Tác giả

Chuyên mục

Trang

Bó hoa tươi thắm

Th11 10, 2017

Phạm Thị Hoài

Cuộc gặp mặt lần thứ nhất “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” ở Hà Nội, cuộc hội ngộ được coi là lịch sử của một trăm nhà văn được coi là tiêu biểu ở trong và ngoài nước đã kết thúc như chưa hề diễn ra, một phi sự kiện hoàn hảo. Bầu trời mùa Thu trong xanh, mặt nước Hồ Tây êm đềm, tình văn nghệ đề huề, hồn dân tộc lai láng, gió biển Hạ Long, hương khói Đền Hùng, tất cả như một khóa du lịch tìm về cội nguồn do Đảng và Nhà nước đài thọ. Như ru vào giấc ngủ, không ai mộng du, không ai ngáy khò khò phá tan sự tĩnh lặng an toàn của giới cầm bút. Báo chí chính thống chỉ dành cho nó vài dòng tin vắn. Mạng xã hội những ngày ấy thì sục sôi chuyện âm nhạc Nam Bắc phân tranh, chẳng ai ham chuyện văn học hòa giải.

Điều duy nhất gợi một chút tò mò trong giới quan tâm ít ỏi là danh sách 33 nhà văn hải ngoại về dự hội nghị. Bí mật Hồ Tây này có lẽ sẽ bị vùi sâu trong lịch sử văn học Việt, nếu ông Hữu Thỉnh cuối đời không viết hồi ký đi tìm một cái gì đó. Nguyễn Khải đi tìm cái Tôi đã mất, mặc dù ông chẳng mất cái Tôi nào hết, chỉ quyết lờ đi cái Tôi số ít thực nhất và có lẽ khó thương nhất của một tập hợp những cái Tôi số nhiều. Có thể Hữu Thỉnh sẽ đi tìm Nàng Thơ đã mất. Ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bốn nhiệm kỳ liên tục không phải là một nhà thơ làm quan như Goethe, Victor Hugo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du hay thậm chí Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm. Cũng không phải một quan lớn làm thơ như Hitler, Mao, Stalin, Mussolini, Saddam Hussein, Gaddafi, Kim Nhật Thành, Hồ Chí Minh… Người ta thường gieo vần khi cô đơn, mà nỗi cô đơn của các nhà độc tài thì chao ôi mênh mông, đôi khi họ phải giết một ai đó – có thể là một thi sĩ – chỉ vì một vần thơ đang bí. Hữu Thỉnh chưa bao giờ cô đơn. Nàng Thơ đã trung thành với ông từ thuở tập thể vui vẻ “năm anh em trên một chiếc xe tăng” đến nay là nguồn cảm hứng vừa vặn cho một sự nghiệp thơ cán bộ. Không thể có nàng nào tốt với ông hơn nàng này.

Trở lại với con số 33. Thời đại thông tin, danh sách nói trên đã rơi vãi non nửa. Trong số đó[i], cả chục là những người như tôi, ra đi từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, con đẻ thuần túy của chế độ. Song khác tôi, tiểu sử của họ là những đường ray chạy ngon lành một mạch thẳng. Phần lớn chạy sang các nước Đông Âu từng tự phá vỡ thành trì cộng sản và nay lại lục tục hướng về một trật tự chuyên chế cứng rắn. Nhưng chạy đến đâu vẫn nối liền với ga chính của ngành đường sắt văn nghệ quốc doanh trong nước. Họ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là đảng viên thuộc Đảng bộ ngoài nước. Họ tham dự những Đại hội Thi đua Yêu nước ở Việt Nam. Họ là đại diện thường trú của báo Văn Nghệ ở nước ngoài. Họ thường xuyên xuất bản tác phẩm ở trong nước và đã nhận nhiều giải thưởng. Họ không chỉ là những Việt kiều yêu nước mà còn được yêu lại. Yêu đơn phương là bất hạnh của những kẻ khác.

Tôi không có gì phản đối tất cả những điều đó. Người Việt ở Đông Âu giết thời gian bằng cách nào cũng tốt, kể cả làm thơ, miễn là ra khỏi cái thế chân kiềng ăn nhậu, karaoke và đánh bạc. Tuy tôi không hiểu lắm, rằng người ta thấy thiếu quê hương ở chỗ nào, khi cộng đồng Việt, chẳng hạn ở Đông Berlin, là một xã hội Việt thu nhỏ mà nước Đức thực ra chỉ hiện diện trong vai trò hậu cần. Tiếng Việt ở đây thậm chí còn đặc quánh nhựa dân tộc hơn ở các đô thành trong nước. Song thương nhớ một quê hương ngày nào cũng gặp là quyền của bất kỳ ai. Tôi đã bịt tai khi nghe người ta ồn ào tranh nhau gọi tên Tổ quốc. Trường phái thơ-gọi-tên-Tổ-quốc này cũng như trường phái thơ-được-đồng-chí-Tổng-Bí-thư-khích-lệ lố tới mức tôi hy vọng các tác giả của chúng cũng thấy ngượng khi chưa quá muộn, song đại ngôn sáo rỗng và ngu lâu chỉ là những khía cạnh tương đối vô thưởng vô phạt của một thứ tình tự dân tộc bị biến thành công cụ.

Ở một khía cạnh khác, cái tình tự dân tộc đó khó tiêu hóa hơn: đó là câu chuyện văn học hòa giải. Để trình diễn cú nhảy qua hố sâu ngăn cách giữa nhà văn trong nước và nhà văn ngoài nước từng ở hai bên chiến tuyến của một quá khứ đau đớn, một động tác nguy hiểm cần cả lòng can đảm lẫn sức mạnh, Hội Nhà văn Việt Nam đi bằng chính đôi chân của mình chưa nổi và không chuộng gì hơn sự an toàn chỉ còn cách làm xiếc. Bằng ảo thuật của Khaisilk. Lời từ chối công khai của nhà văn Phan Nhật Nam cho thấy nguồn hàng hải ngoại bờ bên kia vẫn khó khăn khan hiếm, vậy ông chủ doanh nghiệp văn học nhà nước cho nhập phắt hàng hải ngoại bờ bên này về dán nhãn “chung một dòng sông”. Thế là phía chủ nhà tuyên ngôn hòa giải chúng ta với chúng mình, chân tình, thiện chí, vượt qua quá khứ, xóa bỏ nghi ngờ mặc cảm hẹp hòi, nắm tay nhau đi đến bờ bến mới. Phía khách cũng không kém, người thì định nghĩa văn học là tình yêu đất nước quê hương (tôi đề nghị đưa định nghĩa này vào mục từ “văn học” trong Wikipedia tiếng Việt), người thì khẳng định tha thiết hướng về cội nguồn qua tình yêu tiếng Việt (bao giờ thì tiếng Việt sẽ đệ đơn tố giác những kẻ si tình rình rập theo đuổi quấy nhiễu nó, những stalker ngôn ngữ?). Và tất cả đều hoan hỉ nhận thêm một “thiên chức sâu thẳm” nữa, gánh thêm một “sứ mệnh trọng đại” nữa: nhà văn đi đầu, cầu nối cho sự nghiệp hòa giải và hòa hợp dân tộc. Dòng văn học chủ đạo được truyền bá và giảng dạy hiện nay tại Việt Nam mang tên “văn học yêu nước và cách mạng”. Bây giờ chúng ta có thêm nền “văn học đại đoàn kết dân tộc”. Tôi xin tiến cử một gương mặt tiêu biểu cho cuộc hội ngộ lần thứ hai, dự định tiến hành sau hai năm: một đồng chí T. khác, cựu giám đốc một tập đoàn dầu khí nhà nước, đang gieo những vần thơ nhớ quê hương trong biệt thự riêng tại thị trấn hẻo lánh Santa Barbara bên bờ biển miền Tây nước Mỹ. Thái Bình Dương quả là một cái hố rất to và sâu ngăn cách.

Nghệ thuật tự nó là ngòi nổ cho xung đột. Những tác phẩm lớn tự chúng là gây hấn và thách thức. Những nhà văn lớn tự họ là những cá nhân phiền hà. Và tài năng bao giờ cũng chia rẽ. Năm 1987, GlasnostPerestroika, Chiến tranh Lạnh gần tàn, lịch sử sắp bước vào hồi kết,  Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật Hoa Kỳ kết nạp nhà thơ Sô-viết Yevtushenko làm thành viên danh dự. Nhà thơ Nga lưu vong tại Mỹ Joseph Brodsky, cũng là thành viên, lập tức từ chức viện sĩ để phản đối. Họ đều là thi sĩ, đều viết thơ bằng tiếng Nga, đều là người Nga, đều chung một cội nguồn dân tộc, thậm chí 22 năm trước Yevtushenko còn đồng ký tên phản đối phiên tòa kết án Brodsky 5 năm tù cải tạo về tội “ăn bám xã hội” ở Liên Sô. Nhưng với Brodsky, đồng nghiệp Yevtushenko là một nhà thơ xoàng và nhân cách còn tệ hơn, một kẻ trở cờ lèo lá, dạng háng ăn phần cả hai chân. Chiến tuyến giữa các nhà văn rắc rối hơn bên này bên kia chiến hào.

Quá rắc rối, nên thay vì những việc thực sự cần đến sự đoàn kết của giới cầm bút bất kể trong hay ngoài nước: đòi hỏi quyền tự do tư tưởng và tự do xuất bản, lên án mọi hình thức kiểm duyệt, bảo vệ những đồng nghiệp và những mảng văn học bị chính quyền kỳ thị, vùi dập, đày đọa, cầm tù, những người tổ chức và tham gia phi sự kiện nói trên lấy gặp gỡ đông vui, chan hòa cởi mở, cụng ly vui vẻ làm đủ và nhận bó hoa tươi thắm từ chính quyền ấy làm đỉnh cao.

Tôi đã phải nghe đi nghe lại câu: “Để tiếp nối chương trình, xin trân trọng giới thiệu ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có bó hoa tươi thắm tặng cho ban tổ chức cuộc gặp mặt. Xin kính mời nhà thơ Hữu Thỉnh, đại diện cho ban tổ chức, lên nhận bó hoa tươi thắm” trong buổi lễ bế mạc để chắc rằng mình không nhầm. Tôi đã tha phương quá lâu, tiếng Việt của tôi đã quá lạc hậu, không biết rằng hoa ở Việt Nam bây giờ thống nhất chỉ còn một loại, tên là hoa tươi thắm. Google cũng xác nhận cả trăm ngàn lần như vậy. Có lẽ chỉ thèm một bó hoa không tươi thắm đã là khước từ dân tộc, quê hương.

Báo Trẻ, 10/11/2017


[i] Đó là các tác giả: Giáp Văn Chung (Hungary), Nguyễn Lam Thủy (Hungary), Nguyễn Huy Hoàng (Nga), Nguyễn Thị Kim Hiền (Nga), Trương Anh Tú (Đức), Nguyễn Văn Thái (Ba Lan), Bích Yến (Áo), Hiệu Constant (Pháp) Cẩm Thơ (Pháp), Nguyễn Phan Quế Mai (Indonesia), Mimmi Diệu Hường Bergström (Thụy Điển), Nguyễn Tiến Lộc (Canada), Võ Công Liêm (Canada), Nguyễn Bá Chung (Mỹ), Thu Tứ (Mỹ).