Tác giả

Chuyên mục

Trang

Đừng lo cho Thái Nguyên

Th2 6, 2012

Phạm Thị Hoài

Tính nghiêm trọng và quy mô của vụ Tiên Lãng, Hải Phòng, hẳn là chưa đạt mức của vụ Thái Bình 1997, nên tròn một tháng sau khi xảy ra sự việc, tất cả vẫn còn chờ cuộc họp chỉ đạo của Thủ tướng, đồng thời là đại biểu Quốc hội của Hải Phòng, dự kiến vào tuần tới.

Trong khi chờ chỉ đạo, mặc cho dư luận bùng nổ, báo Nhân dân và trang Thông tấn xã Việt Nam vẫn hoàn toàn im lặng về Tiên Lãng, dành chỗ cho tin về các hoạt động “Mừng Đảng, mừng Xuân”, chúc Tết, trồng cây, đi cày, tán chuyện cá Rồng, chính khách tiếp thi nhân, dâng hương, thắp hương, mừng sinh nhật, úy lạo cán bộ hưu trí… Những tờ báo hạt nhân cứng của hệ thống: Công an Nhân dân, Hà Nội Mới, Sài Gòn Giải phóng đều đồng thanh im lặng về Tiên Lãng. Quân đội Nhân dân cũng thế, nhưng chỉ vì phải tập trung chống diễn biến và tự diễn biến hòa bình.

Thế nên tôi mới giật mình khi đọc giữa rừng tin vui và tin vui vui trên trang Thông tấn xã hàng tít “Thái Nguyên cần đẩy mạnh việc xây dựng Đảng”. Xây dựng Đảng là chiến lược toàn quốc gia, chỗ nào mà chẳng đẩy mạnh và đẩy mạnh hơn nữa, hà cớ gì chỉ riêng Thái Nguyên được chiếu cố? Ngôn ngữ chính trị phổ biến tại Việt Nam gần ba phần tư thế kỉ nay rèn cho người đọc một số kĩ năng rất hữu ích để sống còn trong một số tình huống đặc biệt, trong đó có kĩ năng đo nhiệt độ, dò mìn và tìm mộ giữa những con chữ. Giữa mùa chỉnh đốn, sau cái mệnh lệnh thức “cần đẩy mạnh” nói trên là đồng chí Thái Nguyên nào đây?

Đọc vào bài, tôi mới thấy mình lo thừa. Tuy ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước chứ không phải của Đảng – có “lưu ý tỉnh (Thái Nguyên) đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, nhưng ông cũng làm điều đó tại Hà Tĩnh chẳng hạn, chỉ có điều cái tít “Hà Tĩnh nâng cao hơn chất lượng xây dựng Đảng” không gợi nên tiếng rụng của đầu ai. Phương Nam vẫn yên tĩnh.

Cuối năm ngoái, một bản tin ngắn trên trang Thông tấn xã cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đề nghị Ban Bí thư “tăng hình thức kỉ luật từ cách hết các chức vụ trong Đảng lên khai trừ ra khỏi Đảng một trường hợp, giữ nguyên hình thức kỉ luật cảnh cáo hai trường hợp, giữ nguyên hình thức khai trừ ra khỏi Đảng một trường hợp“. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ vào cuộc ở những trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban bí thư. Bốn đảng viên bị đề nghị kỉ luật nêu trên phải là những người từng nắm các cương vị cao trong chính quyền. Họ là ai? Đã sai phạm gì? Công luận không được biết và không đặt câu hỏi. Họ không có tên tuổi. Họ có hình thù của những “trường hợp”. Chỉnh đốn trong Đảng có hình thù của những chiến dịch sương mù.

Gần hai năm trước, trong một sự kiện chấn động dư luận không kém vụ Tiên Lãng hôm nay, vụ án Sầm Đức Xương, ông Chủ tịch Hà Giang Nguyễn Trường Tô bị cách chức và xử lí kỉ luật Đảng vì “gây bất bình trong Đảng và xã hội do nếp sống buông thả, không lành mạnh”. Từ đó mọi nghi vấn và cáo buộc nghiêm trọng hơn câu chuyện nếp sống nằm im trong hồ sơ đã khép lại. Phương Nam vẫn yên tĩnh, như sau PMU 18 và Vinashin.

Ở vụ Thái Bình 1997, hơn hai tháng sau, khi mọi chuyện đã êm ắng, báo Nhân dân ra loạt phóng sự khép hồ sơ và định hướng dư luận. Một số quan chức cấp xã, huyện ở Thái Bình bị cách chức hoặc xử lí kỉ luật Đảng, tức khiển trách, cảnh cáo, cách chức nếu có chức vụ, hay cao nhất là khai trừ. Những người tổ chức vụ nông dân nổi dậy quy mô lớn nhất trong lịch sử của chế độ do công nông làm chủ ấy bị tuyên án lên đến 11 năm tù. Theo lời nhà văn Dương Thu Hương, chính quyền Việt Nam đã thực hiện một vụ Thiên An Môn trong bóng tối với những người tham gia. Kịch bản nào do Giáo sư Tương Lai đưa ra trong “Báo cáo sơ bộ về cuộc khảo sát xã hội học tại Thái Bình“, thực hiện theo chỉ thị của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ ba ngày sau khi nổ ra sự kiện, đã xảy ra?

Vài tuần nữa, khi một số quan chức cấp xã, huyện ở Hải Phòng có thể đã bị cách chức hay xử lí kỉ luật Đảng, ông Đoàn Văn Vươn và gia đình đã bị tuyên án đúng người đúng tội giết người, báo Nhân dân sẽ có phóng sự khép hồ sơ và định hướng dư luận. Một vài blogger nào đó sẽ tiếp tục dự báo Cách mạng Hoa cải từ tiếng súng Tiên Lãng, nhưng phương Nam sẽ lại hoàn toàn yên tĩnh.

Đừng lo cho Thái Nguyên.

© 2012 pro&contra