Tác giả

Chuyên mục

Trang

Tử tù Claude Gueux (2)

Th12 5, 2014

Victor Hugo

Phạm Hồng Sơn dịch và chú thích

Xem kì 1toàn văn trong bản PDF

Nơi diễn ra những việc vừa nói là một căn buồng hình chữ nhật có các cửa sổ trổ dọc theo hai bức tường dài và có hai cửa ra vào ở hai đầu. Các máy cùng các bệ vừa để nằm vừa để ngồi làm việc được bố trí ở hai bên gần các cửa sổ, vuông góc với tường, tạo thành một khoảng trống ở giữa làm thành một lối đi hẹp thẳng tắp từ đầu này tới đầu kia của căn buồng. Lão giám xưởng sẽ đi trên con đường dài và hẹp đó khi đi tuần. Lão sẽ vào từ cửa Bắc, đánh mắt sang hai bên và ra bằng cửa Nam. Thường lão đi khá nhanh, không dừng bước.

Claude đã trở về bệ của gã bắt đầu làm việc riêng của mình giống như người tù bên cạnh, kẻ đã từng ra tay giết hụt một viên công chức vô lại [1], đang bắt đầu bài nguyện hàng ngày.

Tất cả chờ đợi. Giờ khắc quyết định đến gần. Bỗng một tiếng chuông vang lên. Claude buột miệng: 15 phút nữa. Xong, Claude đứng lên, xuống lối đi về phía bệ nằm đầu tiên bên trái cạnh ngay cửa vào. Claude đứng chờ, nét mặt hoàn toàn điềm tĩnh, nhân từ.

Chuông điểm chín giờ. Cửa mở ra. Lão giám xưởng đi vào. Cả căn buồng lặng băng như một nhà chứa tượng.

Giám xưởng vẫn đi một mình như mọi khi.

Lão đi vào với dáng vui tươi, mãn nguyện, dứt khoát. Lão không nhìn thấy Claude lúc đó đang ở bên trái, bàn tay phải đút trong quần, đang đi rất nhanh ra phía trước khu bệ đầu tiên, đầu gật gật, lẩm nhẩm điều gì trong miệng, nhìn đâu đó bằng con mắt vô hồn, không biết mọi con mắt đều đang dán vào gã với một ý nghĩ ghê rợn.

Bỗng giám xưởng bật quay người lại vì có tiếng chân bước phía sau.

Claude đã lặng lẽ đi sau lão được mấy bước.

“Mày làm gì ở đấy đấy?” Giám xưởng nói, “Sao không ở chỗ của mày?”

Một con người sẽ bị coi không bằng con chó nếu không còn được coi là con người nữa.

Claude vẫn từ tốn trả lời:

“Thưa ông, vì tôi muốn được nói với ông.”

“Gì?”

“Trắng.”

“Vẫn thế à!”

“Vâng.”

“Thế đấy,” lão giám vẫn rảo bước. “Hai mươi bốn tiếng trong ca-sô đối với mày chưa đủ sao?”

Claude vừa lẽo đẽo phía sau vừa nói:

“Thưa ông giám, hãy trả lại bạn cho tôi.”

“Không đượ..c.”

“Thưa ông,” sự rờn rợn thấy lạc trong giọng Claude. “Tôi van ông đấy, trả Trắng về cho tôi rồi ông sẽ thấy tôi làm việc tốt hơn. Ông đang được tự do, cũng đúng thôi, ông không hiểu ý nghĩa của một người bạn đâu. Nhưng tôi, chỉ có bốn bức tường cao chót vót. Ông có thể đến rồi về. Tôi chỉ có mỗi Trắng thôi. Hãy trả cậu ấy cho tôi đi. Trắng đã nuôi tôi, ông biết rõ mà. Làm thế ông chỉ mất có mỗi câu ‘Ừ’ thôi. Tất cả những cái ông cần làm chỉ là để cho một kẻ tên Claude được sống cùng buồng với một kẻ tên Trắng thôi, không hơn đâu. Thưa ông giám xưởng, ông D. tốt bụng của tôi, nhân danh trời xanh, tôi van xin ông đấy!”

Có lẽ chưa bao giờ Claude nói nhiều như thế với một cai tù. Sau đó, gã im lặng vẻ kiệt sức. Lão giám xưởng gằn giọng:

“Không được. Đã nói rồi. Đừng lải nhải lại chuyện này nữa. Mày đang quấy rầy tao đấy.”

Vẻ vội vã, lão giám rảo bước nhanh hơn và Claude cũng rảo theo. Cả hai cùng tiến đến gần chiếc cửa ra ở phía Nam. Tám mươi mốt đôi mắt không bỏ sót một cử chỉ nào của hai người và bằng ấy đôi tai cố bắt hết những âm thanh phát ra từ họ, tất cả hổn hển vì căng thẳng.

Claude giơ tay giữ nhẹ vào áo giám xưởng:

“Nhưng ít nhất tôi cũng phải được biết tại sao tôi lại bị kết vào đường chết như thế chứ. Cho tôi biết tại sao ông lại chia li chúng tôi?”

“Tao đã nói rồi,” lão giám trả lời. “Vì.”

Rồi hất lưng về Claude, lão giám đưa tay ra trước với vào quả đấm cửa.

Lão cai dứt lời, Claude lùi lại một bước. Tám mươi mốt đôi mắt nhìn bàn tay phải Claude rút khỏi quần, rìu giơ lên cao và trước khi lão cai rú lên một tiếng, ba nhát bổ xuống cùng một điểm vào đầu lão cai, sọ toác ra. Khi cái thân đang bổ ngửa ra sau, nhát thứ tư chẻ ngay vào giữa mặt. Theo đà lưỡi rìu phăng thêm một nhát vào đùi, thành nhát thứ năm, nhát vô ích. Lão giám đã chết rồi.

Xong, Claude ném rìu xuống, hét lên: Nào, giờ đến thằng kia! Thằng kia, chính là gã. Mọi người thấy gã rút từ trong áo khoác ra cái kéo nhỏ của “vợ gã” và, không ai kịp nghĩ gì, gã cắm phập chiếc kéo vào ngực mình. Nhưng lưỡi kéo quá ngắn so với vồng ngực. Gã ngoáy kéo điên loạn trên ngực vừa rống: “Tim ơi, đồ chết tiệt, mày đâu rồi!” rồi ngã đổ xuống vũng máu tràn trên sàn, bất động.

Kẻ nào là nạn nhân của kẻ nào trong hai thân người đang nằm đó?

Khi tỉnh lại, Claude thấy mình đang nằm trên một chiếc giường được phủ khăn trải đàng hoàng với đầy bông băng và sự quan tâm. Gần đầu giường có mấy xơ vẻ thánh thiện đang túc trực và một viên dự thẩm [2] đến để lập hồ sơ, người này lên tiếng sốt sắng:

Anh thấy trong người thế nào?

Gã đã mất nhiều máu, nhưng chiếc kéo mà gã rất tin tưởng đã phụ công gã, không gây ra cú chí mạng nào cho gã như gã đã làm cho M.D.

Cuộc thẩm vấn bắt đầu. Người ta hỏi có đúng gã đã giết ông giám xưởng của nhà tù Clairvaux không, gã trả lời: Đúng. Hỏi tại sao. Gã trả lời: .

Có lúc các vết đâm bị tấy lên gây ra những cơn sốt hầm hập cơ hồ gã sẽ chết.

Tháng Mười Một, Mười Hai, Một và Hai đều trôi qua trong sự săn sóc và chuẩn bị. Thầy thuốc và các viên dự thẩm thay nhau vây quanh gã. Một phía cố chữa lành các vết thương của gã, còn phía kia chuẩn bị dựng đoạn đầu đài cho gã.

Ngày 16/3/1832, Claude, với sức khỏe hoàn toàn hồi phục, bị đưa ra tòa đại hình tại Troyes. Dân của thị trấn nô nức đến xem, tất cả ai đi được đều thấy có mặt ở tòa.

Claude trông rất đàng hoàng trước tòa. Râu được cạo rất cẩn thận. Đầu trọc nhẵn thín, khoác bộ đồng phục phẳng phiu màu ghi buồn của nhà tù Clairvaux.

Ông công tố viên đã cho cả toán lính bộ binh của quận vào choán trong phòng xử, ông nói với cử tọa là “để trông chừng những tên tội phạm sẽ phải ra làm chứng trong vụ này”.

Trong phần tranh tụng đã xảy ra một chuyện đặc biệt. Tất cả những người đã chứng kiến những việc xảy ra trong cái tối 4 tháng Mười Một đó đều từ chối khai báo. Ông chánh thẩm đã phải đe cả bọn tù làm chứng phải lên tiếng, nếu không ông sẽ dùng đến quyền chuyên quyết [3], nhưng cũng vô dụng. Chỉ đến khi Claude ra hiệu, tất cả lũ tù mới động đậy miệng, rồi từng người kể lại những gì đã trông thấy.

Claude nghe hết sức chăm chú. Mỗi khi có người quên hoặc cố ý bỏ sót tình tiết bất lợi cho bị cáo, Claude lên tiếng bổ sung ngay.

Các nhân chứng lần lượt dựng lại trước tòa tất cả những sự kiện chúng ta đã thấy ở trên.

Có lúc tất cả đàn bà con gái trong khán phòng đều khóc. Rồi đến lượt Trắng bị gọi ra. Liêu xiêu bước vào tòa và khóc nấc lên khi trông thấy Claude. Trắng chạy đến ngã vào lòng Claude trước sự sững sờ không kịp trở tay của các hiến binh. Claude ôm lấy Trắng, mỉm cười và hướng về công tố viên: “Đây, đây chính là kẻ khốn khổ đã chia bánh của hắn cho những kẻ đói rét hơn đấy.” Claude nâng bàn tay của Trắng lên, từ từ chạm môi vào.

Khi mọi nhân chứng đã nói hết, ông công tố viên đứng lên trịnh trọng: “Thưa các quí vị phụ thẩm, xã hội ta chắc chắn sẽ bị quấy đảo tận gốc rễ nếu pháp luật của nhà nước không trừng trị những tên thủ phạm nghiêm trọng như kẻ phạm tội này…”

Hết bài luận tội nhớ đời này là đến lượt luật sư của Claude. Ông luật sư tuần tự trình bày các căn cứ kết tội và gỡ tội để làm cho đủ các thủ tục mà người ta vẫn gọi là các qui định tố tụng hình luật.

Nhưng Claude cho rằng mọi điều vẫn chưa được nói hết. Tới phiên mình gã đứng dậy. Tất cả cử tọa kinh ngạc vì cách trình bày sáng sủa, khúc chiết của gã. Người ta có cảm tưởng gã thợ đáng thương này có tố chất của một nhà hùng biện hơn là của một tên sát nhân. Đầu ngẩng cao, lưng thẳng, giọng truyền cảm, mạch lạc và hết sức chủ động, đôi mắt sáng, chân thành, cả quyết, với một cử chỉ gần như không đổi nhưng đầy uy lực. Phần thuật của gã toát lên sự mộc mạc, nghiêm túc và chính xác đúng như sự việc đã diễn ra, không thêm không bớt. Gã thừa nhận tất cả rồi đưa mắt nhìn vào cuốn Hình luật có Điều 296  “Tội giết người có chủ ý” để ngay phía trước, rồi đầu hơi ngả ra sau làm nhiều người hình dung ra tư thế của kẻ đang đưa đầu vào máy chém. Đám đông dự khán nhiều lúc lặng đi vì xúc động và vì những câu gã nói có lúc cứ vang lên trong đầu họ nhiều lần. Tiếng rì rầm của cử tọa thỉnh thoảng rộ lên giúp gã thêm được mấy giây lấy hơi và ném ánh mắt dõng dạc vào đám nhân viên tòa. Có những lúc kẻ vô học mù chữ đó còn có dáng nhã nhặn, lịch lãm đặc biệt của hạng thức giả. Gã còn sải chân bước, đi đi lại lại trong khu tranh tụng một cách từ tốn, tiết chế, chăm chú và độ lượng khi nhìn các thẩm phán. Chỉ duy nhất có một lúc gã đã để cho cơn giận trào lên. Đó là khi ông công tố viên, người đã phát ra bản luận tội đáng nhớ mà chúng ta đã thấy đầy đủ ở trên nói rằng, Claude đã đang tay giết viên giám đốc xưởng tù mà không hề có bạo hành hay bạo lực từ phía nạn nhân, nghĩa là hoàn toàn không có khiêu khích.

“Sao!” Claude gằn lên. “Không kẻ nào khiêu khích tôi! À, mà đúng đấy. Chính xác. Tôi đã hiểu quí ngài. Một kẻ say đấm vào mặt tôi, tôi giết chết hắn thì tôi sẽ được ngài cho hưởng ân huệ vì bị khiêu khích. Nhưng một kẻ, không say, hoàn toàn tỉnh táo, cố tình bóp nghẹt tim tôi trong suốt bốn năm, nhục mạ tôi trong suốt bốn năm, nhạo báng tôi hàng ngày, hàng giờ, hàng đêm, không phút nào ngưng bằng sự chế giễu, châm chọc bất kỳ lúc nào thì không phải là khiêu khích, hả! Tôi chỉ có một người đàn bà yêu thương, hắn xúc xiểm người đàn bà ấy. Tôi chỉ có một đứa con yêu dấu, hắn phỉ báng đứa con ấy. Tôi không đủ bánh để sống và được một người bạn cho ăn, hắn cướp luôn người bạn cùng miếng bánh. Tôi xin hắn trả lại bạn, hắn cho tôi vào ca-sô. Tôi thưa hắn là ông, hắn gọi tôi là mày. Tôi nói tôi đang đau lòng lắm, hắn bảo tôi đừng làm phiền. Vậy các ngài muốn tôi phải làm gì, làm gì? Tôi giết hắn. Đúng thế. Tôi là một con quái vật, tôi đã giết chết thằng người đó mà không hề bị khiêu khích hay chọc ghẹo, vậy các ngài hãy chặt đầu tôi đi. Chặt đi!”

Cơn giận đỉnh điểm bỗng chốc làm người ta nhớ lại ngoài những thứ khiêu khích bằng tay chân mà pháp luật thường xem xét một cách phiến diện để ân giảm tội trạng còn có một kiểu khiêu khích khác nữa, khiêu khích tinh thần.

Phần tranh tụng chấm dứt. Ông chánh thẩm đứng lên đọc bản kết luận vụ án với những từ ngữ khách quan và minh xác như thế này: sống lông bông, hung dữ, Claude Gueux đã bắt đầu tội lỗi bằng việc chung chạ với một con điếm, rồi đi ăn trộm, và cuối cùng là giết người.

Tất cả những điều đó đúng.

Khi đưa các phụ thẩm vào nghị án, ông chánh thẩm hỏi bị cáo có điều gì muốn nói thêm về vụ việc không.

“Ít thôi.” Claude nói. “Chẳng hạn, tôi là một tên ăn trộm, một kẻ giết người. Tôi đã ăn trộm, tôi đã giết người. Nhưng tại sao tôi lại phải ăn trộm? Tại sao tôi lại phải giết người? Hãy thêm hai câu hỏi này vào phần cân nhắc của các vị, thưa các ông.”

Sau mười lăm phút bàn bạc, mười hai cư dân trong vùng, mà người ta gọi là các quí ông phụ thẩm, tuyên bố án phạt dành cho Claude Gueux: tử hình.

Ngay từ lúc tranh tụng nhiều người đã ngạc nhiên vì tên của bị cáo – Gueux –  kẻ khốn cùng.

Mọi người đều hiểu Claude đã có phán quyết riêng của gã:

Được thôi. Nhưng tại sao kẻ đó lại đi ăn trộm, tại sao kẻ đó lại phải giết người? Đó, họ không trả lời được.”

Trở lại hầm giam, gã thở phào: 36 năm đã xong!

Gã không muốn kháng án. Có một xơ, người đã từng chăm sóc gã trước đây, đến gặp gã, xin gã hãy làm đơn kháng cáo. Xơ khóc. Cuối cùng gã chiều lòng xơ nhưng đã khước từ tới tận giây cuối cùng vì khi gã điểm chỉ vào lá đơn đề nghị phá án thì thời hạn 3 ngày theo luật định đã trôi qua từ nhiều phút trước. Người xơ hiền từ để tỏ lòng biết ơn đã đưa tặng gã đồng 5 franc. Gã cầm lấy tiền và cảm ơn.

Trong suốt thời gian chờ đợi phá án, các tù trong vùng đều giục giã và nhiệt tâm gợi ý sẵn sàng giúp Claude đào thoát. Gã từ chối. Ở bên ngoài đã ném vào ca-sô của gã lần lượt ba thứ: một chiếc đinh, một đoạn dây thép và một quai xô. Chỉ một trong ba thứ đó đã đủ cho một người tháo vát như gã phá tan cùm và song cửa. Nhưng gã đã đưa cả ba thứ đó cho lính canh.

Ngày 8 tháng Sáu năm 1832, sau bảy tháng và bốn ngày, quyết định cuối cùng cũng bò được tới nơi. Hôm đó, 7h sáng, một nhân viên của tòa vào tận ca-sô của Claude thông báo gã chỉ còn một giờ đồng hồ nữa để sống. Kháng án đã bị bác.

“Nào đi thôi, đêm qua mình đã có một giấc rất ngon mà không ngờ đêm mai còn ngon hơn.” Claude thản nhiên nói.

Lời nói của những kẻ can trường lúc cận kề tử thần hình như luôn phải lãnh một sứ mệnh chứng thực cho một chân lý nào đó.

Linh mục rồi đao phủ lần lượt đến. Claude đón người đầu bằng sự kính cẩn và tiếp người sau bằng sự nhã nhặn. Gã không chối bỏ con người gã, cả phần xác lẫn phần hồn.

Gã vẫn giữ được nguyên vẹn sự tự do toàn hảo của tinh thần. Trong khi ngồi để cắt tóc [4] gã nghe thấy có người nói về dịch tả đang đe dọa cả vùng, gã mỉm cười: Tôi bây giờ còn sợ gì tả.

Nhưng gã hết sức chú tâm khi nghe linh mục nói, gã thú nhiều tội lỗi và tỏ ra hối tiếc đã không được học đạo.

Thể theo ý gã, người ta đã trả lại gã cái kéo gã đã dùng để giết gã nhưng không thành. Cái kéo thiếu mất một lưỡi vì đã phải nằm lại trong ngực gã. Gã xin cai tù trao cái kéo đó cho Trắng. Gã cũng muốn mọi người giúp gã chuyển thêm cho Trắng một món quà là suất bánh của gã trong ngày hôm đó.

Ngoài ra, Claude đề nghị những người trói tay gã hãy đặt đồng 5 franc vào bàn tay phải của gã. Đây là số tiền gã đã nhận từ một xơ và cũng là tài sản duy nhất còn lại của gã.

Tám giờ kém mười lăm, Claude bước ra khỏi nhà tù, theo sau là đoàn tù đưa tiễn, im lặng, u buồn. Chân trần, da xanh xao, mắt nhìn vào cây thập tự phía trước trong tay linh mục, Claude tiến thẳng bằng những bước chắc chắn.

Ngày ấy đã được chọn để hành quyết Claude là vì đó là phiên chợ, để càng nhiều người thấy vụ hành quyết càng tốt. Nước Pháp vẫn còn nhiều nơi mông muội, người ta reo hò nhảy múa khi thấy xã hội giết đi một con người.

Claude đĩnh đạc đặt chân, bước lên đoạn đầu đài nơi để chiếc máy chém, mắt không rời cái giá đóng đinh Chúa. Gã tỏ ý muốn vòng tay ôm linh mục để cảm ơn và ôm đao phủ để tỏ sự thông cảm. Đáp lại, người đao phủ nhẹ nhàng đẩy lại gã vào vị trí. Khi người phụ đã chằng xong gã vào cỗ máy gớm ghiếc, gã làm dấu để vị linh mục cúi xuống cầm lấy đồng 5 franc đang nằm trong bày tay phải:

Dành cho những người nghèo, Cha ạ.”

Ngay lúc đó đồng hồ điểm tám giờ, âm vang từ tháp chuông tỏa trùm lên tiếng nói của gã, vị linh mục nói rằng ngài không nghe thấy gì. Claude chờ, đón đúng vào điểm lặng giữa hai tiếng chuông, nhỏ nhẹ:

Cho người nghèo.

Tiếng chuông thứ tám chưa kịp ngân, đầu Claude đã rơi.

Những cuộc hành quyết nơi công cộng gây ra những tác động thật đáng phục! Ngay chính hôm đó, khi chiếc máy chém vẫn còn dựng đứng, còn nguyên chưa chùi rửa, những người mua bán quanh đó đã tụ tập nhau lại để ca cẩm về một loại thuế và mưu toan giết đi người thu thuế. Đó, pháp luật nào dân chúng đấy.

Chúng tôi đã thấy cần phải kể lại từng chi tiết trong câu chuyện về Claude Gueux là vì mỗi phần của câu chuyện có thể làm thành đầu đề cho một chương trong cuốn sách nhằm giải quyết cái vấn nạn gay go của chúng ta trong thế kỷ XIX này.

Trong cuộc đời đáng thương vừa kể, chúng ta thấy có hai phần quan trọng, trước và sau khi sa tội. Trong mỗi phần đó đều có hai câu hỏi lớn: giáo dục và hình phạt. Và giữa hai câu hỏi đó là toàn thể xã hội của chúng ta.

Con người đã bị chém đầu đó, chắc chắn đã được sinh thành một cách tốt đẹp, đã được thiên nhiên tạo tác một cách chu đáo và hào phóng. Vậy, anh ta còn thiếu cái gì? Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ.

Đấy chính là bài toán lớn về sự phân bổ tỷ lệ mà lời giải vẫn đang phải tìm để giúp con người chúng ta có một cân bằng hoàn chỉnh: Rằng xã hội cũng phải quan tâm, chăm chút con người như thiên nhiên đã quan tâm, chăm chút.

Hãy nhìn lại Claude Gueux. Một bộ não được cấu tạo tuyệt vời, một trái tim được tạo tác nhân hậu. Nhưng số phận lại đưa anh ta vào một xã hội được chế tác dở tới mức anh ta phải kết thúc bằng việc ăn trộm. Rồi xã hội lại đẩy anh ta vào một nhà tù tồi đến mức anh ta phải cáo chung bằng việc giết người.

Ai là thủ phạm thực sự? Anh ta? Hay chúng ta?

Những câu hỏi nghiêm trọng, đau lòng này đang khẩn nài tất cả những bộ óc, đang vật nài quan tâm của tất cả chúng ta dù chúng ta là ai, và một ngày nào đó chúng sẽ chặn đứng chúng ta lại, bắt chúng ta phải đối diện và trả lời những yêu cầu của chúng.

Kẻ đang viết những dòng này sẽ thử cố đưa ra một cách giải quyết có thể khả dĩ cho những câu hỏi đó.

Khi chúng ta cùng trông thấy những nghịch cảnh giống nhau, khi chúng ta cùng lo lắng về sự khốn khổ do những nghịch cảnh đó gây ra, chúng ta phải tự hỏi chính quyền sinh ra để làm gì nếu chính quyền lại không quan tâm, lo lắng tới những vấn đề đó.

Nhưng chắc chắn rồi, cả hai Viện của Quốc hội vẫn tất bật quanh năm suốt tháng đấy chứ. Quốc hội cần phải loại bớt đi những chức vụ “ăn không, ngồi rồi”, cắt đi những khoản chi vô ích cho ngân sách quốc gia và cũng rất cần phải làm ra những bộ luật để những kẻ như tôi phải đóng bộ quần áo lính để đi gác cửa nhà cho quí ông bá tước vùng Lobau [5] mà tôi không quen biết và cũng chẳng muốn quen biết, hoặc buộc phải tham gia vào đoàn diễu hành ở sân Marigny [6] dưới sự điều khiển độc đoán của anh hàng mắm mà người ta đã tâng anh ta lên thành vị chỉ huy của tôi.[7]**

Các ông bộ trưởng hay các vị đại biểu Quốc hội cũng cần phải lục lọi, rà soát, xem xét, huy động cho bằng hết mọi thứ, mọi ý tưởng của đất nước này trong những cuộc thảo luận, tranh cãi về những kế hoạch hời hợt và tầm phào. Ví như họ sẽ phải dựng ngành nghệ thuật thế kỷ XIX lên để cật vấn, xét hỏi nhưng lại chẳng biết người khác đã nói gì, bình phẩm gì về kẻ “bị cáo” nghiêm túc và lừng lẫy đó – kẻ đã không đáp lời, chỉ lẳng lặng làm ra những tác phẩm tuyệt vời. Rồi các vị quản lý, các nhà lập pháp cũng phải thấy có lợi cho việc tiêu khiển thời gian bằng các cuộc hội thảo mà những thầy giáo ở thôn quê của chúng ta cũng phải nhún vai và quay mặt đi. Các vị công bộc đó cũng thấy thật hữu ích khi tuyên bố hùng hồn rằng chính nghệ thuật sân khấu hiện đại [8] đã sinh ra các thói loạn luân, ngoại tình, phản phúc, giết con, đầu độc và qua đó lại tự chứng tỏ rằng bản thân chẳng biết gì về Phèdre, Jocaste, Œdipe, Médé hay Rodogune [9]. Rồi những nhà hùng biện chính trị của xứ sở này sẽ dành trọn ba ngày, lẽ ra là dành cho vấn đề ngân sách, để thao thao về Corneille, Racine [10] một cách lẫn lộn và ba hoa về văn chương để tự làm lộ ra cho nhau những lỗi ngớ ngẩn về tiếng Pháp.

Tất cả những vấn đề vừa kể quả là quan trọng nhưng chúng tôi tin rằng còn có những vấn đề khác quan trọng hơn.

Quốc hội sẽ nói gì nếu giữa những cuộc cãi vã vô bổ và loạn ẩu giữa các phe phái đối nghịch nhau bỗng xuất hiện một người đứng thẳng lên và phát ra những lời nghiêm túc như sau:

“Các vị hãy im đi, dù quí vị là ai, hãy im đi những người đang lớn tiếng phát biểu ở đây![11] Các vị tưởng đang nói trúng vấn đề nhưng thực ra không phải. Vấn đề là đây: cách đây chừng một năm Công lý đã đến nhay đầu một người đàn ông ở Palmiers bằng một con dao cùn và phải hơn năm lần chặt kẻ đáng thương đó mới được chết cho hẳn. Ở Dijon nó đã tới giựt đầu một mụ đàn bà. Còn ở Paris nó đã hành quyết âm thầm không biết bao người [12]. Vấn đề là đó. Các vị hãy xem xét vấn đề này rồi hẵng cãi cọ về chuyện cúc áo của lính dân phòng nên màu đỏ hay màu vàng hoặc phải chăng đảm bảo có phải là từ đẹp hơn chắn chắn không [13].

“Thưa các quí ông phái trung, thưa các quí ông phái tả và phái hữu, phần lớn dân chúng đang lầm than đấy! Dù các vị có gọi nước ta là cộng hòa hay quân chủ thì sự thật nhân dân vẫn đang phải khốn khổ. Đó là một sự thật.

“Nhân dân đang đói, đang rét. Sự cùng khổ đang đẩy họ vào các tội lỗi và suy đồi tùy theo khả năng của họ là đàn ông hay đàn bà, các vị ạ. Hãy thương xót họ, những người đang bị nhà tù cướp mất con trai và nhà thổ nẫng mất con gái. Các vị quả có quá nhiều tù khổ sai, quá nhiều gái điếm rồi. Hai vết thương này đã thành vết loét mất rồi. Còn cái cơ thể xã hội của quí vị cũng đã bị bệnh tật ăn vào tận xương tủy rồi. Quí vị đã ở ngay bên cạnh con bệnh rồi, xin hãy tập trung vào chứng bệnh để chữa đi.

“Chứng bệnh đó, quí vị chữa tồi quá. Cần phải xem xét kỹ hơn nữa. Những pháp luật mà các vị làm, nếu thực là các vị làm, thì cũng chỉ là những thứ thuốc xoa, những món đối phó thôi. Một nửa số luật các vị đã làm thuộc những loại tầm thường, còn nửa kia thì thuộc loại thiếu cơ sở nghiên cứu. Loại hình phạt đóng dấu lửa vào người trước đây thì chẳng khác gì chữa vết thương ngoài da bằng cách đốt cho nó loét thêm. Đó là hình phạt ngu xuẩn, tạc tội, đóng chặt tội lỗi vào con người! Làm cho tội lỗi và con người luôn song hành, như hình với bóng, không thể rời nhau. Còn nhà tù lại là một cách chữa bệnh vô lý, tồi tệ hơn: định thu lấy hết các chất độc vào một chỗ rồi trả lại cơ thể những chất còn độc hơn. Án tử hình thì rõ là một loại tước đoạt thân thể con người quá man rợ.

“Tuy nhiên, trong ba loại đó, quí vị đã bỏ đi được cách chữa bằng đóng dấu lửa rồi[14]. Nếu sáng suốt, các vị hãy loại hết những cách chữa vô lý còn lại đi. Thanh sắt nung đỏ, xiềng chân và con dao chặt đầu, ba phần của một tam đoạn luận [15]. Quí vị đã bỏ được phần đầu thanh sắt nung đỏ thì những phần sau đâu còn ý nghĩa gì để tồn tại. Ngài Farinace xưa kia cũng hung bạo nhưng ngài không phải là người vô lý [16].

“Xin các ngài hãy phá giúp tôi cái thước định lượng tội phạm và hình phạt đã cũ rích, đã khập khiễng ấy đi và hãy làm lại cái mới. Hãy làm lại hình phạt, làm lại các luật, làm lại nhà tù và làm lại cả các thẩm phán nữa. Hãy giúp luật pháp có thêm đức hạnh.

“Thưa các quí ông, hàng năm nước Pháp đã chặt quá nhiều đầu người. Chẳng phải các vị đang phải tiết kiệm sao, hãy tiết kiệm những cái đầu đó. Chẳng phải các vị đang muốn cắt giảm nhân sự sao, hãy giảm bớt các đao phủ. Lương của tám mươi đao phủ của các vị bằng lương của sáu trăm thầy cô giáo đấy.

“Hãy quan tâm tới dân chúng, tới trường học cho trẻ em, tới công xưởng của thợ thuyền. Quí vị có biết nước Pháp là một nước châu Âu có ít người biết đọc nhất không? Trời! Thụy Sĩ, Bỉ, Đan Mạch biết đọc, Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan cũng biết đọc hết, chỉ mỗi Pháp là mù chữ. Thật xấu hổ.

“Rồi quí vị hãy vào nhà tù mà xem những con người đang bị luật pháp của con người đày đọa. Hãy nhìn kỹ họ, nói chuyện với họ, sờ nắn trán họ rồi các vị sẽ thấy những con người đã bị trượt ngã đó đều là một tác phẩm đặc biệt của thiên nhiên, mỗi con người đều là điểm giao giữa nhân tính và thú tính nào đó mà thôi. Người này là mèo, người kia là chó giữ nhà thì kẻ kia nữa lại là vượn, là chó sói hoặc kền kền. Vậy nếu họ có tướng mạo xấu xí, có những cái trán thấp nhỏ hay có những thú tính xấu xa thì trước tiên đó phải thuộc về lỗi của thiên nhiên và sau nữa là lỗi của giáo dục. Vậy nếu thiên nhiên đã thiếu sót thì cớ sao giáo dục lại còn tiếp thêm sai sót nữa cho họ? Đó chính là chỗ các vị phải chú tâm. Phải tạo ra một nền giáo dục tử tế, quảng đại cho người dân. Giáo dục phải làm sao cho trí não trong những cái đầu đáng thương đó lớn được lên. Các dân tộc cũng thế thôi, lớn lên hay nhỏ đi, vầng trán rộng thêm hay hẹp đi, cũng là do giáo dục tốt lên hay tồi đi thôi. La Mã và Hy Lạp đã từng có những vầng trán cao. Quí vị phải cố gắng làm sao để vầng trán của dân tộc ta cũng sẽ lớn rộng như thế.

“Nhưng biết đọc chưa đủ. Đừng để cho trí não quí vị đã khai mở lại lầm lạc trong những chữ nghĩa sai lầm. Đó là cái hại của biết chữ. Không, ngàn lần không, thà mù chữ còn hơn là biết chữ để bị lôi theo, bị trói vào những khoa học bất nhân. Không. Quí vị nhớ cho rằng có ít nhất một cuốn sách thông thái hơn cuốn Compère Mathieu [17], giá trị hơn cuốn Constitutionnel [18] và vĩnh cửu hơn Hiến chương 1830 [19]. Đó là các sách thánh. Lời giải thích xin hãy nghe dưới đây.

Dù quí vị làm gì xin hãy nhớ số phận của nhiều người, của phần lớn dân chúng, của đa số, vẫn sẽ luôn luôn còn nghèo, còn bất hạnh và còn u buồn. Đa số đó luôn phải gánh công việc nặng nhọc, phải đẩy, phải kéo, phải mang những gánh đời nặng nề. Quí vị hãy xem kỹ cái cán cân này: tất cả những vui thú của người giàu một bên và tất cả những thống khổ của người nghèo ở bên kia. Phải chăng hai phần không bằng nhau? Phải chăng cái thế cân bằng đó không cần thay đổi? Và bây giờ trong cái số phận của kẻ nghèo, trong cái bàn cân của thống khổ, hãy ném vào thêm sự chắc chắn của một tương lai huy hoàng, đặt thêm vào đó nỗi khát khao về hạnh phúc vĩnh hằng hay cho thêm vào đó một thiên đường. Những đối trọng kỳ diệu! Quí vị sẽ lập được thế quân bình mới: phần của kẻ nghèo cũng phong phú, đầy đủ y như phần của người giàu. Đó là những điều Chúa Jésus đã biết cả, biết xa hơn Voltaire. [20]

Hãy cho những người đang làm lụng vất vả, đang chịu khổ đau, cho những người đang thất vọng về thế giới hôm nay một niềm xác tín vào một thế giới tốt đẹp hơn sẽ tới với họ. Và họ sẽ bình tâm hơn, kiên trì hơn. Kiên trì là đức của hy vọng.

Vậy hãy phát sách Phúc âm cho các làng xã. Hãy mang cho mỗi túp lều một cuốn Thánh kinh. Sách và cánh đồng rồi sẽ cùng nhau sinh ra con người lao động đức hạnh.

“Cái đầu của người dân, trí khôn của dân tộc, đó mới chính là vấn đề. Cái đầu đó vẫn còn đầy tiềm năng và hữu ích. Hãy làm cho cái đầu đó được trưởng thành, được sáng suốt hơn, được rèn rũa tốt hơn trong đức hạnh. Khi đó một kẻ dù có là sát nhân cướp của cũng sẽ thành một công dân trách nhiệm mẫu mực. Hãy chăm sóc, hãy quan tâm, hãy khai sáng, hãy đức hóa, hãy sử dụng cái đầu của người dân và quí vị sẽ thấy không cần phải chặt nó đi làm chi nữa.”

Nguồn: Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp: Claude Gueux, Le livre de Poche, Libretti, Paris 2012. Các chú thích của người dịch có tham khảo chú thích của sách vừa dẫn. Độc giả có thể xem bản tiếng Pháp điện tử: Claude Gueux

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Hồng Sơn & pro&contra


[1] Nguyên văn Victor Hugo lấy tên Jacques Clément (1567-1589), người đã ám sát vua Pháp Henri III năm 1589 vì lý do chính trị. Cuộc ám sát thành công nhưng Jacques Clément cũng phải bỏ mạng ngay lập tức. Hành động của Jacques Clément thường được những người Công giáo đương thời ủng hộ và cái chết của ông được coi như một hành động tử vì đạo.

[2] Juge d’instruction: một ngạch viên chức thuộc hệ thống tư pháp có chức năng như một nhân viên điều tra thu thập chứng cứ theo yêu cầu của bên công tố hoặc của nạn nhân, không có thẩm quyền phán xét.

[3] Pouvoir discrétionnaire: thẩm quyền dành riêng cho thẩm phán trong một số trường hợp được tự quyết định theo ý riêng.

[4] Cắt tóc tử tội để làm lộ phía sau đầu chỗ gáy, nơi lưỡi máy chém bập xuống.

[5] Lobau: một đảo nhỏ nằm trên sông Danube đoạn chảy quaVienne của Áo. Vị bá tước mà Victor Hugo nói đến ở đây là ông Georges Moulon, bá tước vùng Lobau (1770-1838), cũng là thống chế của Đế chế Pháp đương thời, đứng đầu lực lượng phòng vệ quốc gia ở Paris năm 1830. Ông này là đối tượng chỉ trích của dư luận và báo chí đương thời do có quyết định giải tán một cuộc biểu tình bằng cách dùng các máy bơm nước của lính cứu hỏa phun vào người biểu tình.

[6] Một tòa nhà dành cho các tụ họp công cộng, nằm trên đại lộ Champs-Elysée hiện nay ởParis.

[7] ** Ở đây chúng tôi không có ý công kích những việc làm hữu ích của đội quân tuần tra đô thị như giữ gìn bình yên cho phố xá, đảm bảo an ninh cho các gia đình, chúng tôi chỉ phản đối những chuyện vô ích và kỳ cục như tổ chức diễu binh, sắm trang phục lòe loẹt xa xỉ, tạo thêm những danh vị hão và những hoạt động ầm ĩ cho quân đội – những điều chỉ tổ làm cho giới tư sản muốn trở thành quân nhân một cách phù phiếm. (Ghi chú của Victor Huygo. Ông chĩa phê phán vào lực lượng phòng vệ quốc gia – la garde nationale –  được thành lập năm 1789 thời Cách mạng Pháp, một dạng phòng vệ dân sự có chức năng chính nhằm duy trì trật tự và bảo vệ tài sản cho công dân, cùng các giá trị dân chủ. Nhưng lực lượng này đã nhanh chóng tha hóa thành một tổ chức của giới tư sản nhằm khoe khoang và tìm kiếm danh tiếng là chính.)

[8] Thời Victor Hugo tại Pháp đang có những phê phán, chỉ trích xu hướng cách tân của nghệ thuật trong đó có lĩnh vực sân khấu theo xu hướng lãng mạn. Chính quyền thậm chí đã ra qui định về kiểm duyệt sân khấu vì lý do ảnh hưởng xấu đến đạo đức, phong tục.

[9] Đây là những nhân vật có tính kinh điển trong thần thoại Hy Lạp mà giới trí thức Pháp (phương Tây) thường phải biết: Phèdre từng có ham muốn ân ái với con trai (Hippolyte) của người chồng thứ hai của mình; Œdipe đã giết chính cha đẻ mà không biết đó là cha của mình, rồi lại lấy Jocaste mà không biết đó chính là mẹ của mình; Médé đã giết các con của chính mình để trả thù chồng vì ghen; Rodogune: tên một vở kịch của Corneille trong đó có nói đến vấn nạn đầu độc, Rodogune cũng là tên một nhân vật lịch sử vùng Ai-cập cổ đại nhưng không liên quan gì đến đầu độc.

[10] Hai nhà viết kịch nổi danh của Pháp Pierre Corneille (1606-1684), Jean Racine (1639-1699).

[11] Trong lần xuất bản đầu tiên (năm 1834) Victor Hugo nêu rõ tên hai vị đại biểu Quốc hội nổi tiếng đương thời: François Muguin (1785-1854) và Adolphe Thiers (1797-1877). Cả hai cùng là luật sư giỏi, có tài hùng biện, nhưng có quan điểm đối lập nhau một cách triệt để, François Muguin có quan điểm chống,  còn Adolphe Thiers lại ủng hộ chính thể chế độ tháng Bảy (le régime de Juillet) – một chính thể quân chủ lập hiến của Pháp được lập ra sau chính biến tháng Bảy năm 1830. Trong những lần xuất bản sau Victor Hugo không nêu lại tên hai người này nữa và thay bằng cách biểu hiện chung chung như thể hiện trong bản dịch ở đây.

[12] Đây là những vụ hành quyết rất thương tâm do lưỡi dao của máy chém cùn hoặc có lỗi nên không làm đương sự chết được ngay, người (ở Palmers) thì bị chém đến 6 lần mới chết và đầu mới rời được khỏi thân, còn người phụ nữ (ở Dijon) thì chặt lần đầu chỉ đứt được một nửa, sau đó đao phủ và người trợ giúp phải kéo chân đương sự cho đầu đứt rời ra. Những trường hợp này được báo chí đương thời thuật lại và chính Victor Hugo cũng thuật lại trong một tác phẩm khác, Derniner jour d’un condamné (Ngày cuối cùng của tù nhân) năm 1832.

[13] Victor Hugo chế giễu một biểu quyết ngập ngừng của Quốc hội Pháp ngày 15/04/1831 về việc nhận định tình hình nghiêm trọng ở Ba Lan lúc đó bằng việc chọn lựa từ ngữ kiểu nước đôi.

[14] Một đạo luật của Pháp ra ngày 28/04/1832 đã bãi bỏ hình phạt đóng dấu lửa lên người tội phạm.

[15] Tam đoạn luận (syllogisme), phương pháp suy luận do Aristote (384-322 Tr. CN) nghĩ ra để xác định chân lý theo nguyên tắc ba bước (phần): bước 1 gọi là tiểu tiền đề, bước 2 là đại tiền đề và bước 3 là kết luận. Ví dụ: (1) Mọi động vật phải chết. (2) Con người là động vật. (3) Vậy con người cũng phải chết. Ngoài ra còn có nhiều biến thể tam đoạn luận khác.

[16] Prosper Farinace (1554-1613) là một thẩm phán hà khắc và một nhà luật học của La Mã, người có quan niệm luật pháp phải có tính logic chặt chẽ.

[17] Tác phẩm trào phúng của tu sĩ Henri-Joseph Dulaurens xuất bản năm 1765, ban đầu không có tên tác giả và được dư luận cho rằng là của Voltaire vì có nội dung chế giễu, phê phán tôn giáo.

[18] Tên của một tạp chí nổi tiếng đương thời của giới trí thức Pháp ủng hộ chế độ quân chủ lập hiến chế độ tháng Bảy. (Xin xem thêm chú thích số 11.)

[19] Tức bản Hiến pháp của chế độ tháng Bảy.

[20] Victor Hugo có ý phê phán Voltaire (1694-1778) – một hình tượng có tính đại diện cho những triết gia Khai sáng của Pháp – đã thất bại trong việc mang tới những tiến bộ cho xã hội đương thời của Pháp.