Tác giả

Chuyên mục

Trang

Nhớ nhà, ra Đồng Xuân

Th2 15, 2018

Phạm Thị Hoài

Khu thương mại mang tên Đồng Xuân của người Việt nằm ở Lichtenberg, một quận không nghèo nhất nhưng khá nghèo, không buồn nhất nhưng khá buồn, tỉ lệ thất nghiệp không cao nhất nhưng khá cao, giá thuê nhà không rẻ nhất nhưng khá rẻ, có lẽ xấu nhất và chắc chắn luôn đỏ nhất so với phần Berlin còn lại. Ở đây có hai con phố lớn, một từng mang tên Hồ Chí Minh, một từng mang tên Lenin trong một quá khứ chưa xa, và bây giờ Đảng Cánh tả vẫn luôn giành đa số phiếu. Ở đây, chấm duy nhất trong bản đồ du lịch của thành phố mỗi năm đón trên mười triệu lượt khách này là Bảo tàng Stasi, trước kia là trụ sở Bộ An ninh Quốc gia khét tiếng. Ở đây, cuộc sống không cơ hàn nhưng cũng không nhiều cơ hội lớn. Hàng quán thưa thớt, phố phường vắng tanh, chỉ có những dãy nhà lắp ghép từng mọc lên qua đêm, kiến trúc xã hội chủ nghĩa “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” đầu những năm bảy mươi nay sơn sửa lại. Nhộn nhịp nhất có lẽ là bến tàu điện, nơi người Đức diện thương hiệu Camp David in chữ lớn và người Việt tóc nhuộm nâu vàng gọi nhau í ới như giữa làng: Lichtenberg có cộng đồng Việt lớn nhất nước Đức. 

Đây không phải là một điểm hẹn tình tứ, ai cũng biết thế. Đồng Xuân ở giữa một bãi trống, xung quanh là những ngôi nhà hoang phế và ống khói hết thời của một xí nghiệp than chì quốc doanh đã ngừng hoạt động sau ngày nước Đức thống nhất, loại khung cảnh ảm đạm và có chút tang thương của một thế giới công nghiệp suy tàn ưa được đưa vào phim tận thế. Dăm dãy nhà lán sơ sài, trần lắp đèn tuýp dài, một hành lang hẹp chạy giữa, không cửa sổ, rèm nhựa PVC màu đùng đục chắn lối ra vào, tiện nghi hạn chế ở mức tối thiểu. Trong tất cả những tạm bợ, linh tinh, tuềnh toàng ấy, hàng trăm cửa hàng bán buôn bán lẻ, ăn uống và dịch vụ của người Việt mở ra quang cảnh nhộn nhịp, những dịp Tết nhất hay cuối tuần thậm chí sầm uất, của một thế giới khác. Một thế giới chỉ có ở Việt Nam, và bạn lập tức quên quận Lichtenberg buồn tẻ, quên ngôi nhà cháy đen sì của xí nghiệp than chì Đức ngay sát nách, quên tất cả những ngày tận thế. Bạn đã ở gọn trong vòng tay quê hương.

Tôi không bảo quê hương là thiên đường của plastic rẻ tiền, sợi tổng hợp rẻ tiền, hóa chất rẻ tiền, linh kiện rẻ tiền, móng tay rẻ tiền, quảng cáo rẻ tiền, nhân công rẻ tiền, dịch vụ rẻ tiền ở Đồng Xuân. Để công bằng, bồn cầu nhà xí vàng ròng ở nơi khác còn rẻ tiền hơn và cộng thêm vô liêm sỉ. Song quê hương là cách sinh tồn của người Việt, như thể đồng bào tôi mãi gắn liền với những đồ lót ba xu, nữ trang bốn xu, váy áo năm xu, giày sáu xu, túi xách bảy xu, đồng hồ tám xu, điện thoại chín xu, dù đang ở một trong những quốc gia giàu có nhất hành tinh. Không gian đậm đặc chất đồng nát và thẩm mỹ hạng bét mà đầy sức sống này là một thành tựu phi thường, đến mức tôi muốn tin rằng toàn bộ những núi hàng siêu thực đó và những người Việt nhỏ bé đang tất bật xung quanh là tác phẩm của một nghệ sĩ sắp đặt, bạn không thể ngờ bây giờ cái gì không là nghệ thuật đương đại. Năm 2007, ông Ngải Vị Vị đem 1001 người Trung Quốc sang Đức, bỏ vào thành phố Kassel, nơi diễn ra triển lãm nghệ thuật đương đại nổi tiếng Documenta; tác phẩm tiền tươi người thật này của ông mang tên Cổ tích. Biết đâu sẽ có người khuân cả Đồng Xuân sang Triển lãm Lưỡng niên Venice làm gian hàng quốc gia của Đại Việt. Rồi một bảo tàng dưới đất sẽ mua cái thiên đường đó với giá trên trời và đồng bào tôi sẽ đổi đời. Thế mới là cổ tích.

Thực ra tôi không cần đi mười cây số để đỡ nhớ me chua khế ngọt và tiết canh lòng lợn. Quanh nơi tôi ở ngập quán xá châu Á. Thực phẩm phương Đông đã tràn vào cả các siêu thị Đức. Bát phở tại gia lại ngon nhất và nhiều khi tôi phải trốn đặc sản dân tộc để cái dạ dày quá nhỏ của mình còn chỗ cho sơn hào hải vị muôn phương. Tôi không cần tìm quê hương ở Lichtenberg, dù nó kết nghĩa với quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vả lại, nhớ nhung và tôi khó thành một cặp. Tôi không cần nó. Nó chẳng ưa tôi. Song thất thường, độc đoán, nó có thể đột nhiên nhảy vào trong tôi ngồi ám, khua dậy một trời kỷ niệm rồi lại tùy tiện bỏ đi, mặc kệ chiến trường ngổn ngang ký ức còn lại. Một hôm ấy ở Đồng Xuân, tôi cầm trên tay một chai dấm gạo và chỉ đọc được dòng in ngày tháng của một năm đã xa. Tôi đi tìm nhân viên để xin một chai khác có hạn sử dụng thân thiện hơn. Chàng trai tóc cạo xanh mai trắng gáy – mốt tóc ở giới trẻ, như thể Kim Jong Un chưa đủ rùng rợn – ngắm dòng ngày tháng mờ ám của quá khứ một lát rồi kết luận, chắc đó là ngày sản xuất, chứ hạn sử dụng thì in ra làm gì, dấm để mấy năm còn tốt chán. Tôi vẫn ngần ngại. Chàng tư vấn: “Vô tư đi cô, không phải lăn tăn đâu, người ta vẫn mua mà”. Và thế là quê hương hiện ra. Một câu nói dẫn thẳng tôi về chốn xưa, nơi người ta sống với tất cả sự hồn nhiên giản đơn và ngẫu hứng vô tội vạ. Vô tâm, vô tư, vô tình. Vô chính phủ trong một thể chế tập quyền bất lực. Chỉ trừ vô vọng. Bất chấp tất cả, người Việt vẫn lạc quan và yêu đời nhất thế giới.

Chai dấm của tôi, chiếc bánh sò madeleine của tôi. Cho nên tôi vẫn đi Đồng Xuân, như hôm nay. Để mua đậu phụ đựng trong một loại túi ni-lông đáng ngờ, lót một mảnh bìa thủ công cắt từ thùng các-tông tận dụng, về đến nhà thì bìa cũng mềm như đậu và đậu cũng nát như bìa. Sáng kiến độc đáo đó chỉ có thể có ở Việt Nam. Nhìn bao bì là biết diện mạo của một xã hội. Biết bao lần tôi muốn chém phăng cổ một chai nước mắm Phú Quốc vì cái nắp nhựa phế phẩm ngu xuẩn của nó, tôi không phải là một bậc thánh để cả ngày chờ nó rỉ từng giọt, ra bát thì ít mà ra tay thì nhiều. Hay muốn đập tan gói bánh tráng vì nó nói thẳng vào mặt tôi rằng: dùng thì dùng, không dùng thì biến, đây chỉ có thế. Mở ra đã khổ, đóng lại thì phải dùng hết di sản trí khôn của cha ông; nắp trên méo đằng trên, nắp dưới méo đằng dưới. Người Việt không cần phải sinh ra để chiều nựng nhau, nhưng có cần phải hành hạ nhau từ cái bao bì trở đi như thế?

Rồi tôi đến quầy thanh toán. Nàng nhân viên đứng tính tiền ở đó có lẽ là một tiên nữ bị giáng xuống trần. Hay một minh tinh bị trục xuất khỏi màn ảnh. Nàng nhón từng món bằng ngón trỏ và ngón cái rồi buông vội như sợ ô uế. Nàng uể oải bấm két. Nàng khinh khỉnh lướt cặp mắt khói qua đầu khách để nhìn về một chốn xa xăm, không quên ngắm thêm một lần nữa bộ váy ren và đôi giày cao tấc rưỡi của mình. Cuối cùng nàng hạ cố cho khách được mở ví. Trong trí nhớ của tôi, ở thời bao cấp, các cán bộ cửa hàng mậu dịch cũng nhìn qua đầu khách như nàng. Họ cũng là người của một cõi trên. Mỗi lần chen chúc xếp hàng, tôi chỉ mong được họ hạ cố. Sợi chỉ đỏ vẫn nối hiện tại ở chốn tha phương với một quê hương đã lùi vào lịch sử.

Ở quán ăn bên cạnh, người ta đang liên hoan. Phụ nữ lóng lánh áo dài và đậm phấn son. Nam giới tóc vuốt keo, cổ đeo vòng vàng. Trẻ con chạy rầm rầm quanh những dãy ghế thắt nơ đỏ. Trong micro, một người bắt nhịp. Tất cả hòa theo, hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Nhớ nhà, bạn có ra Đồng Xuân?      

Báo Trẻ 15/2/2018