Tác giả

Chuyên mục

Trang

Goodbye Việt cộng

Th4 30, 2016

Phạm Thị Hoài

Một lần đi cắt tóc trong khu buôn bán của người Việt hai mươi năm trước, tôi ngạc nhiên thấy thợ bỏ công chăm chút tỉ mỉ. Dùng kéo nhỏ, cắt thận trọng từng lọn, hơn ba mươi phút cho mái tóc luôn rất ngắn của tôi. Bình thường dịch vụ của người Việt bỗ bã, nhanh, ẩu và rẻ. Ngồi xuống là họ trùm cho một tấm choàng có lẽ đã mấy tháng không giặt, vung kéo lớn cắt xoèn xoẹt, thậm chí cho luôn tông đơ chạy vù vù rồi quét phù phù tóc dính trên mặt là xong. Tôi khen. Cô gái còn rất trẻ, có lẽ chưa kịp đánh mất sự tử tế. Cô bảo: “Thì cộng mình với nhau mà chị.”

Tôi lại ngạc nhiên nữa. Cô gái giải thích, thì chị em mình người Bắc, cộng cả, kiều đời nào vào đây.

Hai chữ vỏn vẹn Việt cộng đủ để giải thích lịch sử nhân loại nửa cuối thế kỉ XX. Người Việt đã hăng say lĩnh xướng cho buổi hòa nhạc đẫm bạo lực mà gậy chỉ huy chuyển từ tay kẻ này sang kẻ khác. Khi đi du học ở Đông Đức, tôi cũng dùng chữ cộng, nói tắt, như các sinh viên khác, để chỉ chính mình, phân biệt với Tây, dù đó là Tây cũng cộng sản. Dùng đơn giản như một từ đồng nghĩa, có chút xíu nghịch ngợm nhưng tuyệt không mang ẩn ý, không một chút vướng bận. Không hay biết rằng hai chữ ấy gắn với biết bao xung đột, biết bao lí tưởng thiêu đốt, một bên là hừng hực niềm tin và hi vọng, một bên là thù oán chất chồng. Rất lâu sau tôi mới biết đến thân cộngchống cộng, cặp hộ pháp án ngữ lối vào bất kì câu chuyện Việt Nam nào, như ông Thiện ông Ác tùy điểm ngắm. Có những người bạn của tôi thà mang tiếng thân cộng hơn chung hàng ngũ chống cộng. Lại có những người khác thà mang tiếng chống cộng hơn sánh vai thân cộng. Có những người khuynh hữu, bảo thủ tận chân lông mà thân cộng. Có những người khuynh tả cấp tiến mà chống cộng mút mùa. Cuối cùng có những người cả thân cả chống lẫn lộn, tùy giai đoạn và hoàn cảnh cuộc đời.

Song hơn bốn mươi năm hòa bình đã khiến cả cuộc hậu chiến thay xương máu trên cạn bằng hàng trăm ngàn xác chết dưới lòng biển cũng phải kết thúc. Bốn vị đứng đầu nhà nước Việt Nam hôm nay đều chưa từng cầm súng. Trong 19 ủy viên Bộ Chính trị, chỉ còn ba vị có chút tiểu sử trong quân ngũ những năm cuối cuộc chiến, có lẽ là lính chính trị hơn lính chiến hào. Kẻ thù không đội trời chung thuở nào, nay là đối tác toàn diện đáng săn đón nhất. Starbucks, McDonald’s, Coca-Cola và Pepsi, KFC, Hollywood, Forbes, Facebook, Google, Apple, Fulbright, Harvard, Bill Gates, Playboy, Victoria’s Secret, chỉ còn thiếu Goldman Sachs và Amazon. Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Con trai thuyền nhân cưới con gái Thủ tướng. Tổng Bí thư thăm Nhà Trắng. Số sinh viên Việt Nam đang du học tại Mỹ vượt xa tổng số trong quá khứ tại Liên Xô. Kịch bản năm xưa, cố vấn Tàu giúp Việt Nam chống Mỹ, đang được chuẩn bị kỹ để tái cơ cấu, cố vấn Mỹ sẽ giúp người Việt chống Tàu. Không ở đâu trên toàn thế giới, Tổng thống Obama sẽ được đón chào nồng nhiệt như ở Việt Nam tháng tới. Thế giới đã thay đổi. Ở phương Tây bây giờ, người ta mơ một nền dân chủ pháp quyền phi tư bản. Ở Việt Nam, người ta muốn một chủ nghĩa tư bản phi dân chủ pháp quyền. Việt cộng, được coi là do Ngô Đình Diệm đề xuất để thay thế hai chữ Việt Minh vốn được cảm tình trong dân chúng, chậm nhất là bây giờ đã tuột khỏi văn cảnh của nó.

Hãy lấy trường hợp nhà văn Mỹ John Steinbeck làm ví dụ. Hai tác phẩm đỉnh cao, Chùm nho của uất hậnCủa chuột và người, cho thấy tác giả của chúng ít nhất phải khuynh tả. Song Steinbeck thậm ghét cộng sản. Tháng 7/1966, giữa giai đoạn cuộc chiến ở cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam leo thang ác liệt, nhà thơ Xô-viết Yevtushenko đăng một bài thơ gửi Steinbeck trên tuần báo Literaturnaya Gazeta, bản dịch đăng trên New York Times. Nhà thơ Xô-viết và nhà văn Mỹ có chút quen biết từ trước. Yevtushenko từng đến Mỹ và Steinbeck đến Liên Xô. Trong bài thơ, thực ra là một bức thư ngỏ, Yevtushenko kêu gọi Steinbeck, chủ nhân của giải Nobel văn chương đầy uy tín đồng thời là bạn của Tổng thống Mỹ Johnson, lên tiếng phê phán cuộc chiến do Mỹ tiến hành ở Việt Nam và đứng về phía phong trào phản chiến. Steinbeck không để đợi lâu. Lời đáp của ông như sau (trích):

Anh hẳn biết là tôi ghê tởm mọi cuộc chiến tranh, nhưng cuộc chiến này thì cá nhân tôi đặc biệt căm ghét. Tôi chống cuộc chiến do người Trung Quốc giật dây này. Tôi không quen bất kì một người Mỹ nào ủng hộ nó. Nhưng, bạn thân quý, anh yêu cầu tôi lên án một nửa cuộc chiến – nửa của chúng tôi. Tôi đề nghị anh hãy cùng tôi chống toàn bộ cuộc chiến đó.

Chắc anh cũng không tin rằng ‘phi công Mỹ ném bom xuống đầu trẻ em’, rằng chúng tôi đem bom và vũ khí hạng nặng đi giết thường dân vô tội? Đó đâu phải là Đông Berlin năm 1955, Budapest năm 1956 và Tibet năm 1959.

Anh cũng như tôi đều biết rằng chúng tôi ném bom những mục tiêu như kho dầu, phương tiện giao thông và những vũ khí tối tân hạng nặng mà họ dùng để giết các chàng trai Mỹ. Xăng dầu và vũ khí ấy từ đâu mà ra, chắc anh phải biết rõ hơn tôi. Chữ ghi trên đó là chữ tượng hình (tiếng Tàu) và bằng mẫu tự Kirin (tiếng Nga).

Tôi hi vọng rằng anh cũng biết, nếu những vũ khí ấy không được đem tới Việt Nam thì chúng tôi đã không có mặt ở đó. Nếu là một xung đột giữa người Việt với nhau thì chúng tôi đã không có mặt ở đó. Song thực tế không như vậy và chắc anh cũng biết rõ, vì chưa bao giờ tôi thấy anh là người ngây thơ.

Cuộc chiến này là của Chủ tịch Mao, do ông ta thiết kế và tổng điều hành từ xa, do Bắc Kinh chỉ đạo và được hỗ trợ tởm lợm bằng những vũ khí tàn bạo của các thế lực ngoại bang, những kẻ đã thổi bùng cuộc chiến. Vậy, bạn thân quý, chúng ta hãy lên án điều đó, nhưng ngoài ra chúng ta hãy cùng nhau lập một chương trình hành động hữu hiệu hơn một lời lên án.

Tôi đề nghị anh hãy dùng ảnh hưởng đáng kể của mình với nhân dân, với chính phủ nước anh và với tất cả những ai đang tuân lệnh Liên Xô, để chấm dứt việc tuồn những trang bị giết người này vào miền Bắc Việt Nam nhằm sử dụng chống miền Nam.

Về phần mình, tôi nguyện đem toàn bộ sức lực để thuyết phục chính phủ nước tôi rút hết quân lực và vũ khí khỏi miền Nam, chỉ để lại tiền và viện trợ tái thiết. Và anh biết đấy, khi phần anh đã thực hiện thì tôi sẽ tự động nối tiếp phần mình ngay tức khắc.”

Lời đáp ấy bị coi là một cái tát vào mặt giới trí thức văn nghệ sĩ của “nhân loại tiến bộ toàn thế giới” với những đại diện nổi tiếng, từ Joan Baez đến Jane Fonda – hai nữ nghệ sĩ này rồi sẽ đay nghiến nhau hàng tháng trời trên truyền thông trong vấn đề thuyền nhân Việt Nam thời hậu chiến – , từ John Lennon đến Martin Luther King, từ Noam Chomsky đến Jean-Paul Sartre, từ Bertrand Russell đến Heinrich Böll, Günter Grass… Chương trình hành động chung mà Steinbeck đề nghị với nhà thơ Xô-viết đóng băng trong chiến tranh lạnh. Cuối năm 1966, Steinbeck đến Việt Nam trong tư cách phóng viên chiến trường. Trong những phóng sự dưới dạng những bức thư gửi từ Việt Nam, ông hân hoan tự hào đứng cùng hàng ngũ những người lính Mỹ; nâng niu những vỏ đạn bắn ra từ nòng súng Hoa Kỳ như kỉ vật thiêng liêng; ngợi ca đôi bàn tay của các phi công trực thăng là tinh tế như kéo đàn cello; chế nhạo những người phản chiến ở Mỹ – bị gọi là Vietniks – là cả đầu óc lẫn áo quần đều thối tha bẩn thỉu… Và bày tỏ một thái độ không thể quyết liệt hơn trước Việt cộng, VC, Charlie: Việt cộng là “son of a bitch”, đồ chó đẻ, là bọn khủng bố dân lành mà báo chí Mỹ không chịu đưa tin, là cái họa phải đào tận gốc. Ông nhắn người bạn tâm tình hư cấu: nghe đứa nào không biết gì mà nói mò khen Việt cộng thì vả vỡ mồm nó ra cho tôi nhé…

Những trang viết cuối đời này của Steinbeck – ông mất hơn một năm sau đó – mãi đến tháng Ba năm 2012 mới được xuất bản thành sách ở Mỹ. Và tôi không tin ở mắt mình: chỉ hai tháng sau, một trang mạng lớn ở Việt Nam, VnExpress, đăng ngay một bài ca ngợi đó là “những dòng chữ tâm huyết” và Steinbeck in Vietnam: Dispatches from the War là “bức tranh đầy đủ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam qua con mắt của một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế giới”, là “một di cảo quý trong cuộc đời cầm bút của nhà văn”.

Báo chính thống ở Việt Nam ca ngợi tác phẩm “phản động” của nhà văn Mỹ chống cộng? Các nhà báo ở Việt Nam hôm nay, may cho họ, đã từ bỏ gánh nặng của quá khứ hay không may, đã mù lịch sử? Việt cộng đã già nua đến mất trí nhớ hay Hà Nội đã xoay trục? Hay nó chỉ còn là một cách điệu của dĩ vãng, một cái nháy mắt với lịch sử, một thủ pháp gây sốc của văn hóa pop, một thủ thuật dựng thương hiệu, như ở tên của một băng nhạc post-punk Canada hay ở chuỗi hai chục quán cà phê sang chảnh tại Việt Nam?

*

Cô thợ cắt tóc của tôi năm nào, nay có lẽ đã thành bà chủ một tiệm “USA Nails” ở Đông Berlin và sẽ quên “cộng mình với nhau” nếu tôi đến làm móng. Bây giờ, một thanh niên Nghệ An vừa vật vờ chờ khách trước siêu thị vừa ca vang những hành khúc chống Mỹ, một lần tôi hỏi, chỉ nhe răng cười: thấy người ta hát thế thì cháu hát thế. Cho vui ấy mà, đời bán thuốc buồn lắm. Việt cộng là thế nào hả cô? Cháu cố trả hết 500 triệu tiền vé, xong làm bộ giấy tờ để nước Đức nó lo cho mình, mình hưởng hết các chế độ chứ tội gì. Thế thì cháu là Việt kiều, hay cháu là người Đức cô nhỉ.   

Tôi không đề nghị một đường lối hòa giải bằng cách nhét quá khứ vào môi trường chân không trong túi ni-lông cách li với hiện tại. Song hai chữ Việt cộng quả thật đã hết hạn sử dụng. Hãy cho nó vào bảo tàng. Những vấn đề của Việt Nam hôm nay, hơn bốn mươi năm sau cuộc chiến tàn khốc của các hệ tư tưởng, cần được đặt trong văn cảnh thực của hôm nay. Goodbye, Việt cộng.

23/4/2016 Báo Trẻ 30/4/2016