Tác giả

Chuyên mục

Trang

Tội và lỗi

Th1 12, 2012

Phạm Thị Hoài

Bản án kịch khung 18 năm tù cho Lê Văn Luyện đang gây phẫn nộ trong dân chúng. “100 % người dân đồng tình xử tử Lê Văn Luyện” là ý kiến một độc giả trên VnExpress. Vô số độc giả trên khắp các diễn đàn khác hô “Giết! Giết!”. Thất vọng vì giới hạn của luật pháp, họ tìm ra những hình phạt khác. Người đề nghị, phải “treo nó lên ngoài phố, mỗi người đi qua xẻo một miếng, bao giờ nó chết thì ném xuống sông”, “phải tháo khớp rút gân cho nằm đó chờ chết”, “giam chung nó với giang hồ miền Nam Á cho nếm mùi địa ngục mỗi ngày trong suốt 18 năm trời. Sau đó thả nó về với đời nhưng công khai và không có bảo vệ để sau 18 năm địa ngục, người dân cho nó nếm mùi tử thần”. Người tiên đoán, “tên Lê Văn Luyện sẽ được xóa sổ trong một ngày gần nhất. Nếu y không nhận được bản án thích đáng từ pháp luật thì cũng bị bạn tù làm thay cái điều mong muốn của bạn đọc.” Trên trang Facebook “Một triệu chữ ký đề nghị tử hình Lê Văn Luyện“, một thành viên đưa ra giải pháp: “Tòa không xử tử hình thì chém bỏ mẹ tòa đi”.

Như để góp phần hoàn thiện hệ thống tòa án hiện hành vốn đầy thiếu sót, mỗi chúng ta đều sốt sắng làm một vị quan tòa tự phong, vị quan tòa chính trực và nghiêm minh nhất, đồng thời đóng luôn vai đao phủ nếu vai này còn trống. Ở Việt Nam đầu thế kỉ 21, rất nhiều chức quan tòa và đao phủ ngoài biên chế như vậy đang trông chờ ngày trở về của Luật Hồng Đức. Xuy, trượng, đồ, lưu là những hình phạt tối thiểu. Trong trường hợp Lê Văn Luyện, họ coi phanh thây còn là nhẹ. Sự dã man trong hành vi gây án ở tiệm vàng Ngọc Bích bị trừng trị. Sự dã man trong tư duy và cảm xúc của dân chúng có vẻ như được tán đồng. Tôi sợ hậu quả từ đám đông hơn.

Một bên là tội ác. Một bên là hình phạt. Bản chất của tội ác là muôn thuở. Nhưng thái độ của một cộng đồng trước tội ác phải là thành tựu mang tính thời đại của toàn bộ các nhận thức về tội ác và nỗ lực chống tội ác. Điểm đến cho hành trình đối diện cái Ác của chúng ta hôm nay, dù bao nhiêu lần đáng lật lại, nhất định không thể là thời Trung cổ.

Đằng sau mỗi hệ thống luật hình sự là một hay tổng hợp của nhiều triết lý về tội lỗi và sự trừng phạt. Với quy định không áp dụng án tử hình cho người phạm tội vị thành niên, luật hình sự Việt Nam, ở điểm này, đã dựa trên cùng một triết lý xuyên suốt những bộ luật hình sự ở các quốc gia tiên tiến: câu hỏi về lỗi đứng trước câu hỏi về tội. Nói cách khác, luật pháp hiện đại xác định kích thước của hình phạt trước hết trên cơ sở độ lớn của lỗi, bởi số đo của lỗi không nhất thiết trùng với số đo của tội. Bản thân tội có thể tương đối nhẹ, nhưng lỗi lớn vì người phạm tội cố tình tái phạm nhiều lần. (Nhân đây nói thêm, khi giảm nhẹ hình phạt cho những tội phạm được coi là “có nhân thân tốt”, hay “gia đình có nhiều cống hiến cho cách mạng”, các tòa án Việt Nam lại làm một phép tính lạ: phép trừ thay vì phép cộng vào lỗi.) Ngược lại, tội có thể rất nặng nhưng người phạm tội không có lỗi vì hoàn toàn mất năng lực trách nhiệm hình sự, hay chỉ có lỗi trong một chừng mực nhất định, chẳng hạn khi chưa có đầy đủ năng lực đó, như Lê Văn Luyện còn vị thành niên ở thời điểm gây án. Tại Đức, mức án cao nhất dành cho tội phạm vị thành niên là 10 năm và có thể áp dụng đến hết tuổi 20. Tôi không nghĩ rằng thanh thiếu niên Đức chậm trưởng thành hơn thanh thiếu niên Việt Nam.

Song bên ngoài các bộ luật, câu hỏi về lỗi trong trường hợp Lê Văn Luyện lẽ ra phải chiếm tít lớn trên mặt báo, thay vì những cái tít kích động thêm sự cuồng nộ của dân chúng. Khi chạy tít về sự dửng dưng, vô cảm và tàn nhẫn của người thanh niên này, nhà báo không nghĩ rằng chính những tính cách đó, không hơn không kém, đang khắc họa sâu sắc diện mạo của cái xã hội đã nuôi lớn Lê Văn Luyện và đang hung dữ đòi đào thải vĩnh viễn sản phẩm của mình?

Một trăm lần phanh thây xé xác Lê Văn Luyện có thể xoa dịu nỗi sợ và khao khát trừng trị, nhân danh công lí, của đám đông trong vài khoảnh khắc. Nhưng đám đông ấy sẽ làm gì trước hiệu ứng Lê Văn Luyện sinh ra từ những ngày này? Đã có gần 1,5 triệu lượt truy cập clip “Lê Văn Luyện trở thành Hotboy của teen Việt Nam” trên YouTube.

© 2012 pro&contra

Categories: Pháp luật

Tags: