Tác giả

Chuyên mục

Trang

Nhẹ tênh kí ức

Th11 7, 2019

Phạm Thị Hoài

Ba mươi năm đổ tường 9/11/1989-9/11/2019

Lúc làm đơn xin xem hồ sơ cá nhân tại văn khố Bộ An ninh Quốc gia CHDC Đức trước đây (Stasi), tôi không chắc chắn lắm. Sinh viên Việt Nam được tuyển đi du học nước ngoài thời Chiến tranh Lạnh là đã qua bể lọc của chế độ mà bản thân họ đa phần không biết; đã tẩy não tư tưởng; đã khử trùng đạo đức; lại sống trong môi trường khép kín trong sạch, trên có sứ quán, dưới có hội đoàn; hàng năm chỉnh huấn trong các trại hè; hàng ngày tự động kiểm soát lẫn nhau trong từng chi tiết sinh hoạt, quần áo đồng loạt, thần thái giống nhau cả. Với những người ngoại quốc mẫu mực như vậy, mật vụ các nước xã hội chủ nghĩa anh em không có việc gì phải làm. Song tôi biết trường hợp mình hơi khác. Nếu không thì một ngày mùa đông đầu năm 1981, trời còn tối thui, hai chú cảnh sát Đông Đức đã chẳng ập vào phòng tôi ở kí túc xá. Họ không gõ cửa. Tiến thẳng tới giường tôi nằm. Rọi đèn pin, dù đã bật điện. Hỏi đêm qua tôi ở đâu. Tôi xem đồng hồ, nhăn nhó, các ông cứ hỏi cái giường này là biết, làm ơn để tôi ngủ tiếp, mới có 4 giờ sáng. Cho đến khi tôi học xong rồi trở về nước, họ không phá thêm giấc ngủ nào của tôi nữa, nhưng một lần duy nhất ấy có thể là chỉ dấu rằng ở đâu đó trong 41 triệu thẻ index và 111 km hồ sơ nguyên vẹn, hay ít nhất trong 15.500 bao tải hồ sơ đã xé thành giấy vụn của Văn khố Stasi có vết tích của một sinh viên Việt Nam là tôi, khi ấy đang theo học cũng chính ngành lưu trữ văn khố, ngành được chế độ ủy thác kí ức.

Sáu tuần sau có thư phúc đáp, xác nhận tôi có tên trong hệ thống thẻ của Stasi, tức có thể có hồ sơ, nhưng kết quả thế nào thì cần thêm hai năm là ít nhất. Từ ngày mở kho đầu năm 1992, cả chục triệu cá nhân và tổ chức đã gửi đơn đề nghị xem hồ sơ, trong khi hơn một nửa số tài liệu lưu trữ ở đó chưa được xử lí. Nói cách khác, mời bà vui lòng xếp hàng. Hai năm tám tháng sau, tôi nhận được bản sao hồ sơ của mình, đơn giản chuyển phát qua bưu điện, miễn phí.

Tôi biết phần đời sinh viên của mình chỉ bám rất hờ vào bề mặt của cuộc sống thật ở đất nước này. Mức tiến sâu nhất là bỏ kí túc xá, khi tôi ở đó chỉ là để đối phó với gói dịch vụ gồm nựng nịu, cưỡng bức, đe dọa và hứa hẹn che chở từ chính một người Việt cùng lớp. Như giới trẻ phá rào tại Đông Berlin, tôi cũng đi chiếm nhà cổ bỏ hoang ở khu Prenzlauer Berg, nằm mền rách, đốt báo sưởi, hùng hục đi tìm một nhà vệ sinh dơ dáy bên ngoài và ngồi cầu thang cả ngày chờ người quen cho vào tắm nhờ một bữa. Thực ra tôi chỉ tận hưởng những hân hạnh của tuổi trẻ muốn và được cơ hội khám phá bản thân. Không phải là khám phá môi trường, tôi mới chỉ chập chờn nhận ra không khí nhạy cảm ở khu này đầu những năm 80, nơi giới trí thức văn nghệ sĩ đối lập và mật vụ Stasi rình rập sống cài răng lược. Làm sao khác được. Tôi sẽ về nước, bỏ lại tất cả, sáu năm bánh mì đen, những cuộc tình, những tụ tập kín đáo của phong trào hòa bình trong giới chống đối, những băng nhạc từ phương Tây chép vội, những cuốn sách luồn tay trước khi bị cấm, những đêm hippie quần bò tự may thuốc tẩu tự xén, và kỷ niệm không thể nào quên về bài học đầu tiên trên giảng đường, Karl Marx, Dẫn luận, Phê phán triết học luật pháp của Hegel, mà tôi rõ từng từ và không hiểu gì hết, chỉ lĩnh hội thuộc lòng “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Nhưng ý tưởng ấy xuất phát từ một bộ óc khác, thi hào Heinrich Heine.

Rồi có cô sinh viên Đức đến ở cùng, cũng mền rách, cũng chạy vệ sinh hùng hục, tắm ở đâu thì không biết. Khi trở lại một nước Đức đã thống nhất, nghe bạn cùng khóa kể cô ấy là mật báo viên của Stasi, tim tôi rơi bụp khỏi ngực nhưng nhanh chóng rút về vị trí. Lúc chiếu tướng chiếc phong bì đóng dấu của cơ quan quản lí hồ sơ mật vụ Đông Đức cũng thế, tôi nhủ tim nằm im, nhưng không tin sẽ chạm phải một quả bom hẹn giờ quá bất ngờ. Cuộc đời của biết bao người Đức đã tan tành bởi lượng thuốc nổ khui muộn mà 300.000 nhân viên chính thức và cộng tác viên tình nguyện của Stasi kĩ lưỡng thu thập và khóa kín bốn mươi năm ròng rã. Vợ chồng bỗng tê tái biết kẻ chỉ điểm đâu phải ai lạ, chính là người hằng đêm đầu ấp tay gối. Kẻ tưởng ta đây lắm chiêu đổ tội bỗng chết lặng khi biết mình chỉ là quả trứng thối trong túi của những con thú dữ tợn hơn. Cha mẹ thành nỗi nhục sau thống nhất của con. Hàng xóm nhìn nhau ghê tởm; té ra không phải thằng cha lỗ đít ở tầng trên mà bác về hưu rất hiền ở tầng dưới đã miệt mài viết hàng trăm trang báo cáo gửi mật vụ. Bạn bè đồng nghiệp ngã ngửa, đen trắng trần trụi hiện ra kinh hoàng, nhất là trong giới văn nghệ sĩ trí thức. Người thành thực phát ngôn cho các nạn nhân trong đó có chính mình, tiếc thay cũng từng là thủ phạm, như nhà văn nổi tiếng Christa Wolf, mật danh “Margarete”. Nhân tiện, ông Johannes Schellenberger, người đã đánh giá cao bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức của Irene và  Franz Faber, không phải là một nhà phê bình văn học Thụy Sĩ “sống bên kia bức màn sắt của thời kì chiến tranh lạnh” như được giới thiệu trong lần tái bản tác phẩm này gần đây. Ông từng là thư ký Hội Nhà văn CHDC Đức, biên tập viên của một số nhà xuất bản và đồng thời là mật báo viên của Stasi, mật danh “Hannes”. Nhưng ông cũng từng là một nạn nhân với 14 tuần ngồi tù. Trong bưng bít mịt mù của một nhà nước mật vụ, ai cũng có thể tay này là đao phủ xử chính mình, tay kia thọc dao vào kẻ khác.        

Chuyện của tôi nhẹ nhàng hơn nhiều lắm. Trong cái đêm bị rọi đèn pin vào giường, bạn trai tôi khi ấy bỏ trốn qua một lỗ thủng thú vị của bức tường sắt. Tôi đã giúp, nhưng sẽ lố bịch nếu nhận đó là một hành vi chính trị. Đó đơn thuần là tình yêu và một chút gì như sự vô úy bản năng của tuổi trẻ. Stasi không tự động vào cuộc, họ được một “đồng chí Hung” nào đó của phía Việt Nam yêu cầu. Từ ngày 26.1.1981 đến ngày 08.11.1983, Phòng X – hợp tác với an ninh các nước xã hội chủ nghĩa – liên kết với Phòng XX – phụ trách an ninh bộ máy nhà nước, thể thao chuyên nghiệp, nhà thờ, văn hóa và giới đối lập – của Stasi đã tác nghiệp mà tôi không hay biết. Họ bí mật kiểm tra thư từ và theo dõi giờ sinh hoạt; giao cho một nữ sinh viên Đức cùng kí túc xá nhiệm vụ báo cáo mật; bám đuôi một bạn châu Phi mỗi lần gặp tôi là chìa một Pink Floyd mới; lục phòng tìm tài liệu mà có người mách rằng tôi đã đánh cắp từ Viện Lưu trữ Quốc gia khi đi thực tập; và đưa một người hoàn toàn vô can vào tầm ngắm, chỉ vì người phụ nữ lịch duyệt ấy, giữ một chức không nhỏ trong Cục Lưu trữ Nhà nước và là vợ ông giáo sư đầu ngành, thích tám với tôi cô gái khờ, toàn những chuyện ngoài chuyên môn nhưng đọng lại khi tôi đã quên sạch kiến thức nghiệp vụ của 5 năm đèn sách. Và ngẫu nhiên bà là người Do Thái. Ra sân bay tiễn, bà giúi vào tay tôi một lọ nước hoa không thể mua bằng tiền Đông Đức, tôi giúi vào tay bà bức thư dán kín kể chuyện người bạn trai vượt tường. Phòng trường hợp xấu nhất. Sau này gặp lại, bà khóc, bảo đã linh cảm.  

Thiệt hại của tôi không đáng kể. Tôi chỉ bị tống cổ khỏi ngành khi về nước. Tầm nhìn xa của những đồng chí Hung nào đó và sự cần mẫn khét tiếng của Stasi đã may mắn cứu kí ức của chế độ khỏi ủy thác vào tôi. Và may mắn của tôi là được nhận một số phận khác. Đọc đến trang hồ sơ Stasi cuối cùng, phần đời đã sống mà không biết của tôi cũng khép lại, không còn gì ám ảnh, không gánh nặng của những câu hỏi bất hạnh, không cả oán trách hay một nỗi buồn. Nhẹ tênh, so với vô vàn câu chuyện khác.   

Chẳng hạn, chuyện của một nhà văn lừng danh.

Đó là một tờ giấy đánh máy ố vàng đề ngày 14.3.1950, báo cáo của đồn công an Dejvice, Praha, số hồ sơ 624/1950-II. Nội dung: Lúc 16 giờ chiều hôm đó, sinh viên Milan Kundera, sinh ngày 1.4.1929 tại Brno, trú tại kí túc xá Kolonka, đã đến đồn công an khu vực này khai báo. Rằng hôm nay, cô sinh viên Iva Militká cùng kí túc xá ngẫu nhiên gặp lại một người quen tên Miroslav Dvořáček. Người này có gửi một chiếc va-li ở phòng cô, hẹn buổi tối sẽ quay lại. Công an ập đến, khám đồ, ngồi chờ và còng tay Dvořáček khi anh xuất hiện đúng hẹn lúc tám giờ tối. Dvořáček là một phi công Tiệp đã trốn sang Tây Đức sau vụ Đảng Cộng sản Tiệp đảo chính tháng Hai năm 1948, hất cẳng và thẳng tay thanh trừng các đảng khác đang chiếm đa số trong quốc hội. Anh nhận nhiệm vụ trở về Tiệp do thám và móc nối tổ chức cho lực lượng đối kháng của Tiệp ở nước ngoài được Mỹ hỗ trợ.

Dvořáček bị kết án 22 năm tù, tội đào ngũ, gián điệp, phản bội Tổ quốc. Cho đến cuối đời ở chốn lưu vong tại Thụy Điển, ông vẫn đinh ninh người tố giác mình là Iva Militká, cô bạn ở kí túc xá. Gia đình Iva Militká lại nghi chồng cô, khi ấy là bạn trai, là kẻ chỉ điểm. Bản thân bà suốt đời dằn vặt, trước khi được chồng tiết lộ rằng hôm đó ông đã đem việc Miroslav Dvořáček định tá túc ở Kolonka kể cho một người bạn. Đó là một sinh viên, một đảng viên cộng sản nhiệt thành, từng làm những bài thơ ngất ngây say chế độ mới. Tên chàng là Milan Kundera.

Năm mươi tám năm sau, một nhà báo thuộc Viện Nghiên cứu các Chế độ Toàn trị của Tiệp mới tìm ra câu chuyện ấy và công bố trên tờ Respekt. Milan Kundera đã từ lâu trở thành biểu tượng của lương tri nghệ thuật chống cường quyền toàn trị cộng sản và sống lưu vong tại Pháp. Hàng loạt nhà văn lừng lẫy thế giới đứng ra bênh vực đồng nghiệp Tiệp nổi tiếng của mình. Bản thân Milan Kundera thì khẳng định mình chẳng hề liên quan, ai đó đã mạo danh ông đi chỉ điểm. Chắc người đó đã cầm nhầm thẻ sinh viên của ông để xuất trình. Mọi chuyện đều có thể xảy ra trong một chế độ bịt bùng.

Không như chúng ta tin hay mong, lịch sử chưa bao giờ là một chuỗi ánh sáng liên tục của những sự thật trong vắt. Sự thật duy nhất hoàn hảo của câu chuyện này là những năm tù đày của Dvořáček. Còn lại là những khoảng tối trĩu nặng, trong khi kiếp nhân gian thì nhẹ khôn kham. Và nhẹ tênh, nhẹ không chịu nổi, là kí ức, ố vàng trong văn khố.

Tuần báo Trẻ, 7.11.2019