Tác giả

Chuyên mục

Trang

Thư gửi một nhà báo trẻ (1)

Th12 18, 2014

Samuel G. Freedman

Lưu Quang dịch và giới thiệu

MỤC LỤC

Lời dẫn
Truyền thống cấp tiến
Tình trạng nền báo chí của chúng ta

Khí chất nghề báo
Nhà báo với tư cách con người
Lời thề trung thành
Chúng ta có phản bội hay không?

Làm báo
Có mặt
Giày rách
Trở buồm
Về những nguồn tin ẩn danh
Đánh máy và suy nghĩ

Viết
Các bước của quá trình viết
Thể loại và chức năng
Tôn trọng từ ngữ, đề cao ngôn ngữ
Về sách
Gắn bó và cách ly

Nghề nghiệp
Giữ vững lập trường
Ca ngợi phương pháp tiệm tiến
Làm điều bạn sợ
Thất bại trước công chúng

Lời kết: Thờ cúng tổ tiên
Tác phẩm trích dẫn

_________

LỜI DẪN

Cách đây 30 năm, khi còn giống hệt các bạn bây giờ, tôi say sưa bắt đầu sự nghiệp với tư cách phóng viên báo in. Tính đến buổi tối tháng Năm năm 1975 ấy, tôi đã viết cho các tờ báo sinh viên được gần nửa đời, bắt đầu từ lúc vào trung học cơ sở. Kỳ thực tập hè tại Courier – News, tờ báo báo phát hành 45.000 bản mỗi kỳ đóng ở ngoại ô New Jersey, là lần đầu tiên tôi thực sự được trả lương để làm công việc mình yêu thích. Suốt những năm tháng sau này, tôi cố gắng không quên niềm hân hoan tối đầu tiên đó.

Tôi mới qua tuổi mười chín được vài tháng và thậm chí còn không có nổi một chiếc áo sơ mi trắng hay chiếc blazer màu xanh biển thẫm[1] để diện trong dịp ấy. Nếu tôi không nhớ nhầm thì tôi đã mượn bố tôi một bộ leisure suit chứ không phải thứ gì khác và bởi ông thấp hơn tôi ba inch nên bộ đồ không được vừa vặn cho lắm. Tóc tôi xoã tràn xuống vai thành từng mớ thô thiển bên bộ râu quai nón không đều mà tôi mới để từ chuyến du lịch “bụi” tới Oregon. Chắc trông tôi giống hệt một anh hề.

Dù sao tôi cũng có những thứ thiết yếu cho công việc: chiếc bút bi cùng cuốn sổ tốc ký, và những thứ ấy quan trọng hơn nhiều so với bộ cánh xoàng xĩnh. Tôi đến bãi đậu xe của báo Courier – News ngay trước ca trực của mình, bắt đầu từ sáu giờ rưỡi tối và kết thúc lúc hai giờ rưỡi sáng hôm sau. Không có tín hiệu gì cho thấy tôi sẽ được đào tạo hay định hướng. Tôi được tuyển vì những bài tôi viết trên báo trường đã thuyết phục các biên tập viên rằng tôi có khả năng. Thế là họ ném tôi vào nhóm phóng viên chuyên đưa tin về chính quyền địa phương. Mỗi khi ai đó đi nghỉ, tôi sẽ là người lấp chỗ trống. Tôi vẫn nhớ buổi tối mình được cử đi viết bài về hội đồng quận của một nơi được gọi là Branchburg. Tôi nộp bài đúng hạn và thậm chí còn dùng cả động từ “to assuage”[2] trong đoạn mở đầu của mình, biên tập viên trực đêm đã phải khịt mũi thán phục.

Viết xong bài tôi mới có cơ hội để lần đầu tiên thật sự quan sát khung cảnh xung quanh mình. Courier-News sở hữu một toà nhà hiện đại ít tầng xây bằng gạch màu trắng với cửa sổ kính tối màu. Người ta có thể dễ dàng lầm tưởng tòa nhà này với khu văn phòng của công ty bảo hiểm hay với các cửa hàng nội thất gần Quốc lộ 22. Trong phòng làm việc, đèn huỳnh quang phủ ánh sáng ban ngày thường trực lên những dãy bàn giả gỗ đặt máy đánh chữ cơ. Các biên tập viên ngồi ở dãy đầu tiên trong phòng. Cạnh họ là những lọ keo cao su để dán các bản thảo thành những tờ lớn khi mang đến xưởng in. Còn có cả một chồng toàn những bài bị loại. Tiếng máy điện tín lách cách dọc theo bức tường sau lưng họ. Phía xa, cạnh hai cái cửa đu là phòng sắp chữ và nơi để máy in do những người thợ vạm vỡ và lấm lem mực quản lý. Họ lúc nào cũng nghĩ rằng cánh phóng viên là bọn chết nhát. Đi xuống phía hành lang nhỏ hẹp là “quán ăn tự phục vụ” của chúng tôi, với sáu hay bảy máy bán hàng tự động. Một trong những máy này có thể làm bánh tráng bằng sóng viba.

Ngay từ đêm đầu tiên, tôi đã biết về báo chí đủ để hiểu rằng đó không phải là thế giới huyền ảo của Trang Nhất[3]. Chúng tôi không ở thành phố lớn. Chẳng ai đội mũ phớt mềm hay lén uống rượu giấu trong ngăn kéo bàn làm việc hoặc gào lên những câu kiểu như “viết lại đi, cưng”. Tờ Courier-News từng là một nơi như thế, đóng trụ sở ở trung tâm Plainfield, bang New Jersey, một thành phố sống giản dị bằng tiền lương từ nhà máy Mack Truck. Khi những người da đen ở đây nổi loạn vào năm 1967 và giết chết một cảnh sát da trắng thì tờ Courier-News bắt đầu lên kế hoạch chuyển ra ngoại ô.

Các phóng viên mà tôi quen biết trong những tuần sau đó dường như chẳng buồn quan tâm đến gì cả. Có một vị cổ lỗ tên Forrest thường trốn dưới gầm bàn mỗi khi bị phân công viết cáo phó. Một đồng nghiệp của ông, Maggie, đôi khi ngủ gật trên bàn đến nỗi làm rơi mái tóc giả. Phil, biên tập viên, thích nhai xì gà. Nhưng tôi không thể bỏ qua cả thế hệ họ vì trong đó còn có Jack Gill, một người theo chủ nghĩa hoài nghi rất lịch lãm, phụ trách khu vực Plainfield, và Hollis Burke, một người duy tâm từng phục vụ trong Peace Corp. Họ không chỉ có kinh nghiệm mà còn giàu tri thức.

Nhưng theo lẽ tự nhiên, tôi nghiêng về nhóm trẻ, những phóng viên và biên tập viên tuổi đôi mươi, được đào tạo bài bản và có tham vọng. Ann Devroy, biên tập viên trang đô thị, thường hút thuốc và ăn bánh sandwich kẹp thịt với phó mát trong khi nghiền ngẫm các bản thảo qua cặp kính phi công đã ngả màu. Sam Meddis, thuộc nhóm phóng viên điều tra, được nhận vào tòa soạn nhờ hàng đống thơ anh làm từ hồi còn chưa tốt nghiệp trường Rutgers. Về sau, Ann phụ trách Nhà Trắng cho tờ Washington Post, Sam thành phóng viên phóng sự ở USA Today; những người khác trong tòa soạn này thì “hạ cánh” xuống Baltimore Sun, Newsday, The New York Times. Nhưng vào mùa hè ấy, những đích đến này dường như xa xôi không tưởng.

Dù sao thì, ít nhất là với tôi, kiếm được những 130 đôla mỗi tuần là quá đủ. Tôi tham gia vào rất nhiều cuộc họp thị trấn – hội đồng thành phố, phòng giáo dục, ủy ban vùng – ngày nào tôi cũng gọi điện tới cả nửa tá sở cảnh sát để chuẩn bị mục tin vắn về tội phạm địa phương. Tôi đánh bạn với người giữ mục phê bình văn nghệ của tờ báo nên được ông nhường cho viết vài bài về các vở kịch mùa hè[4]. Tôi thích thú được là một phần trong cộng đồng phóng viên ấy, được chia sẻ với họ món ziti trong bữa tối trước khi tản về các ban riêng, nhận cuộc gọi cuối cùng từ Ambers trước khi lái xe về nhà. Những đêm oi bức ở Jersey ấy dường như không thể hấp dẫn hơn.

Đến cuối mùa hè, tôi được cử đi thay phóng viên phụ trách South Bound Brook, một thị trấn lao động quá đỗi yên bình ngay cả với những tiêu chuẩn dễ dãi nhất của chúng tôi. Có người gọi cho tôi báo tin, thông tin trung thực duy nhất trong suốt cả mùa hè ấy, là có một đống lổn nhổn khả nghi bên bờ con kênh đào trong địa phận thị trấn. Tôi lái xe tới đó, hình như vẫn mặc bộ đồ “lười”, và thấy đúng là có một đống đất bẩn cao chừng mười lăm feet. Khi xem xét kỹ hơn, tôi phát hiện nó được phủ một thứ gì đó trắng xốp. Thứ đó khiến tôi cảnh giác. Hãng sản xuất amiăng Johns Manville có nhà máy chính đóng cách đó chỉ vài dặm và hàng mấy trăm công nhân đã và đang làm việc cho họ mắc một chứng ung thư hiếm gặp do hít phải bụi. Tôi viết bài mở đầu về những phát hiện gây tò mò trên dòng kênh. Bài viết kéo được một chuyên gia từ cơ quan bảo vệ môi trường của bang tới kiểm tra thành phần chất bẩn. Đó chắc chắn là amiăng. Chuyện này thành tin thứ hai của tôi. Người chủ con kênh phản ứng bằng cách thuê một học sinh trung học kê tràng kỷ lên đỉnh đống đất và ngồi canh trên đó. Bài tiếp nối kèm theo một tấm ảnh trang nhất là bài thứ ba. Có đêm, khi tôi đi qua Forrest trong tòa soạn, ông thì thầm với tôi, “Amiăng. Cậu là người hùng. Phải, chính là cậu. Với cái thứ amiăng đó.” Tôi chẳng bao giờ biết được ông càu nhàu thế là có ý khen hay chê. Đến cuối tháng Tám, tôi nhận ra rằng tốt nhất là để cho Forrest viết về Bob Marley, đó là đam mê chưa thành hiện thực của ông.

Thật ra, không thể nói rằng tôi đã quyết làm nhà báo khi viết những bài về chất amiăng ấy, vì có thể tôi đã quyết chí từ lúc còn học lớp tám, khi xung phong làm tổng biên tập cho tờ báo trường. Nhưng có điều gì đó rất chắc chắn trong trải nghiệm ấy (viết bài về chất amiăng). Nó làm tôi cảm thấy, nghe có vẻ hơi nhàm, rằng công việc của tôi có thể có ích. Nó làm tôi cảm thấy mình thuộc về nhóm người như Jack Gill và Hollis Burke và Ann Devroy và Sam Meddis, và rằng tôi không phải kẻ theo đóm ăn tàn.

Ca trực cuối cùng mùa hè ấy kết thúc cũng như ca đầu tiên, tôi gọt giũa lại bài về chính quyền địa phương rồi đợi bài lên trang. Charlie Nutt, biên tập viên trực đêm, có lẽ chỉ hơn tôi bảy hay tám tuổi, nhưng có khuôn mặt cau có như người ở tuổi thất tuần. Không phóng viên nào được rời tòa soạn trước hai giờ ba mươi phút sáng trừ khi Charlie nói “chúc ngủ ngon”. Và anh ấy có vẻ rất khổ sở khi nói thế, cứ như thể về sớm vài phút sẽ là phạm tội lười biếng và làm hại tâm hồn chúng tôi vậy. Tôi thấy anh nói “chúc ngủ ngon” với giọng đều đều nghiêm nghị và không bao giờ rời mắt khỏi bất kỳ thứ gì đang biên tập. Chúng tôi sẽ chuồn vội ra như một lũ gián. Nhưng tôi thấy tiếc nuối khi nhận lời chúc ngủ ngon cuối cùng của mùa hè ấy, tiếc nuối vì điều gì đó thật nhiệm màu đã kết thúc.

Tôi kể cho bạn chuyện này vì chẳng hại gì khi bắt đầu từ đầu, và tôi kể vì bạn muốn tôi gợi ý, và bạn nên được biết ít nhiều về người đang khuyên bảo mình. Tôi không thể làm bạn chết khiếp với chuyện chiến tranh, kiểu như tránh đạn ra sao và tranh luận với tướng lĩnh thế nào, vì tôi chưa bao giờ đưa tin trận mạc cả. Tôi cũng không thể hù doạ bạn bằng tin mật từ Nhà Trắng, vì tôi chưa từng vào đó ngoài mục đích tham quan. Tôi đã viết các loạt bài điều tra về người nghèo, tham nhũng và lừa đảo ở Medicaid, nhưng tôi không thể tự giới thiệu mình là người chuyên phanh phui tiêu cực như Wayne Barrett hay Lowell Bergman. Dù viết báo hay viết sách, tôi đều dành phần lớn thời gian tìm hiểu những chủ đề vốn không được coi là khêu gợi hay hoành tráng – như văn hóa, tôn giáo, giáo dục, người nhập cư. Nếu được chọn, tôi sẽ luôn luôn muốn viết về những con người bình dị hơn là về ai đó có tiếng tăm. Và càng tiếp xúc với các đồng nghiệp làm báo, qua tiệc tùng hay ở tòa soạn, tôi lại càng cảm thấy mình có lỗi nếu bắt gặp ai đó trong số họ viết về cùng một đề tài với mình.

Theo cách riêng, tôi đã có được một sự nghiệp mà bạn cũng có thể có, hoặc ít nhất là loại sự nghiệp phổ biến trong nghề của chúng ta. Tôi đã chuyển từ một tờ báo nhỏ (Courier-News) tới một tờ báo cỡ vừa (Suburban Trib) rồi tới một tờ báo lớn (The New York Times), và tôi đã viết sáu cuốn sách, tính cả cuốn này. Tôi cũng đã giảng dạy báo chí ở Đại học Columbia từ mười lăm năm nay, còn học trò tôi đã tự viết được sách hoặc làm tin cho các cơ quan báo chí như National Public Radio, The New York Times, Los Angeles Times, NBC, Rolling Stone BusinessWeek.

Việc dạy học, bên cạnh việc làm báo, thúc đẩy tôi nghĩ về những điều cần có để trở thành nhà báo cũng như ý nghĩa của việc là một nhà báo. Trên giảng đường, và giờ đây là trong những trang viết này gửi tới bạn, tôi sẽ phải dùng ngôn ngữ giáo huấn. Khi mới nhận việc trợ giảng tại Đại học Columbia, tôi vẫn giữ quan điểm bất khả tri trong vấn đề có thể truyền dạy được nghề báo hay không[5]. Các lớp báo chí mà tôi theo học ở Đại học Wisconsin – trừ một vài ngoại lệ – hoàn toàn là lãng phí. Tờ báo trường, tờ Daily Cardinal, chính là lớp học của tôi, và kinh nghiệm là người thầy. Cố vấn tôi gặp trên đường làm báo chính là các biên tập viên và phóng viên kỳ cựu chứ không phải giảng viên ở bất kỳ khoa nào trong trường đại học. Dù vậy, tôi vẫn nói với những sinh viên đầu tiên của mình ở Columbia rằng trường học có sức mạnh thay đổi tư duy tôi, và nhà trường đã thực sự làm được điều đó. Tôi nhận ra mình có thể học được rất nhiều khi đối chiếu bài viết của sinh viên với phần biên tập của tôi. Tôi tin chắc rằng để tiến bộ thì lòng ham học hỏi và kỷ luật công việc nghiêm khắc quan trọng hơn rất nhiều so với năng khiếu.

Qua năm tháng, tôi cũng nhận ra một số yếu tố khiến đào tạo báo chí thất bại, đó là khi để cho một đám sinh viên sùng bái anh hùng đắm đuối với những câu chuyện chiến tranh của một ký giả ngôi sao. Tôi còn nhớ sinh viên học yếu nhất trong lớp đầu tiên của tôi ở Columbia đã hỏi liệu cậu ta có thể nghỉ một buổi học để đi nghe David Halberstam diễn thuyết hay không. “Nếu bạn đi nghe Halberstam,” tôi nói, “bạn sẽ không bao giờ trở thành Halberstam.” David Halberstam thật khởi nghiệp ở một tờ báo tại West Point, Mississippi, với lượng phát hành chỉ bốn ngàn bản. Nay, ở tuổi bảy mươi[6], ông vẫn làm việc năng nổ với hai bài phỏng vấn dài mỗi ngày dù đang nghiên cứu để viết sách. Còn về cậu sinh viên kia, người đã bỏ học đi nghe diễn thuyết, tôi không thể nói rằng đã từng nhìn thấy tên cậu ta đâu đó trên báo.

Tất nhiên là tôi không thể biên tập[7] bài vở cho bạn qua một cuốn sách như thế này, nhưng tôi hy vọng những điều tôi viết ở đây có thể giúp bạn tự biên tập bài mình tốt hơn. Cũng có những điều mà cuốn sách này không hề nhắm tới. Đây không phải là một cuốn sách giáo khoa hay lịch sử, hay công trình phê bình truyền thông dù các yếu tố của tất cả các loại sách ấy có thể xuất hiện lúc này hay lúc khác. Không một cuốn sách nào, dù là của tôi hay của bất kỳ ai khác, có thể chỉ dẫn cụ thể, chính xác từng tình huống cho phóng viên trẻ như một biên tập viên tài năng. Tôi đã có may mắn được làm việc với nhiều biên tập viên giỏi và tôi chúc bạn cũng có may mắn và cơ hội ấy.

Vậy, tôi có thể làm gì cho các bạn? Tôi hy vọng tôi có thể hướng dẫn bạn cách một nhà báo đối mặt với thế giới – với tư cách phóng viên, ký giả[8] và công dân. Tôi hy vọng truyền được cho bạn một số thói quen tư duy và tạo cảm hứng để phát triển cả kỷ luật làm việc cũng như tư cách đạo đức. Tôi đã dành hầu như toàn bộ sự nghiệp cho báo in nhưng những gì tôi có thể chia sẻ về nghiệp vụ, tính chính trực, lòng ham hiểu biết cùng sự quan tâm tới đời sống con người hoàn toàn có thể áp dụng được với những ai đang làm phát thanh, truyền hình hoặc báo điện tử. Và nếu như tôi nói với bạn về hội họa hoặc âm nhạc hay sân khấu, mà chắc chắn tôi sẽ nói, thì đó là vì tôi muốn giới thiệu với bạn những nghệ thuật có thể nâng tầm văn hóa và thậm chí cải thiện cuộc sống của bạn, nếu tôi có quyền mạnh miệng nói vậy. Những nhà báo giỏi nhất không bao giờ chỉ tập trung đọc hay xem hay nghe về báo chí; họ tìm kiếm hình mẫu và xúc tác từ văn chương, điện ảnh, nhạc jazz và mọi loại hình nghệ thuật tuyệt vời khác.

Tôi hình dung bạn là phóng viên báo trường như tôi ngày trước, là những sinh viên tôi đang dạy hiện nay, những phóng viên trẻ mà tôi làm việc cùng khi mới vào nghề. Tôi còn nhớ sự khát khao, ước vọng, sự nôn nóng và mong muốn tiến bộ. Tôi thích tài năng và tôi chỉ muốn dạy những người biết nỗ lực để trở nên xuất sắc. Đôi khi, tôi bực bội nói với các sinh viên, “Tôi trân trọng bài của các bạn. Câu hỏi là liệu các bạn có nghiêm túc với bài của mình hay không.” Tôi hứa sẽ khen ngợi các bài viết tốt. Tôi coi mình như một người đi trước chứ không phải cấp trên của bạn. Tôi xây dựng uy tín từ thất bại nhiều hơn là từ thành công. Tôi đã mắc tất cả các loại lỗi mà tôi sẽ cảnh báo bạn. Như một mục sư tôi quen biết từng nói với giáo đoàn của mình: “Nhà thờ không phải bảo tàng của bậc thánh thần mà là bệnh viện cho kẻ tội đồ.”

Vì vậy, tôi chào đón bạn. Tôi lấy làm vui sướng khi được bạn quan tâm. Cuối cùng, tôi muốn bạn tin, như tôi vẫn tin, rằng mình đã chọn một nghề có ảnh hưởng và có ích, một nghề không cần hối lỗi, một nghề có thể khiến bạn hạnh phúc.

Truyền thống cấp tiến

Tôi không có cách nào để nhận ra được điều ấy vào mùa hè năm 1975, nhưng văn hóa báo chí mà tôi đang hòa nhập khi đó qua đi rất nhanh. Máy chữ, hồ dán, máy điện báo, những người thợ in, phòng tư liệu đầy phong bì chứa bài cắt từ các báo, báo buổi chiều – với bạn, tất cả những thứ ấy đều xa lạ và cổ lỗ như thời đại Trang Nhất đối với tôi. Vài năm trước, khi tôi lái xe đưa gia đình về nhà sau bữa tối ngày Lễ Tạ ơn, con trai tôi cứ nhõng nhẽo đòi mua máy vi tính đời mới nhất (và đắt kinh khủng). Khi tôi từ chối, nó càu nhàu, “Bố già quá rồi, bố hết thời rồi.” Con gái tôi lại thích véo những thớ thịt nổi cộm ở cùi tay tôi. Tôi đã có tóc bạc và phải đeo kính hai tròng. Nhưng khi đánh máy, tôi nhìn đôi tay mình, gầy và đầy gân và mạch máu nổi rõ, như thể việc viết lách giữ chúng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, dù những bộ phận khác trong tôi đã già cỗi đến đâu.

Vì vậy, xin đừng kỳ vọng tôi bàn nhiều về xu hướng báo chí ngày nay. Tôi đã sống qua thời của băng tám rãnh, máy quay dùng băng beta và đĩa laser; tôi đã được nghe rằng không chung thủy giúp hôn nhân có thêm sức sống còn cocaine thì không gây nghiện. Việc chạy theo mốt được quá coi trọng khi nó không quá sai. Tôi thì quan tâm tới truyền thống. Vì tôi là sản phẩm của hai lò đào tạo giàu truyền thống: The New York Times và Trường Báo chí Columbia. Tôi không nói tới truyền thống theo nghĩa những phản ứng bắt chước, những công thức lặp đi lặp lại vô tận, càng không phải một lời ngụy biện cho thói lười biếng. Tôi nói về truyền thống như những gì bạn gặp trong các ca khúc của Muddy Waters hay Hank Williams, không nhất thiết phải là cái gì đó cổ xưa mà là những điều đáng trân trọng, đã được kiểm nghiệm, có sức sống bền bỉ và chân thật.

Hệ thống giá trị trong tư duy tôi – theo đó, một phóng viên là một người môi giới thông tin thật thà, cần mẫn đưa những tin tức đã được kiểm chứng và được viết ra không thiên vị, không vì lợi ích của đảng phái nào – là sản phẩm của thế kỷ trước, như Michael Schudson đã chỉ rõ trong tác phẩm không thể bỏ qua về lịch sử báo chí Mỹ, Discorvering the News. Nền báo chí Mỹ ban đầu là một ngành kinh doanh bị chính trị hóa quá mức và đầy định kiến, một kiểu blog và talk show[9] nhưng với công nghệ sơ khai. Bước tiến quan trọng của báo giới thời những năm 1900 là thực sự nhận thức được rằng công việc họ làm là để phục vụ cộng đồng, không bị quan điểm cá nhân ảnh hưởng chứ không giống như bào chữa. Họ đã tiến một bước căn bản khi tin rằng có thể vượt qua các định kiến của bản thân và điều chỉnh quản điểm cá nhân cho phù hợp với những thông tin thu được trong lúc đưa tin.

Khi tôi bắt đầu làm báo, những nguyên tắc này đã được thừa nhận từ vài thập kỷ và gần như đã trở thành chân lý không thể bị thách thức. Tôi cùng đám bạn học làm việc ở những tòa soạn theo đuổi lý tưởng khách quan nhưng về đến nhà thì lại đọc các tạp chí đang góp phần hình thành nền Báo Chí Mới[10], đầy đam mê, có tính cá nhân và phản biện – đó là Rolling Stone, Village Voice, New York trong thời hoàng kim của Clay Felker. Nỗ lực không mấy hiệu quả; chúng tôi phải tuân thủ các quy định về thẩm quyền, phỏng vấn người ở cả hai phía (đồng tình và phản đối vấn đề), và cố nhớ chữ viết tắt tên đệm của họ. Đôi khi, dường như chúng tôi tin rằng nếu mình không nói thì độc giả chẳng biết gì cả. Ở tờ Suburban Trib, những người biên tập ngôn ngữ[11] có lệ thêm vào bài định nghĩa của mọi thuật ngữ mà họ cho là đặc biệt hoặc không thông dụng. Hitler được chú thích là “tên độc tài khét tiếng thời Đệ Nhị Thế chiến” để mọi người hiểu rõ. Còn Đạo Hồi là “tôn giáo của người Hồi giáo”[12].

Nhưng ngày nay, nếu chỉ so sánh với chủ nghĩa hoài nghi và tính chất dễ bị mua chuộc thì truyền thống của nghề báo mang đậm tính đột phá. Như tác giả (và cũng là chủ nhiệm khoa ở Columbia) Nicholas Lemann chỉ ra, báo chí chính luận chưa bao giờ có tầm quan trọng lớn hơn đối với truyền thông đại chúng. Giữa blog, talk-radio và thế giới rộng lớn của Internet và truyền hình cáp, chẳng ai cần đối mặt với một thực tế hay phân tích nào đó để phủ nhận niềm tin mà mình hằng ấp ủ. Tôi nghe nói có những người xem kênh Fox News nhiều đến mức logo của hãng này in luôn lên màn hình TV của họ[13]. Thay vì để mọi người tự do nêu ý kiến như ở ngoài chợ, chúng ta có các kênh phát ngôn riêng. Rush Limbaugh một kênh và Air America một kênh khác. Nền báo chí được định hình qua việc sàng lọc một cách trung thực các sự kiện thời sự và những chuyện hài hước của cánh Tả và cánh Hữu. Họ còn tạo ra chữ viết tắt MSM cho từ mainstream media. Với khẩu hiệu “công bằng và cân bằng”, Fox đã biến những phẩm chất chính yếu trong nghề nghiệp của chúng ta thành trò đùa.

Còn câu đùa cay đắng của riêng tôi là tôi vẫn nhớ thời tờ New York Post còn đăng những bài phi hư cấu. Ý tôi là tôi nhớ về tờ báo trước khi nó bị Rupert Murdoch mua lại. Về cơ bản, tôi không tin vào Thuyết Vĩ nhân Lịch sử, nhưng trong trường hợp Murdoch, tài năng độc đoán của ông ta đã lây nhiễm những căn bệnh nguy hiểm nhất sang nền báo chí đương đại Mỹ. Ông ta biến tờ Post nghiêm túc và can đảm thành mớ giấy lộn giật gân nhảm nhí, tạo ra thể loại truyền hình “khổ nhỏ”[14] với các chương trình như Current Affair và cấp vốn cho kênh Fox News, một phong trào chính trị đội lốt cơ quan báo chí. Không có một cá nhân nào phải chịu trách nhiệm nhiều hơn Murdoch về việc làm suy đồi nghề nghiệp tôi theo đuổi và trân trọng. Và dù Murdoch có là kẻ mị dân thuộc cánh Tả chứ không phải cánh Hữu thì tôi cũng không thấy có gì khác. Chắc chắn là sẽ vẫn có đủ ý kiến phản đối của độc giả và chuyên gia từ phía đối lập.

Tôi tin rằng bạn sẽ tham gia trận chiến này. Tôi hiểu bạn còn quá trẻ để nhớ được báo chí khi nó chưa trở nên thảm hại như hiện nay. Hãy để tôi ví dụ cho bạn thấy báo chí đã từng ra sao và có thể trở lại như thế bằng cách nào, ít nhất là khi bạn làm báo. Phát thanh và truyền hình từng tuân thủ một đạo luật liên bang, được biết đến với tên “thuyết công bằng”. Về cơ bản, luật này quy định rằng Chính phủ đòi hỏi họ phải nỗ lực với thiện ý nhằm đảm bảo cân bằng chính trị trong các chương trình. Đổi lại, họ được phát sóng miễn phí[15]. Các đài cũng phải dành một tỷ lệ nhất định trong thời lượng phát sóng mỗi ngày cho các chương trình dịch vụ công. Một số chương trình có vẻ nghiêm túc; vài chương trình – tôi phải thừa nhận – thì quá nực cười. Lúc giới thiệu hai cuốn sách đầu, tôi phải ghi âm theo chương trình công của các đài chuyên phát nhạc rock-and-roll. Họ sẽ phát chúng vào một giờ trống[16] nào đó, chẳng hạn như sáu giờ sáng Chủ nhật.

Nhưng dù có thiếu sót gì đi nữa thì “thuyết công bằng” và toàn bộ tính nhạy cảm báo chí mà nó đại diện vẫn tốt hơn nhiều những gì đã thay thế nó. Khi “thuyết công bằng” bị Ủy ban Truyền thông Liên bang bãi bỏ năm 1987 và yêu cầu phát chương trình công không còn được củng cố trong xu thế giảm dần các quy định, một lượng lớn đài phát thanh thương mại biến thành công cụ vận động tranh cử và tuyên truyền của Đảng Cộng hòa. Không còn tồn tại tiếng nói nào khác, trừ một vài người đồng dẫn chương trình có tư tưởng tự do nhưng chỉ có tác dụng làm “bao cát” cho khán giả trút giận. (Và tôi không mấy nghi ngờ rằng nhiều đảng viên Dân chủ ước sao họ cũng phát hiện ra công thức này.)

Vì thế, thật là liều lĩnh khi tin – như tôi vẫn tin – rằng báo chí phải làm được nhiều hơn là thỏa mãn những định kiến. Cũng là liều lĩnh khi để cho thái độ và hành vi của bản thân đi ngược lại thực tế bất lợi. Và càng liều lĩnh hơn khi chấp nhận trách nhiệm nghề nghiệp, chứng minh bản thân bằng chính năng lực của mình, rằng làm báo không chỉ là mở một trang web để nói “tôi là nhà báo đấy”.

Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về những vấn đề này sau, tôi xin cam đoan như vậy, còn lúc này, tôi chỉ muốn khuyên bạn rằng truyền thống là điều đáng để các bạn rèn luyện. Tôi không có ý nói mọi nhà báo đều nên làm việc cho các cơ quan [báo chí] chính thống. Dù sao thì trong sự nghiệp, tôi cũng đã viết nhiều bình luận và pha trộn vào sách của mình chất chủ quan vốn bị cấm đối với tin tức trên nhật báo[17]. Nhưng tôi có ý rằng truyền thống là nền tảng không thể thay thế; truyền thống là điểm khởi đầu. Tôi nghĩ khi nhìn ra ngoài cửa sổ, chúng ta sẽ học được nhiều hơn là khi nhìn vào trong gương; ta sẽ học được bằng cách lắng nghe người khác nhiều hơn là bằng cách nói với chính mình. Như một cựu đồng nghiệp của tôi ở Columbia – một biên tập viên nổi tiếng hà tiện, người có một cây roi da dài treo trên tường văn phòng và mang cái tên rất hợp là Dick Blood – từng nói với sinh viên của mình, “Đấy gọi là đưa tin. Lúc nào đó các bạn nên thử xem sao.”

Tình trạng nền báo chí của chúng ta

Tôi ước gì có thể nói với bạn rằng bạn đang bước vào một thế giới sẽ chào đón, tôn trọng và yêu quý bạn. Tôi ước gì có thể kể với bạn về những nhà báo được tôn vinh anh hùng như họ đã từng là khi tôi bước vào đại học năm 1973. Bob Woodward và Carl Bernstein, Tom Wolfe và Seymour Hersh – họ làm cho nghề báo không chỉ có vẻ dũng cảm mà còn thú vị nữa. Tôi và đám bạn trong ký túc xá phải tranh giành những số báo New Times mới, tờ tạp chí đã phanh phui trường hợp Karen Silkwood và nhiều vấn đề khác. Không một người bạn nào của tôi theo học ngành kinh tế cả.

Sáng hôm qua, ngay trước khi bắt đầu viết cho bạn, tôi đang lướt qua tờ Times thì thấy dòng tít “Điều tra cho thấy phần lớn công chúng không hài lòng với các phương tiện truyền thông đại chúng”. Bài báo thông tin kết quả mới nhất của một chùm nghiên cứu về sự thất vọng trong công chúng đối với các phương tiện truyền thông. Nghiên cứu này do Trung tâm Nghiên cứu Con người và Báo chí Pew thực hiện và họ thấy rằng sự phân chia ra các bang-đỏ và bang-xanh đang lan sang cả quan điểm báo chí. Hơn bốn mươi phần trăm người ủng hộ Đảng Cộng hòa tham gia điều tra của Pew nói rằng các hãng tin đang làm tổn hại nền dân chủ; trong khi đó, năm mươi tư phần trăm người ủng hộ Đảng Dân chủ nói rằng truyền thông quá nhẹ nhàng với Tổng thống Bush.

Phát hiện này được công bố chỉ vài tháng sau một báo cáo còn chấn động hơn, Trends 2005, vốn cũng dựa trên điều tra của Pew. Điều tra đó phát hiện ra rằng một nửa số người được hỏi nói họ “ít tin hoặc hoàn toàn không tin vào nhật báo mình đọc” – con số này vào năm 1985 chỉ là mười sáu phần trăm. Niềm tin của công chúng dành cho báo chí, vốn đạt khoảng tám mươi lăm phần trăm vào năm 1973, đã tụt xuống dưới sáu mươi phần trăm chỉ trong một thập kỷ qua. Phần đông người được hỏi cho rằng báo chí không thể nói thẳng ra sự thật và lại còn thiên vị về chính trị.

Bước vào nghề báo dưới thời Nixon, khi mà rất nhiều nhà báo có tên trong danh sách kẻ thù chính thức của Nhà Trắng, tôi đã quen với mối quan hệ thù địch giữa Chính phủ với truyền thông. Nhưng cũng chẳng có gì là lạ khi nhà cầm quyền cố gắng định hướng tin tức theo ý mình. Franklin D. Roosevelt bị buộc tội “tung hứng” từ trước khi có người dùng từ này để chỉ việc thao túng truyền thông. John F. Kennedy tác động tới bạn bè làm báo để họ ỉm các bài về cuộc tấn công Vịnh Con Lợn. Nhưng trước thời Bush, tôi chưa bao giờ thấy chính quyền chủ động tìm cách phá hoại nghề báo – bằng cách thuê các nhà báo “dỏm” như Armstrong Williams đăng hàng loạt bài ca ngợi chính sách của Bush; bằng cách tuyển những gã lừa đảo như Jeff Gannon vào bộ phận phụ trách báo chí của Nhà Trắng để đặt câu hỏi tung hứng trong các buổi họp báo của Tổng thống; hoặc bằng cách quản lý các đài truyền hình công cộng và tìm cách làm điều tương tự với phát thanh. Một cuộc điều tra của bồi thẩm đoàn liên bang về rò rỉ thông tin ở CIA dẫn tới việc phóng viên của tờ New York Times, Judith Miller, bị bỏ tù vì không chịu tiết lộ danh tính nguồn tin, và còn rắc rối hơn nữa là việc tạp chí Time thỏa hiệp khi phóng viên Matt Cooper của họ bị đòi ra làm chứng trước bồi thẩm đoàn.

Cuối cùng thì Miller cũng khai báo với tòa khi được nguồn tin đồng ý – đó là phụ tá Phó Tổng thống Lewis Libby. Libby nay đã bị buộc tội khai man và một số tội khác; phiên tòa xử ông này hẳn sẽ có nhiều nhà báo ra làm chứng để truy tố một nguồn tin chính phủ, và như vậy là từ bỏ lời hứa bảo vệ nguồn tin. Những sự kiện này tạo ra điều gì đó thật bất thường, căng thẳng, các quyền lực hợp pháp xung đột với nhau, giữa Washington với đẳng cấp thứ tư[18]. Không khí nghi ngờ sẽ còn tiếp tục làm cho công việc của bạn thêm thách thức rất lâu sau khi mọi người – trừ những ai mê chuyện tầm phào – không còn nhớ nổi tên các nhân vật liên quan.

Hãy đối mặt với sự thật rằng nhà báo chúng ta có đủ lý do để bi quan. Tình trạng của chúng ta hiện nay ít nhất cũng là một phần kết quả của đất nước chúng ta đang sống. Dan Rather rời CBS để về hưu trong tủi hổ sau khi một phần của chương trình 60 Minutes – nói về thành tích chói sáng của George W. Bush khi tham gia lực lượng Vệ binh Quốc gia trong chiến tranh Việt Nam – bị phát hiện là dựa trên các tài liệu giả. Tạp chí Newsweek  đã rút lại một bài báo nói các nhân viên thẩm vấn Mỹ tại nhà tù Vịnh Guantanamo vứt tập bản sao kinh Koran[19] xuống toilet để làm nhục tù binh Hồi Ggiáo. Sai lầm này được chính quyền Bush tận dụng triệt để nhằm làm xói mòn nỗ lực đưa tin về hành vi ngược đãi tù nhân của sĩ quan Mỹ ở nhà tù này. Những năm gần đây đã chứng kiến nhiều phóng viên có tiếng bị buộc tội đạo văn và bịa đặt như vụ Jayson Blair và Michael Finkel của The New York Times, Jack Kelly của USA Today, Ruth Shalit và Stephen Glass của New Republic, Mike Barnicle và Patricia Williams của Boston Global và David Brock của American Spectator.

Trong khi các cơ quan báo chí liên quan mải tự hỏi họ đã phạm sai lầm gì thì bản thân các thủ phạm lại biến tội lỗi của họ thành một bước chuyển khủng khiếp về sự nghiệp. Janet Cooke của tờ Washington Post bị tước giải Pulitzer hai mươi lăm năm trước vì đã “tưởng tượng” ra bài phóng sự đoạt giải về một cậu bé tám tuổi nghiện heroin. Khi ấy, chị ta ít nhất cũng còn biết điều mà rút lui, chuyển sang làm nhân viên bán hàng cho một siêu thị. Nhiều kẻ đạo văn và bịa đặt thế hệ sau này lại kiếm được hợp đồng xuất bản sách tới sáu chữ số. Glass thì được đưa lên phim. Brock thành con cưng của cánh Tả nhờ phủ nhận các bài công kích theo quan điểm cánh Hữu của chính mình nhắm vào Anita Hill và Bill Clinton. Cá nhân tôi thì thấy có lý do chính đáng để chặt tay tất cả bọn họ.

Công chúng có vai trò riêng dù vai trò ấy đang mờ nhạt dần. Từ những chỉ trích đang lan rộng nhắm vào giới truyền thông trong các điều tra của Pew, bạn có thể nghĩ rằng khán giả và độc giả đang khao khát và ước ao một nền báo chí hạng nhất. Bạn có lẽ sẽ muốn đọc một bài của Michael Winerip đăng trên Tạp chí The New York Times mang tên “Looking for an 11 O’clock Fix”, hoặc thuê bộ phim tài liệu của David Van Taylor mang tên “Local News”. Từ Orlando (trong bài của Winerip) tới Charlotte (trong phim của Van Taylor), họ chỉ kể cùng một câu chuyện. Một đài truyền hình địa phương trong cuộc cạnh tranh gay gắt quyết định từ bỏ chương trình tội phạm ăn khách – mà như một châm ngôn trong ngành truyền hình là “cứ có máu sẽ có khách” – và thay bằng loại chương trình nghiêm túc, có cảm xúc, hướng tới các vấn đề mà công chúng lúc nào cũng nói là họ muốn xem. Kết quả là số người xem giảm mạnh ở cả hai thành phố.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà trình độ chuyên môn thì bị gièm pha còn phẩm chất chuyên môn thì bị nghi ngờ. Hầu như chẳng ai còn nhớ rằng thuật ngữ “quan liêu” ban đầu là một lời khen, nói về những công chức được tuyển dụng vì có năng lực chứ không vì quan hệ chính trị. Trong những năm qua, nhờ viết bài cho mục Giáo dục của tờ Times hàng tuần mà tôi đã nhận ra rằng một trong những phẩm chất hàng đầu của hiệu trưởng hay chủ tịch hội đồng quản trị một trường lớn là chưa hề có kinh nghiệm quản lý lớp học. Vì thế, tôi không ngạc nhiên, và bạn cũng không nên ngạc nhiên, khi thấy rằng các cơ quan truyền thông chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và đội ngũ được đào tạo bài bản bị chê là kém thân thiện và hung hăng. Khi chúng ta kém thân thiện và hung hăng thì chúng ta đáng bị chê trách. Khi chúng ta làm tốt việc của mình với chất lượng hơn hẳn những người nghiệp dư hay những người chỉ làm việc theo sở thích thì không cần phải hối lỗi vì tài năng của mình.

Không phải tôi dọa bạn. Tôi chỉ hy vọng bạn có chút cảm hứng với thử thách. Thời tôi ở tuổi bạn, đặc thù nghề báo đã thu hút rất nhiều người ưa trưng diện. Điều bạn có thể nói về sự thất sủng của báo chí hiện nay là nó đã loại bỏ tất cả những ai không có đam mê. Nếu bạn thực sự tin rằng báo chí là công việc của đời mình thì không ai và không điều gì có thể lay chuyển được bạn. Thậm chí ngay trong những ngày đen tối nhất, bạn sẽ vẫn thấy dấu hiệu phát triển – NPR lớn mạnh đáng kinh ngạc, SalonSlate lên mạng Internet, USA Today vốn lá cải trở nên nghiêm túc và thành công trên cả nước, truyền hình cáp phát sóng hai mươi tư giờ từ thành thị đến thôn quê.

Vậy, đừng nghĩ nghề báo sẽ lụi tàn. Hệ thống phát hành có thể chuyển từ giấy sang máy tính, phóng viên có thể được đổi tên thành “nhà cung cấp nội dung”. Các ấn phẩm từng được yêu thích và tôn sùng có thể biến mất khi hàng loạt chương trình truyền hình thực tế phát triển mạnh mẽ. Nhưng lòng ham hiểu biết, những khảo cứu mạch lạc, những phân tích sắc sảo và văn chương thanh nhã sẽ không bao giờ lỗi mốt. Có chăng thì chỉ là khi nguồn cung hạn chế thì những phẩm chất ấy lại càng thêm giá trị.

Nhiều năm trước, khi viết cuốn sách về người Mỹ gốc Do Thái, tôi tìm được một tiểu luận chỉ trích người Do Thái vì họ lúc nào cũng lo bị tuyệt chủng; nó được đặt tên một cách gượng gạo là “The Ever-dying People”. Trong suốt những năm làm phóng viên của Times, tôi theo dõi Broadway, những nhà hát mà trong nhiều thập kỷ cứ nghĩ rằng mình sắp sập tiệm đến nơi và được gán cho biệt danh “Người bệnh hoang tưởng”[20]. Một trong những vở diễn hay thời tôi còn phụ trách – vở “A Chorus Line”, có một cảnh gây xúc động mà có thể bạn sẽ thích. Một vũ nữ tên là Bebe vừa được phân vai trong vở diễn và lẽ tự nhiên là cô thấy hân hoan. Tuy nhiên, những thành viên còn lại trong dàn hợp xướng đều phàn nàn rằng “nghề vũ công không có gì đảm bảo”, “không có thăng tiến và phát triển”, “không còn việc mà làm nữa”. Bebe gào lên phản ứng lại, “Tôi không muốn nghe chuyện Broadway đang chết dần ra sao. Bởi vì tôi đã đến được đây”.

(Còn tiếp 5 kì)

Dịch theo bản gốc tiếng Anh Letters to a Young Journalist (Art of Mentoring) của Samuel G. Freedman, Basic Books, New York, 2005. Bản tiếng Việt của Lưu Quang đăng trên pro&contra không phục vụ mục đích thương mại.


[1] Bản dịch này sẽ giữ nguyên dạng tiếng Anh những từ ngữ và khái niệm không có trong tiếng Việt.

[2] Tác giả có ý nói mình dùng từ hoa mỹ nên chúng tôi giữ nguyên văn tiếng Anh để độc giả tiện theo dõi.

[3] Ám chỉ môi trường báo chí cạnh tranh gay gắt, đôi khi bất chấp thủ đoạn nhưng cũng vô cùng sôi nổi – đây vốn là tên một vở hài kịch nổi tiếng của hai phóng viên ở Chicago là Ben Hecht và Charles MacArthur; vở kịch được trình diễn lần đầu năm 1928.

[4] Ở miền Đông Bắc nước Mỹ trước đây có khá nhiều đoàn kịch chỉ công diễn vào mùa hè (thường từ tháng Bảy tới tháng Mười) để tận dụng sân khấu và phục trang của các đoàn kịch lớn. Diễn viên trong các đoàn này thường là trẻ tuổi, mới bắt đầu nghề diễn. Ở đây, tác giả có ý nói mình được giao công việc không quan trọng.

[5] Tác giả cố tình diễn đạt cầu kỳ vì ở trên đã nói sẽ dùng ngôn ngữ giáo huấn – chúng tôi giữ nguyên lối diễn đạt này.

[6] Khi tác giả viết cuốn sách này thì Halberstam vẫn còn sống.

[7] Nguyên tác dùng từ line-editor, nghĩa là biên tập dòng – công nghệ máy tính thời kỳ đầu chỉ cho phép người ta sửa chữa từng dòng một, thay vì biên tập toàn bộ văn bản cùng lúc.

[8] Tác giả dùng hai từ reporter writer để phân biệt người đưa tin (news) với người viết phóng sự (features).

[9] Chương trình truyền hình mà trong đó một nhân vật nổi tiếng trả lời trực tiếp các câu hỏi của khán giả hoặc của người dẫn, còn được gọi là Chat show ở một số nước.

[10] Phong cách nổi lên ở Mỹ trong thập niên 1960-1970, sử dụng các thủ pháp văn học vào tác phẩm báo chí, được gọi theo tên tuyển tập các tác phẩm của một số nhà báo danh tiếng đương thời như Tom Wolfe, Truman Capote,…

[11] Nguyên văn: Copy editor

[12] Trong tiếng Anh, Hồi giáo là Islam nhưng người theo đạo Hồi lại được gọi là Muslim.

[13] Trong TV sử dụng công nghệ LCD, các điểm ảnh (pixel) sẽ mở hoặc đóng khi có ánh sáng đi qua để tạo ra hình ảnh. Nhưng công nghệ này có nhược điểm là các điểm ảnh có thể bị “chai” hoặc “chết”, tức là luôn luôn ở trạng thái đóng hoặc mở. Nếu một người chỉ xem chương trình của Fox News thì màn hình sẽ liên tục hiển thị logo của kênh này và các điểm ảnh ở vị trí logo chỉ hiện thị một màu trong thời gian rất dài rồi dần dần bị “chai”, đến khi chuyển sang kênh khác thì các điểm ảnh ấy không hoạt động bình thường nữa, tạo ra một cái bóng logo của Fox News trên màn hình. Ở đây tác giả chỉ có ý ám chỉ rằng có những người mê một kênh truyền hình nào đó quá mức.

[14] Ý nói nội dung lá cải vì các báo lá cải đều in khổ nhỏ.

[15] Các đài phát thanh và truyền hình (mà phần lớn thuộc sở hữu tư nhân) không phải trả tiền thuê các kênh sóng (thuộc sở hữu quốc gia).

[16] Nguyên tác dùng từ black hole, có nghĩa là “lỗ đen”, ám chỉ giờ không có ai nghe đài.

[17] Tác giả dùng từ “chính thống” để chỉ các cơ quan báo chí theo đuổi tính khách quan.

[18] Một cách gọi đùa báo giới. Nguồn gốc thuật ngữ này vẫn chưa thống nhất nhưng nó thường được cho là do Edmund Burke, một nghị sĩ Anh gốc Ireland, sáng tạo vào năm 1787 và dùng lần đầu trong một bài diễn thuyết trước Nghị viện Anh. Nó bắt nguồn từ hệ thống đẳng cấp của Vương quốc Anh, gồm Tăng lữ (Lord Spiritual), Quý tộc (Lord Temporal) và Thứ dân (Commons). Ở Mỹ, người ta dùng thuật ngữ này với hàm ý báo chí là một lực lượng độc lập với chính quyền – báo giới là một đẳng cấp riêng.

[19] Còn được viết là Qu’ran, kinh của Hồi giáo – bản dịch giữ nguyên cách viết của tác giả.

[20] Nguyên văn: Fabulous Invalid