Tết thật ghét
Th2 9, 2013
Phạm Hồng Sơn
Hôm nay là 30 Tết Quí Tị. Nhưng ai bảo là trẻ con nào cũng thích Tết thì không đúng. Hồi tôi mới bắt đầu biết nghĩ, nhưng vẫn chưa thành người lớn, nếu không được nghỉ học và đốt pháo thì Tết chỉ làm cho tôi chán.
Nghèo nên Tết đến cả nhà tôi phải gồng hết lên để làm cho cái Tết không được úi xùi quá với thiên hạ, đâm ra ai cũng mệt, dễ cáu gắt nhưng lại không được tỏ ra buồn hay bực. Vì vậy tôi luôn thấy Tết đi kèm với một không khí rất không thoải mái như ngày thường. Nhiều thứ còn trở nên như đối chọi, hắt hủi nhau nữa. Chẳng hạn, chiều 30 Tết bỗng thấy một lọ hoa tươi tắn, điệu đà tọa ngay trên cái tủ gỗ cũ kĩ, ọp ẹp nơi ngày thường chỉ thấy cái giành tích xộc xệch và bộ cốc sứt mẻ, cọc cạch. Và ngay phía trên những cánh hoa điệu đà đó vẫn là cái mái giấy dầu đen nhẻm lỗ chỗ, bập bùng như muốn sệ xuống nữa. Còn những chiếc áo sờn cũ, vá víu, thân thương của mẹ tôi lại như phải khép nép vào sâu trong chiếc áo bông Tàu in hoa, tuy lành lặn nhưng cả năm tôi mới nhìn thấy một lần.
Càng lớn tôi càng nhận thấy Tết nhiêu khê, hình thức, tiêu hao nhiều tiền bạc vào những việc dị đoan, ô nhiễm, gây tổn nhiều sinh lực, tinh thần và thời gian của người Việt. Tết cũng là lúc phải tiêu nhiều phút giây vào việc xem hay nghe những trò mị dân được trình diễn cố định trong suốt mấy chục năm qua, phát trực tiếp trên radio, ti-vi hay tua lại từ những năm 60 thế kỉ trước.
Mà xem ra những khoảnh khắc tỉnh táo, tự lập của một đời người có được bao nhiêu. Nếu lấy tuổi thọ là 80 thì đoạn trước, đoạn sau, thơ dại và lẫn cẫn, đã mất khoảng 25 năm. 55 năm còn lại thì tối thiểu cũng 1/3 là ngủ, 1/3 là du hí, thư giãn, mệt mỏi, lười biếng… Vậy cùng lắm thì cả đời người rút lại chỉ được khoảng 15-20 năm là tích cực, đỉnh cao. Đấy là mới kể về lượng. Còn về phẩm có ai chắc cứ chuyên cần, sống lâu là phẩm sẽ sâu? Nhưng chả phải mọi thiên tài đều đã quả quyết 90% sản phẩm của họ chỉ là do mồ hôi cộng với thời gian tạo ra đó sao?
Song Tết đâu phải chỉ cướp thời gian của người Việt qua những trò dông dài của những kẻ cầm quyền phi dân chủ.
Tết đến, bếp nhà người Việt nào chả nhộn nhịp hơn thường. Băm chặt, tẩm ướp, gọt tước, gói ghém, nạo tỉa, xoay giật… Lau rửa rất nhiều, bày biện, sắp đặt rất công phu. Rồi tay phải đưa lên hạ xuống nhịp nhàng theo chai, theo ly với tần số và biên độ đều lớn hơn nhiều ngày thường. Nhưng chưa chắc tất cả những thứ công phu, bổ dưỡng đó đã được anh bụng chào mừng nồng nhiệt và nếu có được chào mừng rồi thì cũng chưa hẳn sẽ được yên vị trót lọt, êm thấm.
Tết ngày nay cũng vẫn là những ngày hạnh phúc trần ai đối với đa số phụ nữ Việt. Còn đàn ông thì phần lớn cũng trần ai không kém vì phải đi tua chúc Tết từ sáng đến tối nếu không muốn bị đánh giá là thiếu tình cảm, kém lễ giáo. Gần như đến nhà nào các đấng mày râu cũng phải nâng ly “chút chút” hoặc có khi lại phải cố ngửa cổ “dzô, dzô trăm phần trăm” y hệt các anh hai Sài Goòng vì quên mất bia rượu chưa bao giờ được trao thẩm quyền minh xác sự hết lòng, chưa khi nào rượu bia đủ uy tín trong việc gìn giữ sự trung tín của con người.
Sự tiêu dùng quá mức ngày Tết làm mệt, gây hại cho cơ thể là quá rõ nhưng nó còn làm ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, và cả không tốt cho nền chính trị (tương lai) nữa.
Những ngày này, và có lẽ cả sau Tết, trí thức online ở đâu chả thấy đụng đến hiến pháp, pháp trị, dân chủ và ươc mơ phá vòng nô lệ. Nhưng chắc sẽ bị mắng ngay là “hâm” nếu lại nói: khoái “món” Bàn về tinh thần pháp luật [i] hơn cả ly bia Heineken kèm gói nem chua chấm tương ớt. Lùng bạn nhậu trong ngày Tết, và cả ngày thường, thì hẳn nhiên là phải dễ hơn và thích hơn việc rủ nhau đi tìm các “món” dịch hay khảo của Phạm Quỳnh về Descartes, Voltaire, Rousseau. Hoặc gợi về các loại Cognac, Whisky, bình về cách gọt củ thủy tiên, luận các thế đào, uốn kiểng, chơi mai hay lẩy Kiều, vịnh Lý Bạch, ngâm Tản Đà đương nhiên là dễ gây hứng hơn nhiều gại bàn về “món” dân trị chủ nghĩa của Phan Châu Trinh. Đấy mới chỉ là những “món” đã được Việt hóa rồi, nói gì đến những “món” đặc nguyên ngữ khác như De la démocratie en Amérique [ii], Federalist Papers [iii], Two Treatises of Government [iv], A Treatise of Human Nature [v], On Liberty [vi], On Democracy [vii], On the Rule of Law [viii]…
Nhưng, nếu người Việt ta muốn tự chế được “món” dân chủ, pháp trị thật, muốn tính tình trở nên trọng lẽ công bằng hơn tình huynh đệ, muốn có tinh thần luôn coi khinh lợi ích của đảng phái, phe nhóm trước lợi ích quốc gia, muốn tâm khảm mình chuộng hữu lí hơn xúc cảm, muốn bình tĩnh được trước mọi ý kiến trái ngược với mình và muốn thường trực căm ghét thói mị dân, giả hiệu thì người (trí thức) Việt không thể không chịu khó xắn tay tìm hiểu và siêng năng thù tạc các món ngoại lai khó nuốt, nhưng thuộc những tri thức nền của dân chủ, pháp trị.
Dưới vòm trời lồng lộng, sâu thẳm của phương Đông suốt 500 năm qua mới chỉ thấy có một nước – Nhật Bản – làm cho người các xứ khác phải ngại mà lại nể. Nhưng đó không phải là ngẫu nhiên hay chỉ là do Trời thương người Nhật hơn các nước khác. Nhật Bản là nước đầu tiên trong số các quốc gia phương Đông chịu ảnh hưởng Trung Hoa đã bỏ dùng lịch âm để dùng lịch dương, bỏ hẳn Tết để chơi Noel và đón năm mới dương lịch ngay từ năm 1873. Lúc ngay còn trong bầu khí ngột ngạt của sự kiêu hãnh, tự đại kiểu Trung Hoa, giới sĩ phu nước Nhật cũng là giới sĩ phu đầu tiên cả gan xơi các “món” ngoại lai, khó nuốt nói trên. Vào cuối thế kỉ XIX các sĩ phu khai sáng Nhật Bản đã dốc lòng tìm hiểu, dịch, phổ biến, cổ xúy nhiều tác phẩm chính trị, triết học kinh điển phương Tây bất chấp các phản đối, công kích và cả đe dọa tính mạng của đa số xã hội đương thời. [ix] Nhật Bản cũng là quốc gia độc nhất trên thế gian dám dùng và tuân thủ nghiêm ngặt bản hiến pháp do chính cựu thù làm cho. [x]
Dĩ nhiên, sẽ quá đáng khi coi cái gì của Tết cũng đáng bỏ và cái gì của Nhật cũng đáng học. Nhưng quốc gia cũng như cá nhân, nếu đã kém người thì chí ít phải tiết kiệm thời gian, chắt chiu nguồn lực cho những việc hệ trọng. Bằng không, cái gì cũng ham cũng thích, lại còn bị đẩy vào con đường sai với những gông xiềng, thì không bị diệt vong là may sao còn nói được đến chuyện bằng người hay “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Thời gian nghỉ Tết đã có xu thế mở rộng thành hẳn một tuần. Nhưng thực ra Tết lấy đi phải ngót nghét ba tuần lễ của nhiều công việc. Sản phẩm trong hai mươi mốt ngày của một người lao động chắc không lớn lắm nhưng của cả một quốc gia thì không thể nhỏ. Tết là một thời điểm tăng cầu và là dịp bội thu cho nhiều ngành nhưng sự bền vững của kinh tế quốc gia không thể dựa vào tâm lí tiêu dùng bốc đồng. Ba tuần lễ chả đáng gì so với một đời người, nhưng mấy ai không giật mình khi tưởng tới ba tuần cuối cùng của đời mình? Và một chuyện riêng nho nhỏ, ăn Tết dài cũng là đồng nghĩa với làm dài thêm ra cái thời gian dễ gây ra những tròng trành cho tinh thần của những tù nhân chính trị.
Nhưng bỏ Tết âm để chỉ ăn Tết dương chưa hẳn là việc tối cần. Mà có là tối cần thì chắc chắn cũng là việc rất khó đối với người Việt lúc này. Rất khó là vì Tết đã hằn sâu trong lòng dân tộc từ hàng ngàn năm qua, đã gắn với những tập tục giúp người Việt quên được trong vài ngày nhiều thống khổ. Nhưng kể cả khi người dân Việt biết đồng lòng, nhất quyết bỏ đi những truyền thống có hại thì cũng vẫn là chuyện không hoàn toàn dễ vì: Tết gắn với Trung Quốc – người bạn vàng hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam.
© 2013 pro&contra
[i] Tác phẩm (xuất bản lần đầu năm 1748) của Montesquieu người Pháp (1689-1755), đầu đề nguyên bản: De l’esprit des lois. Bản dịch tiếng Việt của Hoàng Thanh Đạm có đầu đề Bàn về tinh thần của pháp luật, Nxb Lý luận Chính trị, 2006. Lưu ý: đây là bản dịch không đầy đủ, thiếu nhiều phần quan trọng liên quan tới tư tưởng chính (“tư pháp phải độc lập” – rõ hơn John Locke – và “phân chia quyền lực” – giống John Locke) của Montesquieu.
[ii] Tác phẩm (xuất bản tập 1 năm 1835, tập 2 năm 1840) của Alexis de Tocqueville người Pháp (1805-1859) có ảnh hưởng lớn, đối với cả học giả Mỹ, về quan điểm quản trị nhà nước theo cách dân chủ. Đầu đề tạm dịch: Bàn về nền dân chủ Mỹ. Bản dịch tiếng Việt của Phạm Toàn (Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính) có nhan đề Nền dân trị Mỹ – Nxb Tri Thức, 2007 (đã tái bản, năm 2012)
[iii] Nguyên là 85 bài báo do Alexander Hamilton, James Madison, và John Jay viết (với cùng bút danh là Publius trong khoảng tháng 10 năm 1787 – tháng 08 năm 1788) nhằm vận động dân chúng thông qua bản dự thảo Hiến pháp Hoa Kỳ. Các bài báo đăng trên một số tờ báo tại New York, từ tháng 10/1787-tháng 08/1788, bàn về bản chất và các nguyên tắc của chính quyền cộng hòa, về sau được tập hợp lại thành một cuốn sách lấy tên là The Federalist. Sau này Thomas Jefferson đánh giá The Federalist là “cuốn bình luận xuất sắc nhất từng có về các nguyên lí của chính quyền”. Có thể tham khảo bản trích dịch tiếng Việt tại đây.
[iv] Một tác phẩm (xuất bản năm lần đầu năm 1689) của John Locke người Anh (1632-1704) có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành của chủ nghĩa tự do hiến định, pháp trị (rule of law). Bản dịch tiếng Việt (phần khảo luận thứ hai) của Lê Tuấn Huy có nhan đề Khảo luận thứ hai về chính quyền – chính quyền dân sự, Nxb Tri Thức, 2007.
[v] Tác phẩm (gồm 03 cuốn, cuốn 01 xuất bản lần đầu năm 1739) của David Hume người Scotland (1711-1766), tạm dịch đầu đề: Khảo luận về bản chất loài người. Khi mới xuất hiện tác phẩm này không được chào đón và sau đó gây ra nhiều tranh cãi. Hiện nay tác phẩm này được đánh giá là một trong những tác phẩm đóng góp lớn cho việc lí giải các vấn đề về đạo đức, các học thuyết chính trị, kinh tế, triết học, tôn giáo ở các nước dân chủ tự do.
[vi] Tác phẩm (xuất bản lần đầu năm 1859) của John Stuart Mill người Anh (1806 – 1873) có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 19 về chủ nghĩa tự do và tư tưởng dân chủ. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Trọng có đầu đề Bàn về tự do – Nxb Tri Thức, 2005 (đã sửa chữa và tái bản lần 4, năm 2012).
[vii] Tác phẩm (xuất bản lần đầu năm 1998) của Robert A.Dahl (sinh năm 1915) học giả Mỹ. Đầu đề tạm dịch: Bàn về chế độ dân chủ. Tác phẩm này khảo sát sự hình thành và phát triển của chế độ dân chủ khá tỉ mỉ và rất khách quan từ thời kì Hy Lạp cổ đại, La Mã cho đến ngày nay và có đưa ra những khuyến cáo thiết thực cho việc xây dựng, bảo tồn, củng cố chế độ dân chủ.
[viii] Tác phẩm (xuất bản lần đầu năm 2004) của Brian Z. Tamanaha học giả Mỹ. Đầu đề tạm dịch: Bàn về pháp trị (thượng tôn pháp luật). Tác phẩm tìm hiểu nguồn gốc, các yếu tố cơ bản, quá trình đã tác động, hình thành nên khái niệm rule of law được hiểu như ngày hôm nay, một cách sơ lược, là “mọi người, kể cả những người nắm quyền lực cao nhất, đều phải tuân thủ pháp luật”, đồng thời xét đến các xu hướng gần đây đang làm tổn hại tới rule of law.
[ix] Cuối thế kỷ XIX vào thời Meiji (Minh Trị 1868-1912), trong giới sĩ phu Nhật Bản có một ý hướng mới nhằm kêu gọi phải rời xa triết lí, tư tưởng Trung Quốc và cổ xúy việc tìm hiểu, du nhập, học hỏi các kiến thức về triết học, chính trị, kinh tế và các giá trị tự do, dân chủ, pháp trị của phương Tây. Điển hình là nhóm Meirokusha (Minh Lục Xã) gồm những nhân sĩ nổi tiếng như Mori Arinori (1847-1899), Fukuzawa Yukichi, Nishi Amane (1829-1897) và Nakamura Keiu (tức Nakamura Masanao 1832-1891). Fukuzawa Yukichi đã từng phát biểu: “Không nên đặt hi vọng vào văn minh Trung Hoa.” và “Hán học là cái học cổ xúy tôn ti, thứ bậc, khuyến khích tinh thần nô lệ.” Phong trào Tây hóa về tư tưởng đó đã bị đa số xã hội phản đối, thậm chí còn có cả những đe dọa bạo lực, ám sát. Chính Fukuzawa Yukichi kể lại bản thân nhiều lần phải giấu hết sách vở, tài liệu nói về phương Tây hoặc chạy trốn truy sát. Còn Mori Arinori đã bị đâm chết bởi một người có tinh thần dân tộc bài phương Tây. Nhưng bất chấp những nguy hiểm đó, sĩ phu cấp tiến Nhật Bản khi đó vẫn du nhập, cổ xúy tư tưởng phương Tây, bàn luận về các thuật ngữ, khái niệm xa lạ đến từ phương Tây như: self-governance (tự quản), liberty (tự do), democracy (dân chủ), constitutional law (luật hiến pháp), separation of powers (chia tách quyền lực), philosophy (triết học), republicanism (tư tưởng cộng hòa), v.v… Các tác phẩm chính của các tác giả như Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), Immanuel Kant (1724-1804), Auguste Compte (1798-1857), Alexis de Tocqueville (1805-1859), John Stuart Mill (1806-1873), Charles Darwin (1809-1882), Hertbert Spencer (1820-1903),… đã được nghiên cứu, trao đổi hoặc dịch ra Nhật ngữ. On Liberty được Nakamura Keiu dịch sang Nhật ngữ năm 1871, Du contrat social (của Jean-Jacques Rousseau ) được Nakae Chōmin tức Nakae Tokusuke (1847-1901) dịch năm 1882, De la Démocratie en Amérique được dịch ra Nhật ngữ trước năm 1901… Nguồn tham khảo: Yukichi Fukuzawa, Phúc ông tự truyện, dịch giả Phạm Thu Giang, Nxb Tri Thức, 2006; Hội trí thức Meirokusha 明六社 và tư tưởng khai sáng ở Nhật Bản
Traveling Sages: Translation and Reform in Japan and China in the Late Nineteenth Century
[x] Hiến pháp hiện hành của Nhật Bản (được phê chuẩn ngày 03/11/1946 và có hiệu lực từ ngày 03/05/1947) là bản được soạn bởi một nhóm học giả người Mỹ dưới sự chỉ đạo của Tướng Douglas McArthur (Tư lệnh Tối cao của quân Đồng Minh tại vùng châu Á-Thái Bình Dương). Cuối Thế chiến II, sau khi bị Mỹ bỏ hai quả bom nguyên tử (xuống Hiroshima ngày 08/08/1945 và Nagasaki ngày 09/08/1945) Nhật Bản bại trận và phải đầu hàng vô điều kiện (ngày 15/08/1945), chịu sự kiểm soát của quân Đồng Minh (chiểu theo Hiệp ước Potsdam) dưới sự điều hành của Tướng Mỹ Douglas McArthur. Nhật Hoàng Hirohito lúc đó phải chấp nhận cải cách chính trị với bước đầu tiên là sửa đổi Hiến pháp Meiji (Minh Trị) có từ năm 1889 và lập ra Ủy ban sửa đổi Hiến pháp (do một quốc vụ khanh tên là Masumoto đứng đầu). Nhưng bản dự thảo hiến pháp do Ủy ban Masumoto đưa ra đã bị Tướng Douglas McArthur gạt bỏ vì, theo McArthur, không đáp ứng được các tiêu chí dân chủ. Sau đó Douglas McArthur đã tự lập ra một nhóm chuyên gia (chủ yếu là học giả Mỹ) đặc trách soạn hiến pháp mới cho Nhật Bản và cuối cùng Nhật Hoàng Hirohito và công chúng Nhật Bản chấp nhận dự thảo hiến pháp do Douglas McArthur đề xuất. Hiến pháp mới có những điểm khác quan trọng so với Hiến pháp Meiji: Quyền tối cao của vua chỉ còn có tính chất biểu tượng; quyền lực quốc gia được phân chia theo hướng độc lập thành ba ngành (hành pháp, lập pháp, tư pháp); thiết lập quyền lực quốc gia thông qua các cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu (universal suffrage), cạnh tranh, tự do và công bằng (phụ nữ được quyền bầu cử); các quyền tự do dân sự và chính trị của người dân được thực hiện tuân thủ theo các công ước quốc tế và không còn bị ràng buộc bởi cụm từ “trong khuôn khổ pháp luật”; Nhật Bản không được xây dựng, duy trì các lực lượng có thể gây chiến với các nước khác, chỉ được duy trì lực lượng có tính chất phòng vệ. Nguồn tham khảo: Britannica 2010, Constitution of Japan 1947
Categories: Chính trị Việt Nam, Văn hóa-Xã hội
Tags: Hiến pháp Nhật Bản, Minh Trị, Tết