Tác giả

Danh mục

Trang

Lộng giả thành chân – Những điều tốt lành về nền kinh tế hàng nhái của Trung Quốc

Th7 14, 2013

Kal Raustilia và Christopher Sprigman

Trần Ngọc Cư dịch

Dẫn nhập

Một điều khá nghịch lý là bài tiểu luận này được viết bởi hai chuyên gia về luật sở hữu trí tuệ Mỹ, nhưng gần như để biện minh cho hiện tượng các doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc đã và đang ào ạt sao chép sản phẩm phương Tây một cách công khai với sự khuyến khích của chính quyền Bắc Kinh. Và cũng là điều đáng suy nghĩ khi cuốn The Knockoff Economy: How Imitation Sparks Innovation của Raustilia và Sprigman xuất hiện giữa bối cảnh các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang gặp trở ngại vì những mâu thuẫn giữa Mỹ và các đối tác tiềm năng của Mỹ về quyền sở hữu trí tuệ. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là liệu Mỹ có cần nhượng bộ hay không trong lãnh vực quyền sở hữu trí tuệ để có thể thực hiện một liên minh kinh tế nhằm quân bình lực lượng với ảnh hưởng kinh tế-chính trị của Trung Quốc.

Một điểm đáng tranh luận khác là quan hệ giữa lao động và sáng tạo. Để khai thác giá nhân công rẻ tại thế giới đang phát triển, đặc biệt tại Trung Quốc, nhiều công ty phương Tây chủ yếu là Mỹ đã đưa hoạt động chế tạo (manufacturing) ra nước ngoài, tạo nên một sự cách ly giữa lao động và sáng tạo ngay chính trong công ty cũng như trên đất nước của mình. Do đó, một câu hỏi khác cần đặt ra là, làm sao người phương Tây đặc biệt là Mỹ vẫn tiếp tục phát huy sáng kiến của mình về các sản phẩm khi họ không còn trực tiếp tham gia vào tiến trình chế tạo các sản phẩm đó? Ý kiến cho rằng Hoa Kỳ là “một xã hội có tinh thần phát minh cao” có lẽ đúng với thế kỷ 20 hơn là với thế kỷ 21, khi Trung Quốc vận dụng những nhà máy của các công ty nước ngoài như những trường thực hành cho công nhân bản địa, giành lấy cơ hội “vừa học vừa làm”, vừa sao chép vừa sáng tạo, của người Mỹ trước đây.

Người dịch

_______________

Không ai biết chắc tại sao một số xã hội có nhiều sáng kiến hơn những xã hội khác. Hoa Kỳ là một xã hội có tinh thần phát minh cao, là nơi phát sinh một loạt công nghệ – máy bay, bom hạt nhân, Internet – đã biến đổi thế giới. Trái lại, Trung Quốc hiện đại lại thường bị chỉ trích về nạn sao chép tràn lan các phát minh và tác phẩm sáng tạo nước ngoài. Từng là quê hương của thuốc súng, công nghệ in, và nhiều phát minh khác làm biến đổi xã hội, Trung Quốc ngày nay nổi tiếng hơn các nước khác về hàng nhái gần như đủ mọi sản phẩm mà ta có thể tưởng tượng được: xe hơi, áo quần, máy vi tính, thức ăn nhanh, dược liệu, thậm chí nguyên cả những ngôi làng châu Âu. Hoa Kỳ cho ra đời chiếc iPhone, thì Trung Quốc cho ra đời chiếc HiPhone – bản sao rẻ tiền của một thiết bị có tính đột phá của Mỹ.

Một số người thấy được gốc rễ văn hóa sâu xa của nạn sao chép tràn lan tại Trung Quốc. Nhưng một quan điểm thông thường hơn thì cho rằng, Trung Quốc không có phát minh vì nước này thiếu những biện pháp mạnh mẽ và vững bền để bảo vệ sở hữu trí tuệ. Nhiều luật gia và chuyên gia kinh tế tin tưởng rằng quyền sở hữu trí tuệ là thiết yếu vì chúng đảm bảo rằng phần thưởng kinh tế của phát minh sẽ thuộc về người phát minh. Lý luận này cho rằng, nếu không có những biện pháp bảo vệ như thế, hàng nhái sẽ phá giá và qua mặt hàng gốc. Việc này sẽ gây nên tình trạng khan vốn đầu tư trong lãnh vực phát minh. Lý luận cơ bản là rất dễ hiểu: công việc phát minh bền vững cần đến những luật sở hữu trí tuệ nghiêm khắc, và những nước quá rộng lượng đối với việc sao chép sản phẩm sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Và vì trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, việc sao chép diễn ra ở nước ngoài có thể gây tai hại giống hệt như việc sao chép diễn ra ở trong nước, lý luận này cũng làm cơ sở cho một loạt hiệp định quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ, mà hầu hết những quốc gia quan trọng đều phê chuẩn, trong đó có Hiệp định của WTO về các Khía cạnh Quyền Sở hữu Trí tuệ Liên quan đến Mậu dịch, được phê chuẩn năm 1994, và nhiều hiệp định song phương thậm chí còn nghiêm khắc hơn nữa, mà nhiều quốc gia đã ký kết kể từ thời điểm đó.

Là thành viên của WTO, Trung Quốc có bổn phận phải theo đúng những qui chế này. Nhưng sự tuân thủ của Trung Quốc còn nằm dưới chuẩn quá xa, khiến Washington luôn bực bội. Tường trình với báo chí tại Nhà Trắng vào tháng Hai năm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Robert Hormats gọi việc các hãng và các cá nhân Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ  tràn lan là “một vấn đề nghiêm trọng và rất đáng lo lắng”. Mặc dù những con số ước tính thiệt hại do việc Trung Quốc vi phạm tác quyền gây ra cho nền kinh tế Mỹ khác nhau quá xa và thay đổi theo giả định, nhưng Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ ước tính rằng chỉ nội trong năm 2011, số thiệt hại lên gần 50 tỉ Mỹ kim.

Đối với giới làm chính sách và lãnh đạo Mỹ, qui mô và phạm vi của nạn làm hàng nhái tại Trung Quốc có thể nói là tồi tệ; nhưng còn tồi tệ hơn nữa, đó là việc nó được khuyến khích bởi một chính sách công khai mệnh danh là “sáng kiến bản địa”. Theo một văn kiện hoạch định chính sách được chính phủ Trung Quốc đưa ra năm 2006, sáng kiến bản địa bao gồm “việc làm tăng giá trị của sáng kiến nguyên thủy thông qua việc đồng-phát kiến (co-innovation) và tái-phát kiến (re-innovation) dựa vào việc hấp thụ công nghệ nhập khẩu”. Thật là chính đáng, khiWashingtonxem văn kiện này như một cách Bắc Kinh bật đèn xanh cho việc vi phạm tác quyền. Chính phủ Hoa Kỳ coi việc kiềm chế nạn sao chép sản phẩm tại Trung Quốc là tối cần thiết, đã thúc đẩy Trung Quốc phải thay đổi đường lối – và kiện Trung Quốc trước WTO.

Nhưng sự lo lắng và giận dữ của Mỹ về việc Trung Quốc vi phạm tác quyền được đặt không đúng chỗ. Sao chép không phải là cái nạn dịch ghê gớm mà các lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà chính trị Mỹ thường cố tình vẽ ra. Thật vậy, sao chép không luôn luôn xung khắc với sáng kiến, mà thường là một phần quan trọng của sáng tạo. Dù việc sao chép có mặt tai hại, nhưng nó cũng có mặt hữu ích. Gần như tất cả mọi sáng tạo đều phải dựa vào công trình của người đi trước, và việc có thể tự do sao chép và cải tiến những thiết kế hiện có sẽ tiếp sức cho nhiều lãnh vực khác nhau như thời trang, tài chính và công nghệ phần mềm.

Đối với các công ty và cá nhân Trung Quốc, sao chép có những lợi ích không thể cưỡng nổi, vượt khỏi việc đơn thuần là bán giá rẻ hơn các công ty cạnh tranh phương Tây. Nhiều người Trung Quốc đã tiếp thu những kỹ năng thiết kế và chế tạo quí giá bằng cách sao chép những hàng hóa nguyên thủy sản xuất ở nước khác. Kết quả của việc bắt chước này là những sản phẩm và dịch vụ vừa túi tiền, cho phép hàng triệu người Trung Quốc được hưởng những cái bề ngoài dễ chịu của một xã hội tiêu thụ. Và của cải được tạo ra do việc vi phạm tác quyền đã góp phần vào sự tăng trưởng của một giai cấp trung lưu Trung Quốc đang trỗi dậy, giai cấp tiêu biểu cho một vựa tiềm năng vĩ đại gồm những khách hàng mới cho các công ty phương Tây bán hàng thật.

Vì những lý do này, bất cứ một chính sách hợp lý nào đối với nền kinh tế hàng nhái của Trung Quốc đều phải bắt đầu bằng nhận thức thấu đáo rằng sao chép và sáng tạo có liên hệ mật thiết với nhau và rằng việc sao chép là một lực vừa tốt vừa xấu. Vì việc sao chép của Trung Quốc vừa mang lại những lợi ích vừa gây ra những thiệt hại, đồng thời nếu xét đến sự đề kháng mang tính lịch sử của Trung Quốc trước sức ép phương Tây, chúng ta sẽ đối diện một thực tế là, cố gắng thúc đẩy Trung Quốc thay đổi chính sách và cách hành xử là không xứng đáng với vốn liếng chính trị và ngoại giao mà Hoa Kỳ đang tiêu phí vì nỗ lực này.

HÀNG GIẢ CÓ THỰC CHẤT

Để hiểu rõ việc sao chép và phát kiến cùng tồn tại như thế nào tại Trung Quốc ngày nay,  chỉ cần nhìn vào Xiaomi (Tiểu Mễ), một trong những công ty công nghệ tăng trưởng nhanh nhất của Trung Quốc. Hoạt động chưa được bốn năm, Xiaomi đã bán được gần bảy triệu chiếc smartphone (điện thoại thông minh) và thu vào hơn mười tỉ yuan (tương đương 1,6 tỉ Mỹ kim) – những con số đầy ấn tượng đối với một công ty bán ra chiếc smartphone đầu tiên của mình vào tháng Tám 2011. Những chiếc điện thoại của Xiaomi trông quen thuộc vì nhiều thiết kế của công ty này bắt chước gần giống chiếc iPhone của Apple. Và thiết kế không phải là gợi ý duy nhất mà Xiao lấy từ Apple. Trong một buổi ra mắt sản phẩm gần đây, Lei Jun (Lôi Quân), người đứng đầu Xiaomi, đứng một mình trên sân khấu trong chiếc sơ mi đen, quần jean, và giày sneaker Converse đen – một hình ảnh quen thuộc đối với bất cứ ai đã từng thấy Steve Jobs, người sáng lập và là tổng giám đốc quá cố của Apple, giới thiệu sản phẩm mới tại một hội nghị Macworld [ở San Francisco]. Thông điệp của Lei thật rõ ràng: điện thoại của Xiaomi cũng tuyệt vời như điện thoại của Apple. Người tiêu thụ Trung Quốc như cá cắn câu, vui vẻ chấp nhận sản phẩm của Xiaomi, không hề có ảo ảnh về nguồn gốc của chúng: như một sinh viên Đại học Thượng Hải đã nói với The New York Times gần đây: “Xiaomi làm hàng giả có thực chất (the real fake)”.

Tuy vậy, thành công của Xiaomi cũng dựa vào sự thể là công ty này không giống hẳn Apple. Ít ra nó cũng có một đặc điểm là, giá tiêu biểu của điện thoại do Xiaomi sản xuất chỉ bằng một nửa giá của đối thủ. Một điểm khác còn quan trọng hơn nữa, Xiaomi có một thái độ rất khác đối với việc phát minh. Apple có tiếng là sử dụng phương pháp tiếp cận đóng kín (closed approach) đối với việc phát triển sản phẩm. Công ty này tin tưởng rằng nó biết khách hàng mình muốn gì trước khi chính họ biết được điều này, do đó tiến trình thiết kế của Apple mang tính độc đoán. Trái lại, tiến trình thiết kế của Xiaomi hoàn toàn dân chủ. Cứ mỗi thứ sáu, Xiaomi đưa ra một loạt tin cập nhật phần mềm cho hệ điều hành di động của mình, một hệ thống dựa trên phần mềm nguồn mở Android của Google. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ sau đó, hàng ngàn người sử dụng ào ạt vào diễn đàn trực tuyến của Xiaomi để đề xuất những đặc điểm, chức năng, và thiết kế mới, cũng như phát hiện và giải quyết các lỗi phần mềm. Xiaomi đã dựa vào sự góp ý của người sử dụng để định dung lượng bộ nhớ cần được cài đặt trên điện thoại của mình, tầm quan trọng của chiều dày chiếc điện thoại đối với người sử dụng, và định xem điện thoại Xiaomi có nên cho phép người sử dụng chụp hình mà khỏi bấm nút hay không. Mặc dù Lei có thể ăn mặc giống Jobs, nhưng ông đã điều hành công ty mình rất khác.

Xiaomi không phải là công ty duy nhất vừa bắt chước vừa sáng tạo của Trung Quốc. Weibo (Vi Bác), dịch vụ mạng xã hội nổi tiếng nhất của nước này, có hàng trăm triệu người sử dụng. Công ty này xuất hiện năm 2009 như một phiên bản của Twitter không thèm che giấu. Từ đó đến nay, nó đã thêm vào nhiều đặc điểm để phân biệt mình với Twitter, bao gồm một hệ thống có tính tương tác cao hơn để người sử dụng cho ý kiến. Người ta có thể tranh luận rằng những cải tiến như thế làm cho Weibo trở nên có nhiều chức năng, và thích thú, hơn cả dịch vụ mà nó đã sao chép.

Một hàng nhái khác của Trung Quốc cộng thêm nhiều giá trị hơn nguyên bản là Youku (Ưu Khốc)– công ty này chỉ là một trong nhiều phiên bản Trung Quốc của YouTube. (Youku có thể dịch là “tuyệt vời”.) Khác với YouTube, Youku cho phép người sử dụng đưa lên mạng những video có chiều dài không hạn chế và khỏi cần chứng minh bản quyền. Điều này có nghĩa là Youku có khả năng làm máy chủ cho hàng trăm ngàn giờ lên chương trình bất hợp lệ. Nhưng dịch vụ này cũng hợp tác với hơn 1500 nhà cung cấp nội dung chuyên nghiệp để đưa đến người sử dụng những video hợp lệ, và dịch vụ Trung Quốc này còn đi xa hơn đối thủ Mỹ của mình rất nhiều trong việc cung cấp nội dung gốc. Thật vậy, Youku đã xuất hiện như một đối thủ nghiêm chỉnh của ngành truyền hình truyền thống tại Trung Quốc — một thắng lợi mà YouTube phải ganh tị.

CỨ SAO CHÉP VÔ TƯ

Quan niệm thông thường là sai lầm khi cho rằng phát kiến và bắt chước tự bản chất là xung khắc nhau. Trong một cung cách tương tự, quan niệm này cũng sai lầm khi chủ trương rằng Hoa Kỳ phải đi theo một đường lối rất cứng rắn để chặn đứng nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc. Thật vậy, đường lối nặng tay củaWashingtonđối với văn hoá hàng nhái của Bắc Kinh là quá thô bạo và phản ánh một quan điểm ngây ngô về sáng kiến. Đường lối này cũng không có khả năng thành công, vì Hoa Kỳ khó khắc phục được những động cơ mạnh mẽ đã thúc đẩy những công ty và cá nhân Trung Quốc phải tùy thuộc vào việc sao chép sản phẩm nước ngoài.

Các công ty chế tạo Trung Quốc chiếm được thị phần (market share) tại Trung Quốc và những nước khác bằng cách cống hiến những phiên bản giá rẻ của các sản phẩm phương Tây. Qua quá trình sao chép, những công ty này vừa học vừa làm, thu thập những kỹ năng cần thiết để cải thiện các tiến trình sản xuất và sau cùng tự mình có thể sáng chế. Tự do sao chép cũng có một tầm ảnh hưởng xã hội quan trọng tại Trung Quốc. Một sản phẩm phụ nghiêm trọng do sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của nước này là tình trạng bất bình đẳng đang tăng vọt. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Tài chính-Kinh tế Tây Nam, tại Thành Đô, cho thấy rằng Trung Quốc hiện nay là một trong những xã hội bất bình đẳng nhất trên trái đất. Hệ số Gini của Trung Quốc là 0,61 – hệ số Gini là một thước đo bất bình đẳng kinh tế, với số không (0) chỉ tình trạng bất bình đẳng ít nghiêm trọng nhất và số một (1) chỉ tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng nhất. Chỉ số đó đã đặt Trung Quốc ngang hàng vớiBotswanavàHaitinếu xét về tình trạng bất bình đẳng. Đây là một công thức dẫn đến bất mãn xã hội nghiêm trọng, nhất là khi giới nghèo khổ tại Trung Quốc ngày càng trông thấy những tiện ích mà xã hội tiêu thụ đương đại có thể cống hiến.

Điều này giúp ta hiểu được hiện tượng shanzhai (sơn trại) độc đáo Trung Quốc. Dịch theo nghĩa đen, shanzhai nghĩa là “đồn lũy trong núi” hay “sào huyệt của bọn cướp”. Nhưng theo cách dùng hiện nay, shanzhai chỉ hàng nhái giá rẻ, như các toà nhà (kể cả những ngôi làng Trung Âu dỏm mọc lên ở các vùng ngoại ô Trung Quốc), các cửa hàng (như các cửa hàng Apple dỏm tại Côn Minh bán sản phẩm Apple thật nhưng được tân trang lại) và thậm chí cả các sự kiện (chẳng hạn cuộc rước đuốc Olympic dỏm mà dân chúng các vùng quê Trung Quốc tổ chức khi cuộc rước đuốc chính thức đi qua miền của họ). Nhưng cũng như nhiều thứ khác ở Trung Quốc, ý nghĩa của shanzhai đang thay đổi sâu sắc. Như nhật báo The Wall Street Journal nhận xét gần đây: “Trước đây nó là một từ dùng để chỉ một cái gì rẻ tiền hay kém chất lượng, ngày nay đối với nhiều người, shanzhai nói lên một trình độ khôn ngoan khéo léo nhất định của người Trung Quốc”. Thật vậy, Bắc Kinh tỏ ra tin tưởng rằng shanzhai là một cái gì cần nuôi dưỡng. Năm 2009, một quan chức của Cục Bản quyền Quốc gia Trung Quốc tuyên bố rằng “shanzhai biểu lộ óc sáng tạo văn hóa của người dân bình thường”. Ông nói thêm, “Nó đáp ứng một nhu cầu thị trường, do đó dân chúng thích nó”. Tất nhiên, văn hóa shanzhai ở một mức độ nào đó cũng thích hợp với nhận thức sau đây: Chính quyền Trung Quốc hi vọng rằng sự tự do sao chép tương đối này có thể giúp làm nhẹ bớt hoặc chí ít che đậy hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng  khoét sâu tại Trung Quốc.

Nhưng việc làm hàng nhái được dung dưỡng, và thậm chí có người cho rằng được khuyến khích bởi chính quyền Trung Quốc, không nhất thiết là một tai họa đối với các doanh nghiệp phương Tây. Dân số khổng lồ của Trung Quốc vẫn còn nghèo, và ít ai có thể mua sắm hàng hóa phương Tây. Do đó, hàng nhái  sản phẩm phương Tây không nhất thiết biểu hiện sự mất mối (lost sales). Thay vì như vậy, chúng thường đóng chức năng quảng cáo hữu hiệu cho hàng gốc (the originals): những sản phẩm mở đường này, về lâu dài, có khả năng thúc đẩy nhu cầu đòi hỏi hàng thật khi giai cấp trung lưu hiện đang đâm chồi của Trung Quốc trở nên lớn mạnh. Chẳng hạn, một số tiệm bánh mì xăng-đuýt Trung Quốc đang sao chép dáng vẻ và món ăn của chuỗi Subway, một công ty bán thức ăn nhanh của Mỹ. Các lãnh đạo Subway, một cách khôn ngoan, không phản ứng quá đáng. Alexander Moody Stuart, giám đốc quản lý của chuỗi hàng ăn nhanh này, gần đây đã nói với The Wall Street Journal rằng đối với một thương hiệu phương Tây như Subway, đang ra sức tạo ý thức quần chúng về một loại thức ăn mà người Trung Quốc không quen ăn, “việc nhái lại (mimicking) không hẳn là một điều xấu”. Trong một thị trường khổng lồ nhưng phần lớn chưa được khai thác như Trung Quốc, việc dân chúng tiếp xúc với sản phẩm (exposure) và viễn ảnh tăng trưởng của các loại hàng thật trong tương lai có thể khuynh loát được thị phần to lớn của hàng giả ngày nay. Và mặc dù sản phẩm shanzhai được người mua ca ngợi, nhưng những người Trung Quốc nào có điều kiện thì thường mua sản phẩm gốc.

Không lãnh vực nào minh họa bản chất nghịch lý của hàng nhái Trung Quốc rõ nét hơn các loại hàng xa xỉ. Theo phân tích năm 2012 của công ty tư vấn Bain & Company, cái đất nước đã một thời ép buộc công dân mình phải mặc áo kiểu Mao đã trở thành thị trường xa xỉ phẩm lớn nhất thế giới, thậm chí qua mặt cả Hoa Kỳ. Thị trường này không chỉ bán túi xách và các phụ kiện. Theo tin tức gần đây của Beijing Review, vào năm 2012, hãng Bentley Motors bán ra thế giới 8.510 chiếc xe, thì có đến 2.253 chiếc được bán tại Trung Quốc, biến thị trường này thành thị trường lớn thứ hai của thương hiệu. Thậm chí đối với cả Apple, lãnh địa của HiPhone vẫn còn sinh lãi: doanh thu của Apple tại Trung Quốc trị giá gần 25 tỉ Mỹ kim một năm, chỉ đứng sau doanh thu của nó tại Hoa Kỳ. Hơn nữa, Trung Quốc là nơi duy nhất trên thế giới mà lượng hàng bán ra của Apple đã gia tăng vào quí đầu năm 2013.

Như vậy, kinh tế hàng nhái Trung Quốc – đôi khi được cải thiện dọc đường – cho phép đưa sản phẩm đến tận tay người dân trung bình tại đây và trong tiến trình này giúp Trung Quốc và các công ty Trung Quốc có khả năng phát triển và cạnh tranh ngắn hạn. Còn về lâu dài, việc công khai sao chép sản phẩm nước ngoài có thể tạo nhu cầu đối với các sáng kiến phương Tây. Như Bill Gates, một trong hai người sáng lập Microsoft và không được coi là người có quan điểm khoan dung về quyền sở hữu trí tuệ, đã nói đến việc Trung Quốc sao chép các sản phẩm phần mềm bằng phát biểu nổi tiếng sau đây: “Chừng nào mà họ có ý định ăn cắp phần mềm, chúng tôi muốn họ ăn cắp phần mềm của chúng tôi. Rồi họ sẽ bị ghiền, và sau đó chúng tôi sẽ tìm cách thâu tiền ở một thời điểm nào đó trong thập kỷ tới”.

 NHỮNG TÊN CƯỚP GỘC

Có lẽ điều quan trọng nhất cần phải nhận thấy về nền kinh tế hàng nhái của Trung Quốc là, chính bản thân nền kinh tế này là một bản sao [của một mô hình đi trước]. Khi Hoa Kỳ mới bắt đầu vươn tới địa vị giàu có và quyền lực trong lịch sử, nước này cũng là một quốc gia chuyên vi phạm tác quyền (a pirate nation) giống hệt như Trung Quốc ngày nay. Vào các thế kỷ 18 và 19, Vương quốc Anh là mục tiêu hàng đầu của đạo tặc Mỹ, tức những gián điệp kinh tế tập trung nỗ lực vào công nghiệp hàng dệt nước Anh. Các doanh nhân Mỹ tìm cách sao chép các thiết kế bí mật của Anh để chế tạo khung cửi và xây dựng nhà máy, và chính phủ Hoa Kỳ đứng ở thế sẵn sàng để giúp đỡ họ.

Cũng như tại Trung Quốc hiện nay, phát minh qua việc bắt chước (imitative innovation) là chính sách nhà nước (official policy): luật pháp ban đầu của Mỹ cấm các nhà phát minh nước ngoài lấy bằng sáng chế tại Hoa Kỳ về những phát minh mà họ đã được cấp bằng tại những nơi khác, và những rào cản đáng kể vẫn còn tồn tại cho đến những năm sau cùng của thế kỷ 19. Luật bản quyền Hoa Kỳ lúc bấy giờ cũng tương tự như luật Trung Quốc hiện nay, công khai từ chối bất cứ sự bảo vệ nào đối với tác giả nước ngoài. Mãi cho đến năm 1891, lệnh cấm này mới được bãi bỏ, và thậm chí lúc bấy giờ, các tác giả nước ngoài vẫn còn bị buộc phải in sách của họ tại Hoa Kỳ như một điều kiện để được bảo vệ bản quyền. Mãi cho đến thập niên 1980, đòi hỏi này mới hoàn toàn biến mất khỏi luật pháp Mỹ. Người thụ hưởng nổi tiếng nhất của những luật bản quyền này là Benjamin Franklin – ông tái xuất bản tác phẩm của các nhà văn Anh mà không hề xin phép họ hoặc trả tiền tác quyền cho họ. Người Anh đã khiển trách người Mỹ thậm tệ về đường lối sao chép này; Charles Dickens phản ánh sự bức xúc của những nhà văn Anh nổi tiếng khác khi ông than thở về “cái công lý tuyệt vời không hề cho tôi hưởng lấy một đồng xu do việc người Mỹ bán một lượng sách khổng lồ gồm tất cả mọi tác phẩm của tôi”.

Tuy vậy, trường hợp của Dickens cũng chứng minh sự vi phạm tác quyền đôi khi cũng có lợi cho tác giả như thế nào. Việc người Mỹ sao chép rộng rãi các tác phẩm của ông khiến nhiều người biết đến tên ông, biến Dickens thành một siêu sao văn học ở Hoa Kỳ. Vào thời điểm 1867 – 68, Dickens thực hiện một vòng diễn thuyết hoành tráng tại nước này, thu vào hơn 19.000 bảng Anh, hay tương đương với 1,75 triệu Mỹ kim ngày nay. Khi Dickens qua đời, chỉ hai năm sau, hơn 20% gia tài của ông là do chuyến du thuyết tại Mỹ mang lại.

Những điểm tương đồng này giữa quá khứ của Hoa Kỳ và hiện tại của Trung Quốc đặt sự hoang tưởng (paranoia) hiện nay của Washington về việc Bắc Kinh vi phạm tác quyền vào một cái nhìn toàn cảnh. Việc sao chép đã cho phép kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng vào thế kỷ 18 và thế kỷ 19 như thế nào, thì ngày nay nó cũng cho phép Trung Quốc tăng trưởng như thế ấy. Và người Anh đã cường điệu mối đe dọa kinh tế do việc người Mỹ sao chép sản phẩm của họ lúc bấy giờ như thế nào, thì ngày nay mối đe doạ của Trung Quốc cũng bị thổi phồng như thế ấy.

Nói vậy không có nghĩa là ta phải đặt tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ ở mức thấp nhất. Thật ra, quyền sở hữu trí tuệ là rất thiết yếu trong các lãnh vực như ngành dược, nơi mà chi phí cho việc phát triển các loại thuốc là đặc biệt tốn kém. Nhưng việc tăng cường tác quyền không luôn luôn dẫn đến kết quả tốt đẹp hơn. Quyền sở hữu trí tuệ có thể ngăn cản cũng như khuyến khích sáng kiến; chúng kiềm chế sự cạnh tranh ngay cả khi chúng khích lệ óc sáng tạo. Quan trọng hơn hết, vì mỗi sáng kiến đều dựa vào những điều đã có từ trước, việc bảo vệ tác quyền quá bao trùm sẽ giới hạn các nguồn cảm hứng có giá trị. Muốn làm một cái bẫy chuột tốt hơn, người ta cần được tự do dựa vào những cái bẫy chuột đã có từ trước. Giống hệt như Apple đã vay mượn từ Xerox ý tưởng kết hợp con chuột máy vi tính với một màn hình có các biểu tượng (chứ không chỉ dùng chữ viết trên màn hình) – mà kết quả là chiếc máy vi tính có màn hình biểu tượng (desktop computer) ngày nay – hàng triệu nhà phát minh khác cũng dựa vào tác phẩm của người khác, đồng thời cải tiến chúng.

Trung Quốc thông qua các luật lệ hiện đại đầu tiên của mình về bằng sáng chế và thương hiệu vào thập niên 1980 và luật bản quyền đầu tiên năm 1990. Luật sở hữu trí tuệ vẫn còn là một hiện tượng tương đối mới mẻ trong một xã hội tập trung cao độ vào nỗ lực bành trướng tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định xã hội. Người ta không thể trông mong thái độ và thói quen của người Trung Quốc đối với việc sao chép sản phẩm nước ngoài có thể thay đổi nhanh chóng. Khi kinh tế Trung Quốc tiến xa hơn nữa, có lẽ cán cân lợi ích sẽ thay đổi, và nước này có thể sẽ theo đuổi một đường lối ít tùy tiện hơn. Hiện nay, biết đặt nạn sao chép tại Trung Quốc vào một viễn kiến và biết nhận ra những ưu điểm cũng như những tai hại của nó là một điều rất quan trọng. Trước hết, Hoa Kỳ nên xét đến lịch sử của chính mình, lịch sử của một quốc gia cũng từng vi phạm tác quyền – và nên giảm bớt căng thẳng.

____________

Kal Raustilia là Giám đốc Trung tâm Burkle về Bang giao Quốc tế tại Đại học California, Los Angeles, (UCLA) và là Giáo sư Trường Luật của UCLA. Christopher Sprigman là Giáo sư Nghiên cứu tại Trường Luật của Đại học Virginia. Cả hai là tác giả cuốn The Knockoff Economy: How Imitation Sparks Innovation (Nền Kinh tế hàng nhái: Việc bắt chước đã châm ngòi cho sáng kiến như thế nào).

Nguồn: Kal Raustilia  và Christopher Sprigman, “Fake It Till You Make It The Good News About China’s Knockoff Economy”, Foreign Affairs tháng Bảy /Tám 2013

Bản tiếng Việt 2013 © Trần Ngọc Cư & pro&contra