Vài suy nghĩ nhỏ về cuộc chiến sau cuộc chiến
Th3 4, 2014
Trần Hoàng
Sau chiến tranh Việt Nam, tại nước Mỹ đã xuất hiện hàng loạt cuốn sách, bài báo, bộ phim tài liệu nói tới cuộc chiến này, tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến kết cục bi đát của nó. Nhưng không ở đâu việc nghiên cứu được tiến hành sâu rộng, nghiêm túc như ở Bộ Quốc phòng Mỹ. Chiến tranh Việt Nam là đề tài của hàng trăm, nếu không muốn nói hàng nghìn, công trình nghiên cứu, phân tích, luận án… trong các cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu, trường học thuộc Pentagon.
Giới chuyên gia chiến lược quân sự cơ bản thống nhất với nhau trong nhận định rằng một trong những yếu tố quyết định nhất dẫn đến thất bại của Mỹ trong cuộc chiến trên là sai lầm cơ bản trong cách hiểu, cách định nghĩa một cuộc chiến tranh. Trong khi phía Bắc Việt Nam luôn hiểu rõ, luôn bám sát chiến lược coi cuộc chiến tranh “thống nhất đất nước” của họ là một cuộc chiến toàn diện, cả về mặt quân sự, tư tưởng, chính trị, tuyên truyền, ngoại giao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục…, phải được huy động lực lượng tham gia từ tất cả các tầng lớp, giới chức, nghề nghiệp, thành phần trong nhân dân – tức là một cuộc chiến tranh tổng lực – thì người Mỹ và đồng minh của họ ở miền Nam Việt Nam hầu như chỉ chú trọng tới lĩnh vực quân sự, hoặc là bỏ qua, hoặc không quan tâm đúng mức tới các lĩnh vực khác, có quá nhiều lơi là trước hết là trong tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật…, thậm chí ngay cả trong lĩnh vực chính trị.
Nếu mở rộng cách nhìn nhận chiến tranh tổng lực theo phương diện địa lý thì để đảm bảo thắng lợi, bất kỳ một cuộc chiến tranh nào cũng phải được tiến hành tại mọi nơi, mọi địa điểm, quốc gia và khu vực có thể có liên quan. Nơi đây ẩn chứa nguyên nhân thất bại thứ hai, không kém phần nghiêm trọng của người Mỹ: các nhà lãnh đạo nước này không quan tâm đúng mức tới công tác chính trị, tuyên truyền, giải thích về các hoạt động can thiệp quân sự, chính trị của nước Mỹ ở cái quốc gia nhỏ bé nằm ở châu Á xa xôi kia cho chính người dân nước họ, vì thế không những họ không được ủng hộ của công luận, mà ngược lại, trở thành mục tiêu công kích, phản đối, đấu tranh của các phong trào chống chiến tranh tại Mỹ có sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, trước hết là của thế hệ trẻ. Thất bại ở Việt Nam vì thế có thể được hiểu là kết quả của áp lực chính trị-xã hội trong nội bộ nước Mỹ.
Sẽ không bàn luận ở đây về việc người Mỹ đã áp dụng những bài học kinh nghiệm rút ra được từ chiến tranh Việt Nam trong các cuộc chiến sau này như chiến tranh Iraq, Afghanistan… ra sao. Nhận thức chiến tranh tổng lực có thể giải thích tại sao mọi cuộc chiến tranh có tính xâm lược đều khó có thể giành được thắng lợi; công tác tuyên truyền chính trị trong người dân nước bị chiếm đóng là hầu như không thể giải quyết được.
Mở rộng ra, không chỉ các cuộc chiến tranh mà mọi cuộc đấu tranh, mọi cuộc cách mạng đều cần phải có tính tổng lực để đảm bảo thành công. Điều này cũng đúng cho phong trào đấu tranh dân chủ hiện nay ở Việt Nam. Hoạt động đấu tranh phải được tiến hành trong mọi lĩnh vực, chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, ngoại giao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, thậm chí không gạt lĩnh vực quân sự ra ngoài. Cần có sự tham gia của mọi tầng lớp, giới chức trong nhân dân. Ai có mặt mạnh gì thì hoạt động trong mặt đó, người nông dân thì giữ đất, giữ ruộng cày; các nhà chuyên gia chính trị, xã hội, hay kinh tế phê phán đường lối, chính sách của nhà nước cộng sản, liên hệ, tìm kiếm và huy động áp lực từ quốc tế và nước ngoài; các nhà hoạt động xã hội tiếp xúc, giúp đỡ, tập hợp, tuyên truyền người dân; giới văn nghệ sĩ thì sáng tác truyện, thơ, đồng dao, vè, sấm…; người họa sĩ thì vẽ tranh; người thầy giáo, trong chừng mực cho phép, truyền đạt cho học sinh những kiến thức cần thiết, v.v.; mỗi người góp một phần sức. Ai không biết làm gì cụ thể thì dùng… võ mồm cũng tốt; mọi lời nói, suy nghĩ đều không mất đi mà không để lại gì, đều có tác động, hiệu quả nhất định. Niềm tin cũng rất quan trọng: mặc dù tình hình Việt Nam ngày nay u ám, chúng ta luôn tin tưởng là sẽ có thay đổi tốt đẹp trên đất nước chúng ta.
Chỉ xin đưa ra đây một thí dụ nhỏ: giá có ai giúp Hiệp hội Dân oan Việt Nam đang hình thành vẽ ra biểu tượng hay lập bài hát cho hội thì hay biết mấy. Dân ta được cho là thông minh, nếu để ý tìm tòi chắc chắn sẽ có nhiều sáng kiến hay, ý tưởng tốt hơn nữa để tăng thêm sức sống cho phong trào dân chủ. Nguyễn Trãi ngày xưa còn dùng mật và mỡ để truyền “ tin trời” kia mà! Tất nhiên là phương pháp, phương tiện càng có tính quần chúng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc thì càng tốt.
Các hoạt động, hiệp hội, tổ chức thiết nghĩ nên chú trọng tới chính sách đối ngoại (tiếp xúc với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, liên lạc, kết nghĩa với các hiệp hội, tổ chức tương tự ở các nước khác…) ngoài chính sách đối nội.
Hoạt động đấu tranh của kiều bào ở nước ngoài là rất đáng trân trọng, rất cần thiết, có thể cổ vũ sức lực, tinh thần, giúp quảng bá cho phong trào trong nước, xây dựng và tăng cường sức ép của các chính phủ nước ngoài tới chính phủ Việt Nam.
Tiếp đến, cho dù mục tiêu hàng đầu và trước mắt hiện nay là đấu tranh giành dân chủ ở Việt Nam, cũng không nên hoàn toàn chỉ chăm chút tới vấn đề này. Có lẽ là phải tính xa hơn một chút, cũng phải chú ý tới việc chuẩn bị tinh thần, trí tuệ và sức lực trước hết cho công cuộc tiếp nhận quyền lực vào tay lực lượng dân chủ và sau đó cho các bước đi tiếp theo.
Các bài học lịch sử cho thấy để công cuộc cách mạng, đấu tranh hay chiến tranh giành được thắng lợi là khó, nhưng để giữ được thành quả và đi bước tiếp cũng không kém phần khó khăn hơn chút nào. Điều này có thể được chứng minh bằng rất nhiều thí dụ, trong đó có thể kể đến diễn biến chính trị vô cùng phức tạp ở Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945, hay ở Campuchia sau thắng lợi quân sự của Việt Nam trong Chiến tranh Tây Nam, ở Afghanistan sau can thiệp quân sự của Liên bang Xô-viết, ở Iraq sau thắng lợi quân sự của Lực lượng Đa Quốc gia đứng đầu là Mỹ , ở Afghanistan sau can thiệp của NATO và đồng minh, ở Tunisia sau Cách mạng Hoa Nhài hay ở Libya sau thắng lợi của các cuộc biểu tình nổi dậy của quần chúng nhân dân năm 2011 v.v.. Trong những ngày này, chúng ta chia vui với nhân dân Ukraina đã thành công trong việc lật đổ chế độ độc tài, nhưng cũng cảm thông, sẵn sàng ủng hộ tinh thần cho họ vì biết họ đang đứng trước một công cuộc không kém phần khó khăn, quyết liệt, trong đó họ (tức là người dân) có thể không còn trực tiếp nắm kiểm soát hay tham gia quyết định nữa. Chỉ thắng lợi tiếp theo trong công cuộc này mới thực sự đảm bảo cho họ cơ hội được hưởng thụ những thành quả dân chủ mà họ xứng đáng nhận được sau những cống hiến, hy sinh trong công cuộc cách mạng.
Công việc phải giải quyết đầu tiên sau thắng lợi trong mỗi cuộc cách mạng là chuyển giao quyền lực. Đó là một quá trình vô cùng phức tạp, vô cùng tinh vi, với hậu quả sâu rộng khó lường; nhất là đối với các nước mới thoát khỏi vòng kìm kẹp của chế độ cộng sản, phải đương đầu trước sức mạnh của thể chế cũ có lực lượng rộng khắp, có thế, lực tiềm ẩn và có lợi thế về mọi mặt, lại sẵn độ khôn ngoan và không nề hà thủ đoạn. Bên thắng cuộc đứng trước một lượng vô hạn những công việc và chọn lựa phức tạp, mỗi lựa chọn đều tiềm ẩn nhiều bất lợi và nguy hiểm: làm thế nào để khôi phục, đảm bảo trật tự xã hội (trong tình trạng gần như vô chính phủ), thành lập chính phủ lâm thời với những thành phần nào, có đại diện của cộng sản hay không, có giải tán quốc hội hay không, có tạm thời tiếp nối hiến pháp và pháp luật hay không, những việc nào cần có trưng cầu dân ý, những việc gì cần phải chờ quốc hội mới, những việc gì chính phủ lâm thời phải giải quyết ngay, áp dụng thể chế chính trị nào (tổng thống, hay đại nghị, hay hỗn hợp), tổ chức tổng tuyển cử và bảo đảm tính dân chủ trong bầu cử như thế nào, những luật định nào cần phải được ưu tiên sửa đổi hay thay thế trước v.v. và v.v.. Quá trình chuyển giao quyền lực tóm lại là cuộc chiến sau cuộc chiến và không có gì chắc chắn là bên thắng cuộc sẽ một lần nữa lại thắng cuộc. Vì thời gian lúc đó không ủng hộ, rất cần thiết để có mường tượng trước về những công việc phải làm, tính toán và cân nhắc những tình thế có thể xảy ra, cũng có các hướng giải quyết nhất định; nếu vừa làm vừa tính thì hậu quả có thể sẽ vô cùng tai hại, khó có thể sửa chữa được.
Đó là chưa nói đến các bước đi tiếp trong công cuộc cải cách chính trị, xã hội và kinh tế.
Tôi có anh bạn là giáo viên, ông này lấy vợ muộn, tính hài hước, hay có những so sánh, liên tưởng rất thú vị. Bàn về vấn đề này ông ấy nhận xét: “Cái này cũng như việc lấy vợ, lấy được rồi mà không cẩn thận thì có mà khổ, có mà nhục, có mà ăn cám…”
Nhìn nhận thấy những khó khăn, phức tạp, nguy hiểm trong quá trình chuyển giao quyền lực sau mỗi thay đổi chế độ không nên cho chúng ta có bi quan: “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, mà chỉ lưu ý chúng ta phải có một cái nhìn hiện thực, có tinh thần chuẩn bị sẵn sàng.
Tôi tin chắc rằng những suy nghĩ trên đã được nhiều người trong chúng ta cân nhắc tới, để tâm tới và đã có đường hướng giải quyết thỏa đáng. Được như vậy thì không còn gì bằng và có thể hoàn toàn yên tâm dẹp bỏ ý nghĩ không mấy lạc quan: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”.
© 2014 Trần Hoàng & pro&contra
Categories: Chính trị Việt Nam