Tác giả

Chuyên mục

Trang

“Xin hãy sờ tôi” hay “Tự kiểm duyệt”

Th7 12, 2013

Nguyễn Minh Thành

Anh bạn tôi tên là Tráng than rằng: Người xem cứ sờ vào tác phẩm nghệ thuật, đã treo biển cấm sờ mà họ vẫn sờ! Tôi bảo rằng: Vậy thì nên làm một triển lãm với chủ đề: xin người xem hãy sờ vào tác phẩm. Anh bạn tôi nói  đùa: Hay thành là tác phẩm đứng đó để cho người ta sờ. Thoạt tiên tôi nghĩ, xấu hổ lắm, tôi không dám đứng đâu, mặc dù biết là có thể đứng được. Rồi cứ nghĩ mãi, nên bây giờ nghĩ ra một tác phẩm, không phải đứng mà, nằm. Tác phẩm mà biết trước là sẽ bị kiểm duyệt, bị cấm.

Tác phẩm thế này:

Tôi sẽ hoá trang mặc áo quần và cắm râu ria sao cho giống y ông Hồ Chí Minh và nằm trong hộp kính, phía trên không đậy nắp. Cố gắng hết mức có thể để càng giống ông Hồ bây giờ đang nằm trong lăng Ba Đình. Nằm yên thế khoảng 1 tiếng trong khi người xem được mời sờ vào người tôi.

Tôi đoán rằng trong 100 người Việt Nam khi nghe đến tác phẩm nghệ thuật này thì có đến 99,9 người đoan chắc là tác phẩm sẽ bị nhà nước cấm. Tại sao bị cấm? Chắc hết thảy mọi người đều biết. Nhưng từ từ, chậm chậm, nghĩ về nó thì chắc cũng không nhiều người đâu, tôi đoán thế.

Vậy xin hãy cùng tôi bình tĩnh suy tư về điều này xem nó như thế nào.

Ông Hồ Chí Minh là người đã trở thành biểu tượng được tôn kính nhất ở Việt Nam hiện nay. Việc “trở thành” này là do đâu? Là do kỹ nghệ tuyên truyền của nhà nước tạo nên lòng sùng kính của nhân dân. Nhân dân ở đây cũng là từ phát ngôn của hệ thống tuyên truyền của nhà nước. Vì vậy nhân dân có sùng kính thật sự hay không thì không có gì đoan chắc. Hoặc có bao nhiêu phần trăm sùng kính? Hoặc thành phần nào trong nhân dân sùng kính? Hoặc hiểu biết của họ về ông Hồ ở mức độ nào?… Cũng đều không có gì đoan chắc.

Như cá nhân tôi cũng là một nhân dân, nhưng với hiểu biết của tôi thì tôi không sùng kính ông Hồ. Song khi trên đài báo, bao nhiêu năm nay cứ nói nhân dân và có nghĩa rằng tôi cũng ở trong số đó. Như thế thật oan cho tôi, tôi đâu có sùng kính ông Hồ! Và trong cả nước Việt Nam, có lẽ tôi không phải người duy nhất. Vậy có bao nhiêu người không sùng kính như tôi? Chúng ta hoàn toàn không biết. Nếu ai có mắt thần biết được thì thật hay. Biết đâu có 3 nhân dân, hay 16 nhân dân hay 700 nhân dân hay rất nhiều nhân dân hay bất kỳ con số nhân dân và không loại trừ con số lên tới mức nhiều làm người ta choáng váng thì sao.

Trong trường hợp chỉ có mỗi mình tôi trong cả nước là người không sùng kính ông Hồ, vậy thì trên các bài báo, bài văn hay bài phát biểu phải nói là: “Nhân dân ta thiếu một người sùng kính Bác Hồ” mới đúng.

Viết đến đây tôi liền search Google với từ khoá: “Nhân dân một lòng tôn kính bác” sau 3 giây, liền ra một loạt kết quả, tôi lấy bài đầu tiên, xin mời vào link này:  http://www.bentre.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=15414&Itemid=37

Đọc bài này, quý vị thấy là loại văn kiểu gì? Riêng tôi thì gọi là loại văn nói dối. Nhưng từ chính xác hơn là: văn điêu. “Điêu” là làm cho lồi lên trên mặt phẳng. Nên cũng gọi là điêu khắc, nghĩa là làm lồi lên hay lõm xuống. Bài báo ở link trên này chỉ là một ví dụ dẫn chứng, mà tôi chẳng phải nhọc công tìm kiếm. Còn biết bao nhiêu bài và từ biết bao năm nay, cứ nguyên một điệu văn “điêu” ấy trên toàn hệ thống tuyên truyền nhà nước.

Từ công phu làm “điêu hoá văn” này của nhà nước từ năm 1954 đến nay, nước chúng ta đạt kết quả là nếu tìm 10 nước nói dối nhất thế giới thì không lo trong đó không có tên Việt Nam. Khi xã hội số đông nói dối nhau, thì xã hội ấy sao tránh khỏi tham nhũng!

Quay lại điều ông Hồ là biểu tượng được tôn kính nhất, thì chúng ta hãy suy xét về tính biểu tượng thực sự là gì?

Trước hết phải nói rằng: biểu tượng chính là nguyên nhân làm sa ngã nhân loại.

Tại sao vậy?

Thưa: biểu tượng được sinh ra từ một hình tượng cụ thể nào đó, dầu là người hay vật. Nó trở thành ký hiệu và quy ước trong tinh thần. Vì thế, biểu tượng thì rất cần thiết trong chính trị, tôn giáo hay đảng phái hay hội đoàn và nhất là trong kinh doanh. Trong các lãnh vực trên, muốn thành công nhất thiết phải có biểu tượng. Nếu không có biểu tượng, không thu hút số đông. Nhưng các nhóm số đông kia lại chính là nguyên nhân của chiến tranh, chia rẽ không ngừng trong lịch sử tiến hoá của nhân loại.

Duy nhất chỉ có kinh doanh là còn lành mạnh hơn cả. Vì trong kinh doanh, bạn thấy biểu tượng của coca cola chẳng hạn, bạn xem TV quảng cáo hay, bạn mua, bạn uống. Và từ quy ước của tinh thần, bạn ít ra còn được uống vật chất, mặc dù vẫn mất tiền như thường.

Còn biểu tượng của chính trị, tôn giáo, đảng phái, hội đoàn thì ăn vào tinh thần người ta và chi phối hành vi người ta theo cách phản xạ có điều kiện. Ví dụ cây thập tự là biểu tượng của Thiên chúa giáo, thì khi nhìn thấy cây thập tự, tín đồ Thiên chúa giáo được dạy là bái lạy tôn kính, còn người thù ghét Thiên chúa giáo, thì thấy cây thập tự, sẽ thù ghét cây thập tự và có phần chắc, sẽ thù ghét luôn cả người mang cây thập tự, cho dù người đó là một người đạo đức, thánh thiện. Như vậy, người ta vì biểu tượng mà hành xử, chứ không căn cứ vào thực tế. Lâu dần, khả năng cảm nhận và tôn trọng thực tế phai lạt dần, thậm chí mất hẳn. Vì thế nên nhân loại đau khổ. Cuộc sống vốn kỳ diệu và thần tiên hơn chúng ta thấy, trong khi vì hàng đống các biểu tượng chỉ làm giác quan của chúng ta càng thu hẹp lại, cùn đi, cảm nhận càng nghèo nàn hơn.

Giả sử một người chưa theo tôn giáo nào, (xin lưu ý là không phải người theo vô thần cộng sản, vì những người ấy cũng là theo tôn giáo cộng sản rồi, thậm chí tôn giáo này còn nghiệt ngã hơn nhiều tôn giáo hữu thần) thì họ lại dễ gặp Chúa Jêsu hay Đức Phật hơn là tín đồ Thiên chúa hay Phật tử. Bởi vì người đi nhà thờ hay lễ chùa vốn quen và tin cái tượng Chúa bị đóng đanh, hay tượng Phật trên toà sen, cùng nến đèn hương khói. Người tín đồ từ nhà thờ đi ra mà gặp một người hiền lễ phép nói: này bạn, tôi là Jêsu đây, thì người tín đồ sẽ rất bực mình và mắng cái ông kia là điên và mất dạy. Mà không chừng đó là Chúa thật thì sao? Vì giáo lý chẳng dạy Chúa đầy quyền năng, một phép lạ cỏn con như thế chẳng lẽ không biến thành được hay sao?

Trong khi chính lời Chúa dạy là: “Ta luôn ở cùng các con.”

Vậy đó, người ta sẽ rất nghiêm nghị thành kính với các biểu tượng, nhưng với thực tại thì người ta rất xem thường.

Cũng thế giả dụ bây giờ, có một ông y như ông Hồ, râu tóc bạc phơ nói với bạn: “Này cháu, bác đây, bác Hồ đây”, thì việc đầu tiên bạn sẽ làm với tư cách một nhân dân, là đi báo công an. Vậy là bác Hồ lại đi ở tù lần nữa.

Tôi nghe một chuyện từ một vị cư sĩ kể, là ông ấy đàm đạo với một mục sư về Kinh thánh. Có đoạn ông ấy hỏi vị mục sư:

“Ngài nói Chúa Jêsu chịu đóng đanh vì chuộc tội loài người đúng không?”

Vị mục sư trả lời: “Đúng.”

Vị cư sĩ hỏi:

“Nếu giả sử lúc ấy không có ai ngoài ngài và Chúa, mà Chúa không tự đóng đanh mình được. Chúa nhờ ngài giúp, vậy ngài có làm không?”

Vị mục sư trả lời:

“Vì cứu chuộc nhân loại, tôi sẽ làm.”

Cho nên, người ta thường hay bỏ quên thực tại ngay trước mắt mình như thế đấy. Từ điểm khởi đầu chúng ta là đi tìm cái tốt đẹp, nhưng các biểu tượng che mắt chúng ta dần dần, đến nỗi chúng ta một ngày cũng giết Chúa luôn trong niềm tin rằng đó là việc tốt. Y hệt như các cuộc thánh chiến, họ đều nhân danh Thượng đế để giết nhau. Trong khi hầu như tôn giáo nào cũng đều nói con người là con của Thượng đế, thậm chí Thượng đế ở trong mỗi con người.

Cho tới khi các biểu tượng vô hiệu hoá cảm nhận độc lập của chúng ta, thì chúng ta không còn khả năng tự đứng trên đôi chân của chính mình. Ta chẳng còn thậm chí dám cãi nhau với Chúa một chút, rằng nếu Chúa muốn cứu chuộc chúng con thì hãy tìm cách khác đi. Chúa là đấng toàn năng mà. Lạy Chúa tôi! Đừng bắt con phải đóng đinh Người. Cắt tiết một con gà con còn chẳng nỡ, thì Chúa nỡ lòng nào bắt con giết người.

Chúng ta nên cẩn trọng với biểu tượng. Biểu tượng là sản phẩm của suy nghĩ, chúng không đóng góp gì cho hạnh phúc nhân loại mà chúng chỉ quy tụ đám đông và dẫn dắt đám đông đi xa khỏi chính trái tim mình.

Tôi dám quả quyết rằng, nhân loại thiếu thốn tình yêu đến như thế này, là do thôi thì đủ loại các biểu tượng gây ra. Kể cả với biểu tượng cho tình yêu, cũng làm người ta mất cảm thụ về tình yêu. Ngày lễ Valentin chẳng hạn, tại sao phải chờ ngày đó mới mua quà tặng nhau, trong khi 365 ngày tình yêu cần được hiện diện. Thiếu một ngày của tình yêu là một ngày địa ngục. Tiếc thay chúng ta thậm chí sống 364 ngày vắng tình yêu. Tình yêu mới là chính thứ ta cần, trong khi điều ta đạt được lại chỉ là biểu tượng của tình yêu. Và chúng ta than rằng đời là bể khổ.

Nếu con người loại bỏ những biểu tượng, để tự do tư tưởng, tự nhiên trong tư duy, hồn nhiên trong suy nghĩ, thì thế giới này loại bỏ được biết bao phân chia, cách biệt và áp chế. Tình thương yêu sẽ là giáo lý cho mọi tôn giáo. Chân thật là hương thơm cho mỗi hành động, việc làm của con người. Bình an soán ngôi sợ hãi.

Đó là tại sao tôi nói: biểu tượng làm sa ngã nhân loại.

Tôi nghe ai đó nói: “đập vỡ thần tượng”, hình như ông nào thời chủ nghĩa hiện sinh thì phải. Và tôi thấy ông ấy hoàn toàn có lý.

Vì vậy nên tôi mới nghĩ ra tác phẩm giả làm ông Hồ Chí Minh, nằm im trong hộp kính không đậy nắp trên đây. Và đương nhiên nó sẽ không được cho phép, vì nó động đến biểu tượng lớn nhất.

Lâu nay hình ảnh ông Hồ nằm trong lăng đã thay thế ông Hồ thật, người đã từng là một con người.

Mặc dù người ta đều biết tác phẩm kia là do tôi đóng giả chứ tôi không phải ông Hồ thật, nhưng người ta cũng không cho phép. Vì biểu tượng luôn được bảo vệ nghiêm ngặt và cẩn trọng nhất. Mặc dù biểu tượng về ông Hồ là xuất phát từ chính ông Hồ thật. Thế nhưng ông Hồ thật đã trở nên không còn quan trọng bằng ông Hồ biểu tượng, người ta đã quên mất ông rồi.

Vậy ông Hồ thật là như thế nào? Nếu mô tả thì chắc là dài lắm nên tôi chỉ nêu một chi tiết thôi.

Ông Hồ thật không thích nằm trong tủ kính trong lăng. Ông ấy thích được thiêu xác và bỏ tro trong 3 cái hũ, để trên 3 quả đồi có trồng cây và các cụ già. Điều này chính tay ông ấy viết và do nhà nước công bố. Ai không tin mua quyển “Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Như vậy tác phẩm trên đây của tôi một công đôi việc là thế này:

Một việc là, làm người ta suy xét đến bản chất của biểu tượng là gì. Giả sử nếu biểu tượng Hồ Chí Minh không tồn tại, thì cuộc sống sẽ như thế nào?

Một việc nữa là, khiến người ta dừng lại một chút trước khi người ta định sờ vào tác phẩm nghệ thuật. Vì phần đông nếu nhìn thấy tác phẩm, là ông Hồ Chí Minh nằm đó mà lại bảo xin hãy sờ vào thì: ôi chết, ai mà dám!

Và như bạn biết đấy, tác phẩm này sẽ không được ra đời về mặt tạo hình trước công chúng. Vì nó bị tôi và bạn, chúng ta, những nhân dân tự kiểm duyệt trước. Tự kiểm duyệt cũng như tự tử trong tinh thần, nhưng là cách tự tử đau đớn nhất.

Chúng ta đừng ngạc nhiên khi văn hoá của chúng ta đang và sẽ thoái hoá vì chính những ngày tháng sống không lành mạnh này. Cũng có người sẽ phản ứng là sao lại nói là chúng ta không lành mạnh? Nếu bạn đã không nhận thấy thì tôi còn biết nói sao!

Nhưng theo hiểu biết của riêng tôi thì là sự thật đấy, chúng ta, những người Việt Nam từ năm 1954 đến nay đã phải sống trong bầu khí rất mất tự nhiên và không lành mạnh. Nếu đổ được tội cho Mỹ hay Pháp hay Nga… thì tốt quá, nhưng xem ra họ không nhận trách nhiệm đâu.

Nhìn quanh thấy ai cũng chăm lo cho gia đình và con cái được tốt nhất, nhưng không thấy rằng: con cái mai sau phải thừa kế văn hoá và lối sống của cha ông chúng từ năm 1954. Mà biểu tượng của văn hoá ấy là “nói dối”. Bây giờ không cần nói: “Các em là tương lai nữa”, mà nói: “Cha anh hôm nay là của nợ của con cháu ngày sau”.

Tôi không thù oán gì với ông Hồ Chí Minh. Nhưng ông ấy không phải là người tôi tôn kính. Tôi hoàn toàn tôn trọng ông ấy như một con người có đầy đủ quyền về nhân phẩm. Lấy ví dụ cụ thể, cũng là người Việt Nam như cụ Phan Chu Trinh, thì tôi tôn kính cụ ấy hơn ông Hồ.

Tôi cũng trân trọng những ai tôn kính ngưỡng mộ ông Hồ, vì ấy thật là một điều thiện lành, nhưng hãy là thật với lòng mình và để tình cảm biểu hiện tự nhiên. Nếu một người còn sống, mình giả dối nói yêu người ta, người ta tin thế, đến khi người ta biết thực sự mình không yêu, vậy người ta đau đớn biết nhường nào, huống hồ người đã chết! Dối lòng và làm sai với ý nguyện của người đã chết, thì có phải là tôn kính không?

Tôi xin hỏi các quý vị cán bộ và nhân dân, những người đi giảng dạy và học tập gương ông Hồ Chí Minh là: “Các quý vị có thật lòng yêu ông ấy không?” Câu hỏi này không cần quý vị phải trả lời với ai, chỉ với chính mình và cũng không cần phải trả lời ngay, có thể một ngày, hai ngày hay lúc nào đó, miễn là cố thử một lần thật thà với chính mình.

Theo tôi hiểu: với người nhìn xa trông rộng thì, thật thà là có lợi cho cả mình và người và lợi dài lâu, còn với người thiển cận thì, nói dối là có lợi cho mình, cái hại thì hạng người này không quan tâm. Vậy chúng ta nên chọn cho mình là loại người nào? Và điều đó chỉ tuỳ thuộc tại nơi chính mỗi người. Và cũng chỉ có thể chọn một chứ không thể là cả hai.

Xin cảm ơn lời than của anh bạn tôi về chuyện sờ vào tác phẩm, mà khiến tôi lan man nghĩ ra tác phẩm này. Tác phẩm tên là: “Xin hãy sờ tôi” hay “Tự kiểm duyệt”. Tôi cũng chưa biết chọn tên nào trong hai tên ấy.

Đà Lạt tháng 7 năm 2013

___________

Họa sĩ Nguyễn Minh Thành sinh năm 1971, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1996, đã có hàng chục triển lãm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Triển lãm gần đây nhất: “Lời chưa nói” (Eight Gallery, TP HCM tháng 12.2012). Đầu năm 2006, ông được dư luận rộng rãi chú ý với bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin-Du lịch Việt Nam, sau lần bị cấm xuất cảnh sang Côn Minh, Trung Quốc.

Đọc thêm những bài viết khác của Nguyễn Minh Thành:

Cái bỉm của Trương Tân và quyền không được tự do triển lãm (talawas, 2007)

Người nên một (talawas, 2007)

Bàn tròn mỹ thuật (Litviet, 2012)

 © 2013 Nguyễn Minh Thành & pro&contra