Phỏng vấn Hoàng Hưng – Đã đến lúc chín muồi cho sự ra đời các tổ chức xã hội dân sự
Th1 10, 2012
Phạm Thị Hoài thực hiện
Phạm Thị Hoài: Chúng ta thử hình dung, một ngày nào đó không xa, trong vòng một thập niên tới, Việt Nam sẽ chuyển thành công từ thể chế độc quyền dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam sang dân chủ đa nguyên, với nhà nước pháp quyền dựa trên tam quyền phân lập, với tự do tư tưởng và ngôn luận, tự do hội họp và xã hội dân sự.
Khi đó, cái di sản kéo dài gần ba phần tư thế kỉ ở miền Bắc và gần một nửa thế kỉ trên toàn quốc đó sẽ đặt chế độ mới trước những thử thách nào?
Xã hội Việt Nam sẽ cần bao nhiêu lâu để vượt qua di sản đó?
Hoàng Hưng: Vâng, tôi luôn tin rằng cái ngày ấy sẽ đến với đất nước mình, dù không chắc lắm sẽ là 10 năm, biết đâu sớm hơn, hay phải gấp đôi thời gian… thôi thì cứ lấy câu của cụ Hồ dạo nào “5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa…”.
Cái di sản kéo dài của xã hội cũ thực ra đã bị (được) giải trừ một cách đều đều tuy chậm chạp và lúc tiến lúc lùi kể từ những ngày “Đổi mới” cuối thập niên 1980. Chỉ cách đây vài năm thôi, ai có thể hình dung một hệ thống truyền thông “lề trái” hoạt động hữu hiệu, chiếm được lòng tin và ngưỡng mộ của hàng triệu netizen, một bộ phận tinh hoa của dân tộc; hay những cuộc biểu tình liên tục đầy khí phách của nhiều tầng lớp dân chúng ngay giữa lòng thủ đô bất chấp những thủ đoạn đàn áp man rợ và hèn hạ của cường quyền? Nhưng di sản của quá khứ quá nặng nề, có hệ thống và lan tỏa sâu, rộng đến từng tế bào của xã hội, đã kết thành ung thư, chắc chắn sẽ không chỉ một lần di căn ngay cả trong chế độ dân chủ non trẻ tương lai. Giải phẫu để cắt bỏ không chỉ một lần là xong. Cứ nhìn hiện trạng của nước Nga “dân chủ” trong tay một cựu KGB thì biết.
Tôi muốn nói đến cái lõi của cái lõi: Di sản này được xây đắp trên nền tảng con người cá nhân bị phủ định và thay thế bằng con người công cụ cho những thế lực tích hợp thần quyền với thế quyền. Có nguồn gốc từ hàng ngàn năm chuyên chế của các “Con trời”, di sản ấy được chế độ toàn trị mang danh “Lý tưởng” phát huy một cách hữu hiệu, hoàn thiện một cách triệt để chưa từng có. Phải thừa nhận rằng nền tảng kia đã bị phá tan hoang trong thập kỷ vừa qua, Cái Tôi xổng xích hối hả đòi lại mình bằng mọi giá. Nhưng Thượng đế-Lý tưởng chết toi rồi mà như loài ốc mượn hồn còn để lại cái xác cho Cái Tôi tinh quái núp bên trong thò càng đánh quả. Sự biến dạng quái đản đưa tới hậu quả là Con Người Việt Nam hôm nay đứng trước nguy cơ sa xuống tầng thấp nhất của nhân cách: từ an phận, ích kỷ, giả dối, hèn nhát, vô cảm đến đểu giả, trơ trẽn, gian ác. Cho nên tôi tin rằng di sản của chế độ cũ chỉ có thể vượt qua một cách rốt ráo khi nào đa số người dân tự giác được hai mặt đối lập biện chứng: Quyền Tự Do của cá nhân đối với cộng đồng (mà Nhà nước chỉ là một trong các định chế đại diện), đồng thời Trách Nhiệm của nó đối với cộng đồng (mà pháp luật chỉ là một hình thái mang tính cưỡng chế của khế ước xã hội). Tôi coi tính tự giác hai mặt ấy là bản chất cốt lõi của “Con người mới”. Ta có thể thấy loại người này đang hình thành ngày càng đông đảo, không đến nỗi quá hiếm như nhiều người bi quan. Nhưng để nó trở thành nền tảng vững chắc cho xã hội mới, phải mất ít ra nửa thế kỷ giải độc và dưỡng sinh cho cơ thể dân tộc, mà việc hình thành một chế độ chính trị dân chủ pháp quyền là điều kiện tiên quyết .
Phạm Thị Hoài: Theo anh, có những điểm sáng hay truyền thống tốt đẹp nào từ cái di sản đó cần được giữ gìn?
Hoàng Hưng: Có, đó là lòng yêu nước. Những kẻ cầm quyền truyền thống rất biết lợi dụng nó: “Trung quân” bao giờ cũng gắn với “ái quốc” (và hiện tại đang phải đối mặt với nguy cơ đánh mất tính chính danh cũng vì nó). Lòng yêu nước sẽ vẫn có tác dụng rất mạnh với ngưới Việt, với điều kiện nó phải được giải trừ óc hẹp hòi, cực đoan, bài ngoại xuất phát từ mặc cảm nhược tiểu hình thành trong hoàn cảnh bị xâm lược và đô hộ trường kỳ, phải được giải phóng khỏi tâm lý bảo thủ những truyền thống lạc hậu vốn cứ bị nhập nhèm với “bản sắc dân tộc”. (Giờ đây chắc chúng ta đã thấm thía rằng chính chủ nghĩa dân tộc mù quáng đã khiến nước ta không có được cơ may như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… tiếp nhận văn minh phương Tây mà tránh được ách nô lệ của các đế quốc phương Tây). Có như thế lòng yêu nước mới hòng trở thành động lực để người Việt biết hổ thẹn vì cái đói, cái hèn yếu, cái sự ngày càng tụt hậu của mình, thật tâm học tập để vươn lên hội nhập bình đẳng với nhân loại văn minh.
Phạm Thị Hoài: Khả năng diễn ra trong hòa bình của bước ngoặt đó lớn tới mức nào, hay tình trạng bạo loạn mà nhiều người tiên đoán và dùng đó làm lập luận chống thay đổi thể chế sẽ xảy ra?
Hoàng Hưng: Tôi tin ở khả năng “diễn biến hòa bình từ trên xuống” trong hoàn cảnh áp lực từ ngoài vào và từ dưới lên. Bất ngờ Myanmar vừa rồi càng củng cố niềm tin của tôi. Sự manh động của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông vừa qua là một biến cố ngẫu nhiên (về thời điểm, tuy xét về lâu dài là tất yếu) vô cùng thuận lợi cho hai áp lực nói trên. Đại hội ĐCSTQ sắp tới sẽ có thể là một áp lực có tính đột phá tiếp theo. Nếu nó quyết định dứt khoát một trong hai ngả: hoặc Diều hâu, hoặc Bồ câu trong cả đối nội lẫn đối ngoại, nó cũng sẽ tạo cơ hội rất lớn cho bước chuyển mình của thể chế Việt Nam. Sự sống còn của dân tộc sẽ buộc lãnh đạo đất nước phải chấp nhận dân chủ hóa để có được sự sát cánh của nhân dân mình và sự ủng hộ của Phương Tây khi đối phó với phái Diều hâu lên ngôi ở Phương Bắc. Ngược lại, quyết định dân chủ hóa để tự cứu nguy của anh “láng giềng gần” trước khủng hoảng kinh tế-chính trị nội bộ sẽ được người học trò truyền thống ở Phương Nam này bắt chước tắp lự. Xấu nhất sẽ là kịch bản nước đôi, lùng nhùng như lâu nay ở cả hai nước. Khi ấy một buổi sáng tỉnh dậy ta sẽ phải đau đớn chứng kiến đất nước mình đã trở thành một thuộc quốc từ đêm hôm qua, rất lâu trước khi có thể trông thấy nó trở thành một quốc gia dân chủ. Vì có một thực tế đáng buồn trong lịch sử vẫn đang tiếp tục diễn ra hôm nay: Người Việt Nam luôn sẵn sàng chống lại sự xâm lăng bằng súng đạn (không hiểu tâm lý dân tộc này, người Mỹ đã mắc phải sai lầm chết người khi muốn nhập khẩu tự do, dân chủ vào xứ này qua họng súng của các chú G.I.), nhưng lại hồ hởi nuốt ngon lành những món thuốc độc từ bên ngoài chỉ cần làm dịu tức thời cơn đói trước mắt (như những món anh bạn thâm nho của chúng ta vẫn gieo rắc hàng ngày trong bữa ăn, đồ dùng và… trên tivi của dân ta).
Phạm Thị Hoài: Trước khi ngày đó tới, anh sẽ làm gì trong năm 2012 này?
Hoàng Hưng: Vai trò của trí thức ngày càng thể hiện rõ trong công cuộc vận động dân chủ hóa đất nước. Ngày càng đông những cá nhân có tâm huyết và tầm nhìn đứng lên thức tỉnh quần chúng, kể cả những Đảng viên cộng sản lão thành giác ngộ. Nay đã đến lúc chín muồi cho sự ra đời các tổ chức xã hội dân sự, bước tiến mới tất yếu của công cuộc này. Công cuộc vận động dân chủ khi ấy sẽ có một chất lượng mới, tạo áp lực đi đến chuyển đổi từ triều đình. Tôi nghĩ đây sẽ là trọng trách của lớp người trung niên và trẻ có tiềm lực về nhiều mặt, trong đó có sức khỏe và thời gian. Tôi tự biết mình chỉ là một trong số mấy “anh già văn nghệ” vì ý thức công dân không thể nhắm mắt trước hiện tình khốn quẫn của dân tộc, cực chẳng đã mới phải lên tiếng khơi ra vài việc có tính mở màn, cũng là không hổ thẹn với lương tâm. Chứ chúng tôi thật sự không có năng lực theo đuổi công việc vận động chính trị một cách chuyên nghiệp. Giờ đây, chẳng còn bao sức lực và thời gian, tôi muốn tập trung vào hai việc quen thuộc với mình. Một là tiếp tục giới thiệu văn học thế giới cho bạn đọc Việt Nam như vẫn làm. Việc mới là hỗ trợ những nỗ lực hiện đại hóa giáo dục của một nhóm tình nguyện hết sức quý báu do bạn vong niên Phạm Toàn – Châu Diên tổ chức (nhóm Cánh Buồm). Với việc làm rất cụ thể là soạn ra một bộ sách giáo khoa mới cho cấp Tiểu học, chẳng cần quan tâm Bộ Giáo dục có ngó ngàng gì đến hay không, nhóm này gây bất ngờ trong một xã hội quá quen thói” xin-cho”. Một cách tiếp cận mới mẻ, đầy tính xã hội dân sự. Tôi nghĩ đó chính là những đóng góp thiết thực vào công cuộc giải độc và dưỡng sinh cho cơ thể dân tộc Việt Nam về lâu dài, những việc mà người trí thức không thể đợi đến khi có chế độ dân chủ pháp quyền thực sự thì mới làm.
Những ngày cuối năm 2011
© 2012 pro&contra
Categories: Chính trị Việt Nam, Phỏng vấn, Xã hội dân sự
Tags: Nhóm Cánh Buồm, xã hội dân sự