Tác giả

Chuyên mục

Trang

Dự báo thời tiết

Th9 23, 2015

Phạm Thị Hoài

Trả lời phỏng vấn của tờ báo Nhật Shûkan Posuto ngày 17/8/1979, ở cao điểm của làn sóng thuyền nhân Việt Nam lênh đênh trên Biển Đông, triết gia Pháp Michel Foucault, đồng tham gia Ủy ban vận động “Một chiếc tàu cho Việt Nam“, nhận định rằng di dân sẽ trở thành một vấn nạn đầy đau đớn và bi thảm của hàng triệu người mà những gì đang xảy ra ở Việt Nam là điềm báo. Điềm báo ấy đã trở thành hiện thực trong Khủng hoảng Di dân hiện tại ở châu Âu.

Những ngày này, sống ở một trong những trung tâm đối diện với cuộc khủng hoảng ấy, đầy ứ thông tin, trống rỗng niềm tin và rối mù lời đáp, điều còn lại trong tôi cuối cùng không phải là một thông điệp nào từ các nhà chính trị – dù đó là “Mẹ Merkel” giang tay đón người tị nạn, hay từ các nhà từ thiện – dù đó là tỉ phú Ai Cập muốn mua đứt vài hòn đảo cho người tị nạn lập quốc gia riêng. Mà là vài tác phẩm nghệ thuật. Chẳng hạn trong Dismaland của Banksy mà tôi không thể đến xem vì không mua nổi vé. Ở đó khách có thể bỏ ra mấy xu chơi trò rượt đuổi thuyền của người tị nạn bằng nút điều khiển từ xa.

Hay những bức biếm họa của Charlie Hebdo.

Cũng như những biếm họa về Mohammed, Charlie Hebdo lại gây công phẫn, trong khi hiện thực đằng sau những bức vẽ ấy lẽ ra phải gây sốc gấp bội thì chỉ khiến chúng ta dửng dưng. Tuần trước, ngày 15/9, Giải thưởng M100 nhân cuộc họp mặt hàng năm của 100 nhà hoạt động truyền thông quốc tế hàng đầu được trao cho Charlie Hebdo. Trong diễn văn nhận giải, Tổng Biên tập Gérard Biard phát biểu:

Trước ngày 7 tháng Giêng 2015, chúng tôi là một tạp chí trào phúng chính trị nhỏ bé mà ngoài nước Pháp thường ít người biết đến – nếu Đấng Tiên tri Mahammed và những đại diện tự phong của ông ta không nhảy vào cuộc luận bàn thời sự. Lo lắng chủ yếu của chúng tôi là xoay đủ tiền để duy trì xuất bản và đáp lại những kẻ chụp cho chúng tôi cái mũ khiêu khích nguy hiểm hay kỳ thị chủng tộc bỉ ổi. Trong vòng mấy phút ngắn ngủi, sau một vụ tấn công khủng khiếp, chúng tôi bỗng trở thành một biểu tượng trên toàn thế giới, hiện thân của tự do ngôn luận và tự do chính kiến. Chúng tôi thành những anh hùng. Tôi xin phép được nói rằng: Đó không phải là nhiệm vụ của chúng tôi. Không một ai trong tòa soạn Charlie Hebdo đã đăng ký làm anh hùng. Vai trò của một tờ báo, và nhất là của một tờ báo trào phúng, không phải là làm một biểu tượng.

Từ sự kiện những bức biếm họa Mohammed trở đi, người ta liên tục nói về tôn giáo và sự tôn trọng những tình cảm tôn giáo. Đó là một sai lầm lớn. Vấn đề ở đây không phải là tôn giáo, mà là chính trị. Ta hãy lấy một ví dụ: Tháng Bảy 2013, khi quân đội Ai Cập xả súng vào những người ủng hộ cựu Tổng thống Mohammed Mursi, họa sĩ Riss đã vẽ lên bìa tờ Charlie Hebdo một người thuộc phong trào Anh em Hồi giáo núp sau một quyển Kinh Koran nhưng vẫn trúng đạn. Dòng chữ bên cạnh là: “Kinh Koran như cứt, đỡ đạn không xong”.

Hình vẽ đó có báng bổ không? Không. Có xúc phạm mọi tín đồ Hồi giáo không? Không. Ở Pháp, bảo cái gì đó là “cứt” (c’est de la merde) tuy không nhã nhặn lắm, nhưng người ta rất hay dùng cách nói đó, trong nhiều tình huống, để chỉ một điều gì đó không được việc hoặc rất tệ. Kinh Koran là một quyển sách, và người ta có quyền phê một quyển sách là nó rất tệ, ngay cả khi nó được đóng dấu thánh. Người ta cũng có quyền nói như thế về Kinh Thánh, Kinh Torah, về pho sử thi Mahabharata… Và trong trường hợp vừa nhắc thì người ta lại càng có quyền nói thế, vì ở đây Kinh Koran trước hết là một cương lĩnh chính trị. Về điểm này, khẩu hiệu của Anh em Hồi giáo đã nêu rất rõ ràng: “Hồi giáo là giải pháp, Kinh Koran là hiến pháp.” Ở Ai Cập cũng như ở Tunisia, Anh em Hồi giáo không coi Kinh Koran là một tác phẩm tôn giáo hay là kim chỉ nam cho lương tâm của các cá nhân, mà trước hết là công cụ kiểm soát chính trị và xã hội. Các quốc vương và thân vương vùng Vịnh hay các Mullah ở Iran cũng vậy, Kinh Koran là Mao tuyển của họ. Và bảo Mao tuyển như cứt thì không có nghĩa là xúc phạm hay mạ lỵ toàn bộ người Trung Quốc.

Bây giờ tôi xin phép nói về sự “tôn trọng”. Chúng ta thường xuyên nói “tôn trọng” nhưng  thực ra đó chẳng qua là sự khinh bỉ những người Hồi giáo trên toàn thế giới đang là những nạn nhân đầu tiên của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và những tay đồ tể của nó. Sự “tôn trọng” đó dựa trên nguyên lý rằng tín đồ Hồi giáo không giống những người khác. Rằng cái “thực thể” Hồi giáo sở hữu những đặc điểm cơ thể và trí tuệ khác với con người bình thường: nó chịu roi quất và đá ném giỏi hơn nhưng tửu lượng kém hơn. Ngoài ra nó vô cùng nhạy cảm khi Đấng Tiên tri bị cười cợt. Nó không chấp nhận phê phán. Vì gen của nó quy định thế. Hay Thượng đế sinh nó ra như thế. Vậy là ở các nước dân chủ, nhân danh sự “tôn trọng” người ta đòi những điều luật riêng cho “cộng đồng Hồi giáo”. Quyền cho người Hồi giáo, chương trình giáo dục cho người Hồi giáo, bệnh viện cho người Hồi giáo, bể bơi cho người Hồi giáo. Chỉ còn thiếu xe buýt và đường dành riêng cho người Hồi giáo. Nói ngắn gọn, cứ theo những người cổ xúy cho sự “tôn trọng” đó thì người Hồi giáo chắc thích nhất là đòi chế độ Apartheid. Và họ rất vui lòng thuộc về phía thiếu may mắn.

Những lời vừa nói có khiến tôi thành một kẻ khiêu khích không? Những bức hiếm họa của Charlie Hebdo có đổ thêm dầu vào lửa không? Chúng tôi có xúc phạm 1,4 tỷ người trên thế giới không? Trong thời đại của internet, của Facebook, Twitter và toàn cầu hóa thông tin, ở Masar-e Scharif quả thật có thể nghe phát ngôn ở Berlin, nhưng chẳng lẽ vì thế mà chúng ta, nhà báo và họa sĩ trào phúng, cứ phải lo rằng các bức tranh và bài viết của chúng ta có thể khiến ai đó, ở đâu đó, rất xa, bị sốc? Nếu như vậy thì làm báo để bày tỏ chính kiến sẽ vô cùng khó. Chúng ta không được phép viết rằng án tử hình là man rợ và không xứng đáng với nền dân chủ, vì như thế sẽ xúc phạm xác tín của hàng triệu người Mỹ, người Nhật và người Ấn Độ đang phản đối việc xóa bỏ án tử hình ở nước họ. Chúng ta không được phép viết rằng các tập đoàn đa quốc gia bóc lột những nước nghèo, vì như thế sẽ xúc phạm giới lãnh đạo các tập đoàn ấy. Chúng ta không được phép viết rằng những kẻ lừa đảo tài chính đã đẩy hàng loạt quốc gia đến bờ phá sản, vì như thế sẽ làm tổn thương phẩm giá của hàng ngàn nhà môi giới chứng khoán. Chúng ta không được phép viết rằng Putin là một kẻ sát nhân lì lợm, vì như thế sẽ khiến mẹ ông ta buồn. Nếu chúng ta có bổn phận cân nhắc cảm xúc của từng cư dân trên trái đất này trước khi cầm bút thì sẽ chẳng còn lại gì nhiều cho một tờ báo, ngoài mục dự báo thời tiết.

*

“Văn chương nghệ thuật không cứu rỗi thế giới. Lịch sử biết quá đủ những kẻ diệt chủng yêu và chơi nhạc cổ điển, những nhà độc tài thích làm và ngâm thơ, những tay chủ báo mị dân mê vẽ tranh và soạn kịch, những nhà lí luận đáng tởm say tụng ca nghệ thuật khiến nó phải đâm đầu vào ngõ cụt vì xấu hổ và những đám đông u mê nghiện hôn hít nghệ thuật khiến nó phải chui vào quan tài để tự bảo vệ. Văn chương nghệ thuật không sinh ra để làm thế giới này tốt lên hay đồi bại đi. Nó chỉ là một trong những cách tiếp cận thế giới. Thỉnh thoảng nó thành công trong việc thách thức những cách tiếp cận khác.” Tôi từng viết như thế. Nhưng thách thức bằng dự báo thời tiết thì hơi khó.

Tuần báo Trẻ (Hoa Kỳ) 23.9.2015