Tác giả

Danh mục

Trang

Biển nợ & Biển sợ

Th11 24, 2012

Tưởng Năng Tiến

“Thay vì đào những đường hầm để thoát thân khi có biến như Gaddafi, ngay bây giờ hãy khai thông các lối ra cho toàn dân tộc.(Huy Đức)

Ngày 31 tháng 10 năm 2012 – trên trang pro & contra – nhà văn Phạm Thị Hoài cho phổ biến “đoạn trích từ bức thư của một người bạn sống tại Hà Nội”, với những câu mở đầu (xem ra) hoàn toàn không có gì vui vẻ:

Hơn một tháng qua tớ long tong, đầu bù tóc rối, toan tính những thứ vụn vặt tầm thường. Tâm trí lúc chìm lúc nổi. Xã hội xung quanh im lìm như thóc. Chết lặng. Khủng hoảng thực sự đã tràn về, mọi nơi mọi chỗ. Bài viết của bác Alan Phan hôm 23.10. vừa rồi đã nhấn chìm tia hi vọng cuối cùng còn sót lại của những đại gia lạc quan nhất. Nôm na nói nhanh cho vuông là đất nước đang chìm trong biển n.”

Tình hình (xem chừng) có vẻ lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và e sẽ lôi thôi lớn. Tuy thế, giữa lúc “khủng hoảng thực sự đã tràn về, mọi nơi mọi chỗ” – với đôi chút chủ quan – sao tôi vẫn thấy có “un peu de soleil dans l’eau froide.” Đất nước đang chìm trong biển nợ nhưng người dân thì đang ngoi dần lên từ biển… sợ!

Nhớ lại hồi 1954, có gần một triệu người Việt di cư từ Bắc vào Nam. Họ bỏ đi – nói cho gọn, và chính xác – chả qua là … sợ. Nỗi sợ hãi này đã được ghi nhận bởi không ít người còn ở lại:

“Tôi biết, trong những trí thức tôi là người đang nằm trong tầm ngắm và đang bị công an theo dõi. Tôi biết có vài ‘con chó săn’ đang ở những căn phòng cạnh nhà tôi…”[Nguyễn Mạnh Tường, Un Excommunié – Hanoi 1954-1991: Procès d’un intellectuel. Trans Nguyễn Quốc Vĩ –  “Kẻ bị mất phép thông công, Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức” (Thông Luận Online)].

Ở “trong tầm ngắm” và “đang bị công an theo dõi” thì không sợ mới là chuyện lạ. Bạn bè, người thân – tất nhiên – buộc cũng phải sợ theo, và sẽ mất dần là cái chắc. Nhiều năm sau, năm 1967, nhà văn Vũ Thư Hiên cũng trải qua chút kinh nghiệm gần tương tự:

Trên đường Nguyễn Du rẽ sang Trần Bình Trọng, tôi gặp Nguyên Hồng đi ngược chiều. Đang tư lự trên hè, nhác thấy tôi, anh giật mình đứng lại. Tôi xuống xe định đến bắt tay anh thì Nguyên Hồng hấp tấp lùi lại, bước tránh sang vệ cỏ. Đôi mắt anh bùi ngùi nhìn tôi. Rồi rất trịnh trọng, anh chắp tay xá tôi, xá dài theo kiểu người xưa, môi mấp máy nói gì không rõ. Tôi đứng lặng. Nguyên Hồng đùa hay thật ? Không, anh không đùa. Đành cúi đầu xá anh đáp lễ. Nguyên Hồng lẵng lặng đi cúi đầu.”

Tôi nhìn theo tác giả Bỉ vỏ. Anh đi không ngoảnh lại. Cuộc gặp g Nguyên Hồng để lại trong tôi cảm giác xót xa. Tôi không giận Nguyên Hồng. Tôi chỉ buồn thôi. Buồn lắm. (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày. Westminster:Văn Nghệ, 1997).

Buồn là phải!

Đến năm 1973 thì đến lượt Bùi Ngọc Tấn thấm thía cái nỗi buồn này:

Khi ở tù ra hầu như tôi chỉ còn một nhúm bè bạn Tôi chẳng dám trách ai. Bởi cái ống ngắm hiển nhiên là đang nhắm vào tôi. Chẳng ai lại muốn mình hiện hình trong vòng ngắm. Đừng có đem sinh mạng mình, đời sống gia đình vợ con mình ra đùa cợt.” (Bùi Ngọc Tấn. “Một mơ ước về kiếp sau.” Viết về bè bạn. Tiếng Quê Hương: Falls Church, 2005)

Phải sống “trong tầm ngắm” của công an, cùng với nỗi lo sợ (thường trực) như thế thì hãi thật và hãi lắm. Bởi vậy, đến năm 1975, lại có thêm vài  triệu người Việt nữa – ở cả hai miền – đã đồng loạt bỏ của chạy lấy người. Họ quá sợ nên cứ đâm sầm ra biển. Chết đuối, chết trôi, chết chìm (dám) tới một phần ba – hoặc (không chừng) gần nửa!

Ở lại là một chọn lựa vô cùng can đảm nhưng rất bất an. Tuy mang tiếng là được sống trong cảnh hoà bình và thống nhất, tại một quốc gia Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc nhưng những “trại tù (vẫn) người đi không ngớt – theo cách mô tả của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, và ghi chép của nhà văn Phạm Thị Hoài:

Năm 2011, chính quyền Việt Nam kết án tổng cộng 95,5 năm tù trong 10 vụ án cho 21 nhà hoạt động hoạt động xã hội, dân chủ, nhân quyền và tôn giáo. Năm nay cho đến thời điểm này, 18 người trong 9 vụ án đã bị kết án tổng cộng 118,5 năm tù. Nếu đến cuối năm, 11 thanh niên Công giáo bị bắt từ giữa năm ngoái và 22 người bị coi là thuộc Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn bị bắt đầu năm nay bị đưa ra xét xử thì số người bị kết án sẽ lên đến trên 50 người với tổng cộng ít nhất 200 năm tù.”

Con số người bị kết án, cũng như những năm tù kèm theo (rõ ràng) mỗi lúc một tăng nhưng không có gì bảo đảm là xã hội sẽ ổn định hơn – nếu chưa muốn nói là ngược lại, theo như nhận xét của thi sĩ Hoàng Hưng:

Vì mọi biện pháp đàn áp, khủng bố đều đã thất bại, hậu quả chỉ là ngày càng làm dân không tin chính quyền, dân oán ghét công an, và con số những người bất đồng ngày càng tăng, càng trẻ tuổi, càng nhiều tầng lớp, càng rộng khắp, hành động ngày càng đa dạng, mạnh mẽ. Nguy hiểm hơn nữa, việc khủng bố đàn áp ngày càng bất lực thì ngày càng phải thô bạo, rồi tàn bạo, bất chấp luật pháp, giống như giải khát bằng thuốc độc, tất yếu sẽ dẩn đến nguy cơ phát xít hóa bộ máy an ninh. Từ đó đến tổng khủng hoảng của chế độ, và tất nhiên cũng là của toàn xã hội, không xa!

Nếu không bị bệnh khiếm thị, giới cầm quyền ở Việt Nam chắc chắn phải nhận ra một sự kiện trần trụi là họ đã không khuất phục được bất cứ ai bằng những nhà giam. Sau khi mãn án, những tù nhân lương tâm (thường) hoạt động… tích cực hơn!

Dân Việt không còn bị sợ như trước nữa. Sự bạo ngược và lòng tham vô đáy của giới cầm quyền đã dồn người dân đến bước đường cùng. Họ không còn chỗ để có thể lùi được nữa. Hình ảnh  những đoàn dân oan lũ lượt khắp nơi, mỗi ngày một đông (với những hành vi và biểu ngữ có nội dung mỗi lúc một thêm thách thức) minh chứng rõ điều này.

Cái thời mà những người tù Bùi Ngọc Tấn phải cất tiếng than (“Khi ở tù ra hầu như tôi chỉ còn một nhúm bè bạn…”) đã qua rồi. Bây giờ, Phạm Thanh Nghiên vừa đi tù về thiên hạ đã đến thăm nườm nượp:

Sau hơn 3 giờ chạy xe, 4 anh em chúng tôi có mặt tại số nhà 17, đường Liên Khu, Phương Lưu 2, phường Đông Hải 1 (quận Hải An, thành phố Hải Phòng). Nghiên là con gái út trong một gia đình có 7 anh chị em, hiện cô đang ở với mẹ và vợ chồng người anh cả. Cùng tiếp chúng tôi là bà Nguyễn Thị Lợi mẹ của Nghiên, năm nay 76 tuổi, cùng với các anh chị của Nghiên. (“Đi Thăm Phạm Thanh Nghiên” – Nguyễn Tường Thụy).

Tiếp theo sau là “phái đoàn” của Người Buôn Gió:

Trong một ngày mưa bão to nhất đổ bất ngờ xuống Hải Phòng không như dự báo, ba anh em chúng tôi xuống Hải Phòng để thăm Phạm Thanh Nghiên... Nghiên cùng chị đi xe máy ra đón chúng tôi vào. Anh em chưa gặp mà như đã quen biết từ thưở nào. Ngày Nghiên đi đến nay đã 4 năm, thông tin về bên ngoài cô không hề được biết. May là tôi từng ở sát buồng ông Nghĩa năm 2009 nên khi Nghiên qua nhà cô Nga vợ ông Nghĩa chơi thì cô Nga có nhắc đến tôi. Bởi thế dù gặp lần đầu chúng tôi thân thiết, không khách sáo và coi nhau như anh em là vậy. Bởi điện trước rồi, nên khi xuống Nghiên đã làm cơm để đợi.

Toàn là anh em, vợ con tù tội cả lũ với nhau mà chả ai có vẻ gì là sợ hãi, xấu hổ hay mặc cảm gì sốt cả. Đã thế, họ trông còn có vẻ… hớn hở và rạng rỡ nữa cơ. Chả bù với đám bạn tù của Bùi Ngọc Tấn năm nào, cũng ở Hải Phòng:

Một buổi chiều, con Thương đi học về bảo hắn:

– Bố. Có ai hỏi bố ở dưới nhà ấy?
– Ai con?
– Con không biết, trông lạ…
Hắn xuống thang. Hai người quần nâu, áo nâu đứng dựa lưng vào tưởng chỗ bể nước. Quen quen. Đúng rồi. Min: toán chăn nuôi, người đã giũa răng cho hắn. Còn một anh nữa mặt loang, tay loang. Thấy hắn, cả hai cười rất tươi. Người mặt loang bảo:
– Anh không nhận ra em à?
Trời ơi. Thì ra là Dự. Dự có con chuột được đem xử án. Dự hay bắt tóp. Dự cũng đã được ra rồi. Dự bảo:
– Em bị cháy, bỏng.
Hắn mời hai người lên nhà, nhưng Dự lắc đầu:
– Thôi, chúng em đứng ở đây thôi. Hắn liếc nhanh vào cửa sổ của gia đình gần bể nước. Những cặp mắt tò mò, khinh bỉ đang nhìn bọn hắn. Bọn hắn thì chẳng lẫn vào đâu được. Bây giờ bè bạn hắn rặt một loại như vậy.
– Lên nhà! Lên nhà chuyện nào. Đừng đứng đây!
Hình như ba tiếng cuối
‘đừng đứng dâycó tác dụng. Họ rón rén lên thang gác. Có lẽ cả đời hai người khách chưa được bước lên thang gác lần nào.
Dự bảo:
– Em hỏi cô đồng hồ ngoài cửa. Cô ấy bảo anh ở trên gác.
Hắn pha nước và hỏi Dự:
– Còn thuốc hút không?
– Em còn.
Hắn lấy ra bọc thuốc của hắn, rứt cho Dự một nắm to. Vừa uống hết chén nước thì Ngọc đi làm về.
Thấy Ngọc, cả hai sợ hãi:
– Thôi, chúng em đi đây.
Hắn rất muốn giữ hai người lại, ăn với hắn một bữa cơm và trò chuyện đôi chút, nhưng hắn nể Ngọc. Đúng hơn là sợ.
..” (Bùi Ngọc Tấn. Chuyện kể năm 2000, tập II. CLB Tuổi Xanh, Hoa Kỳ: 2000)

Phạm Thanh Nghiên mà cũng có chút “nể sợ” tương tự thì đỡ mất mặt cho chính quyền địa phương biết mấy. Coi, nghe có ứa gan không chứ:

Về nhà mới hơn tháng
Công an đến bẩy lần
Bốn lần giấy triệu tập
Bắt lên phường: “dạ, thưa!”

Bà bảo cho chúng mày biết: chỉ cần cái Nghiên ra khỏi tù trước độ một năm thôi, và khách khứa cũng cứ tấp nập kéo về Hải Phòng như thế thì (không chừng) cả lũ đã bị ông đại tá Đỗ Hữu Ca cho tập kích bằng vài trận đánh đẹp (có thể viết thành sách) rồi đó nhá. Hay nhẹ ra thì gia đình Phạm Thanh Nghiên cũng bị nhà tan cửa nát, phải lâm vào cảnh màn trời chiếu đất –  y như vợ con của hai ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý – chứ chả phải bỡn đâu.

May mà trước đó đã có tiếng súng hoa cải nổ ở Hải Phòng, cùng với sự cố “1343 bài báo và 5 triệu người vào mạng Gú gờ chấm Tiên Lãng” nên giới quan chức Việt Nam đã hiểu ra được thế nào là “công luận, và đã bắt đầu biết… sợ. Cái sợ, ở Vịêt Nam, cũng đã đổi chiều. Nó đang chuyển dần từ dân sang Đảng. Càng sợ thì Đảng lại càng vơ vét lẹ. Có lẽ đó là lý do tại sao mà “đất nước đang chìm trong biển nợ” chăng?

Nguồn ảnh 1& 2: boxitvn      

Ảnh 3: “Phái đoàn” Nguyễn Tường Thụy, Blog Nguyễn Tường Thụy

Ảnh 4: Phạm Thanh Nghiên và Bùi Thanh Hiếu, Blog Người Buôn Gió

© 2012 Tưởng Năng Tiến & pro&contra