muốn thử thay đổi văn phong, tìm kiếm cơ hội và tự rèn luyện kỹ năng báo chí. Tôi cũng rất thường xuyên đọc tiểu thuyết, khám phá ra nhà văn người Nam Phi gốc Âu Andre Brink, xem lại các tác phẩm của Faulkner vốn đã thu hút tôi thời còn học đại học.

Cùng lúc ấy, đồng nghiệp cũ của tôi tại Courier-News, Micheal Hinds, cũng đã tìm được đường đến với báo Times bằng cách chăm chỉ thực hiện những việc nhàm chán – viết bài “dịch vụ” cho mục Nhà của tờ báo này, chẳng hạn như về những nơi bạn có thể giặt tẩy rèm cuốn. “Tôi có đề tài đúng kiểu Michael Hinds nhất,” một biên tập viên có lần nói với anh như vậy. “Chuyện về những người mở cửa gara.” Mùa hè 1981, Michael được thăng cấp, phụ trách đưa tin về hoạt động của các cơ quan quản lý của chính quyền liên bang tại Washington và biên tập viên nhờ anh tiến cử người thay thế. Michael gọi cho tôi và tôi nghĩ, chuyện quái gì thế, tôi hai mươi lăm tuổi và nếu lãng phí ba năm để viết bài về rèm cuốn hay những người mở cửa gara thì tôi vẫn sẽ còn trẻ và sẵn sàng khi có cơ hội tốt hơn. Thế là tôi bảo anh cứ đưa tên tôi vào danh sách.

Cuối cùng, tôi phải nói với bạn rằng, công việc tạm thời của tôi với tờ Times đã khiến cho tôi phải đối đầu với Chuck Hayes của tờ Suburban Trib. Tôi sẽ không để các bạn thấy nhàm với câu chuyện chi tiết, tôi đã quyết định bỏ việc vào một chiều thu năm 1981. Không đơn xin nghỉ việc trước hai tuần, không trợ cấp thôi việc của tờ báo, tôi dọn sạch bàn làm việc của mình ngay đêm đó, khi tòa soạn không còn ai. Tôi biết tin đồn sẽ xuất hiện sớm hôm sau nên đã ngắt dây điện thoại nhà riêng cả đêm. Điện thoại reo ngay khi tôi cắm lại dây. Đầu bên kia là một biên tập viên của Times, hỏi xem tôi có tới phỏng vấn nhận việc ở mục Nhà không. Tôi trả lời chín giám khảo và hết sức cố gắng thể hiện là mình hiểu biết và yêu thích những bài dịch vụ dù vẫn tin mình sẽ bị lật tẩy là đang nói dối bất kỳ lúc nào. Cuối cùng, tôi được triệu tập đến để tổng biên tập A.M. Rosenthal phỏng vấn – theo truyền thống thì đây là lúc người ta trao cho tôi công việc. Tôi đã có thông tin trước nên hy vọng được nghe câu, “Hãy đến với chúng tôi.”

“Tôi sẽ không thuê anh làm phóng viên dịch vụ[24],” Rosenthal nói. “Anh không phải là phóng viên dịch vụ.”

Tôi ngồi thụt trên ghế. Bụng tôi xẹp xuống như quả bóng xì hơi.

“Tôi vẫn đợi có ai đó nhận ra,” tôi đáp. “Nhưng tôi muốn làm việc tại đây theo bất kỳ cách nào mà tôi có thể.”

Rosenthal đứng bên bàn, nhanh chóng sắp xếp đống giấy tờ bừa bãi thành chồng ngăn nắp như thể chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn tiếp theo. Tôi thì nghĩ tới việc lái xe một quãng đường dài để về lại Chicago.

Bỗng ông nhìn tôi và nói dõng dạc, “Anh là một phóng viên thời sự. Chúng tôi sẽ tìm cho anh một việc ở ban thời sự.”

Làm điều bạn sợ

Hơi sốt vì bệnh cúm mùa hè, chuếnh choáng hơi men của ly vodka mà tôi gọi trong một nỗ lực xuẩn ngốc nhằm gây ấn tượng, tôi căng tai lắng nghe mọi người chuyện trò tại phòng ăn tập thể của báo Times. Có chuyện về nhà Nederlander, chủ sở hữu rất nhiều nhà hát, và về đối thủ của họ là nhà Shubert, ngoại trừ việc nhà Shubert không phải tên là Shubert mà là Bernie Jacobs và Gerry Schoenfeld. Cũng có chuyện về Joe, người mà tôi cho là Papp nhưng không dám hỏi để xác minh. Có chuyện về băng, nhưng rõ ràng không phải nước đông cứng mà là tiền thu được từ bán vé chợ đen, về amortization[25], một từ mà tôi chưa từng được nghe trước đó. Lẽ ra tôi phải cảm thấy vinh hạnh khi được ngồi cạnh Arthur Gelb, trợ thủ đắc lực của Abe Rosenthal trong việc biên tập tờ Times, nhà phê bình sân khấu Frank Rich, và cả ký giả văn hóa trứ danh Michiko Kakutani. Thay vào đó, tôi lại linh cảm thấy thảm kịch.

Vài ngày trước đó, Arthur đã gọi điện cho tôi từ văn phòng Times tại ngoại ô Connecticut, nơi tôi làm việc kể từ khi được tuyển dụng hai mươi tháng trước, và nói với tôi rằng ông muốn tôi chuyển xuống New York, phụ trách sân khấu. Thực sự, tôi có cảm giác được nịnh bợ bởi tôi đã làm việc rất chăm chỉ và hiệu quả với sự hướng dẫn của Jeff Schmalz, và gần nhất, tôi đã tường thuật thảm kịch sập cầu tại Interstate 95. Rõ ràng là hiệu quả của những bài trang nhất ấy đã khiến Arthur chú ý đến tôi và gợi lại kỷ niệm về cuộc phỏng vấn tuyển dụng hồi năm 1982, khi chúng tôi chuyện dông dài về Eugene O’Neil – một trong những kịch tác gia tôi yêu thích và về chủ đề lý lịch của Arthur và vợ ông, bà Barbara. Lẽ ra tôi phải vui vì được triệu tập lên thành phố. Theo quy định của báo Times, tôi phải sống ở khu vực tôi phụ trách và đã trở nên căm ghét hạt Fairfield cùng với tất cả sự giả tạo của nó.

Thế nhưng Arthur đã kéo tôi ra khỏi vùng an toàn của mình. Toàn bộ nghề báo của tôi tính đến lúc ấy đều xoay quanh vùng ngoại ô và nếu tôi có một chuyên môn thì đó là khám phá và giải thích cuộc sống ngoại ô. Dù rất thích đến nhà hát nhưng làm thế nào mà tôi hiểu sân khấu, như một ngành công nghiệp đồng thời là một môn nghệ thuật, đủ sâu sắc để viết cho được như độc giả tờ Times kỳ vọng. Tôi mắc hàng đống sai sót trong những tuần đầu với công việc mới. Vở nhạc kịch A Chorus Line lập kỷ lục khi đang được trình diễn tới lần thứ 3389 tại Broadway, một bài trang nhất chắc ăn dành cho tôi. Tôi nộp bài mà thậm chí chẳng có lời của Joe Papp, người đã phát hiện và dàn dựng vở kịch tại Nhà hát Công cộng trong thành phố. Ơn Chúa, biên tập viên văn hóa, Bill Honan, phát hiện ra thiếu sót của tôi trong phiên bản đầu. Ông túm được Papp trong bữa tiệc ăn mừng kỷ lục và gọi điện báo cho tôi lời bình luận mà về sau tôi thêm vào bài. Rồi tôi viết một phóng sự về cách mà các nhà sản xuất gây áp lực để các nhà biên kịch từ bỏ tiền bản quyền tính theo tuần – khoản hoa hồng từ lợi nhuận bán vé – nhằm giữ cho các vở diễn có lời.

Tôi đã gọi cho Ellen Stewart, người sáng lập kỳ cựu của Nhà hát LaMama, một nhà hát nhỏ không thuộc Broadway. “Cưng ơi,” bà ta trả lời cộc lốc, “chúng tôi không trả tiền bản quyền cho bất kỳ ai cả.”

Nhưng sau nhiều tháng tôi cũng bớt ngu muội hơn. Tôi thấy mình thật sự thích thú khi tìm hiểu việc kinh doanh nhà hát phức tạp mặc dù tôi chưa từng phụ trách lĩnh vực kinh doanh trước đó. Phóng viên nào cũng muốn phỏng vấn ngôi sao. Tôi thật ra lại thích tìm hiểu, từng mục hàng một, xem tại sao cùng một vở kịch mà giá vé ở New York đắt gấp bốn hoặc năm lần giá vé ở London. Nói rộng ra là tôi bắt đầu thích cảm giác sợ hãi khi leo núi, khi thuần thục dần những công việc từng làm tôi e ngại. Trong số rất nhiều những món quà mà tôi nhận được với tư cách là người được Arthur bảo trợ, điều bền vững nhất là: Điều khiến bạn khiếp sợ chính là điều mà bạn phải làm. Khi giảng bài về viết sách ở Columbia và sinh viên nói với tôi rằng họ sợ đề tài của mình – quy mô, phạm vi, tính phức tạp – tôi luôn luôn nói rằng điều đó có nghĩa là họ đã chọn đúng đề tài. Với phóng viên hay nhà sản xuất của một cơ quan báo chí, bài học là phải thay đổi thói quen vài năm một lần, phải rời khỏi những gì bạn từng biết. Hãy là Trotskyite, hãy tin vào cách mạng không ngừng[26]. Điều bạn phải chống lại sẽ trở thành động lực cho bạn.

Về mặt báo chí thì Arthur Gelb không cho tôi nghỉ ngơi lấy một phút. Ông thực sự là một người khổng lồ, cao tới một mét chín mươi, đôi tay dài gần như vô tận luôn luôn đánh vào không khí khi ông đi lại trong tòa soạn, tuôn ra hàng đống suy nghĩ theo mỗi bước chân. Ở đây, người ta nói rằng Arthur có cả triệu ý tưởng mỗi ngày và ít nhất một trong số đó là tốt. Khi tôi bắt đầu ổn định với việc đưa tin sân khấu thì Arthur lại ném tôi vào những vùng nước sâu khác. Ông giao cho tôi viết về ảnh hưởng của cuộc chiến lên văn hóa trong số tạp chí Times đặc biệt kỷ niệm mười năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Trong một số tạp chí khác chuyên về New York, ông cử tôi đi viết bài về  bản sắc riêng của thành phố với tư cách là thủ đô tri thức. Tôi có khoảng ba tuần cho mỗi bài ấy và lời Arthur vang lên trong đầu tôi là “dứt khoát”. Tôi dần dần quen thức dậy từ gần sáng và chìm trong lo âu. Tôi cũng dần dần quen làm theo cách riêng để vượt qua.

Đến đây, tôi muốn bổ sung một vấn đề về mối quan hệ giữa phóng viên và biên tập viên. Nó có thể đi chệch hướng như mọi mối quan hệ căng thẳng và phụ thuộc lẫn nhau khác. Mỗi lần đọc về một Jayson Blair hay một Stephen Glass hoặc một kẻ đạo văn hay bịa đặt nào khác, tôi đều thấy một người rối loạn nhân cách, giống như Tom Ripley trong các tiểu thuyết của Patrica Highsmith, một con tắc kè thông minh nham hiểm. Nhưng tắc kè hoa cũng cần phải có một điểm làm chuẩn để thay đổi màu sắc theo. Vì thế tôi luôn luôn nghi ngờ rằng bên cạnh con tắc kè hoa phải có một biên tập viên có khái niệm rõ ràng và chính xác về bài báo, một biên tập viên sẵn sằng trì hoãn các chuẩn mực đạo đức và mọi quy tắc biên tập nếu như phóng viên có thể đáp ứng mọi kỳ vọng. Vậy câu nói này có nghĩa gì? Nếu chuyện quá hay để có thể là thật, có thể nó là thật.

Khi tôi thôi việc ở Times để bắt tay viết cuốn sách đầu tiên, điều khó nhất đối với tôi chính là báo với Arthur. Ông đã dẫn dắt biết bao nhiêu sự nghiệp tại Times và tôi biết ông cũng muốn dẫn dắt sự nghiệp của tôi, và tôi chẳng nghĩ ra được phần thưởng nào lớn hơn. Nhưng tôi nói với ông rằng tôi ra đi chính là do lỗi của ông. Những đức tính mà ông vun đắp trong tôi – khát khao mạo hiểm và thử thách, tham vọng được đưa tin và viết bài trên một phạm vi rộng chưa từng có, thậm chí việc tiếp xúc với nhiều nhà biên kịch và tác phẩm kịch – khiến cho tôi không thể không tiến lên. The New York Times có thể cho tôi danh tiếng và cơ hội đi khắp thế giới, cả một đời kinh nghiệm. Điều mà tôi khao khát, điều mà Arthur dạy tôi khao khát, là được tự do làm báo và viết tới giới hạn của khả năng.

Thất bại trước công chúng

Tôi bước vào hiệu sách Borders ở ngay rìa Washington một chiều hạ rớt năm 1996. Chủ nhật trước đó, tờ Post đăng bài bình luận khen ngợi cuốn The Inheritance của tôi trong mục điểm sách. Tác giả thậm chí còn so sánh nó với cuốn Common Ground của Tony Lukas. Với một cuốn sách về lịch sử chính trị thì tôi không thể được quảng bá tốt hơn ở một thành phố thích hợp hơn. Lúc đó, như tôi thấy, hiệu Borders đóng khung một bản chụp lại bài đánh giá và một chồng sách ngay bên quầy thu ngân, một vị trí lý tưởng. Thế là tôi bước tới và tự giới thiệu với người quản lý và hỏi xem bà đã bán được bao nhiêu cuốn The Inheritance. Bà ấy mở máy tính, gõ phím và nhấp chuột. Tôi thấy mặt bà biến sắc. “Chưa được cuốn nào,” bà thông báo.

Phần còn lại của ngày hôm đó, tôi ở trong tình trạng chết giả, không nói một lời với người hộ tống có trách nhiệm đưa tôi tới vài cuộc phỏng vấn mà tôi vượt qua bằng niềm vui và lời lẽ giả tạo. Trên thực tế, tôi sống trong trạng thái thất vọng tương tự suốt hai năm tiếp theo. Tôi đã đặt cược tất cả vào cuốn The Inheritance. Sau khi viết hai cuốn tự sự báo chí[27] được đón nhận nồng nhiệt là Small VictoriesUpon this rock, tôi dự định làm điều gì đó lớn lao hơn, một cuốn sách lịch sử chính trị Mỹ thế kỷ hai mươi thông qua cuộc sống của ba thế hệ trong ba gia đình. Hơn bốn năm nghiên cứu và viết, tôi đã từ chối gần như toàn bộ các lời mời viết báo khác, bởi tôi không muốn công việc của mình bị gián đoạn. Khi cuốn sách ra mắt, nó được nhận xét nhiều và tốt hơn cả hai cuốn trước – các báo Times, Post, Philadelphia Inquirer, Boston Globe đều có bài bình luận trong mục giới thiệu sách của họ.

Chỉ có điều là không ai mua cả. Nói một cách chính xác thì đã có 6000 người. Ngày qua ngày, tháng tiếp tháng, tôi kiểm tra máy trả lời tự động ở Columbia và ở văn phòng tại nhà, cầu mong điều kỳ diệu sẽ xoay chuyển tình thế. Tôi xong bài giảng về viết sách một buổi chiều thứ Hai, tháng Tư năm 1997, khi mà giải Pulitzer được công bố. Tôi biết tôi không thắng vì hầu hết người đoạt giải đều được tiết lộ trước. Thế là, với tính tò mò vốn có, tôi bước vào căn phòng của trường Columbia, nơi mà kết quả đã được công bố. Lúc ấy, mọi phóng viên đều đã về viết bài. Sàn phòng phủ kín những bản thông cáo báo chí về giải thưởng. Tôi nhặt lấy một bản và xem mục General Nonfiction, đó là mục tôi tham gia. Tôi là một trong hai ứng viên cuối cùng. Tôi hiểu ra, ngay giây phút ấy, sự giày vò về tinh thần là như thế nào.

Tôi chẳng kỳ vọng hay cần cuốn The Inheritance trở thành best-seller. Tôi chỉ không thể lý giải được tại sao nó không hợp thị hiếu. Cuốn sách biến mất. Nó chìm nghỉm không sủi tăm. Bốn năm nỗ lực đã đưa tôi đến sát mép thành công, sát miền Đất Hứa với giải Pulitzer trong tầm mắt, chỉ ngay bên kia bờ sông Jordan[28], nhưng nó đã khước từ tôi. Sau đó, tôi nghiêm túc nghĩ tới việc treo bút. Tôi nói chuyện với một số biên tập viên về việc chuyển sang làm biên tập sách. Tôi cũng có ảo tưởng nực cười là sẽ bán mình cho các gia đình giàu ở Manhattan, viết luận thuê cho lũ con được nuông chiều của họ. Khi giảng về viết sách mỗi tuần, khi tôi nhìn vào những đôi mắt chăm chú và ngưỡng mộ của sinh viên, tôi nghĩ thầm, Thế quái nào mà họ lại nghe mình nhỉ? Họ không biết mình là kẻ thất bại sao?

Nếu không có vợ con kéo về thực tại hàng ngày, tôi thực sự không hiểu mình đã rẽ sang lối nào. Dần dần, tôi lại viết bài cộng tác tự do, tự mỉa mai rằng mục tiêu của mình là trở thành người trầm cảm viết bài nhiều nhất lịch sử. Người biên tập sách cho tôi, Alice Mayhew, muốn chắc chắn rằng tôi không từ bỏ tất cả. Bà rủ tôi đi ăn sáng hoặc ăn trưa vài lần mỗi tháng, và tôi biết ơn bà đến nỗi không dám than thân trách phận nữa. Tôi rất lo rằng bà sẽ không chịu xuất bản sách của mình nữa. Nhà xuất bản Simon and Schuster đã mất vài trăm nghìn đôla cho cuốn The Inheritance. Chính Alice là người đã không từ bỏ niềm tin, ngay cả khi tôi đưa ra vài tá ý tưởng cho cuốn sách mới rồi lại lần lượt vứt bỏ tất cả. Chính bà là người động viên tôi viết về xung đột trong nội bộ người Mỹ gốc Do Thái, và phải mất gần hai năm làm việc tôi mới nhận ra là mình đã chọn đúng. Tôi nghĩ chỉ là mình cần có nhiều thời gian để gượng dậy.

Tôi nói với bạn tất cả những chuyện này, làm nhà báo nghĩa là trở thành người của công chúng, thành công và thất bại với công chúng, mà tất cả lại không tránh khỏi mang tính cá nhân sâu sắc. Bạn có thể được bao bọc ở mức nào đó nhờ uy tín của ông chủ bạn, nhờ chiếc hộp mà công việc của bạn bị gói bên trong. Nhưng cuối cùng, cái sẽ ở bên ngoài là bài viết, giọng nói[29] hay phim của bạn. Đôi khi, sự hụt hẫng kinh khủng của nghề báo là bạn không hề biết mình có chút ảnh hưởng nào không. Có lúc, nỗi thất vọng lại là biết chính xác đến mức thế giới không chịu nghe bạn, như tôi đã nhận ra ở hiệu Borders chiều hôm ấy. Cũng có thời điểm bạn thất vọng vì cảm thấy không được thừa nhận, bị mắc kẹt, bị ngăn cản, bị bưng bít, như tôi đã cảm thấy ở Courier-NewsSuburban Trib. Nhà báo uống rượu ăn mừng, họ cũng uống để xua đi buồn đau và thất vọng.

Nghề báo là nghề kinh doanh mà bạn phải chứng tỏ mình là mới trong từng bài viết mỗi ngày. Tin sốt dẻo hôm nay ngày mai sẽ thành rác. Khi còn làm cho Courier-News, tôi phải viết bài về lễ truy điệu một thành viên ban nhạc Parliament-Funkadelic, người qua đời vì bệnh bạch cầu ở tuổi ngoài hai mươi. Tôi mệt mỏi rã rời vì thức cả đêm để dự lễ tại một câu lạc bộ địa phương rồi viết bài cho kịp hạn nộp bài sáng sớm hôm sau. Bài lên trang nhất. Mười tiếng sau, khi quay lại văn phòng để trực đêm như thường lệ, tôi thấy thiệp chúc mừng của một biên tập viên nổi tiếng là nghiêm khắc. Nhưng một hai ngày sau, chẳng hiểu sao tôi làm mất nó và phải hỏi người biên tập viên xem ông có bản sao không. Ông không có. “Trong nghề của chúng ta,” ông nói một cách bình thản, “lời khen là phù du.”

Vì vậy, hãy chuẩn bị cho những lúc khó khăn, thậm chí ảm đạm. Nếu quan tâm tới báo chí và tới sự xuất sắc thì bạn sẽ không thể không thất vọng khi nghề báo hoặc bạn không đạt tiêu chuẩn. Không ai trong chúng ta làm báo vì tiền hay danh vọng. Chúng ta biết bạn bè theo học luật hay kinh doanh sẽ giàu có hơn, còn những người học y thì sẽ vừa giàu vừa được kính trọng hơn. Và, hãy đối mặt với sự thật, khi bạn nhìn vào việc tòa soạn cắt giảm nhân sự, vào tỷ lệ độc giả suy giảm, vào tin tức trực truyến mất dần ảnh hưởng, bạn sẽ cảm thấy điều mà công nhân ôtô ở Detroit cảm thấy khoảng năm 1982. Nhưng hãy nhớ điều này. Khi tôi còn làm ở  Suburban Trib,một trong những người bạn nhiều tuổi nhất ghé thăm trên đường từ trường luật ở Oregon về thăm nhà ở New Jersey. Vừa uống bia, ăn bánh pizza, một nhóm phóng viên chúng tôi vừa bàn luận về các biên tập viên, về công việc, toàn những chủ đề thông thường. Khi về căn hộ của tôi sau đó, bạn tôi nói, “Các cậu chẳng hiểu gì cả. Các cậu kỳ vọng sẽ thích công việc của mình. Chín mươi chín phần trăm những người tôi gặp ghét việc họ làm. Các cậu chẳng biết các cậu may mắn thế nào đâu.”

(Còn tiếp 1 kì)

Dịch theo bản gốc tiếng Anh Letters to a Young Journalist (Art of Mentoring) của Samuel G. Freedman, Basic Books, New York, 2005. Bản tiếng Việt của Lưu Quang đăng trên pro&contra không phục vụ mục đích thương mại.


[1] Quy định các quyền tự do tôn giáo, ngôn luận, báo chí, họp hội, và kiến nghị – do đó, mọi nhà báo ở Mỹ đều phải nắm được nội dung tu chính án này.

[2] Nguyên văn: guest lectures – nói chuyện với tư cách khách mời; các nhà báo có kinh nghiệm thường được mời tới nói chuyện với sinh viên về các vấn đề hẹp mà họ thông thạo.

[3] Ý nói tác giả đang hoài nghi và các sinh viên sẽ giúp ông xác định một quan điểm rõ ràng trong vấn đề có thể dạy và học báo chí trong môi trường hàn lâm hay không.

[4] Nguyên văn tenured professor – chúng tôi tạm dịch là giảng viên trong biên chế; lưu ý rằng biên chế mà tác giả nói tới chỉ áp dụng trong các trường đại học và chỉ dành cho một số rất ít các giảng viên uy tín hàng đầu.

[5] Nguyên văn: Stand your ground

[6] Ý nói tờ báo theo quan điểm cánh Tả.

[7] Nguyên văn: hot fun in the summertime được sửa thành summertime fun, tức là rút gọn và loại bỏ tính từ.

[8] Ý nói có quan điểm thiên về cánh Hữu.

[9] Những năm 1970, Sinatra đã không còn ủng hộ Đảng Dân chủ (trung tả) mà chuyển sang theo Cộng hòa (trung hữu) trong khi tờ báo trường của tác giả toàn những người cực tả.

[10] Shit trong tiếng Anh có nghĩa là phân, hoặc rác rưởi – chữ man đằng sau làm cho cái tên được phát âm gần giống với họ của tác giả.

[11] Nguyên văn: broadcast – thuật ngữ dùng cho phát thanh và truyền hình, tương đương report (đưa tin) của báo in.

[12] Tương tự như Op-ed columnist, nhưng chức danh này chỉ có trong tạp chí và thường không tham gia vào việc biên tập bài vở, dù vẫn được gọi là editor.

[13] Nguyên văn: Pollyannaish – xuất phát từ tiểu thuyết thiếu nhi Pollyanna của nhà văn Eleanor H. Porter với nhân vật chính cùng tên luôn luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh; chúng tôi tạm dịch như vậy cho gần gũi với độc giả người Việt dù không thật sát nghĩa.

[14] Nguyên văn: kill fee – chúng tôi tạm dịch là phí loại bỏ; đây là khoản thù lao mà tạp chí trả cho phóng viên khi bài không được đăng (tương đương bao nhiêu phần trăm nhuận bút của bài đăng thì tùy từng tạp chí); các tạp chí thường đặt nhiều bài nhưng chỉ chọn đăng một số ít những bài chất lượng nhất, cũng có lúc họ buộc phải loại bài này để thay bằng bài khác vì một sự kiện lớn nào đó bất ngờ xảy ra; trong những trường hợp đó, các tạp chí trả kill fee như một cách động viên ký giả tiếp tục cộng tác.

[15] Nguyên tác dùng từ rabbi, tức là giáo sĩ trong Do Thái Giáo – từ rabbi trong tiếng Hebrew (ngôn ngữ của người Do Thái) có nghĩa là thầy (về mặt tinh thần, tâm linh); tác giả có ý nói Kit không chỉ dạy Ed về nghiệp vụ.

[16] Nguyên văn: home-equity loan – khoản vay dùng các vật dụng trong nhà để thế chấp, một hình thức vay nợ rất phổ biến ở Mỹ vì người dân thường ít có khả năng sở hữu nhà (nên không thể thế chấp nhà được); ở đây, tác giả có ý nói Mike vay một khoản tiền lớn.

[17] Vì thuế thu nhập mà Mike phải nộp cũng giảm một cách bất thường nên cơ quan thuế nghi ngờ anh gian lận.

[18] Người phương Tây trước đây quan niệm rằng dưới chân cầu vồng có kho báu.

[19] Nguyên văn: blanket coverage – đưa tin trên tất cả các kênh (hoặc ấn phẩm), về mọi mặt của sự kiện.

[20] Cột thông tin bổ sung bên cạnh bài báo

[21] Ám chỉ việc phủ tin

[22] Xuất phát từ nhãn hiệu đồ ăn nhanh McDonald, từ McPaper ám chỉ những tờ báo lá cải, hay bịa đặt và thường được dùng khi nói tới tờ USA Today.

[23] Nguyên văn: yard sale, còn gọi là garage sale, một hình thức bán đồ cũ, không cần thiết của người dân Mỹ – khi có nhiều đồ cần thanh lý, một người có thể mở cửa hàng ngay tại nhà (trong sân hoặc trong gara nên có tên là yard/garage sale), hàng bán được sẽ không phải chịu thuế và người bán cũng không cần có giấy phép kinh doanh.

[24] Nguyên văn: consumer reporter – phóng viên chuyên viết theo yêu cầu của khách hàng.

[25] Khấu hao tài sản vô hình – tác giả không có chuyên môn kinh tế nên không biết thuật ngữ này.

[26] Ám chỉ nhà báo cần thường xuyên thay đổi và tự làm mới mình chứ không có ý khuyên phải theo chủ nghĩa cộng sản.

[27] Nguyên văn: immersion reporting (đôi khi còn được gọi là immersion journalism) thể loại này cho phép phóng viên khai thác những trải nghiệm của một cá nhân (nhân vật chính) và những quan điểm của riêng cá nhân ấy; tự truyện là một ví dụ về tự sự báo chí.

[28] Theo Kinh Thánh Do Thái giáo, người Do Thái bỏ chạy khỏi Ai Cập để đi tìm đất mới; cụm từ bên kia bờ Jordan ở đây ám chỉ vùng đất mà những người di dân Do Thái xa xưa đã chọn để định cư, vốn nằm trên bờ Tây sông Jordan (nước Israel ngày nay là một phần vùng đất đó).

[29] Ám chỉ phát thanh