Tác giả

Chuyên mục

Trang

Một cước chú về Ngày Nhà giáo Việt Nam

Th11 22, 2013

Trần Ngọc Cư

Năm nay, tôi không nhận được lời chúc mừng “Ngày Nhà giáo Việt Nam” nào cả. Thú nhận với các bạn học sinh cũ của tôi ở Quảng Trị và ở Huế là tôi rất mừng về sự lãng quên này.

Một, tôi không phải là nhà giáo được đào tạo và hành nghề trên lãnh thổ VNDCCH hay CHXHCNVN, và nếu tôi còn ở trong nước, khả năng rất lớn là tôi đã “mất dạy” hay tự ý bỏ nghề sau năm 1975.

Hai, tôi lấy làm xấu hổ với hiện tượng “tiên học lễ, hậu học văn” đang diễn ra trong ngành giáo dục Việt Nam hiện nay – học lễ là học cách lo lễ vật cho thầy, cô bằng hiện vật hoặc thông qua việc học thêm với chính các thầy, cô của mình; mà nếu không, người học sinh có thể bị thầy cô trù dập bằng điểm xấu hay bằng lời phê nghiệt ngã có ảnh hưởng tiêu cực cho cả một tương lai.

Ba, ngày Nhà giáo Việt Nam, thậm chí nếu không phải là một biện pháp mị dân từ phía nhà nước cộng sản để xoa dịu một trong những giới chịu nhiều thiệt thòi kinh tế nhất, thì cũng biểu hiện một sự phân biệt đối xử với các chức năng hay nghề nghiệp khác trong xã nội. Nếu bảo rằng người Việt Nam vốn tôn trọng truyền thống Khổng giáo gồm bộ ba “quân, sư, phụ”, thì trong các ngày lễ quan trọng của ta hiện nay hãy còn thiếu Ngày Cha (Father’s Day) và Ngày Chủ tịch nước (Presidents’ Day). Nếu bảo “chế độ ta dân chủ, công bằng triệu lần hơn…” thì cũng phải sắm thêm cả Ngày Nông dân, Ngày Thư ký, v.v…

Tôi lợi dụng sự quên lãng của học trò cũ đối với mình (dù chỉ trong Ngày Nhà giáo năm này thôi), để viết một cước chú cho nhẹ tâm tư, điều mà tôi không có đủ táo bạo để viết ra trong những năm tôi còn nhận lời chúc mừng ấy – vì làm như thế hình như có một chút gì bẽ bàng trong cách ứng xử. Và hi vọng từ nay tôi sẽ được các anh chị học trò xưa thăm hỏi hồn nhiên, không cần thông qua lời chúc mừng “Ngày Nhà giáo Việt Nam”.

© 2013 Trần Ngọc Cư & pro&contra