Hiệu trưởng có vai trò gì?
Th3 27, 2014
Phùng Hi
Hiệu trưởng trường trung học phổ thông công lập bị bịnh hoặc bị đình chỉ, đóng cửa phòng làm việc ba tháng. Mọi hoạt động của trường vẫn cứ chạy đều trong khuôn khổ, có phần tốt hơn. Trò vẫn đi học, thầy cô vẫn đến lớp và tới tháng nhận lương. Chuyện này không lạ ở ViệtNamnên người ta ngạc nhiên đặt câu hỏi: Vậy hiệu trưởng có vai trò gì?
Vô hiệu vai trò của hiệu trưởng
Qui trình bổ nhiệm hiệu trưởng lâu nay là phải từ một hiệu phó đi lên. Hiệu phó trước đó là giáo viên chỉn chu, chắc chắn không giỏi chuyên môn, là đảng viên và học qua những lớp quản lý mà hồi giờ chưa nghe ai thi rớt.
Hằng năm, nhà trường lên khuôn công việc theo kế hoạch của Sở, Bộ hướng dẫn chi tiết. Tiền lương trả giáo viên, hiệu trưởng khỏi lo. Trang thiết bị dạy học, xây dựng phòng ốc do Sở Giáo dục bao thầu. Mỗi trường có từ hai đến ba hiệu phó, rồi chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn trường, các tổ trưởng bộ môn, tất cả đều đóng vai trò giúp việc hiệu trưởng, lo mọi hoạt động dạy, học và những vấn đề liên quan. Hơn hết, mỗi giáo viên đều tự chịu trách nhiệm cao, bởi công việc giảng dạy đối mặt với hơn 40 học sinh của lớp học. Học sinh luôn biết cách nhận xét, đánh giá thầy cô giáo rất sát sườn. Như vậy, vô hình trung vai trò của hiệu trưởng đã bị vô hiệu hóa.
Nếu trường học may mắn đặt nơi cư dân có truyền thống hiếu học, học sinh đỗ đạt cao, không ai nghĩ do công hiệu trưởng. Trường học bê bết lẹt đẹt ở tốp sau, hiệu trưởng cũng chẳng sứt mẻ “uy tín”, mọi sự đều có chỗ đổ thừa trơn tru, quá lắm thì chuyển đi làm hiệu trưởng một trường khác. Vai trò hiệu trưởng bỗng như núm vú của đàn ông, chẳng có tác dụng gì nhưng phải có để làm cảnh.
Thế nhưng nhiều hiệu trưởng không đủ bản lĩnh chấp nhận sự nhạt nhẽo nêu trên, tìm cách ăn rê với nhóm quyền lực của Sở, lên gân uy quyền, tác oai tác quái ra đủ thứ qui định, dẫn đến thiếu công bằng, bất hòa, kiện cáo. Vài giáo viên khiếp sợ hay nịnh hót gọi hiệu trưởng là “ông thầy” nghe rất đồng bóng, phiêu hốt. Ông thầy nói thế nọ, ông thầy bảo làm thế kia, không dám kêu tên sợ phạm húy. Khi hiệu trưởng chuyển đi, chính những giáo viên này nói: “Chả chỉ giỏi tán gái và tham nhũng vặt”.
Hiệu trưởng như cây kiểng
Nếu hỏi giáo viên: Chuyên môn ban đầu của hiệu trưởng trường anh là gì? Nhiều giáo viên sẽ ngớ ra, không biết. Đại loại câu trả lời có thể là:
“Từ khi tôi về trường, ông ấy đã là hiệu trưởng.”
“Tôi dạy học hơn mười lăm năm nay, hiệu trưởng vẫn là ông ấy.”
“Lão đến trường tôi làm hiệu trưởng khi đã là hiệu trưởng một trường khác.”
“Chỉ biết ổng dạy vài tiết môn giáo dục công dân để hưởng tiền phần trăm đứng lớp. Chẳng hiểu sao nhiều hiệu trưởng rất khoái dạy môn học này.”
“Ông thầy (tức hiệu trưởng) hay làm thơ, chịu chơi, nghệ sĩ tính. Có thể chuyên môn ông thầy là văn.”
Lương giáo viên có nhà nước trả. Giáo viên coi hiệu trưởng như là cần một người để tiếp khách, khoản đãi cấp trên, đi họp, báo cáo tổng kết, chỉ đạo xét thi đua v.v… toàn những việc chẳng tác động gì đến học tập, rèn luyện của học sinh. Lắm hiệu trưởng chỉ như một cây kiểng.
Vì đặc thù công việc nêu trên, một hiệu trưởng coi như chấp nhận được nếu thỏa mãn: không nói hớ hênh, không à ơ câu giờ trong buổi họp, không quên quyền lợi của giáo viên. Không ai đòi hỏi hiệu trưởng phải có tài năng nọ kia như làm thơ giỏi, đánh bida hay, uống bia tài, hát karaoke hết mình… Vậy mà nhiều hiệu trưởng tự hào: “Các món ăn chơi, mấy thầy ở trường tôi không ai qua mặt được tôi.”
Làm hiệu trưởng riết rồi quen, quen rồi dẫn tới nói dài, nói dai, nói dại. Công việc trở thành lối mòn, hiệu trưởng đâm chủ quan, hời hợt, ỷ lại. Hoạt động của hiệu trưởng được “chuyên nghiệp hóa” một cách không cần thiết.
Nghe tin hiệu trưởng nơi này nơi kia dính đúng hai tội, tham nhũng hoặc quan hệ bất chính, người ta ồ lên khoái trá.
________________
Tác giả Nguyễn Phi Hùng làm việc tại Trung tâm KTTH-HN huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.
© 2014 Phùng Hi &pro&contra
Categories: Giáo dục
Tags: Hiệu trưởng