Tác giả

Chuyên mục

Trang

Tại sao lại nổ súng?

Th9 13, 2013

Phạm Hồng Sơn

Cách đây hai hôm, ngày 11/09/2013, ông Đặng Ngọc Viết, 42 tuổi, người Thái Bình đã tự sát sau khi xông vào trụ sở chính quyền thành phố, nã đạn vào đầu 5 viên chức, làm 3 người bị thương và một người đã tử thương. Theo các thông tin do báo chí nhà nước công bố, ông Viết đã làm sẵn tấm di ảnh kèm cả tờ lịch ngày chết cho mình trước khi cầm súng đi bắn các viên chức nhà nước liên quan đến vấn đề đất của gia đình ông. Báo chí thuật, ông Viết, trước đó là một người lương thiện, từng đi làm ở Nga, đã bắn vào ngực mình và chết ngay dưới chân bức tượng Phật bà Quan Âm trong một ngôi chùa gần nhà vào chập tối ngày 11/09. Như vậy, việc tự sát của ông Đặng Ngọc Viết đã được chuẩn bị rất kỹ và quyết liệt.

Tự sát là một hiện tượng không mới của xã hội loài người và là một chủ đề được chú ý từ hơn 100 năm qua trong giới khoa học. Năm 1897, Émile Durkheim (1818-1917), một trong những ông tổ của ngành xã hội học, đã cho ra mắt công trình nghiên cứu mang tên Tự sát (Le Suicide). Qua thu thập và khảo sát gần 26.000 ca tự sát, Durkheim đã phân tự sát ra làm bốn loại khác nhau. Loại thứ nhất, Durkheim đặt tên là Tự sát vị kỷ (suicide égoïste), đây là những trường hợp tự sát ở những người có ít liên kết với xã hội như những người già bị bỏ rơi, người độc thân. Loại thứ hai, Tự sát vị tha (suicide altruiste), ở những người có rất nhiều liên kết và rất sâu sắc với xã hội như những chỉ huy quân sự tự bắn vào đầu mình khi bị thua trận, những chính trị gia tự sát khi bị mất tín nhiệm. Loại thứ ba, Tự sát tan rã (suicide anomique), ở những người thấy thiếu hoặc mất phương hướng do những biến đổi quá nhanh về các chuẩn mực, qui ước, đạo đức của xã hội như các thanh niên tự sát trong giai đoạn xã hội có những thay đổi lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa cho dù điều kiện gia đình thuộc loại đầy đủ. Loại thứ tư, Tự sát định mệnh (suicide fataliste), ở những người cảm thấy các ràng buộc, áp chế của xã hội đè lên mình quá nặng, sự tự do cá nhân bị ép quá chặt như tự sát ở những người nô lệ, công nhân bị vắt sức lao động, những người bị ngược đãi, bất công.

Ngày nay ngành khoa học xã hội đã có những bước phát triển xa hơn tác phẩm Le Suicide của Émile Durkheim trong việc lý giải hiện tượng tự sát. Ví dụ, dưới nhãn quan của lý thuyết xung đột (conflict perspectives), mà ông tổ của Chủ nghĩa Cộng sản Karl Marx luôn được viện dẫn hàng đầu, thì tự sát là kết quả của những xung đột quan hệ xã hội gay gắt nhưng không được giải quyết. Hoặc theo lý thuyết biểu tượng tương tác (symbolic interactionist perspectives) tự sát là biểu hiện của một tiếng kêu cứu hay một sự đánh động cho một vấn đề cá nhân/xã hội.

Việc tìm hiểu sâu hơn và lý giải vụ tự sát, kèm theo vụ sát hại, của ông Viết xin được dành cho quí vị độc giả và giới chuyên môn như các nhà xã hội học, tâm lý học hay tội phạm học,… Nhưng chỉ nhìn vào những cơ sở lý thuyết sơ lược kể trên, chúng ta có thể thấy sẽ có nhiều cách lý giải và giả thuyết khác nhau về nguyên nhân, động cơ căn bản dẫn đến hành động quyết liệt bi thương của ông Đặng Ngọc Viết.

Cái chết nào cũng gây cho người ta đau buồn, ngậm ngùi, dù là cái chết do tự sát hay do bị sát hại, dù là cái chết của thủ phạm hay nạn nhân.

Nhưng trong cái chết của ông Viết có ít nhất một sự an ủi. Vì nếu ông Viết không tự sát (hoặc tự sát không thành) chắc chắn ông sẽ phải hầu tòa vì tội “cố ý giết người”, giống như anh em ông Đoàn Văn Vươn mới đây phải ra tòa. Và một người như ông Viết, tôi tin, sẽ rất đau đớn nếu bị những ông bà thẩm phán là đảng viên cộng sản ngồi trên ghế quan tòa giật giọng hỏi: “Tại sao lại nổ súng bắn cán bộ mà không đi kêu oan?”

Cái đau đó chắc sẽ không thua cái đau do viên đạn ông đã tự bắn thẳng vào ngực mình trong cái tối định mệnh ngày 11 tháng Chín vừa qua.

© 2013 Phạm Hồng Sơn & pro&contra