Tác giả

Danh mục

Trang

Đọc lại những lời chúc Tết của Hồ Chủ tịch

Th1 31, 2014

Phạm Thị Hoài

Từ 1946 cho đến khi qua đời, mỗi năm Hồ Chủ tịch đều có lời chúc Tết. Có lẽ ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên trong lịch sử Việt Nam làm điều đó. Tổng cộng những lời chúc Tết này, 24 cái Tết, trích từ bộ Hồ Chí Minh toàn tập (2000), gồm 65 văn bản. Phần thơ chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, phần chính còn lại là thư, lời kêu gọi, điện văn, diễn văn, bài nói chuyện, lời cảm ơn.

Hai năm đầu 1946 và 1947, hai năm chênh vênh, phức tạp và bề bộn công việc nhất trong sự nghiệp đứng đầu chính quyền của Hồ Chí Minh, lại là thời gian ông chăm chỉ lên tiếng nhất. Năm 1946, ngày mồng Một dương lịch ông gửi một bức thư cho đồng bào toàn quốc và một bức thư chúc Tết Việt kiều Lào, Xiêm. Tiếp đó, trước Tết nguyên đán, ông gửi thư cho thanh niên và nhi đồng; ra thêm một bài báo kêu gọi nhân dịp Tết; làm một bài thơ Tết mừng một tờ báo tư nhân, báo Quốc gia [1]; và đúng ngày mồng Một âm lịch ông gửi một bức thư chúc mừng năm mới. Ngoài ra ông còn có thơ gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp Xuân Bính Tuất và có lời cảm ơn đồng bào đã gửi quà Tết, tổng cộng là tám văn bản. Năm 1947 ông còn tích cực hơn, ra tới chín văn bản, cả dịp năm mới dương lịch lẫn Tết Nguyên đán. Giai đoạn dồi dào nhiệt tình kết thúc ở đó. Năm 1948, Hồ Chủ tịch chỉ có một bài thơ tám câu chúc Tết Mậu Tý, loại thơ năm chữ. Năm 1949 tăng lên được bốn văn bản, rồi từ đó đi vào ổn định ở số lượng tối đa là ba, nhiều năm chỉ có một.

Những năm kháng chiến ở Việt Bắc, Hồ Chủ tịch rất chú trọng Tết nguyên đán, không một năm nào bỏ qua. Từ khi chính phủ về lại Hà Nội trở đi, Tết ta hầu như không còn vai trò nữa, các “thông điệp đầu năm” của ông đều phát vào dịp năm mới dương lịch. Điều này không thể là ngẫu nhiên. Tết nguyên đán thuộc văn hóa cổ truyền. Những người cộng sản thuở ấy thấy mình đại diện cho một ý thức hệ tiên tiến, quyết xây dựng tương lai bằng cách đoạn tuyệt với tất cả những gì sinh ra trước họ. Trong nhãn quan ấy, Tết nguyên đán chỉ là tàn dư sót lại từ một quá khứ lỗi thời. Tết cộng sản thời chiến, nhiều nhà còn không khói hương. Cùng với những biến chuyển khác mà chúng ta sẽ thấy sau đây, việc thay đổi thời điểm chúc Tết cũng đánh dấu lộ trình đầy hoạch định của ông Hồ, từ lãnh tụ giải phóng dân tộc ở Việt Bắc đến lãnh tụ cộng sản ở Hà Nội. Toàn bộ trước tác của ông, thành tựu trong bộ Toàn tập, là khối tư liệu rành rọt về lộ trình này. Ông là một nhà ái quốc nồng nàn thế nào thì cũng là một người cộng sản nhiệt thành thế ấy. Năng khiếu đặc biệt của ông là biết lúc nào cần diễn tư cách nào. Những ai bây giờ vẫn muốn biện hộ cho một Hồ Chí Minh cộng sản bằng một Hồ Chí Minh yêu nước nên thận trọng xem xét năng khiếu diễn xuất ấy.

Cho đến Tết Giáp Ngọ 1954, ở chiến khu, Hồ Chủ tịch luôn “thay mặt chính phủ” hoặc đôi khi “thay mặt Chính phủ và Đoàn thể” nói với quốc dân. Ông không bao giờ nhắc đến Đảng, tức Đảng Cộng sản Đông Dương đã chính thức giải tán ngày 11-11-1945 để xuất hiện trở lại tháng 2 năm 1951 với tên Đảng Lao động Việt Nam, với ông là Chủ tịch Đảng. Đúng ngày 1-1-1955, ông đọc một “Diễn văn chúc mừng năm mới trong dịp lễ mừng Trung ương Đảng và Chính phủ về Thủ đô”, trong đó lần đầu tiên ông nghiễm nhiên phát ngôn “thay mặt Đảng và Chính phủ“, để từ đó trở đi sẽ lặp lại thông lệ mới này. Cụm từ “Đảng và Chính phủ” hay sau này là “Đảng và Nhà nước“, đúng theo trình tự Đảng đứng trước Nhà nước đứng sau, từ đó sẽ trở thành chuẩn mực trong ngôn ngữ chính trị Việt Nam. Chưa bao giờ tôi được nghe một lí giải thấu đáo nào về mặt thủ tục hay cơ sở pháp lí cho bước nhảy từ một chính đảng không chính thức tồn tại, không chính thức có mặt trong chính phủ, thành một chính đảng độc quyền cầm quyền, đứng trước hay đứng trên chính phủ này. Đó là chưa kể lời tuyên bố trịnh trọng ngày 31-10-1946 của Hồ Chí Minh: “Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam“.

Về nội dung, những lời chúc Tết của Hồ Chủ tịch càng không cho phép một hoài nghi nào về con đường cộng sản của cuộc cách mạng do ông lãnh đạo. Sau một khúc dạo đầu ngắn ngủi năm 1946, trong đó “quyền dân chủ của đồng bào” còn được ông đặt ngang hàng với “nền độc lập của Tổ quốc“, từ 1947 trở đi cái phông màn quyền dân chủ của đồng bào ấy được dọn nhanh vào hậu trường, nhường hẳn chỗ cho chủ đề kháng chiến giành lại độc lập, mỗi năm một nấc mới, năm nay “chuẩn bị tổng phản công“, năm sau “chuyển mạnh sang tổng phản công“. Năm 1954, vị Chủ tịch bổ sung thêm chủ đề cải cách ruộng đất. Cho đến năm 1957, ông còn kể cho quốc dân nghe chuyện hai phe trên thế giới, trong đó phe ta là “phe dân chủ và yêu chuộng hòa bình“. Từ 1958 trở đi, ông bắt đầu gọi hẳn phe ta là “phe xã hội chủ nghĩa“, Việt Nam (miền Bắc) nằm trong “đại gia đình xã hội chủ nghĩa” và cho đến khi qua đời ông chỉ có hai chủ đề trọng tâm: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và giải phóng miền Nam chống Mỹ cứu nước.

Nhưng điều thú vị nhất đối với tôi khi theo dõi mạch những lời chúc Tết của Hồ Chủ tịch là giọng văn và phong cách. Tôi không chắc chắn rằng tất cả 65 văn bản này đều do ông đích thân viết ra. Cách đây không lâu tôi còn được biết rằng bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng của ông mà tôi khâm phục có thể do một người khác hay một nhóm người chấp bút. Với tất cả các thông tin về Hồ Chí Minh, chúng ta phải tính đến mọi khả năng bất ngờ, kể cả khả năng ông không phải là chính ông. Song dù thế nào, căn cứ trên những văn bản mặc định ông là tác giả, điểm mấu chốt có thể nhận ra là tính chất tuyên giáo ở đó mỗi năm một sâu đậm và lên dần đến đỉnh cao. Càng về sau, những lời chúc Tết của Hồ Chủ tịch càng không khác gì những “xã luận đầu năm” nhàm chán mà ta quá quen thuộc ở tất cả các nhà lãnh đạo Việt Nam sau ông, với những công thức hô hào đoàn kết, kêu gọi thi đua, hứa hẹn thành công và chúc thắng lợi muôn thuở. Chúng giống nhau tới mức không ai, kể cả ban biên tập bộ Toàn tập, nhận ra rằng “Lời chúc mừng năm mới” trên 1300 chữ của ông năm 1961 là nguyên xi “Lời chúc mừng năm mới” cũng của ông ba năm trước, năm 1958, chỉ khác nhau vài chữ [2]. Đọc Hồ Chí Minh toàn tập tôi thường xuyên giật mình, như thể các tác giả “chống diễn biến hòa bình” của Quân đội Nhân dân cùng các tác giả xã luận của Nhân dân tề tựu cả ở đó để bồi dưỡng nghiệp vụ. Ông Hồ chứ không ai khác chính là nguồn sản xuất khuôn mẫu cho ngôn ngữ tuyên giáo chính thống. Tất cả những lập luận và cách diễn đạt đã ăn sâu vào xương tủy của nền tuyên giáo cách mạng đều nợ ở ông bản quyền. Muốn giải phóng người Việt khỏi ngôn ngữ, tư duy và cảm xúc tuyên giáo này, phải bắt đầu ở cha đẻ của nó.

Từ “dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ” và “toàn Đảng, toàn dân“, “kiên quyết thi hành” và “ra sức phấn đấu“, “kiên quyết chống âm mưu” và “tỉnh táo đề phòng“, “nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang” và “quyết tâm làm tròn nhiệm vụ“… đến “tăng cường đoàn kết nhất trí trên cơ sở tư tưởng Mác – Lênin, nhận thức đúng đắn về tình hình và nhiệm vụ. Nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật” và “nâng cao cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì hoà bình, dân chủ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội“… tất cả đều là những lời chúc Tết của Hồ Chủ tịch sau này. Thật khó hình dung rằng ông cũng chính là người trong những năm đầu cầm quyền và trong kháng chiến từng viết những lời như sau:

Trong mấy ngày Tết, đồng bào ở hậu phương ai cũng đoàn tụ sum vầy chung quanh những bình hoa, mâm bánh. Mà các chiến sĩ thì ăn gió nằm mưa, lạnh lùng ở chốn sa trường. Song, hình dung các bạn thì ấm áp trong lòng thân ái của mỗi một quốc dân.” (Thư chúc mừng năm mới, 1946)

hay đoạn văn này:

Trong ngày trời xuân tươi ấm, Tết nhất vui vẻ, đại gia đình Việt Nam ở vùng tự do sum họp vui vầy, để tưởng nhớ đến tổ tiên và hân hoan cùng con cháu, tôi ngậm ngùi nghĩ đến đồng bào.

Cũng ngày tốt lành, trời Nam đất Việt, mà các đồng bào phải riêng chịu sự lạnh lùng, nhục nhã, cơ cực, tức buồn dưới gót sắt lũ quỷ thực dân tàn bạo.

Mắt tôi như trông thấy các cụ tuổi cao tóc bạc đang đau xót, tức giận trước một cảnh tượng điêu tàn.

Mắt tôi như trông thấy những gia đình túng thiếu khổ sở, đã vất vả về vật chất, càng cay đắng về tinh thần.

Mắt tôi như trông thấy các cháu nam nữ thanh niên đau xót, hoặc bị truỵ lạc, hoặc bị giày vò, đang ngóng đợi ngày mai tươi sáng.

Mắt tôi như trông thấy các cháu nhi đồng, đang run rẩy bồi hồi như những đàn chim con bị mưa sa gió bão.” (Thư chúc Tết đồng bào trong vùng tạm bị địch chiếm, 1949)

Hồ Chủ tịch chưa bao giờ không là một nhà tuyên truyền, thậm chí một nhà tuyên truyền lão luyện, song những lời vừa dẫn là một giọng văn khác, một phong cách khác. Nó toát lên một không khí mà tôi muốn gọi là không khí đầu thế kỉ, với thần thái cổ kính, đôi khi cổ lỗ, còn sót lại của một thời văn hóa Việt nho phong sĩ tử, trộn với hương vị hiện đại và lạ hóa của một thời văn hóa Việt Tây học, cái không khí mà những nhà văn, nhà báo Việt Nam tài năng nhất nửa đầu thế kỉ 20 đã hít thở: Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Phạm Quỳnh, Nam Cao, Phan Khôi, Nguyễn Tuân… Nó cho thấy một con người thay vì một cái loa phóng thanh. Con người ấy từng gửi lời cảm ơn đồng bào đã tặng mình “cam, mứt, bánh chưng, dưa cải, mùi soa“. Từng thổ lộ với các cháu nhi đồng rằng “Bác không có quà Tết biếu các cháu, Bác chỉ gửi các cháu nhiều cái hôn“, ở một chỗ khác còn là “nhiều cái hôn âu yếm” và ở một chỗ khác nữa còn là những cái hôn “rõ kêu“. Từng hỏi thăm chiến sĩ, “Các em ăn Tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ? Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên cũng không ai nỡ ăn Tết” và động viên, “Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Cính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn luôn ở bên cạnh các em“… Hơi quá nhiều riêng tư, ủy mị. Cuộc cách mạng mà ông lãnh đạo rồi sẽ nhanh chóng chỉ cho phép một cảm xúc chủ đạo: tập thể anh hùng ca. Nên câu thơ ngẩn ngơ “Độc lập đầy vơi ba cốc rượu” Tết năm đầu sự nghiệp lãnh tụ của Hồ Chủ tịch cũng dần nhường chỗ cho trường phái thơ khẩu hiệu Tết, hô “Xung phong” và “Tiến lên”. Thật may mắn là sau Hồ Chủ tịch, các nguyên thủ quốc gia Việt Nam không còn làm cái gọi là “thơ chúc Tết” nữa.

Phụ lục: Toàn văn những lời chúc Tết của Hồ Chủ tịch 1946-1969 (bản PDF)

© 2014 pro&contra


[1] Theo thông tin tôi tìm được trên mạng, tờ Quốc gia khi đó có trụ sở ở 67 Cửa Nam và Tổng Biên tập là ông Lê Quang Thiều.

[2] Chẳng hạn “đòi hòa bình, thống nhất nước nhà” thay vì “đòi thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình“.