Tác giả

Chuyên mục

Trang

Tôi bắt đầu cho rằng, quả thật, phái Tả có thể đúng

Th10 9, 2012

Charles Moore

Bùi Xuân Bách dịch

Bài báo nhỏ này đã gây nhiều sóng gió trên truyền thông châu Âu, vì tác giả của nó, nhà báo Anh kì cựu Charles Moore của tờ Telegraph, nổi tiếng là một người bảo thủ đến từng lỗ chân lông. Trên la bàn chính trị phương Tây, phe bảo thủ đứng ở phía phái Hữu, phía các Đảng Bảo thủ (Anh), Đảng Cộng hòa (Mỹ), Liên minh Dân chủ Cơ đốc (Đức)… Charles Moore còn là tác giả bộ tiểu sử Margaret Thatcher, nữ Thủ tướng Thép của Đảng Bảo thủ đã thay đổi nước Anh bằng những biện pháp đặc trưng cho phái Hữu như giảm thiểu vai trò của nhà nước và công đoàn, tư hữu hóa các doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước, tự do hóa và giải phóng thị trường…

Bất chấp quy luật “trong những thời kinh tế sa sút, đám đông có khuynh hướng ngả về phía phái Hữu”, Charles Moore cho nổ một quả bom vào chính hàng ngũ phái Hữu của mình. Trong nhiều phát biểu sau bài báo này, ông minh định rằng mình ghi nhận những gợi ý có thể đúng từ lí thuyết của phái Tả nhưng tuyệt nhiên không thấy trong thực tế phái Tả đưa ra một đối sách nào khả dĩ cho cuộc khủng hoảng hiện tại của chủ nghĩa tư bản ở phương Tây. Song ông yêu cầu phái Hữu phải thay đổi từ chủ trương, chiến lược đến tư duy và ngôn ngữ, phải trang bị những công cụ mới để đối mặt với những hậu quả của một chủ nghĩa tư bản vô trách nhiệm, một thị trường tự do thả phanh đang phá tung mọi ranh giới an toàn cho cả nhân loại. Và nhà bình luận chính trị khét tiếng bảo thủ này lại ưa dẫn châm ngôn của Antonio Gramsci, nhà tư tưởng marxist và một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Ý: “Sự kết hợp giữa cái đầu bi quan và trái tim lạc quan”.

Một nền dân chủ tương thích với thị trường, như tuyên bố của phái Hữu, hay một thị trường tương thích với nền dân chủ, như tuyên bố của phái Tả? Và tất cả những chuyện tả hữu này liên quan gì đến Việt Nam? Liên quan rất mật thiết, tôi tin như vậy. Thứ nhất, vì mọi thay đổi trên la bàn chính trị phương Tây đều kéo theo những thay đổi toàn cầu. Thứ hai, là người đi sau, cả về phương diện nền dân chủ lẫn phương diện thị trường, Việt Nam rất nên nhìn vào kinh nghiệm của những người đã đi trước và đã trả giá. Nếu cái giá đang được điều đình trên chính trường và thị trường thế giới rốt cuộc vẫn do giới tài phiệt ấn định thì nền dân chủ ở phương Tây quả là “một sự xa hoa nguy hiểm” như tác giả bài báo này diễn đạt, và nền dân chủ mong ước ở Việt Nam sẽ không là gì khác hơn một ảo ảnh. Một ảo ảnh đến muộn và đi sớm.

Phạm Thị Hoài

___________________

Phải cần đến ba mươi năm làm nhà báo, tôi mới có thể tự đặt cho mình câu hỏi này, nhưng tuần này tôi lại thấy mình dứt khoát phải hỏi: Rốt cuộc thì phái Tả đúng chăng? Bạn thấy không, một trong những lập luận quan trọng của phái Tả là, cái được phái Hữu gọi là “thị trường tự do” thực ra lại là một sự sắp đặt.

Người giầu đã điều hành một hệ thống toàn cầu, cho phép họ tích lũy tư bản và trả công lao động thấp nhất có thể. Sự tự do mà hệ thống đó mang đến chỉ có họ được hưởng. Đa số quần chúng đơn thuần là phải làm việc cật lực hơn, trong những điều kiện ngày càng bấp bênh hơn, để làm giầu cho một nhóm thiểu số. Nền chính trị dân chủ, vốn hàm ý làm giầu cho số đông, thực ra lại nằm trong túi những ông chủ nhà băng, các ông vua truyền thông và những nhà tài phiệt khác. Họ điều hành và sở hữu mọi thứ.

Trong những năm 1970 và 1980, thật dễ dàng bác bỏ cách lập luận này, bởi vì rõ ràng rằng, nhất là ở Anh, chính các công đoàn lại kìm hãm người khác. Công việc tồi thì được bảo hộ, còn công việc tốt lại không được tạo ra. “Hành động công nghiệp” không có nghĩa là sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ mọi người muốn mua, mà nó lại có nghĩa là bãi công. Hình thái rõ rệt nhất của việc áp bức công nhân là cản trở người muốn đi làm khi có bãi công. Điều quan yếu nhất về cuộc bãi công thảm bại của công nhân mỏ dưới sự lãnh đạo của Arthur Scargill là ông ta luôn luôn từ chối tổ chức bỏ phiếu về việc có nên bãi công hay không.

Triệu chứng chủ yếu cho thấy quần chúng vỡ mộng với phái Tả là thời điểm, vào cuối những năm 1970, khi tờ Mặt trời (Sun) của Rupert Murdoch, vốn ủng hộ bà Thatcher, có số lượng phát hành cao hơn tờ Nhật báo Tấm gương (Daily Mirror) của Công đảng Anh. Quần chúng lao động muốn vứt bỏ cái xích xiềng mà Karl Marx nói rằng đang trói buộc họ – và đi cùng tầng lớp tư sản mà ông ta căm ghét. Về cơ bản họ đã phân tích đúng tình hình. Sự phồn vinh và tự do ngày càng gia tăng trong hai mươi năm sau đó đã chứng minh rằng họ đúng.

Song trong khi chúng ta theo dõi vụ tai tiếng Murdoch trong hai tuần qua, hiếm ai có thể phủ nhận rằng, nó đã cho ta thấy, một tập đoàn quốc tế đã bắt chẹt và tìm cách kiểm soát ban lãnh đạo đảng, cảnh sát, và các quy trình quản lý nhà nước. Thủ tướng David Cameron  đã khéo léo thoát ra khỏi một góc tường hẹp mà ông đã tự dồn mình vào đấy, cũng thừa nhận như vậy. Chính ông Murdoch, giống như một Bố già đã về hưu, nói với Ủy ban Truyền thông Hạ viện Anh hôm thứ ba, rằng ông thường bị các Thủ tướng rào đón, đến nỗi lắm khi ông đã mong giá như họ để ông yên.

Phái Tả đã đúng khi cho rằng quyền lực của Rupert Murdoch đã trở thành một lực phản xã hội. Phái Hữu (cũng vì những lý do này, người ta cần phải gộp cả Tân Công đảng của Tony Blair và Gordon Brown vào đó) thì quá chậm để nhìn ra, một phần bởi vì họ lẫn lộn giữa dân túy và dân chủ. Một trong những luận cứ hùng hồn nhất của ngài Murdoch để đạt được điều ông ta muốn trong việc bành trướng vương quốc truyền thông của mình là sự ủng hộ của “độc giả của chúng tôi”. Song trong những năm gần đây, tờ Tin tức Thế giới (News of the World) và Mặt trời đã bằng mọi giá cố gắng chỉ cung cấp cho độc giả quá ít thông tin, không đủ để hình thành các nhận định chính trị. Những tờ báo của ông ta là công cụ cho quyền lực của ông, chứ không phải cho quyền lực của độc giả. Cuối cùng, khi người ta biết cách thức hoạt động của tờ Tin tức Thế giới, họ đã rút lại sự ủng hộ của mình.

Tôi lấy làm ngạc nhiên khi đọc thấy những người ủng hộ tự do báo chí nói rằng, họ thật buồn khi tờ Tin tức Thế giới phải đóng cửa. Trong sự ngu ngốc, hẹp hòi và ác độc của nó, và cả trong phương pháp nữa, tờ báo đó là một sự ô nhục đối với báo chí tự do. Tất nhiên, chẳng ai sẽ ra lệnh cấm nó, nhưng cũng không ai cần phải để tang khi nó chết. Giá những người ủng hộ nền dân chủ đại nghị xót xa cho việc Đảng Quốc dân Anh (BNP) bị sụp đổ thì tốt hơn. Thật là một ngày tuyệt đẹp cho báo chí, khi hai mươi lăm năm trước đây, ông Murdoch đánh bại nghiệp đoàn in ấn ở Wapping, nhưng phần lớn những gì ông chọn để in trên những tờ báo ấy lại là sự thất vọng lớn lao đối với những người trong chúng ta tin tưởng vào thị trường tự do vì nó giải phóng con người. Phái Hữu đã tự làm hại mình bằng cách giấu giếm chuyện này một cách quyết liệt.

Sự giải phóng do thị trường tự do đem lại cũng có thể bị cưỡng đoạt. Cuộc khủng hoảng tín dụng đã bộc lộ một quá trình tương tự. Tự do rộng rãi hơn trong việc đi vay, bắt đầu từ những năm 1980, tốt cho phần lớn mọi người. Một xã hội với tín dụng hết sức hạn chế là một xã hội trong đó những người mới không thể ngoi lên được. Có bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ đã khởi nghiệp hoặc bao nhiêu người mua được ngôi nhà đầu tiên mà không phải đi vay? Song việc vay mượn trở thành phương tiện của hàng triệu người chỉ để tài trợ sự tiêu dùng thì lại là chuyện khác.

Khi ngân hàng trông nom tiền bạc của chúng ta đã lấy nó đi, đánh mất và sau đó, nhờ sự bảo đảm của chính phủ, lại không tự trừng phạt mình, thì sẽ xảy ra những điều tồi tệ hơn rất nhiều. Hóa ra là – như phái Tả luôn tuyên bố – một hệ thống vốn nhằm làm nhiều người trở nên giàu có hơn lại bị lạm dụng để làm giầu cho số ít. Hệ thống ngân hàng toàn cầu là một sân chơi phiêu lưu cho những người tham gia, sàn của nó được trải đầy những tấm mút dầy, được chứng tỏ là an toàn, sao cho họ sẽ bật lên sau khi rơi xuống. Vai trò của những người còn lại trong chúng ta, đơn giản, chỉ là trả tiền.

Chân ngôn của bài báo này về cuộc khủng hoảng tín dụng là “Mọi Chuyện Bây Giờ Đã Khác”. Một trong những điều khác trước kia là, nói chung, mọi người đã mất lòng tin vào trật tự dân chủ kiểu thị trường tự do của Tây phương. Họ chưa, lạy ơn Chúa, chuyển lòng tin, như trong những năm 1930, sang chế độ toàn trị. Họ chỉ đơn thuần cảm thấy ảm đạm và hoài nghi. Song họ đặt một câu hỏi đơn giản, “Có phần nào cho tôi trong đó?”, và họ không nghe thấy câu trả lời hay.

Tuần trước, tôi tình cờ có mặt bên Mỹ, được chuyện trò chủ yếu với những nhân vật bảo thủ thông minh. Việc họ phê bình sự chi tiêu đáng ngạc nhiên và sự thâm hụt phá kỷ lục của Tổng thống Obama hình như là đúng. Việc những thông điệp lạc quan từ thời Reagan, hiện giờ, lại trở nên những tiếng hét chói tai đã khiến tôi sửng sốt. Trên đài truyền hình Fox News (một tài sản khác của Murdoch, và một chương trình truyền hình khác tôi có xem bên đó, không thốt ra một lời nào về những khó khăn thời Reagan), những người Cộng hòa đã liên tục lên phát biểu để đe dọa ngăn cản các cố gắng của Tổng thống nhằm nâng trần nợ công. Họ hình như đã cho sự vững mạnh căn bản của những sắp đặt chính trị và kinh tế nước họ là chuyện trời cho. Đó là sai lầm. Đất nước tư bản vĩ đại nhất trong lịch sử giờ đây lại phụ thuộc vào vốn của kẻ khác để tồn tại. Trong hoàn cảnh đó, nền dân chủ Tây phương bắt đầu được cảm nhận như một sự xa hoa nguy hiểm. Chúng ta có thể giương cao biểu ngữ về “cuộc sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc”, nhưng dường như trên những biểu ngữ đó lại có dòng chữ nhỏ: “Chế tạo tại Trung Quốc”.

Còn về tình cảnh của khu vực đồng Euro, chuyện này có lẽ đã được một tay tuyên truyền của phái Tả viết lại thành một bài trào phúng chế giễu vòng xoay Tiền-Quyền. Một đồng tiền chung được tạo ra. Một ngân hàng duy nhất kiểm soát nó. Không một thiết chế dân chủ có quyền hạn nào canh chừng nó, và khi các món nợ của khu vực này trở nên có vấn đề thì các chính phủ do dân bầu ra lại phải chịu đựng gần như tất cả mọi sự sỉ nhục để các ông chủ nhà băng khỏi thiệt hại. Thế còn công nhân thì sao? Họ phải mất việc ởPortovàPiraeusvà Punchestown và Poggibonsi để cho các vị chủ nhà băng ởFrankfurtvà đám thư lại ởBrusselscó thể ngủ ngon trong chiếc giường của mình.

Khi nhìn cuộc nổi dậy Ả rập, chúng ta thường tự mãn tự nhủ rằng tất cả những người dân xuống đường đều muốn cái tự do mà chúng ta đã có. Thôi được, hoàn cảnh của chúng ta chắc chắn là tốt hơn của họ. Song tôi hoài nghi liệu lãnh đạo phương Tây có xem những người biểu tình trên Quảng trường Tahrir như những người đã đập tan Bức tườngBerlinnăm 1989 hay không. Chúng ta đã phá sản – cả trên thực tế lẫn về mặt đạo đức.

Người ta luôn luôn phải cầu nguyện mong sao chủ nghĩa bảo thủ sẽ được cứu vớt, như vẫn thường xảy ra trong quá khứ, nhờ sự ngu xuẩn của phái Tả. Lòng tin mù quáng của phái Tả vào nhà nước làm cho phương thuốc của họ còn tồi tệ hơn cả vô dụng. Song bước đầu tiên là nhận ra chúng ta đã sa cơ thất thế tới ngần nào rồi và có thể cũng không còn nhiều thời gian lắm đâu để lấy lại.

Nguồn: Dịch từ bản tiếng Anh: Charles Moore, “I’m starting to think that the Left might actually be right”, Telegraph,22-7-2011

Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra

Xem thêm: “Xã hội lí tưởng nằm ngoài khả năng của chúng ta. Nhà sử học marxist Eric Hobsbawm trả lời phỏng vấn