Tác giả

Chuyên mục

Trang

Giải thưởng Phan Chu Trinh dành cho ông Nguyễn Sự: vui, buồn và lo

Th3 25, 2012

Phạm Hồng Sơn

Ông Nguyễn Sự – Bí thư Thành ủy Hội An, vừa được trao giải thưởng “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” của Quĩ Văn hóa Phan Châu Trinh do những nỗ lực làm cho thành phố du lịch Hội An trở thành một mô hình thành công trong việc vừa phát triển, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nếu ai đó đã đến Hội An một lần và một số điểm du lịch khác của Việt Nam thì, có lẽ không cần phải đọc những bài viết tôn vinh gần đây về ông Nguyễn Sự, cũng có thể phải khâm phục tầm nhìn và tấm lòng của người lãnh đạo cao nhất của đô thị cổ đó – ông Nguyễn Sự.  Có thể nói ông Bí thư Nguyễn Sự của thành phố Hội An là một nhà chính trị tốt bụng, một ông quan tử tế, một ông “vua” hiền hết sức hiếm trong cái “thời đểu cáng đã lên ngôi”, cái tên do chính một người đi trước, một cựu đồng chí của ông đã đặt. Vì thế việc ông quan, nhà chính trị Nguyễn Sự được trao giải thưởng “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” không thể không là một tin mừng, một niềm vui không nhỏ đối với những người còn trăn trở với đất nước. Nhưng nếu xem lại quan điểm của Phan Chu Trinh, chúng ta sẽ thấy mẫu hình ông quan tử tế hay ông vua hiền lại không phải là điều mà Phan Chu Trinh tâm đắc, muốn đề cao hay tôn vinh.

Trong một bài diễn thuyết ở nhà Hội Việt Nam tại Sài Gòn vào cuối tháng 11 năm 1925, với chủ đề “Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa”[i], Phan Chu Trinh đã nói về lịch sử và nguyên nhân tại sao mà nhiều nước Á Đông (trừ Nhật Bản) vẫn chìm trong lầm than của đau khổ, chậm tiến và xiềng xích bạo quyền trong khi nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản đã có những bước tiến lớn không chỉ về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, mà cả về những giá trị tinh thần mà ngày nay chúng ta gọi là nhân quyền (quyền con người).

Theo Phan Chu Trinh, nguyên nhân phía sau thực trạng tăm tối của các nước ở nhóm đầu là do xã hội vẫn mê mẩn đường lối “Quân trị chủ nghĩa, tức là nhân trị (người trị người)” hay còn gọi là tư tưởng đức trị trong việc quản lý, điều hành xã hội, đất nước. Phan Chu Trinh day dứt: “Đây hãy nói tóm lại quân-trị tức là nhân-trị. Quân-trị chủ-nghĩa, tuy có pháp-luật mặc lòng, nhưng mà pháp-luật cứ tự tay ông vua lập ra, chứ còn dân thì không biết gì hết. Vậy cho nên khi nào gặp một ông vua thông-minh anh-hùng, hiểu được cái sự quan-hệ giữa dân với nước thế nào, mà trừng-trị lũ quan tham, lại nhũng, để cho dân được yên-lặng làm ăn, thì dân giàu nước mạnh, mà cái thì giờ của vua sống được bao nhiêu thì nước còn được thái-bình bấy nhiêu.

Còn đến mấy ông vua hôn-ám thì ông sống với đàn bà con gái, với bọn hoạn quan, còn biết gì đến nước, trao chính-quyền vào trong tay mấy đứa nịnh-thần, người đã hư thì nước cũng đổ thôi…

Sau nhiều trích dẫn lịch sử để minh họa cho những thảm họa do tệ sùng bái đức trị ở cả Tây và nhất là Đông gây ra, Phan Chu Trinh lại xót xa: “Nhân-trị nghĩa là cai trị một cách rộng-rãi hay là nghiêm-khắc chỉ tùy theo lòng vui, buồn, thương, ghét của một ông vua mà thôi, pháp luật tuy có cũng như không.

Theo Phan Chu Trinh muốn giải quyết triệt để vấn nạn trên đây thì trước hết giới trí thức của một nước phải chuyển đổi được tư tưởng từ đức trị, nhân trị sang tư tưởng “dân-trị chủ-nghĩa tức là pháp-trị chủ-nghĩa”. Phan Chu Trinh đã không ngại mượn ngay mô hình chính trị, theo tinh thần pháp trị, của nước Pháp lúc đó để giúp cử tọa hiểu được một cách cơ bản về cấu trúc của một chính thể dân chủ, như cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mặc dù chỉ ngụ ý nói các nét đại cương, nhưng, ngoài việc nói về sự cần thiết phải có tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và các chính đảng, Phan Chu Trinh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tính độc lập giữa các nhánh quyền lực trong một chính quyền dân chủ: “Quyền tư-pháp cũng như quyền hành-chính của Chính-phủ, và quyền lập-pháp của nghị-viện, đều đứng riêng ra, không hiệp lại trong tay một người nào.” Để làm bật ra ích lợi tổng quát của “dân-trị chủ-nghĩa tức là pháp-trị chủ-nghĩa” đối với toàn xã hội, Phan Chu Trinh đã thẳng thắn khái quát: “Vì rằng quyền lợi và bổn-phận của mọi người trong nước đều có pháp-luật chỉ-định rõ-ràng, không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi tự-do, muốn bước tới bao nhiêu cũng không ai ngăn-trở, chỉ trừ khi nào xâm lấn đến quyền-lợi của người khác thì không được. Vì đối với pháp-luật thì mọi người đều bình-đẳng, không có ai là quan, ai là dân cả.”

Cuối cùng, Phan Chu Trinh kết luận: “So-sánh hai cái chủ-nghĩa quân trị và dân-trị, thì ta thấy chủ-nghĩa dân-trị hay hơn cái chủ-nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay là của một triều-đình mà trị một nước, thì cái nước ấy không khác nào một đàn dê, được no ấm vui-vẻ hay là phải đói rét khổ-sở chỉ tùy theo lòng của người chăn. Còn như theo cái chủ-nghĩa dân-trị, thì tự quốc-dân lập ra hiến-pháp, luật-lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung cả nước, lòng quốc-dân muốn thế nào thì làm thế ấy. Dù không có người ta giỏi làm cho hay lắm, cũng không đến nỗi phải đè đầu khốn-nạn làm tôi-mọi một nhà, một họ nào.

Xét lịch-sử xưa, dân nào khôn-ngoan biết lo tự-cường tự-lập, mua lấy sự ích-lợi chung của mình, thì càng ngày càng bước tới con đường vui-vẻ. Còn dân nào ngu-dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao-phó tất cả những quyền-lợi của mình vào trong tay một người, hay là một chính-phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành-động, không bàn-luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn-khổ mọi đường.”

Rõ ràng, quan điểm của Phan Chu Trinh đã dứt khoát rằng muốn đất nước được bảo toàn, phát triển, nhân dân được hạnh phúc một cách bền vững thì phải tập trung khai mở bằng được ý thức tự lập cho người dân và hình thành được các thiết chế dân chủ cơ bản.  Còn nếu vẫn trông ngóng, say mê, cổ xúy cho đức trị, đạo đức của quan, của vua thì dân sẽ còn “khốn-khổ mọi đường” và “nước cũng đổ thôi”.

Như vậy, xét về mặt đạo đức, và có thể cả về một ý nghĩa chính trị (nhỏ) nào đó trong thời điểm hiện nay, ông quan Nguyễn Sự hoàn toàn xứng đáng và cần được vinh danh. Nhưng việc vinh danh hay việc trao giải thưởng cho ông Nguyễn Sự lại có thể đang (vô tình) trở thành, hoặc  bị trở thành, hoặc hiểu nhầm thành một sự tôn vinh, gia cố thêm cho tư tưởng đức trị. Đó là một nỗi buồn lớn. Buồn lớn là vì giải thưởng trao cho ông Nguyễn Sự lại mang tên Phan Chu Trinh – nhà tư tưởng, cách đây cả trăm năm, đã dùng gần trọn cả cuộc đời để vận động dân chủ, hết sức thiết tha làm sao để giới trí thức dứt đi được tư tưởng đức trị và thay vào đó bằng tư tưởng pháp trị (dân chủ). Do đó việc trao giải thưởng Phan Chu Trinh cho ông Nguyễn Sự vừa là chuyện vui, vừa là chuyện buồn. Và còn có cả nỗi lo nữa. Lo là vì những tiếng nấc trong vụ án bà Ba Sương, hình như, vẫn chưa lặng hẳn.

Bài đăng ngày 26.03.2012

© 2012 pro&contra

 


[i] Thế Nguyên, Phan Chu Trinh, Nxb Tân Việt, 1956. Độc giả có thể tham khảo bài diễn thuyết này tại đây (lưu ý: có một số từ và câu không hoàn toàn giống với sách đã dẫn)