Tác giả

Chuyên mục

Trang

Những lưu ý về dân chủ hóa từ Samuel P. Huntington (2)

Th12 18, 2013

Phạm Hồng Sơn biên soạn

Kì 1 – Những vấn đề cơ sở

B. Năm bộ hướng dẫn cho các nhà dân chủ hóa

I. Bộ số 1: dành cho các nhà cải cách dân chủ hóa nằm trong chính quyền độc tài ở dạng thức Chuyển hóa [i]

1. Xây dựng và giữ vững cơ sở chính trị (political base). Nhanh nhất có thể đưa ngay các nhân vật ủng hộ dân chủ hóa vào các vị trí chủ chốt trong chính phủ, đảng và quân đội.

2. Duy trì tính chính đáng hồi cố. Thực hiện các thay đổi thông qua các thủ tục đã có của chính thể độc tài và trấn an các nhân vật cứng đầu bằng những nhượng bộ tượng trưng, tuân thủ chiến thuật “hai bước tiến một bước lùi”.

3. Từng bước gia tăng sự ủng hộ cho bản thân sao cho giảm dần sự phụ thuộc vào bộ phận cầm quyền chống cải cách và mở rộng cơ sở ủng hộ theo hướng các nhóm đối lập ủng hộ dân chủ.

4. Luôn sẵn tinh thần đối phó với các hành động cực đoan của nhóm cứng đầu hòng chặn đứng thay đổi (ví dụ: âm mưu lật quyền,…). Kể cả việc có thể phải dùng thủ thuật khích nhóm cứng đầu hành động như thế rồi ra tay dẹp bỏ (cách ly, làm mất uy tín các nhân vật cực đoan chống cải cách.)

5. Nắm và kiểm soát vững vàng mọi cơ hội, ý tưởng then chốt trong tiến trình dân chủ hóa. Chỉ hành động trên thế chủ động, áp đảo. Không bao giờ được áp dụng cải tiến dân chủ chỉ để thỏa mãn áp lực từ các nhóm đối lập cực đoan.

6. Không nuôi kỳ vọng quá lớn cho dư luận. Phải thể hiện làm sao để công luận thấy được tầm quan trọng nằm ở việc tiến trình cải cách phải được tiếp tục hơn là vẽ ra cho họ những thành quả dân chủ mỹ mãn xa vời.

7. Khích lệ các nhóm đối lập có trách nhiệm, ôn hòa – những nhóm được xã hội (kể cả quân đội) có thiện cảm chấp nhận như một giải pháp thay thế trong tương lai.

8. Phải tạo dựng được một cảm giác chung rằng dân chủ hóa là tiến trình tự nhiên và tất yếu trong quá trình phát triển, kể cả khi vẫn còn một số bộ phận không mong muốn.

II. Bộ số 2: Dành cho các nhà dân chủ hóa ở phía đối lập trong dạng thức Thay thế-lật đổ [ii]

1. Tập trung chú ý vào tính bất chính đáng hoặc tính chính đáng bất minh của chính thể độc tài – điểm yếu nhất của chính thể. Tấn công vào các vấn đề gây bất bình rộng lớn như tham nhũng, sự tàn bạo. Nhưng, nếu hiệu năng của chính quyền còn tốt (đặc biệt là về kinh tế) thì những tấn công đó sẽ không hiệu quả. Song, một khi hiệu năng của nó bị suy thì việc làm nổi lên tính bất chính đáng sẽ là đòn bẩy quan trọng duy nhất trong việc phế truất nó.

2. Giống như các lãnh đạo dân chủ, các lãnh đạo độc tài cũng có những hiềm khích, bất hòa với bộ phận đã từng ủng hộ họ. Phải khuyến khích những nhóm bất mãn như thế ủng hộ dân chủ như một giải pháp thay thế cho chính thể hiện tại. Phải hết sức nỗ lực thu nạp các doanh nhân cao cấp, giới trung lưu, các nhân vật ảnh hưởng về tôn giáo, các lãnh đạo chính trị, kể cả những nhân vật đã tham gia tạo dựng và duy trì chính thể độc tài. Hình ảnh của phía đối lập càng có sắc thái “đáng tôn trọng” và có “trách nhiệm” thì khả năng thu nhận thêm được sự ủng hộ càng lớn.

3. Vận động, gây thiện cảm, cải hóa, chuẩn bị tinh thần dân chủ cho giới tướng lĩnh. Vì như đã phân tích, chế độ sụp đổ hay không phụ thuộc vào thái độ của quân đội (ủng hộ hay phản đối hay trung lập), vì vậy sự ủng hộ của quân đội rất quan trọng khi khủng hoảng xảy ra. Nhưng điều quí vị cần nhất là quân đội không muốn bảo vệ chế độ nữa.

4. Phải thực hành và truyền bá tinh thần bất bạo động. Đó là một trong những nguyên tắc quan trọng để có thể thu phục lực lượng an ninh: binh lính, cảnh sát không bao giờ có thiện cảm với những người ném chai xăng, gạch đá vào họ.

5. Tận dụng mọi cơ hội để thể hiện sự đối lập với chính thể, kể cả tham gia vào những cuộc bầu cử do chính quyền tổ chức.

6. Xây dựng các liên hệ với giới báo chí quốc tế, các tổ chức nhân quyền quốc tế, các hiệp hội liên quốc gia như các tổ chức tôn giáo. Đặc biệt, cần huy động sự ủng hộ từ Hoa Kỳ. Các dân biểu liên bang Hoa Kỳ luôn tìm các phong trào, sự kiện có tính đạo đức để gia tăng hình ảnh cho bản thân họ và kình địch với giới hành pháp. Cần giới thiệu và cung cấp cho họ các tài liệu, hình ảnh về phong trào và các hoạt động của quí vị.

7. Tăng cường tình đoàn kết giữa các nhóm đối lập. Hãy nỗ lực tạo ra những tổ chức, cơ chế điều phối chung để gia tăng sự hợp tác giữa các nhóm. Đây là một vấn đề nan giải. Hãy lưu ý: các lãnh đạo độc tài thường là các tay lão luyện trong việc gây chia rẽ cho đối lập. Một phép thử tài năng lãnh đạo dân chủ của quí vị là khả năng vượt qua được các khó khăn đó và đảm bảo được sự đoàn kết cho các nhóm đối lập. Hãy nhớ lời Gabriel Almond: “Lãnh đạo vĩ đại là người tạo được liên minh rộng lớn.”

8. Phải chuẩn bị để lấp được thật nhanh khoảng trống quyền lực do sự sụp đổ của chế độ độc tài tạo ra. Bằng cách: đưa ngay lên nhà lãnh đạo có thiên hướng dân chủ, có tài biểu đạt, và được quần chúng thiện cảm; nhanh chóng tổ chức bầu cử để tạo tính chính đáng cho chính quyền mới; và xúc tiến xây dựng ngay tính chính đáng trên trường quốc tế bằng các quan hệ, tương tác với các tổ chức liên quốc gia, Hoa Kỳ, EU và giáo hội Công giáo. Cần chú ý: trong số các đối tác đồng minh của quí vị cũng có những thành phần muốn dựng lên một chính thể độc tài mới; quí vị cần âm thầm chuẩn bị, tổ chức những người ủng hộ dân chủ để đối phó thành công với ý tưởng phản dân chủ đó.

(Myron Weiner cũng đưa ra những lời khuyên tương tự trong trường hợp này: 1. Phải huy động được sự phản kháng chính thể độc tài ở mức độ rộng lớn và bất bạo động. 2. Tìm kiếm ủng hộ từ bộ phận trung dung và, nếu cần, cả từ cánh hữu thủ cựu. 3. Kìm chế bộ phận tả, không để họ áp đảo, kiểm soát phong trào. 4. Vận động giới quân nhân. 5. Tạo được thiện cảm từ giới truyền thông phương Tây và Hoa Kỳ. – Emperical Democratic Theory and the Transition from Authoritarianism to Democracy, PS 20, 1987, trang 866.)

III. Bộ số 3

Bộ 3a: dành cho các nhà dân chủ hóa nằm trong chính quyền độc tài ở dạng thức Hóa thế [iii]

1. Tuân thủ bộ hướng dẫn số 1 (dành cho chuyển hóa). Trước tiên phải cách ly và làm suy yếu các phần tử cứng đầu (1a), rồi củng cố sự vững chắc của quí vị trong chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị.

2. Như bộ hướng dẫn số 1 đã chỉ, quí vị cũng phải chủ động nắm vững và kiểm soát được mọi cơ hội, biến động trong tiến trình và cần nhượng bộ chủ động, gây bất ngờ cho cả phía đối lập và nhóm cứng đầu nhưng không bao giờ được nhượng bộ vì bị đối lập ép buộc công khai.

3. Phải đảm bảo có được sự bảo trợ từ các tướng lĩnh hàng đầu hoặc từ các lãnh đạo an ninh cao cấp cho việc tiến hành đối thoại, đàm phàn.

4. Hãy làm tất cả những gì có thể để gia tăng vị thế, thẩm quyền và củng cố tính chất ôn hòa của đối tác quan trọng phía đối lập đang thực hiện đàm phán với quí vị.

5. Xây dựng các kênh tiếp xúc tin cậy, kín đáo “sau sân khấu” với các lãnh đạo đối lập để bàn về các vấn đề quan trọng bậc nhất.

6. Nếu đàm phán thành công, quí vị gần như đã ở bên phía đối lập. Quan tâm hàng đầu lúc này là phải tạo được các đảm bảo, an toàn cho các quyền của bên đối lập và các nhóm có liên đới với chính quyền độc tài (ví dụ, quân đội). Tất cả mọi thứ khác đều nên giải quyết trên tinh thần đàm phán.

Bộ 3b: dành cho các nhà dân chủ hóa ở phía đối lập trong dạng thức Hóa thế [iv]

1. Sẵn sàng tinh thần để huy động lực lượng ủng hộ khi các cuộc biểu tình có khả năng làm suy yếu nhóm cứng đầu (1a) trong chính quyền độc tài. Nhưng nếu liều lượng tuần hành, biểu tình quá nhiều lại có nguy cơ gia tăng sức mạnh cho nhóm cứng đầu, làm yếu vị thế của nhóm chủ xướng đàm phán trong chính quyền và làm giới trung lưu lo ngại về bất ổn, rối loạn.

2. Hãy ôn hòa, tiết chế. Cần ứng xử như những chính khách.

3. Sẵn sàng tinh thần để đối thoại và, khi cần, nhượng bộ trên mọi vấn đề, trừ việc tổ chức bầu cử tự do và công bằng. [v]

4. Quí vị cần thừa nhận một thực tế là xác suất chiến thắng của quí vị vẫn cao trong các cuộc bầu cử ban đầu do chính quyền tổ chức và việc quí vị không tham gia sẽ gây thêm nhiều phức tạp cho việc điều hành của quí vị sau này.

Bộ 3c: dành cho các nhà dân chủ hóa ở cả hai phía, đối lập và chính quyền độc tài, trong dạng thức Hóa thế [vi]

1. Điều kiện chính trị thuận lợi cho việc đàm phán để chuyển đổi thể chế không bao giờ kéo dài hay chờ đợi. Hãy nắm ngay lấy cơ hội có thể và nhanh chóng cùng giải quyết những vấn đề hệ trọng.

2. Phải ý thức được tương lai chính trị của quí vị và của cả đối tác của quí vị phụ thuộc hoàn toàn vào việc có đạt được thỏa thuận về sự chuyển đổi sang dân chủ không.

3. Phải làm tắt được các yêu sách (trong nội bộ của quí vị) có nguy cơ trì hoãn đàm phán hoặc đe dọa tới lợi ích chính yếu của đối tác đàm phán.

4. Phải tin tưởng thỏa thuận mà quí vị đạt được là giải pháp khả dĩ duy nhất; những nhóm cứng đầu (1a) và cực đoan (2a) có thể lên án, phản đối nhưng họ không có khả năng đưa ra được giải pháp khác có sự ủng hộ rộng rãi.

5. Mỗi khi băn khoăn, không chắc chắn, hãy thỏa hiệp.

IV. Bộ số 4: dành cho việc xử lý các tội ác của chính thể độc tài [vii]

1. Nếu chuyển đổi ở dạng thức chuyển hóa hoặc hóa thế, quí vị đừng cố truy tố các quan chức độc tài vì những xâm hại nhân quyền trước đây của họ. Tổn phí chính trị của những hành động như thế sẽ lớn hơn bất cứ giá trị gì đạt được.

2. Nếu là thay thế-lật đổ và nếu quí vị cảm thấy việc truy tố là cần thiết về chính trị và đúng đắn về đạo đức, thì hãy truy tố nhanh gọn các lãnh đạo cao nhất của chính thể độc tài (tốt nhất là trong năm đầu tiên của chế độ mới). Và quí vị phải cho mọi người hiểu rõ: cấp trung và thấp của chế độ cũ sẽ không bị truy tố.

3. Hãy tạo dựng một cơ chế để có thể tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách thấu đáo và bình tĩnh các tội ác đã xảy ra trong thời độc tài.

4. Quí vị phải nhận thức được rằng cả hai giải pháp “truy tố và trừng phạt” hay “tha thứ rồi quên đi” đều có những khiếm khuyết nghiêm trọng và giải pháp ít mất lòng nhất có thể là: đừng truy tố, đừng trừng phạt, đừng tha thứ và trên hết, đừng quên lãng.

V. Bộ số 5: dành cho việc kiểm soát quân đội và xây dựng quân đội chuyên nghiệp [viii]

1. Phải nhanh chóng đưa ra ngoài hoặc cho về hưu tất cả các sỹ quan có nguy cơ thay lòng, kể cả các nhân vật từng ủng hộ mạnh nhất cho độc tài lẫn các nhân vật có tư tưởng cải cách có thể đã từng giúp quí vị. Nhóm thứ hai này thường chóng chán dân chủ và thích can dự vào chính trị.

2. Trừng phạt nặng tay các tướng lĩnh dám âm mưu lật đổ chế độ mới, “sát nhất nhân vạn nhân cụ” [ix].

3. Hệ thống chỉ huy và trách nhiệm trong quân đội phải được củng cố và làm cho thật rõ ràng. Loại bỏ mọi điểm mập mờ, bất thường và khẳng định rõ tổng chỉ huy quân đội thuộc về nghạch dân sự – người đứng đầu chính quyền.

4. Cắt giảm mạnh số lượng quân ngũ. Một quân đội đã từng vận hành chính quyền thường có qui mô quá lớn và có quá nhiều sỹ quan.

5. Nếu giới sỹ quan còn tại ngũ cảm thấy thiếu thốn, khó khăn, hãy dùng ngân sách tiết kiệm được từ cắt giảm quân ngũ để tăng lương, thêm trợ cấp, cải thiện cuộc sống cho họ. Các phí tổn đó sẽ được bồi hoàn hậu hĩnh bằng những thành công khác.

6. Hãy hướng lực lượng quân đội vào các nhiệm vụ quốc phòng. Một lý do rất hợp lý là cần phải giải quyết xung đột với ngoại bang. Thiếu vắng mối đe dọa từ nước ngoài dễ làm cho quân đội của quí vị mất đi sứ mạng chính đáng cao cả và khiến họ lãng tâm nhiều hơn sang lĩnh vực chính trị. Cần phải cân bằng cho được giữa các lợi ích từ việc không có mối đe dọa từ bên ngoài với các thiệt hại từ bất ổn nội tại.

7. Đồng thời với việc định hướng cho quân đội vào các mục tiêu quân sự, phải cắt giảm mạnh lực lượng quân đội đóng tại hoặc gần thủ đô. Điều chuyển số đó về vùng biên hoặc tới những nơi xa xôi, vắng người.

8. Cấp cho quân đội đồ để chơi. Mua cho họ xe tăng, máy bay, xe bọc thép, súng pháo đời mới, hấp dẫn và các thiết bị điện tử cao cấp (tàu chiến không quan trọng lắm, còn hải quân thì không làm đảo chính được). Các quân nhân sẽ sung sướng và bận bịu (phải nghiên cứu, phải học cách dùng…) với những thứ đó. Khi quí vị biết chơi tốt những lá bài kiểu như thế và tạo được ấn tượng tốt đẹp ở Washington, quí vị sẽ có thể chuyển được nhiều chi phí sang cho những người đóng thuế ở Mỹ. Ngoài ra, quí vị còn nhận được thêm một điều lợi: cảnh báo giới quân nhân phải xử sự cho đúng nếu muốn tiếp tục có những đồ chơi như thế, vì các nhà lập pháp Mỹ không mấy thiện cảm với việc quân đội can dự vào chính trị.

9. Binh lính, giống như mọi người, đều thích được thích. Hãy tận dụng mọi cơ hội để gắn bó hình ảnh của quí vị với các quân nhân. Dự các sự kiện, các buổi lễ của quân đội; trao tặng huy chương cho họ; ca ngợi binh sỹ như biểu tượng cho những giá trị cao cả nhất; và nếu phù hợp với hiến pháp, hãy xuất hiện trong một bộ đồ lính.

10. Tổ chức và duy trì một tổ chức chính trị có khả năng huy động lực lượng ủng hộ tràn ra đường phố của thủ đô bất kỳ lúc nào có hành động đảo chính.

(The Economist, ra ngày 29/08/1987, cũng đưa ra một số tư vấn cho các lãnh đạo của chế độ dân chủ mới trong việc xử sự với quân đội: 1. Hãy tha thứ những lỗi lầm cũ hoặc ít nhất không cố trừng phạt,… 2. Phải tự tin và khéo léo,… 3. Hành xử đại lượng,… 4. Làm cho họ bận bịu,… 5. Giúp, dạy họ tôn trọng dân chủ,… 6. Kéo họ về phía bạn – nhưng đừng hứa hẹn nhiều hơn khả năng có thể của bạn,… 7. Nếu tất cả những điều trên không hiệu quả, giải tán quân đội.)

(Còn 1 kì)

© Phạm Hồng Sơn & pro&contra

 


[i] Trang 141-142.

[ii] Trang 149-151.

[iii] Trang 162.

[iv] Trang 162.

[v] Bản thân Huntington cũng cảnh báo khiếm khuyết của điểm (bầu cử) này. Một học giả khác trẻ hơn của Hoa Kỳ, Fareed Zakaria, đã phê phán điểm này rất kỹ trong bài luận The Rise of Illiberal Democracy (1997) (bản tiếng Việt: Sự trỗi dậy của các nền dân chủ phi tự do)  hoặc trong sách The Future of Freedom (2003).

[vi] Trang 162-163.

[vii] Trang 231.

[viii] Trang 251-252.

[ix] Nguyên văn: Ruthlessly punish the leaders of attempted coups against your new government, pour décourager les autres.