Tác giả

Chuyên mục

Trang

Việt Nam cho phép Ân xá Quốc tế tới thăm

Th3 7, 2013

Gerry Mullany

Đinh Từ Thức dịch

Lời người dịch: Trong khi từ Tổng Bí thư Đảng đến Chủ tịch Quốc hội và người phụ trách dự án sửa đối Hiến pháp 1992 đều lên án những ý kiến như bỏ điều 4, tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng và phi chính trị hóa quân đội là tư tưởng “suy thoái” cần phải “xử lý”, thì dưới mắt nhà báo quốc tế, việc lấy ý kiến của dân về sửa đổi hiến pháp là dấu hiệu cởi mở, sẵn sàng đối thoại. Để rộng đường dư luận, xin dịch sau đây bài “Assailed on Rights, Vietnam Allows Amnesty International Visit” trên  New York Times ngày 06 tháng 03, 2013.

__________

HỒNG KÔNG – Nhà cầm quyền Việt Nam đã mở cuộc đối thoại với  Ân xá Quốc tế (Amnesty Internaational), cho một nhóm các nhà bảo vệ nhân quyền gặp gỡ các nhà đối lập trọng yếu và các giới chức chính quyền trong những cuộc tiếp xúc diễn ra lần đầu tiên kể từ khi chấm dứt cuộc chiến Việt Nam, Ân xá Quốc tế nói như vậy vào hôm thứ Tư (06-03).

Cuộc đối thoại đã diễn ra khi Việt Nam bắt đầu thảo một hiến pháp để tìm cách đáp lại những quan tâm về tự do dân sự và khoan dung về tôn giáo, là những lãnh vực mà giới lãnh đạo Việt Nam bị chỉ trích nặng nề từ các nhóm bảo vệ nhân quyền và các chính phủ phương Tây.

Frank Jannuzi, một giới chức Ân xá Quốc tế, nói rằng trong chuyến viếng thăm sáu ngày kết thúc vào hôm thứ Bảy (02 tháng 03), ông đã được gặp hai nhà đối lập hàng đầu là Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Văn Đài, cũng như đại diện của các giáo hội Thiên Chúa giáo và Hồng y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Giáo hội Công giáo La Mã. Nhà cầm quyền “đã cho tôi đi nhiều nơi” trong cuộc thăm viếng này, ông nói.

Ân xá Quốc tế đã từng nặng lời chỉ trích nhà cầm quyền Việt Nam trong quá khứ, gần đây nhất là phê phán về vụ xử 13 nhà hoạt động Công giáo với bản án nặng nhất lên tới 13 năm tù giam, gọi đó là “một phần của vụ gia tăng đàn áp quyền tự do phát biểu”.

Ông Jannuzi công nhận là nhà cầm quyền Việt Nam còn mất nhiều thời gian trong việc đáp lại những quan tâm này, nhưng nói rằng cố gắng để thảo một hiến pháp gợi ý một sự sẵn sàng để đương đầu với những vấn đề về nhân quyền.

“Tôi đã thấy một đất nước tham gia thảo luận về một hiến pháp mới”, ông nói. “Một trong những đề tài chính mà họ thảo luận là về nhân quyền”, ông nói thêm, chỉ ra rằng nhà cầm quyền khuyến khích công chúng góp ý trong tiến trình sửa hiến pháp.

Bản hiến pháp đang được viết lại trong khi đất nước cố gắng thích ứng với sự thay đổi mau chóng về kinh tế do sự chuyển hóa từ chế độ kinh tế tập trung kiểu Liên Xô sang nền kinh tế dựa trên thị trường tự do đem lại, một sự thay đổi đã mang lại thịnh vượng kinh tế nhưng không được san sẻ rộng rãi trong xã hội. Hiến pháp 1992 của Việt Nam đã thành hình vào lúc những cải cách kinh tế đó mới bắt đầu.

Kể từ thời gian đó, chính quyền Hoa Kỳ và nhiều nước khác đã tấn công Việt Nam về thành tích nhân quyền. Năm 2009 Quốc hội châu Âu dẫn ra “sự gia tăng tình trạng thiếu khoan dung tại Việt Nam đối với những người bảo vệ nhân quyền và thành viên các cộng đồng tôn giáo không được chính thức công nhận” và kêu gọi thả các “tù nhân chính trị”.

Và trong khi công nhận các tôn giáo như Công giáo La Mã và Phật giáo và  cho phép tín hữu các tôn giáo này được hành đạo, nhà cầm quyền Việt Nam lại kiểm soát hàng giáo sĩ và can thiệp cả vào việc bổ nhiệm.

Ông Jannuzi, người đã liên lạc với nhà cầm quyền Việt Nam để mở ra cuộc đối thoại, nói rằng các giới chức chính quyền ông gặp đã “thẳng thắn ước hẹn với tôi về những đề tài nhậy cảm”, đặc biệt là những quan tâm về nhân quyền.

“Tất cả dấu hiệu cho thấy là sẽ có những vòng thảo luận tiếp theo”, ông nói, đánh giá chuyến đi tuần vừa rồi là “cuộc thăm viếng phá băng”.

Nguồn: Vietnam Allows Visit by Amnesty International, New York Times, 06-3-2013

Bản tiếng Việt © 2013 Đinh Từ Thức & pro&contra