Tác giả

Chuyên mục

Trang

Thư gửi một nhà báo trẻ (3)

Th12 22, 2014

Samuel G. Freedman

Lưu Quang dịch và giới thiệu

Xem kì 1, kì 2

LÀM BÁO

Gần hai mươi lăm năm trước, trong một kỳ nghỉ khi đang làm phóng viên tờ Suburban Trib, tôi tình cờ đọc một cuốn tiểu thuyết của tác giả người Argentina Manuel Puig. Cuốn Kiss of the Spider Woman lấy bối cảnh một nhà tù Argentina trong cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” của chế độ độc tài Peron nhằm vào những người chống đối. Tình tiết trong câu chuyện phần lớn là các đoạn đối thoại giữa hai người bạn tù chung phòng giam. Molina, một người đồng tính làm nghề trang trí cửa hàng, bị kết tội “quấy rối người vị thành niên” và Valentin, một kẻ nổi loạn theo chủ nghĩa Marx, bị điều tra vì tấn công hai nhà máy ô tô. Mãi về sau chúng ta mới biết thêm rằng nhà chức trách để hai người này ở chung nhằm dụ dỗ Molina cung cấp thông tin về Valentin để được đối xử nhẹ nhàng hơn và sớm được thả.

Những ngày buồn tẻ, Molina giết thời gian bằng cách kể lại chi tiết các tình tiết trong những bộ phim anh ta yêu thích. Toàn phim tình cảm hoặc kinh dị mà hầu hết là nhạt nhẽo và dù chỉ nghe chơi nhưng Valentin cũng không thể không chê bai. “Tôi không tin vào việc sống cho hiện tại,” anh nói trong một đoạn truyện. “Tôi không thể sống cho hiện tại vì đã hiến đời mình cho cuộc đấu tranh chính trị.” Valentin đã đúng về sự ngây thơ của Molina. Một trong những bộ phim mà anh này kể say mê xoay quanh chuyện tình của một sĩ quan Quốc xã với một nữ ca sĩ người Paris ở nước Pháp bị chiếm đóng. Nhân vật phản diện là một người Do Thái chống đối. Quá say mê với nội dung phim, Molina thậm chí không nhận ra rằng nó ca ngợi chính chủ nghĩa Phát-xít vốn đang kiểm soát Argentina và bỏ tù anh ta. Valentin thì cần thoát ly thực tế hơn mức anh dám thừa nhận. Anh gào thét khi gặp ác mộng về những cuộc tra tấn anh đã chịu, về những cái tên anh đã phải khai vì nhục hình.

Dần dần, Molina và Valentin hiểu được những điểm quan trọng về nhau. Khi tên cai ngục đưa thức ăn có độc cho Valentin nhằm làm anh yếu đi để thẩm vấn, Molina chăm sóc anh, thể hiện tình người không phân biệt lý tưởng. Vài đêm sau, hai người làm tình trong phòng giam. Thay vì phản bội Valentin, Molina đồng ý sau khi được thả ra, anh sẽ thay bạn liên lạc với những người chống đối. Anh bị mật thám bắn chết khi đang hành động vì tình bạn và lý tưởng. Valentin, bị cai ngục tra tấn và đánh đập, tiếp tục chịu đựng và mơ về những bộ phim hạng hai, loại phim mà Molina đã kể đi kể lại trong phòng giam của họ.

Không giống như nhiều tiểu thuyết khác, Kiss of the Spider Woman đã ở bên tôi nhiều năm. Tất nhiên, nó phần nào chứng tỏ rằng tài năng văn chương của Puig có sức sống lâu bền. Nhưng tôi cũng giữ cuốn sách vì những gì nó nói về nghề báo. Puig coi Valentin và Molina như những phần bổ sung cho nhau trong một con người − lạc thú và mục đích, sáng tạo và lý tưởng − tôi cũng coi họ như những phần bù của nhau trong một nhà báo. Valentin biết rằng phải có một câu chuyện đáng được kể còn Molina biết rằng phải kể cho hay. Valentin biết vấn đề là quan trọng còn Molina biết cách kể cũng quan trọng. Molina thiếu Valentin thì chỉ là trò tiêu khiển vô nghĩa, Valentin thiếu Molina thì chỉ là giáo điều.

Tôi sẽ nói một cách dễ hiểu hơn. Valentin tường thuật còn Molina viết[1]. Valentin là phần muốn trở thành nhà cải cách xã hội bên trong mỗi nhà báo, còn Molina là phần muốn trở thành nghệ sĩ. Những phần này liên quan tới nhau, gắn bó chặt chẽ, đan xen vào nhau. Bạn cần phải làm chủ cả hai để vươn lên trong nghề báo. Nhưng bạn phải tiếp cận chúng theo một trình từ nhất định.

Có mặt

Việc làm báo cho chúng ta viết. Và làm báo bắt đầu từ quyết định đưa tin. Woody Allen từng nhận xét, “Tám mươi phần trăm thành công là ở việc có mặt ở hiện trường” còn Nicholas Lemann thì nói, “Đối với tôi, dường như vào bất kỳ thời điểm nào cũng có chín mươi chín phần trăm số nhà báo dõi theo một phần trăm số sự kiện đang diễn ra trên thế giới”. Không phải ngẫu nhiên, những ẩn dụ này chứa đựng một ý nghĩa to lớn. Sẽ không có việc đưa tin nếu không có nghị lực, lòng ham học hỏi, tinh thần độc lập; và ý thức về trách nhiệm xã hội đòi hỏi nhà báo ra khỏi nhà để đến những nơi ồn ào, huyên náo.

Pete Hamill gọi nghề báo là “Nghề của Chúa” bởi vì “không có công việc nào khác luôn luôn nhắc nhở người làm nghề về thói điên rồ cố hữu của con người cũng như khả năng đáng kinh ngạc của nhân loại khi làm việc thiện hay điều xấu bằng tất cả sự ngu xuẩn và yếu đuối vô hạn của họ.” Dù đưa tin họp Quốc hội hay họp hội đồng thành phố, giải bóng chày nhà nghề hay giải thiếu niên, Hollywood hay high-school musical, chúng ta đều hướng tới tìm hiểu những vấn đề cơ bản đó. Môn Hóa dạy chúng ta rằng mọi thực thể trên thế giới − chiếc bàn phím tôi đánh máy, chiếc ghế tôi ngồi, chiếc đèn chiếu sáng bàn làm việc của tôi − cuối cùng có thể được quy về các nguyên tố trong Bảng Tuần hoàn các Nguyên tố Hoá học, sắt, hydro hay natri. Tôi tin rằng chúng ta, với tư cách nhà báo, có thể khám phá được cái gọi là Bảng Tuần hoàn Tính chất Con người. Mỗi cuộc đời, dù nổi tiếng hay vô danh, đều có chung những cảm xúc cơ bản, yêu hay ghét, tham vọng hay lười biếng, vui vẻ hay tuyệt vọng. Chúng ta chỉ cần ‘khoan’ đủ sâu để khám phá những cảm xúc ấy.

Đối với tôi, không có phần nào của nghề báo lại hấp dẫn và khắt khe như vấn đề này. Tôi chắc chắn rằng cũng giống như các bạn, tôi được dạy chỉ tin vào những gì có thể quan sát và định lượng được. Một trong những ẩn dụ tôi thích nhất là “Nếu mẹ bạn nói yêu bạn, hãy kiểm tra lại.” Các nhà báo cảm thấy an toàn nhất với tỷ lệ đập trúng[2], giá cổ phiếu, số người thiệt mạng, kiểm phiếu (nhưng không phải là kiểm phiếu ở Florida năm 2000). Chúng ta cảm thấy thoải mái khi xem giải Rose Bowl hay cuộc diễu hành trong thành phố. Và tôi không ngừng nỗ lực bởi vì muốn mài giũa và sử dụng được hết các giác quan thì cần rèn luyện. Tôi sẽ nói thêm về vấn đề này sớm.

Tuy nhiên, một trong những điều kịch tính nhất lại diễn ra trong đầu bạn. Nó liên quan đến cái mà văn học gọi là “đời sống nội tâm”. Tôi còn nhớ thời điểm tôi nhận ra rằng vương quốc đó là lãnh địa của nhà báo cũng như tiểu thuyết gia hay kịch tác gia. Đó là một buổi sáng Chủ nhật đầu những năm 1980, tôi vừa mới mua số báo Times cuối tuần, một thứ khó tìm ở ngoại ô Chicago lúc ấy. Trên trang đầu mục Nghệ thuật và Thư giãn là bài viết về một vở kịch khi ấy đang rất thành công ở Broadway, vở kịch tưởng nhớ Duke Ellington mang tên Sophisticated Ladies. Vừa yêu sân khấu vừa hâm mộ nhạc jazz, tôi mải mê đọc bài viết. Tôi nhận thấy một điều gì đó bất ngờ, một sự ngạc nhiên. Thay vì bàn về vở kịch, bài viết tập trung vào người chỉ huy dàn nhạc, Mercer, con trai Duke Ellington. Tác giả dường như đã hòa mình vào tâm hồn của chính Mercer Ellington, mô tả mối quan hệ đau khổ giữa ông với cha, người từng là nguồn cảm hứng, là ông chủ vắng mặt, đồng thời là đối thủ cạnh tranh tàn nhẫn.

Tôi chưa bao giờ đọc thứ gì giống như vậy. Tôi ghi lại tên tác giả, Michiko Kakutani. Nếu có thể phải lòng một ai chỉ vì bài viết của người ấy thì tôi đã rơi vào trường hợp đó. Nhiều tháng sau, dù vẫn phụ trách mục giáo dục vùng ngoại ô, trong đầu tôi thường có ảo tưởng là được làm cho Times và kết hôn với Michiko Kakutani. Thế rồi một nửa điều đó đã thành sự thật. Khi tới Times, tôi đã may mắn − không, hơn cả may mắn, số phận đã thay đổi cuộc đời tôi − tôi được Arthur Gelb, người từng là thầy của Michiko, Frank Rich, Maureen Down và nhiều người khác, chú ý. Tôi kể với Arthur chuyện tôi đã ngạc nhiên ra sao khi đọc bài viết về Ellington. “Một phóng viên giỏi,” Arthur bảo tôi, “phải là một nhà tâm lý giỏi.”

Hơn một thập kỷ sau, khi tôi mới đến dạy ở trường Báo chí Columbia, một sinh viên đã đưa cho tôi bài tiểu luận trình bày chi tiết quan niệm của Arthur. Tác giả là Thomas Gavin, một tiểu thuyết gia từng làm báo vài năm và vừa mới ra trường. Anh ấy rõ ràng đã suy nghĩ nhiều xem tác giả thể loại này có thể học gì từ tác giả thể loại khác. “Hiểu biết ít ỏi của tôi về công việc của một nhà báo,” anh viết, “giúp tôi hiểu sâu hơn việc viết tiểu thuyết để thừa nhận rằng sự thật về thực tế mà nhà báo phải coi trọng hơn tất cả có quan hệ gần gũi với sự thật về động cơ mà tiểu thuyết gia trước hết phải trung thành. Có một giao điểm, tôi tin vậy, nơi niềm đam mê của ký giả và tiểu thuyết gia gặp nhau.”

Ở cấp độ thực tiễn nhất, Arthur Gelb và Thomas Gavin ngụ ý rằng phỏng vấn không phải là một chuỗi câu hỏi và trả lời chuẩn bị sẵn mà cũng không phải là một cuộc thẩm vấn. Ít nhất thì nó chỉ nên là một cuộc thẩm vấn khi vấn đề được bàn tới đòi hỏi cách tiếp cận như vậy. Với tôi thì đúng như vậy. Tôi chưa từng là một người thẩm vấn. Tôi luôn luôn xem nhẹ phong cách sắp đặt sẵn của 60 Minutes và cuộc đấu trí cường điệu trong các talk show về chính trị. Đó là những mô hình tệ nhất cho những người như bạn. Arthur và Gavin đã nói với tôi, và giờ tôi nói với bạn, rằng có thể chấp nhận được, thậm chí đáng ao ước, khi cuộc phỏng vấn là một cuộc trò chuyện thay vì nói lung tung, đặt câu hỏi khung[3] bằng trực giác hay tỏ ra thông cảm. Cho đến hôm nay, một trong hai câu tôi hỏi nhiều nhất là, “Và điều đó khiến bạn cảm thấy như thế nào?” (Câu hỏi kia là, “Thế điều gì xảy ra sau đó?” David Halberstam nói rằng câu mà ông thích hỏi là, “Tôi nên nói chuyện với ai nữa?”).

Những người có tài phỏng vấn, theo bản năng, hoạt động độc lập. Bạn không thể quan sát một người phỏng vấn giỏi làm việc giống như một sinh viên y khoa xem một bác sĩ phẫu thuật trong phòng mổ. Thứ gần với một bản hướng dẫn nhất mà tôi có thể giới thiệu với bạn là chương trình phát thanh công “Fresh Air”. Tôi nghĩ người dẫn chương trình, Tony Gross, là một người phỏng vấn kiểu báo in bởi cô không mong tiết lộ những tin gây xôn xao dư luận hay chuyện cãi vã ồn ào, những đoạn trích chỉ để giải trí[4], mà chỉ quan tâm tới cải thiện trải nghiệm và việc phản ánh. Cô bền bỉ một cách nhẹ nhàng. Cô luôn luôn chuẩn bị. Cô không chấp nhận lệ thuộc, không nói mơ hồ. Cô cười khi có câu trả lời làm cô vui và tiết lộ điều gì đó bản về thân mình[5].

Tom Wolfe từng so sánh nhà báo với “người ăn xin cầm chiếc cốc trong tay chờ đợi vài đồng xu.” Theo tôi, điều ông đả kích không phải là công việc của báo giới nói chung mà là xu hướng trông đợi nguồn tin được yêu cầu sẽ tiết lộ thông tin và hoàn toàn thật thà trong những cuộc phỏng vấn thường là duy nhất và tương đối ngắn. Đơn giản là bạn không thể kỳ vọng được tin tưởng đến mức đó chỉ sau một cuộc gặp gỡ giây lát như vậy, bản thân tôi có xu hướng không tin tưởng người nào chuẩn bị sẵn những lời bóng bẩy nhưng rỗng tuếch để đợi mình. Cuộc phỏng vấn sơ bộ của tôi với nhân vật thường mang tính chất như một cuộc khảo sát địa hình, một ca mổ thám sát, và chỉ sau đó, khi đọc lại ghi chép của mình, tôi mới quyết định sẽ tập trung hỏi vấn đề gì. Áp lực đưa tin hàng ngày đúng hạn không thể là lý để bào chữa nếu bạn không theo được sự kiện. Điện thoại di động và thư điện tử giúp các đối tượng sẵn sàng trả lời phỏng vấn hơn bao giờ hết.

Dù vậy, bạn có thể sẽ lệ thuộc quá nhiều vào lời nói. Phần chính của việc làm báo, đặc biệt là khi viết chân dung[6], là quan sát. Khi xem một người làm bất cứ việc gì, các bạn sẽ thấy người ấy thể hiện mình. Tôi không có ý nói tới việc khám phá những bí mật khủng khiếp; tôi chỉ muốn nói đơn giản là tính cách được thể hiện qua hành động.

Phóng sự chân dung Frank Sinatra Has a Cold mà Gay Talese viết cho tạp chí Esquire năm 1966 được xem là một trong những tác phẩm phi hư cấu sáng tạo tinh tế nhất. Tác phẩm đã thành công mặc dù Sinatra thực ra chưa bao giờ cho Gay Talese phỏng vấn như ông từng hứa. Các ký giả hạng xoàng sẽ dừng bài viết ở đó, hoặc họ sẽ lấy cuộc truy tìm Sinatra làm chủ đề bài viết. Talese đã có mặt và vẫn tiếp tục có mặt. Ông đã xem và nghe Sinatra ghi âm ở studio, chè chén ở Las Vegas, trò chuyện với con gái và đóng phim. Chỉ bằng cách phát triển chi tiết, Talese đã tạo ra chân dung đầy đầy đủ sắc thái của một trong những người phức tạp nhất − Sinatra như một người thô lỗ, một nghệ sĩ, một người cha lẩm cẩm,  một vị tộc trưởng.

Không cần phải là ký giả ngôi sao với một chủ đề thời thượng mới tận dụng được sức mạnh của sự quan sát. Richard Marosi của báo Los Angeles Times là sinh viên của tôi ở trường Báo chí Columbia hồi giữa những năm 1990, khi anh vừa chuyển từ nghề chuyên viên thống kê sang làm phóng viên. Đề tài thạc sĩ của Richard, mà cơ bản là một bài viết cho tạp chí hay một chương trong một cuốn sách, tìm hiểu cuộc sống của những người Dominica nhập cư, tới New York làm việc tay chân để kiếm tiền nuôi gia đình ở quê nhà – và rộng hơn là cả nền kinh tế Dominica. Để nêu lên vấn đề lớn qua hình ảnh con người, Richard tập trung vào một người đàn ông tên là Marino Guzman. Sau vài tháng tìm hiểu, Richard cảm thấy ngày càng lo lắng. Guzman kiếm được hai trăm đô la một tuần từ việc bốc xếp hàng ở một tiệm rượu vang, sống trong căn phòng không cửa sổ ở tầng hầm khu Bronx và gửi hầu hết số tiền kiếm được về cho vợ con, những người đã bảy năm anh không được gặp. Thế nhưng những điều Richard hỏi Guzman đều không thể khiến anh nói về cảm xúc của mình. Richard tự hỏi làm sao viết nổi một bài dài bảy hay tám nghìn từ về một người lầm lỳ, hoặc không biết bộc lộ cảm xúc, hoặc cả hai. Tôi khuyên Richard bám sát Guzman để ghi chép thật nhiều và anh làm đúng như vậy. Guzman cho phép tự thưởng mỗi tháng một lần. Anh đến quán ăn, uống một chút bia và nghe ban nhạc chơi bachata, loại nhạc buồn của Dominica. Một buổi tối, khi có Richard ngồi cùng trong quán, Guzman bắt đầu than khóc − anh kiệt sức, anh cô đơn, anh khát khao tình cảm. Hình ảnh ấy giải thích đời sống nội tâm của Guzman, và sự hy sinh của anh, rõ hơn bất cứ lời nào.

Khi viết bài, hãy viết bằng tất cả các giác quan của mình. Dick Blood, cựu đồng nghiệp ở trường Báo chí Columbia mà tôi đã nhắc đến, từng cử sinh viên của mình đến kiểm tra các quầy phát thức ăn miễn phí khắp thành phố. Khi sinh viên nộp bài, Blood luôn khiển trách họ vì một lý do duy nhất. Các sinh viên viết mọi thứ về đói nghèo, việc từ thiện, quần áo lôi thôi bẩn thỉu, tóc tai bù xù, lũ trẻ than khóc, nhưng không viết về thức ăn. “Các bạn phải ăn chứ!” Blood sẽ quát lên như vậy. (Thực hiện lời khuyên này theo đúng nghĩa đen, một học trò của Blood, Craig Laban, đã thành nhà phê bình ẩm thực có tiếng của tờ Philadelphia Inquirer.) Khi viết cuốn sách đầu tiên có nhan đề Upon This Rock, tôi cần nghiên cứu lịch sử vùng Đông New York, xung quanh Brooklyn, vốn đã nhanh chóng chuyển từ khu Do Thái sang thành khu da đen. Tôi đi dạo phố với một người Do Thái trung niên đã lớn lên ở đây, và vì một vài lý do, tôi hỏi ông “[Ngày xưa] chỗ này có mùi thế nào?”. Ông suy nghĩ một lát rồi bắt đầu hồi tưởng về mùi thịt bò xông khói thoảng qua cửa sổ tòa nhà tập thể.

Điều nghịch lý là không ai thể hiện lý tưởng về việc làm báo bằng mọi giác quan giỏi hơn một nhà báo hầu như không bao giờ rời khỏi văn phòng. Robert McFadden, rewriteman[7] huyền thoại của mục đô thị tại The New York Times đặt câu hỏi cho legman[8] tại hiện trường, người sẽ cung cấp dữ liệu thô cho anh. Người ta nói người mù có thính giác phi thường để bù đắp hay ngược lại; còn McFadden, ngồi đó bên máy tính và cặp tai nghe, dường như đã nâng cao khả năng miêu tả của mình bằng cách lựa chọn tự cô lập với thế giới bên ngoài. Câu hỏi mà McFadden đặt ra cho legman của anh không chỉ hướng tới thông tin tư liệu mà còn cả không khí tại hiện trường, quang cảnh và cảm xúc. Anh hiếm khi dùng tới các màn hình TV trong tòa soạn Times dù các đài địa phương thường đưa tin về cùng vấn đề anh theo dõi. “Cái chúng ta làm,” có lần anh nói với tôi, “sâu sắc hơn rất nhiều so với những hình ảnh trên TV. Cậu có thể thấy hình ảnh một đống gạch vụn nhưng một đống gạch vụn thì trông như thế nào? Tất cả những cái đó ở trong chi tiết và từ ngữ. Theo một cách kỳ lạ nào đó mà so với hình ảnh thì từ ngữ gần hiện thực hơn”. Nói một cách khác, bức tranh đáng giá với McFadden là bức tranh anh ghép lại trong đầu từ vô số câu hỏi mà anh đặt ra. Gần như mỗi ngày, anh chuyển cái đáng lẽ là một bản tin thuần túy thành một bức tranh.

Hãy nhìn − và nhìn ở đây là một từ chỉ hành động viết ra một cách rõ ràng như sau – vào những đoạn trích dẫn từ hai bài báo viết về chủ đề rất khác nhau dưới đây (chúng là một phần trong chùm bài đem về cho McFadden giải Pulitzer năm 1996 cho thể loại Tin tức).

Cảnh sát vũ trang nặng và nhân viên của Hội Chống Ngược đãi Động vật Hoa Kỳ đã ập vào một rạp chiếu phim cũ ở Bronx đêm khuya hôm thứ Bảy, bắt giữ 296 người cùng rất nhiều gà chọi bị nhốt trong các chuồng và chấm dứt cái được quảng cáo là giải vô địch chọi gà quốc gia…

Vụ bố ráp hé mở một thế giới bí mật, nơi gà được lai giống cho hiếu chiến hơn, bị thêm kích thích tố, gắn cựa sắc như dao cạo, bị tiêm thuốc PCP – còn gọi là bụi thiên thần – để giảm đau và ném vào sới chọi để chiến đấu đến chết trong khi đám khán giả gào thét vì khát máu đặt cược cho những con gà mà họ thích…

Cuộc đột kích vào số 1000 Đại lộ Morris, gần phía Đông Phố 165 ở Morrisania, cũng là cơ hội hiếm hoi để tìm hiểu địa điểm chọi gà: một nhà hát đã được sửa chữa, rộng gần bằng một sân bóng, nơi người ta xây các sới đấu có khán đài vây quanh giữa một mê cung tường giả, được thế kế để có thể ghép với nhau trong trường hợp bị tấn công, để ngụy trang như thể đây là nơi đang tổ chức đấu Quyền Anh. Thậm chí có cả một võ đài Quyền Anh giả…

Mưa hắt chéo xuống từ bầu trời tối sầm, tới tấp như những mũi lao bạc. Mưa quất vào những khung cửa sổ bụi bặm, kêu vang trên những phiến lá úa và tô thẫm mặt đất đã khô trắng như xương. Mưa nhỏ giọt từ mái nhà, dồn thành những dòng nhỏ mượt mà chảy vào các khu vườn khô cằn rồi ra những con phố óng ánh. Khung cảnh xám xịt gió bụi tươi mới trở lại với cảm giác cuộc sống hồi sinh.

Sau hàng tháng hạn hán nặng nề ở New York, New Jersey và Connecticut, hôm qua, trời đổ mưa mát lạnh suốt mười hai giờ đồng hồ − lượng mưa phần lớn các nơi là từ một đến hai inch − mang đến nguồn sống cho cây cối đang khô héo, một tia hy vọng cho nguồn nước dự trữ đã cạn và xoa dịu chuỗi ngày nắng gắt ảm đạm.

Giống như mùa thu đang đến, mưa khó mà là tin lớn. Nhưng từ ngày 1 tháng Tám tới nay, mưa trong vùng chưa được một phần tư inch, và cơn mưa dài ngày hôm qua, dù không gây ngập, đã làm khung cảnh dịu bớt, cây cối lấp lánh như ngọc bích, đem đến tâm trạng vui vẻ cho những người ở nhà vì mưa và khiến những ai phải ra ngoài thấy muốn hát.

Bức ảnh sống động nhất thì cũng chỉ là bức ảnh. Đưa tin thì cần bối cảnh, cần hiểu sự kiện nhất thời nằm ở đâu trong dòng chảy chính trị, văn hóa hay lịch sử. Tác giả Russell Banks đã viết một cuốn tiểu thuyết tuyệt hay vào những năm 1980, đan xen những câu chuyện về hai nhân vật dường như không hề liên quan tới nhau nhưng cùng đến Florida. Một người phụ nữ Haiti chạy trốn chế độ độc tài Duvalier trong làn sóng thuyền nhân. Người kia là thợ hàn chì ở một thành phố công nghiệp suy thoái thuộc vùng New England ra đi tìm một khởi đầu mới. Banks đã cố ý đề cập đến lý thuyết kiến tạo lục địa bằng cách đặt tên tác phẩm là Continental Drift. Tôi cho rằng quan điểm của ông là mỗi cá nhân thường tin rằng hành động của họ chỉ là hành động của cá nhân nhưng trên thực tế, quyết định và số phận của họ cũng phản ánh những sức mạnh to lớn mà họ không nhận thức rõ. Luận điểm của Banks là một bài học lớn, một lời nhắc nhở, dành cho các nhà báo.

Tôi thích miêu tả sự ảnh hưởng lẫn nhau đó như thế này: Hãy tưởng tượng có hai bức tranh chân dung cùng một người, được đóng khung như nhau. Ở một bức, hình ảnh lấp kín gần hết khung còn ở bức kia, hình ảnh chỉ chiếm một phần nhỏ khoảng trống trong khung. Hình ảnh này tượng trưng cho hai cách đưa tin. Hình ảnh lớn đại diện cho mọi thứ các bạn có thể học hỏi và khám phá từ, và về, chủ đề chính trong bài viết hay chương trình. Nó đại diện cho cuộc phỏng vấn đầy đủ nhất và sự quan sát toàn diện nhất có thể có. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Hình ảnh nhỏ nhắc bạn rằng tất cả các nghiên cứu kia (cuộc phỏng vấn, việc quan sát toàn diện) đều đòi hỏi đặt kinh nghiệm của một cá nhân vào bối cảnh để liên hệ cái vi mô với cái vĩ mô. Chỉ khi nào bạn viết được từ tranh ra đến khung và từ khung vào đến tranh thì bạn mới sẵn sàng để tổng hợp hai bức tranh thành một, theo cách mà thị giác giúp não bộ hình thành một bức tranh duy nhất từ những hình ảnh riêng biệt trên hai võng mạc.

Nếu diễn đạt như vậy hơi khó hiểu thì để tôi nói nôm na hơn. Cuốn The Inheritance của tôi mô tả quá trình tái tổ chức tư tưởng trong giới chính trị Mỹ thế kỷ hai mươi − từ khi bắt đầu chương trình New Deal đến thời của các đảng viên Cộng hòa ủng hộ Reagan − thông qua những trải nghiệm của ba gia đình lao động. Sách có đoạn miêu tả khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời cậu thanh niên Tim Carey. Sinh ra trong một gia đình trung thành với Đảng Dân chủ, Tim nhập ngũ thời chiến tranh Việt Nam rồi vào lực lượng cảnh vệ canh gác Ngũ Giác đài trong một cuộc biểu tình phản chiến lớn hồi tháng Mười năm 1967. Những sự kiện ngày đó – khi đoàn biểu tình xuyên thủng hàng rào cảnh vệ, khiến chính Tim cũng gần như bị giẫm bẹp – đã thay đổi quan điểm chính trị của anh.

Tôi đã dành tám hay mười tiếng đồng hồ gì đó để phỏng vấn Tim về những gì anh đã trải qua. Tôi chẳng có lý do gì để nghi ngờ lời anh vì anh đã chứng tỏ mình là một người ngay thẳng và là nguồn tin tốt trong nhiều vấn đề khác. Nhưng dù sao Tim cũng chỉ là chuyên gia về chính Tim. Để hiểu sâu hơn về sự kiện và ý nghĩa của nó, để vẽ từ khung vào đến tranh, tôi đã thực hiện hai cuộc điều tra riêng biệt nhưng song song với nhau. Tôi tìm và phỏng vấn ba đồng đội trong đơn vị của Tim để xem ký ức của họ có gì khác với Tim. Tôi đọc báo cáo chính thức của Bộ Quốc phòng về vụ biểu tình ở Ngũ Giác đài cũng như các phóng sự trên báo New York Times Washington Post. Tôi xem ảnh đăng trên các báo này và phim tư liệu từ phòng lưu trữ của NBC. Tôi đọc cuốn The Armies of the Night của Norman Mailer, một hồi ký về cuộc biểu tình ở Ngũ Giác đài từ góc nhìn của một quân nhân phản chiến, và cuốn Working-Class War của Christian Appy, một nghiên cứu uyên bác lý giải vì sao hầu hết người nhập ngũ lại nghèo và thuộc tầng lớp lao động như Tim Carey. Chỉ sau khi nghiên cứu xong tôi mới sẵn sàng mô tả cảnh cuộc biểu tình dù nó chỉ chiếm 4.000 từ trong cuốn sách 175.000 từ.

Khi dạy học, tôi không bao giờ bắt sinh viên đọc sách của mình và cũng hiếm khi giới thiệu bài của mình. Tôi nghĩ mình vẫn đang phản đối các vị giáo sư từng bắt tôi trả hai mươi hay ba mươi đôla mua sách của họ. Nhưng tôi thường cho sinh viên đọc đoạn viết về Tim Carey và cuộc biểu tình ở Ngũ Giác đài. Với tôi, đó là một công cụ dạy học và cũng là một cách giới thiệu bản thân. Hơn hầu hết những gì tôi từng viết, tôi biết tôi có thể làm nên danh tiếng với bốn nghìn từ ấy, bởi tôi biết tôi đã hoàn thành việc làm báo. Tôi biết tôi đã có mặt.

Giầy rách

Một lần, tôi được phép tham dự buổi họp của các vị chức sắc nhà thờ khi họ đang điều tra việc người trợ giáo sàm sỡ một cô bé mười tuổi sau khi cô bé này trốn ra khỏi buổi lễ ngày Chủ nhật. Khi cuộc họp bắt đầu, vị cha sứ chủ trì nói, “Tôi sẽ kiểm tra đầu gối của quý vị trước khi chúng ta đưa ra quyết định. Ai mà đầu gối không bụi bẩn thì không được phát biểu”. Về sau tôi mới nhận ra ý ông là sự việc vô cùng nghiêm trọng và ông chỉ tin những ai đã cầu xin Chúa dẫn đường. Trong lĩnh vực của chúng ta, nghề báo, tôi chỉ tin những người đi giày rách. Xi bong tróc, gót dính đất, bùn và bụi bẩn trên da giầy, tất cả những điều này chứng nhận cho việc làm báo. Đôi giầy rách chính là bằng chứng của công việc.

Có cả một đội quân chuyên gia quảng cáo, tư vấn truyền thông, vận động chính trị, SID[9], đại diện cá nhân, và những kẻ nịnh hót khác sẵn sàng làm mọi việc chỉ với một mục đích duy nhất là giữ cho đôi giầy của bạn không bám dù chỉ một hạt bụi. Và còn có sự cả nể không chấp nhận được trong các tòa soạn và giữa các phóng viên đưa tin về cùng một sự kiện với nhau, một quá trình củng cố thông tin có sẵn và việc nhìn các sự kiện theo lối thông thường. Khi phe bảo thủ công kích tư tưởng cấp tiến trên truyền thông, họ định hình phần nào (và chính xác) một nền văn hóa truyền thông của những quan niệm được thừa nhận rộng rãi – có thể kể tới quyền phá thai, quyền sở hữu súng, hay vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội.

Trong suốt sự nghiệp, tôi đã thấy cách những thế lực này này, từ bên trong và bên ngoài, khiến cho cả cơ thể lẫn đầu óc các phóng viên trở nên lười biếng. Xin nhắc lại công việc toàn thời gian đầu tiên của tôi ở tờ Courier-News, nơi tôi làm ca tối Chủ nhật. Chỉ có hai hay ba phóng viên khác cùng trực ca này và vì quá ít người nên biên tập viên miễn cưỡng cho chúng tôi ra về, dù có thể có tin quan trọng. Tuy nhiên, anh ấy cũng kỳ vọng chúng tôi lấp đầy mục tin tức của số báo ra ngày thứ Hai. Vị thị trưởng khôn ngoan ở một thị trấn tôi phụ trách[10], có thể ghé qua tòa soạn vào một tối Chủ nhật như thế với thông cáo báo chí ca ngợi những thành tích mới nhất − mà điển hình là việc gây quỹ cho đội cứu thương tình nguyện – và tự đề cử làm chủ đề phỏng vấn. Việc mời mọc này thực ra không khác mấy so với những gì tôi sẽ trải nghiệm mấy năm sau đó khi phụ trách mục sân khấu ở tờ Times, hàng tá nhân viên truyền thông đua nhau khen ngợi bất kỳ thứ gì tôi viết để lấy lòng tôi và hy vọng tôi sẽ viết bài về khách hàng của họ. Gần đây nhất, khi phụ trách trang giáo dục, tôi nhận được hàng trăm e-mail mỗi tháng từ các chuyên gia quan hệ công chúng đến nỗi trở nên cực kỳ thành thạo thao tác XÓA.

Những người được trả tiền để ném quà vào bạn, hoặc những người vụ lợi như ông thị trưởng, chỉ là mối nguy nhỏ vì hành động của họ quá rõ ràng. Như tôi đã nói trước đây, bạn sẽ thấy khó chống lại sự nhất trí lan tràn khắp báo giới. Bạn có thể thấy điều này đặc biệt chính xác trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2004 khi mà tin tức gần như đồng loạt chuyển hướng. Howard Dean khó mà thành công… Howard Dean, với chương trình gây quỹ qua internet, không phải là tương lai… Không, Howard Dean điên rồ và nực cười không thể được bầu, mà có lẽ cũng không bền vững. Báo chí quay ngoắt ngay sau khi cuộc họp đầu tiên của mùa bầu cử sơ bộ kết thúc, tức là rất lâu trước khi người ta chọn được ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống, còn báo chí thì cứ cao giọng dự báo theo ý mình. Tôi phê phán hiện tượng này không phải với tư cách người có lòng mến mộ đặc biệt dành cho ông Dean mà với tư cách một nhà báo đã tìm kiếm, và thường không thành công, vài nhà báo có quan điểm không chính thống, dựa vào đôi giầy rách hơn là nơi cầu nguyện.

Hiện nay, trong thời đại kỹ thuật số, công nghệ đã tự chứng minh nó là con dao hai lưỡi. Tôi hiểu rằng cơ sở dữ liệu và công cụ tìm kiếm là hữu ích và bản thân tôi sử dụng chúng thường xuyên; vài bài điều tra hay nhất cũng đã dựa trên việc phân tích dữ liệu phức tạp bằng máy tính. Vì vậy, tôi không ở đây để làm một Luddite trong phiên bản báo chí của phong trào chống máy móc. Nhưng các bạn phải hiểu rằng công nghệ là công cụ chứ không phải giá trị, và còn là một con dao hai lưỡi nữa. Nếu bị dùng bừa bãi thì công nghệ chỉ là một cạm bẫy khác, một cái cớ để lười biếng. Lịch sử có trước Nexis, còn việc nghiên cứu thì vượt khỏi Google. Làm báo trên mạng dễ đến mức nó trở nên cám dỗ và nguy hiểm. Trong cả thế giới blog và lĩnh vực phê bình truyền thông đang mở rộng hơn bao giờ hết, tôi thấy một kiểu làm báo bỏ qua việc tiếp xúc và quan sát trực tiếp, hai điều sẽ phức tạp hóa hoặc làm cho các định kiến của một người xung đột với nhau. Tệ hơn, khi tiến hành nghiên cứu trong không gian ảo, các bạn sẽ bước vào một nền văn hóa căm ghét định nghĩa cơ bản về quyền giám sát của biên tập viên. Đặc tính của các trang web nguồn mở, như bách khoa toàn thư Wikipedia, là mọi người đều có thể đóng góp, bất kể trình độ chuyên môn cao hay thấp.

“Thông tin muốn được miễn phí,” đó là một khẩu hiện trên Internet, nhưng nó không đồng nghĩa với thông tin muốn được chính xác. Vài năm trước, một sinh viên của tôi làm bài tập, tìm kiếm cả trong Nexis và trên Web tư liệu về vụ cháy công ty Triangle Shirtwaits. Hỏa hoạn tại một xí nghiệp ở vùng Lower East Side vào năm 1911 là một sự kiện lịch sử với những thông tin đã được thừa nhận. Thế nhưng các trang web khác nhau và các bài trong Nexis lại đưa ngày tháng, tên công ty và số người chết không giống nhau. Càng nhiều phóng viên lấy tin trên mạng thì sai sót càng phổ biến từ bài này sáng bài khác, và cái sai hòa lẫn dần vào sự thật hiển nhiên.

Nguy cơ này không hoàn toàn mới; nó song hành với mọi bước tiến của công nghệ truyền thông. Báo chí có thể giới thiệu Nguồn gốc các loài The Protocols of the Elders of Zion hiệu quả như nhau. Internet phổ biến những thông tin sai lệch dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết, và khó phân biệt được. Một đồng nghiệp của tôi ở Đại học Columbia, Sreenath Sreenivasan, chủ trì các lớp tập huấn mà anh gọi là “lướt mạng thông minh”. Để lấy ví dụ về tìm kiếm không thông minh, anh google “Martin Luther King”; một trong những trang web hiện lên ở trên cùng danh sách kết quả là do những kẻ cuồng tín dựng nên để nói xấu Martin Luther King. Nhưng trông nó lại đứng đắn đến mức một phóng viên trẻ có thể sẽ không phân biệt được.

Thông tin đáng tin cậy nhất là thông tin thô sơ nhất. Tôi muốn nói đến những điều bạn nhìn tận mắt, nghe tận tai, thu nhận bằng mọi giác quan. Xa hơn, tôi muốn nói thông tin thô sơ theo nghĩa bóng. Dù có phụ trách một chuyên mục hay không thì các bạn cũng phải tiếp cận thế giới theo cách riêng, không giả dối, không vòng vo, và, có lẽ là quan trọng nhất, không bị đồng nghiệp và đối thủ làm ảnh hưởng. Nền báo chí tốt xuất phát từ những cá nhân thô ráp, không cam chịu những tư tưởng cố hữu và ý kiến của số đông; đó là những con người đơn độc, kiên trì với những điều thu hút hay làm tổn thương họ, và theo đuổi đến cùng.

Những phóng viên giỏi nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam ra chiến trường để so sánh những phát biểu lạc quan trên báo với thực tế cuộc chiến. David Halberstam và Heil Sheehan phát hiện tình trạng sa lầy của quân đội Mỹ từ vài năm trước khi chiến tranh leo tháng đến đỉnh điểm; lúc phong trào phản chiến lên cao, lính Mỹ bị xỉ vả đều đặn, nhưng Michael Herr đã nhận ra nỗi khổ của binh sĩ ở cứ điểm Khe Sanh. Có lẽ bài viết nổi tiếng nhất về vụ ám sát John F. Kennedy lại chẳng liên quan gì tới những sự kiện công cộng, vốn được đưa tin rất nhiều và dài dòng – như một minh chứng cho quan điểm của Nicholas Lemann về việc chín mươi chín phần trăm nhà báo theo dõi một phần trăm tin tức − Jimmy Breslin của báo New York Herald Tribune đã nghe theo trí tò mò và bản năng của mình để đi theo một hướng khác. Điều anh viết đã trường tồn:

Clifton Pollard hầu như chắc chắn anh sẽ làm việc ngày Chủ nhật nên khi thức dậy lúc 9 giờ sáng, trong căn hộ ba phòng ở Phố Corcoran, anh mặc bộ đồ kaki trước khi vào bếp ăn sáng. Vợ anh, Hettie, đã làm món thịt lợn xông khói và trứng. Cú điện thoại mà Pollard chờ đợi đến khi anh đang ăn.

Đầu dây bên kia là Mazo Kawalchik, người giám sát đội đào huyệt ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington, nơi Pollard làm việc kiếm sống. “Polly, anh có thể đến đây trước mười một giờ sáng nay được không?” Kawalchik hỏi. “Tôi chắc anh đã biết để làm gì rồi.”

Pollard biết. Anh dập máy, ăn nốt, rời khỏi nhà và dành cả ngày Chủ nhật để đào huyệt cho John Fitzgerald Kennedy.

Đầu những năm 1990, các phương tiện truyền thông quốc tế dành thời lượng rất lớn cho cuộc nội chiến Nam Tư, đặc biệt là về những cuộc tấn công của người Serb nhằm vào người Hồi giáo ở Bosnia. Có lẽ vì xung đột nổ ra ở Châu Âu, vì các phe tham chiến là người da trắng, vì nạn nhân là người Hồi giáo, nên vấn đề gần như trở thành mốt ở phương Tây. Và dĩ nhiễn là các bài viết của những nhà báo như Chuck Sudetic và David Rohde về sự tàn bạo của người Serb đã góp phần khiến Mỹ phải can thiệp, về cả quân sự và ngoại giao, để cuối cùng chấm dứt cuộc đổ máu. Thế nhưng chỉ trong ba tháng của năm 1994, khoảng tám trăm nghìn người Tutsi và Hutu ôn hòa đã bị loạn quân Hutu tàn sát ở Rwanda, và sự chênh lệch trong mức độ quan tâm của báo chí so với cuộc chiến Bosnia là đáng kể. Từ năm 1991 đến năm 1994, theo dữ liệu của Nexis, từ “Bosnia” và “thanh trừng sắc tộc” đã xuất hiện 12.158 lần trong các bản tin. (Đấy, tôi đã nói là tôi có dùng công nghệ mà.) “Bosnia” và “tội diệt chủng” xuất hiện 5.472 lần. Nhưng với “Rwanda” thì  “tội diệt chủng” chỉ được nhắc đến 2.326 lần và “thanh trừng sắc tộc” chỉ được nói đến 347 lần − mặc dù trên thực tế, số người da đen Châu Phi thiệt mạng nhiều gấp bốn lần số nạn nhân người Bosnia da trắng.

Có một sự trùng hợp tàn nhẫn, khi Philip Gourevitch, ký giả của The New Yorker, đang xếp hàng đợi vào thăm bảo tàng Holocaust ở Washington thì nhìn thấy một bức ảnh chụp thi hài của người Rwanda bị tàn sát rơi xuống một thác nước. Báo chí Mỹ có đưa tin nạn diệt chủng nhưng bằng một giọng điệu thường dùng khi kể về mối hận thù cổ xưa giữa các bộ tộc để ám chỉ rằng chẳng thể làm được gì với những kẻ man di đó. Đối với Gourevitch, những điều ấy thật vô lý.

“Những người không ai biết mặt, biết tên đã phải chịu đựng tai hoạ tưởng chừng không diễn tả bằng lời,” anh nói vậy với tờ Irish Times sau đó. “Vụ thảm sát được mô tả là hỗn loạn và vô chính phủ, nhưng chúng ta cũng được thông báo rằng 800.000 người bị thảm sát trong vòng 100 ngày. Đối với tôi, đó không phải vô chính phủ hay hỗn loạn. Cuộc tàn sát lớn như vậy phải do một tổ chức lớn thực hiện.”

Cuối cùng, Gourevitch đã đến Rwanda viết bài sáu lần, mang về một số bài viết cảm động đăng trên tờ The New Yorker và sau đó là cuốn sách We Wish to Inform You That Tomorrow We Will Be Killed with Our Families. Với giọng văn chặt chẽ và chi tiết vững vàng, Gourevitch đã chứng minh rằng nạn diệt chủng không phải là đỉnh điểm của một sự hỗn loạn hay hằn thù xa xưa mà là một chiến dịch được sắp xếp trước, do một nền chuyên chế đang có nguy cơ mất quyền lực thực hiện. Cuốn sách là lời buộc tội[11] cả các nước phương Tây đã bàng quan đứng ngoài và báo giới đang mải bận bịu đâu đó.

Bethany McLean lại thể hiện sự độc lập khỏi tư duy đám đông theo một kiểu khác. Cô là một trong nhiều, nếu không muốn nói là hàng trăm, nhà báo đã viết về công ty kinh doanh năng lượng Enron vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Hầu như mọi nhà báo đều kể cùng một chuyện: một công ty sáng tạo với các lãnh đạo có tầm nhìn và giá cổ phiếu tăng vọt. Enron đã khéo léo hối lộ nhiều biên tập viên và bình luận viên có uy tín bằng cách mời họ làm cố vấn, trả 100.000 đôla cho William Kristol của Weekly Standard và 50.000 đôla cho Paul Krugman của Slate (người về sau trở thành bình luận viên độc lập[12] của The New York Times). Business Week đưa các giám đốc điều hành của Enron, Kenneth Lay và Jeffrey Skilling, vào danh sách chủ doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ. Worth, Forbes, Red Herring Business 2.0 đều tham gia điệp khúc ca ngợi. Tạp chí Fortune, nơi Becthany McLean làm việc, cũng vậy.

Bất chấp những lời cường điệu về Enron, McLean đã thực hiện nhiệm vụ cơ bản của một phóng viên kinh tế. Cô đọc kỹ các báo cáo tài chính của Enron. Mặc dù mới ba mươi mốt tuổi và làm báo chưa lâu nhưng McLean học khoa toán ở đại học và từng làm chuyên gia phân tích cho một ngân hàng đầu tư. Cô đủ am hiểu các số liệu kinh tế để có thể tự giải thích được chúng, và cô tìm thấy trong các báo cáo của Enron nhiều dấu hiệu bất ổn tài chính: tỷ lệ nợ trên vốn tăng, việc phát hành gần bốn tỷ đô la chứng khoán nợ, vòng quay tiền mặt chậm, lợi nhuận trong lĩnh vực kinh doanh chính suy giảm đáng kể. Ngay khi McLean bắt đầu chất vấn các lãnh đạo Enron, họ liền bay tới New York, bề ngoài là để trả lời kỹ các câu hỏi này nhưng thật ra là để gây áp lực với ban biên tập nhằm ém nhẹm mọi chuyện. Dù vậy, bài vẫn được đăng trên số tạp chí tháng Ba năm 2001 với tựa đề “Enron có được định giá quá cao không?” Một đoạn tiêu biểu trong bài như sau:

Bất chấp việc mọi sự chú ý đều được phung phí vào Enron, công ty này vẫn là bí mật với người ngoài, ngay cả một số người ủng hộ cũng phải nhanh chóng thừa nhận như vậy. Hãy bắt đầu với một câu hỏi thẳng thắn: Enron thực chất đã kiếm tiền thế nào? Khó mà biết cụ thể bởi Enron giữ rất nhiều bí mật mà họ giải thích là vì “lý do cạnh tranh”. Và những số liệu mà Enron công bố thường cực kỳ phức tạp. Thậm chí những chuyên gia phân tích đã được kiểm chứng ở Phố Wall, những người nghiên cứu công ty này vì kế sinh nhai, cũng nghĩ vậy. “Nếu chị hiểu được, hãy cho tôi biết,” chuyên gia phân tích tín dụng Todd Shipman ở S&P cười. “Chị có thể đợi một năm không?” Ralph Pellecchia, chuyên tích tín dụng của Fitch đáp khi được hỏi câu tương tự.

Đối với những người hay hoài nghi, sự thiếu minh bạch làm tăng rủi ro với cổ phiếu đắt giá của Enron. Chính những người sở hữu cổ phiếu của công ty này cũng không phải đều lạc quan. “Tôi hơi lo về nó,” một nhà quản lý danh mục đầu tư thừa nhận. Và việc không thể có được sự thật đằng sau số liệu cộng với kỳ vọng ngày càng lớn vào công ty Enron làm tăng khả năng có một bất ngờ gây chấn động. “Enron là việc đầu tư mạo hiểm,” Chris Wolfe, chuyên gia nghiên cứu chiến lược thị trường vốn cổ phần của ngân hàng tư nhân J.P.Morgan nhận xét, dù anh ngưỡng mộ Enron. “Nếu công ty không đem lại thu nhập, cổ phiếu có thể mất giá.”

Chưa đầy bảy tháng sau, cổ phiếu của Enrol còn hơn cả mất giá. Nó rơi từ đỉnh 90 đôla mỗi cổ phiếu xuống chưa đến bốn mươi xu, còn công ty thì phá sản. Nhân viên và những người nghỉ hưu mất sạch lương hưu và tiền tiết kiệm. Hoá ra Enron đã thổi phồng lợi nhuận trong suốt nhiều năm. Họ thao túng thị trường điện ở California, đe dọa sẽ cắt điện toàn bang, để tăng giá theo ý mình. Lay và Skilling ra toà vì cáo buộc thông đồng và gian lận. Trước McLean, gần như không có phóng viên nào đưa ra dấu hiệu dù là nhỏ nhất về rắc rối của Enron. Vài tháng sau bài báo chấn động của cô, hầu như vẫn không có đối thủ cạnh tranh nào theo đuổi vụ việc. Tác phẩm của cô vừa truyền cảm hứng vừa trách tội báo chí. Nó cho thấy trách nhiệm của báo chí cũng rõ ràng như trách nhiệm của Enron.

Trở buồm

Tôi lớn lên giữa những nhà máy hoá chất, lọc dầu và bãi chôn rác của New Jersey nên chưa từng được biết thế nào là lái thuyền buồm. Cha tôi có một chiếc thuyền máy nhỏ nhưng những chuyến đi chơi cuối tuần ở Vịnh Raritan chỉ đưa chúng tôi đến những bãi biển bừa bộn vỏ chai Clorox rỗng và vỏ sò hình móng ngựa. Chúng tôi không dám ăn bất kỳ con cá nào chị tôi bắt được. Vì vậy, mãi khi ngoài hai mươi, trong một chuyến đi Ai Cập, tôi mới được trực tiếp biết trở buồm là thế nào. Tôi mất năm ngày đi dọc sông Nile trên một chiếc thuyền felucca truyền thống của người Ai Cập, và dù chiếc thuyền luôn hướng về phía Bắc nhưng nó không thể tiến thẳng. Nó nghiêng về phía Đông rồi lại đảo sang phía Tây, sau đó lại đổi hướng nữa, cánh buồm duy nhất được dựng trên cột buồm để đón gió.

Khi là một phóng viên, bạn cũng sẽ trở buồm, giữa sự thật và công lý, và cố gắng giữ mình luôn luôn đi về phía Bắc. Cuộc sống của chúng ta hẳn sẽ dễ dàng hơn, dù kém thú vị đi nhiều, nếu sự thật và công lý lúc nào ở cùng một phía, nếu như những hoạt động của nhân loại chỉ là một hoạt cảnh thiện chống ác. Như nạn diệt chủng ở Rwanda và vụ lừa đảo Enron cho thấy, có những lúc thế giới chia rẽ và đối nghịch như vậy, những thời điểm đó có thể tháo bỏ gánh nặng khỏi lương tâm của nhà báo.

Cái bạn phải cưỡng lại là giả định, thậm chí là kỳ vọng, rằng mọi chuyện đều rõ ràng trắng đen. Nếu từng học đại học, hẳn bạn đã được nhồi nhét những học thuyết thời thượng của thời đại chúng ta – giải cấu luận, chủ nghĩa hậu thực dân, Đông Phương học, nghiên cứu về người da trắng, và nhiều nữa. Theo nhiều cách khác nhau, các lý thuyết này nói với bạn rằng, thật ra, nhân loại chỉ gồm hai nhóm: kẻ bóc lột và người bị bóc lột. Quốc gia, thậm chí thế giới, có thể được chia thành người da trắng và “người da màu”. Mọi đức tính đều thuộc về người yếu; về khía cạnh đạo đức, yếu đuối lại là điểm mạnh. Và mọi “người da màu” đều được xem là có cùng trải nghiệm, giá trị, nhu cầu, ước vọng như nhau; họ chỉ khác nhau về quốc tịch, dân tộc, giai cấp và màu da.

Những quan điểm này không hẳn không có giá trị, đặc biệt là với một người trẻ tuổi đang trưởng thành. Bất cứ ai có lương tri đều muốn đứng về phía những người bị áp bức. Cảm giác có tội là dấu hiệu lương tâm trỗi dậy. Lòng trắc ẩn với mọi người là điểm khởi đầu. Những đặc quyền vốn dành riêng cho người da trắng, cả trong lịch sử và hiện tại, cần được thừa nhận hơn là chỉ đặt giả định. Một cách ngôn trong nghề của chúng ta, được phát biểu lần đầu qua lời nhân vật hư cấu, ngài Dooley, của nhà văn Finley Peter Dunne, “Nghề báo an ủi người đau khổ và làm khổ người sung sướng.” Nếu các nhà báo có xu hướng theo chủ nghĩa tự do – mà theo kinh nghiệm của tôi thì đúng như vậy – thì họ ít hành động theo lý tưởng hơn là theo niềm khát khao giản dị mà Do Thái giáo gọi là tikkun olam, có nghĩa là hàn gắn thế giới.

Chẳng có giá trị hay sự thật nào được lấn át thực tế mà J. Anthony Lukas gọi là “đặc tính bướng bỉnh của đời sống”. Nghề báo có điểm yếu là thích chia các cá nhân thành nạn nhân hay tội phạm một cách rõ ràng, cứ như thể độc giả của chúng ta không biết phân biệt các sắc độ xám. Như giáo sư Martin Kramer của trường đại học Tel Aviv đã chỉ ra, nghề báo nghe có vẻ đáng khâm phục khi “nói sự thật với nhà cầm quyền”, trừ khi bạn không nhận ra cụm từ này ngụ ý rằng bạn có nhiệm vụ nói dối, thường là bằng những lời hay ho, với những người không có quyền. Nếu bạn nhận ra cạm bẫy, nếu bạn cưỡng lại được lời cam đoan giả dối của tính giản đơn, nếu bạn thắng được sự mơ hồ và biết say mê các sắc thái, nếu bạn có thể nhận ra, như tôi đã nhận ra, rằng bài báo thuyết phục nhất hiếm khi có dạng tường thuật cuộc chiến giữa cái thiện với cái ác. Như lời ca khúc cũ của công đoàn nói, trong trận chiến này, bạn không cần đầu óc thông minh hay tấm lòng bao la mới quyết định được mình ở phía nào[13]. Nhiệm vụ phức tạp và cao quý hơn của nghề báo là làm sáng tỏ xung đột giữa cái thiện với chính cái thiện, hay ít nhất là giữa những cách diễn giải và quan niệm đối lập về chính sách tốt, cộng đồng tốt và công dân tốt.

Khi tôi nghĩ về mối quan hệ biện chứng giữa sự thật và công lý, tôi nhớ lại một vở kịch của Richard Greenberg, Eastern Standard. Greenberg viết nó vào cuối những năm 1980, khi vô gia cư là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là ở New York quê anh. Trong vở kịch, bốn thanh niên thành đạt vô tình gặp một phụ nữ vô gia cư và vì lòng trắc ẩn mà mời cô này về sống trong ngôi nhà nghỉ hè của họ với tư cách người giúp việc. Nhưng cô ta đã khiến họ bị sốc khi ăn trộm đồ đạc rồi biến mất. Kết quả là Eastern Standard đã bị chỉ trích khá nhiều. Có phải người tốt không nên thương hại người vô gia cư? Hay người vô gia cư không đáng được thương hại? Theo tôi thì dù sao Greenberg cũng đã làm đúng cái việc mà một nhà báo nên làm, đó là phơi bày những khoảng tối. Những nhân vật trẻ tuổi của anh vị tha nhưng cũng bóc lột, người phụ nữ vô gia cư lập dị đến mức buồn cười và cũng có vấn đề về thần kinh. Chính bản năng giúp cô sống sót trên đường phố cũng đã thúc giục cô trộm đồ của ân nhân. Những lỗi lầm ấy không khiến cô bớt đáng thương mà ngược lại, khiến cô đáng thương hơn, vì qua đó cô đầy đủ tính người hơn.

Để tôi cho các bạn một ví dụ khác, một ví dụ từ chính nghề báo. Khi làm phóng viên cho Wall Street Journal, Alex Kotlowitz đã viết về cuộc sống của hai anh em trai với người mẹ ở khu nhà thuộc dự án Henry Horner lụp xụp và đầy rẫy tội phạm tại Chicago. Bài báo khiến dư luận xôn xao đến mức Kotlowitz đã phát triển nó thành cuốn sách mang tên There Are No Children Here. Đó là một cuốn sách hoàn hảo xét trên nhiều phương diện. Thư viện Công cộng New York đưa nó vào danh sách một trăm cuốn sách quan trọng nhất của thế kỷ hai mươi. Trong một thời đại mà với nhiều người Mỹ gọi là “mất dần tình thương”, Kotlowitz đã khơi lại chủ đề nghèo đói nơi thành thị trong các nghị trình chính trị bằng cách thay đổi mạnh mẽ góc nhìn, tập trung vào trẻ em và những người vô tội.

Kotlowitz khác với các ký giả hạng xoàng ở chỗ khi viết về nạn phân biệt chủng tộc và đói nghèo, anh không chấp nhận những câu trả lời dễ dãi. Anh coi LaJoe Rivers là nạn nhân đồng thời là nguyên nhân của nỗi khổ đau mà chị và hai con, Lafayette và Pharoah, phải chịu. Thực ra, LaJoe – ở nhiều mặt – là hình mẫu của những “bà mẹ phúc lợi” thuộc tầng lớp thấp kém; ở tuổi ba mươi lăm, chị là mẹ của tám đứa trẻ, đứa đầu ra đời khi chị mới mười bốn tuổi, và nhiều đứa dính líu tới tội phạm và ma túy. Chính nhờ miêu tả sinh động LaJoe và gia đình một cách không ngần ngại thay vì lược bỏ những sự thật không dễ chịu mà Kotlowitz được độc giả tin tưởng như một nhà môi giới trung thực, một chứng nhân khả tín. Bởi vậy, khi viết về việc người phụ nữ khốn khổ này dành một phần tiền trợ cấp để đóng bảo hiểm mai táng cho Lafayette và Pharoah vì nghĩ chúng có thể sẽ sớm bỏ mạng vì bạo lực, anh đã đánh thức lương tâm cả nước.

Là người viết rất nhiều về tôn giáo, tôi rất ngạc nhiên khi thấy tôn giáo né tránh nhiều nhà báo ra sao. Họ cố gắng ép tôn giáo tuân theo khuôn mẫu thông thường của họ để hiểu thế giới chính trị – người tự do chống người bảo thủ, Đảng Cộng hòa chống Đảng Dân chủ. Nhà thờ Công giáo La Mã ở Mỹ thường được coi là thế lực cánh hữu vì họ phản đối việc phá thai và quyền của người đồng tính, nhưng cũng chính nhà thờ đó chống vũ khí hạt nhân, cải cách phúc lợi và án tử hình, những điều mà cố Hồng y Joseph Cardinal Bernardin gọi là thuyết thần học Seamless Garment[14]. Những người theo đạo Tin Lành mà chúng tôi thấy trong tin tức luôn luôn được mô tả là đảng viên các đảng cánh hữu – thực ra nhiều người trong số họ ủng hộ cánh hữu thật. Nhưng đồng thời, họ cũng trở thành những nhà hoạt động xã hội – dù họ không nhận ra – đấu tranh cho những vấn đề được coi là của chủ nghĩa tự do như cải cách nhà tù, nạn mãi dâm hay chế độ nô lệ thời hiện đại ở Sudan. Nhưng đoạn này không khớp với khuôn mẫu chúng ta dành sẵn cho câu chuyện về người Tin Lành. Nếu không thể trở buồm, các bạn sẽ giải thích thế nào về cuộc tranh cãi giữa các phụ huynh người Dominica nhập cư – những người cáo buộc chương trình song ngữ không đảm bảo cho con cái họ nói tốt tiếng Anh – với các giáo viên gốc Puerto Rico – những người cho rằng chương trình tiếng Tây Ban Nha là quyền công dân? Khi viết về sự bất đồng này cho chuyên mục của mình ở Times, tôi nhận ra rằng công lý thuộc về các giáo viên còn sự thật ở phía các vị phụ huynh. Vốn quý nhất của tôi khi viết bài chính là sự giằng co trong đầu mình.

Tuy nhiên, bạn sẽ sai lầm nếu bi quan hoặc ngây thơ, bởi cả hai đều là các dạng của suy nghĩ giản đơn. Tòa báo là một nơi vừa mỉa mai vừa dí dỏm, còn cái nhìn sắc bén là một phần lý do khiến nó hấp dẫn. Ở một phương diện nào đó, nhà báo khiến tôi nhớ tới người Israel. Ở Israel, điều sỉ nhục nhất là bị gọi là freier, có nghĩa là kẻ ngây thơ. Tuy nhiên, hoài nghi với cay độc khác hẳn nhau, tôi thấy sự khác biệt này đang mất đi nhanh chóng, đặc biệt là trong mảng chính trị. Chúng ta có thể phần nào trách cứ các chính trị gia khiến công chúng hoài nghi. Đó là di sản của Việt Nam, Watergate, phiến quân Iran, chiến tranh Iraq; đó là phản ứng lô-gíc với “phát ngôn trong ngày”, “luôn luôn tán thành” và những cạm bẫy khác của truyền thông. Không một nhà báo nào tôi quen biết muốn quay lại thời truyền thông đồng lõa với chính phủ mua chuộc các phóng viên để họ không nhắc gì tới việc Franklin Roosevelt thao túng báo chí và lệnh tấn công Vịnh Con Lợn của John F. Kennedy.

Nhưng hãy cẩn thận khi quả lắc đi quá xa theo hướng khác. Hãy cẩn thận khi bạn thấy bản thân chìm vào sự thù ghét và lấy động cơ của một nhân viên công quyền nào đó làm xuất phát điểm của bài viết. Làm người bất đồng chính kiến nghe có vẻ chính đáng trừ khi đó chỉ đơn thuần là phản xạ, một cách khác để áp đặt chủ nghĩa tuyệt đối trắng-hoặc-đen lên một thế giới chỉ toàn màu xám. Tôi biết rằng có những phần thưởng – cả về mặt xã hội lẫn vật chất – cho việc nhạo báng các chính trị gia, nhất là những người mà các bạn không tán đồng. Thứ báo chí công kích này, với tất cả những câu đùa cợt[15] và tính từ, giúp sách báo thời nay bán chạy, lấp đầy nhiều giờ trên sóng phát thanh và truyền hình. Nhưng hậu quả thật sự của nó là làm giảm giá trị đời sống xã hội của chúng ta bằng việc cổ vũ quan điểm vô chính phủ, rằng chẳng có phiếu bầu nào thật quan trọng và rằng hai đảng lớn về cơ bản là như nhau – dù cả hai điều này đều đã được chứng tỏ là sai trong hai cuộc bầu cử Tổng thống gần đây; bằng việc rêu rao rằng các chương trình của chính phủ không thu được kết quả còn khu vực tư nhân thì làm gì cũng tốt hơn; và bằng cách lôi kéo người ta ra khỏi khu vực công, đồng thời hù dọa những ai định vào làm việc cho chính phủ. Có thể bạn muốn nhớ lại vài điều mà cựu Bộ trưởng Lao động, Raymond Donovan, nói vào ngày tòa tuyên ông không phạm tội lừa đảo. Đó là đỉnh điểm của bảy năm trời đầy những thông tin bóng gió, mập mờ và truyền thông đưa tin rầm rộ. “Tôi phải tới cơ quan nào,” Donovan hỏi, “để đòi lại uy tín của mình đây?”

Vài năm trước, trường Báo chí Columbia trao cho Walter Pincus của báo Washington Post giải thưởng thường niên về đưa tin chính trị và chính phủ. Vinh dự này là sự ghi nhận chùm bài đã dấy lên nghi ngờ quanh những tuyên bố của Tổng thống Bush về chương trình vũ khí của Saddam Hussein. Vì hầu như đi ngược lại nội dung chung của truyền thông lúc ấy và cũng chống lại quan điểm của cả chính quyền Clinton và Bush về kho vũ khí Iraq nên các bài này thậm chí không lên được trang nhất. Vào thời điểm trao giải, tháng Năm năm 2004, tầm nhìn trong bài của Pincus đã được công nhận.

Khi nhận giải, Pincus được mời nói chuyện với sinh viên khoa báo chí của trường và lớp sinh viên sắp tốt nghiệp. Tôi nghĩ hầu hết chúng tôi trông đợi một bài diễn thuyết về tính xảo trá của nhà cầm quyền, một lời kêu gọi lên tiếng vì sự thật. Dẫu sao thì Pincus cũng đã dành phần lớn sự nghiệp của để viết về an ninh quốc gia, vốn không phải là một điểm tốt để quan sát điều lý tưởng nhất của chính phủ Mỹ. Không có gì bất ngờ khi Pincus chỉ trích một cách sắc sảo bộ máy quan hệ công chúng ở Washington và sự nở rộ của các photo-op[16] cũng như các loại tin tức không trung thực khác.

Nhưng ông cũng nói về quãng thời gian làm việc cho chính phủ – hai lần, mỗi lần mười tám tháng – trong những năm 1960 trong vai trò nhân viên Uỷ ban Quan hệ Quốc tế Thượng viện. Ông nói về tầm quan trọng của việc theo dõi một lĩnh vực trong thời gian đủ dài để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó và rằng trách nhiệm của nghề báo không chỉ là vạch trần sai trái mà còn là tìm kiếm cách sửa chữa. Hoàn toàn không nói về các nhân vật trong bài của mình như kẻ thù hay “con mồi”, ông nhắc nhở chúng tôi rằng họ là “người thật, ba chiều, có vợ chồng và con cái.” Về thời gian làm việc trong chính phủ, ông nói, “Chủ yếu, tôi thấy rằng mọi người làm việc chăm chỉ để giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp theo cách mà người ngoài, nhất là nhà báo, không dễ nhận thấy.”

Tôi không thể nhớ chi tiết khán giả đã phản ứng như thế nào với Pincus. Nếu tôi không nhầm thì họ lịch sự hơn là xúc động. Năm ngoái, bình luận viên Molly Ivins đoạt giải này và chị cũng diễn thuyết. Chị rất được tán thưởng với câu đùa chống lại Bush được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu tính giải trí là điều các bạn muốn thì chị ấy hoàn toàn áp đảo Pincus. Về trí tuệ để dẫn dắt sự nghiệp, tôi thích Pincus hơn, bởi anh hiểu rằng thế giới phức tạp. Anh là người mặc bộ đồ nhàu nhĩ và – tôi dám cá – đi đôi giầy rách.

Về những nguồn tin ẩn danh

Mọi nhà báo đều không tránh khỏi phải sử dụng những nguồn tin vô danh. Những ngày gần đây, tôi nghĩ đến những nguồn tin vô danh nhiều hơn bởi hai sự kiện vừa diễn ra. Đầu tiên là cựu sĩ quan FBI W.Mark Felt tiết lộ ông ta chính là “Deep Throat”, nguồn tin nổi tiếng của Bob Woodward và Carl Bernstein trong loạt điều tra về Watergate. Sau đó là việc một thẩm phán liên bang quyết định tống giam Judith Miller của Times vì không chịu khai tên nguồn tin trong chính phủ mà cô liên lạc để viết bài điều tra về vụ làm lộ tên một nhân viên tình báo hoạt động bí mật.

Bề ngoài, những vụ việc này nói lên cách nhìn cao thượng về những nguồn tin ẩn danh. Nếu không có Deep Throat, Bob Woodward và Carl Bernstein không bao giờ có thể vạch trần vụ Watergate, còn Richard M. Nixon có thể đã kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống êm xuôi. Vì không nghe lệnh thẩm phán, Judith Miller phải trả giá đắt để bảo vệ nguyên tắc quan trọng là nhà báo không bao giờ được phản bội nguồn tin. Các nguồn tin ẩn danh thường tìm đến nhà báo như phiên tòa cuối cùng sau khi đã thử đòi bồi thường hoặc thay đổi qua những kênh chính thống nhưng bị lờ đi, bị cô lập hay bị trù dập. Chỉ khi được cam kết bảo vệ họ mới dám liều vị trí và sự nghiệp của mình, và nỗi lo bị lộ danh tính sẽ đóng băng ý chí của bất kỳ người nào có ý định vác tù và hàng tổng.

Với kinh nghiệm khiêm tốn về viết phóng sự điều tra, tôi thấy cần phải sử dụng và bảo vệ những nguồn tin ẩn danh. Bài viết đầu tiên của tôi, về đống amiăng trên bờ kênh, bắt nguồn từ lòng tốt của một người báo tin qua điện thoại.

Khi viết bài cho tờ Suburban Trib về gian lận trong chương trình Medicaid và tình trạng vi phạm luật lao động trong một số nhà điều dưỡng, và về cách những ủy viên giao thông địa phương bí mật điều hành các công ty lát đường tư nhân trái quy định, tôi đều nhận được manh mối và bằng chứng từ những người ngại tiết lộ danh tính. Mới tuần trước, khi viết về vấn đề máy tính ở các trường trung học công lập New York, tôi chủ yếu dựa vào những thư điện tử nội bộ đề cập đến sự thất bại công nghệ do nhân viên ở các trường chuyển cho. Vì vậy, từ vị trí khá khiêm nhường của mình, tôi hoàn toàn hiểu được tại sao những Woodward, Seymour Hershe, Jonathan Kwitny, Wayne Berrett của báo giới – các phóng viên theo dõi các vấn đề quốc gia và quốc tế − phụ thuộc nhiều vào những nguồn tin vô danh.

Những điều đó đều thật nhưng chưa đủ. Trường hợp Deep Throat và Miller cũng đưa ra câu chuyện đáng chú ý về mối quan hệ giữa phóng viên với nguồn tin. Cho tới khi Felt tiết lộ danh tính của mình, người ta vẫn coi Deep Throat như một nhân vật lý tưởng và anh hùng, người hành động chỉ vì công lý. Từ những điều chúng ta biết về Felt hiện nay thì rõ ràng ông ta cũng có động cơ để đòi công lý, đặc biệt là nỗi lo Nixon khi ấy đang chính trị hóa FBI, nhưng ông ta cũng đã đáp lại những động cơ thiết thân hơn. Ông ta đã không được Nixon chỉ định làm giám đốc FBI kế nhiệm J. Edgar Hoover, và bằng cách giúp đỡ Wooward và Bernstein điều tra vụ Watergate, ông ta cũng trả được thù. Người ta cũng biết rằng hóa ra hồ sơ cá nhân của Felt cũng không được tốt lắm. Vài năm sau khi giúp lật đổ Nixon, Felt bị cáo buộc cho phép FBI xâm nhập bất hợp pháp vào tư gia của những người có liên quan tới Weather Underground và sau đó phải được Ronald Regan ân xá.

Trong khi đó, cuộc điều tra của liên bang đã bỏ tù Judith Miller lại bắt đầu như hành động đáp trả bài báo điều tra về các tiêu cực. Chuyện bắt đầu khi cựu nhân viên ngoại giao Joseph Wilson viết một bài bình luận độc lập cho New York Times vào tháng Bảy năm 2003 bác bỏ một trong những lý do mà Tổng thống Bush viện vào để tấn công Iraq – đó là Saddam Hussein đã cố gắng mua uranium từ Niger. Không lâu sau, bình luận viên đặc trách Robert Novak phát hiện ra vợ ông Wilson, bà Valerie Plame, là một nhân viên CIA. Không cần phải tài giỏi gì để nhận ra rằng nguồn tin (hoặc các nguồn tin) của Novak đã tiết lộ điều này để trừng phạt Wilson và ngăn những người bất đồng quan điểm khác trong nội bộ CIA không công khai mối ưu tư của mình. Đây chỉ là một ví dụ về việc một nguồn tin ẩn danh sử dụng một nhà báo để gây hại. Và không giống vụ Watergate, không có điều tốt lớn hơn[17] nào được phụng sự trong trường hợp này cả. Như tôi đã viết, vẫn chưa rõ vai trò thực sự của Miller trong mối quan hệ không được nói tới[18] của các quan chức chính quyền Bush với các nhà báo khi làm lộ Plame. Điều này chỉ có thể được tiết lộ khi nguồn tin của Miller, I. Lewis Libby, hầu toà.

Tôi không ngạc nhiên khi thấy mớ động cơ hỗn độn, có tốt có xấu, trong vụ Watergate và Plume. Những nguồn tin tôi tiếp xúc khi viết bài điều tra cũng có đủ kiểu kế hoạch. Đầu tiên, một số y tá báo với tôi về chuyện gian lận ở Medicaid và cung cấp cho tôi các bằng chứng về một tài liệu bị hủy; trong đó, tôi thích nhất tờ hóa đơn thanh toán phí tập đi lại của một bệnh nhân cụt chân. Chắc chắn là các y tá ấy thực sự giận dữ trước trò lừa đảo đó nhưng họ cũng tức tối khi chuỗi nhà điều dưỡng đổi chủ và ông chủ mới nhận hối lộ để thay họ bằng những người nhập cư từ Philippines. Một trong những nguồn tin tốt nhất của tôi trong vụ các quan chức giao thông sai phạm là một công nhân làm đường vừa bị sa thải. Trước khi bị đuổi việc, anh ta không hề phản đối ông chủ đưa công ty tư vào làm việc công.

Có phải tôi đang có ý khuyên bạn đừng sử dụng những nguồn tin ẩn danh? Không, tôi chỉ muốn bạn sử dụng nguồn tin một cách khôn ngoan, sáng suốt, và thận trọng. Bill Clinton đã nói gì về việc nạo phá thai? Ông nói rằng nạo phá thai phải an toàn, hợp pháp và không lặp lại. Tôi muốn áp dụng các tiêu chí đó với những nguồn tin ẩn danh.

Đến hôm nay, tôi vẫn nói với sinh viên của tôi rằng nếu bạn đang cố gắng lựa chọn nên phỏng vấn ai đầu tiên trong một bài điều tra thì hãy tìm xem người nào có lý do để đau khổ nhất. Hãy xem xét kỹ tên các đảng viên Cộng hòa trong danh sách ủng hộ chiến dịch tranh cử của ứng viên Đảng Dân chủ và làm ngược lại với ứng cử viên Đảng Cộng hoà. Hãy để tập thể bán đứng lãnh đạo và lãnh đạo bán đứng tập thể. Hãy xác định sự tư lợi và khai thác nó.

Nhưng những tính toán này không cần phải bất chấp đạo lý như thoạt nghe. Khi nhận thông tin từ một nguồn, bạn không buộc phải chấp nhận toàn bộ thế giới quan cùng mớ bòng bong những suy nghĩ, cảm xúc và thành kiến của nguồn tin ấy. Vì lẽ đó, các nguồn tin ẩn danh sẽ có ích trong việc định hướng, xác nhận thông tin và, quan trọng nhất, cung cấp tư liệu hơn là trong việc phát biểu trực tiếp. Nếu xem xét lại bài của Woodward và Bernstein về vụ Watergate, bạn sẽ thấy rằng rất hiếm khi họ dẫn lời Deep Throat. Khi tập hợp các bài này thành cuốn sách All the President’s Men, họ đã để Deep Throat minh họa cho lập luận và giả thiết của mình cũng như làm tiếng nói xác nhận vì theo quy định của Washington Post thì cần có ít nhất hai nguồn tin cho mọi chi tiết hay luận điểm có thể gây tranh cãi.

Tính chặt chẽ đó đã bị lãng quên ngay khi Woodward và Bernstein trở nên nổi tiếng, và những cụm từ như “off the record”[19] trở thành thông dụng. Trong ba mươi năm kể từ đó đến nay, các nhà báo đã quá háo hức dựa vào những nguồn tin vô danh[20] và để những nguồn tin tung ra những tuyên bố làm gây tổn hại uy tín hay thậm chí có tính chất đổ trách nhiệm từ phía sau tấm màn ẩn danh. Tôi không nói đến việc vạch trần những thủ đoạn bẩn thỉu của Tổng thống hay nghi ngờ các vụ ngược đãi tù nhân ở Vịnh Guantanamo – những vấn đề đã vươn lên tầm quan trọng lớn đối với công luận. Tôi đang nói đến rất nhiều cách đưa tin về chính phủ, doanh nghiệp, và thể thao, thậm chí là tiểu sử cá nhân trong thế giới đang bị những chuyện ngồi lê đôi mách ám ảnh của chúng ta. Tôi đã bị thuyết phục rằng cũng như động vật có thể đánh hơi thấy nỗi sợ hay sự thèm khát từ con vật khác, nguồn tin cũng có thể đánh hơi thấy điểm yếu ở phóng viên, kiểu phóng viên chấp nhận nguồn tin nặc danh một cách cẩu thả. Các bạn phải đặt ra cho bản thân tiêu chuẩn về thời điểm sử dụng lời bình luận “off the record” – tiêu chuẩn này phải tính đến đòi hỏi của bài và hiểu biết của nguồn tin. Đề tài có quan trọng đến thế không? Nguồn tin có biết nhiều đến thế không? Có còn ai khác biết chuyện không? Có tài liệu bí mật hay công khai nào nói về vấn đề này không?

Các bạn sẽ ngạc nhiên nguyên tắc không chấp nhận ẩn danh có thể thường xuyên buộc các nguồn tin tiết lộ danh tính đến mức nào. Ví dụ như năm ngoái, tôi viết bài cho Times về việc luật liên bang cấm những người nhập cư không có giấy phép được nhận vào học chính thức ở trường các trường đại học công lập. Tôi muốn dựng bài dựa trên hoàn cảnh của một sinh viên có tương lai bị đạo luật này đe dọa, vì vậy tôi đã liên hệ với một tổ chức hỗ trợ người nhập cư, nhờ họ giới thiệu một người như thế. Ngay từ đầu tôi đã nói với họ rằng tôi chỉ muốn phỏng vấn một người sẵn lòng dùng đầy đủ họ tên thật − không phải họ tên giả, họ tên viết tắt, hay chỉ có tên không. Tôi hiểu rõ rằng như thế có nghĩa là yêu cầu một công dân bất hợp pháp của Mỹ đặt bản thân người đó vào nguy cơ bị bắt, bị giam giữ, bị trục xuất. Tôi biết những điều này không phải là mối lo thoảng qua trong giai đoạn việc thi hành luật được thắt chặt vì an ninh quốc gia. Mặc dù vậy, nhờ vẫn cương quyết và nói rõ tôi sẽ không viết nếu phải che giấu danh tính nhân vật chính mà tôi đã thuyết phục được nhóm hỗ trợ giới thiệu một người phụ nữ trẻ sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi tiết lộ danh tính để đưa một vấn đề quan trọng – và theo tôi là bất công – ra ánh sáng. Tôi thấy nhẹ nhõm khi có thể nói rằng nhờ có bài viết đó mà cô ấy được một số trường trao học bổng.

Tôi hài lòng với diễn biến của sự việc nhưng điều có ý nghĩa nhất là uy tín mà bài báo đạt được. Trong quá trình giới thiệu sách của mình, tôi thường xuyên được độc giả hỏi, “Những cái tên đó có phải thật không?” Nghĩa đen của câu hỏi là: Tôi có đặt tên giả cho một nhân vật nào đó không? (Có, nhưng chỉ trong một số trường hợp, chủ yếu là liên quan tới người vị thành niên.) Hiểu một cách sâu sắc hơn, những độc giả này hỏi liệu họ có thể tin tưởng tác phẩm của tôi không, liệu chúng có đúng không, có thật không. Khi một giáo sĩ Do Thái chứng nhận một sản phẩm thực phẩm đạt tiêu chuẩn, nó sẽ được ký hiệu là hechsher. Những danh tính thật chính là hechsher của một tác phẩm báo chí đáng tin cậy. Và cuối cùng, tính tin cậy là tất cả những gì mà chúng ta có.

Các nguồn tin ẩn danh rất dễ đưa ra những lý lẽ mơ hồ vì đã được an toàn trong cái lô cốt của việc không nêu tên, hoặc, như thuật ngữ truyền hình, như một bóng đen bí ẩn được chiếu sáng sau hay một khuôn mặt bị xóa mờ bằng kỹ thuật số. Những nguồn tin “on the record”[21] có thể nói ít hơn (so với nguồn ẩn danh) nhưng sẽ nói với độ tin cậy cao hơn vì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Nguồn ẩn danh thì sẽ bỏ mặc nhà báo một mình đương đầu với sự thiếu chính xác, mất cân bằng và thậm chí là tội phỉ báng. Vài năm trước, chính nguồn tin ẩn danh mà Judith Miller dũng cảm chịu đi tù để bảo vệ đã phản bội cô như vậy. Những quan chức giấu tên trong chính quyền Bush và lính Iraq đào ngũ đã cho Miller thông tin sai rằng Saddam Hussein mua ống nhôm cho máy ly tâm làm giàu uranium để chế vũ khí nguyên tử. Đến khi bài báo bị nghi ngờ thì Mỹ đã xâm lược Iraq rồi.

Điều tệ nhất là nguồn tin ẩn danh tạo điều kiện cho sự bịa đặt. Trong nhiều năm, tờ USA Today giữ chính sách không dùng nguồn ẩn danh. Nhưng chiều theo tài năng của phóng viên quốc tế Jack Kelley, người thường đưa tin chiến sự, tờ báo nới lỏng dần luật này. Cuối cùng, Kelley bị phát hiện đã bịa đặt lời nói và cả nhân vật; và anh ta bị sa thải trước khi sự việc lắng xuống, còn tổng biên tập USA Today thì từ chức.  Bài học ở đây không phải là mọi nhà báo đều dùng nguồn tin ẩn danh để che đậy chi tiết hư cấu; chỉ người có tính cách khác thường, mà tôi sẽ trình bày sau, mới muốn dành nhiều thời gian và sức lực để bịa chuyện thay vì kể sự thật. Bài học là khi mọi nguồn tin đều phải được xác định danh tính thì sẽ có ít sai phạm về đạo đức hơn nhiều.

Đánh máy và suy nghĩ

Khi nói chuyện với những nhà báo như bạn về việc đưa tin, tôi thường gặp cùng một câu hỏi. Em nên dùng sổ tay hay máy ghi âm? Vì vậy, tôi có một câu trả lời “tiêu chuẩn”. Hầu như tôi luôn luôn ghi chép, bởi vì thật ngược đời là việc nghe từ khoảng cách thật gần và viết thật nhanh dường như giúp tôi huy động các giác quan tốt hơn. Có một ngoại lệ là khi tôi phỏng vấn đối tượng cho bài phóng sự điều tra, bởi vì sẽ là thông minh hơn nếu ghi âm mọi câu hỏi và câu trả lời vào băng vì lý do pháp lý.

Nhưng điều tôi muốn nói là bạn đã chọn nhầm câu hỏi. Những vấn đề về thiết bị như sổ tay hay băng ghi âm không hề làm nên khác biệt về phẩm chất nhà báo. Các bạn có thể dùng một cái que có đầu nhọn để khắc ghi chú bằng chữ hình nêm lên tấm đất sét và vẫn thành công rực rỡ nếu thông minh, kiên trì, biết cảm thông với người khác và nhận thức sâu sắc tính phức tạp của thế giới. Đó mới là những điều đáng kể.

Đôi khi, một sinh viên ở trường Columbia sẽ dừng lại trước văn phòng tôi khi tôi đang ngồi bên bàn phím viết báo hoặc viết sách. Họ đều nhìn tôi mổ cò hai ngón với ánh mắt bối rối. Sao lại có ký giả chuyên nghiệp gõ máy tính bằng hai ngón tay. Làm sao người ấy nộp bài đúng hạn được? Tôi nói với họ rằng tôi không phải thư ký hay chuyên gia tốc ký; tôi là nhà báo và tác giả[22]. Không có lý do gì để tôi phải đánh máy nhanh hơn suy nghĩ, vì suy nghĩ luôn luôn phải có trước.

(Còn tiếp 3 kì)

Dịch theo bản gốc tiếng Anh Letters to a Young Journalist (Art of Mentoring) của Samuel G. Freedman, Basic Books, New York, 2005. Bản tiếng Việt của Lưu Quang đăng trên pro&contra không phục vụ mục đích thương mại.


[1] Tác giả phân biệt rõ report với write, chúng tôi lần lược dịch là “đưa tin” (hoặc “tường thuật”) và “viết” – khác biệt chính giữa hai công việc này là ở mức độ sáng tạo (dùng các thủ pháp văn học) và tính chủ quan (đã được tác giả giải thích khi nói về Báo chí Mới trong hai chương trước). Tuy nhiên, tiêu đề của chương này (nguyên văn: reporting) theo chúng tôi nên được hiểu rộng hơn, với nghĩa là “làm báo” nói chung.

[2] Nguyên văn: batting average – chỉ số trong hockey và bóng chày, hai môn thể thao được ưa chuộng ở Mỹ.

[3] Nguyên văn: Framing questions

[4] Nguyên văn: Sound-bite

[5] Tác giả ám chỉ người phỏng vấn được phép bày tỏ thái độ (không quá khích) để tạo không khí cởi mở, thân thiện và gây dựng lòng tin cho nhân vật.

[6] Nguyên văn: profile

[7] Đôi khi được viết là rewrite man hoặc rewrite person, là một kiểu phóng viên chuyên làm việc tại tòa soạn nhưng nhiệm vụ của họ không chỉ là viết lại (rewrite) những gì các phóng viên tại hiện trường thu được mà còn là tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn để viết thành tin bài hoàn chỉnh. Một số tạp chí lớn ở Mỹ đặc biệt ưa thích cách sản xuất nội dung này. Thông tin được một hay nhiều phóng viên hiện trường thu thập và chuyển đến cho một rewriteman và một biên tập viên viết. Đối với nhật báo, rewriteman từng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đảm bảo cho việc đưa tin được liên tục và kịp thời. Ngày nay, công nghệ hiện cho phép phóng viên viết và gửi tin nhanh chóng ngay từ nơi tác nghiệp nên vị trí này hầu như không còn nữa.

[8] Có thể tạm dịch là phóng viên hiện trường, là người có nhiệm vụ thu thập thông tin sơ cấp, có thể là thông tin trực tiếp từ hiện trường một sự kiện hay thông tin thô từ một nguồn tin, và chuyển cho rewriteman. Đôi khi từ này cũng được dùng để chỉ những người chạy việc vặt nhưng trong sách này nó được dùng với nghĩa thứ nhất.

[9] Sports-information Director, một kiểu chuyên viên quan hệ công chúng có nhiệm vụ cung cấp thông tin và các loại số liệu liên quan tới vận động viên hay câu lạc bộ thể thao cho các phương tiện truyền thông.

[10] Mỗi phóng viên có thể phụ trách một vùng rất rộng, gồm nhiều thị trấn, tùy theo chuyên mục.

[11] Tác giả dùng từ J’accuse, trong tiếng Pháp có nghĩa là “Tôi buộc tội” – đây là tên một bức thư ngỏ của nhà văn Pháp Emile Zola gửi cho Tổng thống Felix Faure, đăng trên báo L’Aurore (Rạng Đông) ngày 13 tháng Một năm 1898, cáo buộc chính phủ Pháp bài Do Thái khi bắt giam trái phép và kết án Alfred Dreyfus, một sĩ quan pháo binh gốc Do Thái, tội làm gián điệp và phản quốc dù không có bằng chứng. Zola sau đó bị khép tội vu cáo, phải trốn ra nước ngoài một thời gian. Còn Dreyfus bị tù, chỉ được minh oan vào năm 1906; sau đó, ông nhập ngũ trở lại và chiến đấu với quân hàm Thiếu tá Pháo binh cho đến hết Đệ Nhất Thế chiến

[12] Nguyên văn: Op-ed columnistOp-ed là từ viết tắt cụm “opposite the editorial page”, có nghĩa là “mặt sau trang xã luận”. Thuật ngữ này xuất hiện vào đầu những năm 1920 khi các tờ báo Mỹ nhận ra rằng mặt sau trang xã luận là vị trí tốt cho các bài điểm sách, bình luận, ý kiến,… Mục này sau đó được mở rộng dần và Op-ed được dùng để chỉ các bài viết của một chuyên gia hay ký giả có tiếng nhưng không thuộc ban biên tập (nghĩa là quan điểm của người này không đại diện cho quan điểm của tờ báo).

[13] Có lẽ tác giả ám chỉ bài hát Which Side Are You On do Florence Reece sáng tác năm 1931.

[14] Một loại áo choàng không có đường nối, chỉ chiếc áo mà Jesus mặc khi bị hành hình. Chúng tôi giữ nguyên văn tiếng Anh.

[15] Nguyên văn: punchline, nghĩa là những câu bình luận hoặc đối thoại để chọc cười.

[16] Đôi lúc còn được viết là Photo-opp, viết tắt cụm từ Photograph Opportunity. Thuật ngữ này chỉ những cơ hội để có được hình ảnh gây ấn tượng tốt với công chúng. Đối với chính trị, đó thường là các buổi diễn thuyết, vận động tranh cử,…

[17] Bắt nguồn từ một câu châm ngôn trong tiếng Anh: do a little evil to serve/do a greater good (làm một điều xấu nhỏ để đạt được điều tốt lớn hơn) – tác giả ám chỉ trong vụ Watergate, Deep Throat dù có động cơ cá nhân nhưng đã giúp báo chí phanh phui tiêu cực.

[18] Nguyên tác: deep background. Thuật ngữ này thường được dùng để chỉ các thông tin hay manh mối ban đầu, là nền tảng để nhà báo xây dựng tác phẩm nhưng không được đưa công khai trong bài.

[19] Tạm dịch: Ngoài biên bản. Đây là một khái niệm quan trọng trong nghề báo nên chúng tôi giữ nguyên văn tiếng Anh. Thuật ngữ này chỉ những thông tin không được ghi vào băng hoặc biên bản phỏng vấn.

[20] Ở đây tác giả dùng từ nameless (không tên / vô danh) thay vì anonymous (ẩn danh / nặc danh), ám chỉ nhà báo có thể đã cố tình không nêu tên nguồn tin hoặc bịa ra những nguồn tin này để làm cho vấn đề có vẻ nghiêm trọng hơn.

[21] Tạm dịch: Trong biên bản. Ngược với off the record, thuật ngữ này chỉ việc người được hỏi cho phép phóng viên ghi câu trả lời của mình vào biên bản (hoặc băng ghi âm) phỏng vấn chính thức, tức là công khai danh tính.

[22] Tác giả dùng từ author để chỉ việc mình còn viết sách.