Tác giả

Chuyên mục

Trang

Thư gửi một nhà báo trẻ (2)

Th12 20, 2014

Samuel G. Freedman

Lưu Quang dịch và giới thiệu

Xem kì 1

KHÍ CHẤT NGHỀ BÁO

Trong Thần thoại Ai Cập có một vị thần tên là Thoth. Ông thường được miêu tả với mình người, đầu cò và tay cầm bảng viết cùng cây bút làm từ ống sậy – đó là những vật dụng của một thư ký. Ở thế giới bên kia, Thoth tra hỏi linh hồn người chết để xem họ đã sống ra sao. Trái tim của mỗi người sẽ được đem cân với một chiếc lông chim để đo độ trong sáng; Thoth ghi lại kết quả để quyết định số phận vĩnh cửu của linh hồn sau khi chết.[1]

Người Ai Cập coi Thoth như một vị thần văn chương, phép thuật, thời gian và mặt trăng. Tôi lại coi ông là vị thần của nghề báo. Tôi giữ một bức tượng Thoth cỡ nhỏ trong văn phòng và thường cho sinh viên xem vào buổi học đầu tiên. Vài người trong giới phê bình có thể thấy việc tôi sùng kính Thoth là ngớ ngẩn. Đối với họ, một trong những điều tồi tệ nhất ở nhà báo là cách phóng viên đóng vai thánh thần – vị thần toàn năng nhẫn tâm, lấy nỗi đau làm trò tiêu khiển, dùng quyền lực mà không có trách nhiệm.

Tôi còn tìm thấy ở Thoth một biểu trưng khác. Với tôi, và hy vọng rằng đối bạn cũng vậy, ông đại diện cho sứ mệnh đạo đức của nghề báo và của nhà báo. Thoth quan sát và phỏng vấn, phân tích và đánh giá, làm những việc mà các nhà báo vẫn làm. Ông phải liêm minh và chính xác, bởi ông thực sự có quyền điều khiển số phận. Nếu Thoth sai, trật tự hài hoà sẽ bị phá vỡ. Còn nếu chúng ta sai, nền dân chủ sẽ bị tổn hại.

Tôi không ngại nói rằng nghề báo là một nghề đạo đức – một khuynh hướng thực sự theo đúng nghĩa đen của từ này – vì tôi không ngại gò mình theo các chuẩn mực đạo đức. Tôi không ngại bị coi là ngờ nghệch hay uỷ mị. Có câu châm ngôn rằng người không theo chủ nghĩa xã hội ở tuổi hai mươi thì không có trái tim, người không theo chủ nghĩa tư bản ở tuổi bốn mươi thì không có đầu óc. Tương tự, bất kỳ ai bước vào nghề báo mà không tin rằng đây là một nghề đạo đức thì có thể chuyển thẳng sang kinh doanh ngoại hối hoặc sản xuất chất độc màu da cam. Trong suốt sự nghiệp, sẽ có nhiều lúc bạn phải thất vọng, vì vậy, lý tưởng ban đầu của bạn phải là ánh sáng dẫn đường, đôi khi có thể chập chờn, nhưng không bao giờ được tắt.

Gần đây, tôi có đọc bài trao đổi về nghề báo với tiêu đề Liberty and the News của tác giả Walter Lippmann. Bài được viết cách đây 85 năm[2], rất lâu trước thời Noam Chomsky hay chiến tranh Iraq, trong đó Lippman đã công khai chỉ trích sự “đồng thuận giả tạo” của báo chí, đặc biệt là khi Mỹ bắt đầu tham chiến trong Đệ Nhất Thế chiến, bằng cách phóng đại quá mức chủ nghĩa yêu nước. Ông tiếc cho các nhà báo chỉ được đào tạo qua loa, kiến thức chuyên môn ít ỏi, và cũng không khát khao học hỏi thêm. Vì thế, Lippmann đã không trở thành Pollyanna hay Pangloss. Nhưng ông đủ tư cách gióng hồi chuông cảnh báo, những lời đúng đắn như sau:

Tin tức trong ngày thường đến toà soạn dưới dạng hỗn hợp sự kiện, tuyên truyền, tin đồn, nghi ngờ, manh mối, hy vọng và cả nỗi sợ, và nhiệm vụ lựa chọn, xắp xếp những tin tức đó là một trong những nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả của các toà báo của nền dân chủ. Bởi vì, theo nghĩa đen, báo chí là kinh thánh của nền dân chủ, cuốn sách mà qua đó mỗi người biết được tư cách của mình. Đó là cuốn sách nghiêm túc duy nhất hầu hết mọi người đều đọc. Đó là cuốn sách duy nhất họ đọc mỗi ngày.

Tất nhiên, trong thế kỷ hai mốt nhật báo ngày càng ít được xuất bản, và càng ngày càng ít người Mỹ đọc báo. Tuy vậy, không gì thay đổi được sứ mệnh mà Lippmann đã đặt ra cho nghề báo. Có chăng thì là trong một thế giới hỗn loạn và huyên náo vì số hoá và toàn cầu hoá, nơi sự thật khách quan và quan điểm chủ quan lẫn lộn, nơi ranh giới giữa thông tin và giải trí mập mờ, và nơi mà khai trí đang chuyển dần thành biện hộ, vai trò của báo giới chúng ta trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết.

Có đạo đức không phải là rao giảng đạo đức. Tôi không kêu gọi bạn đứng ngoài mà bới móc và than vãn về tính yếu đuối, bạc nhược của loài người. Tôi kêu gọi bạn chứng kiến. Tôi khuyên bạn ghi nhận thành tựu của con người và phanh phui tính tham lam của họ. Tôi khuyên bạn kể câu chuyện về những gì khám phá được. Tôi khuyên bạn trở nên có trách nhiệm, với công chúng và với bản thân, đối với việc mình làm cũng như cách bạn làm những việc đó. Hôm nay, khi tôi viết cho bạn, trong buổi sáng nắng đẹp tháng Bảy năm 2005 này, bọn khủng bố đã đánh bom đường tàu điện ngầm, và một chiếc xe buýt ở London. Có lẽ thảm kịch này nhắc chúng ta nhớ lại sự thật là dù chúng ta chọn cách nào để tiếp cận ngôn từ, âm thanh hay hình ảnh – qua trang web Guardian, qua kênh CNN, NPR hay qua bản in tờ Times – chúng ta vẫn cần đến phẩm chất chuyên môn của các nhà báo chuyên nghiệp để chuyển những thông điệp có ý nghĩa tới toàn thế giới. Các blogger và những người chụp ảnh bằng điện thoại di động ở London có thể cung cấp dữ liệu thô dưới dạng hình ảnh hay ngôn từ, nhưng họ không thể tổng hợp và cô đọng những dữ liệu đó thành “bản nháp đầu tiên về lịch sử” như báo chí.

Trở thành nhân chứng, nhà quan sát, người kể chuyện; phát triển và rèn luyện các kỹ năng riêng của mỗi vai trò ấy chính là chấp nhận gánh nặng của tư duy độc lập. Đó là để loại bỏ những suy diễn dễ dãi theo tư duy thông thường hay theo giáo điều phổ biến. Đó là để đón nhận những chuỗi sự kiện đầy mâu thuẫn trong cuộc sống và diễn tả những mâu thuẫn đó một cách mạch lạc với phong cách riêng. Tất cả các bài tập đó làm trí óc hưng phấn và tinh thần được nâng cao. Là nhà báo, chúng ta phải tránh thứ ngôn ngữ dễ dãi thông thường ấy và chống lại việc định nghĩa bản thân theo cách đó. Chúng ta muốn cảm thấy giống như người theo chủ nghĩa dân tuý. Vì thế, điều thú vị là một trong những mô tả sâu sắc nhất về đặc tính nghề báo lại không phải do một người làm báo đưa ra, mà do một nhà luật học phát biểu. Lee Bollinger, sau này trở thành hiệu trưởng Đại học Columbia, là đã người viết những dòng dưới đây, không phải để nói về nhà báo mà về các vị giảng viên đại học:

Tôi có thể nói rằng phẩm chất giá trị nhất là có trí tuệ và nghị lực để khám phá tới cùng những vấn đề phức tạp, để gác sang bên niềm tin cũ kỹ để nhìn mọi việc đồng thời từ nhiều góc độ, cho phép mình chấp nhận quan điểm khác khi xem xét vấn đề… Điều quan trọng là thấy được khó khăn, là chuẩn bị để sống đoàn kết trước thực tế khắc nghiệt mà chúng ta luôn luôn bị trói buộc vào… và sẵn sàng bỏ qua kể cả những lợi ích thông thường để thấy được những điều còn ẩn giấu. Chắc chắn là rất khó thành thạo lối tư duy mở như thế và theo nghĩa sâu xa thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm được. Bởi vì lối tư duy ấy xung đột với nhiều nhu cầu tự nhiên của chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải luyện tập hàng ngày cũng như cần cả một cộng đồng những người hết lòng duy trì nó.

Khi bạn tìm được nền báo chí như thế, hay tự tạo ra nó, thì lòng bạn không thể không xốn xang. Bạn sẽ lại được biết, mà vẫn có cả sức mạnh khai mở của lần đầu tiên, điều mà báo chí có thể đạt tới. Qua nhiều năm, tôi đã nhận ra ý tứ sâu sắc trong các bài báo về chính trị của Thomas Edsall trên tờ Washington Post khi ông chăm chú lắng nghe và trân trọng trải nghiệm của của các cử tri. Đó chính là giá trị khiến cho cuốn Common Ground của J.Anthony Lukas trở thành biểu tượng của thể loại phi hư cấu đối với tôi; nó trân trọng và đánh giá đúng những trải nghiệm khác biệt – thường là mâu thuẫn – của ba gia đình trong khủng hoảng chống phân biệt chủng tộc trong nhà trường ở Boston. Gần đây, đọc nhiều bài về Iraq, tôi cảm thấy các bài của George Packer đăng trên tờ The New Yorker nổi bật hơn cả nhờ nắm bắt được mối quan hệ biện chứng giữa hai mặt đối lập – đó là Saddam Hussein là một tên bạo chúa khát máu đáng bị lật đổ và việc Mỹ chiếm đóng Iraq là một tai hoạ vì thiếu quân số và tổ chức (Các bài viết của Packer về Iraq cũng có trong cuốn sách The Assassin’s Gate).

Ngoài tính toàn vẹn, còn có cả kịch tính trong những xung đột về tầm nhìn và quan điểm về sự thật. Bạn có thể đặc biệt hiểu rõ điều đó trong hai tác phẩm truyện truyền miệng được chuyển thể thành kịch nói, Via Dolorosa của David Hare và Twilight: Los Angeles, 1992 của Anna Deveare Smith. Trong mỗi tác phẩm, nhà soạn kịch hóa thân thành nhà báo để phỏng vấn rất nhiều người tham gia được xác định trước trong một tình tiết gây tranh cãi sâu sắc – với Hare là xung đột giữa người Israel với người Palestine; còn với Smith là cuộc bạo động ở Los Angeles vì một cảnh sát da trắng được trắng án dù đã hành hung một người da đen không có vũ khí tên Rodney King – sau đó biên soạn lại để độc diễn trên một sân khấu không trang trí. Những tác phẩm sân khấu này, cũng như những tác phẩm báo chí đáng nhớ nhất, khiến khán giả đồng tình, hay ít nhất là chấp nhận, các ý kiến đối lập và chấp nhận thực tế khó khăn của cuộc sống.

Ở đây, tôi tán thành những điều sâu sắc và mới mẻ hơn là việc đưa tin theo công thức mặt-này-và-mặt-khác. Mở rộng tư duy báo chí, chấp nhận những quan điểm trái chiều, thậm chí hoàn toàn đối lập, về thế giới không phải là đầu hàng thuyết tương đối. Ví dụ, trong phiên toà xử tội giết người của O.J. Simpson, tại sao người da đen và người da trắng lại đánh giá cùng một bằng chứng khác nhau đến vậy? Dù có giải thích được vì sao đối với người Mỹ gốc Phi, những lời biện hộ của một người da đen bị cảnh sát da trắng bắt lại đúng đắn đến thế thì cũng chẳng giúp Simpson nhẹ tội đi (theo quan điểm của tôi). Thực ra, nếu trò hề tại tòa đó có ý nghĩa gì lớn hơn, tương xứng với mức độ đưa tin của các phương tiện truyền thông, thì chỉ là phiên tòa đã thành vũ đài cho “thực tế ngược” của người Mỹ da trắng và người Mỹ da đen.

Hãy cùng xem xét điều này kỹ hơn. Tìm hiểu hành động và động cơ của bọn khủng bố không phải là chuyện biện hộ cho chúng. Tác giả James Baldwin hiểu sự khác biệt này khi ông từng cho rằng cuốn tiểu thuyết hay nhất về nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ có thể được viết theo quan điểm của đám đông da trắng. Tôi cũng đã nhiều lần viết về những người có hành vi bạo lực chính trị − một người Thiên Chúa giáo cực đoan đặt bom các bệnh viện nạo phá thai ở New York, một người lính Do Thái đã cố gắng ám sát cựu Thủ tướng Israel Shimon Peres vì vai trò của ông trong hiệp định hòa bình Oslo. Mục đích của tôi không phải là lên án những hành động tàn ác mà là giúp người đọc hiểu điều gì đã khiến những người này, những người hoàn toàn có thể cư xử hiền lành, trở thành kẻ sát nhân. Nền báo chí mà chúng ta cần trong thời đại đẫm máu này phải giải thích được phong trào thánh chiến của Hồi giáo, không phải để bào chữa cho nó mà để nhận thức thấu đáo nó.

Sự công bằng có thể che giấu sai lầm mà cũng có thể là một đức tính cơ bản. Trước đây không lâu, mạng truyền hình cáp C-SPAN quyết định chỉ phát sóng một bài phát biểu của sử gia chuyên nghiên cứu Holocaust Deborah Lipstadt với điều kiện ngay sau đó phải là bài phát biểu của David Irving, người phủ nhận Holocaust và từng kiện bà Lipstadt xúc phạm danh dự nhưng bị thua. Ngụ ý ở đây là việc thảm sát không phải sự thật mà chỉ là một vấn đề được đưa ra tranh luận. Khi Charles Murray viết cuốn sách The Bell Curve có nội dung chứng minh rằng những người da đen, về di truyền học, kém thông minh hơn người da trắng, rất ít nhà báo nỗ lực kiểm tra xem những bằng chứng khoa học của ông ta có đúng đắn hay không. Thay vào đó, họ đã coi chủ đề dòng giống chủng tộc thấp kém có thể dễ dàng được giải quyết bằng công thức ông-ấy-nói/bà-ấy-nói. Gần đây nhất, khi đưa tin chiến dịch chống thuyết sinh học tiến hoá của thành viên của phong trào “thiết trí luận”[3], quá nhiều nhà báo đã trình bày cùng một lúc hai quan điểm cùng có giá trị tương đương theo đúng mô hình ở-mặt-này và ở-mặt-khác. Trên thực tế, ngoại trừ với một số nhà khoa học, thuyết tiến hoá vẫn là lời giải thích được chấp nhận, còn “minh định” là thuật ngữ mà Kinh Thánh dùng để chỉ việc Thượng đế sáng tạo ra thế giới.

Thách thức là bạn phải học và làm chủ điều mình chưa biết chứ không phải là nấp sau sự thiếu hiểu biết của mình. Linh hoạt khác với dễ dãi; còn người được gọi là “học nhanh” thực ra đang bị “khen đểu”. Cần có thời gian để thành thạo chuyên môn. Cần có thời gian để hiểu sự thật sâu kín trong tâm hồn của mỗi con người. Cần lòng kiên nhẫn và sáng suốt dù chỉ để nghĩ tới việc phán xét.

Nhà báo với tư cách con người

Để trở thành một nhà báo có đạo đức, bạn phải giữ được lòng nhân đạo. Bạn có thể nghĩ tôi đang nói điều hiển nhiên. Tuy nhiên, lý tưởng khách quan kêu gọi nhà báo viết một cách vô tư dù họ viết về ai, thái độ khách quan được xem là sự đảm bảo cho công bằng. Về phần mình, tôi luôn nghĩ rằng “khách quan” là một từ không chính xác bởi vì con người không thể không chủ quan. Những gì chúng ta cố gắng làm với tư cách nhà báo nên được gọi là “công bằng”, và chủ đề này đáng để chúng ta thảo luận riêng sau. Dù bạn gọi nó là khách quan hay công bằng hay bất cứ tên gì khác thì nghề báo cũng không thể và không nên lấn át bản chất con người của chúng ta. Báo chí là để truyền tải cảm xúc chứ không phải để tiêu diệt cảm xúc. Trong một số trường hợp đặc biệt và hiếm khi xảy ra, nghề báo đã phá bỏ rào cản – mà giới kịch nghệ gọi là “bức tường thứ tư”[4] – ngăn cách chúng ta với những người và sự kiện mà chúng ta tường thuật. Nếu bạn không thể là một con người thì cuối cùng bạn cũng chẳng thành nhà báo.

Câu chuyện về hai bức ảnh đoạt giải và hai tác giả dưới đây thể hiện đúng quan điểm của tôi. Nếu bạn đã học về Chiến tranh Việt Nam, có thể bạn đã thấy bức ảnh một cô bé người Việt – nạn nhân của đợt ném bom napalm của quân đội Mỹ – trần truồng vừa chạy vừa kêu khóc kinh hoàng trên đường. Hình ảnh đau thương về cô bé đã góp phần không nhỏ làm gia tăng dư luận phản đối chiến tranh ở Mỹ và nó cũng đem lại giải thưởng Pulitzer cho phóng viên ảnh Nick Út của hãng thông tấn Associated Press (AP). Rất ít người biết rằng sau khi chụp ảnh cô bé, cô Phan Thị Kim Phúc,  Nick Út đã đưa cô lên chiếc xe buýt nhỏ, yêu cầu xe chở cô đến bệnh viện và xin bác sĩ cứu chữa cho cô ngay lập tức. Chỉ sau khi Kim Phúc lên bàn phẫu thuật Út mới về văn phòng AP để nộp cuộn phim ông chụp. Hai mươi tám năm sau, trong một buổi lễ có mặt Nữ hoàng Anh, Kim Phúc nói về Út, “Ông ấy đã cứu mạng tôi”. Tôi có thể nói thêm rằng ông cũng đã cứu chính tâm hồn mình.

Một bức ảnh khác đoạt giải thưởng chụp cảnh nạn đói ở Sudan năm 1993. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc một em bé tuổi mới chập chững đang gục xuống trong khi đang cố lết tới trạm phân phát lương thực, một con kền kền đang chờ sẵn phía sau. Giống như Nick Út, Kevin Carter, người phóng viên tự do đã chụp bức ảnh, làm dấy lên làn sóng công luận mạnh mẽ. Điều đó khiến Tổng thống Bill Clinton đưa quân đội Mỹ đến thực hiện sứ mệnh nhân đạo tại Sudan. Cũng giống Nick Út, Kevin Carter được vinh danh bằng giải Pulitzer. Tuy nhiên, không như Út, anh đã không can thiệp để cứu đứa bé trong bức ảnh. Một người bạn thân của Carter, David Beresford ở báo The Guardian (Anh), nhớ lại khi hỏi nhà báo này: “Anh đã làm gì với đứa bé?” Carter trả lời: “Chẳng làm gì cả, ở đó có hàng ngàn đứa như vậy”. (Những lần khác khi được hỏi, Carter trả lời rằng anh đã đuổi con kền kền đi và khóc hàng giờ liền sau khi chụp bức ảnh). Carter tự sát chưa đầy bốn tháng sau ngày đoạt giải. Bạn không bao giờ biết chính xác người ta nghĩ gì khi tự sát, nhưng sau này, nhiều đồng nghiệp của Carter sẽ vẫn nhớ về cái ngày anh để cho gã phóng viên bên trong lấn át nhân tính mình.

Tôi hiểu, với bạn, người mới vào nghề và cố gắng để có tính cách phù hợp với công việc, sẽ khó khăn thế nào khi phải phân tích những đòi hỏi đối lập như thế với lương tâm mình. Tôi hiểu nhờ dạy lớp nhập môn báo chí ở Trường Báo chí Columbia hồi tháng Chín năm 2001. Vào buổi sáng Al-Qaeda tấn công toà Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới, sinh viên của tôi mới chỉ bắt đầu chương trình đào tạo báo chí được chưa đầy một tháng. Tuy còn đang chật vật học những kỹ thuật sơ đẳng nhất của nghề báo nhưng họ đã ngay lập tức lao vào câu chuyện gây chấn động nhất kể từ sau Đệ Nhị Thế chiến. Không giống như một số đồng nghiệp trong khoa báo chí, tôi đã không cử sinh viên đến Ground Zero vì lo cho sự an toàn của họ nhưng tôi đã phân công họ đưa tin về hậu quả của vụ khủng bố ở các khu vực lân cận trong thành phố. Khi hồi tưởng lại, tôi có thể nói chính trải nghiệm đó đã giúp họ vượt lên chính mình. Sinh viên của tôi đã viết về những người gác cổng, vốn là người Dominica nhập cư, chết khi Tháp Đôi sụp đổ; về những người Sikh phải chịu tiếng là gây tội vì bị nhầm với người Ả Rập; về những người làm dịch vụ tang lễ chuẩn bị chôn cất những phần thi thể vương vãi; về đội kèn túi của Cục Cứu hỏa phải chơi trong hàng trăm đám tang và lễ truy điệu, và hai người trong số họ cũng thiệt mạng.

Trong quá trình tường thuật những sự kiện này, các sinh viên của tôi cũng vấp phải những câu hỏi đau đớn nhưng cần thiết. Nếu người em phỏng vấn khóc thì sao? Em có thể chạm vào họ không? Em có thể ôm họ không? Nếu như em khóc thì sao? Nếu em làm như vậy em có phải là một nhà báo tồi không? Người trợ giảng của tôi, cô Mirta Ojito của báo The New York Times đã dần dần trả lời những câu hỏi như vậy. Mirta viết “Chân dung thảm họa” cho báo Times trong suốt nhiều tuần liền sau vụ khủng bố; chùm bài tập hợp thông tin về tất cả các nạn nhân đã được xác định danh tính trong vụ tấn công của Al-Qaeda. Nói cách khác, cô dành toàn bộ thời gian làm việc để phỏng vấn những người sống sót. Cô kể với cả lớp cô đã khóc ra sao khi nói chuyện qua điện thoại với cha của hai cô gái chết ở Tháp Đôi. Cô nhớ lại khi bước vào nhà vệ sinh nữ ở tòa báo Times và thấy một đồng nghiệp đang thổn thức vì căng thẳng. Mirta hiểu rằng nước mắt không làm tổn hại tư cách nhà báo của cô. Không cảm nhận và truyền tải nỗi đau của những người vợ mất chồng, những người chồng mất vợ, những đứa trẻ mất cha mẹ và cha mẹ mất con − sự vô nhân đạo đó mới là thất bại của nhà báo.

Một trong số những sinh viên của Mirta và tôi mùa Thu năm đó là Kerry Sheridan. Những bài báo của Kerry về đội kèn túi của Cục Cứu hoả giúp cô viết nên một cuốn sách đặc biệt về họ, cuốn Bagpipe Brothers. Hơn hầu hết các nhà báo ở mọi độ tuổi, Kerry đã lao vào ranh giới mơ hồ giữa nhà báo và con người và cố gắng xác định rõ cả quy tắc đạo đức và những quy tắc nghề nghiệp. Cô muốn viết một cuốn sách lớn nhưng cũng muốn được yên giấc mỗi đêm. Gần đây, tôi hỏi cô muốn nói gì với bạn. “Trong thảm kịch, ranh giới bị xóa mờ và lời khuyên tốt nhất tôi có thể cho một nhà báo trẻ về việc giữ nhân tính là hãy nương theo chiều gió”, Kerry nói. “Chú ý quan sát, bằng lòng với hoàn cảnh, hãy giúp đỡ nếu bạn có thể nhưng đừng coi việc đó là ưu tiên. Hãy nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu gia đình mình ở trong hoàn cảnh đó. Và hãy mang khăn tay.”

Lời thề trung thành

Tôi muốn lưu ý các bạn về những lời thề trung thành. Tôi không đề cập đến những lời thề trung thành theo nghi thức mà nhân viên chính phủ buộc phải tuyên thệ trong suốt thời đại McCarthy, kiểu lời thề hủy hoại cuộc sống và sự nghiệp bằng cách chụp mũ cộng sản cho bất kỳ ai đủ dũng cảm để từ chối tuyên thệ. Tôi đang nghĩ về những lời thề trung thành không nói ra, đặc trưng cho thời đại của chúng ta, với tình cảm mạnh mẽ cho dân tộc, sắc tộc, hay cội rễ tôn giáo và nhiệt huyết dành cho chính trị bản sắc[5]. Bạn càng cảm nhận mình là một phần trong một cộng đồng, hay một cộng đồng nào đó càng tuyên bố bạn là thành viên của họ, thì sẽ càng có nhiều áp lực buộc bạn phải phục vụ cho những mối quan tâm theo nhận thức của cộng đồng đó. Bạn được kỳ vọng sẽ bưng bít những “tin xấu” – dù nó có được cắt nghĩa ra sao – hay sẽ cổ vũ bất kỳ điều gì được coi là thuộc về tư tưởng của cộng đồng.

Nhiều năm trước, khi mới bắt đầu làm phóng viên của Times, tôi được mời dự Passover seder[6]. Khi nghe nói tên họ của tôi và báo New York Times, một vị khách khác đã kịch liệt chỉ trích việc tôi là “một tên Do Thái tồi tệ nhất, kẻ tự căm ghét bản thân”, và khăng khăng cho rằng Times chống Israel và bài Do Thái. Sau một khoảnh khắc ngỡ ngàng, tôi nhận ra người phản đối đã nhầm tôi với Thomas L. Friedman. Về phần mình, tôi không thể tưởng tượng ra lời khen nào hơn thế. Vào thời điểm ấy, Friedman sắp đoạt giải Pulitzer đầu tiên trong sự nghiệp nhờ tường thuật cuộc xâm lược Lebanon của Israel. Lúc đó, tôi đang theo dõi vụ tranh cãi xoay quanh việc thu dọn và xử lý rác không đúng thủ tục ở vùng ngoại ô Connecticut. Lần tôi đến gần người giống tên nổi tiếng ấy nhất là khi tôi lấy nhầm tạp chí College Hockey gửi cho Friedman trong hòm thư cơ quan. Không gì có thể xoa dịu người chỉ trích tôi. Dù tôi không phải là Friedman thì tôi vẫn là Freedman, một thành viên của dân tộc, và gốc gác Do Thái đáng ra phải cao hơn mọi thứ khác.

Tôi có thể hiểu rõ tâm trạng thất vọng của những người cảm thấy họ bị ống kính của cơ quan báo chí vốn chẳng thèm nhớ tới sự hiện diện của họ chèn ép. Người gốc Mỹ La Tinh, phụ nữ đồng tính, người theo đạo Tin Lành, bất kỳ nhóm nào mà bạn có thể nghĩ ra − nhóm nhận ra thành viên của mình từ bên trong, với khả năng tiếp cận tất cả những cần gạt và nút bấm màu nhiệm[7], và theo lẽ tự nhiên, muốn người đó bấm nút vì lợi ích của nhóm. Bản thân các nhà báo cũng không miễn nhiễm với cám dỗ. Tôi biết nhiều phóng viên và biên tập viên người da đen bị giằng xé giữa việc theo dõi những vấn đề của người da đen – bởi vì họ tin rằng họ có thể theo dõi những sự kiện đó một cách nhạy cảm hơn, khác biệt hơn với người da trắng – với mong muốn không bị rập khuôn vào việc chỉ có khả năng đưa tin các sự kiện về những người có cùng màu da với họ. Phóng viên theo dõi chiến dịch tranh cử hàng tháng trời, phóng viên tham gia vào một đơn vị quân đội, phóng viên dành trọn cả một mùa với cùng một đội thể thao − họ cũng tuân theo lý tưởng về lòng trung thành.

Tuy vậy, cuối cùng thì nhà báo phải luôn luôn tự do, có trách nhiệm với tác phẩm, hệ thống giá trị và độc giả (hay thính giả hoặc khán giả). Bạn không bao giờ được để lòng trung thành với nhóm, hay các mối quan hệ, kiểm duyệt tâm hồn mình. Tình bạn và tình cảm gia đình của bạn có thể căng thẳng, thậm chí đổ vỡ. Vị ứng cử viên, ngài chỉ huy quân đội, người đội trưởng đội thể thao có thể gọi bạn là kẻ phản bội. Nghề báo luôn luôn mang tính xã hội, về phương diện này, bạn phải chuẩn bị đối diện với nỗi cô đơn, kiểu này hay kiểu khác.

Một số nhà báo đồng nghiệp của tôi đã thể hiện đặc tính này với những lời hùng biện đặc biệt và bạn có thể học được nhiều từ trường hợp của họ. Một trong những biên tập viên giỏi nhất và là người cố vấn giàu kinh nghiệm của tôi là Jeff Schmalz. Anh chỉ hơn tôi vài tuổi, nhưng khi còn chưa tốt nghiệp đại học ở Columbia anh đã khởi nghiệp bằng cách đưa báo và làm việc vặt ở tòa soạn Times, đến khi mới ngoài hai mươi tuổi anh đã phụ trách biên tập các sự kiện đô thị. Trong số những người đồng tính ở Times, vào những năm 1980, khi xã hội còn khá thành kiến với người đồng tính, Jeff là người hiếm hoi sẵn sàng cởi mở về giới tính của mình. Trong lúc cống hiến hết mình để xây dựng Times, anh không ngừng góp ý về cách đưa tin, đôi khi không đưa, về các vấn đề đồng tính. Tôi nghĩ anh đã thấy một vài phóng viên trẻ của mình có khả năng mang đến thay đổi. Năm đầu tiên tôi làm việc ở Times, anh đã cử tôi đi tường thuật Gay Pride Parade; ở đó, tôi bất ngờ gặp một người bạn cùng lớp trung học, và đã trích dẫn lời anh bạn đó trong bài báo của mình. Jeff phân công Mike Norman, một cựu binh Thủy quân Lục chiến không đồng tính, đưa tin về những cộng đồng đồng tính New York; anh thậm chí còn gợi ý Mike về những câu lạc bộ và nhà tắm công cộng nên đến tìm hiểu.

Khi Jeff chuyển từ việc biên tập sang làm phóng viên và sau đó chiến đấu với bệnh AIDS, các bạn có thể kỳ vọng anh là người mẫu mực, là tấm gương, và tin tưởng vào cuộc chạy đua của anh. Nhưng Jeff đánh giá bản thân mình vẫn cần rèn luyện để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Vào cuối năm 1990, kỹ năng nghề nghiệp của Jeff đã được nâng cao hơn. Jeff bị ngất ở tòa soạn, khi khám tìm nguyên nhân anh mới biết mình mắc AIDS giai đoạn cuối. Anh còn rất ít tế bào bạch cầu, anh đáng ra đã chết. Jeff hồi phục được một thời gian và anh trở lại làm việc. Anh dễ động lòng trắc ẩn hơn, ít tự mãn hơn với những người anh phỏng vấn và sẵn sàng chia sẻ vòng tay cùng nước mắt với họ. Nhưng Jeff vẫn phải chịu sức ép dữ dội từ những nhóm ủng hộ người đồng tính mà anh kể lại chi tiết trong một bài tiểu luận đáng nhớ được công bố năm 1992, một năm trước khi anh mất ở tuổi ba mươi chín:

“Anh là ai?” một phóng viên truyền hình hỏi tôi trong tang lễ một lãnh đạo Act-Up mất vì bệnh AIDS ở Greenwich Village. Phóng viên đó biết rõ tôi là ai: một gã mắc bệnh AIDS ở báo Times.

Nắp quan tài đã được dỡ ra, chiếc quan tài được khiêng trên vai đi trong mưa, những người đưa tang cầm đuốc đi trong bóng tối, chỉ có tiếng trống dẫn nhịp cho nghi thức này, một đám tang trở thành sự phản đối phương thức đấu tranh với AIDS của Tổng thống Bush.

“Anh ở đây với tư cách một phóng viên hay một người đồng tính mắc bệnh AIDS?” phóng viên truyền hình kiên trì bám theo, đưa micro ra trước mặt tôi. Đèn trên chiếc camera của anh ta bật sáng.

Tôi không trả lời. Mọi người trong đám đông tiến lại gần hơn, họ muốn biết câu trả lời. Cả tôi cũng muốn biết. Cuối cùng, tôi đáp: “Phóng viên”. Một vài người lắc đầu phẫn nộ, họ la lên:“Chú Tom!” Họ muốn một người ủng hộ chứ không phải một phóng viên. Vậy là tôi đứng đó, một gã đồng tính mắc AIDS lạc lõng giữa một đám tang người mắc AIDS, tôi là người ngoài trong thế giới của chính mình.

Tôi đi bộ trở về cơ quan trong cơn mưa, suy nghĩ trên suốt quãng đường qua 30 toà nhà xem sẽ khó khăn thế nào khi người da đen viết về người da đen, phụ nữ viết về phụ nữ. Nhưng đưa tin kiểu đó mới là nghề báo. Ai đó nghĩ rằng chính nền báo chí mới chịu thiệt hại, rằng chính sự khách quan mới bị vứt bỏ. Nhưng họ nhầm. Nếu phóng viên không trung thực thì chính họ sẽ phải chịu đựng, bị mắc kẹt giữa hai lòng trung thành… 

Tôi không viết bài về tang lễ vì cho rằng chỉ cần một bức ảnh và lời chú thích là đủ. Trong cơn mưa chiều đó, tôi đã vượt qua thử thách của nghề báo bằng cách thất bại trước thử thách của hoạt động xã hội. Trở thành một nhà hoạt động xã hội có nghĩa là sẽ được biết đến vì bệnh AIDS chứ không phải vì làm báo.

Ở một khía cạnh nào đó, Jeff đã may mắn. Là phóng viên của Times, Jeff được một cơ quan lớn đầy quyền lực bảo vệ, một cơ quan bền vững có khả năng đương đầu với những áp lực bên ngoài, ít nhất là cho tới vụ tai tiếng Jayson Blair. Không phải nhà báo nào cũng đạt tới vị trí cao như vậy, và hiếm có nhà báo ở tuổi của bạn khởi nghiệp ở vị trí ấy. Tôi chắc chắn là không. Nếu bạn giống như hầu hết chúng tôi, khởi đầu sẽ là ở một hãng tin nhỏ hơn hoặc có chuyên ngành hẹp hơn, vốn dễ bị tổn hại hơn Times khi bị công chúng phản đối hay thậm chí tẩy chay về kinh tế, chính điều đó sẽ giúp bạn tìm ra thế mạnh của mình. Điều này khiến tôi nhớ đến một biên tập viên tên là Gary Rosenblatt.

Chúng tôi gặp nhau lần đầu với tư cách đối thủ. Vào năm 1987, Times cử tôi viết bài về người Do Thái đầu tiên bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh chống người Do Thái. Tên ông ta là Jacob Tannenbaum, ông ta sống ở Brooklyn và là thành viên của một giáo xứ Do Thái ở đó, ông ta bị cho là đã đánh đập và hành hạ những người tù Do Thái ở cùng trong trại lao động khổ sai ở Görlitz, Đức. Tôi thú nhận rằng tôi đã viết một câu chuyện nghèo nàn, buồn tẻ, xây dựng hình ảnh một người hàng xóm được yêu mến, rõ ràng có ý nói ông ta đã bị buộc tội sai. Nói về sự trung thành với cộng đồng, hồi tưởng lại, tôi nghĩ rằng là một người Do Thái, tôi không thể chấp nhận sự thật là người Do Thái cộng tác với Quốc xã. Không lâu sau khi bài báo của tôi xuất hiện, một tuần báo Do Thái từ Baltimore đã có bài viết về chủ đề này. Phóng viên của tờ báo đó đã làm được việc mà tôi không làm được. Anh ta đã lần theo những mâu thuẫn trong phát ngôn của Tannenbaum trước đó, anh ta tìm những người sống sót ở Görlitz, họ đã mô tả  những gì mắt thấy tai nghe về việc Tannenbaum cưỡng bức phụ nữ, tra tấn đàn ông, và được Đức Quốc xã đối xử rất thiên vị. (Về sau Tannenbaum nhận tội và bị tước quyền công dân). Tôi phải thừa nhận là đã thua trắng và tôi tò mò muốn biết người đã làm tôi phải hổ thẹn. Người phóng viên đó là Arthur Magida và biên tập viên của anh ta là Gary Rosenblatt.

Sáu hay bảy năm sau đó, Gary chuyển về miền Bắc đảm nhận vai trò biên tập viên và chủ báo New York Jewish Week, một tờ có truyền thống cổ vũ cộng đồng, ca ngợi thành công của người Do Thái và lờ đi những bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Gary rõ ràng không định trở thành loại bồi bút như thế. Tuy nhiên, anh đồng thời thực sự lúng túng với cộng đồng mà anh đã hứa sẽ đưa tin không nao núng. Anh sống ở nơi có đông người Do Thái, vùng ngoại ô Teaneck, New Jersey và tham gia một giáo xứ địa phương. Các con anh cũng học trung học, đại học ở trường dòng Do Thái. Thậm chí hơn cả Jeff Schmalz, Gary ngay lập tức phải trực tiếp nghe mọi lời phàn nàn, cảm nhận mọi áp lực. Và nếu như bạn khởi nghiệp ở một tờ nhật báo địa phương, như tôi đã làm, hay ở một đài phát thanh, truyền hình địa phương, bạn sẽ có những kinh nghiệm cực kỳ tốt. Bạn sẽ sống cùng độc giả, ngẫu nhiên gặp họ ở hiệu giặt là, quán bar, hay hiệu bánh ngọt.

Tháng Sáu năm 2000, Gary viết một bài trang nhất về một giáo sĩ trường dòng nổi tiếng bị cáo buộc đã lạm dụng thân thể hay lạm dụng tình dục các thiếu niên nam và nữ trong thời gian lên tới hơn ba mươi năm. Đây không phải là một cuộc điều tra dựa trên những bằng chứng vô căn cứ từ những nguồn tin nặc danh. Gary đã rất cẩn thận, yêu cầu mọi nạn nhân được anh trích dẫn dùng tên thật và cho ghi âm. Anh đã mô tả cố gắng của những nạn nhân này để giáo sĩ phạm tội, Baruch Lannar, bị trường dòng trừng phạt. Tuy nhiên, những nỗ lực không ngừng đó lại giúp giáo sĩ Lannar được bảo vệ và được cho phép tiếp tục việc giáo dục và truyền đạo cho lớp trẻ. Gary thậm chí đã tiến hành biện pháp đặc biệt, trước khi công bố bài báo, anh đã tìm một giáo sĩ trường dòng, người có uy tín về đạo đức tôn giáo, để hỏi xem liệu có nên công bố những phát hiện chấn động này hay không. Vị giáo sĩ đã nói với Gary những phát hiện ấy là lời kêu gọi của lương tri.

Sau khi bài báo được đăng, nó đã bị phản đối kịch liệt. Một giáo sĩ kêu gọi tờ Jewish Week sa thải Gary. Hai người khác đã buộc tội Gary phạm vào điều cấm kị của Do Thái giáo, loan truyền những tin đồn ác ý. Hàng trăm e-mail và thư đổ lên Gary, chia đều cho hai phe, ủng hộ hoặc kịch liệt chỉ trích anh. Gary đã bôi nhọ tất cả các giáo sĩ Do Thái; vạch áo cho người xem lưng; khiến người Do Thái xấu hổ trước những người dân tộc khác. “Tôi bảo họ công việc của chúng tôi là mô tả cộng đồng người như nó vốn có, chứ không phải theo cách chúng ta muốn,” Gary nói. “Đôi khi người ta không muốn nhìn vào gương”.

Có lẽ lời xác nhận cuối cùng về quyết định của anh đã được đưa ra một năm rưỡi sau, khi vụ một linh mục lạm dụng thân thể trẻ em ở một nhà thờ Công giáo bị phanh phui. Mặc dù quy mô lớn hơn trường hợp Lannar nhưng sự kiện ở nhà thờ Công giáo cũng có nhiều yếu tố tương tự − kẻ lạm dụng thân thể trẻ em quen biết các bậc bề trên; tôn ti tôn giáo đã bác bỏ hoặc lờ đi những oán trách của trẻ em và các bậc phụ huynh; và các phóng viên điều tra bị chỉ trích là đưa tin quá nhạy cảm và bài tôn giáo. Gary đã liên hệ với một trong số các ký giả như thế, Rod Dreher của National Review và chỉ ra những điểm tương đồng. Dreher đã phúc đáp, “Tôi không biết liệu anh có theo đạo hay không nhưng tôi là một tín đồ Công giáo ngoan đạo và tôi coi việc vạch trần những sự thật kinh khủng này là trách nhiệm tôn giáo. Một vài linh mục cấp cao, có cả một tổng giám mục, đã khuyên tôi nên rút lui như một ‘con chiên ngoan đạo’. Tôi nói với họ rằng họ đã hiểu nhầm tôi: tôi viết về vụ việc này không phải để chống lại Công giáo mà là để ủng hộ nó.”

Khi Gary đăng những lời nói của Dreher trên tờ Jewish Week, anh đã thêm một câu kết của mình. Và tôi sẽ nhắc lại ở đây: Amen[8].

Chúng ta có phản bội không?

Tôi kể cho bạn những chuyện này để bạn mạnh mẽ hơn. Bạn sẽ nghe nhiều điều ngược lại, vậy, hãy chuẩn bị tinh thần. Bạn sẽ nghe các giáo sư say sưa giảng về giải cấu luận, rằng chẳng có gì là thực tế, chẳng có gì là sự thật, chẳng có gì là lịch sử, chỉ có những câu chuyện được kẻ áp bức tạo ra nhằm kiểm soát người bị áp bức. Bạn sẽ nghe về mọi thất bại của nghề báo từ blogger và các nhà phê bình truyền thông, những người chưa bao giờ rời xa máy vi tính đủ lâu để đưa tin một vụ hỏa hoạn hay một buổi họp của hội đồng thành phố. Bạn sẽ nghe độc giả, thính giả, khán giả xỉ vả người đưa tin đem đến những tin không tốt. Đôi khi những người này đúng. Bạn chỉ có thể biện hộ bằng chất lượng bài viết của mình. Bạn cần phải sẵn sàng và thực sự hăng hái, bảo vệ từ những chi tiết nhỏ nhất trong bài viết.

Sớm hay muộn, bạn cũng phải đối mặt với một lời chỉ trích đặc biệt, nhắm thẳng vào mục tiêu đạo đức của nghề báo. Nó được đưa ra dưới dạng một cuốn sách của tác giả Janet Malcolm, The Journalist and the Murderer, được rất nhiều nhà báo đọc và được phổ biến rộng rãi trong các trường dạy nghiệp vụ báo chí. Trong lời mở đầu cuốn sách, Malcolm viết: “Mỗi nhà báo không quá ngớ ngẩn hay quá tự mãn để nhận biết những điều đang diễn ra đều biết việc mình làm là không thể biện hộ về phương diện đạo đức. Nhà báo là người tự tin, nhận ra tính phù phiếm, sự dốt nát hay nỗi cô đơn của mọi người, chiếm lấy lòng tin của họ để rồi phản bội họ một cách không thương xót.”

Lời buộc tội của Malcolm làm báo giới nhức nhối. Nó gây chấn động vì, nghịch lý thay, nó nói về phẩm chất mà tác giả rõ ràng tin rằng nhà báo còn thiếu: lương tâm. Nhà báo tìm cách khiến mọi người hài lòng, giành lấy lòng tin của họ bằng cách chiều theo, hay vờ chiều theo, đánh giá theo ý kiến của mọi người. Khi phỏng vấn, phóng viên là người chăm chú và kiên nhẫn lắng nghe nhân vật nói hơn bất cứ ai trong đời người đó − ông chủ, vợ hoặc chồng, hàng xóm, họ hàng. Nhiều người sẽ nhầm việc sẵn sàng lắng nghe với lời hứa hẹn một tình bạn, và một số nhà báo không có uy tín chỉ làm tăng thêm hiểu lầm. Mối quan hệ giữa nhà báo với nguồn tin, mỗi người đều tìm kiếm một vài lợi ích từ bên kia, là rất nhập nhằng. Bạn có thể thấy quá trình lợi dụng lẫn nhau này được miêu tả sinh động qua mối quan hệ giữa Mel Gibson trong vai một phóng viên người Úc và Linda Hunt đóng vai nguồn tin ở Indonesia thời cách mạng trong bộ phim của Peter Weir, The Years of Living Dangerously, dựa trên tiểu thuyết của Christopher J. Koch. Thật ra, chính là bởi nhiều nhà báo biết cân nhắc hậu quả của việc mình làm nên họ mới thấy cắn rứt vì lời chỉ trích của Malcolm.

Tuy nhiên, tự đánh giá bản thân và tự hổ thẹn là rất khác nhau. Bạn nên biết vài điều về Malcolm và luận điểm này trước khi hao tâm tổn trí vì nó. Malcolm công kích mạnh mẽ mọi nhà báo và cả nền báo chí bằng cách tập trung vào một phóng viên tồi, Joe McGinnis. Cuốn sách của Malcolm phanh phui một cách không khoan nhượng việc McGinniss khéo léo lấy lòng một sĩ quan Mũ Nồi Xanh[9] bị buộc tội giết người, Jeffrey MacDonald. McGinnis tuyên bố tin tưởng MacDonald vô tội để tiếp cận được nghi phạm và gặp luật sư bào chữa nhưng trên thực tế, anh ta đã kết luận là MacDonald có tội. McGinniss tiếp tục với nhiều mưu mẹo để thu thập tài liệu đủ để viết thành một cuốn sách bán chạy, cuốn Fatal Vision. Nhưng việc MacDonald, khi ấy đã bị buộc tội giết người, kiện McGinniss xúc phạm danh dự mình cho thấy McGinniss đã thiếu đạo đức như thế nào. Như để nhấn mạnh quan điểm này, McGinniss đã tiếp tục viết một cuốn sách về Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, mà về sau bị phát hiện có nhiều chi tiết bịa đặt. Vì vậy, Joe McGinniss không còn đại diện cho báo giới cũng như Jeffrey MacDonald không còn đại diện cho giới sĩ quan quân đội nữa.

Nhà báo giống với McGinniss nhất có lẽ chính là Janet Malcolm. Malcolm cũng có một phần cuốn Fatal Vision của riêng mình khi viết tiểu sử nhà phân tâm học Jeffrey Masson, giám đốc cơ quan Lưu trữ Freud ở London, cho tờ New Yorker. Bài viết dài dòng miêu tả Masson như một kẻ khoác lác kiêu căng và trích dẫn trực tiếp lời Masson nói rằng ông từng treo cổ tự tử. Masson đã kiện Malcolm phỉ báng vì bà này đã sáng tác ra một số lời nói và gán cho ông. Thú vị thay, một số lời trích dẫn gây tranh cãi đã biến mất khỏi băng ghi âm cuộc phỏng vấn của Malcolm. Năm 1993, một thẩm phán liên bang xử Masson thắng khiện; ông xác định Malcolm đã bịa đặt năm câu trích dẫn, hai trong số đó có tính chất phỉ báng. Malcolm thắng ngược sát nút khi kháng án một năm sau nhưng thẩm phán vẫn xác định rằng bà ta bịa đặt hai câu trích dẫn. Một năm nữa trôi qua, thế rồi − ái chà − cháu gái của Malcolm lấy vài cuốn sách từ giá sách tại nhà nghỉ của ký giả này và tình cờ tìm thấy cuốn sổ với tất cả những lời trích dẫn còn thiếu. Bạn có thể tự quyết định xem câu chuyện này đáng tin đến mức nào.

Malcolm không phải kẻ tội đồ đầu tiên, mà cũng không nhẹ tội hơn bằng cách nói rằng mọi người đều làm thế. Nhà báo nào cũng có thể phạm lỗi – vào lúc này hay lúc khác – khi bỏ mặc cho nguồn tin cảm thấy lo lắng, không được bảo vệ, bị bỏ rơi. Nhưng thừa nhận có sai sót trong hệ thống khác xa với khẳng định rằng mọi cuộc gặp gỡ báo chí đều không thể không dẫn tới phản bội.

Mỗi lần phản bác luận điểm của Malcolm, tôi lại nghĩ đến một tác giả tạp chí mà tôi ngưỡng mộ nhất, Mike Sager. Tôi đã đọc tác phẩm của Mike ít nhất được 15 năm, kể từ khi tình cờ đọc bài viết lôi cuốn trên tạp chí Rolling Stone về nhóm cựu binh chiến tranh Việt Nam “rửa tay gác kiếm” ở Thái Lan sau chiến tranh và không bao giờ quay trở lại Mỹ. Lúc ấy tôi không biết đó là bài viết đầu tiên của Mike trên một tạp chí lớn. Ông khởi nghiệp với tư cách phóng viên mục đô thị của báo Washington Post. Trong nhiều năm làm việc cho tạp chí Rolling Stone, GQ, và Esquire, Mike chuyên viết về những hành vi cực đoan − những băng đảng ma túy, công chức nghiện heroin, người viết sách báo khiêu dâm, người tân thời, võ sĩ hiếu chiến hay trùm mafia. Bản thân Mike cũng có vẻ bề ngoài cực đoan; anh mặc toàn đồ đen và là người da trắng đầu tiên cạo trọc đầu mà tôi biết. Nhưng sự nghiệp của anh cũng là một công trình nghiên cứu về đạo đức. Anh là một nhà báo thiên tài, luôn luôn phát hiện được điều phi thường trong những người bình thường và phẩm chất thực của những người dường như lầm đường lạc lối, để rút ngắn khoảng cách về tâm hồn giữa Họ và Chúng Ta. Để làm được như vậy, Mike thường dành nhiều tuần để cùng sống với đối tượng, trở nên thân thiết và được họ tin tưởng, sau đó, tất nhiên là anh kể với thế giới về những điều anh phát hiện ra. Nhưng anh thì không chơi trò nói một đằng làm một nẻo như Janet Malcolm thú nhận. Gần đây, Mike chia sẻ quan điểm của anh với tôi như sau:

Khi một người đồng ý cho phỏng vấn, công việc của chúng ta là khám phá hệ thống giá trị của người đó mà không định kiến. Tôi gọi đó là sự tin tưởng. Nếu bạn không thể gác thành kiến sang bên, bạn sẽ không thể thấy những sắc độ làm cho báo chí và cuộc sống tuyệt vời đến thế. Chúng ta phải ngồi xuống và lắng nghe. Thông cảm và đồng cảm. Hãy cố gắng hiểu.

Sau đó, bạn về nhà, nghe lại những thông tin đó và lọc ra sự thật. Nếu người đó nói dối, bạn sẽ nhận rõ. Bằng cách lắng nghe, bằng cách để mọi người lên tiếng, bằng cách cố gắng thấu hiểu họ, bạn sẽ học được rất nhiều. Thế rồi, bạn ngồi vào bàn viết, việc bạn hiểu sâu sắc hơn giúp bạn kể lại sự thật một cách sâu sắc hơn.

Một lần, tôi được phân công viết một phóng sự dài về một anh chàng tên là Charlie nặng gần 700 cân Anh[10]. Chúng tôi sống cùng nhau vài tuần lễ. Chúng tôi đi lang thang, đến nhiều nơi, dù rất chậm. Tôi cư xử như một người bạn của anh ấy. Qua thời gian, tôi quan tâm đến anh như một con người. Cảm nhận được điều này, anh ấy cởi mở với tôi hơn.

Đến lúc viết câu chuyện, tôi đã cố gắng không chê bai. Ý tôi là anh chàng này béo tới mức không thể tự rửa ráy khi đi vệ sinh. Anh ấy phải dùng một thiết bị phun nước đặc biệt gắn vào bồn cầu. Tất nhiên tôi đã viết về chuyện đó. Thật hài hước. Nhưng tôi biết được chuyện ấy là bởi tôi đã trở nên gần gũi với Charlie với tư cách của một con người. Và tôi viết về điều đó, khi gần gũi hơn với Charlie như con người với con người, tôi viết bằng cả tấm lòng.

Khi Charlie đọc câu chuyện về mình, bài dài khoảng 7000 từ với những chi tiết riêng tư, anh nói qua điện thoại, bằng giọng của một cậu bé,“Tớ cảm thấy mình bị phơi bày”. Nhìn vào câu chuyện chi tiết về đời mình cũng như đứng soi gương, điều mà anh ấy chưa bao giờ làm.

Nhưng sau đó, anh đăng lại bài viết trên trang web cá nhân. Anh gửi nó cho tất cả bạn bè mình. Bài viết rất thành công. Người gầy ngạc nhiên với những chi tiết quá tỉ mỉ trong bài. Người béo ngạc nhiên trước cảm xúc của câu chuyện. Mọi chi tiết đều ở đó, nhưng không hề ác ý.

Charlie và tôi hiện vẫn giữ liên lạc với nhau.

Có một điều trong câu chuyện này, một điều lớn hơn việc vạch mặt Janet Malcolm, và nó đưa chúng ta trở lại với Thoth. Tất cả các nhà báo đều đóng vai Thoth, đánh giá trái tim và ghi lại số phận. Một nhà báo tốt, một nhà báo có đầy đủ cả đạo đức nghề nghiệp và sự cảm thông, mẫu nhà báo mà tôi mong bạn trở thành, phải chuẩn bị cho cái ngày mà chính anh ta hoặc cô ta phải đước trước Thoth để được phán xét.

(Còn tiếp 4 kì)

Dịch theo bản gốc tiếng Anh Letters to a Young Journalist (Art of Mentoring) của Samuel G. Freedman, Basic Books, New York, 2005. Bản tiếng Việt của Lưu Quang đăng trên pro&contra không phục vụ mục đích thương mại.


[1] Có lẽ tác giả nhầm lẫn, vị thần có nhiệm vụ cân trái tim là Thần Chết Anubis, thường được mô tả là có mình người và đầu chó rừng – Thoth chỉ giám sát chứ không trực tiếp tham gia việc cân tim.

[2] Tính theo thời điểm tác giả viết cuốn sách này, khoảng năm 2005.

[3] Nguyên văn: Intelligent design

[4] Bức tường ảo ngăn cách khán giả với sân khấu

[5] Nguyên văn: identity politics hoặc politics of identity  

[6] Tiệc bắt đầu Lễ Quá hải (Passover) của người Do Thái, xuất phát từ truyền thuyết Thánh Moses dẫn người Do Thái vượt biển Hồng Hải, thoát khỏi sự thống trị của đế chế Ai Cập.

[7] Ám chỉ những khả năng và lợi thế của cá nhân – chúng tôi cố gắng giữ nguyên cách dùng của tác giả.

[8] Từ gốc Tiếng Do Thái được Thiên Chúa giáo du nhập nguyên dạng, thường dùng khi kết thúc lời cầu nguyện, đôi khi mang ý tán thành điều gì đó – ở đây, Gary đã khéo léo dùng một từ có cùng ý nghĩa trong hai tôn giáo khác nhau để tỏ ý đồng tình và cảm ơn Dreher.

[9] Ở đây là lực lượng đặc nhiệm của Mỹ, không phải quân gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

[10] Khoảng gần 320kg