Còn lại cuối ngày
Th12 3, 2021
Phạm Thị Hoài
Bạn bè và trang phục hóa ra không khác xa. Chúng ta thường đứng trước những tủ kệ xếp chật tình bạn để cuối cùng thấy mình không có gì để mặc. Để lao vào sắm tiếp giày dép, quần áo, khăn, túi, mũ, vớ và những phụ kiện linh tinh khác. Thứ nào cũng thiết yếu, trong cả những ngày bó gối ngồi nhà vì dịch bệnh, đi đổ rác là một sự kiện xứng đáng tô son mặc đầm. Thứ nào cũng kiến tạo diện mạo, bồi bổ dung nhan, dẫn lối trong một thế gian lầm lạc. Nếu cần một chỗ dựa, vịn khăn lụa mà đứng dậy những phút ngã lòng cũng không phù phiếm hơn nương vào một tình bạn ảo.
Bạn trên phây. Thời thơ ngây, tôi kết bạn trong một tích tắc. Tậu trang phục cũng trong một nút bấm để sờ đến chúng cùng lắm một lần trong đời. Rõ ràng tôi không cần 5000 chiếc váy để hạnh phúc. 500 cũng quá sức chịu đựng, có thể gây rối loạn nhân cách, dạng ái kỷ, dạng ám ảnh cưỡng chế, thậm chí dạng BPD. Có ngày tôi thử vài ba kiểu khổ sở rồi lại cởi bỏ để chọn đúng một trong vài thứ đã mặc đi mặc lại vừa ý. Có hôm tôi phát hiện mấy bộ cất kĩ cho những dịp đặc biệt chẳng bao giờ xảy ra, như những tình bạn phòng xa, dự trữ cho tình huống nào đó. Những tình bạn xếp xó. Những tình bạn người ta có, mình cũng phải có. Những tình bạn bỏ thì thương, nương thì tội. Những tình bạn khoác một lần là rách. Những tình bạn xỏ vào để thêm chút chiều cao dù chịu bao đau đớn. Những tình bạn choáng lộn ở kẻ khác, ta ướm vào trông như hề. Những tình bạn may đo, rất vừa một lúc để lúc sau đã xộc xệch. Những tình bạn như một bộ đồng phục, một điều ước trung lập an toàn. Những tình bạn khan hiếm và những tình bạn ế. Những tình bạn dè sẻn và những tình bạn hoang phí. Những tình bạn bị thanh lí ồ ạt như núi hàng thời trang đem đốt, nhà sản xuất phải giữ giá. Thị trường tình bạn cũng điên rồ và khắc nghiệt như thị trường thời trang.
Tôi luôn xót tình bạn hơn tình yêu. Tình yêu đã hiếm, tình bạn còn hiếm hơn. Tình yêu phi vụ lợi chỉ có trong tiểu thuyết, tình bạn phi vụ lợi ít ra cũng tồn tại trong nhóm có thu nhập tương đương. Tình bạn có thể lau những giọt nước mắt của ái tình và thậm chí thành ái tình, nhưng chiều ngược lại không bao giờ thành và những cuộc hôn nhân tan tành thường vì thiếu tình bạn chứ không phải vì không đủ tình ái. Tình bạn là một tình yêu trừ bớt đòi hỏi và cộng thêm lí trí. Tình yêu mua bằng tiền vẫn có chút giá trị, ít nhất cho một phía, tình bạn thì không. Tình yêu có thể đâm sau lưng nhưng tình bạn nếu đâm thì đâm thẳng từ trước mặt. Tình yêu có thể cần những chất bón khủng khiếp như ghen tuông, hạ nhục, khinh bỉ mà chỉ một giọt nhỏ là đủ làm tình bạn tiêu tan. Khoảng cách giữa bạn tình thường quá hẹp để đủ chỗ cho tình cảm len chân, giữa bằng hữu thì một đại dương không phải là quá lớn. Tình bạn rộng lượng, tình yêu chỉ tha thứ. Tình bạn cũng ghi sổ nhưng tình yêu thì tính nợ. Hai kẻ thù cùng săn một con mồi rất có thể làm bạn, hai tình nhân rất có thể thành những con mồi rồi thành kẻ thù.
Kết bạn với một người viết là chịu rủi ro lớn. Di sản của hai anh em nhà Goncourt, ngoài giải văn học lâu đời và danh giá nhất của Pháp do viện hàn lâm cùng tên trao tặng, là 7.000 trang nhật ký với trên dưới 5.000 nhân vật cùng thời, trong đó không ít là những bạn bè văn nghệ sĩ nổi tiếng: Từ người bạn thân nhất, Alphonse Daudet, với thói trụy lạc (“sống để dâm dật”) đến người bạn khá thân, Gustave Flaubert (“Thực ra cậu ta có chút gì đó tỉnh lẻ và khoe mẽ. Trí tuệ cũng thô và nhờn như cơ thể. Vô cảm trước những thứ tinh tế. Chỉ nhạy cảm với những trò làm màu. Nói chuyện chẳng có ý tưởng gì hay ho, nghĩ ra điều gì thì trình bày ầm ĩ trịnh trọng. Vụng về khủng khiếp, ì ạch trong mọi chuyện, lúc đùa cũng thế, lúc cường điệu cũng thế, lúc nhại ai cũng thế. Tính cách vui vẻ kiểu trâu bò hoàn toàn vô duyên.”), qua những nhà thơ quen sơ (“Thần tượng của giới trẻ bây giờ là ai? Baudelaire, Villiers de l’Isle-Adam, Verlaine – cả ba rõ ràng là có tài: một tay phóng túng bạo dâm, một gã nghiện rượu, một kẻ sát nhân đồng tính.”) hay một nữ sĩ lớp trước danh tiếng (“Cái sự mồm mép rỗng tuếch tên gọi George Sand này, vớ vẩn, thuần túy không là gì cả, duyên chẳng có trí tuệ cũng không.”). Trong vai những whistleblower của thế kỷ 19, họ ghi chép như bị quỷ ám, lưu giữ không kiêng nể, bật mí không chùn tay để cuối ngày còn lại chẳng ai dám hay muốn ngồi chung bàn họ nữa. Văn nghệ là bạn bè hội hè và văn nghệ là cô đơn. Không có gì bầy đàn mà đứng một mình và đứng bên lề xã hội hơn.
Tôi cũng từng hội hè. Cũng từng đề huề anh em văn nghệ một nhà, vặn hai chữ “mua vui” của cụ Nguyễn cho vừa những nhu cầu của tình huống. Cho đến lúc có phây-búc. Phây thị phi và gió tanh mưa máu. Phây xây bong bóng và mở cống xả. Phây sến sẩm, sặc sụa và sục sôi. Phây câu view và cầu like. Phây kết nối để chia rẽ và càng chia rẽ càng kiếm lời. Phây giải phóng để chiếm đóng thị trường ngôn luận. Phây mỗi ngày sống một cuộc xuống đường để phây hữu mỗi ngày một chết chìm trong đời ảo. Phây hút cạn và khạc nhổ giọt chất xám cần thiết cuối cùng để người ta đọc và hiểu nhiều hơn 1000 ký tự. Phây cho tất cả một cơ hội tham dự để phân rã xã hội thành từng búi lẻ loi bối rối. Phây xóa bỏ mọi biên giới để dựng những pháo đài cách âm. Phây mở đường cho đại đồng để nhân loại thả nổi những bản năng ghê răng nhất. Phây bênh vực sự thật để lan tỏa fake news. Phây minh bạch để đi đêm với những quyền lực hắc ám. Phây khai sáng để thao túng dư luận. Phây chặn những vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng để cộng đồng ngày càng tu luyện kỹ năng chỉ điểm. Phây chống gian lận để chúng ta ngang nhiên bán chác quảng cáo lừa đảo. Phây bảo mật cá nhân để chúng ta tự nguyện phơi bày mọi xó xỉnh riêng tư và đánh mất ý thức cuối cùng về ứng xử nơi công cộng. Phây mở rộng tầm với để thu hẹp tầm nhìn. Phây tương tác để khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ là sự điên rồ của lòng ham hố và hỉ nộ sân si ái ố. Phây quảng bá tình yêu để thù hận nở rộ. Và thuật số của phây về tình bạn khiến tình bạn chỉ còn là một nút bấm, nhẹ khôn kham, dễ khôn cùng, vô nghĩa khôn kể.
Bi kịch của trên một trăm triệu người sử dụng tiếng Việt là không có nền tảng nào khả dĩ thay thế. Những người từng bị phây rút phép thông công chẳng những không bất bình ly khai mà chỉ mong ngày được “soi xét”, được “khôi phục”, được “cởi trói”, và trong khi nín nhịn chờ đợi thì lập thêm vài tài khoản mới để không phút nào phải xa phây. Ừ thì nó bê bối, nó độc hại, nó lợi nhuận bỉ ổi, nó kiểm duyệt, nhưng chiếc mề-đay nào chẳng có hai mặt và muốn thế nào nó cũng cung cấp một không gian độc lập tương đối và phương tiện kết nối trong một môi trường toàn trị. Muốn thế nào nó cũng hơn truyền thông quốc doanh. Điều này ứng với một hiện tượng văn chương: Joseph Brodsky không thực sự là nhà thơ của đám đông, nhưng một ẩn dụ rút từ bài “Gửi một người bạn ở Roma” của ông lại được truyền tụng rộng rãi ở nước Nga hậu cộng sản: với ông thì đứa ăn cắp vẫn dễ chịu hơn thằng hút máu. Người ta cũng bực bội khổ sở trước những ngón móc túi kiểu tư bản ở đó, một chủ nghĩa tư bản đến muộn nên vội vàng như chẳng kịp và bất chấp mọi giá trị; song thà như vậy còn hơn bị hút sạch xương tủy kiểu cộng sản như đã biết. Vậy thì để đồng tiền đè bẹp còn hơn bị kìm kẹp bởi hệ tư tưởng. Phây cũng bịt mồm nhưng không chặn ngõ nhà bạn. Phây treo tài khoản nhưng không tống bạn vào tù. Thà liếm gót đại tư bản Hoa Kỳ xịn còn hơn bó thân về với tiểu triều đình Đông Lào rởm.
Song hai mặt của tấm mề-đay phây ngày càng hòa làm một, quyền lực của siêu cường quốc tế với hai tỉ rưỡi thần dân này ngày càng vượt mọi tầm kiểm soát và xu hướng toàn trị của nó ngày càng rõ rệt. Đứa ăn cắp và thằng hút máu, độc tài thị trường và độc tài tư tưởng đang trở thành đồng minh. Ngày chúng ta một cổ hai tròng đã gần lắm. Và tình bạn, bạn trên phây, ở một thời đại dần hết thơ ngây để bước nhanh vào vòng u ám cũng không có gì xán lạn. Hai năm vừa rồi tôi đã chia tay nhiều người bạn. Phần lớn lặng lẽ, không đau thương, các bên thậm chí chẳng nhận ra mất mát. Có lẽ tôi không cần xót tình bạn hơn tình yêu: Một tình bạn có thể kết thúc là một tình bạn chưa bao giờ bắt đầu, còn tình yêu nhiều khi bắt đầu để kết thúc.
Vậy thì, xin tạm biệt
Bạn trên phây
Thời thơ ngây
Cuối ngày còn lại.
(Tuần báo Trẻ, 2/12/2021)
Categories: Bài viết từ 2015 trên các báo khác, Báo chí và truyền thông, Văn hóa-Xã hội
Tags: Facebook, Goncourt, J. Brodsky