Tác giả

Danh mục

Trang

Quân đội và sự trung thành

Th4 23, 2013

Lê Tuấn Huy

Trong bảy điểm tại Kiến nghị về Sửa đổi Hiến pháp 1992, nhóm 72 nhân sĩ có “yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Nhiều bài báo xem việc không giữ quan điểm như Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp[1] là muốn phi chính trị và trung lập hóa quân đội, là phản động, và sẽ khiến suy yếu sức chiến đấu của quân đội[2].

Trong khi đó, Ông Nguyễn Trọng Vĩnh nói rằng không đề cập việc phi chính trị hóa quân đội, mà vấn đề là ở chỗ quân đội phải trung thành với Tổ quốc (và Nhân dân) chứ không phải là hiến định quân đội trung thành với Đảng. Ông Bùi Đức Lại cũng cho rằng ai đấy nói “không ghi các lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng là phi chính trị hoá”, là đang chụp mũ cả Hồ Chí Minh.

1. Hồ Chí Minh đã nói như thế nào về sự trung thành của quân đội?

Đoạn trích “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[3] được dùng để minh chứng cho Dự thảo Hiến pháp. Và nó càng kiên cố với lập luận cho rằng sáu chữ “trung với nước, hiếu với dân” ra đời chỉ trong tình huống đặc biệt, khi Đảng rút vào bí mật, nên Hồ Chí Minh không thể nhắc tới Đảng, còn thì ngay từ khi thành lập Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân, lãnh tụ đã dứt khoát khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội. Thực tế sự kiện lịch sử và bản văn của Hồ Chí Minh, có đúng như vậy không?

Tại Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân – mà ngày 22/12/1944 cũng là ngày khai sinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam – Hồ Chí Minh nhấn mạnh đây là “đội quan đàn anh”, tuyên truyền cho việc vũ trang toàn dân nhằm xây dựng những “đội quân đàn em khác”[4]. Trong mười lời thề danh dự của đội, “Hi sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam” là điều được xướng lên trước tiên. Việc Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, đến ngày 11/11/1945 mới xảy ra, nhưng ở cả hai bản văn định hình việc xây dựng quân đội Việt Nam đều không đề cập gì về vai trò của đảng này.

Cũng không phải đến ngày 26/05/1946, trong Lời căn dặn học viên trong Lễ khai trường Trường võ bị Trần Quốc Toản, Hồ Chí Minh mới cho ra đời tư tưởng “trung với nước, hiếu với dân”[5]. Trước đó, ngày 07/01/1946, ông đã nói tại Trường Cán bộ Tự vệ, rằng “Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào”[6].

Tiếp tục, ngày 27/03/1047, trong thư gửi báo Vệ quốc quân[7], ngay dòng đầu, Hồ Chí Minh đã lập tức khẳng định: “Vệ quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn tổ quốc”[8]. Rồi vào tháng Năm 1948, lá thư gửi Trường Trần Quốc Tuấn[9] nhân khai giảng khóa IV cũng được chốt lại bằng sáu chữ mà ông đã căn dặn quân đội[10].

Từ ngày 11 đến 19/02/1951, Đảng Cộng sản Đông Dương họp Đại hội II tại Tuyên Quang, quyết định tách thành ba đảng riêng ở Việt, Miên, Lào. Với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, những người cộng sản đã tái công khai hoạt động. Thế nhưng, không vì vị thế mới đó mà lãnh tụ đảng lại đặt quân đội vào chỗ đẩy nước và dân xuống hàng thứ hai, sau Đảng.

Ngày 26/05/1951, báo Nhân dân đăng thư Hồ Chí Minh gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh, trong đó ca ngợi: “Anh em thương binh đã hi sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân”[11]. Cũng trên báo này, ngày 09/08/1951, ở bài điếu Hồ Tùng Mậu – người có vị trí cả trong Đảng, chính phủ và quân đội – Hồ Chí Minh đã ghi nhận một tấm gương “tận trung với nước, tận hiếu với dân”[12].

Cho dù ngày 22/12/1964, nhân chiêu đãi kỷ niệm 20 năm thành lập quân đội, Hồ Chí Minh có nói đến “trung với Đảng”, thì ý kiến đấy cũng không tiếp tục chi phối tư tưởng của ông về quân đội nói riêng và các đối tượng khác nói chung. Ngược lại, vẫn là sáu chữ được nhấn mạnh từ trước.

Ở điện gửi Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua và Dũng sĩ các Lực lượng Vũ trang Giải phóng miền Nam lần thứ hai, báo Nhân dân đăng tải ngày 14/10/1967, “tinh thần trung với nước, hiếu với dân” là điều mà Hồ Chí Minh khen ngợi đầu tiên[13]. Ông không đề cập đến việc đội quân miền Nam phải trung với Mặt trận – chủ thể chỉ đạo trực tiếp, hay với Đảng – chủ thể lãnh đạo thực chất của họ.

Không chỉ quân đội, đối với Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên cũng phải trung với nước, hiếu với dân, như trường hợp ông nói đến Hồ Tùng Mậu kể trên. Chưa hết, ông xem đấy là một đặc điểm đạo đức mới, khác với đạo đức phong kiến.

Ở cuốn sách có tựa Đời sống mới, viết xong ngày 20/03/1947 và xuất bản cùng năm, với bút danh Tân Sinh, ông xem “tận trung với nước, tận hiếu với dân” là điều cần được phát triển[14].

Ngày 03/03/1955, ở bài Người cán bộ cách mạng, trước khi phê phán những khuyết điểm sai lầm, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở đạo đức của người cán bộ đối với nước và dân[15]. Tại Hội nghị Bồi dưỡng Chỉnh huấn (22-26/01/1965), ông lại nói đến điều này[16]. Rồi trong thư đề ngày 02/09/1965, Hồ Chí Minh đã dặn dò thanh niên “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[17]. Đến tháng Tư 1966, nói về năm nội dung của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, “trung với nước, hiếu với dân” là cụm từ được ông viết ra đầu tiên[18].

Ở những năm tháng cuối đời, đạo đức căn bản đối với dân và nước là điều mà Hồ Chí Minh vẫn không hề sao nhãng. Đầu tháng Sáu 1969, khi trao đổi với Ban Tuyên huấn về việc làm loại sách “Người tốt, việc tốt”, ông dùng cách nói thân tình của một người đã gần 80 tuổi để đề cao đạo lí “trung với nước, hiếu với dân”[19].

Đối với Hồ Chí Minh, phải nói rằng không phải “rõ ràng”, mà là “hết sức rõ ràng” và hiển nhiên, rằng trung với nước, hiếu với dân không phải là một ý kiến do thời cuộc đưa đẩy hay chỉ nhằm minh họa cho dịp nào đấy, mà là một tư tưởng nhất quán và liên tục, từ khi quân đội ra đời cho đến khi ông qua đời. Nó được nhấn mạnh cho cả quân đội và cả cán bộ, đảng viên, mà những người làm bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập cũng đã đề cao[20].

Hồ Chí Minh đặt “trung với nước, hiếu với dân” ở một tầm cao hơn nhiều so với trung với vua rồi mới đến nước và dân[21]. Vậy, nếu đặt trước quân đội một chủ thể “trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối”, lên trên cả nước và dân, há không phải là cái kiểu “trung quân [rồi mới] ái quốc” của chế độ và đạo đức phong kiến mà Hồ Chí Minh xem thường?

Trong tâm niệm, Hồ Chí Minh cũng đặt Tổ quốc lên trên hết. Ở bản Di chúc do Đảng Lao động Việt Nam công bố sau khi ông mất, “phục vụ cách mạng” được chuyển lên trước “phục vụ Tổ quốc”[22], nhưng ở những lần tự tay viết hoặc đánh máy, mà bản năm 1965 được cho là hoàn chỉnh nhất và có chữ ký chứng kiến của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Hồ Chí Minh đã đặt “phục vụ Tổ quốc” lên trước “phục vụ cách mạng”[23].

Ở Hồ Chí Minh, với bản thân hay với những loại chủ thể khác, vấn đề trung thành của quân đội, là vậy. Nhưng cho dù có căn cứ vào Hồ Chí Minh hay không, nó vẫn là vậy, bởi đơn giản chính ông cũng đứng trên một lẽ giản đơn mà hiển nhiên, là ở mọi thời và mọi nơi, trước tiên và trên hết, quân đội phải trung thành với đất nước chứ không phải một đối tượng khác được đặt vào vị trí tiên quyết đó, dù có xét bất kì tính chất nào.

2. Tính giai cấp của quân đội có là cái quyết định?

Nền tảng lí luận cho quan điểm quân đội trung thành với Đảng là tính giai cấp. Theo quy chiếu của chủ nghĩa duy vật lịch sử và phân kì theo tiếp cận hình thái kinh tế-xã hội[24], cũng như không xét thực chất thành phần đang cầm quyền có thật tương ứng về giai cấp giữa nhà nước và quân đội không, thì kiểu diễn đạt quân đội của giai cấp nào thì bảo vệ cho nhà nước của giai cấp đó là đúng. Nhưng chỉ như thế thì không đủ và lệch lạc.

Engels từng đặt vấn đề về tính giai cấp của quân đội khi bàn đến việc giai cấp tư sản Đức chiêu mộ công nhân vào lực lượng quân sự của mình để đương đầu với chính quyền phong kiến Phổ. Ông chống lại điều đó và nhận định: “Hoàn toàn đúng rằng quân đội là công cụ để thực hiện các cuộc đảo chính, và do đó, bất kì một sự tăng cường quân đội nào cũng đều làm tăng khả năng thực hiện một cuộc đảo chính. Nhưng số lượng quân đội cần thiết cho một cường quốc được quyết định không phải bởi những khả năng làm đảo chính nhiều hơn hay ít hơn, mà là bởi quy mô của quân đội của những cường quốc khác”[25].

Không cần diễn giải rằng qua đấy cho thấy là Engels không chủ trương bành trướng quân đội của giai cấp này, cũng như không liên minh giai cấp về mặt quân sự, để lại chống giai cấp khác, dù giai cấp bị chống là phản tiến bộ. Mà có thể thấy rằng, bản thân nhà kinh điển cũng nhìn nhận quân đội theo lẽ giản đơn của muôn đời: đã nói đến quân đội là tiên quyết nói đến tương quan của đất nước với bên ngoài.

Sở dĩ, dù nhấn mạnh tính giai cấp nhưng Engels vẫn không thể để nó vượt lên trên “tính đất nước”, là bởi quân đội có một đặc tính cốt tử, gắn liền với chức năng cốt lõi của nó: tính quốc gia-dân tộcchức năng vũ trang đối ngoại. Hai điểm này, xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển của quân đội, đều hiện diện ở những cấp độ khác nhau, và đều là cái hàng đầu quyết định.

Các cộng đồng người khác biệt nhau qua nhiều phương diện: lãnh thổ, chủng tộc, dân tộc, văn hóa, v.v. Trong đó, phạm vi địa lí luôn là yếu tố phải xét đến để xác định sự khu biệt. Ngay từ buổi bình minh của loài người cho đến khi bị tuyệt diệt – nếu có, không gian sinh tồn luôn khiến các cộng đồng tranh đấu với nhau. Cuộc đấu tranh đó khiến người ta vũ trang và duy trì một lực lượng vũ trang, ở hình thức này hay hình thức khác. Thời có hay không có giai cấp cũng vậy, có xét đến hay không xét đến giai cấp cũng thế.

Vào thời các thị tộc, bộ lạc, để bảo vệ (hoặc mở rộng) vùng đất sống của mình, người dân tự trang bị vũ khí và tập hợp dưới sự chỉ huy của “thủ lĩnh quân sự”, là người đồng thời cũng điều hành các sinh hoạt khác của cộng đồng. Đó là cơ chế quân đội nhân dân mà Engels ghi nhận[26].

Khi có nhà nước, việc phòng vệ (hoặc bành trướng) lãnh thổ là nguyên nhân để duy trì một đội quân riêng biệt và thường trực, dưới sự chỉ huy của nhà nước. Engels cũng định nghĩa: “Quân đội là một tập đoàn có tổ chức gồm những người được vũ trang, được nhà nước đài thọ để thực hiện chiến tranh tấn công hoặc phòng ngự”[27]. Điều đó xưa nay không hề khác đi ở quân đội của nước này hay nước khác, của nhà nước này hay nhà nước khác. Có khác chăng, là ở quy mô, tầm mức, tổ chức, khí tài, phương thức và không gian tác chiến…, là những yếu tố thay đổi và phát triển theo từng thời đại.

Xét từ khởi nguyên cho đến đương đại, quân đội định hình và tồn tại là do tương quan đối ngoại giữa các cộng đồng lãnh thổ, nên định chế này, tự thân đã mang bản chất của mối quan hệ với bên ngoài. Do vậy, khi đặt vấn đề trung thành, cũng phải đặt nó tiên quyết ở tương quan đó, chứ không thể tráo đổi đối tượng từ tương quan khác.

Đến đây, có thể quay lại, rằng khi chỉ nói quân đội của nhà nước này (chỉ) bảo vệ cho giai cấp này, hay quân đội của giai cấp kia (chỉ) bảo vệ nhà nước kia, xem đó là nền tảng của quân đội, thì đã đè bẹp – hoặc ít nhất là che lấp – đặc tính hàng đầu của nó: tính quốc gia-dân tộc. Đó là một sai lầm nguy hiểm về phương pháp luận, làm biến dạng toàn bộ nhận thức về quân đội.

Quân đội là định chế thể hiện sự đương cự vũ trang giữa các chủ thể, và chủ thể này, như đã nói, là các cộng đồng lãnh thổ chứ không phải các cộng đồng giai tầng. Bởi thế, chỉ có các quân đội quốc gia của mọi giai tầng chứ không có quân đội toàn cầu của mỗi giai cấp[28]. Nên, một khi đã quy buộc tuyệt đối quân đội về giai cấp thì sẽ kéo sự đương cự vũ trang vào trong lòng một đất nước, giữa các giai tầng.

Vậy nên, nếu phải nói về tính giai cấp của quân đội thì phải đặt nó trong tổng hòa với tính quốc gia-dân tộc, và phải phục tùng tính quốc gia-dân tộc. Theo đó, không phải quân đội của giai cấp nào thì bảo vệ cho nhà nước của giai cấp đó, mà – nói cho đầy đủ, là quân đội của giai cấp nào thì bảo vệ cho đất nước ở thời của nhà nước thuộc giai cấp đó.

Nhưng dù có nói như thế, từ thực chất và thực tế, theo thời gian và chuyển động lịch sử, thì vẫn là thể chế có thể thay đổi, giai tầng có thể thay đổi, nhưng nhiệm vụ bảo vệ quốc gia của quân đội là điều không bao giờ thay đổi. Nên dù là ở thể chế nào hay giai tầng nào, mặc nhiên và ngắn gọn, lẽ giản đơn chỉ là: quân đội ở thời nào thì bảo vệ cho đất nước ở thời đó.

Cái đạo lí đơn giản quân đội gắn liền một cách sinh tử với đất nước, chứ không phải với giai cấp (hay nhà nước của giai cấp, đảng của giai cấp), là điều hết sức dễ dàng nhận ra. Trong lịch sử, khắp nơi đều có những chính quyền bán nước hay những kẻ bán nước, nhưng đó là vì hèn hạ và tư lợi, chứ không hề xuất phát từ ý thức rằng nước đi xâm lược có cùng giai cấp cầm quyền với ta nên ta và quân đội ta thỏa hiệp với họ, để họ vào cai quản, rồi ta và họ cùng cai trị các giai cấp khác.

Nếu lối suy nghĩ giai cấp mà là cái tâm thế vốn có, để thay vì hướng quân đội ra bên ngoài lại hướng nó vào bên trong, thì giới cầm quyền và quân đội các nước thời phong kiến – thời dễ “đánh nhau” nhất – đã không phải đổ máu vì cương thổ, mà chỉ cần an nhàn bắt tay nhau và quay vào đồng cai trị.

Nếu giai cấp mà là căn tính tự nhiên, lấn áp cả giá trị quốc gia, thì ở Thế chiến II, giới cầm quyền và quân đội Mỹ, Anh đã lập tức và vô điều kiện trở thành đồng minh của Đức – một sự liên thủ có nhiều khả năng đập tan cái nhà nước và quân đội của giai cấp đối nghịch ở Liên Xô.

Rồi còn, binh lính tại Hoàng Sa năm 1974 của quân đội và nhà nước Việt Nam Cộng hòa, không cùng giai cấp với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì bị giết đã đành, nhưng binh lính tại Trường Sa năm 1988, của quân đội và nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là thực thể cùng giai cấp với phương Bắc, thế mà cũng bị tàn sát.

Vậy thì, nếu giai cấp đứng trên cả đất nước, hãy thử giả định: khi Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam, thì với tư cách những đối tượng chung một chiến hào giai cấp, đảng, nhà nước và quân đội của giai cấp công nhân Việt Nam sẽ vẫn tồn tại và cùng với đảng, nhà nước và quân đội của giai cấp công nhân Trung Quốc đồng cai trị những giai cấp khác, trên lãnh thổ Việt Nam chăng? Hoặc giả như, khi quân đội nước “lạ” phất cao ngọn cờ bảo vệ đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, thì quân đội Việt Nam, do tính giai cấp là cái tiên quyết, trên cả tính quốc gia-dân tộc, sẽ sẵn sàng tiếp nhận ngọn cờ ấy, đưa họ vào để trấn dẹp kẻ thù giai cấp trong nước chăng?

Chỉ những so sánh và giả định ngờ nghệch nhưng không kém thực tế ấy thôi, đã thấy rằng việc lấy giai cấp làm căn nguyên của quân đội trong khi nó mang bản chất của quan hệ đối ngoại, sẽ khiến lí luận trở nên bất xứng, thực tiễn trở thành ngây ngô.

Và cũng sẽ như vậy khi hiểu cứng nhắc về tính chính trị của quân đội.

3. Tính chính trị và phi chính trị của quân đội là như thế nào?

Ngoài giai cấp, tính chính trị của quân đội Việt Nam còn được nói đến ở những điểm như, là công cụ bạo lực của nhà nước xã hội chủ nghĩa, chiến đấu vì lí tưởng của Đảng, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, làm nhiệm vụ quốc tế.

Cụ thể hơn nữa, là ý kiến triển khai rằng dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với nhà nước và xã hội – trong đó có lực lượng vũ trang, cũng như cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trước đây, việc tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam “chỉ có thể thành công bằng con đường đấu tranh bạo lực cách mạng”, và trong bối cảnh “diễn biến hòa bình” và hoạt động “lật đổ”, càng phải giữ vững tính chính trị đó.

Đúng là hoạt động vũ trang không chỉ là cái hướng ra ngoài lãnh thổ, nhưng qua nội dung như thế, với mảng dân tộc lọt thỏm ở giữa, có thể thấy quả là sự đương cự vũ trang đã được kéo vào trong lòng đất nước.

Trên bình diện lịch sử, từ khi có nhà nước, quân đội là một cấu thành của nhà nước. Điều này tạo nên cấp độ đầu tiên của tính chính trị của quân đội. Do nhà nước có chức năng đối nội, đối ngoại, nên quân đội cũng dự phần chức năng và nhiệm vụ ở cả hai phạm. Từ căn nguyên và bản chất của tương quan đối ngoại, chức năng ngoại an tạo nên cấp độ tiếp theo trong tính chính trị của quân đội.

Cấp độ của chức năng nội trị thì biểu hiện qua việc quân đội được điều động tham gia lập lại trật tự xã hội, trấn dẹp các xung đột cộng đồng. Ở đây, tùy vào loại xung đột (xuất phát từ các nguyên nhân kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo, sắc tộc…) và các chủ thể tham gia, cùng với tính chất, mức độ, quy mô của nó, cũng như tùy vào mục đích, vị thế của giới cầm quyền, mà hành động của quân đội dưới sự chỉ huy của nhà nước là việc bảo an hợp lí và chính đáng hay là sự trấn áp quân sự phi lí và phi nghĩa.

Ở cấp độ nội trị còn có hoạt động phúc lợi xã hội, khi quân đội được điều động tham gia vào các hoạt động công ích.

Đi xa hơn trong địa hạt chính trị, thay vì là công cụ nội trị, quân đội có thể trở thành chủ thể cai trị, mà mức độ thấp là sự cát cứ quân sự. Trong tiến trình lịch sử khách quan trước đi đến nhà nước trung ương tập quyền, định chế này từng đóng vai trò là lực lượng duy trì quyền lực cát cứ của các lãnh chúa. Còn ở xã hội hiện đại, nếu có sự cát cứ lãnh thổ trong một quốc gia, bằng lực lượng vũ trang, thì sẽ là điều phi pháp.

Cao hơn thế, là việc quân đội trực tiếp nắm quyền lực quốc gia hoặc chi phối quyền lực đó. Trong thời đại ngày nay, mọi chính quyền quân sự hay bán quân sự bị xem là không chính danh, bởi ngoài tình trạng quân quản khi một đất nước chuyển tiếp khỏi trạng thái chiến tranh, những chính quyền loại này thường hình thành từ việc tiếm quyền hoặc lạm dụng quyền lực bằng sức mạnh quân sự.

Nhưng dù sao, chức năng nội trị vẫn ở hàng thứ hai so với chứ năng ngoại an. Vì như đã nói, quân đội là định chế thường trực để đối phó với ngoại bang, trong khi đó, những nhiệm vụ từ chức năng nội trị thì chỉ tùy lúc, tùy nơi, tùy sự việc.

Chẳng hạn, cuộc khởi nghĩa Spartacus dù ngắn ngủi (73-71 TCN), đã để lại một dấu ấn trong lịch sử. Nhưng điều đó không có nghĩa đàn áp nô lệ là nhiệm vụ chính hay nhiệm vụ duy nhất của quân đội thời ấy. Dù có kể đến những cuộc chiến nô lệ khác, thì lịch sử kéo dài cả thiên niên kỷ, từ thời kì Vương chính (753-510 TCN), sang Cộng hòa (510-30 TCN), đến Đế chế (30TCN-476), xét về mặt quân sự, bên cạnh những cuộc nội chiến quyền lực, lịch sử của Rome đầy những cuộc chiến hướng ra bên ngoài, trải khắp một không gian từ bán đảo Itali và Địa Trung Hải, sang tận Bắc Phi[29].

Việc quân đội thời phong kiến trấn áp nông nô cũng không thể không có, nhưng nếu không thổi phồng hay hoán đổi, thì sẽ thấy rằng chủ yếu, thời trung đại, quân đội các nước Tây Âu chìm mình vào những cuộc viễn chinh Thập tự[30], hoặc tham chiến để giành giật lãnh thổ và vương vị, như cuộc chiến trăm năm giữa Anh và Pháp (1337-1453) [31].

Từ chỗ chỉ là công cụ của kẻ nắm quyền hay của nhà nước ở thời cổ và trung đại, từ thời cận đại về sau, giới lãnh đạo quân đội ngày càng “tự nhận thức” một cách đầy tham vọng về sức mạnh vũ trang mà mình nắm giữ. Nửa sau thế kỷ XX đã chứng kiến những cuộc chính biến quân sự chấn động, mà hệ quả là những chính quyền độc tài quân sự.

Ở Miến Điện, cuộc đảo chính năm 1962 của Tướng Ne Win (1910-2002) đã dẫn đến sự thống trị của chính quyền quân phiệt, mà phải đến tận tháng Tám 2011, với cuộc gặp của Tổng thống Thein Sein với Aung San Suu Kyi, mới đặt bước chuyển đầu tiên cho cải cách.

Cuộc đảo chính tháng Chín 1965 tại Indonesia đã kéo theo cuộc thanh trừng chống cộng đẫm máu, và sự nắm quyền hơn 30 năm của nhà lãnh đạo quân đội Suharto (1921-2008).

Tháng Chín 1973, tại Chile, quân đội lật đổ và giết chết Tổng thống có xu hướng marxist Salvador Allende (1908-1973). Tướng Pinochet (1915-2006) lên nắm quyền đến năm 1990, với một xã hội đầy tra tấn và giết chóc đối với cánh tả.

Trong số những trường hợp nổi bật, còn có thể kể đến Nam Hàn dưới thời Tướng Park Chung-hee (1917-1979), sau cuộc đảo chính năm 1961. Hay như ở Thailand, quân đội giữ vai trò chi phối từ năm 1976, cho đến nay vẫn chưa rút hẳn ảnh hưởng khỏi chính trường. Hậu quả, thay vì ổn định như ý định của họ, đất nước thường xuyên phải thay đổi chính phủ, bằng đảo chính hay bầu cử trước hạn.

Chính bước phát triển này – sự lan tràn của nhà nước độc tài quân sự – đã khiến xã hội hiện đại đặt vấn đề phi chính trị hóa quân đội, và xem đó là chuẩn mực của quân đội và nền dân chủ hiện đại.

Nếu không phi chính trị, “quân đội của giai cấp tư sản” tại nước Venezuela đa đảng đã không tuân thủ kết quả thắng cử của Hugo Chavez marxist (1954-2013) vào năm 1999. Và biết đâu, với tiền lệ tại khu vực, số phận của ông chẳng phải đã như Allende chứ đừng nói chi đến việc thực hiện một kiểu chủ nghĩa xã hội của thế kỷ XXI.

Nếu không phi chính trị, “quân đội của nhà nước tư bản” tại nhiều nước Mỹ Latin khác đã không thể chấp nhận những nhà lãnh đạo cánh tả hiện đang nắm quyền tại nước họ.

Nếu không phi chính trị, liệu quân đội của nhà nước ở nơi có cuộc Đại Cách mạng (tư sản) 1789 có để yên cho Đảng Cộng sản Pháp tham gia vào chính quyền của Tổng thống Mitterrand (1916-1996) trong thời gian 1981-1984, và sau đó, trong nội các của Thủ tướng Lionel Jospin từ 1997đến 2002?

Cũng tương tự, trường hợp Đảng Cộng sản Ý, trong giai đoạn sau năm 1975 đến khi chia tách vào năm 1991, đã hiện diện ở nhiều chính quyền địa phương trên khắp nước, liệu không có yếu tố phi chính trị của quân đội?

Nếu không phi chính trị, quân đội của “tên đế quốc sừng sỏ”, với những bộ trưởng quốc phòng phe Cộng hòa có chịu để yên cho một tổng thống phe Dân chủ, đã là da màu mà còn chịu nhiều cáo buộc là theo chủ nghĩa xã hội không[32]?

Rõ ràng, ngày nay, trên khắp thế giới – cái thế giới mà “nhà nước của giai cấp tư sản” có vị thế chủ lưu – phe tả hay thiên marxist nắm quyền được là nhờ sự đa nguyên của thể chế và tính trung lập của quân đội, chứ không phải nhờ sự nhất nguyên về chính trị và thiên kiến của lực lượng vũ trang.

S. Huntington (1927-2008) từ năm 1957, đã viết trong tác phẩm Quân nhân và nhà nước: Lí thuyết và thực tế chính trị của các quan hệ quân sựdân sự (The Soldier and the State. The Theory and Politics of Civil-Military Relations), rằng: “Chính trị vượt quá phạm vi năng lực của quân đội, và sự can dự của sĩ quan vào chính trị sẽ phá hoại tính chuyên nghiệp của họ… Giới chức sắc quân sự phải giữ sự trung lập chính trị… Lĩnh vực của khoa học quân sự là cái thuộc quyền của lĩnh vực chính trị, song độc lập với lĩnh vực chính trị”[33]. Cách nhìn này đã thể hiện một nhận thức biện chứng, đúng đắn về tính chính trị của quân đội.

Quân đội, với tư cách một cấu thành của nhà nước, tự thân đã mang tính chính trị. Nhưng điều đó không có nghĩa tính chính trị của nhà nước như thế nào thì tính chính trị của quân đội như thế ấy, không có nghĩa tính chính trị cho phép nhà nước làm gì thì quân đội cũng được làm vậy, bởi nhà nước thuộc phạm vi dân sự còn quân đội thuộc phạm vi quân sự. Sự tách biệt đó đã có kể từ khi người thủ lĩnh quân sự không còn đồng thời điều hành mọi công việc khác của cộng đồng.

Do sự tách biệt giữa hai lĩnh vực đó, nên có một tương quan rất đặc biệt giữa nhà nước và quân đội, là cho dù là cơ quan có sức mạnh trực tiếp nhất của xã hội, tức những con người nắm trong tay một lực lượng vũ trang có tổ chức, tập trung và thường trực, nhưng quân đội lại phải đặt dưới quyền của nhà nước – một bộ máy được điều hành chỉ bằng những viên chức phi vũ trang. Tính chính trị của quân đội dừng lại nơi đây, ở vai trò thuộc quyền của nhà nước, thực hiện những chức năng và nhiệm vụ theo sự chỉ huy của nhà nước.

Song, với sức mạnh trực tiếp của mình, khi quân đội muốn can dự vào việc điều hành của nhà nước hay tranh đoạt quyền điều hành đó, họ sẽ dễ dàng thực hiện ý đồ nếu không có những rào chắn có hiệu lực. Cũng sẽ như vậy, khi họ ngầm chi phối một bộ phận quan chức nhà nước, hay tạo ra mâu thuẫn giữa họ, hay đứng về phía nào trong số họ nếu có sự khác biệt hay tranh chấp.

Ngoài ra, khi thay vì giới hạn trong những hoạt động có tính chất và nội dung thuộc phạm vi quân sự hoặc liên quan, họ lại tham gia hoặc “dẫn đạo” các hoạt động có tính chất và nội dung dân sự (hoạt động kinh tế, hoạt động khoa học tự nhiên và xã hội, hoạt động tôn giáo, v.v), thì sẽ đưa vào các hoạt động này kiểu liên hệ uy quyền và tuân phục kiểu quân sự. Điều đó sẽ làm biến dạng sự vận hành chính trị của nhà nước và sự điều tiết tự nhiên của các thiết chế dân sự, không sớm thì muộn cũng sẽ tạo hoặc khoét sâu thêm xung đột chính trị, khiến trì trệ và gây xung khắc xã hội.

Do vậy, ngoài tính chính trị ở chức năng, nhiệm vụ và nội dung quân sự, thì ở những phạm vi ngoài quân sự, tính chính trị của quân đội chính là sự phi chính trị. Nói một cách biện chứng, tính chính trị của quân đội bao hàm sự phi chính trị, và phi chính trị không có nghĩa là quân đội không mang tính chính trị.

Tuy thế, xét một cách lịch sử-cụ thể, đúng là tính phi chính trị hay tính trung lập của quân đội chỉ đặt ra một cách hiệu lực ở xã hội đa nguyên. Vậy thì…

4. Xét lịch sử-cụ thể quân đội, cụ thể đến đâu?

Ở xã hội nhất nguyên và toàn trị, mọi thứ đều mặc nhiên và vô điều kiện tuân phục ý chí của của một cá nhân hay một nhóm đầu sỏ, một quan điểm hay một luận thuyết, nên việc đặt vấn đề về tính chính trị hay phi chính trị, trung lập hay không trung lập đều bằng thừa, vì dù có hình thức này hay hình thức khác thì tất cả vẫn phải quy tập về cái trung tâm quyền lực tuyệt đối, toàn diện và duy nhất đó.

Nhưng, cũng xét một cách lịch sử-cụ thể, sự thuần nhất đó chỉ duy trì được ở giai đoạn sắt máu của nhà nước độc tài, dựa trên sức mạnh bạo lực của các lực lượng vũ trang và những công cụ ngu dân khác.

Mọi sự thống nhất đều là tương đối, kể cả ở cấp độ cao nhất của sự đồng nhất dưới chế độ cực quyền. Sự vận động theo hướng khác biệt luôn diễn ra. Chưa kể đến sự phát triển của các quan niệm và giá trị xã hội, một khi đã có khác biệt về quyền lợi chính trị hay quyền lợi kinh tế trong chính bộ máy quyền lực độc tài, thì sự phân hóa trong lòng chế độ cũng đã diễn ra, tính thuần nhất chính trị và trung thành chính trị cũng không còn như trước. Khi đó, bộ phận cầm quyền, ở những mức độ khác nhau, sẽ tự xung đột với nhau, đồng thời cũng khoét sâu thêm sự xung khắc với xã hội.

Giải pháp chỉ có thể là giới độc tài, hoặc từng bộ phận trong đó, phải tự chuyển biến để tránh xung đột bên trong hoặc xung đột với xã hội. Ngược lại, duy trì bạo lực để chống lại nhau hay chống lại xã hội, sẽ khó tránh khỏi đỗ vỡ bởi bạo lực sẽ được đáp trả một cách tương ứng. Quân đội cần trung lập là vì vậy, để không trở thành công cụ của phe phái chính trị, hoặc không quân phiệt hóa bộ máy nhà nước khi tự mình trở thành một lực lượng chủ đạo và thường trực, đứng trên để “điều tiết” sự vận hành chính trị giữa các phe phái và “duy trì” sự ổn định đó bằng sức mạnh vũ trang.

Vậy, xét tính chính trị và phi chính trị của quân đội ở Việt Nam ra sao?

Có vẻ hợp lí ở diễn đạt mang tính phương pháp luận, rằng không có tổ quốc chung chung và quân đội chung chung, mà ngày nay, phải nói đến tổ quốc xã hội chủ nghĩa và quân đội của giai cấp công nhân, do vậy, quân đội trung thành với tổ quốc xã hội chủ nghĩa là phải trung thành với Đảng Cộng sản.

Nhưng xét lịch sử-cụ thể như vậy đã đủ lịch sử-cụ thể chưa, hay cũng chỉ dừng lại ở mức chung chung của một lí luận kiểu thuần nhất?

Nếu xét rốt ráo quan hệ lịch sử-cụ thể, phải lí giải thỏa đáng ít nhất hai vấn đề: 1. Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ấy được ấn định bằng kiểu chủ nghĩa xã hội nào, và cái chủ nghĩa xã hội đó có hiện thực ra sao; 2. Đảng Cộng sản Việt Nam đã và hiện như thế nào trong lịch sử và hiện tại (dưới mọi khía cạnh thực tế: lí tưởng, cương lĩnh, văn hóa chính trị, cơ sở xã hội, tổ chức…), và có thể giữ vị trí trên cả đất nước, dân tộc hay không.

Ở đây, tôi không mở rộng chủ đề để bàn đến hai vấn đề đó, bởi chỉ riêng tính lịch sử-cụ thể ở khía cạnh sát sườn thôi cũng đã đủ để kết luận về tính chính trị và sự trung thành của quân đội.

Nói đến tổ quốc là nói đến tổng thể vẹn toàn của đất nước, với bờ cõi, cộng đồng và văn hóa…, trong tương quan về sự khu biệt ở lịch sử, định vị ở hiện tại và tồn vong ở tương lai. Ở mỗi thời kì, tổng thể vẹn toàn đó toàn đó kết tinh lại trong hiện thực, thể hiện trong nhận thức và tình cảm dân tộc. Dù có qua thể chế này hay chế độ khác, thì tổng thể đó và nhận thức, tình cảm về nó vẫn vượt lên mọi sự phân chia giai tầng hay ý thức hệ, cho dù đứng ở vị thế nào dể xét.

Trên đất nước mình, quân đội không thể đặt điều kiện là tổ quốc kiểu này thì chúng tôi mới bảo vệ, tổ quốc kiểu khác thì chúng tôi không bảo vệ. Lối suy nghĩ đó đẩy lùi quân đội về lại như một định chế cát cứ phe phái hay lãnh địa, chứ không phải một định chế mang tầm quốc gia-dân tộc. Chẳng hạn, không thể nói rằng Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ trung thành với tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nên sẽ từ chối bảo vệ đất nước khi – giả như – quốc hiệu Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đổi thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoặc Cộng hòa Việt Nam, hay Đảng Cộng sản Việt Nam đổi thành Đảng Lao động Việt Nam hoặc Đảng Dân tiến Việt Nam.

Khi đặt vấn đề tổ quốc phải thể chế này hay thể chế kia quân đội mới dành sự bảo vệ thì về thực chất, định chế này đã biến thành một lực lượng chính trị độc lập và quay lại điều khiển tiến trình quốc gia-dân tộc.

Phụng sự vô điều kiện đối với tổ quốc (đất nước, dân tộc) là nguyên do mà định chế quân sự này tồn tại với tư cách một lực lượng thống nhất và duy nhất của quốc gia. Đó là tính phi chính trị của quân đội đối với tổ quốc, mà không thể vin vào cái lịch sử-cụ thể nào để thoái thác, bởi việc quân đội ở thời nào thời nào bảo vệ đất nước ở thời ấy đã là tính lịch sử-cụ thể rồi. Đó cũng là lí do tự nhiên mà Hồ Chí Minh chỉ nói “trung với nước, hiếu với dân” chứ không nói “trung với đất nước xã hội chủ nghĩa, hiếu với người dân theo chủ nghĩa xã hội”.

Đấy là về Nước, còn về Đảng, thì như đã nói, ở thể chế nhất nguyên và ở giai đoạn thuần nhất của thế lực cai trị, sẽ là thừa khi đặt vấn đề về tính chính trị hay phi chính trị. Tuy nhiên, tiến hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức ra khỏi sự thuần nhất đó, và sự phân hóa như hiện nay sẽ khiến đảng này không còn quay ngược về như trước kia được nữa.

Một khi đã có “đồng chí X” thì sẽ có “đồng chí Y”, “đồng chí Z” làm đối trọng hay điều hòa, cùng với những đồng chí x, y, z… xoay quanh. Rồi thì, sẽ nối tiếp bằng các đồng chí X2, Y2, Z2, v.v. Tranh chấp ở mức độ này hay mức độ khác là không thể tránh khỏi, như đã diễn ra. Và như mọi xung động chính trị ở thế giới con người, con cờ lực lượng vũ trang chắc chắn được chơi, không lúc này thì lúc khác.

Trong điều kiện lịch sử-cụ thể này, quân đội và công an, mà cụ thể là giới lãnh đạo và chức sắc, nếu đứng ngoài những toan tính chính trị của giới chức dân sự, chỉ tập trung cho sự chuyên nghiệp của mình, có nghĩa là đã chọn con đường trung lập, một biểu hiện của tính phi chính trị của bộ máy vũ trang. Còn nếu, dù đứng hẳn về một phía hay có sự ủng hộ phân tán, thì với lực lượng của mình, trên toàn bộ hay cục bộ, họ đều trực tiếp làm lệch tương quan giữa các thế lực. Khả năng khác, chọn cách vượt qua các phe phái, tự mình dùng sức mạnh để chi phối hay trực tiếp nắm quyền lực dân sự, họ sẽ định hình một nền chính trị quân phiệt.

Đã đến lúc không thể nhận thức tình hình theo phong cách duy niềm tin, không thể lảng tránh thực tế về mức độ phân hóa trong Đảng, không thể lảng tránh vấn đề về tính chính trị và phi chính trị của lực lượng vũ trang, nếu không muốn những khả năng xấu có thể trở thành hiện thực trong tương lai.

Và, ngay đến việc trưng ra quan điểm của Lenin như một huấn chỉ tối thượng cũng không giúp ích cho việc lảng tránh này.

5. Lenin đã nói gì về tính chính trị của quân đội?

Những trích dẫn từ bài Quân đội và cách mạng của Lenin đã trở thành luận cứ không thể xô ngã của những người phản bác việc phi chính trị hóa quân đội. Hầu hết đều không bỏ qua lời khẳng định trực tiếp của ông, rằng: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị, đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ, giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản…”[34].

Trong bài, Lenin có một luận điểm hoàn toàn sai lầm, là: “Quân đội thường trực ở bất cứ đâu và trong mọi nước đều chủ yếu dùng để chống kẻ thù bên trong hơn là để dùng chống lại kẻ thù bên ngoài”. Còn lại, tôi tán thành gần như tất cả những gì ông viết ở đó, kể cả đoạn thường được trích lại bên trên.

Nội dung tính phi chính trị của quân đội được đề cập từ giữa thế kỷ XX, là vấn đề quan hệ của quân đội với nhà nước. Theo đó, như đã trình bày, quân đội thuộc quyền của nhà nước và không trực tiếp nắm giữ quyền lực dân sự, không can dự vào hoạt động hay tranh chấp chính trị của chính giới.

Còn ở Lenin, một khía cạnh khác của tính phi chính trị được làm rõ, đó là quan hệ của quân đội với nhân dân. Ông viết những lời đanh thép đó vào tháng Mười một 1905, khi nhà nước nhất nguyên ở nước Nga đầu thế kỷ XX đi vào con đường công khai chống lại nhân dân, vừa dùng quân đội để đàn áp tiếng nói đòi tự do ngày một lan rộng, lại vừa nô lệ hóa quân đội khi biến nó thành sở hữu của riêng mình. Ông không những kêu gọi quân đội không đứng về phía nhà nước, mà còn chủ trương quân nhân phải nhập cuộc cùng nhân dân trong cuộc đấu tranh vì tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, cùng tham gia đưa kiến nghị tập thể về đời sống và chính trị, chứ không biến mình thành những “cái máy vũ trang” đi “trấn áp mọi nguyện vọng tự do”.

Đặt sang một bên các chi tiết cụ thể về những biến cố địa phương được nhắc đến, thử thêm sắc “đỏ” sau những chữ và những ý về “tư sản” mà ông đả phá, sẽ thấy sự tương đồng giữa lịch sử và hiện tại ở những nhà nước chuyên chính.

Đó là chưa kể, nhất quán với Marx và Engels, Lenin chủ trương về một quân đội nhân dân, hoàn toàn theo đúng nghĩa đen. Theo đó, phải giải tán quân đội thường trực vốn đặt dưới sự chỉ huy của nhà nước, thay vào đó là việc vũ trang toàn dân để tránh nhà nước dùng quân đội đàn áp nhân dân, cũng như tạo được sức mạnh vô song chống lại mọi đe dọa từ bên ngoài.

Hơn 70 năm ở Liên Xô và trên dưới 60 năm ở Trung Quốc, Việt Nam, chủ nghĩa xã hội đã tiến triển rất xa (Liên xô từng tuyên bố đã bước vào giai đoạn chuẩn bị tiến vào chủ nghĩa cộng sản, Trung Quốc ngày nay đã là một siêu cường xã hội chủ nghĩa có thực lực), thế nhưng không một nhà cầm quyền nào dám mấp mé chạm đến lí luận (chứ đừng nói đến việc thực hiện) về việc vũ trang toàn dân – một trong những ý tưởng căn bản nhất, đồng bộ trong lí luận về nhà nước của các nhà kinh điển. Bởi, hậu duệ của ba ông giờ đã thuộc về giới nắm quyền lực, nên từ cái gốc nhận thức của họ, lực lượng vũ trang không phụng sự cho việc “đảm bảo đầy đủ tự do”, mà vẫn chỉ là công cụ trấn áp và thực thi bạo lực – cả trong xây dựng thời bình. Và bởi, nếu toàn dân vũ trang sẽ không những không còn đối tượng cho việc trấn áp (qua đó mới duy trì được lí luận và thực tế trấn áp), mà còn ngược lại, có nguy cơ chính bộ máy quan liêu, thư lại của họ sẽ nhanh chóng bị nhân dân trấn dẹp.

Chưa đặt vấn đề về tính khả thi từ quan điểm vừa nói của Lenin, chỉ liên hệ bài viết của ông với cái tâm thức và thực tế bạo lực quân sự trong xã hội chuyên quyền, sẽ thấy rằng quân đội, trước những xung động xã hội, cách đúng đắn nhất, là đứng về phía nhân dân. Nhưng vậy thì có gì mâu thuẫn giữa tính chính trị và phi chính trị của quân đội không?

Với nhà nước, quan hệ biện chứng là ở chỗ tính chính trị của quân đội dừng lại ở sự phi chính trị. Với nhân dân, quan hệ biện chứng là từ sự phi chính trị bước sang liên hệ chính trị. Vì sao? Nhân dân là cộng đồng cư dân của một quốc gia, không phải là một định chế chính trị có “hình thể” và tổ chức, nên quân đội dù “từ nhân dân mà ra” cũng không phải là một quan hệ hệ thống – cấu thành. Bởi thế, dù mỗi thực thể này đều tự mang tính chính trị của riêng mình, lại không có chung tính liên đới chính trị như quan hệ nhà nước – quân đội. Thế nhưng, trong khi quân đội với tư cách tổng thể thì gắn với nhà nước, thì quân nhân với tư cách cá thể lại gắn với đời sống xã hội, mà Lenin đã dùng từ “binh sĩ-công dân” để diễn tả. Tư cách này của quân nhân khiến họ mang tính chính trị như của người dân. Về mặt lượng, cũng giống như các cá thể cư dân hợp thành nhân dân, các cá thể quân nhân hợp thành quân đội. Và như thế, trong tương quan với tính chính trị của nhân dân và xã hội, tính chính trị nơi mỗi binh sĩ-công dân khiến quân đội mang tính chính trị (nhưng tất nhiên, về mặt xã hội, không về mặt quyền lực-bạo lực).

Như thế, xét cả thực tế tiến hóa của quân đội cho đến nay, cả lí luận từ thời các nhà kinh điển đến đương đại, biện chứng của tính chính trị-phi chính trị của quân đội là không can dự vào công việc của nhà nước và chính giới, nhưng đồng thời không tách khỏi hiện tình của xã hội và công chúng. Hai mặt của quan hệ này không hề làm giảm sức mạnh của quân đội. Thế thì…

6. Những gì làm suy yếu quân đội?

Trong khi hầu hết các nước trên thế giới, sức mạnh của quân đội là ở tính chuyên biệt và tính hiện đại, cũng như đường hướng chiến lược của nó, thì tại Việt Nam, ngược lại, được nhấn mạnh hàng đầu ở tính chính trị-xã hội và tư tưởng, tức phải nhận được sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, trực tiếp của một đảng dân sự duy nhất, và phải trực tiếp tham gia vào sinh hoạt chính trị dân sự để bảo đảm cho sự lãnh đạo đó.

Hãy thử có vài so sánh và đặt vài câu hỏi, sẽ thấy ngay và thấy rõ, những gì làm suy yếu quân đội.

Việt Nam có một bờ biển trải dài, năm 1974 đã mất toàn bộ Hoàng Sa, năm 1988 lại để mất một phần Trường Sa, khiến Trung Quốc có cơ hội đứng chân tại nam Biển Đông, thay đổi cục diện địa-chính trị. Vậy mà, ngoài việc vài năm gần đây mới khẩn cấp mua vũ khí hiện đại do đe dọa từ biển, còn thì trên dưới 20 năm sau khi mất đá Gạc Ma, Việt Nam không hề cải tổ quân đội hay có dự phóng hướng ra đại dương.

Trong khi đó, Đài Loan – hải đảo ở đông bắc Biển Đông, thì từ những năm 1990 đã biết hiện đại hóa hải quân để chung sống với bối cảnh địa-chiến lược biển đang manh nha những đổi thay.

Nhật Bản cũng nhìn xa như thế. Sau sự kiện 11 tháng Chín (2001), tuy không ảnh hưởng đến mình nhưng nhận thức được rằng cục diện thế giới chuyển sẽ biến mạnh từ đây, nên dù bị khống chế bằng hiến pháp phi chiến tranh, họ vẫn nhanh chóng sửa luật để tham gia hoạt động quân sự quốc tế và nâng cấp lực lượng vũ trang. Nhân đấy, họ kịp thời phát triển hải quân vào lúc mà Trung Quốc đang âm thầm trỗi dậy.

Còn Philippines, một thành tố chính của tranh chấp chủ quyền biển trong vùng, có thể là quốc gia yếu về quân sự, nhưng chiến lược đồng minh và ngoại giao tiến công của họ lại là đối sách bổ trợ hữu hiệu cho quân đội.

Như vậy, so tự thân và so với các quốc gia hải dương khác, quân đội Việt Nam đã thật sự ở vào thế trì trệ chiến lược và quân sự. Và việc đó xảy ra trong điều kiện sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn tuyệt đối và không hề bị ngắt quãng.

Đáng nói hơn, là dù có chủ trương cải tổ cục bộ, lãnh đạo và quân đội Việt Nam cũng thiếu quyết tâm chính trị để thực hiện. Đó là trường hợp quyết định chuyển giao các đơn vị kinh tế của lực lượng vũ trang cho các tổ chức kinh tế, được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 4 khóa X (15-24/01/2007). Lúc đó, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã nhấn mạnh trước công luận, rằng “Đã đến lúc quân đội không nên làm kinh tế”. Nhưng cho dù ý kiến của ông có giãn ra về lộ trình so với khẳng định chung của Hội nghị, thì quyết sách này cũng đã nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Không phải và không chỉ vì nguyên nhân về môi trường kinh tế, mà ngày nay quân đội phi kinh tế đã là định đề hiển nhiên của một bộ máy quân sự chuyên nhiệp và hiện đại. Bởi chỉ có thế, định chế này mới tránh được sự thao túng vật chất từ các phe phái trong nước và thế lực ngoại bang, tránh sự đấu tranh trong nội bộ quân đội, giữa các đơn vị kinh tế với nhau và giữa các đơn vị kinh tế với các đơn vị phi kinh tế, làm giảm sự gắn kết và sức chiến đấu.

Chính vì lí do đó, làm nền cho những dự phóng chiến lược, từ tháng Bảy 1998, Trung Quốc đã ra lệnh chấm dứt hoạt động kinh tế của lực lượng vũ trang. Ở Việt Nam, đến gần mười năm sau mới chạm đến giải pháp này. Đã vậy, trong khi họ thực hiện nhanh chóng, để ngay năm sau đã có kết quả sơ bộ, thì ở ta, từ cả trăm cơ sở sản xuất mà Bộ Quốc phòng phải “loay hoay”, như lời Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vào năm 2007, thì đến nay, cả trăm doanh nghiệp quân đội vẫn đang hoạt động[35].

Không một quân nhân cấp cao nào kêu gọi cải tổ chiến lược cho quân đội. Không một sĩ quan nào nhắc đến chuyện ngưng hoạt động kinh tế nhằm phi vụ lợi và triệt để chuyên nghiệp bộ máy quân sự. Thay vào đó, khuếch trương sự thề nguyền trung thành đảng phái, hô hào và mở rộng tính năng chính trị dân sự, liệu có bù đắp được cho sự thiếu vắng những thay đổi cốt tử, trước thách thức nghiêm trọng và cận kề từ lân bang đã thực hiện từ lâu và thành công những bước đi đó?

Trước biến động toàn cầu từ sự “trỗi dậy hòa bình” của siêu cường mới, giới học giả quân sự khắp nơi, kể cả ở Hoa Lục, tự nhận trách nhiệm nghiên cứu, góp phần cho việc bảo vệ vị thế quốc gia mình. Chỉ tại Việt Nam, trên diễn đàn “chính thống”, duy nhất Tướng Nguyễn Chí Vịnh và Tướng hồi hưu Lê Văn Cương – một người là ý kiến chính thức, người kia là ý kiến độc lập – lên tiếng về các vấn đề chiến lược, sách lược. Và, để mặc cho trí thức ngoại giao và trí thức đa ngành, “trong luồng” và “ngoài luồng”, tự phát lo về các vấn đề địa-chiến lược, địa-quân sự, giới tinh hoa trí thức quân sự dồn một lực lượng mạnh, đánh mạnh vào các vấn đề chính trị nội địa, bằng những giáo điều mạnh có từ những năm 1950 về trước. Vậy, liệu sự thụ động và chủ động trái ngược này có khiến quân đội Việt Nam đủ mạnh trong bối cảnh chuyển đổi gay gắt trên thế giới?

(Ở đây, nảy sinh một “câu hỏi phụ”, là trong giới tinh hoa trí thức vũ trang, bao nhiêu người có học vị, học hàm xuất phát từ đúng chuyên môn binh nhiệp, bao nhiêu người nhận nó từ các ngành Văn, Chính trị [Mác-Lê], Sử [Đảng]; phải chăng nhóm sau chiếm [tuyệt] đại đa số, và với “cơ cấu” như vậy, liệu quân đội Việt Nam có mạnh lên về quân sự?)

Khi lực lượng tuyên giáo hùng hậu, cả dân sự và quân sự, được dùng để trang bị cho binh lính và sĩ quan một tâm thức chính trị hừng hực đối với “các thế lực thù địch” bên trong, cùng một nhận thức quân sự hiếu hòa của những người bạn và ơn nghĩa đối với thế lực xâm lăng biển đảo, thì liệu có tạo nên động lực mạnh cho quân nhân lâm trận khi có biến từ bên ngoài?

Đó là mặt ý thức, còn về hành động, tập trận phòng vệ chủ quyền thì ít mà cùng với công an thao diễn chống nội loạn thì nhiều[36], liệu có giúp quân đội tăng khả năng tác chiến với ngoại bang?

Và, khi nguồn lực vũ trang mãi tập trung toàn cảnh cho “diễn biến hòa bình”, liệu diễn biến không hòa bình có không bị khuất lấp, lu mờ? Thực tế thì, đã có chuyện hợp tác khai thác bauxite với nguy cơ Trung Quốc đứng chân ở Tây Nguyên, mà vẫn có việc doanh nhân Hoa Lục, Hongkong, Đài Loan được thuê dài hạn hàng loạt đất rừng biên giới, rồi lại tiếp tục đến chuyện sử dụng mặt biển gần quân cảng Cam Ranh. Đã có vụ nhường chủ quyền thông tin tại website Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt – Trung, mà vẫn xảy ra chuyện sách giáo khoa tham khảo cho thiếu nhi có “cờ nước” năm sao… Tất cả những vụ việc này lẽ ra phải được đối phó từ trước bằng tầm nhìn và hoạch định chiến lược về an ninh – quốc phòng, lẽ ra phải được phát hiện và ngăn chặn từ bộ máy chuyên trách của các lực lượng vũ trang, và lẽ ra phải không có chuyện lặp đi lặp lại, năm này sang năm khác, sau khi đã có tiền lệ.

Nay, không nhìn nhận thẳng thắn những thế yếu mà lại làm “mạnh” lực lượng vũ trang bằng cách thúc đẩy cho một việc mà gần 60 năm nắm chính quyền không hề làm, một việc mà cả thế giới không ai làm, liệu sẽ tạo được sự thay đổi thực tiễn, hữu ích nào cho quân đội?

7. Bằng câu chữ có điều khiển được sự trung thành?

Trong cuộc tranh luận hiện nay, việc dùng con chữ để làm sai lệnh lí luận và thực tế lịch sử, nhằm chứng minh cho được phải hiến định quân đội trung thành với Đảng, đã ở mức đáng lưu tâm.

Trước hết, việc trung thành của quân đội và tính chính trị hay phi chính trị, dù có giao thoa nhau ở một phạm vi nhất định, vẫn là hai vấn đề khác nhau.

Trung thành với tổ quốc (đất nước, dân tộc) là một thuộc tính phi thời gian (thời nào cũng thế), phi không gian (ở đâu cũng thế), và phi điều kiện của quân đội. Từ hình thức đơn sơ nhất cho đến biến thể khả dĩ nào sau này, đó là điều mà quân đội không thể thoái thác, thay đổi hay tự định đoạt, bất kể diễn tiến xã hội ra sao.

Trong khi đó, cấu trúc chính trị tương thuộc, hình thái thẩm quyền và chức năng, là những điều có thể thay đổi trong quá trình tiến hóa của quân đội. Với tư cách thực thể sức mạnh tập trung của xã hội, việc can dự hay không can dự vào đời sống chính trị dân sự là vấn đề của quân đội thời hiện đại, mà việc tốt – xấu thế nào và định hình ra sao, đã được nói đến bên trên.

Do vậy, từ điều đương nhiên là ở những khía cạnh khác nhau, mọi thực thể xã hội đều tự thân mang tính chính trị, mà ở quân đội thể hiện ở việc là cấu thành của nhà nước, để lập tức khẳng định nó phải trung thành với Đảng Cộng sản, là sự quy kết hoàn toàn tùy tiện, trong khi giữa hai điều đó là một khoảng trống thực tế và lí luận không thể lấp bằng những dòng chữ.

Tuy vậy, việc cố lấp cho được vẫn đã diễn ra. Cùng những luận cứ chính, các tiểu tiết mang dáng dấp xảo thuật cũng được vận dụng cho việc đó. Ngoài những vấn đề đã phân tích, dưới đây xin nhắc đến một số điểm ít nhiều cần lưu ý.

Đầu tiên, như trình bày ở phần đầu, đã có sự diễn đạt hoàn toàn sai sự thật về diễn tiến tư tưởng của Hồ Chí Minh, khi cho rằng câu “trung với nước, hiếu với dân” chỉ ra đời trong bối cảnh tình thế, còn việc Đảng lãnh đạo quân đội thì Hồ Chí Minh đã khẳng định ngay từ đầu.

Kế đến, lấy nội dung “chính trị trọng hơn quân sự” từ chỉ thị thành lập Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân để chứng minh quân đội phải thiên về chính trị, là cách biện luận rất thô thiển, bởi hai lẽ. Một là, nếu quân đội mà lại xem quân sự nhẹ hơn chính trị, thì không lẽ có tổ chức dân sự nào khác sẽ đặt quân sự nặng hơn chính trị thay cho nó, vì một khi đã định hình các cộng đồng lãnh thổ, dứt khoát phải có một định chế vũ trang đặt quân sự lên hàng đầu. Hai là, chỉ thị đó không phải là huấn thị tuyệt đối cho quân đội ở mọi thời kì, mà chỉ có giá trị trong hoàn cảnh lịch sử-cụ thể lúc đó: Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chưa phải là quân đội, “[n]ó là đội tuyên truyền”, có nhiệm vụ dẫn dắt xây dựng thêm nhiều đội quân khác, từ đó mà định hình nên quân đội.

Quay sang bên ngoài, cáo buộc những người “phản bội” cao nhất trong Đảng Cộng sản Liên Xô đã dùng chính quân đội nã đạn tăng vào tòa nhà Xô viết Tối cao, khai tử chính quyền công-nông-binh, là đánh tráo lịch sử. Đúng ra, chính cuộc đảo chính tháng Tám 1991 chống Gorbachev, có sự tham gia của quân đội, khiến xã hội càng ruồng rẫy hệ thống cộng sản đã có mới là điều thúc đẩy Liên Xô thêm nhanh chóng sụp đổ[37]. Khi đó, xe tăng bao vây trụ sở Xô viết Tối cao theo lệnh của nhóm đảo chính, nhưng trước sự đấu tranh của nhân dân, quân nhân đã quay ngược nòng súng, bảo vệ tòa nhà này. Không phát đạn tăng nào được bắn ra.

Không lâu sau khi Liên Xô tan rã, tháng Chín 1993, tại nước Nga, Boris Yeltsin (1931-2007) giải tán quốc hội để bầu cử sớm. Phe chống đối bất tuân, tuyên bố phó tổng thống lên nắm quyền. Đầu tháng Mười, bạo động xảy ra. Quân đội đã đứng về phía tổng thống dân cử đầu tiên của nước Nga, nã pháo vào tòa nhà quốc hội, nơi những người chống đối đang cố thủ. Đây là hệ quả của cuộc tranh chấp giữa các lực lượng chính trị, hoàn toàn không liên can đến việc trung thành hay không với Đảng Cộng sản, hay với chuyện sụp đổ của Liên Xô.

Cũng tráo đổi như thế nhưng lùi xa thời gian hơn, là việc lấy chuyện đàn áp khởi nghĩa nô lệ để lập tức kết luận nhà nước La Mã đàn áp nhân dân, như một phần nhằm chứng minh lịch sử, rằng quân đội luôn phục vụ cho nhà nước của giai cấp này đồng thời với trấn áp giai cấp khác. Nhưng, nếu người viết bài đó đã biết đến công dân tự do thì không thể không biết rằng trong xã hội đấy, dù có những người phải tự bán mình làm nô lệ, người thì bị bắt đi bán, người là con cái của nô lệ…, nhưng phần lớn trong số họ vẫn là chiến tù ngoại tộc. Người nô lệ phải lao động trực tiếp và khổ ải, nhưng thành phần còn lại của xã hội là những chiến binh, thương gia, chính trị gia, nhà điêu khắc, nhà khoa học…, tức tất thảy những người phi nô lệ khác, đã góp phần lớn định hình nền văn minh Hi Lạp – La Mã cổ đại. Họ là bộ phận rất lớn nhân dân không bị đàn áp, theo nghĩa đối kháng xã hội.

Kiểu lập luận một bước hoán chuyển con chữ là đã quy kết được ngay hiện thực cũng được thực hiện cho thời hiện đại. Có ý kiến cho rằng không ít quốc gia mà quân đội phải tuyên thệ trung thành với tổng thống hay chủ tịch nước, “cũng chính là [trung thành] với lãnh tụ của đảng cầm quyền”. Điều này, ở vế trước, nếu có động tác tuyên thệ như thế (ở nghi lễ nhậm chức?) chăng nữa, thì vẫn khác với việc hiến định như ở Việt Nam đang muốn thực hiện. Còn ở vế sau thì có thể khẳng định ngay, là hoàn toàn sai.

Nguyên thủ quốc gia ở các xã hội đa nguyên có thể là chủ tịch hay thành viên ưu tú của một đảng. Nhưng một khi được bầu vào cương vị đó, nhân vật này đã được xã hội thừa nhận là người đứng đầu toàn thể quốc gia, vượt lên mọi đảng phái. Bản thân nguyên thủ, khi nhậm chức, phải tuyên thệ phụng sự quốc gia và trung thành với hiến pháp chứ không phải với riêng đảng của mình[38].

Không phải là tất cả, nhưng phần nhiều các quốc gia theo thể chế tổng thống hay bán tổng thống, nguyên thủ đồng thời cũng là tổng tư lệnh quân đội. Một khi tổng thống đã tuyên thệ vì quốc gia và hiến pháp, thì việc quân đội phục tùng người này chỉ mang ý nghĩa trung thành với quốc gia và hiến pháp chứ không phải với đảng của nguyên thủ. Và, quan trọng hơn, quân đội phải tuân phục nguyên thủ là người của bất kì chính đảng nào, miễn được bầu chọn hợp pháp, chứ không hề phải trung thành chỉ với người của một đảng độc tôn.

Ngoài ra, việc quân đội chịu sự thống lĩnh của một nhân vật không phải là quân nhân chính là thể hiện đặc trưng phi chính trị của quân đội, chứ không phải ngược lại.

Bởi thế, tại Hoa Kì hay Pháp…, khi tổng thống là người của Cộng hòa hoặc Dân chủ, hay từ phe hữu hoặc phe tả, đều không có chuyện tu chính hiến pháp để quân đội trung thành với đảng của nguyên thủ lúc đó. Và cũng bởi thế, tại Venezuela, từ năm 1999 đến nay, không có chuyện hiến định quân đội giành riêng cho Phong trào Đệ ngũ Cộng hòa (Fifth Republic Movement) hay Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (United Socialist Party) của Chavez nhằm giữ lấy sức mạnh bạo lực để xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu Mỹ Latin.

Xa hơn việc hoán chuyển, có cả chuyện dựng đứng con chữ để chứng minh tính đảng phái cho quân đội. Đó là việc nhập nhằng, từ chỗ trưng ra nhận định từ năm 1960 của Clinton Rossiter (1917-1970) về nền chính trị phân đôi tại Hoa Kì[39], để lập tức cho rằng vào hai năm cuối nhiệm kì đầu của Obama, hai đảng tranh giành sự ủng hộ của quân đội cho riêng mình. Thế nhưng, sự thật là, ngoài việc hiến pháp Hoa Kì ngay từ đầu đã phi chính trị hóa quân đội bằng việc trao cho tổng thống quyền thống lĩnh các lực lượng quân sự, trên thực tế cũng không ghi nhận bất kì dấu hiệu nhỏ nhất nào về tranh chấp hay tranh thủ quyền lực vũ trang trong thời gian tại vị của Tổng thống Obama[40].

Ngoài những chi tiết trên, cũng cần lưu ý đến việc khẳng định câu chữ không căn cứ vào kiến thức liên quan cơ bản. Đó là việc cho rằng trong lịch sử, quân đội chưa bao giờ là lực lượng xã hội tự lập, để chứng minh quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của lực lượng cầm quyền. Vậy thì, Engels nói đến “quân đội nhân dân” ở thời cổ đại là gì, rồi việc cả ba nhà kinh điển đều đòi dưới chủ nghĩa xã hội phải giải tán quân đội thường trực để vũ trang toàn dân, là gì, nếu không phải là lực lượng tự lập?

Vẫn còn những điều khác nhưng không nhất thiết phải liệt kê tất cả, vì dù sao, câu chữ có được vận dụng như thế nào thì cũng không thay đổi được thực tế khi đã chín muồi.

Như đã thấy ở Liên Xô, quân đội tuân lệnh những người cộng sản cứng rắn, tham gia cuộc đảo chính tháng Tám 1991. Ba nhân vật đứng đầu bộ máy quân sự, công an và phản gián đều có mặt trong nhóm chính biến. Thế nhưng xe tăng, súng ống và binh lính cũng chỉ giúp họ trụ được có ba ngày (19-21/08/1991). Ngoài vai trò nổi bật của Yeltsin, người dân đã thức tỉnh, không chấp nhận hành động quân sự phi pháp. Còn quân nhân – những chiến sĩ-công dân – đã không mù quáng mà phục tùng sự lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp từ những người đứng đầu bộ máy bạo lực vũ trang, để lăn xích tăng càn quét hay nổ súng về phía nhân dân.

Dù sao, nếu không đồng ý với trường hợp Liên Xô vì cho rằng có sự “phản bội” của Gorbachev, hãy quay sang Romania. Đất nước này, từ cuối những năm 1950 đã tách khỏi ảnh hưởng của Liên Xô. Cho đến cuối năm 1989, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Romania không hề có cải tổ, không hề có “Gorbachev”, và đương nhiên không hề có ý tưởng phi chính trị hóa quân đội. Nhưng việc không có liên hệ chính trị với khối Xô viết – Đông Âu và tuyệt đối “kiên định” chủ nghĩa xã hội cũng không thể giúp nước này tồn tại như một ốc đảo giữa những thay đổi đã đến hạn.

Tháng Mười hai 1989, khi có phản kháng đường phố ở Timisoara, trung thành với Đảng Cộng sản và lãnh tụ Ceausescu (1918-1989), quân đội và công an liền thẳng tay tàn sát. Đổ máu lại càng khiến chống đối dâng cao ở nhiều nơi. Sau vụ cách chức và giết bộ trưởng quốc phòng vì không ra lệnh nổ súng vào người biểu tình ở Bucharest, quân đội ngã về phía nhân dân. Sau phiên xử chóng vánh, vợ chồng nhà độc tài đã bị chính những người lính mà vài hôm trước còn tôn thờ quyền lãnh đạo tuyệt đối của mình nã đạn vào. Tất cả sự kiện diễn ra chỉ hơn một tuần (16-24/12/1989).

Quân đội tại Liên Xô và Romania trở súng không phải vì giới lãnh đạo thiếu sáng suốt và sự trung kiên để sớm đưa ra giải pháp hiến định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng. Ở những xã hội độc tôn thì toàn bộ guồng máy xã hội – đương nhiên kể cả quân đội và công an – đều đã “tự nhiên” vận hành bằng sự trung thành đó. Và sự mặc định này còn có giá trị và hiệu lực gấp vạn lần những gì thể hiện ở hiến pháp. Toàn bộ hệ thống giáo dục, tuyên giáo và bộ máy bạo lực đã định vị sự trung thành đó nơi mỗi con người, từ thuở bé thơ, bằng hàng hàng lớp lớp câu chữ. Nhưng thực tế vẫn xảy ra như đã xảy ra, bởi:

Trước thực trạng qua nhiều thập niên, khát khao đổi thay của xã hội, khi đã hội đủ các yếu tố, sẽ đến lúc không thể bằng mệnh lệnh quân đội và bạo lực quân sự mà đảo ngược được.

Trái lại, cho dù lãnh đạo Đảng hay lãnh đạo quân đội có muốn thế, kể cả dùng giải pháp đổ máu, thì như một đặc trưng tự thân, cuối cùng quân đội cũng vẫn sẽ chọn con đường trung thành với đất nước và nhân dân qua việc bất tuân ý chí chủ quan đảng phái.

Quân đội cũng chỉ là một tập hợp những con người, nên trong những trường hợp cụ thể, nói quân đội cũng chỉ là sự thể hiện chung chung, vì quyết định và thực thi quyết định quân sự là ở quan chức, sĩ quan hay binh lính, những quân nhân-con người, chiến sĩ-công dân. Với tư cách này, họ hành động như những chủ thể tự chủ – không như “những cái máy vũ trang”, như như Lenin nói từ đầu thế kỷ XX – chứ không phải như những robot chỉ biết tuân thủ tuyệt đối những mệnh lệnh tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của người khác. Do vậy, dưới bất kì chế độ nào, ở những tình huống khẩn trương, từ sĩ quan cho đến binh sĩ, hoặc vì chính nghĩa, hoặc vì tư lợi và cơ hội, đều có thể có quyết định riêng, không tùy thuộc vào lãnh đạo hay chỉ huy, và bất chấp mọi thứ vũ khí tư tưởng đã trang bị cho họ. Chơi con cờ sức mạnh vũ trang trong các vấn đề đối nội, sẽ luôn có hai khả năng trái ngược nhau.

Không những vậy, bạo lực sẽ được đáp trả bằng bạo lực, và trong những tình trạng bất ổn, hành động man rợ sẽ nhận lấy kết cục dã man. Biện pháp hòa bình sẽ kết thúc bằng trạng thái hòa bình, càng dùng bạo lực thì hậu quả sẽ càng tan thương – cho cả hai phía. Điều đó không chỉ xảy ra ở năm 1989 và 1991 mà còn hiển hiện gần đây, ở cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập vốn còn đang tiếp diễn.

Đấy mới chính là những bài học cần cảnh báo, chứ không phải cảnh báo bằng kết luận theo lối cũ, tức lại dùng câu chữ để quy buộc tuyệt đối lực lượng vũ trang về mình, nhằm dọn đường cho phương án bạo lực khi cần.

Từ năm 1989 đến nay, duy nhất Trung Quốc thành công trong việc sử dụng quân đội đàn áp ý nguyện đổi mới. Điều đó không chỉ vì ở sự kiện Thiên An Môn, giới sinh viên và trí thức vẫn còn ở trạng thái đơn lẻ, chưa có sự tham gia rộng khắp của các lực lượng xã hội khác, mà còn ở văn hóa chính trị của họ. Mấy ngàn năm qua, ở đất nước này, tâm thức thắng cho kì được, tranh giành cho kì được đã khiến họ sẵn sàng gây đổ máu cho đồng tộc lẫn lân bang.

Người Việt không thể học theo cái văn hóa ấy!

Họ có thể thắng bằng xe tăng cán người ở quảng trường, nhưng sẽ không thắng được lịch sử. Sẽ đến lúc có sự phán xét công bằng, bằng hình thức này hay hình thức khác. Mọi hành động bạo lực của giới quân sự và độc tài, từ Âu sang Á, từ Mỹ Latin sang Cận Đông, đều đã chứng minh như thế.

H. Mondjian, một tác giả marxist, khi phê phán những người đề cao bạo lực, chủ trương dùng chiến tranh để mở rộng phe xã hội chủ nghĩa, có nói rằng: “coi chiến tranh và bạo lực chính trị là nhân tố quyết định lịch sử là không đúng. Chiến tranh không thể sinh ra hình thái kinh tế-xã hội mới, cũng chẳng thủ tiêu được một chế độ xã hội đang có sức sống” [41]. Để đầy đủ, cần bổ sung cho ông một ý: Đồng thời, bạo lực chính trị và chiến tranh chống lại nhân dân không thể tiêu diệt sự khai sinh xã hội mới, cũng chẳng thể cứu được một chế độ đã không còn sức sống./.

Tháng Ba & Tư 2013

© 2013 Lê Tuấn Huy & pro&contra

*

Phụ lục

Quân đội và cách mạng[42]

Lenin

Cuộc khởi nghĩa ở Xê-va-xtô-pôn ngày càng mở rộng. Tình hình đang tiến gần đến kết cục. Những người lính thủy và binh lính đấu tranh cho tự do đã loại bỏ bọn chỉ huy. Trật tự được duy trì nguyên vẹn. Chính phủ chưa diễn lại được trò hề bỉ ổi như trong sự kiện Crôn-stát, chưa gây nên được một cuộc tàn sát nào. Hạm đội đã không chịu ra khơi và đang uy hiếp thành phố, nếu người ta tìm cách đàn áp những người khởi nghĩa. Trung úy hải quân Smít vì “cả gan” tuyên bố sẽ dùng vũ khí để bảo vệ những tự do đã hứa hẹn trong Đạo dụ ngày 17 tháng Mười mà đã bị cách chức thì giờ đây đã nắm lấy chức vụ chỉ huy tàu “Ô-tsa-cốp”. Như báo “Nước Nga” đã cho biết, hôm nay, ngày 15 là hạn cuối cùng cho lính thủy đầu hàng.

Do đó, chúng ta ở vào ngay đêm trước của cái giờ phút quyết định. Mấy ngày sắp tới – có thể là mấy giờ – sẽ chỉ rõ những người khởi nghĩa sẽ thắng không, hay là họ sẽ bị đánh bại, hay là một hiệp định nào đó sẽ được ký kết. Vô luận thế nào, những sự kiện ở Xê-va-xtô-pôn chỉ ra rằng chế độ nô lệ cũ trong quân đội – chế độ biến người lính thành những cái máy vũ trang, biến họ thành công cụ trấn áp mọi nguyện vọng tự do, đã hoàn toàn phá sản.

Cái thời đại mà quân đội Nga vượt biên giới nước Nga để đàn áp cách mạng – như năm 1849 – đã qua không bao giờ trở lại. Ngày nay quân đội đã kiên quyết li khai hẳn với chế độ chuyên chế. Chưa phải toàn bộ quân đội đều đã trở thành cách mạng. Giác ngộ chính trị của binh lính và lính thủy còn rất thấp. Nhưng điều quan trọng là ý thức đã được thức tỉnh, binh sĩ đã bắt đầu phong trào của mình, tinh thần tự do đã thấm vào trại lính ở khắp mọi nơi. Trại lính ở Nga thường tồi tệ hơn bất cứ nhà tù nào; không ở đâu cá tính bị trấn áp và áp bức như trong trại lính; không ở đâu lại dùng nhiều nhục hình, đánh đập, lăng mạ đối với con người đến như thế. Và trại lính đó cũng đang trở thành một lò lửa cách mạng.

Những sự kiện ở Xê-va-xtô-pôn không phải đơn độc và ngẫu nhiên. Chúng ta sẽ không nói về những mưu đồ trực tiếp khởi nghĩa trước kia trong hải quân và quân đội. Chúng ta hãy so sánh những tia lửa ở Pê-téc-bua với đám cháy ở Xê-va-xtô-pôn. Chúng ta hãy nhớ lại những yêu sách mà binh sĩ trong các đơn vị quân đội ở Pê-téc-bua hiện đang đề ra (những yêu sách đó đã được đăng trong số báo ngày hôm qua của chúng ta). Bản kê những yêu sách đó là một văn kiện tuyệt diệu biết bao! Nó chỉ ra một cách rõ ràng biết bao, rằng quân đội nô lệ đang biến thành quân đội cách mạng. Hiện nay có lực lượng nào có thể cản trở được sự truyền bá những yêu sách như vậy trong toàn hải quân và lục quân không?

Những binh sĩ Pê-téc-bua muốn được cải thiện về ăn uống, áo quần, nhà ở, tăng thêm lương bổng, rút ngắn thời hạn phục vụ và thời gian tập luyện hàng ngày. Nhưng trong những yêu sách của họ thì những yêu sách khác – mà chỉ có người binh sĩ – công dân mới có thể đề ra – đã chiếm nhiều chỗ hơn. Quyền mặc quân phục đi dự mọi cuộc họp, “như mọi công dân”, quyền đọc và giữ tất cả các báo trong doanh trại, tự do tín ngưỡng, sự bình đẳng về quyền lợi của tất cả các dân tộc, xóa bỏ hoàn toàn mọi nghi thức biểu thị tôn kính cấp trên ở ngoài doanh trại, xóa bỏ lính cần vụ, xóa bỏ tòa án quân sự và giao mọi vụ án của tòa án quân sự cho tòa án dân sự phổ thông xét xử, quyền đề xuất, đệ trình những đơn khiếu nại tập thể, quyền tự vệ khi chỉ huy có bất kì một ý định nhỏ muốn đánh. Đó là những yêu sách chủ yếu nhất của binh lính Pê-téc-bua.

Những yêu sách đó chỉ rõ rằng tuyệt đại bộ phận quân đội đã đồng tình với những người khởi nghĩa Xê-va-xtô-pôn đang đấu tranh giành tự do.

Những yêu sách đó chỉ rõ rằng những câu nói của bọn tôi tớ của nền chuyên chế về tính trung lập của quân đội, về sự cần thiết phải giữ cho quân đội đứng ngoài chính trị v. v. là giả dối, rằng những lời nói đó không thể mong được binh lính đồng tình một chút nào.

Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị – đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động, biến binh lính Nga thành tôi tớ của bọn Trăm đen, thành những kẻ đồng lõa với cảnh sát. Không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh của toàn dân giành tự do. Kẻ nào có thái độ thờ ơ đối với cuộc đấu tranh ấy thì kẻ đó ủng hộ sự hoành hành của chính phủ cảnh sát, chính phủ này hứa hẹn tự do chẳng qua là để nhạo báng tự do.

Yêu sách của những binh sĩ – công dân, thực chất là yêu sách của Đảng dân chủ – xã hội, yêu sách của mọi đảng cách mạng, yêu sách của những công nhân giác ngộ. Gia nhập hàng ngũ những người đấu tranh cho tự do, chạy sang phía nhân dân, điều đó sẽ đảm bảo cho sự nghiệp của tự do thắng lợi và những yêu sách của binh sĩ được thực hiện.

Nhưng để cho những yêu sách đó được thực hiện một cách thực sự đầy đủ và vững chắc, thì còn phải tiến lên một ít nữa. Cần phải tập trung tất cả những nguyện vọng riêng biệt của những binh sĩ bị sự khổ dịch đáng nguyền rủa của chế độ trại lính đày đọa thành một đơn thỉnh nguyện hoàn chỉnh. Và những yêu sách đó được tập trung lại sẽ có nghĩa là: xóa bỏ quân đội thường trực, thay thế nó bằng vũ trang toàn dân.

Quân đội thường trực ở bất cứ đâu và trong mọi nước đều chủ yếu dùng để chống kẻ thù bên trong hơn là để dùng chống lại kẻ thù bên ngoài. Ở bất cứ đâu quân đội thường trực cũng trở thành công cụ của thế lực phản động, tôi tớ của tư bản trong cuộc đấu tranh chống lại lao động, cũng là tên đao phủ đối với tự do của nhân dân. Trong cuộc cách mạng giải phóng vĩ đại của chúng ta, chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở những yêu sách cục bộ. Chúng ta hãy đào bỏ tai họa tận gốc. Chúng ta hãy hoàn toàn xóa bỏ quân đội thường trực. Hãy để cho quân đội hòa vào quần chúng vũ trang, hãy để cho quân đội dạy tri thức quân sự của mình cho nhân dân, hãy xóa bỏ trại lính và thay thế nó bằng trường quân sự tự do. Không một lực lượng nào trên thế giới dám xâm phạm đến nước Nga tự do, nếu thành trì của tự do đó là nhân dân vũ trang đã xóa bỏ đẳng cấp quân sự, đã biến tất cả các binh sĩ thành công dân và đã biến tất cả mọi công dân có thể cầm súng thành binh sĩ.

Kinh nghiệm của Tây Âu đã chỉ rõ tất cả tính chất phản động của quân đội thường trực. Khoa học quân sự đã chứng minh rằng chế độ dân cảnh có thể hoàn thành nhiệm vụ quân sự cả trong chiến tranh phòng ngự lẫn trong chiến tranh tấn công. Cứ để cho giai cấp tư sản giả nhân giả nghĩa hoặc đa cảm mơ ước về giải trừ vũ trang. Khi nào trên thế giới còn người bị áp bức và bóc lột, – thì chúng ta phải thực hiện vũ trang toàn dân chứ không phải là giải trừ vũ trang. Chỉ có vũ trang toàn dân mới đảm bảo đầy đủ tự do. Chỉ có vũ trang toàn dân mới hoàn toàn đánh đổ thế lực phản động. Chỉ trong điều kiện thực hiện những cải cách đó thì hàng triệu quần chúng lao động mới thực tế được hưởng tự do chứ không phải chỉ một nhúm bọn bóc lột là có tự do.

Viết ngày 15 (28) tháng Mười một 1905

Đăng ngày 16 tháng Mười một 1905 trên báo “Đời sống mới”, số 14

Ký tên: N. Lê-nin

(Lenin: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2005, T. 12, tr. 134-138)



[1] Đã có thông tin về Dự thảo 2, và cả Dự thảo 3 nhưng chưa (hay sẽ không?) công bố chính thức. Trong bài này, vẫn nói đến dự thảo đầu tiên.

[2] Đến thời điểm này, những bài mà tôi biết, là:

  1. 19/02/2013, QĐND, Trung tướng PGS, TS. Nguyễn Tiến Bình, Không có Quân đội đứng ngoài chính trị.
  2. 27/02/2013, VTV, Thu Trà [ghi ý kiến của Đại tá Bùi Quang Cường], ”Phi chính trị hóa quân đội” là luận điệu phản động.
  3. 28/02/2013, QĐND, Thuý An và Thuỳ Linh, Không thể chấp nhận quan điểm “phi chính trị hoá Quân đội”.
  4. 28/02/2013, ĐCSVN, Đại tá, TS. Nguyễn Văn Quang, “Quân đội không thể và không nên trung lập” – Lịch sử đã cảnh báo.
  5. 05/03/2013, ND, Vũ Tiến Anh, “Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân…”.
  6. 14/03/2013, VNN, L. Thư [ghi ý kiến của Thiếu tướng GS. Bùi Phan Kì và TS. Cao Đức Thái], ‘Phi chính trị hóa, quân đội thành đội quân robot’ (Link bản khác tại VnExpress).
  7. 17/03/2013, TTXVN, Trung tướng PGS, TS. Tô Lâm, “Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang là mắc kế địch”.
  8. 17/03/2013, QĐND, Lệ Chi – Vọng Đức, Quân đội trung lập về chính trị: Đừng mơ hồ.
  9. 18/03/2013, VOV, TS. Trương Minh Tuấn, Bản chất chính trị của quân đội nhân dân Việt Nam.

10. 24/03/2013, QĐND, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Đạo lí và lịch sử về sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

11. 28/03/2013, QĐND, Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Không thể “phi chính trị hóa” quân đội.

Và, từ trước đợt góp ý sửa đổi hiến pháp, đã có những bài tương tự:

12. 08/12/2008, QĐND, Nguyễn Ngọc Hồi, Quân đội không thể phi chính trị.

13. 04/10/2012, ND, Trung tướng, TS. Võ Tiến Trung, Phòng, chống khuynh hướng “phi chính trị hóa” trong Quân đội.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, HN. 2000, T. 11, tr. 350.

[4] Xem: Hồ Chí Minh: Sđd, T. 3, tr. 507-508.

[5] Xem: Hồ Chí Minh: Sđd, T. 4, tr. 239.

[6] Xem: Hồ Chí Minh: Sđd, T. 4, tr. 149.

[7] Năm 1950, báo này sáp nhập với báo Quân du kích, thành báo Quân đội Nhân dân (BBT Hồ Chí Minh Toàn tập).

[8] Hồ Chí Minh: Sđd, T. 5, tr. 115.

[9] Nay là Trường Sĩ quan Lục quân I (BBT Hồ Chí Minh Toàn tập).

[10] Xem: Hồ Chí Minh: Sđd, T. 5, tr. 432.

[11] Hồ Chí Minh: Sđd, T. 6, tr. 261.

[12] Xem: Hồ Chí Minh: Sđd, T. 6, tr. 272-273.

[13] Hồ Chí Minh: Sđd, T. 12, tr. 293.

[14] Xem: Hồ Chí Minh: Sđd, T. 5, tr. 94-95.

[15] Xem: Hồ Chí Minh: Sđd, T. 7, tr. 480-482.

[16] Xem: Hồ Chí Minh: Sđd, T. 11, tr. 371-375.

[17] Hồ Chí Minh: Sđd, T. 11, tr. 504.

[18] Xem: Hồ Chí Minh: Sđd, T. 12, tr. 90.

[19] Xem: Hồ Chí Minh: Sđd, T. 12, tr. 558.

[20] Xem: Hồ Chí Minh: Sđd, T. 5, tr. IX; T. 6, tr. XI.

[21] Xem: Hồ Chí Minh: Sđd, T. 4, tr. 149; T. 5, tr. 640.

[22] Xem: Hồ Chí Minh: Sđd, T. 12, tr. 510.

[23] Xem: Hồ Chí Minh: Sđd, T. 12, tr. 491-506.

[24] Bản thân Marx không tuyệt đối hóa năm hình thái kinh tế xã hội khi ông từng nói đến “phương thức sản xuất châu Á” và những hình thức sở hữu khác có trong lịch sử. Về sau, việc phân kì lịch sử kiểu hình thái đã bị chính giới sử học marxist-leninist phê bình, bởi ngoài cung cách gắn chặt với các cặp giai cấp, lịch sử còn và phải được tiếp cận dưới nhiều chiều cạnh mới có thể có được cái nhìn toàn diện hơn. Xem: Marx-Engels: Tuyển tập, Nxb Sự thật, HN, 1981-1984, T. II, tr. 638; và: Guy Boudé – Hervé Martin: Các trường phái sử học, Phạm Quang Trung và Vũ Huy Phúc dịch, Viện Sử học Việt Nam, HN, 2001, tr. 368-370, 400-408.

[25] Marx-Engels: Sđd, T. III, tr. 60.

[26] Xem: Marx-Engels: Tuyển tập, Nxb Sự thật, HN, 1981-1984, T. VI, tr. 184, 251-252.

[27] Marx-Engels, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 1994, T. 14, ST, tr. 11.

[28] Trường hợp Khối NATO (1948-) và Khối Warsaw (1955-1991) cũng không phải là hai quân đội của hai giai cấp, mà là hai liên minh của các quân đội quốc gia.

[29] Xem: Lương Ninh (cb): Lịch sử thế giới cổ đại, Nxb Giáo dục, HN, 1998, tr. 204-238.

[30] Xem: Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Văn Ánh, Đỗ Đình Hãng, Trần Văn la: Lịch sử thế giới trung đại, Nxb Giáo dục, HN, 1999, tr. 45-57.

[31] Xem: Sđd, tr. 145-151.

[32] Sơ bộ, có thể đọc theo link ở đây, ở đây, ở đây, ở đây, ở đây

[33] Dẫn lại: R.J. May & Viberto Selochan (ed.): The Military and Democracy in Asia and the Pacific, ANU E Press, Canberra, 2004, p.10.

Các chính quyền quân sự ở châu Á mà tôi nhắc đến bên trên, được nghiên cứu cụ thể trong công trình này. Về trường hợp Chile, mà chính quyền quân sự để lại hệ quả thế nào và cần chuyển đổi ra sao, có thể tham khảo một chuyên luận được viết tám năm sau khi Pinochet không còn nắm quyền: Military and Politics: Weaknesses in Chilean Democracy.

[34] Lenin: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2005, T. 12, tr. 136. Xem toàn văn bài Quân đội và cách mạng ở Phụ lục, cuối bài này của tôi.

[35] Theo Bill Hayton, vào thời điểm Hội nghị Trung ương 4 khóa X, “Quân đội Việt Nam nắm trong tay một công ty viễn thông, một ngân hàng, một công ty tàu biển, nhiều nhà máy dệt và cả một hệ thống nhà hàng khách sạn. Tổng cộng có gần 250 doanh nghiệp quân đội”. Hiện nay, con số này tại website của Cục Kinh tế – Bộ Quốc phòng là 109. Như vậy, việc thực hiện quyết định của Hội nghị Trung ương 4 đã được cải biên thành “tái cấu trúc” kinh tế quân đội.

[36] Những sự kiện mà tôi đọc được:

– Tháng Năm 2011, hàng ngàn hộ ở Thanh Hóa thiếu đói, chính quyền xin trợ cấp gạo, thì công an, bộ đội biên phòng và Ban chỉ huy Quân sự tỉnh diễn tập rầm rộ chống gây rối, bạo loạn.

– Tháng Tám 2011, Diễn tập khu vực phòng thủ Ninh ThuậnVĩnh Long (Hai bản tin này gần như nhau. Chi tiết bản tin thứ hai cho thấy đây không phải là diễn tập quân sự chuyên nghiệp của quân đội, mà diễn tập có sự tham gia của quầnchúng, với mục đích trị an).

– Tháng Bảy 2012, Quân khu 7 diễn tập chống bạo loạn vũ trang lật đổ chính quyền có lực lượng nước ngoài can thiệp.

– Tháng Mười 2012, diễn tập chống bạo loạn tại Điện Biên.

– Tháng Mười một 2012, Sóc Trăng diễn tập trấn áp bạo loạn.

– Tháng Mười hai 2012, diễn tập chống bạo loạn hàng khôngtrấn áp biểu tình.

[37] Tài liệu sử học Việt Nam đã sớm ghi nhận như thế. Xem: Nguyễn Anh Thái (cb): Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb Giáo dục, HN, 2000, tr. 456-457.

[38] Về nguyên thủ quốc gia, xem: Nguyễn Đăng Dung (cb): Giáo trình luật hiến pháp của các nước tư bản, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, HN, 1998, tr. 167-183. Tuyên thệ nhậm chức và vai trò của nguyên thủ đối với quân đội ở Hoa Kì, Pháp, Anh, Đức, Nhật: xem phần Phụ lục, ở hiến pháp tương ứng. Đối với nguyên thủ Nga, xem: Dương Xuân Ngọc, Lưu Văn An (cb): Thể chế chính trị thế giới đương đại, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2003, tr. 210-214.

[39] Clinton Rossiter: Parties and politics in America, Cornell University Press,  Ithaca, N.Y., 1960.

[40] Nguyên Bộ Trưởng Quốc phòng R. Gates, trong lần dự lễ tốt nghiệp tại Học viện Hải quân Hoa Kì năm 2007, đã nói với cử tọa rằng Quốc hội, tự do báo chí và quân đội phi chính trị là những thứ cần thiết cho một đất nước tự do, để nhấn mạnh trách nhiệm báo cáo trung thực của quân đội đối với cơ quan lập pháp và trước báo giới. Qua đó có thể thấy, một quân đội phi chính trị không chỉ trực thuộc vô điều kiện vào hành pháp, mà còn phải chịu sự giám sát của lập pháp và công luận, chứ không phải dựa vào sức mạnh mà “tự trị”, xem các cơ chế xã hội khác là kẻ thù khi họ giám sát mình.

[41] H. Môm-gian: Những cột mốc của lịch sử, Nxb Sách giáo khoa Mác-Lênin, HN, 1986, tr. 192. (Bản tiếng Pháp: H. Momdjian: Les jalons de l’histoire; La doctrine Marxiste des formations économiques et sociales, Moscou: Ed. du Progrès, 1981)

[42] Những chỗ in nghiêng là LTH lưu ý.