Tác giả

Danh mục

Trang

Châu Á của người Á Châu: Những lý do tại sao tình hữu nghị Nga-Hoa sẽ là bền vững

Th11 14, 2014

Gilbert Rozman

Trần Ngọc Cư dịch

Gần đây, Trung Quốc và Nga đã thách thức trật tự quốc tế bằng cách hậu thuẫn lẫn nhau trên mặt trận ngoại giao để đối phó vấn đề Ukraine và Hồng Kông, theo thứ tự tương ứng. Nhưng các quan sát viên phương Tây gần như đã hiểu lầm những lý do khiến hai nước phải xây dựng các quan hệ thân thiết với nhau hơn trước. Nga và Trung Quốc được thúc đẩy bởi các lợi ích vật chất mà hai nước chia sẻ thì ít, nhưng bởi một ý thức thông thường về cái căn cước dân tộc [national identity] thì nhiều. Cái bản sắc dân tộc này tự định hình trong cuộc đối kháng chống phương Tây và trong việc củng cố cách nhìn của mỗi nước về di sản của chủ nghĩa cộng sản truyền thống. Moscow và Bắc Kinh có những bất đồng về trật tự tương lai mà họ dự phóng cho khu vực riêng của mình. Nhưng cả hai đều nhất trí rằng trật tự địa chính trị phương Đông chắc chắn xung khắc với trật tự địa chính trị phương Tây – và chính điều này đã dẫn hai nước đến những quan hệ song phương gần gũi hơn trước một cách đáng kể.

Một số quan sát viên phương Tây đã nhấn mạnh quá đáng về các căng thẳng Trung-Xô trong thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời tranh luận rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow có thể vẫn còn thiếu bền vững vì những chuyển biến đã diễn ra bên trong hai nước từ thập niên 1990, kể cả tiến trình dân chủ hóa tại Nga, toàn cầu hóa tại Trung Quốc, và sự trỗi dậy nhanh chóng của một giai cấp trung lưu có khả năng tiếp cận thông tin bên ngoài tại cả hai nước. Về việc Trung Quốc và Nga xây dựng các quan hệ mới, các quan sát viên này tin rằng tình hữu nghị Nga-Hoa chỉ là một cuộc hôn nhân hờ [a marriage of convenience] sẽ bị các lợi ích quốc gia khác gạt qua một bên, trong đó phải kể đến các quan hệ hữu hảo với phương Tây.

Nhưng hầu hết người phương Tây không hiểu được rằng, kể từ những năm 1990, các quan chức Trung Quốc và Nga đã bắt đầu hối tiếc về những căng thẳng giữa hai nước trong thời Chiến tranh Lạnh. Họ hiểu rằng vấn đề tranh chấp được gây ra do thiếu sự trùng hợp lợi ích quốc gia thì ít, mà do bản sắc dân tộc thì nhiều – cái bản sắc dân tộc đã bị méo mó bởi các đòi hỏi ý thức hệ về quyền lãnh đạo thế giới cộng sản. Moscow phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi chờ đợi Bắc Kinh cam chịu quyền lãnh đạo của mình, chấp nhận vai trò của một đối tác đàn em. Lãnh đạo Trung Quốc không chấp nhận vai trò đó, vì điều ám ảnh duy nhất của họ là tính ưu việt của ý thức hệ Cộng sản Trung Quốc.

Các nhà làm chính sách của hai nước cương quyết không lặp lại các vấn nạn này. Mặc dù Trung Quốc đang ở trong vị thế là một đối tác nổi bật trong mối quan hệ này, nhưng họ đã tỏ ra tự chế. Các lãnh đạo tại Moscow và Bắc Kinh tránh để cho chủ nghĩa dân tộc bá quyền nước lớn [chauvinistic nationalism] lấn át lợi ích quốc gia của nhau trong một nỗ lực chung nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của phương Tây trong khu vực của mỗi nước.

Vì mục đích đó, chính phủ của hai nước chủ ý tập trung vào những chính sách đối ngoại nhắm tới việc triệt hạ chính nghĩa của phương Tây [Western legitimacy], đồng thời thận trọng không đưa ra những bình luận phê phán các tham vọng của nhau trong chính sách đối ngoại. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mô tả cái gọi là Giấc mộng Trung Hoa [China Dream] về một trật tự địa chính trị mới tại châu Á do các chính phủ trong khu vực tạo dựng nên – trong đó Bắc Kinh đóng một vai trò khống chế. Trong một cung cách tương tự, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rõ mục đích của mình là tạo ra một Liên minh Á Âu, trong đó các quan hệ giữa các quốc gia Xô-viết trước đây là do Moscow định đoạt. Nga và Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang thể hiện một não trạng hiếu chiến của thời Chiến tranh Lạnh bằng cách ra sức ngăn chặn tham vọng chính đáng của hai nước trong các khu vực ảnh hưởng của họ.

Ít ra có đến sáu lý do để tin rằng quan hệ đối tác ngầm này giữa Nga và Trung Quốc là bền vững. Một, Putin và Tập đã và đang dựa vào các ý thức hệ rất giống nhau để biện minh cho chế độ của mình. Cả hai đều nhấn mạnh niềm tự hào về thời đại xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa dĩ Hoa vi trung [Sinocentrism] hay chủ nghĩa dĩ Nga vi trung [Russocentrism] vốn đang tìm cách nới rộng trật tự chính trị trong nước ra bên ngoài, và chủ nghĩa chống bá quyền [anti-hegemonism]. Mặc dù chủ nghĩa dân tộc Nga có một tố chất bài ngoại [a strain of xenophobia] trong đó, từng tiếp sức cho lối tuyên truyền mị dân chống Trung Quốc trong những năm 1990, nhưng Putin đã hạn chế tối đa khía cạnh dân tộc chủ nghĩa này và tránh trực tiêp nhắc đến sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ý hệ dĩ Hoa vi trung [Sinocentrist ideology] có xu thế tương tự là nuôi dưỡng các căng thẳng với Nga – trong đó có việc thách thức các đòi hỏi chủ quyền của Nga tại Trung Á gồm lãnh thổ trước đây đã thuộc về Liên Xô. Nhưng các lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc đã cho thấy, trong các hội nghị và diễn đàn quốc tế, kể cả tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, rằng họ sẵn sàng bày tỏ sự tôn trọng [vùng] ảnh hưởng chính trị và văn hóa của Nga.

Hai, Trung Quốc và Nga đang tìm cách nêu bật những dị biệt lịch sử với phương Tây và nhấn mạnh chiến tuyến giữa họ với Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh. Sách báo bị nhà nước kiểm duyệt tại hai nước ít khi nhắc đến cuộc tranh chấp Trung-Xô trong Chiến tranh Lạnh. Mặc dù trước đây một số sử gia Trung Quốc đã nhìn nhận rằng Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ là do Bắc Triều Tiên xâm lăng Nam Triều Tiên, nhưng các sách giáo khoa mới nhất đồng loạt đổ lỗi cho Mỹ đã gây ra chiến tranh. Trong xu thế này, các nhà làm chính sách và các học giả trong cả hai nước gia tăng lập luận rằng phương Tây không bao giờ thay đổi não trạng đế quốc thời Chiến tranh Lạnh của mình. (Họ đưa ra bằng chứng bằng cách cáo buộc phương Tây đã hậu thuẫn cho cái gọi là các cuộc cách mạng màu tại Ukraine và Hồng Kông.) Luận điệu này ngụ ý là Trung Quốc và Nga vẫn phải tiếp tục chống lại ảnh hưởng của phương Tây và đóng góp cho việc kiến tạo một trật tự quốc tế mới.

Ba, cả hai nước đều lập luận rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 chứng tỏ rằng mô hình chính trị và kinh tế của phương Tây đang ở trên bờ thất bại và là kém ưu việt hơn các mô hình phát triển của họ (phần sau của tranh luận này có sức thuyết phục tại Trung Quốc nhiều hơn tại Nga.) Các lãnh đạo tại Bắc Kinh và Moscow đều không cho phép xã hội dân sự có điều kiện tạo ra một nguy cơ nào cho chế độ của mình, vì thế trong năm 2014 này đã ra tay đàn áp thô bạo hơn bất cứ thời điểm nào kể từ đầu thập niên 1990.

Bốn, cả Putin lẫn Tập đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các quan hệ song phương Nga-Hoa trong việc đối đầu với các mối đe dọa từ ngoài vào. Đây là một hệ luận [a corollary] của việc hai chính phủ đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của chủ nghĩa cộng sản, dù đó là một ý thức hệ đang thống trị (tại Trung Quốc) hay như một di sản lịch sử tích cực (tại Nga). Điều này làm hai nước không còn bao nhiêu đồng minh ý thức hệ ngoài việc chỉ còn có nhau [các đồng minh ý thức hệ khác là Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn – TNC] – và ta không có lý do để tin rằng điều này sẽ thay đổi trong một tương lai có thể thấy trước.

Năm, Nga và Trung Quốc đã thể hiện thành công một nỗ lực là đứng cùng một phe trong các tranh chấp quốc tế. Để khỏi xung đột công khai về các vấn đề khu vực, như các chính sách chủ quyền lãnh thổ và năng lượng của Việt Nam, cả Trung Quốc lẫn  Nga đều ngăn cấm việc bàn luận công khai các bất đồng quan điểm giữa hai nước, nhờ vậy giảm thiểu sức ép của dân chúng tại nước này đòi hỏi chính phủ phải lên tiếng phản đối nước kia. Đồng thời mỗi nước đều vác loa rêu rao mối đe dọa của Mỹ và đồng minh của Mỹ trong bất cứ tranh chấp nào liên quan tới một trong hai nước. Chiến dịch này có hiệu quả đến nỗi trong năm nay đôi khi khó phân biệt giữa sách báo Nga và sách báo Trung Quốc viết về cuộc khủng hoảng tại Ukraine hay các cuộc biểu tình tại Hồng Kông.

Sáu, hiện có những chiến dịch mà chính phủ hai nước đang tiến hành để đề cao bản sắc dân tộc. Putin và Tập đã vận dụng mọi nguồn lực có sẵn trong tay, kể cả chế độ kiểm duyệt gắt gao và cuộc tranh luận sôi nổi từ trên xuống dưới, để động viên cả nước hậu thuẫn một cuộc tuyên truyền chính trị inh ỏi nhằm biện minh cho các cuộc đàn áp ở trong và ngoài nước. Những kêu gọi này đã có hiệu quả vì chúng dựa vào những nỗi bất bình do lịch sử để lại và sử dụng luận điệu bá quyền nước lớn rất quen thuộc. Kết quả là, chủ nghĩa dân tộc đã trỗi dậy mạnh mẽ nhất tại hai nước kể từ điểm cao của Chiến tranh Lạnh.

Luận điệu của Trung Quốc trong việc hậu thuẫn các hành động của Putin tại Ukraine và luận điệu của Nga tán thành quan điểm của Tập về các vấn đề Đông Á không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên. Nói đúng ra, đó là một đặc điểm của một trật tự địa chính trị mới thời hậu Chiến tranh Lạnh. Chừng nào những nhà lãnh đạo chính trị chóp bu hiện nay tại Trung Quốc và Nga còn nắm giữ quyền lực, thì không có lý do gì để kỳ vọng một thay đổi lớn hoặc trong bản sắc dân tộc của hai nước hoặc trong quan hệ Nga-Hoa. Những nước hi vọng tạo ra sự chia rẽ giữa hai quốc gia – trong đó có Nhật Bản dưới Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe – chắc chắn sẽ thất vọng. Nói cách khác, không phải là chuyện ngẫu nhiên khi Mỹ không giành được hậu thuẫn của Trung Quốc trong nỗ lực chống chủ nghĩa bành trướng Nga tại Ukraine. Dù vấn đề là Bắc Triều Tiên, Iran, hay một thách thức nào khác đối với phương Tây, ta nên sẵn sàng chứng kiến có thêm nhiều cuộc đọ sức từ phía Nga-Hoa, chứ không hề giảm bớt.

___________

GILBERT ROZMAN là Phó Giảng viên tại Phân khoa Nghiên cứu Đông Á của Đại học Princeton. Sách mới nhất của ông là The Sino-Russian Challenge to the World Order (Thách thức Nga-Hoa đối với Trật tự Thế giới).

Nguồn: “Asia for the Asians. Why Chinese-Russian Friendship Is Here To Stay”, Foreign Affairs 29/10/2014

Bản tiếng Việt © 2014 Trần Ngọc Cư & pro&contra