Tác giả

Chuyên mục

Trang

Nay ở trong thơ nên có đá

Th5 3, 2016

Phạm Thị Hoài

Hai tuần đầu tháng Tư vừa rồi ở Đức, những chủ đề nóng bỏng: khủng hoảng tị nạn, cuộc chiến chống IS, hồ sơ Panama, đảng dân túy phái hữu AfD, Brexit, Volkswagen bê bối, đầu gối của cầu thủ Schweinsteiger, thậm chí Putin gian hùng và Donald Trump quái đản cũng phải nhường sân khấu truyền thông cho một bài thơ vỏn vẹn 121 chữ, 24 câu trong một chương trình trào lộng ban đêm của đài truyền hình ZDF. Cả nước Đức bàn về nghệ thuật và chính trị. Nói đúng hơn, về tự do nghệ thuật và tự do ngôn luận trong một quốc gia theo thể chế dân chủ pháp quyền.

Với người Việt, câu chuyện đó xa vời và xa xỉ. Vụ tranh cãi rộng rãi cuối cùng về tự do nghệ thuật diễn ra tròn ba mươi năm trước, xung quanh các truyện ngắn mở đầu sự nghiệp văn học của Nguyễn Huy Thiệp. Hai mươi năm sau, một cơn giông Cà Mau có nổi lên trên Cánh đồng bất tận, song chỉ còn là một tai nạn đơn, kích thước vừa khít với chu vi trí tuệ của tuyên giáo tỉnh lẻ. Từ đó đến nay văn chương nghệ thuật trở thành một địa hạt ngày càng vắng vẻ, nơi những tranh luận ít nhiều nghiêm túc không có nổi một hai ngàn người quan tâm. Bây giờ cả nước bàn về Vòng eo 56.

Song có một sự kiện ở Việt Nam khiến tôi muốn kể câu chuyện ở Đức. Sau phiên tòa xử Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy tổng cộng 8 năm tù, một bài viết trên trang Công an Nhân dân nhan đề “Tự do ngôn luận không phải thứ để mang ra mặc cả” lập luận rằng “không chỉ riêng Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, việc lợi dụng các quyền tự do cá nhân để xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đều không thể chấp nhận được và bị xử lý nghiêm trước pháp luật“, và dẫn chứng bằng việc ở Thổ Nhĩ Kỳ, từ khi ông Erdogan lên nắm quyền đến tháng 4/2015, đã có “60 vụ với khoảng 200 cá nhân liên quan bị cáo buộc về tội xúc phạm tổng thống”.

Báo Công an có thể lấy mô hình gần gũi với Việt Nam hơn làm dẫn chứng, tất nhiên: ở Bắc Triều Tiên, xem phim bộ Hàn quốc hay nhại ca khúc cách mạng đều “gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội“, tử hình là xác đáng. Và ngủ gật khi lãnh tụ đọc diễn văn thì hiển nhiên “xâm phạm danh dự, nhân phẩm” của lãnh tụ, đem ra bắn là đương nhiên. Nhưng cơm chưa ăn thì gạo còn đó, tạm thời ta hãy xem tấm gương được cơ quan ngôn luận đầy quyền lực của Việt Nam noi theo: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan, người có vẻ mặt tự ái kinh niên, tự ái cao trào trong lúc ngủ, chắc chắn đang theo đuổi kỉ lục là nguyên thủ quốc gia bị xúc phạm nhiều nhất thế giới. Không phải chỉ 60 vụ như báo Công an nói, đó chỉ là tám tháng đầu nhiệm kì. Đến đầu tháng Ba năm nay, trong vòng một năm rưỡi, 1845 vụ hình sự theo điều 299 bộ Luật Hình sự Thổ và 8000 vụ kiện dân sự đã và đang diễn ra, tất cả đều với tội danh “xúc phạm tổng thống”. Sắp tới các tòa án nước này sẽ xử thêm tội “xúc phạm con trai tổng thống” và “xúc phạm con chó của tổng thống”. Từ người chê Cung Tổng thống 1150 phòng là vĩ cuồng mặc cảm đến hai cậu bé 12 và 13 tuổi xé áp phích in hình tổng thống bán giấy lộn, từ mấy sinh viên quảng cáo trà “miễn phí cho tất cả, trừ Tayyip” đến người ghép ảnh Erdogan với nhân vật Sméagol trong phim Chúa Nhẫn…, tất cả đều phải ra tòa về tội xúc phạm tổng thống. Nên tiết mục trào phúng trên truyền hình Đức phải là một xúc phạm ghê gớm.

Tóm tắt câu chuyện như sau:

Ngày 17/3, chương trình extra 3 của đài truyền hình công cộng ADR/NDR phát một bài hát dài 2 phút chế giễu chính sách bóp nghẹt báo chí và trấn áp người bất đồng chính kiến của Erdogan. Ngay sau đó, ông này cho triệu đại sứ Đức tại Thổ lên hạch tội và đòi Đức triệt tiêu bài hát đó. Phía Đức không chấp nhận, tuyên bố rằng chính phủ không can thiệp vào quyền tự do báo chí.

Ngày 31/3, trong chương trình Neo Magazin Royale của đài truyền hình công cộng ZDF, diễn viên hài Jan Böhmermann nhắc lại vụ yêu sách phi lí đó và giải thích cho một người như Erdogan biết sự khác nhau giữa một bên là trào phúng, châm biếm, đả kích, những thể loại nghệ thuật được pháp luật bảo hộ, như bài hát giễu kể trên, và một bên là phỉ báng, một hành động cũng bị phạt theo luật pháp Đức. Và để minh họa cho dễ hiểu thế nào là phỉ báng, chàng danh hài đọc một bài thơ làm ví dụ, trong đó Erdogan được gọi là đồ ngu, đồ hèn, đồ cặc thối, đồ đeo mặt nạ đánh đòn bé gái, vừa đàn áp người Kurd vừa xem phim heo, đồ mút đít cừu, đồ địt dê, đồ dái sưng, đồ cu teo, đồ bệnh hoạn… Vừa đọc, chàng vừa liên tục nhắc nhở: đấy, thế mới gọi là phỉ báng, ông hiểu chưa, ông Erdogan?

Trong hoàn cảnh bình thường, vụ này cùng lắm, xin lỗi, chỉ như một cái rắm, người bốc thơm, kẻ chê thối, sau 15-phút-nổi-tiếng là tròn nhiệm vụ với đời. Song cái rắm đã trở thành một trận cuồng phong. Luật pháp, chính trị, nghệ thuật, truyền thông, lợi ích quốc gia, khủng hoảng quốc tế, số phận châu Âu và số phận chính trị của người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, bà Merkel, trộn vào nhau trong vòng xoáy mà hiện thực còn siêu thực hơn cả hư cấu và chọc cười mạnh hơn cả trào phúng. Ông giáo sư chính trị và chàng sinh viên nghệ thuật, bà chuyên gia luật và cô nữ sinh, những tờ báo đạo mạo và những tờ chuyên giật tít giật gân, chính khách tất cả các đảng phái và phát ngôn viên của vô số tổ chức, blogger đủ khuynh hướng và dư luận viên mọi sắc thái, diễn viên, cầu thủ, nhà văn, nhà quan sát, nhà bình luận, công dân Đức và công dân nước ngoài, giới cần lao và đại diện tinh hoa, tất cả đều vào cuộc. Ngồi trên tàu hay ngồi dưới tay thợ cắt tóc, lên Facebook hay đảo qua Twitter, đi ăn tiệm sang hay xếp hàng ở siêu thị, xin lỗi, đến dẫn chó đi ị cũng nghe cập nhật từng phút chuyện một bài thơ trong một chương trình truyền hình khuya khoắt ít người xem bỗng thành quốc gia đại sự.

Bà Merkel vội vàng gọi điện cho Thủ tướng Thổ, rằng bà lấy làm tiếc vì đó là một bài thơ “cố ý xúc phạm”. Đài ZDF vội vàng xóa bài thơ và gọi điện đến Đại sứ quán Thổ xin lỗi. Nhưng những động thái đó chẳng những không dập được lửa mà chỉ khiến dư luận bùng nổ, và tất nhiên vị tổng thống tự ái kinh niên vẫn đâm đơn kiện. Không phải theo điều 229 của Thổ, mà theo điều 103 của Đức, tội xúc phạm các cơ quan và đại diện nước ngoài, khung hình phạt từ 3 tháng đến 5 năm tù, một điều luật ra đời từ thời quân chủ 1871, luật “phạm thượng”, và ngủ quên trong bộ Luật Hình sự hiện đại của một trong những nước cộng hòa tân tiến nhất thế giới. Sau nhiều ngày bàn thảo không phân thắng bại trong nội các và trong không khí hừng hực của công luận đứng về phía chàng danh hài, Thủ tướng Merkel quyết định chấp thuận yêu cầu của Erdogan, ủy quyền tiến hành vụ án cho các cơ quan tư pháp. Về nguyên tắc và thủ tục, quyết định đó không sai và mở đường thoát hiểm cho bà Merkel: Trong một nhà nước pháp quyền, chính phủ không can thiệp vào tư pháp. Song ba phần tư dân Đức phản đối, đủ các giới ầm ầm kiến nghị, cho rằng Thủ tướng Đức đã phản bội những giá trị nền tảng của thể chế tự do dân chủ, quỳ gối dâng quyền tự do ngôn luận của công dân Đức cho một tay độc tài hoang tưởng đang từng bước biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một quốc gia Hồi giáo cực đoan. Uy tín của bà Merkel sụt xuống mức thấp nhất trong nhiệm kì cầm quyền. Truyền thông quốc tế từ chê bai đến cười sằng sặc, cả về Erdogan lẫn về một điều luật Trung cổ vẫn còn hiệu lực ở Đức. Chàng danh hài tuyên bố tạm nghỉ bốn tuần để khăn gói sang Bắc Triều Tiên học hỏi thêm kinh nghiệm về tự do báo chí.

Cái đinh đóng vào chỗ hiểm hóc của sự việc là vai trò then chốt của Thổ Nhĩ Kỳ trong khủng hoảng tị nạn ở châu Âu mà Đức là quốc gia liên quan nhiều nhất và bà Merkel là đầu tầu thúc đẩy thỏa thuận vừa kí kết giữa Thổ và EU. 6 tỉ của EU sẽ đổ vào Thổ, để đất nước đang chuyển mạnh về phía độc tài này và vị tổng thống tự ái kinh niên của nó làm con đập ngăn bớt làn sóng người tị nạn ồ ạt đổ vào châu Âu. Năm vừa qua, hơn 1 triệu người đã nhập cư vào Đức, kéo theo những phân hóa xã hội nghiêm trọng nhất kể từ ngày hai nước Đức Đông Tây hòa nhập. Giải quyết vấn đề người tị nạn trở thành ưu tiên số một ở đất nước này. Người Đức cần và ghét Erdogan cũng như phương Tây cần và ghét Putin, phương Đông cần và ghét Trung Quốc. Trong mớ bòng bong của những tiêu chuẩn kép, phép chính trị thực tế của bà Merkel đã bị mấy câu thơ bất ngờ án ngữ.

*

Trở lại với báo Công an: rồi nó sẽ đanh thép bình luận rằng vụ truy tố hình sự một bài thơ cho thấy tự do báo chí ở Đức cũng phải trong khuôn khổ luật pháp. Song có giãn hết nấc đàn hồi của luật Việt Nam thì từ sắc lệnh định mệnh số 282/SL ra ngày 14/12/1956 của Hồ Chủ tịch đến nay, sau tròn 60 năm, các nhà báo vẫn tiếp tục ngồi tù. Gần đây nhất, cấp tập trong vòng một tuần cuối tháng Ba, như thanh lí ồ ạt hàng tồn đọng trong nhiệm kì vừa gấp gáp tắt điện rút êm của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: 7 blogger và nhà hoạt động nhân quyền bị kết án tổng cộng 22 năm 7 tháng 11 ngày tù giam, 10 năm quản thúc. Theo số liệu của Ủy ban Bảo vệ Các Nhà báo (CPJ), Việt Nam ngự ở vị trí số 6, trên cả Trung Quốc và Cuba, trong Top Ten mười nước kiểm duyệt báo chí khắc nghiệt nhất thế giới năm 2015. Trong bảng xếp hạng của tổ chức Nhà báo Không Biên giới năm 2016 vừa công bố, Việt Nam chiếm vị trí 175/180, cũng đứng ở vị trí số 6, từ dưới lên.

Còn câu chuyện ở Đức? Thủ tướng Merkel đã thừa nhận cú điện thoại xoa dịu ban đầu của mình là sai lầm. Chính phủ không có phận sự thẩm định nghệ thuật. Trong hiệu ứng Böhmermann, thơ ca hò vè tranh pháo và các show diễn đua nở, ào ạt ném đá vị Tổng thống mang bộ mặt sưng sỉa thường trực. Nay ở trong thơ nên có đá. Vụ Erdogan kiện một bài thơ sẽ trở thành một án lệ nổi tiếng, với phần thắng, như đa số dân Đức tin chắc, thuộc về bài thơ. Cuối cùng rồi Tòa Bảo hiến, như trong hầu hết các vụ từ trước tới nay, sẽ khẳng định một lần nữa quyền bất khả thương lượng của tự do nghệ thuật. Và nhân tiện, điều “phạm thượng” nực cười sẽ nhanh chóng bị thanh lí. Chàng diễn viên hài vừa đoạt giải thưởng truyền hình danh giá nhất ở Đức, Giải Grimm, nay tiếp tục được đề cử cho Giải Grimm Online Award và đang trở thành một thương hiệu truyền thông hấp dẫn cho cả các nhà đầu tư quốc tế. Một kết thúc có hậu, cho tất cả. Trừ Tayyip.

Tuần báo Trẻ (Hoa Kỳ) 3.5.2016