Tác giả

Danh mục

Trang

Trọn gói tâm linh

Th1 23, 2023

Phạm Thị Hoài

Trong các phong tục Tết, tôi ớn nhất cúng bái. Cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp, cúng Tất niên chiều 30, cúng Giao thừa đêm 30, cúng Nguyên đán mồng Một, cúng Chiêu điện sáng mồng Hai, cúng Tịch điện chiều mồng Hai, cúng hóa vàng mồng Ba, cúng Khai hạ mồng Bảy, cúng Thần tài Thổ địa mồng Mười, cúng Nguyên tiêu rằm tháng Giêng. Trong vòng chưa đầy một tháng cả chục cú không cúng không được, người ta cúng cả, thuộc về gói cúng cơ bản, chưa kể gói combo những cúng rước cúng tiễn, cúng chay cúng mặn, cúng trong nhà cúng ngoài trời, cúng tảo mộ cuối năm, cúng khai trương xuất hành đầu năm, cúng cầu an giải hạn, cúng bổn mạng và các vụ cúng kiếng đền chùa lễ hội đầu Xuân. Như chạy nước rút. Chạy deadline. Chạy sô. Chạy thành tích tâm linh.

Tôi không bàn về đức tin. Tín ngưỡng là chuyện riêng của mỗi cá nhân, như khuynh hướng tình dục hay gu ẩm thực, mọi tác động từ bên ngoài đều vô ích. Sau tất cả những cấm đoán và khai sáng, người Việt mọi tầng lớp và mọi thế hệ vẫn trông cậy vào một thế giới vô hình với những thế lực siêu nhiên linh tinh mà sự vô dụng là phẩm chất ổn định nhất. Nếu thiêng thì số phận dân tộc này đã khác. Thiên Chúa giáo và Cộng sản giáo, hai tôn giáo sau này mới du nhập, vốn không dung thần thánh nào ngoài hệ thống, cuối cùng cũng phải chấp nhận chung sống với những nhu cầu tâm linh đầy cội nguồn bản sắc song cũng đầy mông muội hoang đường của người Việt.

Dân ta thờ không chừa thứ gì: thờ cóc và thờ rùa; thờ cây đa, cây gạo, cây đề; thờ nõ nường chày cối; thờ thần giữ cửa và thần giữ của; thần chém lợn, thần hót phân và thần lầu xanh mày trắng; Ông Hổ, Ông Rắn, Ông Đạo và Ông Bình vôi; Ông Mãnh Bà Cô và Ông Đùng Bà Đà; Bà Trưng Bà Triệu, Bà Hỏa, Bà Mụ và Bà Đụ Đị; Cô Bé, Cô Bơ và Cô Chín; Quan Văn, Quan Võ, Quan Âm Bồ tát và Quan Âm Thị Kính; Thánh Trần, Thánh Mẫu, Thánh giá và Thánh Gióng; Đức Khổng, Đức Ông, và Đức Chúa; Chúa Kho, Chúa Chổm và Chúa Giê-su; Vua Hùng, tướng Cao Biền, Cha Cả Bá Đa Lộc và Cha già Hồ Chí Minh; Đức Mẹ Maria và Đức Mẹ Âu Cơ; Tứ pháp, Tứ mẫu, Tứ bất tử và Tứ trụ Triều đình; Trạng Trình, Trạng Quỳnh và Trạng Lợn; ma Then, ma xó, ma nữ, ma đói và ma Hời…

Đã thờ thì phải cúng. Cúng trời cúng đất; cúng nước cúng rừng; cúng trăng cúng lúa; cúng Mẫu cúng Phật; cúng Cô cúng Cậu; cúng làng xóm, họ tộc, gia tiên; cúng đình chùa am miếu; cúng nhà cúng chợ; cúng thuyền cúng bến; cúng động thổ, xây cổng, chuyển nhà, cất nóc; cúng kỵ cúng giỗ; cúng tuần, cúng tạ mộ; cúng đầy cữ, đầy tháng, đầy năm; cúng Tơ hồng, cúng Thanh minh, cúng Vu lan báo hiếu; cúng trừ tà đuổi vong; cúng chiêu hồn thỉnh vong; cúng dâng sao yểm bùa; cúng thầy mo thầy chùa; cúng trình đồng mở phủ; cúng Sóc cúng Vọng; cúng khai trương công ty; cúng thi tốt nghiệp; cúng chuyển văn phòng; cúng trúng dự án; cúng tránh thanh tra… Sểnh ra là cúng. Nhất cử nhất động đều tiền trạm bằng sì sụp hương khói vái lạy, như mọi động thái tồn tại chỉ xác thực sau cúng phây.

Trong cái thị trường cầu cúng sôi động đó, món báng bổ “Ni dieu, ni maître” của tôi ế nhưng chưa bao giờ bị cõi trên trừng phạt. Các vị ấy rộng lượng, hoặc bỏ sót, chẳng thấy vị nào triệu tôi lên làm việc. Rốt cuộc thì một đời sống tâm linh như thế chứ không thể khác chính là thứ phù hợp nhất với người Việt. Dân ta quen khai thác những tài nguyên tinh thần lộ thiên. Thần thánh phải dễ nhớ, dễ hiểu, dễ gần, dễ điều khiển, dễ chế biến pha trộn, thậm chí dễ cóp, fake, nhái. Lễ bái phải dân dã bỗ bã, xô bồ náo nhiệt; thiếu an toàn, thiếu văn minh chút ít cũng được, cốt ở lòng thành và tính gắn kết. Hệt như những cuộc nhậu. Sớm muộn rồi văn hóa nhậu lừng danh của Việt Nam sẽ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.   

Song tôi ghét khói nhang. Sặc mùi hóa chất Trung Quốc rẻ tiền, buôn lậu và sử dụng vô tội vạ bởi người Việt. Bát hương thờ người chết trở thành cái bẫy nguy hiểm cho người sống. Quấn chặt quanh những chân hương bụi bặm bẩn thỉu, bất di bất dịch, lưu cữu từ đời này sang đời khác mà lẽ ra phải vứt nhanh vào thùng rác không phải linh khí khỉ gió gì hết, mà đơn giản là acid phosphoric, phosphor pentoxide, diêm tiêu, mùn cưa, lưu huỳnh, bột đá và đủ thứ phế phẩm mạt hạng, có lẽ đã góp phần đẩy tỷ lệ ung thư ở Việt Nam lên hàng đầu thế giới. Mỗi dịp năm mới Xuân về là cả nước mù mịt hít khói độc. Chẳng lẽ để về nhanh hơn với tổ tiên?

Tôi cũng ghét bàn thờ ngày Tết. Đó thực sự là một siêu thị hiện đại, thánh đường của chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Dăm bảy loại bánh mứt nguyên hộp. Rượu. Bia. Cà phê. Nước khoáng La Vie. Coke. Một rừng đào quất mai lan. Một mâm ngũ quả chắn trọn mặt tiền, điểm những trái ớt đỏ nhức mắt cầu lộc. La liệt sơn hào hải vị từ Bim Bim, Bò Cười đến Lipton. Như thể chật chỗ trong bếp thì khuân hết lên đó, dẹp bớt các cụ. Di ảnh cụ bà nép vào di ảnh cụ ông và cả hai lưu vong sang ban thờ Phật. Phật cũng xơi luôn cỗ mặn vốn dành cho gia tiên. Đĩa bánh chưng nhét góc này, bát mọc góc kia, còn lại thì kê tạm chiếc bàn, trải thêm manh chiếu, miễn là bao nhiêu lòng thơm thảo phải bày ra bằng hết. Phải ê hề như thế, phải chen chúc hỗn độn như thế mới ra bàn thờ kiểu Việt. Lý tưởng thẩm mỹ của dân ta trước sau vẫn là sự thừa mứa.

Và trước hết tôi kinh hãi cỗ cúng, thường là một tập hợp hổ lốn của những giáo điều tùy tiện. Bốn bát bốn đĩa tứ trụ bốn mùa bỗng phát lộc thành bốn bát sáu đĩa; rồi sáu đĩa sáu bát; phát đại lộc thì sáu đĩa tám bát và nhất định phải là số chẵn cho tròn trặn, số lẻ thì thất kính với thần linh. Tuyệt đối thiếu vệ sinh. Bất chấp mọi nhận thức về dinh dưỡng. Đầy những nghĩa lý khiên cưỡng. Hoa hoét sặc sỡ. Là tất cả, chỉ trừ ngon miệng. Nỗi kinh hoàng thiêng liêng ấy kéo dài suốt Tết, bưng lên dọn xuống, hết bữa này hâm lại sang bữa kia, thịt thâm sì, miến nhũn nhoét, giò chả lạnh ngắt, nem ỉu, măng đóng váng, xôi khô gãy răng, cá tôm tanh ngòm, món xào ngả sang những màu chỉ có thể gọi là rùng rợn, khó hủy diệt như nước mắm cũng bay sạch mùi. Như một chiến trường thê thảm sau vụ đánh chén của cả bầy zombie. Như thể cõi âm hâm hưởng hết ngon lành, chừa lại cho dương gian một triền miên ác mộng ẩm thực. Đỉnh cao của mâm cúng luôn là một con gà. Luộc. Nhạt nhẽo, nhàm, nhố nhăng. Gà trống mà ngày càng giống hoa hậu đi thi. Da con nào cũng óng mượt không tì vết, thần thái cùng một khuôn phép em đẹp em ngoan, em ngậm hoa hồng, em cựa dài cổ ngỏng, em vui cõng miếng tiết đỏ sậm của chính mình trên lưng và xòe cánh tiên thật khéo – dù đôi cánh ấy bị xuyên chéo và tàn bạo tọng vào họng. Chậm nhất từ mốt gà tạo dáng siêu mẫu lõa lồ, chút nghiêm cẩn cuối cùng sót lại nơi bàn thờ cũng theo hương khói bay đi. Ở cõi bên kia, thần linh và các cụ an toàn hơn, không bị dội bom tấn của lifestyle thời đại.

Gà cúng tạo dáng siêu mẫu
Gà xòe cánh tiên, ngậm hoa hồng trên bàn thờ Hồ Chủ tịch

Lối sống thời đại cũng gắn liền với một loại hình dịch vụ vô cùng phù hợp với người Việt: dịch vụ trọn gói. Dân ta thực ra chỉ cần một hợp đồng sống trọn gói, không cần tự nghĩ, tự lo, tự làm, tự vận động, tự mơ ước, tự hỉ nộ ái ố gì cả, từ A đến Z có bề trên bao hết. Thế là sướng nhất. Đi với lý tưởng thẩm mỹ thừa mứa là lý tưởng sống nhàn. Thần linh thời nay ngày càng lắm yêu sách, quá vất vả, quá nhiều thủ tục phải chu tất, đâu phải cứ biện lễ mọn dâng lòng thành là xong. Nên các dịch vụ trọn gói tâm linh nở rộ. Muốn thần được thần, muốn thánh được thánh. Từ văn khấn soạn sẵn chỉ cần điền tên, túi Chanel hàng mã, lá sớ và set đồ cúng dường, gói hầu đồng combo quay phim chụp ảnh, đến mâm cúng đúng chuẩn tâm linh. Gì cũng có, tùy tiền và tâm. Mở ngoặc: Đồng tiền đi sau tâm là đồng tiền dại, đồng tiền đi trước tâm là đồng tiền khôn, đóng ngoặc. Thần và người đất Việt là đối tác chiến lược toàn diện muôn đời.

22/1/2023