Tác giả

Danh mục

Trang

Chủ tịch hoàng đế Trung Hoa: Tập Cận Bình thắt chặt quyền kiểm soát

Th12 14, 2014

Elizabeth C. Economy

Trần Ngọc Cư dịch

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra một viễn kiến đơn giản nhưng quyết liệt: phục hưng nước Trung Hoa. Đó là tiếng gọi thúc đẩy hành động yêu nước, lấy cảm hứng từ quá khứ vàng son của các đế chế Trung Hoa và các lý tưởng xã hội chủ nghĩa hiện tại để củng cố sự đoàn kết chính trị trong nước và tăng cường ảnh hưởng ở nước ngoài. Chỉ sau hai năm tại chức, Tập đã tiến lên phía trước như một lãnh đạo có khả năng thay đổi đất nước, theo đuổi một nghị trình để cải tổ, nếu không muốn nói cách mạng hóa, các quan hệ chính trị và kinh tế không những trong nước mà còn với phần còn lại của thế giới.

Bệ đỡ cho viễn kiến của Tập là một ý thức ngày càng trở nên bức thiết về tình trạng khẩn cấp. Tập tiếp nhận quyền lực vào một thời điểm mà Trung Quốc mặc dù thành công về kinh tế, nhưng bấp bênh về chính trị. Đảng Cộng sản Trung Quốc, bị băng hoại do tham nhũng và thiếu hẳn một ý thức hệ hấp dẫn, đã mất uy tín trước dân chúng, trong khi bất ổn xã hội ngày một lan rộng. Kinh tế Trung Quốc, dù vẫn còn tăng trưởng ở một tốc độ đầy ấn tượng, nhưng bắt đầu để lộ những dấu hiệu căng thẳng và bấp bênh. Còn trên mặt trận quốc tế, mặc dù với địa vị của một cường quốc kinh tế toàn cầu, Trung Quốc không có những thành tích lớn. Bắc Kinh không đáp ứng có hiệu quả các cuộc khủng hoảng tại Libya và Syria và đã đứng bên lề khi các biến chuyển chính trị làm rúng động hai trong những đối tác thân cận nhất của mình, Myanmar (còn gọi là Miến Điện) và Bắc Hàn. Đối với nhiều nhà quan sát, hình như Trung Quốc không có một chiến lược đối ngoại bao quát toàn diện nào cả.

Tập đã phản ứng lại ý thức vô vọng này bằng một cuộc chiếm đoạt quyền hành – cho bản thân, cho Đảng Cộng sản, và cho Trung Quốc. Ông từ bỏ truyền thống lãnh đạo tập thể của Đảng Cộng sản và thay vào đó tự khẳng định mình như một lãnh đạo tối cao trong một hệ thống chính trị trung ương tập quyền chặt chẽ. Ở trong nước, những cải tổ kinh tế do ông đưa ra sẽ nâng cao vai trò của thị trường, tuy nhiên chúng vẫn cho phép Nhà nước giữ quyền kiểm soát đáng kể. Ở ngoài nước, Tập đang tìm cách nâng cao địa vị của Trung Quốc thông qua việc bành trướng thương mại và đầu tư, tạo ra các định chế quốc tế mới, và tăng cường sức mạnh của quân đội. Nhưng viễn kiến của Tập mang trong mình một nỗi sợ hãi ngấm ngầm: rằng một chính sách mở cửa đối với các tư tưởng chính trị và kinh tế phương Tây sẽ xói mòn quyền lực của Nhà nước Trung Quốc.

Nếu thành công, các cải tổ của Tập có thể đưa đến một quốc gia độc đảng, mạnh về kinh tế, cố kết về chính trị và không có tham nhũng: một Singapore khổng lồ. Nhưng không có gì đảm bảo rằng những cải tổ này sẽ thay hình đổi dạng Trung Quốc như Tập hi vọng. Các chính sách của Tập đã tạo ra những ổ bất mãn sâu sắc ở trong nước và kích động  một phản ứng quốc tế quật lại Trung Quốc. Nhằm dập tắt các tiếng nói bất đồng chính kiến, Tập phát động một cuộc đàn áp chính trị, gây bất mãn cho nhiều công dân Trung Quốc có tài năng và tháo vát, thành phần mà các cải tổ của ông muốn khuyến khích. Những biện pháp kinh tế thử nghiệm của ông đã nêu lên nhiều nghi vấn về viễn tượng tăng trưởng kinh tế bền vững của Trung Quốc. Não trạng thắng-là-hưởng-hết [winner-take-all mentality] của Tập đã gây tổn thương cho các nỗ lực để ông có thể trở thành một lãnh đạo toàn cầu.

Mỹ và phần còn lại của thế giới không thể chờ xem các cải tổ của Tập sẽ diễn ra như thế nào. Mỹ nên sẵn sàng chấp nhận một số sáng kiến của Tập như những cơ hội hợp tác quốc tế, đồng thời phải coi các nỗ lực khác của Tập là những xu thế đáng lo ngại cần phải chặn đứng trước khi chúng được củng cố.

MỘT ĐỢT ĐÀN ÁP TRONG NƯỚC

Viễn kiến của Tập về một nước Trung Hoa phục hồi sức sống [a rejuvenated China] trước hết dựa vào khả năng thực hiện thương hiệu đặc biệt về cải tổ chính trị của ông: củng cố quyền lực cá nhân bằng cách tạo ra các định chế mới, dập tắt các tiếng nói đối lập chính trị, và hợp thức hóa quyền lãnh đạo của ông và quyền lực của Đảng Cộng sản trong mắt người dân Trung Quốc. Từ khi nhậm chức, Tập đã nhanh chóng thu tóm quyền lực chính trị và trở thành, không phải là người đứng đầu trong tập thể đứng đầu [first among equals], mà giản dị là người đứng đầu của giới lãnh đạo Trung Quốc. Ông đứng đầu Đảng Cộng sản và Quân ủy Trung ương, hai cột trụ truyền thống của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như đứng đầu các nhóm lãnh đạo về kinh tế, cải tổ quân đội, an ninh mạng, vấn đề Đài Loan, và cả Ủy ban An ninh Quốc gia. Khác với các Chủ tịch nước tiền nhiệm, vốn cho Thủ tướng của mình có thẩm quyền nhà nước trong lãnh vực kinh tế, Tập nắm giữ luôn vai trò này. Ông còn nắm giữ vai trò Tổng Tư lệnh quân đội Trung Quốc theo một phong cách cá nhân cao độ: mùa Xuân vừa qua, Tập công khai nhận lời tuyên thệ trung thành từ 53 quan chức quân đội cao cấp. Theo một cựu tướng lãnh, lễ tuyên thệ trung thành theo cung cách này chỉ diễn ra ba lần trước đó trong lịch sử Trung Quốc.

Trong nỗ lực ráo riết nhằm củng cố quyền lực của mình, Tập còn tìm cách triệt tiêu các tiếng nói chính trị ngoài luồng, đặc biệt trên mạng lưới Internet sinh động trước đây của Trung Quốc. Chính phủ đã bắt giữ, bắt giam, hay công khai nhục mạ những blogger nổi tiếng như các doanh nhân tỉ phú Phan Thạch Ngật [Pan Shiyi] và Tiết Tất Quần [Charles Xue]. Những nhà bình luận này, có đến hàng chục triệu người theo dõi trên mạng xã hội, thường xuyên thảo luận một loạt vấn đề từ ô nhiễm môi trường, chế độ kiểm duyệt đến nạn buôn bán trẻ em. Mặc dù tiếng nói của họ không hoàn toàn bị dập tắt, nhưng họ không còn dám đi lạc vào lãnh vực chính trị nhạy cảm. Thật vậy, Phan, một nhân vật trung tâm trong chiến dịch đòi chính phủ Trung Quốc cải thiện chất lượng không khí tại Bắc Kinh, bị buộc phải tự phê trên truyền hình quốc gia năm 2013. Sau đó, ông phải dùng Weibo, một dịch vụ microblog phổ biến tại Trung Quốc để cảnh báo một tỉ phú địa ốc khác không nên chỉ trích chương trình cải tổ kinh tế của chính phủ: “Hãy thận trọng, nếu không ông có thể bị bắt.”

Dưới chế độ Tập Cận Bình, Bắc Kinh còn đưa ra một loạt qui định Internet mới. Trong đó có cả một điều luật đe dọa trừng phạt đến ba năm tù giam về tội đăng lên mạng bất cứ điều gì mà nhà cầm quyền coi là một “tin đồn,” nếu thông điệp mạng [post] này được hơn 5000 người đọc hoặc trên 500 lượt chia sẻ. Dưới những luật lệ nghiêm khắt mới nhất này, nhiều công dân Trung Quốc đã bị bắt giữ chỉ vì đăng các giả thuyết về sự biến mất của Chuyến bay 370 của Malaysia Airlines. Trong một giai đoạn bốn tháng liên tục, Bắc Kinh đã đình chỉ, xoá bỏ, hoặc trừng phạt hơn 100.000 tài khoản trên Weibo vì vi phạm một trong bảy “điều cốt lõi” [bottom lines] được định nghĩa một cách khái quát tiêu biểu cho những giới hạn của quyền bày tỏ được cho phép [the limits of permissible expression]. Những hạn chế này đã giảm thiểu 70 phần trăm số post trên Weibo từ tháng Ba 2012 đến tháng Mười Hai 2013, theo một cuộc nghiên cứu dựa vào ý kiến của 1,6 triệu người sử dụng mạng Weibo được báo The Telegraph ủy nhiệm. Và khi các công dân mạng Trung Quốc tìm các phương tiện khác để trao đổi thông tin, chẳng hạn thông qua diễn đàn đưa tin nhanh WeChat, nhân viên kiểm duyệt của chính phủ vẫn còn theo dõi họ. Tháng Tám 2014, Bắc Kinh đưa ra những qui định mới về dịch vụ đưa tin nhanh, đòi hỏi người sử dụng phải đăng ký bằng tên thật của mình, hạn chế việc chia sẻ tin tức chính trị, và thực thi một qui tắc ứng xử [dành cho công dân mạng]. Thật không đáng ngạc nhiên chút nào khi trong bản xếp hạng mức độ tự do Internet trên toàn thế giới năm 2013, tổ chức vô vị lợi Freedom House có trụ sở tại Mỹ đặt Trung Quốc vào vị thứ 58 trong số 60 nước – đồng hạng với Cuba, và chỉ trên Iran.

Trong nỗ lực thúc đẩy thống nhất ý thức hệ trong nước, Tập còn chụp mũ các tư tưởng du nhập từ ngoài vào và thách thức chế độ chính trị Trung Quốc là phản lại tình yêu nước và thậm chí là nguy hiểm. Theo đường lối này, Bắc Kinh đã cấm nghiên cứu và giảng dạy bảy đề tài tại các đại học: đó là các giá trị phổ quát, xã hội dân sự, các quyền của công dân, tự do báo chí, các sai phạm của Đảng Cộng sản, các đặc quyền của chủ nghĩa tư bản, và tính độc lập của ngành tư pháp. Mùa Hè vừa qua, một quan chức Đảng đã công khai đả kích Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một cơ quan nghiên cứu của chính phủ, với cáo buộc là viện này “bị các thế lực nước ngoài xâm nhập.” Việc đả kích này gặp phải sự chế giễu của nhiều trí thức Trung Quốc nổi tiếng bên ngoài Viện Khoa học Xã hội, kể cả nhà kinh tế Mao Vu Thức [Mao Yushi], giáo sư luật Hạ Vệ Phương [He Weifang], và nhà văn Lưu Dật Minh [Liu Yiming]. Tuy vậy, những cáo buộc này có thể gây ra những hậu quả đáng sợ cho công việc nghiên cứu và hợp tác quốc tế của các học giả.

Đợt đàn áp này có thể xói mòn sự gắn bó chính trị [political cohesion] mà Tập đang theo đuổi. Cư dân Hồng Kông vàMacao, vốn có truyền thống hưởng nhiều quyền tự do chính trị hơn dân chúng lục địa, đã theo dõi những động thái này của Tập với một nỗi lo ngại ngày càng sâu sắc; nhiều người đã lên tiếng kêu gọi cải tổ dân chủ. Đối với một xã hội dân chủ có nhiều tiếng nói đa nguyên như Đài Loan, khuynh hướng đàn áp của Tập không thể tạo điều kiện để thúc đẩy việc thống nhất với lục địa. Và tại vùng Tân Cương, vốn bị phân hóa sắc tộc, những chính sách của Bắc Kinh nhằm hạn chế sinh hoạt chính trị và văn hóa đã đưa đến các cuộc biểu tình bạo động.

Thậm chí trong tầng lớp thượng lưu kinh tế và chính trị Trung Quốc, nhiều người tỏ ra lo lắng về hành động gia tăng kềm kẹp chính trị của Tập và họ đang tìm kiếm một chỗ giữ chân [foothold] ở nước ngoài. Theo nguyệt san Hurun Report có trụ sở tại Trung Quốc, 85 phần trăm những người có tài sản trên 1 triệu Mỹ kim muốn gửi con ra học nước ngoài, và hơn 65 phần trăm những công dân Trung Quốc có tài sản từ 1,6 triệu Mỹ kim trở lên đã di cư hoặc có kế hoạch di cư ra nước ngoài. Việc các nhóm tinh hoa Trung Quốc bỏ nước ra đi không những gây bối rối chính trị mà còn là một bước thụt lùi đáng kể đối với các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chiêu dụ các khoa học gia và học giả hàng đầu đã bỏ nước ra đi trong nhiều thập niên trước trở về.

MỘT THẨM QUYỀN ĐẠO LÝ?

Đặc điểm quan trọng nhất trong các cải tổ chính trị của Tập là nỗ lực phục hồi thẩm quyền đạo lý của Đảng Cộng sản. Ông lập luận rằng nếu không giải quyết được vấn đề tham nhũng đang lan tràn trong Đảng, việc này có thể dẫn đến sự sụp đổ không những của Đảng mà còn của nhà nước Trung Quốc. Dưới sự giám sát chặt chẽ của Vương Kỳ Sơn [Wang Qishan], ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, việc chống tham nhũng trong giới quan chức đã trở thành một vấn đề mang dấu ấn của Tập. Mặc dù các lãnh đạo Trung Quốc trước đây cũng từng thực thi các chiến dịch bài trừ tham nhũng, nhưng Tập đã đưa vào mục tiêu này một năng lượng mới, một thái độ nghiêm túc mới: hạn chế ngân quĩ dành cho các bữa tiệc chiêu đãi quan chức, việc sử dụng ô tô, và các bữa ăn khi đi công tác; theo dõi các nhân vật nổi tiếng trong báo giới, chính quyền, quân đội, và khu vực tư; và nhanh chóng gia tăng số vụ tham nhũng được đem ra tra xét chính thức. Năm 2013, Đảng đã trừng phạt hơn 182.000 viên chức về tội tham nhũng, cao hơn con số trung bình của 5 năm trước đến 50.000. Hai vụ tai tiếng bùng nổ vào mùa Xuân vừa qua cho thấy phạm vi rộng lớn của chiến dịch này. Trong vụ thứ nhất, chính quyền trung ương bắt giữ một trung tướng trong quân đội Trung Quốc về tội bán hàng trăm chức vị trong quân đội, đôi khi để đổi lấy những món tiền khổng lồ; cái giá để trở thành một thiếu tướng, chẳng hạn, có thể lên tới 4,8 triệu Mỹ kim. Trong vụ thứ hai, Bắc Kinh bắt đầu điều tra hơn 500 quan chức chính quyền khu vực tỉnh Hồ Nam vì đã tham gia một đường dây mua phiếu bầu lên tới 18 triệu Mỹ kim.

Cuộc thánh chiến chống tham nhũng của Tập chỉ là một phần của một kế hoạch rộng lớn hơn để phục hồi thẩm quyền đạo lý của Đảng Cộng sản. Ông cũng đã công bố các cải tổ nhằm đối phó một số vấn đề bức thiết nhất của xã hội Trung Quốc. Dưới sự lèo lái của Tập, lãnh đạo Trung Quốc đã phát động một chiến dịch cải thiện chất lượng không khí tại Trung Quốc; cải tổ chính sách một con; duyệt lại chế độ hộ khẩu vốn ràng buộc nơi ăn chốn ở, phúc lợi y tế, và việc học hành của con cái với nơi cư ngụ chính thức của người dân, dành nhiều ưu đãi cho cư dân thành thị hơn vùng quê; và đóng cửa hệ thống trại “lao cải”, vốn cho phép chính phủ giam giữ người dân vô cớ. Chính phủ còn công bố các kế hoạch làm cho hệ thống tư pháp minh bạch hơn và loại bỏ sự can thiệp của các quan chức địa phương vào công việc của toà án.

Mặc dù nhịp độ và phạm vi của các nỗ lực cải tổ do Tập đưa ra gây được nhiều ấn tượng, nhưng người ta vẫn chưa rõ chúng là khởi điểm của một sự thay đổi dài hạn hay chỉ là những biện pháp hời hợt nhằm mua chuộc lòng dân nhất thời. Dù thế nào chăng nữa, một số cải tổ của Tập đã châm ngòi cho một cuộc chống đối mãnh liệt. Theo tờ Thời báo Tài chính [Financial Time], cả hai cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã khuyến cáo Tập phải hạn chế chiến dịch chống tham nhũng lại, và chính Tập cũng nhìn nhận các nỗ lực của mình đã gặp phải sự chống đối đáng kể. Chiến dịch này đã gây ra những tổn thất kinh tế thật sự. Theo Ngân hàng America Merrill Lynch, GDP của Trung Quốc trong năm nay đã giảm bớt 1,5 phần trăm do hậu quả các hàng hóa và dịch vụ xa xỉ bị ế ẩm, vì các quan chức ngày càng lo ngại rằng các tiệc tùng lãng phí, các cuộc mua quan bán chức và sắm sửa đắt tiền sẽ thu hút sự chú ý ngoài ý muốn của họ. (Dĩ nhiên, nhiều người Trung Quốc vẫn tiếp tục mua sắm; nhưng họ chỉ làm việc này ở nước ngoài.) Và thậm chí những người hậu thuẫn mục tiêu chống tham nhũng cũng đặt nghi vấn về các phương pháp của Tập. Thủ tướng Lý Khắc Cường, chẳng hạn, vào đầu năm 2014 đã kêu gọi tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ; nhưng tuyên bố của ông nhanh chóng bị xóa bỏ khỏi các website.

Lập trường của Tập về vấn đề tham nhũng cũng có thể gây rủi ro cho tư thế cá nhân và địa vị chính trị của ông: gia đình Tập được xếp vào hạng giàu có nhất trong giới lãnh đạo Trung Quốc, và theo tờ New York Times, Tập đã thúc đẩy thân nhân sang nhượng bớt tài sản, nhằm giảm bớt nguy cơ ông có thể bị đả kích. Ngoài ra, ông hoàn toàn bác bỏ những lời kêu gọi gia tăng tính minh bạch, bằng cách bắt bớ những nhà hoạt động đòi quan chức nhà nước phải kê khai tài sản và trừng phạt các hãng tin phương Tây đã điều tra tài sản của các lãnh đạo Trung Quốc.

NHÀ NƯỚC TIẾP TỤC GIỮ QUYỀN KIỂM SOÁT KINH TẾ

Trong khi Tập ra sức củng cố quyền lực chính trị và phục hồi chính nghĩa của Đảng Cộng sản, ông còn phải tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa. Nói rộng ra, các mục tiêu của ông gồm việc chuyển hóa Trung Quốc từ một trung tâm gia công của thế giới thành một trung tâm phát kiến của thế giới, tái quân bình kinh tế Trung Quốc bằng cách đặt ưu tiên tiêu thụ cao hơn đầu tư, và nới rộng không gian cho doanh nghiệp tư. Các kế hoạch của Tập gồm cả cải tổ định chế lẫn cải tổ chính sách. Chẳng hạn, ông đã có lịch trình cải tổ quan trọng cho chế độ thuế má: thu nhập của chính quyền địa phương sẽ phát xuất từ nhiều loại thuế khác nhau thay vì chủ yếu từ các vụ bán đất, thường dẫn đến tham nhũng và bất ổn xã hội. Ngoài ra, chính quyền trung ương, vốn có truyền thống hưởng khoảng một nửa lợi tức thuế quốc gia nhưng chỉ trả một phần ba các chi phí phúc lợi xã hội, sẽ gia tăng ngân sách dành cho các dịch vụ xã hội, giảm bớt phần nào gánh nặng cho các chính quyền địa phương. Hàng chục sáng kiến mới về chính sách cũng đang ở các giai đoạn thử nghiệm, gồm việc khuyến khích tư nhân đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước và giảm bớt thù lao của các giám đốc xí nghiệp, thiết lập các ngân hàng tư để đưa vốn đến các công ty nhỏ và trung bình, và cắt ngắn thời gian chờ đợi phê chuẩn hành chính của các công ty mới được thành lập.

Nhưng khi các chi tiết trong kế hoạch kinh tế của Tập được triển khai, thì rõ ràng là, mặc dù Tập nhấn mạnh vai trò của thị trường tự do, nhưng nhà nước sẽ tiếp tục giữ quyền kiểm soát phần lớn nền kinh tế Trung Quốc. Việc cải tổ đường lối quản trị các công ty nhà nước sẽ không xói mòn vai trò nổi bật của Đảng Cộng sản trong việc ra quyết sách của những công ty này; Tập giữ nguyên các rào cản quan trọng đối với đầu tư nước ngoài, và thậm chí trong khi chính phủ hứa hẹn giảm thiểu sự lệ thuộc của tăng trưởng kinh tế dựa vào đầu tư, các nỗ lực kích thích kinh tế của chính phủ vẫn tiếp tục, do đó làm cho số nợ của các địa phương càng ngày càng tăng. Thật vậy, theo Hoàn cầu Thời báo, số nợ đáo hạn không sinh lợi trong sáu tháng đầu của năm 2014 đã vượt quá số nợ mới không sinh lợi cho cả năm 2013.

Ngoài ra, Tập còn đưa vào nghị trình kinh tế của mình cùng một thứ tinh thần dân tộc chủ nghĩa – thậm chí bài ngoại – vốn đã xâm nhập vào nghị trình chính trị của ông. Các chiến dịch chống tham nhũng và chống độc quyền kinh tế của Tập nhắm vào các tập đoàn đa quốc làm ra các sản phẩm như sữa bột, dụng cụ y khoa, dược phẩm, và phụ tùng xe hơi. Thật vậy, vào tháng Bảy, 2013, Ủy ban Phát triển và Cải tổ Quốc gia của Trung Quốc đã triệu tập đại diện của 30 công ty đa quốc với ý đồ buộc họ phải nhìn nhận đã có hành vi sai phạm. Lắm khi, Bắc Kinh hình như đang cố tình phá hoại các công ty cung cấp hàng hóa và dịch vụ nước ngoài: báo chí nhà nước dồn mọi chú ý vào điều mà họ cho là những sai phạm tại các công ty đa quốc trong khi tương đối giữ im lặng trước những vấn đề tương tự tại các công ty Trung Quốc.

Cũng như chiến dịch chống tham nhũng, việc Tập cho điều tra các công ty nước ngoài nêu lên những nghi vấn về ý đồ thầm kín của ông. Trong một cuộc tranh luận được phổ biến rộng rãi trên truyền hình nhà nước Trung Quốc, giữa Chủ tịch Phòng Thương mại Liên Âu và một quan chức của Ủy ban Phát triển và Cải tổ Quốc gia, viên chức châu Âu này đã đưa người đồng nhiệm Trung Quốc vào thế phải chống chế bênh vực những sự khác biệt giữa cách chính phủ Trung Quốc đối xử với các công ty nước ngoài và các công ty trong nước. Cuối cùng, vị quan chức Trung Quốc có vẻ nhượng bộ khi nói rằng thủ tục chống độc quyền của Trung Quốc là một thủ tục “mang đặc tính Trung Quốc.”

Như vậy, những hứa hẹn cải tổ ban đầu của Tập vẫn chưa được thực hiện. Một tập báo cáo dày 31 trang về cuộc cải tổ kinh tế Trung Quốc, được Hội đồng Thương mại Mỹ-Trung công bố vào tháng Sáu 2014, nêu ra hàng chục nhiệm vụ chưa hoàn thành. Nó chỉ coi ba sáng kiến chính sách sau đây của Tập là thành công: cắt giảm thời gian đăng ký công ty mới, cho phép các tập đoàn đa quốc sử dụng đồng Nhân dân tệ để bành trướng công ty của mình, và cải tổ chế độ hộ khẩu. Tuy nhiên, nếu muốn xúc tiến những biện pháp cải tổ sâu rộng hơn nữa, có khả năng Tập cần phải gây một cú sốc cho cả hệ thống, đưa đến sự sụp đổ của thị trường địa ốc, chẳng hạn. Hiện nay, rất có thể Tập là kẻ thù tệ hại nhất của chính mình: việc hô hào một vai trò nổi bật của thị trường không thể đi đôi với tham vọng giữ quyền kiểm soát kinh tế của ông.

ĐÁNH THỨC CON SƯ TỬ

Những nỗ lực cải tổ chính trị và kinh tế ở trong nước của Tập gắn liền với những nước cờ sinh động không kém nhằm khẳng định địa vị của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu. Nhưng, gốc rễ chính sách đối ngoại của Tập đã có sẵn trước khi ông trở thành Chủ tịch nước. Giới lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu công khai bàn đến sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc thế giới tiếp theo sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Vào lúc đó, nhiều học giả Trung Quốc lập luận rằng Mỹ đã bắt đầu một cuộc xuống dốc không thể tránh và việc này sẽ dành chỗ cho Trung Quốc nắm vai trò lãnh đạo tối cao trên toàn cầu. Trong một diễn văn đọc tại Paris vào tháng Ba 2014, Tập nhắc đến những suy niệm của Napoleon về Trung Quốc: “Napoleon nói rằng Trung Quốc là một con sư tử đang ngủ, và khi nó thức dậy, cả thế giới sẽ run sợ.” Con sư tử Trung Quốc, Tập trấn an cử tọa của mình, “đã thức dậy, nhưng đây là một con sư tử hiền lành, vui vẻ, và văn minh.” Tuy nhiên, một số hành động của Tập vạch trần những lời trấn an này. Ông đã thay thế câu kinh nhật tụng của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình được lặp đi lặp lại hàng chục năm nay – “Thao quang dưỡng hối” — bằng một chính sách đối ngoại khác hẳn, theo chủ nghĩa bành trướng và phô trương cơ bắp.

Đối với Tập, mọi con đường đều dẫn đến Bắc Kinh, nghĩa bóng cũng như nghĩa đen. Tập làm sống lại quan niệm xa xưa về Con đường Tơ lụa – từng nối liền đế quốc Trung Hoa với Trung Á, Trung Đông, và thậm chí với châu Âu – bằng cách đề xuất một mạng lưới rộng lớn gồm đường sắt, ống dẫn dầu, xa lộ, và kinh đào theo địa hình của con đường cổ đại. Hạ tầng cơ sở này, một dự án mà Tập tin chắc các ngân hàng và công ty Trung Quốc sẽ tài trợ và xây dựng, nếu được thực hiện sẽ cho phép các hoạt động mậu dịch giữa Trung Quốc và nhiều phần còn lại của thế giới phát triển hơn nữa. Bắc Kinh còn cân nhắc việc xây dựng một đường sắt cao tốc liên lục địa dài khoảng 8.100 dặm Anh [hay gần 13.500 km] để nối Trung Quốc với Canada, Nga, và Hoa Kỳ đi qua Eo biển Bering. Ngay cả Bắc Băng Dương cũng trở thành một sân sau của Trung Quốc: các học giả Trung Quốc mô tả nước mình như một quốc gia “cận Bắc Băng Dương.”

Cùng với cơ sở hạ tầng mới, Tập còn muốn thiết lập các định chế quốc tế mới để hậu thuẫn địa vị của Trung Quốc như một cường quốc lãnh đạo khu vực và toàn cầu. Ông đã giúp thành lập một ngân hàng phát triển mới, được điều hành bởi các nước BRICS – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi – nhằm thách thức địa vị đứng đầu của Quĩ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Ông còn đề nghị thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, một dự án có thể giúp Trung Quốc trở thành nhà tài trợ hàng đầu của việc phát triển khu vực. Hai nỗ lực này là những dấu hiệu cho thấy Tập muốn khai thác những bức xúc đối với việc Mỹ không chịu thúc đẩy các tổ chức kinh tế quốc tế phản ánh nguyện vọng của các nước đang phát triển hơn nữa.

Tập còn đưa ra các sáng kiến về an ninh khu vực. Ngoài Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã thành hình, một định chế an ninh do Trung Quốc lãnh đạo gồm Nga và bốn quốc gia Trung Á, Tập còn muốn xây dựng một cơ cấu an ninh châu Á-Thái Bình Dương sẽ không có sự tham gia của Mỹ. Nói chuyện tại một hội nghị vào tháng Năm 2014, Tập nhấn mạnh chủ điểm: “Phải để cho người châu Á điều hành công việc nội bộ của châu Á, giải quyết các vấn đề châu Á, và củng cố an ninh của châu Á.”

Xu thế của Tập nhắm tới một chính sách khu vực dùng sức mạnh cơ bắp bắt đầu biểu hiện rõ nét trước khi ông trở thành Chủ tịch nước. Năm 2010, Tập đứng đầu nhóm lãnh đạo chịu trách nhiệm về chính sách biển Hoa Nam của Trung Quốc, một chính sách nới rộng việc định nghĩa quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc để bao gồm các đòi hỏi chủ quyền lãnh hải rộng lớn trong biển Hoa Nam [Biển Đông]. Kể từ đó, Tập đã sử dụng mọi phương tiện từ hải quân Trung Quốc đến tàu đánh cá dân sự để ra sức củng cố những đòi hỏi này – những đòi hỏi đang bị các quốc gia khác tiếp giáp Biển Đông bác bỏ. Vào tháng Năm 2014, xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam bùng nổ khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đưa một giàn khoan vào một vùng tranh chấp trong Biển Đông; căng thẳng tiếp tục gia tăng cho đến khi Trung Quốc rút giàn khoan vào giữa tháng Bảy. Nhằm giúp việc thực hiện chủ quyền của Trung Quốc trong biển Hoa Đông, Tập đã tuyên bố một “vùng nhận diện phòng không” trên một phần của biển này, chồng lấn với các vùng nhận diện phòng không của Nhật và Nam Hàn. Không một nước láng giềng nào của Trung Quốc nhìn nhận bất cứ biện pháp nào trong chuỗi hành động này là hợp pháp. Tuy thế, Bắc Kinh thậm chí còn vẽ lại bản đồ Trung Quốc và cho in lên hộ chiếu Trung Quốc gồm cả những vùng đang tranh chấp với Ấn Đô, cũng như với các nước Đông Nam Á, gây nên một trận bão lửa chính trị trong khu vực.

Những thao diễn chính trị này của Tập đã nhen nhúm tình yêu nước của người dân Trung Quốc nhưng cũng khơi dậy chủ nghĩa dân tộc độc hại không kém tại các nước khác. Các lãnh đạo mới có tinh thần dân tộc chủ nghĩa tương tự tại Ấn Độ và Nhật Bản đã bày tỏ mối quan ngại về các chính sách của Tập và do đó đã sử dụng các biện pháp nâng cao hình ảnh an ninh của nước mình. Thật vậy, trong cuộc vận động tranh cử chức Thủ tướng Ấn Độ vào đầu năm 2014, Narendra Modi đã lên tiếng chỉ trích các xu thế bành trướng chủ nghĩa của Trung Quốc, và kể từ đó, Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nâng cấp các quan hệ quốc phòng và an ninh giữa hai nước. Nhiều nỗ lực mới về an ninh khu vực đang được tiến hành không có sự tham dự của Bắc Kinh (cũng như Washington). Chẳng hạn, Ấn Độ đã và đang huấn luyện một số lực lượng hải quân Đông Nam Á, gồm hải quân Myanmar và ViệtNam. Nhiều quân đội trong khu vực – như quân đội Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Singapore, và Nam Hàn – đã có kế hoạch diễn tập phòng thủ hỗn hợp.

MỘT PHẢN ỨNG MẠNH MẼ

Đối với Mỹ và phần còn lại của thế giới, sự tỉnh dậy của nước Trung Hoa dưới quyền lãnh đạo của Tập đã kích động hai phản ứng khác nhau: một mặt là sự hào hứng về những điều mà một Trung Quốc hùng mạnh hơn, ít tham nhũng hơn có thể đạt được; và mặt khác là sự lo lắng đáng kể về những thách thức mà một Trung Quốc độc tài quân phiệt có thể đặt ra cho trật tự tự do mà Mỹ bảo trợ.

Về mặt tích cực, những kế hoạch của Bắc Kinh về một Con đường Tơ lụa hiện đại sẽ đặt cơ sở trên ổn định chính trị tại Trung Đông; việc này có thể khuyến khích Bắc Kinh hợp tác với Washington để đảm bảo hòa bình trong khu vực này. Một cách tương tự, việc các công ty Trung Quốc ngày càng muốn đầu tư ở nước ngoài có thể tạo cho chính quyền Washington một thế đòn bẩy lớn hơn khi họ đẩy mạnh một hiệp ước đầu tư song phương với Bắc Kinh. Mỹ còn phải khuyến khích Trung Quốc tham gia Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định tự do mậu dịch khu vực quan trọng đang trong thời kỳ đàm phán. Cũng như những cuộc đàm phán của Trung Quốc trước đây để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới trong thập niên 1990 đã thúc đẩy các nhà cải tổ kinh tế Trung Quốc đưa ra những thay đổi nội bộ, những cuộc đàm phán để gia nhập TPP ngày nay có thể sẽ mang lại hậu quả tương tự.

Ngoài ra, mặc dù Trung Quốc đã có một vai trò đáng kể trong hệ thống quốc tế, Mỹ cần phải ra sức giữ Trung Quốc ở lại trong hệ thống này. Chẳng hạn, Quốc hội Mỹ phải phê chuẩn những tu chính được đề xuất cho hệ thống bầu cử nội bộ của Quĩ Tiền tệ Quốc tế để cho phép Trung Quốc và các nước đang phát triển khác có một tiếng nói lớn hơn trong việc quản lý quĩ này và do đó làm giảm quyết tâm của Bắc Kinh trong việc thành lập các tổ chức cạnh tranh mới.

Về mặt tiêu cực, luận điệu dân tộc chủ nghĩa và lập trường quân sự quyết đoán của Tập đặt ra một thách thức trực tiếp đối với lợi ích của Mỹ ở trong khu vực và đòi hỏi một phản ứng mạnh mẽ. Chiến lược “tái quân bình lực luợng” hoặc “xoay trục” hướng về châu Á của Washington không phải chỉ là một phản ứng đối với hành vi ngày một quyết đoán hơn của Trung Quốc. Nó còn phản ánh những giá trị thiết thân nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ: tự do trên biển, trên không, và trong không gian; tự do mậu dịch; chế độ pháp trị; và các quyền cơ bản của con người. Nếu thiếu một chiến lược xoay trục mạnh mẽ, vai trò của Mỹ như một cường quốc khu vực sẽ suy yếu, và Washington sẽ bị từ chối những lợi ích phát sinh từ việc hợp tác sâu sắc hơn với đa số trong những nền kinh tế năng động nhất của thế giới. Vì thế, Mỹ phải hậu thuẫn việc xoay trục chiến lược bằng một sự hiện diện quân sự hùng hậu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương để chặn đứng hay chống lại chủ trương xâm lược của Trung Quốc; đạt được sự đồng thuận và phê chuẩn Hiệp định TPP; và tăng cường các chương trình của Mỹ nhằm hậu thuẫn các định chế dân chủ và xã hội dân sự tại các nước như Cambodia, Malaysia, Myanmar, và Việt Nam, là những nơi dân chủ mới manh nha nhưng đang phát triển.

Đồng thờiWashingtonphải biết rằng có thể Tập sẽ không thành công trong việc chuyển đổi Trung Quốc theo đúng đường lối ông đưa ra. Tập vạch ra cho mình một viễn kiến, nhưng các sức ép từ bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lên con đường trước mặt của nước này trong nhiều cách rất bất ngờ. Một số nước giàu về hàng hóa đã ngần ngại khi giao dịch với các công ty Trung Quốc, vì họ không yên tâm về hồ sơ trách nhiệm xã hội yếu kém của chúng, khiến Bắc Kinh phải thăm dò các đường lối mới để tiến hành việc kinh doanh. Các nước láng giềng của Trung Quốc, hoảng hốt trước thái độ ngang ngược của Bắc Kinh, đã bắt đầu hình thành những quan hệ an ninh mới. Thậm chí những chuyên gia nổi tiếng về chính sách đối ngoại hiện sống tại Trung Quốc, như Vương Tập Tư [Wang Jisi] thuộc Đại học Bắc Kinh và Đại sứ nghỉ hưu Ngô Kiến Dân [Wu Jianmin], đã bày tỏ do dự về nội dung chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Tập.

Sau cùng, mặc dù gần như không có một yếu tố nào trong chính sách đối nội và đối ngoại của Tập tỏ ra khuyến khích một sự hợp tác sâu đậm hơn với Mỹ, nhưng Washington phải chống lại việc hình thành quan hệ với Trung Quốc dưới hình thức cạnh tranh. Coi Trung Quốc như một đối thủ hay kẻ thù chỉ nuôi dưỡng lập trường chống phương Tây của Tập, và chẳng đóng góp gì cho việc đẩy mạnh hợp tác song phương mà chỉ làm suy yếu thêm địa vị của Mỹ mà thôi. Thay vào đó, Nhà Trắng phải đặc biệt theo dõi những diễn biến trong các chính sách của Tập, vận dụng những chính sách nào có thể tăng cường quan hệ với Trung Quốc và đẩy lùi những chính sách làm xói mòn các lợi ích của Mỹ. Đối diện với sự bấp bênh về tương lai của Trung Quốc, các nhà làm chính sách của Mỹ phải giữ thái độ linh động và nhanh nhạy.

ELIZABETH C. ECONOMY là Nhà Nghiên cứu cao cấp [trong chương trình vinh danh C.V. Starr] và là Giám đốc Ban Nghiên cứu châu Á tại Council on Foreign Relations

Nguồn: “China’s Imperial President. Xi Jinping Tightens His Grip”, Foreign Affairs tháng Mười Một/ tháng Mười Hai 2014

Bản tiếng Việt © 2014 Trần Ngọc Cư & pro&contra

Categories: Trung Quốc

Tags: