Dấu. Chấm.
Th4 4, 2019
Phạm Thị Hoài
Tết Kỷ Hợi vừa rồi, nguyên thủ quốc gia Nguyễn Phú Trọng gửi một bức thư viết tay đến cô giáo dạy ông thời tiểu học. Tác phẩm này đóng góp bao nhiêu phần vào sự nghiệp của ông, tôi không dự đoán được; song ở đó có một chi tiết nhỏ đáng lưu ý. Đó là dấu chấm kết thúc hàng chữ đầu thư: “Kính thưa Cô giáo Đặng Thị Phúc.” Ông không phải là ngoại lệ. Giới lãnh đạo Việt Nam đặt dấu chấm ở những chỗ rất bất ngờ; vị trí ưu tiên là ngay sau tên tuổi chức vụ; vị trí phổ biến là sau dòng ghi ngày tháng; những vị trí thách thức khác không kể xiết. Dấu chấm Ba Đình ấy là chính tả hay chính trị?
Trước hết, nó từ đâu mà ra?
Dễ giải thích hơn cả, đó là sự cẩu thả, gia tài nổi tiếng của người Việt mà mọi giai tầng xã hội đều thừa hưởng trọn vẹn, không ai phải thua thiệt. Bình dân thì vô tâm chểnh mảng, trí thức thì phiên phiến qua loa, quan chức thì tùy tiện tắc trách, lễ nghi thì rườm rà luộm thuộm, phép tắc thì xập xí xập ngầu, tôn giáo thì hời hợt chắp vá, văn hóa thì bừa bãi tầm phào, khoa học thì qua quýt nhất thời, y tế thì sơ sài bất cẩn, ở thì tạm bợ, ăn thì bẩn thỉu, mặc thì dễ dãi, giao thông thì đi bừa, kinh tế thì làm bừa, truyền thông thì nói bừa, đạo đức thì sống văng mạng. Trong bối cảnh ấy, một dấu chấm bạ đâu quăng đấy lên giấy là điều tối thiểu để báo hiếu truyền thống.
Một di sản khác cũng có thể rọi thêm chút ánh sáng. Tôi nhiều lần quan sát một khoảnh khắc rất đặc biệt ở những người hiếm phải sờ đến giấy bút. Viết được dăm chữ là họ lúng túng, không biết thế đã đủ hay còn thiếu và nếu thiếu thì thiếu cái gì. Họ loay hoay một thoáng với cây viết rồi quả quyết đặt một dấu chấm, và sau đó như thoát gánh nặng, họ buông bút, yên tâm ra mặt. Những người sì sụp khấn vái từ hòn dái linh thiêng khấn đi, những người bày chi chít tranh tượng lọ bình gối thảm trong nhà, những người không chừa khe nào trên Facebook không nhét tuyên ngôn, những người đắp chạt vàng bạc lên mỗi phân da thịt, những người không tuần chay nào không góp nước mắt, những người kết bạn với cả thế gian, những người đi một bước chụp ảnh một bước, tất cả đều chung tâm lý dấu-chấm-giải-thoát ấy. Nếu không, họ sẽ cảm thấy rất chống chếnh, sẽ lạc trên mặt giấy và rơi tõm trong cuộc đời, sẽ mất hút trong cõi ảo và mất liên lạc với bản thân. Họ phải đặt hay đánh một ký hiệu. Dấu phẩy thì nhẹ hều, dấu chấm phẩy vẫn lửng lơ, dấu hai chấm nhiêu khê, dấu ba chấm dang dở, song dấu chấm là một ký hiệu chắc chắn, hoàn toàn đáng tin cậy. Bất kể thế nào, đặt một dấu chấm sau chữ ký là yên trí. Có mất gì đâu, thừa còn hơn thiếu – một di sản tâm lý khác, in đậm lên diện mạo người Việt.
Lớp cộng sản tiền bối, thế hệ lãnh đạo đầu tiên ở Hà Nội, không có học vị gì đáng kể. Hồ Chí Minh tự học; Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng chưa qua trung học; Trường Chinh chưa hết cao đẳng; đỉnh hàn lâm cô đơn là Võ Nguyên Giáp với bằng cử nhân luật. Song đó cũng là thế hệ lãnh đạo viết sách và làm thơ nhiều nhất. Lãnh tụ của lớp sau, ông Lê Duẩn, thậm chí mới hết tiểu học, không làm thơ nhưng vẫn hăng hái trước tác ở những lĩnh vực khác và để lại ít nhất khái niệm “làm chủ tập thể” nổi tiếng trong tiếng Việt. Họ đều không mắc lỗi dấu chấm. Giới lãnh đạo Việt Nam ngày nay khác hẳn, toàn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, chưa kể bằng lý luận chính trị cao cấp, lại hiếm khi sờ đến giấy bút. Họ giống những người như ở trên đã miêu tả. Song ông thợ cả, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, vốn xuất thân văn chương và thỉnh thoảng cũng thơ phú, chẳng lẽ trượt chính tả tiếng Việt?
Bạn có thể bảo, chuyện nhỏ! Đem bục công an đặt giữa tim người còn được thì dấu chấm là cái gì mà phải đúng vị trí? Nếu cần thì nhốt hết các dấu câu cứng đầu vào trại cải tạo. Hoặc quốc hữu hóa tuốt, rồi bổ nhiệm lại từng dấu và tùy cơ cấu tranh chấp mà luân chuyển hay thuyên chuyển. Hoặc trước khi dấu chấm kịp gửi thư ngỏ phản đối thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật, cho nó về vườn, xóa tư cách thành viên đứng đầu mười dấu câu trong tiếng Việt. Dấu chấm than sẽ thay thế, để xứng đáng với hiện thực hùng tráng xúc động tự-hào-lắm-Việt-Nam-ơi của chúng ta hơn. Có thể dấu chấm sẽ tìm đường vượt biên rồi bị bắt cóc trở lại. Nó sẽ làm đơn xin tự thú; và sau khi bị cai tù nện bẹp gí sẽ nhận bất kể vị trí nào để hòa mình với tập thể dấu câu, miễn là không bị ghép vào dấu ba chấm.
Vâng, có thể lắm, nhưng hơi thiếu thuyết phục vì pha vị giễu cợt. Hiện thực Việt Nam, dùng nguyên chất là nhất. Vậy tôi xin thử một cách lý giải khác.
Khi phát biểu hoặc nói chuyện, giới lãnh đạo Việt Nam tuân theo một tiết tấu và nhịp độ đặc trưng riêng biệt, như thể đó là điều kiện bắt buộc để quy hoạch cán bộ cấp cao. Họ không thao thao bất tuyệt, đó là sự hào nhoáng của nền dân chủ lừa mị phương Tây – có lẽ vì thế mà trong ngôn ngữ chính trị của Hà Nội không có từ diễn thuyết. Họ không ưa hùng biện; vài ba nhân vật có chút tài ăn nói trong số họ thì sớm qua đời hoặc nhanh vào tù. Họ nghe lẫn nhau và học lẫn nhau một kỹ năng đặc biệt: kỹ năng nói rất chậm, rời rạc, nhấn mạnh từng từ rồi chừa một khoảng trống. Đánh một dấu lặng. Để sức nặng của mỗi từ có không gian đích đáng. Để mỗi ý có thời gian đọng lại. Để mỗi bài phát biểu đều mang tầm lịch sử. Để các chính khách ma-dzê in Việt Nam, một lần nữa, dù cờ lờ mờ vờ thế nào, thấy mình thực sự quan trọng. Và trước hết, để trao cơ hội cho những tràng vỗ tay. Hôm nay. Vỗ tay. Trong không khí tưng bừng. Vỗ tay. Phấn khởi. Vỗ tay. Của toàn Đảng. Vỗ tay. Toàn quân. Vỗ tay. Toàn dân. Vỗ tay. Cá nhân tôi nghe rất sốt ruột và sợ mình phát điên, song khi đã quen với phép ngắt câu của quyền lực ấy, không ai thấy dấu chấm Ba Đình có gì khác thường. Một ngôn ngữ quái gở trở thành mẫu mực.
Chính tả là chính trị. Nhận định của Victor Klemperer về ngôn ngữ đế chế Đức phát-xít, rằng mỗi dấu ngoặc kép là một đảng viên Quốc xã, thời nào cũng gợi mở.
Berlin, 08/3/2019
Categories: Bài viết từ 2015 trên các báo khác, Ngôn ngữ