Tác giả

Chuyên mục

Trang

Vladimir Nabokov – Dân chủ theo nghĩa cốt lõi

Th12 12, 2017

Phạm Thị Hoài dịch

Năm 2017, chính quyền Việt Nam đã kết án 5 nhà bất đồng chính kiến tổng cộng 37 năm tù và 16 năm quản chế, trong đó có hai phụ nữ và hai thanh niên còn rất trẻ:

29.6.2017 – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 1979, Khánh Hòa, 10 năm tù

25.7.2017 – Trần Thị Nga, 1977, Hà Nam, 9 năm tù, 5 năm quản chế

18.9.2017 – Nguyễn Văn Oai, 1981, Nghệ An, 5 năm tù, 4 năm quản chế

25.10.2017 – Phan Kim Khánh, 1993, Thái Nguyên, 6 năm tù, 4 năm quản chế BLHS.

27.11.2017 – Nguyễn Văn Hóa, 1995, Hà Tĩnh, 7 năm tù, 3 năm quản chế

và bắt 15 người khác:

02.3.2017 – Nguyễn Văn Điển, 1983, Hà Nội

02.3.2017 – Vũ Quang Thuận, 1966, Hà Nội

17.3.2017 – Bùi Hiếu Võ, 1962, Sài Gòn

15.5.2017 – Hoàng Đức Bình, Nghệ An

01.7.2017 – Trần Hoàng Phúc, 1994, Hà Nội

24.7.2017 – Lê Đình Lượng, 1965, Nghệ An

30.7.2017 – Nguyễn Trung Tôn, 1972, Thanh Hóa

30.7.2017 – Trương Minh Đức, 1960, Sài Gòn

30.7.2017 – Phạm Văn Trội, 1972, Hà Nội

30.7.2017 – Nguyễn Bắc Truyển, 1968, Sài Gòn

04.8.2017 – Nguyễn Trung Trực, 1974, Quảng Bình

01.9.2017 – Nguyễn Văn Túc, 1964, Thái Bình

27.9.2017 – Nguyễn Viết Dũng, 1986, Nghệ An

05.10.2017 – Đào Quang Thực, 1960, Hòa Bình

17.10.2017 – Trần Thị Xuân, 1976, Hà Tĩnh

Song Việt Nam không cô đơn trong chuyên chế mà đứng cùng hàng ngũ với 51 quốc gia khác, chiếm một phần ba dân số thế giới, dẫn đầu bởi một siêu cường mới, với mô hình tư bản độc tài châu Á đầy quyến rũ made in China, trong khi mô hình dân chủ phương Tây chỉ còn hiện diện đầy đủ ở 19 nước, với không đầy 5% dân số thế giới. Hoa Kỳ, biểu tượng của mô hình ấy, năm 2016 đã rơi xuống hạng dân chủ khiếm khuyết, theo bảng xếp hạng nổi tiếng của The Economist. Dân chủ có còn đủ hấp dẫn?   

Tôi dịch bài sau đây như một khích lệ cho bản thân. Nguyên là phát biểu trong một buổi thảo luận ngày 6 tháng Hai 1942 tại Wellesley College, nơi ông là giảng viên Văn học Nga khi một lần nữa lưu vong, từ châu Âu sang Mỹ, Vladimir Nabokov nói về dân chủ, khi nền độc tài nâu của Hitler đã thanh toán gần hết châu Âu và đang đọ sức với nền độc tài đỏ của Stalin.  

Người dịch

Một học giả nọ ở một nước nọ sau một biến động xã hội nọ, khi chính thức được hỏi, ông thấy chế độ mới thế nào, đã trả lời: “Thấy ngạc nhiên”. Một con người bình thường ắt ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng trí óc của riêng mình là một thứ có thể và buộc phải quốc hữu hóa và phân phối bởi chính quyền, và đó là toàn bộ những gì có thể nói về các chế độ độc tài hiện đại. Chúng tự thân đã quá xấu xí và ù lì và kinh tởm để có thể khêu gợi một điều gì ngoài sự khinh bỉ. Nhưng có một ngạc nhiên kiểu khác khi ta thử định nghĩa, trạng huống bình thường của sự vật chính xác là thế nào. Dân chủ hóa ra là định nghĩa tốt nhất, và điều đó khiến ta sửng sốt không khác gì Monsieur Jourdain của Molière khi biết mình nói bằng văn xuôi[1].

Nghịch lý xán lạn của dân chủ nằm ở chỗ, nó nhấn mạnh quyền lực của chung tất cả và sự bình quyền phổ quát, nhưng mặt khác, chính cá nhân lại thụ hưởng lợi ích đặc biệt và riêng biệt của mình từ đó. Về mặt đạo đức, mọi thành viên của chế độ dân chủ đều bình đẳng; về mặt tinh thần, mỗi người đều có quyền khác với hàng xóm của mình tùy thích; và nhìn tổng thể, có lẽ khi nói đến “dân chủ”, thực ra ta không nghĩ đến một tổ chức, một chính quyền hay một cộng đồng, mà nghĩ đến sự cân bằng tinh tế giữa một bên là những đặc quyền vô hạn của mỗi cá nhân và bên kia là các quyền bình đẳng triệt để của mọi người.

Cuộc sống là trạng huống của điều hòa – và vì lẽ đó tôi cho rằng tinh thần của dân chủ là trạng thái tự nhiên nhất của nhân quần. Đây chính là chỗ rắc rối cho những ai tìm cách thể hiện dân chủ bằng cờ quạt và khẩu hiệu để chống lại cờ quạt và khẩu hiệu của những tín điều chính trị ghê tởm. Bởi dân chủ thực ra không phải là một hiện tượng chính trị – vì thế không có gì là lạ khi những người có thiện chí bảo vệ dân chủ lúng túng khi bước vào đẳng cấp của kẻ thù dân chủ để đối mặt. Tín điều chủng tộc của Đức có thể tuyệt đối đê tiện và tởm lợm, nhưng về mặt chính trị thì nó vận hành hoàn hảo, và cách tốt nhất để đập lại nó về mặt chính trị may ra là hét chói ráy một cách khá bất lực, rằng chế độ dân chủ này hay nọ cũng hoàn hảo về mặt chính trị đấy thôi; nhưng làm như vậy là hạ thấp trạng thái dân chủ của chúng ta bằng việc sử dụng những thuật ngữ mà những não trạng man khai có thể hiểu được.

Dân chủ theo nghĩa cốt lõi không phải là chính trị hay đảng phái cầm quyền hay một thứ gì đó tương tự. Bất chấp những hình thức khác nhau của chính quyền ở từng nước, một nhà dân chủ Nga thời đã qua, và một nhà dân chủ Mỹ hay Anh có thể hoàn toàn dễ dàng tương hợp trên một nền tảng tự nhiên tương đồng – cái nền tảng quá đương nhiên với những người dân chủ, tới mức nó gần như vuột khỏi tầm định nghĩa.

Dân chủ là nhân tính ở thể tốt đẹp nhất, không phải vì chúng ta ngẫu nhiên cho rằng một nền cộng hòa thì tốt hơn một ông vua và một ông vua thì tốt hơn một số không và một số không thì tốt hơn một nhà độc tài, mà bởi nó là trạng thái tự nhiên của mỗi người, kể từ khi trí óc con người biết ý thức không chỉ về thế giới mà về chính mình.

Về mặt đạo đức, dân chủ là bất khả chiến bại. Về mặt thể chất, súng bên nào tốt hơn, bên đó thắng. Niềm tin và lòng tự hào thì hai bên đều có thừa. Niềm tin của chúng ta và lòng tự hào của chúng ta là một dạng hoàn toàn khác, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì với một kẻ thù chỉ tin vào đổ máu và chỉ kiêu hãnh về dòng máu của bản thân. Linh cẩu tin vào xác chết, – nói với chúng về sự sống là vô ích, – và một cơn bão tuyết truyền đơn đổ vào Đức không hiệu quả bằng một chút tuyết rơi thật ở Nga![2]

Nguồn: Dịch từ bản tiếng Anh, in trong Wellesley Magazine, số ra ngày 26 tháng Tư 1942, tr. 212, là Phụ lục 3 trong cuốn The Tender Friendship and the Charm of Perfect Accord: Nabokov and His Father của Gavriel Shapiro, tr. 263-264, University of Michigan Press, 2014.

Tuần báo Trẻ (Hoa Kỳ) 23.12.2017


[1] Trong vở hài kịch của Molière, nhân vật chính, nhà tư sản Jourdain khao khát gia nhập giới quý tộc, thuê một gia sư để dạy cách ăn nói quý phái. Khi giúp Monsieur Jourdain thảo thư tình cho một góa phụ hầu tước, gia sư hỏi, ông muốn thư viết bằng thơ hay bằng văn xuôi. Monsieur Jourdain không hiểu. Gia sư giải thích, thơ là có vần điệu, văn xuôi thì như ông vẫn nói hàng ngày. Monsieur Jourdain ngỡ ngàng reo lên: “Trời ơi! Tôi nói bằng văn xuôi! Thế mà tôi không biết là mình nói được bằng văn xuôi!”

[2] Trong Chiến tranh Sô-Đức, sau những chiến thắng chớp nhoáng mùa Hè 1941, quân đội Đức Quốc xã bắt đầu sa lầy trong mùa Đông băng giá của nước Nga. Thời tiết khắc nghiệt ở Nga góp phần đáng kể trong thảm bại của Đức tại Liên Sô.